Thủ tướng Pháp chỉ đạo việc sử dụng phần mềm tự do nguồn mở

Ngày 19/9/2012, thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault ký chỉ thị số 5608/SG gửi các bộ trưởng yêu cầu thực hiện một văn bản chỉ đạo về “Sử dụng phần mềm tự do trong quản lý nhà nước” do Ban chỉ đạo liên bộ về các hệ thống ICT soạn thảo. .

Chỉ thị của thủ tướng nói rõ: “Sau nhiều năm vấn đề sử dụng phần mềm tự do đã là đối tượng của nhiều cuộc thảo luận, đến nay có thể ghi nhận những định hướng và khuyến nghị về việc sử dụng đúng phần mềm tự do…Tôi yêu cầu các bộ trưởng thực hiện trong bộ của mình những định hướng xác định trong tài liệu kèm theo đây”.

Hội đồng quốc gia vì phần mềm tự do, một tổ chức vận động hành lang, nhận xét rằng mặc dù chính phủ Pháp đã dùng phần mềm tự do từ lâu nhưng ít khi phát biểu một lập trường rõ ràng và có hành động cụ thể như lần này. Hội đồng cũng cho biết hiện Pháp có 30.000 người làm việc trong lĩnh vực phần mềm tự do và có tỷ lệ tăng trưởng 30%/năm.

Một số nét lớn trong văn bản chỉ đạo được trình bày vắn tắt dưới đây. Một số ý trong đó đã có trong nhiều tài liệu khác. Nhưng điều đáng quan tâm là xem chính phủ của một cường quốc nhận định chính thức về PMTD và chỉ đạo triển khai trong các cơ quan công quyền như thế nào . Các đầu đề từng mục dịch theo nguyên bản, phần nội dung lược dịch, phỏng dịch tóm tắt. Nguyên bản tải về tại đây.

I. Nguồn gốc và các cơ sở của phần mềm tự do

I.1-Mô hình phần mềm tự do

Văn bản chỉ đạo này dùng thuật ngữ “Phần mềm tự do – logiciel libre” (viết tắt PMTD) như một mô hình sở hữu trí tuệ tuân theo các nguyên tắc:

  • tự do dùng phần mềm cho bất kỳ mục đích sử dụng nào;
  • tự do nghiên cứu hoạt động của phần mềm và sửa đổi nó theo nhu cầu;
  • tự do phân phối lại các bản sao chép phần mềm;
  • cho phép cải tiến phần mềm và phân phối những cải tiến đó công khai để có lợi chung cho cả cộng đồng.

và để thực hiện được các nguyên tắc đó, mã nguồn của phần mềm phải được truy cập tự do.

Từ các nguyên tắc trên, PMTD có các đặc trưng:

  • Như mọi mô hình sở hữu trí tuệ khác, nó có đặc tính “tự nuôi dưỡng”. Giấy phép sử dụng GNU GPL bắt buộc mọi người sử dụng PMTD phải đóng góp trở lại cho cộng đồng những cải tiến, sửa chữa mà mình thực hiện. Đóng góp tập thể là một nguyên tắc đảm bảo sự phát triển năng động của PMTD.
  • Sự phát triển của PMTD được định hướng bởi nhu cầu của người sử dụng. Các nhu cầu và ưu tiên phát triển do cộng đồng quyết định. Cộng đồng sẽ không quan tâm phát triển những tính năng chỉ có ít người cần đến.
  • Mô hình PMTD đảm bảo sự kiểm soát của cộng đồng. Trong một số cộng đồng PMTD có một số tác giả các phần mềm độc quyền rất tích cực. Do quyền lợi riêng của công ty, họ có thể hướng sự phát triển rời xa khỏi quyền lợi của cộng đồng. Mô hình PMTD cho phép những người đó có thể tạo một nhánh riêng (fork) phát triển theo ý họ.
  • Mô hình cho phép tạo nên sự ganh đua cần thiết cho sáng tạo. Dù đi theo cộng đồng chung hay một nhánh riêng, những người tin rằng mình có một ý tưởng hay luôn có thể tự đầu tư và tập hợp một cộng đồng xung quanh ý tưởng đó. Những ý tưởng sống sót được phải xứng đáng được một số đông các nhà phát triển và người sử dụng ủng hộ.

Tuy tự do như vậy nhưng không có nghĩa là không có nghĩa vụ. Người sử dụng PMTD phải tuân thủ các loại giấy phép sử dụng đi kèm với phần mềm đó. Đặc biệt, sử dụng PMTD trong một hệ thống thông tin chuyên nghiệp phải nhận thức được các nghĩa vụ quy định trong các giấy phép sử dụng. Điểm này được nhấn mạnh vì mục tiêu là dùng PMTD trong các hệ thống thông tin chuyên nghiệp của các bộ.

I.2-Các dịch vụ về PMTD

Nếu như các quyền đối với PMTD không gắn liền với một sự đền bù tiền bạc nào, điều đó không có nghĩa là khi đưa nó vào sử dụng hoàn toàn không tốn tiền, nhất là trong môi trường chuyên nghiệp.

Thật vậy, cũng như mọi phần mềm khác, PMTD cần được: a/tích hợp vào hệ thống thông tin, b/đảm bảo kỹ thuật (bảo trì, hỗ trợ) để hoạt động và c/phát triển các chức năng theo nhu cầu sử dụng. Các công việc đó, hoặc là đơn vị sử dụng tự làm hoặc thuê ngoài.

Như vậy, mô hình “mua giấy phép sử dụng và bảo trì” khi dùng các phần mềm nguồn đóng được thay bằng mô hình “mua dịch vụ” khi dùng PMTD. Những hệ thống thông tin quan trọng cần sự hỗ trợ mạnh và phản ứng nhanh, thường là từ đơn vị chuyên nghiệp bên ngoài. Trong những hoàn cảnh khác, sự hỗ trợ của cộng đồng là đủ.

II. Phần mềm tự do là một sự lựa chọn hợp lý

II.1-Các ưu điểm

Trong hệ thống công quyền, PMTD có các ưu điểm sau:

  • PMTD không có nghĩa là không mất tiền, nhưng chi phí của nó khá rẻ và có thể “khoanh vùng” (modulable) tủy theo mức độ quan trọng của hệ thống;
  • PMTD định hướng theo nhu cầu sử dụng, giảm thiểu các phát triển thừa;
  • PMTD cho phép quản lý các phiên bản theo hoàn cảnh sử dụng, thậm chí có thể cố định một phiên bản có sự hỗ trợ dài hạn;
  • PMTD thuận lợi cho việc dùng thử và thích ứng theo khối lượng sử dụng. Do không hạn chế quyền sử dụng nên có thể thay đổi mạnh không bị hạn chế;
  • PMTD dùng chung làm cho cho các cơ quan nhà nước đều có lợi.
  • PMTD mang lại sự trong suốt ngày càng tăng trong các chính sách an ninh hệ thống (?).
  • PMTD tạo nên môi trường cạnh tranh thật sự khi mua dịch vụ từ các công ty một cách bình đẳng do phải công bố mã nguồn.

II.2-Những hạn chế/các điểm cần lưu ý

  • Mỗi PMTD gắn với một cộng đồng. Vì vậy cần nhận biết và theo dõi cộng đồng đó để đảm bảo tính lâu dài và nghiêm chỉnh của giải pháp đã chọn.
  • PMTD không có nghĩa là không có quyền sở hữu trí tuệ, mà là một dạng khác của quyền đó. Vì vậy phải quản lý được quyền sở hữu trí tuệ trong PMTD, đặc biệt là khi phát triển phần mềm.
  • Đối với người sử dụng cuối bình thường, tâm lý về thương hiệu và marketing có cả với phần mềm. Vì vậy PMTD miễn phí đôi khi bị xem là không có giá trị.
  • Khả năng đóng góp vào việc phát triển phần mềm do có được mã nguồn không nên dẫn đến nhiều những phần bổ xung riêng có thể làm mất liên hệ với cộng đồng phần mềm gốc và buộc phải tự hỗ trợ một giải pháp riêng, cô lập lâu dài.
  • Sử dụng PMTD không nên chỉ đơn thuần lợi dụng nó. Cần hỗ trợ mô hình phát triển PMTD bằng cách đóng góp cho nó dưới dạng này hay dạng khác từ những lợi ích đã thu được.
  • Một số tác giả PMTD tạo ra các phiên bản gọi là “enterprise” hoặc “premium” với giấy phép sử dụng kiểu phần mềm độc quyền cổ điển và một phiên bản “communaute” theo giấy phép PMTD nhưng thường kém hơn các phiên bản trên. Những phiên bản do một nhóm tác giả chứ không phải một cộng đồng đưa ra cần được sử dụng một cách thận trọng vì luôn có nguy cơ biến thành một phần mềm độc quyền.

II.3-Những bối cảnh sử dụng PMTD khác nhau

Khi quyết định sử dụng, thậm chí phát triển PMTD cho một hệ thống thông tin, cần phân tích các tiêu chuẩn tính đến: a/hoàn cảnh sử dụng, b/số người liên hệ, c/mức độ phức tạp của hệ thống và d/những việc cần làm.

II.3.1-Những hoàn cảnh thuận lợi cho việc sử dụng PMTD.

II.3.1.1.Đã có một PMTD được quốc tế công nhận.

Một số PMTD do một cộng đồng phát triển rất mạnh và có nhiều người dùng (JBoss, Firefox,…). Những phần mềm đó có thể dùng ngay, giảm ngay được chi phí và thường chỉ cần sự hỗ trợ của cộng đồng là đủ. Tuy nhiên cần thiết lập quan hệ với các nhà phát triển phần mềm để được hỗ trợ khi có vấn đề, thông báo lỗi và đóng góp cải tiến phần mềm.

Nếu là phần mềm cho người dùng cuối, cần có các bước chuyển đổi, nhất là khi thay phần mềm cũ là phần mềm đang được dùng rộng rãi. Các bước chuyển đổi đó cần đưa vào trong luận chứng kinh tế.

II.3.1.2.Triển khai phần mềm cho một hệ thống lớn

Những hệ thống lớn cần mua hàng nghìn giấy phép sử dụng phần mềm nguồn đóng thì việc dùng PMTD mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ, thậm chí chi phí có thể chỉ bằng 1/10 so với khi dùng phần mềm nguồn đóng.

II.3.1.3.Phần mềm dùng trong môi trường ảo hóa hoặc có mức độ sử dụng thay đổi lớn

PMTD trong môi trường máy ảo cho phép dễ dàng tạo lập các máy chủ ảo, thay đổi số lượng máy chủ hoặc số bộ xử lý dễ dàng. Những hạn chế trong các giấy phép sử dụng phần mềm nguồn đóng không cho phép thay đổi dễ dàng như vậy, tạo ra những phức tạp và chi phí sử dụng không được tối ưu.

Phí bản quyền phần mềm nguồn đóng gắn chặt với công suất xử lý tối đa cho phép. Trong khi đó, phí dịch vụ của PMTD không liên quan cường độ sử dụng, chỉ phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ yêu cầu. Thực tế sử dụng trong môi trường liên bộ cho thấy, phí dịch vụ đó rất thấp so với phí bản quyền.

(còn tiếp)

 

Tiêu tiền phần mềm hợp lý

Tóm tắt dành cho lãnh đạo: bài viết bàn cách tiêu tiền hợp lý để mua phần mềm khi không còn dùng phần mềm không bản quyền được nữa. Ngoài loại phần mềm thường dùng, còn có một phương án hiệu quả, chi phí thấp nên được cân nhắc xem xét là phần mềm nguồn mở. Một vài cách khác để tiêu tiền hợp lý cho phần mềm nói chung cũng được điểm qua.

Gần đây, các bang của Mỹ liên tục dùng bản quyền phần mềm để dựng hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu bằng cách yêu cầu cơ sở xuất khẩu phải xuất trình giấy chứng nhận sử dụng phần mềm có bản quyền hợp pháp.

Giám đốc mới của Microsoft Việt nam cũng đã gửi lên báo một câu mắng khá nặng, nhưng hoàn toàn đúng: “Không có ai tự hào nếu mình là người đi ăn cắp” (nguồn: http://www.thongtincongnghe.com/article/36663). Nếu là người tự trọng, chắc không ai muốn xếp mình vào loại người như thế.

Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể dùng phần mềm “chùa”, “bẻ khóa” được nữa.

Nhưng tiêu tiền vào phần mềm thế nào cho hợp lý là chủ đề của bài viết này dành cho những người sẽ phải quyết định và duyệt chi tiền cho phần mềm.

1-Hai phương án tiêu tiền vào phần mềm

a/ Mua phần mềm thương mại.

Cách đơn giản nhất là bỏ tiền ra mua quyền sử dụng tất cả những phần mềm đang dùng “chùa” hiện nay. Số tiền đó không nhỏ (riêng Windows+Office khoảng 6tr/máy, AutoCAD khoảng 5000USD/bản nếu mua lẻ).

Ngay cả khi bỏ tiền ra mua, cũng cần hiểu rõ các quy định của giấy phép sử dụng. Có một số quan niệm sai lầm cần được nêu ở đây:

  • Tôi mua máy tính hàng hiệu, đã cài sẵn Windows có bản quyền. Windows chỉ là hệ điều hành. Để dùng được máy tính, bạn phải cài thêm nhiều phần mềm khác: bộ phần mềm văn phòng MS Office, phần mềm chống virus, phần mềm từ điển v.v…. Những phần mềm đó đều phải mua.
  • Tôi đã mua một bộ Microsoft Office và có quyền cài cho tất cả các máy trong công ty. Thông thường, một bản phần mềm đã mua chỉ được phép cài trên một máy (trừ khi bạn mua theo một thỏa thuận riêng với hãng và số tiền cũng tính theo số máy). Thậm chí có những giấy phép quy định chặt chẽ chỉ được dùng trong một loại công việc (vd: dành cho giáo dục), chỉ được cài trên máy đặt ở một địa điểm đã đăng ký trước (một số phần mềm máy chủ). Nếu bạn mua phần mềm máy chủ với số người dùng nhất định, khi số nhân viên tăng lên quá số đó, bạn phải trả thêm tiền.
  • Tôi đã mua phần mềm và trả tiền 1 lần, thế là xong. Một số phần mềm, ngoài số tiền mua quyền sử dụng ban đầu, hàng năm bạn phải trả phí bảo trì để có thể cập nhật, sửa các lỗi và nâng cấp lên phiên bản mới (nếu có), được hỗ trợ kỹ thuật khi có trục trặc. Phí này không nhỏ, có thể tới 10% giá trị ban đầu. Nếu không trả phí, phần mềm không được cập nhật có thể chứa các lỗ hổng an ninh, các lỗi về tính năng v.v….
  • Các khoản chi trong tương lai không chỉ có phí bảo trì. Bạn phải dự trù cho các khoản sau:
      • Các phiên bản mới của phần mềm sẽ xuất hiện một vài năm sau. Có loại được nâng cấp miễn phí, nhưng cũng có loại phải mua mới hoặc là chấp nhận dùng các phiên bản cũ, lạc hậu.
      • Các phần mềm máy chủ thường được bán với số người truy cập đồng thời nhất định. Nếu nhu cầu công việc của bạn tăng lên, số nhân viên nhiều lên, bạn sẽ phải trả thêm tiền.
      • Khi nền tảng mạng, máy tính của bạn đã là Windows, các phần mềm ứng dụng khác chạy trên nền tảng đó đều phải trả tiền. Do đó sau này, cần dùng thêm một phần mềm ứng dụng mới là phải bỏ tiền mua.
      • Các hãng làm phần mềm thương mại thường có thủ thuật kỹ thuật để giữ chân khách hàng. Sau một thời gian sử dụng, nếu bạn phát hiện có phần mềm mới cùng công dụng nhưng hay hơn, việc bỏ phần mềm cũ, thay phần mềm mới không đơn giản và có thể phải tốn nhiều tiền, thường được gọi là chi phí “thoát ra” khỏi một phần mềm.
      • Khi dùng một phần mềm thương mại độc quyền, bạn bị “trói” vào hãng sản xuất ra phần mềm đó: hãng phát triển không tốt, bạn sẽ bị thiệt vì phần mềm chậm đổi mới, hỗ trợ không tốt; hãng thay đổi các điều kiện liên quan đến khách hàng, bạn buộc phải chấp nhận; số đại lý của hãng ít, khi đại lý đang phục vụ bạn sập tiệm sẽ khó tìm đại lý mới hỗ trợ; phần mềm không hỗ trợ kết nối với các phần mềm khác mà bạn cần v.v….
  • Việc xây dựng hệ thống phần mềm thiếu quy hoạch kiến trúc, chắp vá, dựa trên nhiều loại sản phẩm độc quyền có thể làm cho hệ thống thông tin của bạn giống như tình trạng xây dựng đô thị hiện nay: càng về sau càng phải chi nhiều tiền “giải phóng mặt bằng” mà hiệu quả thấp, buộc phải áp dụng các “giải pháp” làm cầu vượt, xén hè, phân làn,… Cách giải quyết vấn đề này sẽ bàn thêm ở phần sau.

Tóm lại, nếu quyết định bỏ tiền ra mua phần mềm thương mại cũng cần có tư vấn, tìm hiểu kỹ cả trong và ngoài giấy phép sử dụng của nó.

b/ Dùng phần mềm nguồn mở

Nhưng điều quan trọng nhất bỏ tiền mua phần mềm thương mại chưa phải là cách tiêu tiền hợp lý vì còn một phương án nữa để cân nhắc, lựa chọn.

Ngoài phần mềm phải bỏ tiền ra mua (thường được gọi là phần mềm thương mại, phần mềm nguồn đóng), còn một loại phần mềm nữa cũng đang được dùng rất nhiều hàng ngày nhưng ít người biết. Đó là phần mềm nguồn mở (PMNM):

  • Google, Yahoo, Facebook hiện đều đang dùng PMNM để chạy các máy chủ. Facebook có 30.000 máy chủ, 900 triệu người dùng, Google có khoảng 1 triệu máy chủ tiêu thụ cỡ 600 MW điện (nhà máy thủy điện Hòa bình 1900MW).
  • Khoảng 60-70% các trang web trên thế giới hiện nay xây dựng và chạy trên nền PMNM. Một ví dụ: cổng thông tin của phủ Tổng thống Mỹ data.gov là PMNM.
  • Ba sàn chứng khoán thuộc loại lớn nhất thế giới Tokyo, London, NewYork và nhiều sàn khác cũng đang chạy phần mềm giao dịch chứng khoán là PMNM.
  • Ngành giáo dục Brazin có 53.000 phòng máy tính phục vụ 52 triệu học sinh cũng dùng PMNM.
  • Thành phố Munich (Đức) có khoảng 15.000 máy tính cá nhân trong hệ thống quản lý nhà nước, hiện đã chuyển được 9000 máy sang dùng PMNM và đến 2015 sẽ chuyển hết.
  • Khoảng 40% các smartphone dùng Android là một PMNM.
  • Và còn nhiều nơi nữa: quân sự, làm phim, chế tạo ô tô,…. Các thông tin chi tiết hơn về PMNM đang được dùng ở đâu có thể xem thêm tại https://zxc232.wordpress.com.
  • Tại Việt nam, tập đoàn Viettel trong năm 2011đã chuyển khoảng 7000/15000 máy tính cá nhân tại 64 chi nhánh trong cả nước sang dùng PMNM và vẫn đang tiếp tục.
  • Từ 2006, PMNM được chính thức công nhận, khuyến khích áp dụng trong các cơ quan nhà nước Việt nam. Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2020 xác định PMNM là một trong 6 trụ cột chính để phát triển (nguồn http://ictnews.vn/home/CNTT/4/6-tru-cot-chinh-phat-trien-cong-nghiep-CNTT-den-nam-2020/102829/index.ict).
  • v.v….

Tóm lại, trên máy chủ cũng như máy tính cá nhân và trong nhiều ngành khác nhau, PMNM đang được dùng rộng rãi trên thế giới. Điều đó chứng tỏ độ tin cậy, tính năng của chúng hoàn toàn chấp nhận được.

2- Phần mềm nguồn mở là gì?

Phần mềm nguồn mở (còn gọi là phần mềm tự do) là loại phần mềm mà giấy phép sử dụng nó cho phép:

  • người dùng được tự do tải phần mềm từ Internet về dùng miễn phí cho bất kỳ một mục đích nào;
  • người dùng được tự do nghiên cứu, sửa đổi phần mềm theo nhu cầu.
  • người dùng được tự do sao chép, phân phối lại phần mềm không phải trả phí cho tác giả.

Chi tiết hơn về phần mềm nguồn mở có thể tham khảo tại http://bit.ly/QDY6mG

Phần mềm thương mại đã nói ở trên khác biệt so với PMNM ở các điểm chính sau:

  • Để được sử dụng phải trả tiền và tuân thủ các quy định của giấy phép đó về mục đích sử dụng, số máy được cài v.v… Không được tự ý sao chép, phân phối lại cho người khác.
  • Không công bố mã nguồn để đảm bảo độc quyền và bí mật thương mại (vì vậy còn gọi là phần mềm nguồn đóng). Do đó, người dùng không thể tìm hiểu và sửa đổi, phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp.

3-Ưu nhược điểm chính của PMNM

  1. Hoàn toàn miễn phí bản quyền sử dụng và cập nhật (trừ một số trường hợp đặc biệt). Chỉ có phí cài đặt, bảo trì, chuyển đổi dữ liệu, đào tạo, hỗ trợ sử dụng (nếu muốn mua) và phí xây dựng phần mềm theo yêu cầu trên nền PMNM (nếu cần). Cần nhấn mạnh là PMNM không có nghĩa là miễn phí hoàn toàn, nó có các loại phí như nêu trên. Nhưng phí đó nhỏ hơn mua phần mềm thương mại khá nhiều.
  2. PMNM có thể cài trên bao nhiêu máy tùy thích, số người dùng tùy ý chỉ giới hạn bởi năng lực kỹ thuật của phần mềm, dùng ở bất cứ chỗ nào cần.
  3. PMNM để tự do trên Internet, có thể tải về dùng thử và lựa chọn thoải mái, tuân theo các chuẩn mở nên chuyển đổi dễ dàng, miễn phí từ phần mềm này sang phần mềm khác, kết nối với nhau dễ dàng, v.v… Tóm lại là tự do, không bị phụ thuộc nhà cung cấp.
  4. PMNM cho phép nhà lập trình sửa đổi mã nguồn của phần mềm. Do đó nếu có gì không ưng ý, có thể sửa.
  5. Hiện tại, PMNM hầu như không có virus và các loại phần mềm gián điệp. Do đó: a/đảm bảo an ninh – bảo mật, không lo bị ăn trộm dữ liệu; b/không bị ngừng trệ hoạt động, tốn chi phí vào sửa các máy bị nhiễm virus (chi phí này cũng phải được tính trong chi phí sử dụng phần mềm).
  6. Do một cộng đồng rộng lớn phát triển nên các lỗi nếu có thường được sửa nhanh (do không phụ thuộc vào kế hoạch, nguồn lực của công ty như phần mềm nguồn đóng).
  7. Nhược điểm chính khi đưa PMNM vào thay thế phần mềm Windows là gặp sự kháng cự của người dùng do: a/không muốn thay đổi thói quen, b/phải học thêm một cái mới và c/không được dùng máy tính làm việc riêng. Nhược điểm thứ hai: các công ty, cán bộ kỹ thuật chuyên về PMNM ở Việt nam hiện nay còn ít.

Như vậy, hiệu quả của PMNM không chỉ là chi phí thấp do không mất phí bản quyền. Nó còn nhiều lợi ích khác như đã nêu ở trên cần được cân nhắc khi lựa chọn.

4- Tiêu tiền về phần mềm thế nào là hợp lý?

Phần mềm là một công cụ sản xuất, kinh doanh. Mua sắm, trang bị nó cũng như các công cụ máy móc khác: chi vừa đủ tiền đáp ứng đúng nhu cầu. Tức là dựa trên đánh giá hiệu quả/chi phí. Dưới đây nói về phần mềm nói chung, không kể là nguồn đóng hay nguồn mở.

a/ So sánh, lựa chọn mọi phương án có thể

Khi đã biết có hai loại phần mềm nguồn mở, nguồn đóng như nói trên, điểm hợp lý đầu tiên là cần so sánh, đánh giá cả hai loại phần mềm cùng chức năng trước khi quyết định.

Những công việc nào dùng được PMNM thì rõ ràng là nên dùng nó vì các ưu điểm nói trên. Ngược lại, những công việc nào mà PMNM không đáp ứng được: chưa có phần mềm, thiếu tính năng quan trọng, năng suất thấp, không kết nối được với thiết bị ngoại vi v.v… thì sau khi cân nhắc tỷ lệ hiệu quả/chi phí có thể dùng phần mềm nguồn đóng.

Ví dụ: Đáng lẽ bỏ tiền ra mua ngay bộ Microsoft Office, nên dùng thử, đánh giá so sánh bộ PMNM LibreOffice hoàn toàn miễn phí. Kinh nghiệm ở Đức đã nói trên cũng như ở Việt nam cho thấy hầu hết các công việc văn phòng đều có thể dùng PMNM.

Chắc rằng cơ quan, công ty của bạn không đến nỗi “cao cấp”, “phức tạp”, “đặc thù riêng” hơn các nơi trên thế giới đã dùng được PMNM nói ở trên. Họ dùng được thì bạn cũng có khả năng dùng được.

Có hai loại sản phẩm ngang ngửa nhau mà chỉ chọn mua trong một loại rõ ràng không phải cách tiêu tiền khôn ngoan.

Ở đây chỉ nói cần cân nhắc, lựa chọn để tiêu tiền hợp lý, không phải bỏ hẳn cái nọ dùng cái kia. Hai loại phần mềm đó có thể phối hợp, bổ xung cho nhau để đạt hiệu quả tốt cho doanh nghiệp.

Tóm lại là đưa vào so sánh cả phần mềm nguồn mở và nguồn đóng cùng chức năng. Cái nào hiệu quả/chi phí cao hơn thì dùng.

Đây cũng không phải điều gì mới. Hiện nay Liên hiệp châu Âu (EU), chính phủ Anh, … và nhiều nơi khác đều quy định khi đấu thầu mua phần mềm phải đưa PMNM vào tham gia như một phương án bình đẳng với phần mềm nguồn đóng.

Kinh nghiệm thế giới nêu trên cho thấy PMNM đã dùng thành công trong những môi trường có yêu cầu rất cao. Vậy nếu ta gặp vấn đề gì đó là do ta chưa biết cách, không phải do PMNM không dùng được.

b/ Chọn đúng cái mình cần

Người bán phần mềm thường quảng cáo những tính năng rất hay ho. Điều bạn cần tỉnh táo là mình có thật cần và phải bỏ tiền ra cho những tính năng đó không.

Chỉ để xem, phê duyệt một bản vẽ thiết kế, mua phần mềm AutoCAD 5000$ là không hợp lý. Có những phần mềm khác dành cho việc đó rẻ hơn nhiều, thậm chí miễn phí.

Cũng vậy, nếu một phần mềm thiếu một số tính năng so với phần mềm khác hoặc không tiện bằng, bạn cần cân nhắc xem bạn có thật cần đến những tính năng, tiện ích đó để trả thêm tiền không?

Đây là điểm các cấp lãnh đạo cần hết sức lưu ý. Cấp dưới bao giờ cũng muốn dùng đồ xịn, cao cấp với những tính năng có khi không bao giờ dùng đến vì họ không phải chi tiền.

Chọn lựa, đánh giá phần mềm là một nghề, cần có tư vấn độc lập, trung thực và có trình độ tốt. Một ví dụ tham khảo về cái nghề đó có thể xem ở http://rfp.technologyevaluation.com/store.asp .

Ví dụ từ site nói trên: để chọn một phần mềm quản lý nhân sự, có 856 tiêu chí (giá bản tiêu chí đó là 240$). Một hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp có 3520 tiêu chí (300$)!!!

Ngoài các tiêu chí kỹ thuật, điều mà doanh nghiệp cần quan tâm là tổng chi phí sở hữu phần mềm (total cost of ownership – TCO). Đó là toàn bộ các chi phí bạn phải bỏ ra trong suốt quá trình sử dụng phần mềm: chi phí bản quyền, đào tạo, cài đặt, bảo trì, sửa đổi, lương cán bộ kỹ thuật IT, tổn thất khi phần mềm trục trặc, chi phí cần có khi bỏ phần mềm này dùng phần mềm khác, v.v…. Hiệu quả về chi phí của một phần mềm phải được đánh giá dựa trên TCO, không phải chi phí ban đầu.

C/ Hệ thống thông tin được thiết kế tốt

Xây dựng hệ thống thông tin trong doanh nghiệp cũng như xây nhà:

  • Nếu nhà (doanh nghiệp) nhỏ thì khỏi cần thiết kế. Lấy một cái mẫu tốt, sửa chút ít là được. Nhưng có thiết kế trước, cân nhắc, sửa trên giấy trước khi xây thì tránh được mất tiền đập phá, sửa sau này.
  • Nếu nhà (doanh nghiệp) tầm trung thì phải thiết kế trước, xem xét cẩn thận trước khi xây để tránh mất tiền sửa.
  • Nếu nhà (doanh nghiệp) quy mô lớn, hoặc ban đầu nhỏ nhưng có tham vọng phát triển lớn, thì cần có quy hoạch, thiết kế kiến trúc rồi mới thiết kế xây dựng. Trong hệ thống thông tin những cái tương ứng là kế hoạch tổng thể (master plan), kiến trúc doanh nghiệp (enterprise architecture) và thiết kế hệ thống (system design).

5- Đầu tiên phải làm gì?

Kinh nghiệm chuyển đổi từ phần mềm nguồn đóng sang phần mềm nguồn mở thành công: a/quyết tâm cao của lãnh đạo và kỷ luật nội bộ nghiêm, b/kế hoạch chuyển đổi (các bước đi) hợp lý, c/có tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật tốt.

Do đó, các bước đi tối thiểu đầu tiên nên làm là:

  1. Thay đổi về nhận thức: tìm hiểu thông tin về ứng dụng PMNM ở các nơi trên thế giới và trong nước từ đó xác định được quyết tâm của các cấp lãnh đạo: dùng được, có lợi mà tốn ít tiền hơn.
  2. Tìm được một công ty tư vấn tin học thật sự có kinh nghiệm triển khai PMNM cho người dùng, biết lắng nghe và hiểu những khó khăn của việc chuyển đổi phần mềm. Điều này rất quan trọng rút ra từ một sai lầm tôi đã gặp.
  3. Dùng thử ở một số máy để tìm hiểu, tăng cường niềm tin và đào tạo đội ngũ kỹ thuật.

Ngay trong bước thăm dò này, những người chống đối dữ dội nhất thường lại là nhân viên của bạn, nhất là đội ngũ kỹ thuật. Đã quen dùng loại phần mềm cũ, họ sẽ tìm ra nhiều lý do để khỏi phải thay đổi. Nếu không muốn mất tiền vô lý, lãnh đạo phải tỉnh táo và có quyết tâm cao.

Khi trong nhận thức lãnh đạo đã hiểu là PMNM đang được dùng thành công khắp nơi trên thế giới và trong nước, tìm được công ty tin học chuyên về PMNM tin cậy và đã dùng thử để có khái niệm cụ thể thì có thể đi tiếp các bước sau ngoài phạm vi của bài viết này.

6- Kết luận:

Cách đây nhiều năm, tôi tình cờ phát hiện ra cái mỏ vàng mà thế giới dùng nhiều nhưng ở ta còn ít biết do thói quen dùng phần mềm “chùa”. Cũng có chút kinh nghiệm triển khai ở cấp độ vài trăm máy cho một doanh nghiệp lớn xin chia sẻ cùng các bạn.

Những điều nói trên đây chỉ rất sơ bộ nhằm đánh động nhận thức các cấp lãnh đạo. Đi vào cụ thể còn nhiều việc phải làm. Chúc các bạn thành công, không tiêu tiền lãng phí.

Các góc nhìn Cơ chế – chính sách phát triển – ứng dụng phần mềm nguồn mở tại Việt nam

Đối với mọi sự vật, hiện tượng, mỗi con người tùy theo hoàn cảnh, đặc điểm cá nhân đều có các góc nhìn khác nhau. Đó là điều bình thường nếu nó không ảnh hưởng đến công việc chung. Bài viết này điểm qua vài nét về quá trình phát triển của cơ chế-chính sách cho phát triển-ứng dụng phần mềm nguồn mở tại Việt nam và một vài góc nhìn cơ chế chính sách đó.

1- Điểm nhanh vài nét về cơ chế-chính sách

Nếu lấy mốc từ 2004, khi dự án tổng thể về Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008 ra đời cho đến nay, đã có nhiều cơ chế-chính sách dành cho PMNM. Ví dụ:

  • Quyết định số 235/2004/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tổng thể về Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008,

  • Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg quy định phải ” Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở”,
  • Quyết định số 08/2007 của Bộ TT-TT ban hành ngày 24/12/2007, những cơ quan, tổ chức khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sẽ phải ưu tiên ứng dụng các sản phẩm phần mềm nguồn mở
  • Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT “Về đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước”
  • Thông tư 41/2009/TT-BTTTT ban hành danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước
  • TCVN 7978:2009 Công nghệ thông tin. Định dạng tài liệu mở cho các ứng dụng văn phòng.
  • Thông tư số 19/2011/TT-BTTTT quy định việc áp dụng tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở trong việc đăng tải, trao đổi, lưu trữ thông tin số của cơ quan nhà nước.
  • Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng phê duyệt đề án “Đưa Việt nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông” có đoạn “Nhiều sản phẩm, giải pháp phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin của Nhà nước và doanh nghiệp do Việt Nam nghiên cứu, phát triển hoặc bản địa hóa từ các phần mềm tự do mã nguồn mở.” và “xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung trên cả nước về …. phần mềm nguồn mở,…
  • Gần đây nhất, dự thảo “Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2020” xác định phần mềm nguồn mở là một trong 6 trụ cột chính để phát triển.
  • v.v….

Chỉ qua một số nét điểm nhanh nói trên, có thể thấy PMNM đã có chỗ đứng vững chắc trong “môi trường chính sách” về công nghệ thông tin Việt nam và vai trò của nó ngày càng tăng lên.

2- Các góc nhìn khác nhau

So sánh với thực tế phát triển, ứng dụng PMNM trong thời gian qua, các fan của PMNM có thể có vài góc nhìn khác nhau về môi trường chính sách cho PMNM nói trên và về thực tế triển khai:

a/ Trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống nhà nước:

Triển khai PMNM hiện nay là một loại công việc “đội đá, vá trời”, rủi ro rất lớn do khả năng thành công thấp, đối mặt với một đám con nghiện Windows đông đảo, với tâm lý ngại thay đổi, ngại phải học cái mới, mất cơ hội dùng máy tính cơ quan để làm việc cá nhân (chơi game, cài thêm phần mềm làm việc riêng,…tỷ lệ này không nhỏ trong các cơ quan nhà nước), sẵn sàng tim mọi lý do, kể cả vô lý nhất để bài xích.

Những người chủ trương, ủng hộ, trực tiếp soạn thảo, ban hành các chính sách đó phải đấu tranh rất khó khăn, chỉ có niềm tin dựa trên nhận thức và thực tiễn nước ngoài, chưa có các thành công trong nước ủng hộ. Trong môi trường quản lý nhà nước, để ủng hộ một cái mới còn tù mù như vậy, họ phải đối diện với nhiều lời ong, tiếng ve, áp lực lobby từ các công ty phần mềm nguồn đóng hùng mạnh và có thể nói thậm chí đã đánh cược sinh mệnh chính trị của mình vào đó.

Cho nên, mỗi bước tiến dù chỉ trên giấy cũng rất đáng trân trọng.

Những người chịu trách nhiệm triển khai PMNM và những người yêu thích PMNM sẽ thấy mỗi một chính sách mới là một nguồn động viên, một chỗ dựa pháp lý, một lý do hợp pháp để đẩy mạnh công việc của mình. Mặc dù vậy, những người chịu trách nhiệm triển khai cũng phải chịu một áp lực rất lớn. Cũng như việc soạn thảo ban hành chính sách, tích cực triển khai PMNM trong các cơ quan nhà nước là đánh cược con đường thăng tiến của mình trong một môi trường vô cùng phức tạp và đầy nguy hiểm. Trần tục, thực tế nhất là mất cả những khoản lại quả không nhỏ khi mua phần mềm nguồn đóng!

Cho nên, những bước đi nhiều khi lắt léo, ngập ngừng của họ là điều dễ hiểu và thông cảm được. Và mỗi bước tiến, dù chỉ trên lời nói, cũng đáng trân trọng.

Ở đây chỉ muốn nói đến nhứng người thực tâm tin tưởng, ủng hộ PMNM. Còn các đối tượng “làm” PMNM vì các mục đích, động cơ khác thì ở đâu cũng có và không cần bàn đến họ.

Hô hào, ủng hộ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đỡ mạo hiểm hơn ủng hộ PMNM rất nhiều!

b/ Trong các cá nhân, tổ chức ủng hộ PMNM ngoài hệ thống nhà nước:

Do thực tế từ chủ trương đến thực hiện chậm, tâm lý chung của các đối tượng này là sốt ruột, hoài nghi, bi quan, chê bai. Thậm chí không ủng hộ, không tham gia từng bước tiến nhỏ trong cơ quan nhà nước, đợi xem có làm thật không mới tham gia!

Điều này thực ra cũng không có gì đáng trách. Xuất phát điểm khác nhau, môi trường khác nhau sẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động khác nhau trong mọi lĩnh vực không riêng gì PMNM. Tấm gương bộ trưởng Thăng đang từ môi trường làm vua một cõi, tiền tiêu như nước, quân cán răm rắp nghe lời sang môi trường làm quan trong triều, va vấp đủ thứ không đáng có là một ví dụ.

Nhà nước hiện vẫn là động lực chính, thị trường chính cho PMNM. Hiểu được cả cái hay cái dở của họ, phê bình những cái khả thi sửa được, ủng hộ mọi bước tiến nhỏ thì sự nghiệp chung mới tiến lên được.

Đứng ở ngoài, họ làm được thì mình có lợi, không làm được hầu như mình chẳng mất gì. Nhưng người trong cuộc thì phải trả giá nhiều khi không nhỏ.

Trước đây tôi có một thời gian làm B, tự cho rằng mình rất hiểu tâm lý bên A. Đến khi làm A mới ngộ ra rằng còn rất nhiều điều chưa hiểu. Thậm chí có những người tưởng như tội phạm, ở trong cuộc mới biết họ là nạn nhân.

Cũng chỉ là lời nói, nhưng một lời ủng hộ từ bên ngoài, nhất là có trọng lượng và phát biểu một cách khôn ngoan cũng hỗ trợ những người trong cuộc rất nhiều. Và nếu có phê phán, chỉ nên nói cái khả thi, sửa được, đừng nói những cái “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Và giả sử bây giờ có một việc làm thật thì sản phẩm yếu, người thiếu, tổ chức lỏng lẻo, kỹ năng, kinh nghiệm triển khai non. Những người ra quyết định, ký hợp đồng dựa vào lực lượng như thế sẽ lao đao như tôi đã từng bị khi dựa vào một công ty tin học hàng đầu trong nước!

Phải nói những điều này vì đã từng là người trong hệ thống nhà nước, đã triển khai được đôi chút về PMNM và chịu trả giá không nhỏ, cá nhân tôi thấy môi trường chính sách về PMNM (và cả những cố gắng triển khai) thời gian qua có những bước tiến liên tục mạnh dạn rất đáng ghi nhận. Nhưng trên báo chí, hội thảo phần lớn là kêu ca, chê trách, đòi hỏi và ít có những đóng góp thiết thực, những ghi nhận về những gì đã làm được.

Triển khai ứng dụng PMNM ngay cả ở hệ thống quản lý nhà nước Anh, Đức cũng không hề đơn giản. Giá như có người nào (mr. LT Nghĩa?) chịu tìm kiếm tài liệu, so sánh con đường đã qua của nước ngoài và chúng ta để đánh giá một cách khách quan và có cơ sở hơn thì hay quá.

Lớp trẻ bây giờ chắc không thể nào hình dung nổi cuối những năm 80 đầu 90 việc khó khăn nhất khi “làm tin học” là thuyết trình cho các cấp lãnh đạo hiểu tin học là cái gì, lợi ích ra sao, sau đó mới mua bán máy tính, phần mềm được!

Bây giờ PMNM đang ở giai đoạn tương tự. Giải thích Ubuntu cũng làm được như Windows, nhưng không thể bắt chúng giống hệt nhau được còn khó hơn lên trời. Hy vọng là sau đây chưa đến 10 năm tình hình sẽ khác hẳn.

Về lựa chọn, ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở trong ngành giáo dục.

Aside

Về lựa chọn, ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở trong ngành giáo dục.

Phan Vĩnh Trị

(Viết theo đề nghị của anh Nguyễn Vũ Hưng, VietLUG theo yêu cầu của anh Quách Tuấn Ngọc).

I. Tình hình chung

Nói đến ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở (dưới đây viết tắt là PMNM) cần phải chia thành 2 lĩnh vực: các phần mềm máy chủ và các phần mềm trên máy để bàn.

Trong lĩnh vực phần mềm máy chủ, nhất là các máy chủ trên Internet, đã từ lâu PMNM giữ địa vị thống trị. Ví dụ: các webserver, mailserver trên Internet có khoảng 70% dùng PMNM (xem); các máy chủ Facebook (với khoảng 1 tỷ người dùng), máy chủ Google, Yahoo đều dùng PMNM (tài liệu đã dẫn ở trên). Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, nhất là thị trường chứng khoán, đang có xu hướng ồ ạt chuyển sang dùng Linux (xem).

Các máy chủ Internet, máy chủ dùng trong tài chính-ngân hàng có yêu cầu rất cao về tính năng, độ ổn định, khả năng chịu tải lớn, an ninh-bảo mật, v.v… Việc PMNM được dùng nhiều như vậy đủ chứng minh năng lực kỹ thuật của nó trong một môi trường khắc nghiệt nhất.

Trong lĩnh vực máy để bàn, PMNM có những bước trưởng thành vượt bậc trong khoảng 10 năm trở lại đây sau khi bản Linux Ubuntu ra đời. Trước đây 10 năm, cài được 1 bản Linux trên máy để bàn và gõ được tiếng Việt cực kỳ vất vả, các phần mềm ứng dụng phổ biến như OpenOffice cũng còn thua xa Microsoft Office. Nhưng đến hiện nay, có thể khẳng định trong phạm vi ứng dụng văn phòng, PMNM hoàn toàn có thể thay thế các loại phần mềm nguồn đóng.

Bằng chứng? Chỉ xin lấy vài ví dụ tiêu biểu:

  1. Thành phố Munich (Đức), quyết định chuyển hệ thống IT với 14.000 máy trạm sang PMNM. Đến năm 2011, đã có 9000 máy trạm được cài Linux. Thành phố quyết định bổ xung ngân sách, nâng số máy dùng Linux lên 15.000 máy vào năm 2013 (xem). Hệ thống IT của Munich rất phức tạp, ứng dụng đã đi vào chiều sâu với hơn 300 ứng dụng, chỉ riêng bộ Office có 21.000 macro, template và form nhưng vẫn chuyển đổi sang PMNM thành công. Điều đó đủ nói lên tính khả thi của việc ứng dụng PMNM trong quản lý nhà nước, nhất là khi dùng cho những nơi chỉ soạn văn bản, bảng tính, duyệt web là chính như ở nước ta hiện nay.
  2. Trong giáo dục cũng đã có những dự án lớn chuyển sang dùng PMNM. Năm 2009, 62.000 trường học tại Nga bắt đầu chuyển sang dùng Linux (xem). Cũng năm 2009, Brazin sẽ trang bị máy tính Linux tại 53.000 phòng máy tính phục vụ cho 52 triệu học sinh (xem). Hai ví dụ này cho thấy PMNM hoàn toàn có khả năng dùng được trong ngành giáo dục.

II. Chọn bản Linux nào dùng cho giáo dục?

Hiện nay, có khoảng hơn 300 bản Linux đang được phát triển (xem).

Để dùng trong giáo dục, ta chỉ xét đến các bản Linux phổ thông, dành cho quảng đại người dùng. Các bản Linux đó bao gồm hệ điều hành Linux và các phần mềm ứng dụng cơ bản (trình duyệt, thư điện tử, ứng dụng văn phòng, ….) được tích hợp sẵn.

II.1-Các đặc điểm cần lưu ý về ngành giáo dục:

  1. Đối tượng sử dụng: học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo từ trung học đến đại học với tuổi tác, trình độ, kỹ năng, nhu cầu trải ra trên một phổ rất rộng và phân bổ trên một phạm vi địa lý rộng nhất trong các ngành: từ tỉnh thành tới các vùng sâu, vùng xa.
  2. Tình trạng trang thiết bị tin học: máy tính, máy in và các thiết bị ngoại vi khác trong các trường đa dạng, nhiều cấu hình, mẫu mã và tuổi khác nhau.
  3. Giai đoạn áp dụng: giai đoạn đầu tiên khi chuyển từ dùng các phần mềm Windows sang PMNM. Đây là đặc điểm quan trọng vì sau này khi đã quen dùng thì việc chuyển từ bản Linux nọ sang bản Linux kia không còn quá phức tạp, cũng tương tự như việc chuyển giữa các phiên bản Windows, MS Office hiện nay.

II.2-Chọn bản Linux nào?

Các bản Linux phổ thông phổ biến nhất hiện nay và miễn phí gồm: Linux Mint, Ubuntu, Fedora, OpenSUSE, Debian (theo xếp hạng trên site Distrowatch.com cho 12 tháng gần đây). Mandriva cũng là một bản Linux tốt, thân thiện, được dùng trong hai dự án giáo dục lớn đã nói ở trên, nhưng hiện nay công ty Mandriva đang gặp khó khăn, phải tái cơ cấu lớn. Debian phổ biến trong giới chuyên môn, dùng làm nền để xây dựng một số bản Linux khác (trong đó có Ubuntu), rất ít dùng trực tiếp cho người dùng cuối mặc dù rất ổn định.

Dưới góc độ người dùng cuối, các bản Linux trên đều khá giống nhau về các tính năng cơ bản. Do đó tính năng không phải là lý do chính khi lựa chọn. Nên chọn Ubuntu vì các lý do sau đây:

  1. Ubuntu phổ biến nhất tại Việt nam (vd: Viettel hiện đã dùng nó trên khoảng 10.000 máy). Do đó, sự hỗ trợ của cộng đồng người dùng là thuận lợi nhất, tài liệu hướng dẫn tiếng Việt tương đối đủ so với các bản khác, diễn đàn người dùng Việt đông và năng động. Kinh nghiệm sử dụng (nói riêng: kinh nghiệm và kỹ năng kết nối với các thiết bị ngoại vi) phong phú. Đó là những yếu tố quyết định đóng góp vào thành công khi triển khai đại trà, trên phạm vi lớn và do đó cũng là yếu tố quyết định nên chọn Ubuntu (Windows hiện nay triển khai rất thuận lợi cũng là nhờ những yếu tố này).

  2. Ubuntu cũng là bản Linux phổ biến nhất trên thế giới hiện nay mặc dù tuổi đời trẻ nhất trong các bản Linux hàng đầu. Điều này khẳng định chất lượng về nhiều mặt của nó trong đó có tính dễ sử dụng.
    Hai điểm này phù hợp với các đặc điểm của ngành giáo dục đã nói ở trên.

  3. Trong 3 sản phẩm thương mại nổi tiếng, có công ty chịu trách nhiệm (Ubuntu, Red Hat và SUSE), Ubuntu là bản duy nhất cho phép tải về dùng tự do (và cam kết luôn luôn tự do), chỉ mua dịch vụ nếu có yêu cầu.
  4. Ubuntu có một số biến thể (derivatives) với các giao diện đồ họa khác nhau (KDE, Xfce, Lxde) phù hợp với các loại cấu hình máy tính từ cao đến thấp (đáp ứng đặc điểm 2 nói trên) và có các biến thể dùng cho các mục đích sử dụng riêng biệt (Ubuntu Studio dành cho multimedia, Edubuntu dành cho giáo dục, có thể tham khảo).
  5. Các bản Linux hiện nay có chu kỳ ra phiên bản mới khoảng 6 tháng 1 lần. Riêng Ubuntu ngoài phiên bản 6 tháng, cứ 2 năm một lần có phiên bản hỗ trợ dài hạn (LTS – Long Term Support) trong 5 năm. Đây là một đặc điểm thuận lợi cho triển khai sử dụng lâu dài, sau 5 năm mới cần nâng cấp lên phiên bản mới.
  6. Fedora, OpenSUSE cũng có nhiều người dùng trên thế giới, nhưng mức độ phổ biến ở Việt nam thấp hơn Ubuntu. Ngoài ra, hai bản Linux đó do cộng đồng phát triển, hỗ trợ các bản Linux thương mại Red Hat và SUSE, không thật sự hướng người dùng cuối dùng ổn định trong công việc. Một trong những mục tiêu của Fedora là cập nhật những cái mới nhất, rất hấp dẫn với người say mê kỹ thuật nhưng lại làm cho nó có tính thử nghiệm, không ổn định. OpenSUSE có nhiều công cụ cấu hình tinh vi nhưng hơi khó dùng và không thân thiện như Ubuntu, nhất là với người mới dùng.
  7. Linux Mint là bản Linux xây dựng trên nền Ubuntu theo hướng thân thiện với người dùng hơn. Hai ưu điểm lớn làm cho Linux Mint đứng đầu bảng xếp hạng gần đây: a/Cài một lần dùng được ngay do đã bổ xung sẵn một số thứ mà Ubuntu còn thiếu, b/Menu chính thân thiện, dễ sử dụng, quen thuộc hơn Unity hoặc Gnome3 mới ra đời. Tuy nhiên hai điểm này cũng dễ dàng thực hiện trên một bản Ubuntu tùy biến (remix). Nhược điểm chính là mặc dù nó phổ biến hàng đầu ở nước ngoài nhưng lại không phổ biến ở Việt nam bằng Ubuntu.
  8. Kinh nghiệm thực tế triển khai Ubuntu tại Việt nam trước đây (các ban đảng, Vinashin,…) và hiện nay (Viettel, …) cho thấy Ubuntu hoàn toàn đáp ứng được các nhu cầu văn phòng thông thường. Kinh nghiệm thành công của Viettel trong đó ba yếu tố quyết định là quyết tâm của lãnh đạo, tính kỷ luật nội bộ cao và cách triển khai đúng là rất đáng tham khảo.

II.3-Một vài điểm lưu ý.

Không có cái gì là hoàn hảo. Nếu như trước đây nước ta toàn dùng Linux, nay chuyển sang dùng Windows cũng sẽ xuất hiện những vấn đề rất lớn (chống virus, tài liệu hướng dẫn tiếng Việt, kinh nghiệm sử dụng, đào tạo người dùng, v.v….).

Khi quyết định dùng Ubuntu (và phần mềm nguồn mở nói chung) trong giáo dục cũng còn nhiều việc phải làm, phải lưu ý:

  1. Khả năng đáp ứng của các phần mềm ứng dụng đối với giáo dục, nhất là cấp trung học cơ sở nơi trình độ sử dụng máy tính, tiếng Anh của các thầy cô và học sinh đều không cao. Một ví dụ: soạn một công thức toán học đơn lẻ trong OpenOffice tuy không trực quan bằng MS Office nhưng không khó lắm. Nhưng nếu soạn, dàn trang cả một tờ đề bài toán phổ thông gồm nhiều công thức bằng OpenOffice là cả một vấn đề với một cô giáo trung học cơ sở! Trước đây, bộ KOffice có cách soạn công thức khá trực quan. Bây giờ chuyển thành Calligra không rõ thế nào, cần tìm hiều thêm. Cũng cần quan tâm đến khả năng viết các công thức hóa học, vẽ các cấu tạo hợp chất, vẽ các mạch điện, sơ đồ vật lý v.v….
  2. Ngoài các phần mềm ứng dụng có sẵn trong Ubuntu, cần tìm thêm các phần mềm chuyên biệt cho các nhu cầu giáo dục (vd: soạn và chọn đề thi trắc nghiệm, v.v…). Thậm chí có thể cần đặt hàng các công ty phần mềm xây dựng, tích hợp: một số phần mềm nhỏ, các extension cho OpenOffice, các template, các form v.v… bổ xung các tính năng còn thiếu nhưng cần thiết và phù hợp với thực tiễn nước ta.
  3. Do tính đa dạng về cấu hình máy tính hiện có, nên có vài bản Linux với môi trường đồ họa khác nhau (KDE, GNOME, Unity, Xfce, Lxde) để cho các trường tự chọn như kinh nghiệm của Nga. Các bản Linux này cũng không phải lấy nguyên bản, cần remix lại, bỏ những cái không cần thiết, bổ xung những phần mềm còn thiếu, sửa đổi giao diện tiếng Việt, cài sẵn bộ gõ, font tiếng Việt, thậm chí cài sẵn các extension có ích vào trình duyệt, Office (tham khảo bản UberStudent), … chỉ cần cài một lần là xong. Nói cách khác là xây dựng bản Linux dành riêng cho giáo dục trên nền một bản Linux có sẵn như kinh nghiệm các nước đã nêu ở trên. Nên đặt hàng rồi đấu thầu sản phẩm của các công ty tin học trong nước.
  4. Đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ dưới ba hình thức. Thứ nhất: các tài liệu hướng dẫn sử dụng tiếng Việt (kể cả đã có sẵn) cần được biên tập lại thật đơn giản, dễ hiểu nhất là đối với cấp trung học cơ sở. Trong tài liệu này, không chỉ hướng dẫn cài đặt, sử dụng nói chung, cần tập hợp cách khắc phục một số lỗi, sự cố thường gặp, cách cài đặt một số thiết bị ngoại vi khó làm (máy in Canon, …). Thứ hai: một trung tâm hỗ trợ online mạnh, có website với mọi thông tin, dữ liệu cần thiết, một forum, công cụ chat và quan trọng nhất là một đội ngũ cán bộ kỹ thuật vững, trực gần như 24/24 trong thời gian đầu. Thứ ba: kết hợp chặt chẽ với cộng đồng PMNM Việt nam và nước ngoài. Nên có quan hệ chính thức dưới một hình thức nào đó với công ty Canonical đang quản lý và tài trợ cho Ubuntu.
  5. Phần mềm nguồn mở không thể tương thích 100% và thay thế hoàn toàn phần mềm nguồn đóng. Chủ trương hợp lý nhất là “Sử dụng cả phần mềm nguồn mở và nguồn đóng một cách hợp lý”. Cách phân loại đối tượng để cho sử dụng phần mềm nào như Viettel đã làm là một kinh nghiệm hay. Trong mỗi đơn vị, nên để lại một số ít máy Windows để xử lý các trường hợp không tương thích hoặc Ubuntu chưa đáp ứng được.
  6. Về lâu dài, để phù hợp với môi trường đa nền tàng (Windows, Mac, Linux và đủ loại OS trên các thiết bị cầm tay) các phần mềm ứng dụng chuyên ngành nên được chuyển sang dạng web-based. Đó là một hướng rất có lợi vì triển khai nhanh, sửa đổi nhanh, bảo trì dễ, thân thiện với người dùng và phù hợp với khuynh hướng điện toán đám mây trong một tương lai gần.

Tóm lại, có một khối lượng công việc khá lớn cần chuẩn bị. Tuy nhiên, nếu Linux đã có thể ứng dụng trong quản lý nhà nước và giáo dục với quy mô lớn ở các nước khác như đã nêu ở trên thì những trục trặc gặp phải là do cách triển khai của ta, không phải do bản thân Linux. Các kinh nghiệm nước ngoài đó cần được tìm hiểu kỹ, tổ chức sang tham quan, khảo sát tận nơi.

Còn một giải pháp nữa dùng PMNM trong giáo dục “siêu tiết kiệm” xem tại đây.

Trên đây là một vài ý kiến đóng góp. Do thời gian quá gấp, năng lực có hạn, kinh nghiệm cá nhân chỉ liên quan đến triển khai phần mềm nguồn mở trong doanh nghiệp nên chắc chắn còn nhiều sai sót. Một tư vấn nghiêm túc cho vấn đề này cần một thời gian dài hơn và sự đóng góp của nhiều người hơn.

Mandriva thay đổi mô hình kinh doanh

Mandriva Linux là một bản Linux lâu đời và cũng trải qua nhiều sóng gió.

Công ty Mandrake Soft thành lập năm 1998 (đăng ký tại Pháp) và cho ra đời bản Mandrake đầu tiên dựa trên Red Hat Linux 5.1 (lúc đó còn free) và môi trường đồ họa KDE 1. Ngay sau đó, Mandrake tách ra khỏi Red Hat, trở thành một bản Linux độc lập chỉ còn giữ lại hệ quản lý gói phần mềm rpm.

Năm 2004, Mandrake Soft thua trong một vụ kiện tranh chấp cái tên Mandrake. Năm 2005, Mandrake Soft mua lại công ty Brazil Connectiva chuyên sản xuất bản Connectiva Linux và kết hợp hai cái tên trên lại thành Mandriva.

Cũng hơi giống trường hợp của Steve Jobs, Gael Duval là người tạo ra bản Mandrake đầu tiên và là đồng sáng lập ra công ty Mandrake Soft nhưng năm 2006 lại bị chính công ty sa thải để “cắt giảm chi phí”. Hiện nay Duval là chủ tịch và CTO của Ulteo, một phần mềm ảo hóa nguồn mở rất đáng chú ý (xem).

Tuy nhiên, định hướng đầu tiên của Duval cho Mandrake: thân thiện với người mới sử dụng vẫn được tiếp tục cho đến nay. Mandriva có một loạt công cụ cấu hình dưới dạng wizard có lẽ là đầy đủ và dễ dùng nhất trong các bản Linux (so sánh).

Cuối năm 2010, công ty Mandriva SA gặp khó khăn tài chính và ngừng kinh doanh để tái cơ cấu. Từ đó có hai nhánh (fork) của Mandriva ra đời tiếp tục phát triển các sản phẩm trên nền Mandriva: Mageia, một bản Linux cộng đồng, nòng cốt là các thành viên phát triển Mandriva trước đây (sẽ cho ra bản Mageia 2 vào ngày hôm nay 22/5) và ROSA Desktop của công ty Nga Rosa JSC (đã có bản ROSA Marathon 2012). Hai bản này mới phát triển có thể còn chưa ổn định. Bản mới nhất, ổn định là Mandriva.2011.MIB do cộng đồng Mandriva Italia phát triển tải về tại đây.

Theo thông tin mới nhất (17/5), công ty Mandriva SA sẽ chuyển giao trách nhiệm phát triển bản Mandriva Linux cho một tổ chức độc lập của cộng đồng (mà Mandriva SA sẽ là một thành viên). Mô hình này giống quan hệ giữa Fedoraproject.org và Red Hat: cộng đồng phát triển một bản Linux riêng, không phụ thuộc vào kinh doanh, công ty tham gia đóng góp và sử dụng kết quả để kinh doanh. Mô hình này tỏ ra rất thành công với Red Hat, hy vọng là nó cũng sẽ thành công với Mandriva.

Công ty Mandriva SA sẽ tập trung vào kinh doanh một số sản phẩm dựa trên Mandriva: desktop, enterprise server (trong đó có hệ quản lý thư mục dựa trên LDAP, Mandriva Directory Server) và quản lý hạ tầng mạng (Pulse).

Mandriva vẫn là bản Linux ưa thích của tôi cho đến nay. Ngoài cái control center đầy đủ và dễ dùng nói trên, đây là một bản Linux đẹp, giao diện được chăm sóc kỹ và có bản sắc riêng (xem bản Mageia 2 và Rosa Desktop). Trong công việc bình thường bản Mandriva.2011.MIB nói trên chạy hoàn toàn ổn định.

Mandriva được dùng phổ biến tại châu Âu (Pháp, Nga, Italia,…) và Nam Mỹ, có khoảng 30 triệu người dùng (theo công ty). Ví dụ triển khai 1,5 triệu máy tại Brazin (xem), tại các trường học Nga (xem), chính quyền thủ đô Matxcova (xem). Trong những năm trước đây, Mandriva luôn đứng trong TOP10 trên Distrowatch và hiện nay Mageia cũng nằm trong TOP10 đó.

Về phần mềm nguồn mở trong chương trình Máy tính kết nối mạng tri thức

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về “ Dự thảo Quyết định Phê duyệt Chương trình Máy tính nối mạng tri thức ” (dưới đây gọi tắt là chương trình). Với chút ít kinh nghiệm về quản lý công nghệ thông tin và triển khai phần mềm nguồn mở, xin có vài ý kiến đóng góp.

1- Về trang bị máy tính cho các phòng máy

Theo kế hoạch, đến năm 2016 sẽ trang bị 100.000 máy tính cho 2.500 phòng máy tại các trường phổ thông và đến năm 2020, trang bị 200.000 máy tính cho 5.000 phòng máy.

Chi phí cho số lượng máy tính trên có thể giảm đi 80% (hoặc tăng số máy lên nhiều lần với cùng tổng chi phí) nếu áp dụng công nghệ ảo hóa theo kinh nghiệm của Brazin cũng trong lĩnh vực trang bị máy tính cho phòng máy các trường học năm 2009: chạy phần mềm ảo hóa (Useful Multiseat Linux 2011) trên một máy tính Linux và dùng thiết bị đấu nối USB hub nối ra 20 bộ máy trạm chỉ gồm màn hình, chuột, bàn phím (terminal, zero client). Tức là 20 người dùng chung 1 máy tính. Máy tính dùng trong giáo dục yêu cầu công suất không cao nên máy tính dùng chung cũng không cần quá mạnh. Dạng kết nối này có thể xem như bước phát triển xoáy trôn ốc lên một mức cao hơn của mô hình mainframe + terminal trước đây hoặc một dạng điện toán đám mây cục bộ.

Theo thông tin từ năm 2009, pha đầu của dự án bao gồm 18.750 máy cho các trường nông thôn đã hoàn thành và đang hoạt động tốt . Pha tiếp theo sẽ triển khai trên tất cả các trường của 5.560 thị trấn, thành phố của Brazin.

Theo thông tin mới nhất trên website của công ty Userful, công nghệ này hiện nay có thể hỗ trợ 20 máy tính kết nối qua mạng LAN hoặc thiết bị đấu nối USB. Hiện đã triển khai thành công 523.400 máy trạm trên 50.000 trường, phục vụ cho 23 triệu học sinh ( xem ).

Hệ điều hành dùng trên các máy này là bản Linux Educacional do bộ Giáo dục Brazil xây dựng hoặc Edubuntu hoặc bất kỳ bản Linux nào khác.


Mô hình kết nối như hình 1.

Không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, phương án này còn:

  • Giảm 80% lượng điện tiêu thụ hàng năm. Thay cho phải cấp điện cho 20 máy, nay chỉ cần cấp cho 1 máy. Tiết kiệm được 147,000,000 Kwh điện/năm. Với lượng điện tiết kiệm được sẽ giảm 250.000 tấn khí CO2 thải ra khí quyển của các nhà máy nhiệt điện hoặc tương đương với bớt được 41.000 ôtô khỏi lưu thông (tính theo số máy đã trang bị).

  • Giảm đáng kể chi phí quản lý, hỗ trợ, nâng cấp. Điều này là đương nhiên vì thay cho phải quản lý, bảo trì 20 máy, nay chỉ còn 1 máy.

Trên đây chỉ là những thông tin của hãng cung cấp. Cần có khảo sát, nghiên cứu cụ thể tại chỗ và tính toán chi tiết trước khi quyết định.

Giả sử đáng lẽ trang bị một phòng máy 40 chiếc cho các lớp lần lượt sử dụng thì với phương án này, 20 lớp đều có máy tính (mỗi lớp 2 cái và 40 zero client).

Điều có thể thấy trước là phương án này sẽ vấp phải sự lobby phản đối của các công ty chế tạo máy tính là đối tượng thụ hưởng sự hỗ trợ của chương trình Máy tính Nối mạng Tri thức.

Kinh nghiệm của Brazil cũng cho thấy:

  • Phần mềm nguồn mở hoàn toàn có thể dùng cho giáo dục được. Số học sinh, số máy tính và số trường của Brazil hiện đang dùng Linux lớn hơn các số tương ứng của chương trình Nối mạng Tri thức nhiều.

  • Cần phải xây dựng một hệ điều hành nguồn mở dành riêng cho giáo dục như Brazil đã làm.

( Năm 2009 tôi có bài giới thiệu sáng kiến này và cũng đã đưa link lên diễn đàn của bộ Giáo dục nhưng không thấy có động tĩnh gì )

2- Về xây dựng phần mềm nguồn mở và hỗ trợ.

Trong các nội dung của chương trình có hai nội dung: xây dựng phần mềm nguồn mở và trung tâm hỗ trợ người dùng.

A/ Về chủ trương dùng phần mềm nguồn mở.

Chủ trương dùng phần mềm nguồn mở trong chương trình này là rất đúng. Tiết kiệm lớn về tiền bản quyền chỉ là một khía cạnh. Điều quan trọng hơn là về lâu dài nó góp phầnbảo đảm an ninh và chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực phần mềm, tránh bị trói buộc vào một số nhà cung cấp bằng cách đào tạo ra đông đảo người biết sử dụng phần mềm nguồn mở và tạo thế đứng cho những trường hợp đàm phán mua bản quyền phần mềm nguồn đóng.

Điều này nên được coi là một mục tiêu của chương trình, cách phát biểu cụ thể có thể cân nhắc thêm. Cao hơn nữa, nó phải được coi là một mục tiêu trong chiến lược phát triển ICT quốc gia.

Chuyến đi vừa rồi của Tổng giám đốc Microsoft sang Việt nam chắc chắn là nhằm mục đích lobby chống lại việc sử dụng phần mềm nguồn mở trong chương trình này.

Tuy nhiên:

  • Có những trường hợp, tính năng của phần mềm nguồn mở chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng.

  • Một số dữ liệu cũ soạn bằng phần mềm nguồn đóng, phần mềm nguồn mở tuy đọc được nhưng không tương thích hoàn toàn. Ví dụ: các file doc, xls, ppt phức tạp.

  • Phần mềm nói chung đều là sản phẩm kết tinh trí tuệ, có một quá trình phát triển lâu dài, có hiệu quả nếu dùng đúng chỗ. Không nên cực đoan bài xích hoàn toàn một loại nào.

Vì vậy chủ trương chung nên là “ Dùng phối hợp phần mềm nguồn mở và nguồn đóng một cách hợp lý”. Cụ thể với trường hợp các phòng máy, nên có một tỷ lệ nhỏ máy sử dụng phần mềm nguồn đóng.

B/ Xây dựng bộ phần mềm nguồn mở dành cho giáo dục.

Kinh nghiệm của Nga ( xem ), Brazil và một số nước khác khi dùng phần mềm nguồn mở cho giáo dục đều phải xây dựng một bộ phần mềm riêng. Do đó chủ trương xây dựng bộ phần mềm nguồn mở của chương trình này là rất đúng đắn.

Một số điểm nên lưu ý khi xây dựng bộ phần mềm này:

  • Việt hóa là phần quan trọng nhưng không phải duy nhất. Chọn bản Linux gốc, giao diện đồ họa, các phần mềm ứng dụng, bổ xung các gói phần mềm hệ thống, bỏ đi những cái không cần, thậm chí sửa đổi, tùy biến cho phù hợp,… có rất nhiều việc phải làm.

  • Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, việc thực hiện nên do một vài công ty phần mềm đảm nhiệm. Có kinh phí riêng cho việc này do nhà nước và doanh nghiệp cùng đóng góp.

  • Hệ điều hành Linux dành cho giáo dục không khó. Nhưng phải đầy đủ, cài một lần là xong. Do đó sẽ phải có một số phần mềm, công nghệ có bản quyền (mp3, …). Cần lưu ý giải quyết các khía cạnh pháp lý của vấn đề này nhất là khi nhà nước đứng ra trang bị số lượng lớn.

  • Hệ điều hành gốc phải là bản chính của một công ty và có thời gian hỗ trợ dài hạn. Theo tiêu chuẩn này các bản Fedora, OpenSUSE không đạt vì đó là các bản cộng đồng, thử nghiệm các tính năng mới cho các bản chính Red Hat Enterprise Linux Desktop và SUSE Linux Enterprise Desktop.

  • Môi trường đồ họa của hệ điều hành (desktop environment) sẽ là vấn đề cần cân nhắc kỹ. Môi trường này phải đáp ứng được các tiêu chuẩn: thân thiện, ít phải học mới và đủ ổn định. Xét theo các tiêu chuẩn này thì Gnome3 hoặc Unity không đạt yêu cầu.

  • Vấn đề phức tạp nhất có lẽ là các phần mềm ứng dụng dành cho giáo dục. Đối tượng sử dụng là các giáo viên phổ thông, học sinh trình độ máy tính không cao, vì vậy phần mềm không chỉ cần đủ tính năng nhưng phải thân thiện, dễ dùng. Đánh giá tính dễ dùng phải là những người sử dụng nó, không phải các chuyên gia open source đang lơ lửng … trên các đám mây. Một ví dụ: tính năng viết công thức toán học của LibreOffice hiện tại khó dùng nếu phải soạn nhiều công thức, dàn trang cho một trang đề toán phổ thông. Có thể phải đặt hàng lập trình để cải tiến nó cho dễ dùng như Microsoft Office hoặc kết hợp với một giải pháp khác (KFormula, …). Chương trình nên có phần kinh phí dành riêng cho những loại công việc này.

  • Sinh quyển của bộ phần mềm mới nên được đặc biệt coi trọng. Nó gồm có: các tài liệu hướng dẫn sử dụng, thông tin đủ loại trên các phương tiện truyền thông, đội ngũ phát triển ăn lương, cộng đồng đóng góp tình nguyện, danh mục các loại phần cứng hỗ trợ và mức độ tương thích, kỹ năng và kinh nghiệm tích tụ từ nhiều nguồn khác nhau, … tóm lại là một kho thông tin và nhân lực các loại giúp cho phần mềm sống và phát triển được. Các phần mềm của Microsoft qua hàng chục năm đã có được một sinh quyển lớn tại Việt nam một cách tự phát (gặp khó khăn chỉ cần hỏi người bên cạnh một câu cũng có thể có lời giải đáp). Phần mềm mới muốn sống và phát triển nhanh, phải chủ động và mất tiền để xây dựng sinh quyền này. Dăm tài liệu hướng dẫn, vài ba lớp đào tạo là hoàn toàn không đủ.

  • Số người biết sử dụng phần mềm nguồn mở hiện còn rất ít, nhất là tại các vùng sâu vùng xa. Vì vậy, trung tâm hỗ trợ phải có trước khi phát hành phần mềm. Trung tâm này được tổ chức sao cho có thể nhanh chóng hỗ trợ, giải quyết mọi vấn đề phát sinh từ khắp nơi trên cả nước. Nó là một thành phần quan trọng trong cái sinh quyển chủ động tạo ra đã nói ở trên.

  • Nên và cần phải huy động được sự hỗ trợ của các cộng đồng Linux Việt (*lug). Tuy nhiên, các cộng đồng này cũng phải thể hiện được sức mạnh có tổ chức của mình thông qua cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng nhanh và chính xác các yêu cầu đặt ra.

C/ Tuyên truyền, phổ biến về phần mềm nguồn mở.

Các bạn trẻ bây giờ chắc khó mà hình dung được mới cách đây không lâu, vào những năm 80, một trong những việc khó khăn nhất mà những người làm tin học gặp phải là đi giải thích cho mọi người, nhất là các cấp lãnh đạo, tin học dùng để làm gì trước khi có thể cung cấp máy tính, phần mềm cho họ!

Chủ trương dùng phần mềm nguồn mở trong quản lý nhà nước có cũng đã lâu nhưng hầu như rất ít thông tin tuyên truyền về nó.

Ngay cả các fan nhiệt thành của một bộ Linux có thể sử dụng thành thạo nó nhưng hoàn toàn không biết phần mềm nguồn mở đã được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới vào đủ loại công việc khác nhau bởi đủ loại người khác nhau.

Tình trạng không khác lắm một bản vùng xa, lần đầu tiên lắp được máy phát thủy điện nhỏ để thắp sáng sẽ tin rằng điện chỉ có thế. Và mỗi lần máy trục trặc, họ lắc đầu “Cái đèn điện không tốt bằng cái bếp lửa nhà tao vớ!”.

Ngay trong các ý kiến góp ý về chương trình này cũng có những ý kiến phản đối dùng phần mềm nguồn mở do thiếu thông tin hoặc thông tin sai.

Vì vậy, chương trình nên đặc biệt coi trọng công tác thông tin tuyên truyền cụ thể về các điển hình trên thế giới đã dùng phần mềm nguồn mở (ví dụ xem ). Một kế hoạch tuyên truyền hiệu quả, đa dạng và không tốn kém sẽ rất nhanh làm thay đổi nhận thức của mọi người, tạo được niềm tin và sự ủng hộ.

Khắp nơi người ta dùng được mà mình không dùng được đó là mình kém, không phải phần mềm kém!

Một ví dụ: trình độ quản lý nhà nước và ứng dụng tin học của thành phố Munich (Đức) chắc chắn là hơn xa Hà nội. Nếu họ dùng được phần mềm nguồn mở ( xem ) thì không có lý gì Hà nội không dùng được.

Hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử và một kiến nghị với VFOSSA

Theo thông tin báo chí, tháng 7/2012 sẽ diễn ra hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử.

Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu khi xây dựng một hệ thống lớn là thiết kế kiến trúc hệ thống. Ví dụ theo kinh nghiệm của Ngaxây dựng từng bước chính phủ điện tử bắt đầu từ phát triển kiến trúc hệ thống“.

Chương trình Chính phủ điện tử Việt nam bắt đầu từ đề án 112 mà cũng theo thông tin báo chíViệc triển khai Ðề án 112 đã định hướng được kiến trúc hệ thống thông tin của Chính phủ. Không rõ cái kiến trúc hệ thống đó được “định hướng” ra sao. Nhưng nếu chỉ “định hướng” thôi thì không đủ.

Có lẽ vì thế, đến tháng 4/2007, nghị định số 64/2007/NĐ-CP “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước” còn giao nhiệm vụ:

Điều 15. Bảo đảm tương thích về công nghệ trong hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước

Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì xây dựng kiến trúc chuẩn hệ thống thông tin quốc gia với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quy định áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến, tiêu chuẩn mở về kết nối mạng, trao đổi, lưu trữ dữ liệu và thông tin trong hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước.

2. Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, bao gồm:….”

Trong nghị định này quan niệm kiến trúc chuẩn hệ thống công nghệ thông tin quốc gia là phương tiện đảm bảo tính tương thích công nghệ và gồm 2 nội dung chính: quy định về các chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Có vẻ hơi đơn giản hóa khái niệm “kiến trúc chuẩn hệ thống công nghệ thông tin quốc gia”! -:).

Theo một số thông tin khác thì đã có kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia và trên cơ sở đó hiện nay một số bộ ngành đang tiến hánh xây dựng kiến trúc hệ thống thông tin của bộ ngành mình.

Ví dụ, bộ Tài nguyên Môi trường “trên cơ sở kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, cần xây dựng và ban hành kiến trúc hệ thống thông tin ngành TN&MT“. (nguồn).

Bộ Ngoại giao “Công ty Microsoft Việt Nam sẽ phối hợp với Trung tâm Thông tin – Bộ ngoại giao tiến hành khảo sát đánh giá hiện trạng CNTT của Bộ, từ đó đưa ra những tư vấn và hỗ trợ cho Bộ Ngoại giao trong việc thiết kế, xây dựng khung kiến trúc chuẩn CNTT và một lộ trình phát triển ứng dụng CNTT cho giai đoạn từ nay đến 2015.” (nguồn)

Từ các thực tế trên có hai vấn đề mà cộng đồng nguồn mở cần quan tâm:

  1. Chất lượng các kiến trúc hệ thống thông tin đã có: với cái quan niệm hơi đơn giản hóa nêu trong nghị định nói trên thì có cơ sở để nêu vấn đề này. Việc thiết kế, xây dựng kiến trúc hệ thống một cách bài bản, chính quy cần sử dụng các khung kiến trúc một tổ chức (Enterprise Architecture Framework) đã có sẵn bao gồm phương pháp luận, trình tự, công cụ, v.v… Một kiến trúc xây dựng theo một framework được thừa nhận mới có chất lượng thật sự, tránh được các ẩn ý hoặc thiếu sót trong đó gây khó khăn cho việc triển khai sau này.
    Nếu như kiến trúc đã có còn chưa hoàn chỉnh thì việc tiếp tục phát triển cho ra đời các version sau là chuyện bình thường.
  2. Điều quan trọng nhất là kiến trúc hệ thống phải độc lập với công nghệ và nhà cung cấp, dựa trên các chuẩn mở. Nếu không thì khi triển khai, phần mềm nguồn mở sẽ không có cửa hoặc gần như phải phá đi làm lại từ đầu. Một ví dụ tiêu biểu là việc triển khai PMNM tại Munich đã nêu ở đây: hệ thống cũ với nhiều chuẩn đóng, công nghệ đóng đã gây nên rất nhiều rắc rối.
    Để có tính độc lập nói trên, chỉ quy định dùng các chuẩn mở thôi không đủ. Kiến trúc hệ thống phải được thiết kế theo một framework đảm bảo được điều đó.
    Áp dụng được PMNM chỉ là vấn đề nhỏ. Một hệ thống thông tin quốc gia bị khóa cứng vào một số công nghệ, nhà cung cấp mới là vấn đề lớn. Không rõ hiện nay khung kiến trúc chuẩn CNTT của bộ Ngoại giao do Microsoft tư vấn có đảm bảo được diều kiện nói trên không?

Tôi không có các nguồn thông tin chính thức từ bên trong nên chỉ có thể dựa trên các thông tin công khai nêu lên vài nghi vấn. Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở (VFOSSA) với tư cách là đại diện pháp nhân cho cộng đồng nguồn mở chắc sẽ tham dự hội thảo này và vì vậy nên tìm hiểu trước hai vấn đề 1 và 2 nói trên để có các kiến nghị cần thiết.

Nếu không sau này dù có cho ứng dụng PMNM vào bộ Ngoại giao, chúng ta sẽ gặp lại trường hợp của Munich nói trên.

(Việc này trước đây tôi có quan tâm và định áp dụng nhưng rồi điều kiện không cho phép, xem . ).

Về một dự án ứng dụng PMNM thành công ở Đức

Một dự án nguồn mở thành công ở Đức và các bài học kinh nghiệm.

Dự án LiMux là dự án của thành phố Munich (Đức) chuyển 14.000 máy tính cá nhân của các công chức sang phần mềm nguồn mở ( tổng kinh phí khoảng 35 triệu euro). LiMux cũng là tên hệ điều hành linux do thành phố xây dựng, đầu tiên dựa trên nền Debian, sau đó là Ubuntu. LiMux được Hiệp hội chứng nhận Đức (TÜV) chính thức công nhận thỏa mãn tiêu chuẩn quốc tế về tính dễ sử dụng của phần mềm ISO 9241 và “Phần mềm nguồn mở đã đạt tới trình độ chuyên nghiệp cao”.

Tóm tắt quá trình triển khai dự án (theo Wikipedia. Các tài liệu dẫn đánh số xem ở cuối trang Wiki):

  • Sau một số thử nghiệm thành công, ngày 28/5/2003 hội đồng thành phố Munich bỏ phiếu thông qua việc triển khai dự án.

  • Ngày 16/7/2004 – Hội đồng thành phố bỏ phiếu 50-29 ủng hộ việc chuyển đổi và bắt đầu đấu thầu cạnh tranh. [8][9]

  • Ngày 5/8/2004 – Dự án tạm ngừng do một số vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền phần mềm [10][11]

  • Ngày 28/4/2005 – hệ điều hành Linux Debian được chọn làm nền tảng . [12]

  • Ngày 6/9/2005 – Quyết định kéo dài thêm một năm thử thí điểm (pilot test). [13]

  • Ngày 22/9/2006 – Bắt đầu chuyển đổi, chậm một năm so với kế hoạch ban đầu. [14]

  • Tháng 11/2008: đã có 1.200 trong số 14.000 máy chuyển sang dùng LiMux; ngoài ra 12.000 máy cài OpenOffice.org 2 chạy trên Windows, 100% máy dùng trình duyệt Mozilla Firefox 1.5 và trình thư điện tử Mozilla Thunderbird 1.5. Đã chuyển 18.000 trong số 21.000 macro, templates và form đang dùng sang Linux [15] ( 21.000 con số thật kinh khủng! Một môi trường dùng máy tính chuyên nghiệp, năng suất cao thì phải thế )

  • Ngày 29/5/2008: phần mềm WollMux tự phát triển để hỗ trợ các form và templates cá biệt hóa (personalised) được tuyên bố là phần mềm nguồn mở [16]

  • Ngày 31/12/2009: Hoàn thành việc chuyển OpenOffice sang định dạng chuẩn là Open Document Format [17] ( chắc là trước đó dùng OpenOffice nhưng để default formats là doc, xls, ppt,…, nay chuyến sang odt, ods, odp )

  • Tháng 6/2010: Đã có hơn 3.000 máy chạy LiMux. Trong năm 2010 sẽ có thêm 2.000 máy nữa [18]

  • Tháng 2/2011 hơn 5.000 máy dùng LiMux. Đến tháng 6/2011 là hơn 6.500 máy.

  • Ngày 17/12/17, 2011: 9.000 máy chạy LiMux, vượt kế hoạch năm 500 máy [19][20]

Gần đây, hội đồng thành phố Munich đã quyết định kéo dài dự án đến 2013 với kinh phí bổ xung 5,9 triệu euro, tăng số máy chuyển đổi từ 14.000 lên 15.000 máy.

Như vậy có thể thấy quá trình triển khai dự án này khá dài, đầy khó khăn. Người Đức nổi tiếng về khả năng kỹ thuật, quản lý, tổ chức và tính kỷ luật cao mà còn vất vả như thế!

Một số kinh nghiệm, khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai dự án nêu ở đây (blog của Floschi, một trong những người chủ chốt của dự án). Tóm tắt các ý chính:

Mục tiêu của dự án:

Dự án không chỉ có mục tiêu kỹ thuật là thay thế phần mềm nguồn đóng bằng phần mềm nguồn mở. Mục tiêu chiến lược dài hạn: tổ chức lại và cải tiến hệ thống IT của Munich từ một hệ thống phân tán thành một hệ thống tập trung, xây dựng một cấu trúc IT hiệu quả và bền vững dựa trên các chuẩn mở và phần mềm nguồn mở.

Tính phân tán của hệ thống IT cũ.

Khi bắt đầu dự án (năm 2003), hệ thống IT của Munich rất phân tán: gồm 21 đơn vị IT độc lập, các quy trình nghiệp vụ, công cụ và đội ngũ kỹ thuật rất khác nhau. Có 51 trung tâm dữ liệu các cỡ, 1000 nhân viên IT phục vụ cho 33.000 công chức, hơn 300 phần mềm ứng dụng và nhiều cái là thừa (ví dụ để soạn thảo HTML dùng Dreamweaver, Fronpage, Fusion, …). Có 21 phiên bản Windows khác nhau ở các mức cập nhật khác nhau, bảo mật khác nhau.

Những sai lầm ban đầu:

Khi bắt đầu dự án, những người triển khai đã “ ngây thơ” và “tính toán sai”. Họ cho rằng hệ điều hành LiMux sẽ là hệ điều hành duy nhất nhưng sẽ thích ứng với các môi trường IT khác nhau. Điều đó có thể trên lý thuyết nhưng thích ứng như thế lại củng cố tính phân tán vốn có của toàn hệ thống.

Năm 2007, cơ quan đầu tiên bắt đầu dùng LiMux theo đúng kế hoạch. Nhưng tại các cơ quan khác, việc chuyển đổi bị trì trệ. Nhiều trường hợp, hệ thống máy chủ kỹ thuật cũ (hạ tầng IT) cản trở hoặc không hợp tác với LiMux.

Nguyên nhân là do trong các hệ thống cũ không tuân theo các chuẩn tương tác mở (open standards for interoperability) và hoàn toàn dùng các giao diện độc quyền. Khi ta phụ thuộc vào một nhà cung cấp thì ta không hiểu được điều đó và cảm thấy rất hài lòng với những phần mềm và công cụ của nhà cung cấp duy nhất. Floschi dẫn lời Simon Phipps “Kẻ thù lớn nhất của tự do là những tên nô lệ sung sướng”.

Để thay thế một hệ thống cũ bằng hệ thống mới, thay thế một phần mềm cũ bằng phần mềm mới cần phải tốn nhiều công sức, chi phí vào việc chuyển đổi. Trong tính toán tổng chi phí sở hữu (Total cost of ownership) khi chọn lựa phần mềm, phần chi phí này được gọi là exit cots, chi phí thoát ra.

Qua các bước triển khai ban đầu, nhóm dự án phát hiện ra một điều lớn hơn là việc thay thế phần mềm nguồn đóng bằng phần mềm nguồn mở: hệ thống cũ phân tán do chính họ tạo ra là một hệ thống bị khóa cứng vào một nhà cung cấp duy nhất và chứa rất nhiều rác số (digital waste). Và phải thay đổi toàn bộ hệ thống đó như mục tiêu đã nêu ở trên.

Vấn đề bây giờ không phải là phần mềm nguồn đóng hay mở mà là dọn dẹp “rác số”, tái cấu trúc lại một hệ thống IT trên cơ sở các chuẩn mở và phần mềm nguồn mở để hệ thống có hiệu quả và kinh tế hơn.

Thay đổi chiến lược triển khai dự án: thực hiện các hệ thống thí điểm và tái cấu trúc diện rộng hệ thống IT.

Từ năm 2008 (4 năm sau khi dự án bắt đầu), chiến lược triển khai được thay đổi: thí điểm trên diện rộng. Tại mọi đơn vị đều tiến hành một hệ thống thí điểm (pilot system) để thu thập thông tin về mức độ phân tán. Mỗi đơn vị dùng ít nhất 50 máy (hoặc 10% số máy) chạy LiMux trong hạ tầng IT cũ,. Qua đó, tích lũy kinh nghiệm, thu thập thông tin về hệ thống cũ.

Mục tiêu được điều chỉnh là làm kỹ thuật 1 lần nhưng có lợi 21 lần trong tương lai. Một hệ linux được bảo trì và hỗ trợ tập trung bởi một đơn vị, nhưng có các công cụ chung cho user và quản lý hệ thống. Hệ linux đó ăn khớp với một hạ tầng IT tiêu chuẩn hóa, đặc biệt là các dịch vụ file và thư mục.

Song song với điều đó, hội đồng thành phố đã quyết định tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống IT về các quy trình xử lý và hệ thống phân cấp.

Giai đoạn thí điểm thành công.

Đến cuối năm 2009 đã chứng minh được rằng bản LiMux Basisclient có thể hoàn toàn tích hợp được vào một môi trường không đồng nhất. Đã có 3000 máy chạy linux, vượt gấp hai lần mục tiêu ban đầu (10% , tức là 1500 máy).

Do dùng bộ OpenOffice trên tất cả các máy (dù chạy Windows hay Linux), đã thành công chuyển đổi các văn bản, bảng tính, bản trình diễn, … sang chuẩn mở Open Document Format. Do đó, kết thúc được việc bị khóa vào một bộ MS Office duy nhất chỉ chạy trên Windows. Khi đã tuân theo chuẩn mở thì có nhiều thứ để lựa chọn.

Tương lai.

Về mặt kỹ thuật, hết năm 2008 hoàn toàn có thể cài toàn bộ các máy chạy LiMux và tuyên bố “LiMux đã thành công. Munich hoàn toàn dùng phần mềm tự do nguồn mở”. Nhưng như vậy thì bỏ lỡ cơ hội cải tạo hệ thống IT toàn thành phố.

Sau giai đoạn thí điểm thành công, nhóm dự án bắt tay vào tối ưu hóa hệ thống, làm sạch hệ thống IT cũ. Có lẽ vì thế, hội đồng thành phố Munich mới đồng ý kéo dài dự án đến 2013 và chi thêm 5,9 triệu euro, tăng số máy chuyển đổi từ 14.000 lên 15.000 như nói ở trên.

Floschi tuyên bố “LiMux không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật. Chúng tôi đang dọn dẹp nhà cửa (do our homework) và đầu tư vào hệ thống IT mở tương lai. Chúng tôi sẽ không bao giờ làm những kẻ nô lệ sung sướng nữa

(Có một blog khác thù địch với dự án này với slogan “Watching the city of Munich fail to convert to Linux – Quan sát thành phố Munich thất bại khi chuyển sang Linux” cũng có nhiều thông tin hay)

Lời bình:

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó là bộ TT-TT có tìm hiểu kinh nghiệm của dự án này. Có lẽ vì thế mới có quyết định triển khai dùng OpenOffice, Firefox, Thunderbird và một số chủ trương khác (Thông tư về áp dụng chuẩn ODF chẳng hạn).

Qua kinh nghiệm cá nhân đã triển khai Linux ở quy mô nhỏ, kết hợp với các thông tin nêu trên có thể rút ra vài điều sau:

  1. Ở giai đoạn đầu, cần thiết có một bản Linux desktop, Office, … thống nhất trong toàn hệ thống . Các phần mềm này được xây dựng, bảo trì, hỗ trợ tập trung bởi một đội ngũ kỹ thuật mạnh . Nói xây dựng nghe to tát nhưng thực tế chỉ cần customize, remaster một bản đã có sao cho cài đặt đơn giản nhất, phù hợp nhất với điều kiện sử dụng hiện tại, có tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng tiếng Việt dễ hiểu, đầy đủ. Và nhất là có một website Vietnam FOSS hỗ trợ chính thức. Đến bây giờ mà chưa có website này cũng lạ! Nói rộng hơn phải có một bộ chỉ huy tác chiến cụ thể, không phải chỉ là bộ tổng tham mưu đưa ra chủ trương trên bản đồ, văn bản . Thiếu chỉ đạo cụ thể, tập trung, để các đơn vị phân tán tự làm trong khi trình độ kỹ thuật còn yếu nên kết quả khá hạn chế.

  2. Đức có thế mạnh là trình độ mọi mặt (kỹ thuật, quản lý, tổ chức) cao, kỷ luật nghiêm nhưng cái “yếu” là trước đó họ dùng IT “kỹ” quá (nguyên con số 21.000 macro, templates, form nghe đã sợ rồi). Ta thì ngược lại, dùng IT sơ sài nên về kỹ thuật dễ chuyển đổi, nhưng kỹ thuật, quản lý, tổ chức, kỷ luật lại kém. Vì vậy một bộ chỉ huy tác chiến tập trung, sản phẩm thống nhất, hỗ trợ mạnh là điều kiện sống còn để thành công.

  3. Sự ủng hộ của cấp trên (hội đồng thành phố Munich trong dự án này) là điều kiện cần phải có. Tuy nhiên, để có được điều kiện đó, phải công nhận là “ban quản lý dự án” LiMux biết cách “dạy dỗ, thuyết phục” cấp trên. Nếu cấp trên không ủng hộ, lỗi là tại bộ phận tin học không biết cách “dạy dỗ, thuyết phục”.

  4. Đối với Việt nam, việc đầu tiên phải làm và có tầm quan trọng sống còn đối với dự án là phổ biến, tuyên truyền một cách ngắn gọn, dễ hiểu và gây ấn tượng để nâng cao nhận thức của xã hội đối với phần mềm nguồn mở. Một ví dụ nhỏ: anh Lê Trung Nghĩa rất chịu khó dịch các tin về PMNM, nhưng e rằng ngay cả các fan của PMNM cũng ít người đủ kiên nhẫn đọc hết các tin đó chưa nói đến các cấp lãnh đạo. Tóm tắt lại được dưới dạng Executive Summary thì hiệu quả hơn nhiều.

KẾT LUẬN:

Triển khai ứng dụng PMNM là loại công việc “ đội đá, vá trời” khó khăn không kém gì giải quyết ách tắc giao thông hiện nay. Sự thành công của Munich nói lên hai điều:

  1. Về mặt kỹ thuật, PMNM hoàn toàn có thể dùng trong quản lý nhà nước được.
    Hệ thống quản lý nhà nước của các nước tiên tiến rộng lớn, phức tạp và sử dụng máy tính đến mức tối đa như một công cụ thật sự. Nếu họ dùng được PMNM có nghĩa là nó đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

  2. Tuy nhiên, để thành công, cách tổ chức triển khai là yếu tố quyết định và đó cũng là điều khó nhất, thách thức lớn nhất khi triển khai một dự án ứng dụng PMNM thay thế cho phần mềm nguồn đóng.

Vì vậy, một số dự án khác thất bại ( ví dụ) là do cách triển khai, không phải do PMNM không đáp ứng yêu cầu.

Số liệu thống kê phần mềm máy chủ Internet.

Trên máy tính cá nhân thì Windows làm bá chủ, thực tế hàng ngày và các số liệu thống kê đều chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, trên các máy chủ Internet thì Linux lại chiếm thế thượng phong, đó là điều ít người biết. Dưới đây là các số liệu thống kê chứng minh điều đó.

1- Site Web Technology Survey (http://w3techs.com) thường xuyên theo dõi 1 triệu website hàng đầu về mức độ truy cập theo Alexa để lấy các số liệu thống kê về công nghệ. Số liệu được cập nhật hàng ngày!

Hệ điều hành (xem):

Trong Unix, Linux chiếm 51,2%, các hệ điều hành khác không phải Windows nhưng không cho biết là loại gì chiếm 46,8%, còn lại là BSD, HP-UX, Solaris, … (2%).

Máy chủ web (xem):

Máy chủ web nguồn mở Apache chiếm 66,7%.

Site này còn nhiều số liệu thống kê khác rất có ích khi chọn lựa phần mềm, công nghệ (ví dụ: nên chọn format ảnh nào, học loại ngôn ngữ nào,…).

2- Site Security Space (https://secure1.securityspace.com) theo dõi gần 60 triệu máy chủ. Số liệu free cung cấp hàng tháng (xem)

Máy chủ web hai tháng cuối năm 2011(xem).

Máy chủ web Apache cũng chiếm khoảng 68,7% gần khớp với kết quả trên.

Máy chủ mail: (số liệu 1/8/2010 trên 2,1 triệu server, xem)

Các máy chủ mail nguồn mở (Exim, Postfix, Sendmail) chiếm 72,26%.

Kết luận: các máy chủ Internet là loại máy có yêu cầu rất cao về các chỉ tiêu kỹ thuật. Việc chọn lựa phần mềm thường được thực hiện bởi những người có trình độ cao, có kinh nghiệm, theo những quy trình tiêu chuẩn chặt chẽ (xem ví dụ cách chọn một số loại phần mềm khác). Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu phần mềm có vấn đề chắc chắn sẽ bị thay thế ngay.

Do đó, tỷ lệ áp đảo của PMNM nói trên chứng minh năng lực kỹ thuật của chúng trong một môi trường khắc nghiệt.

Hai site hàng đầu thế giới Google (xem) và Facebook (xem) đều dùng các máy chủ chạy Linux.

Theo các số liệu trên, số “người dùng Linux”, mà không hề hay biết, cao hơn số “người dùng Windows” nhiều.

Niềm hy vọng đầu năm mới 2012

Niềm hy vọng đầu năm mới 2012.

(Đầu năm mới luôn là lúc dành cho hy vọng. Khai phím năm 2012 bằng một niềm hy vọng cho phần mềm tự do, nguồn mở, mặc dù có thể là ngây thơ, viển vông nhưng có hy vọng cũng còn hơn không)

Đầu năm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có bài viết trình bày các quan điểm chỉ đạo vĩ mô về kinh tế (xem tóm tắt). Bài viết này có mấy điểm đáng chú ý (giả thiết VTV tóm tắt đúng.)

Về tổng thể, bài viết này lần đầu tiên nêu rõ các quan điểm vĩ mô về kinh tế khá ‘đột phá’, “đổi mới”, rõ ràng và có lý.Các giải pháp cũng rất “trúng”, chỉ còn chờ xem biện pháp triển khai cụ thể thế nào. Nghe như Thủ tướng quyết tâm cài Linux vào đầu đám công chức đang quen chạy Windows!

Tất nhiên ở Việt nam từ chủ trương đến thực hiện là một khoảng cách dài, nhưng dù sao về nhận thức có bước đột phá như thế là điều đáng mừng và tạo nên hy vọng.

Phần đầu nêu định nghĩa thế nào là “thể chế kinh tế thị trường hiện đại” gồm 5 đặc trưng cơ bản. Trong đó đáng chủ ý là đặc trưng thứ ba:

Thứ ba, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình về các chính sách quản lý, các đề án phát triển cũng như trong hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Công khai minh bạch không những tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin, mà quan trọng hơn, sẽ tạo điều kiện cho người dân giám sát các quyết định của các cơ quan quản lý, là biện pháp cơ bản để ngăn ngừa tham nhũng và sự tác động của các “nhóm lợi ích” vào quá trình ra quyết định.

Một quan điểm khá mới và khá lạ, “đột phá” trong môi trường nước ta hiện nay. Trong đó:

  • Chủ trương công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình không những của chính phủ (về các chính sách quản lý, đề án phát triển) mà còn cả doanh nghiệp (các chủ thể kinh doanh).
  • Do đó tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho người dân giám sát ….
  • Và coi công khai, minh bạch là biện pháp cơ bản ngăn ngừa tham nhũng và ngăn ngừa tác động của các nhóm lợi ích vào quá trình ra quyết định (của chính phủ).

Trong một bài viết trước “Đánh giá mức độ minh bạch và mở của chính phủ Mỹ” có nhắc đến một trong những chỉ thị đầu tiên của tổng thống Mỹ Obama khi mới nhậm chức về “Chính phủ minh bạch và mở”. Trên website Nhà Trắng, đó là “Sáng kiến Chính phủ mở – Open Government Initiative”, trong đó Obama cam kết:

“Chính phủ của tôi cam kết tạo nên một mức độ mở chưa từng có của chính phủ. Chúng tôi sẽ cùng làm việc để đảm bảo sự tin tưởng của công chúng, thiết lập một hệ thống minh bạch, có sự tham gia của công chúng và sự hợp tác. Tính mở sẽ củng cố nền dân chủ của chúng ta, thúc đẩy hiệu lực và hiệu quả của chính phủ”.

Thế nào là minh bạch, sự tham gia và hợp tác xem giải thích trong bài viết đã dẫn ở trên:

  • Minh bạch (transparency): các cơ quan chính phủ phải sử dụng các công nghệ mới nhanh chóng công bố online các hoạt động và quyết định của mình dưới dạng sao cho công dân có thể dễ dàng tìm và sử dụng.
  • Tham gia (participatory): các cơ quan chính phủ phải tạo điều kiện, khuyến khích công dân tham gia vào quá trình làm chính sách để tăng tính hiệu quả và cải thiện chất lượng chính sách.
  • Hợp tác (collaboration): Các cơ quan chính phủ phải dùng các công cụ, phương pháp, hệ thống mới để hợp tác với nhau ở tất cả các cấp, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân.

Như vậy, có sự tương đồng khá lớn về mặt chủ trương giữa hai chính phủ. Chính phủ Mỹ đã đi vào hành động cụ thể được 3 năm và coi phần mềm nguồn mở như một trong những “công nghệ mới, công cụ, phương pháp, hệ thống mới” để thực hiện sáng kiến nói trên. Cụ thể (xem):

  • Chính phủ Mỹ đã dùng nền tảng nguồn mở để xây dựng website chính thức của phủ Tổng thống whitehouse.gov và Cổng thông tin điện tử data.gov với các công cụ để thực hiện tính minh bạch, tham gia và hợp tác nói trên
  • Bộ phận tin học của Phủ Tổng thống tham gia viết phần mềm nguồn mở và công bố công khai cho cộng đồng sử dụng.i
  • Các bộ ngành của chính phủ cũng tích cực sử dụng phần mềm nguồn mở trong hoạt động của mình (ví dụ: bộ Quốc phòng là bộ tích cực nhất, xem)
  • Đang có một dự án lớn do NASA chủ trì nhằm xây dựng một hạ tầng điện toán đám mây nguồn mở chung cho toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước (xem)

Tất nhiên, để thực hiện các chủ trương vĩ mô nói trên cần rất nhiều biện pháp, công cụ, cách triển khai cụ thể mà trong đó phần mềm nguồn mở chỉ là một công cụ kỹ thuật. Chính phủ Mỹ đã dùng công cụ này và chúng ta cũng có quyền hy vọng.

Mặt khác, việc huy động quần chúng tham gia giám sát, hợp tác xây dựng chính sách về bản chất cũng là áp dụng mô hình nguồn mở như đã nói ở đây.

Mà anh Ba quyết tâm cài Linux vào đầu đám công chức đang quen chạy Windows thiệt ha?

(Còn có một điểm lạ nữa: dùng khái niệm “thể chế kinh tế thị trường hiện đại” mà không phải là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và cũng không nói rõ cái định hướng ấy là gì. Có lẽ phải chờ xem bản gốc).

Về chủ trương xây dựng hệ điều hành nguồn mở Việt nam.

Về chủ trương xây dựng hệ điều hành nguồn mở Việt nam.

Vừa qua, báo điện tử ICTNews có đăng bài “Việt nam khó xây dựng hệ điều hành nguồn mở” viết về cuộc họp góp ý cho Dự thảo Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo) ngày 21/12/2011.

Các ý kiến dưới đây căn cứ vào nội dung bài báo trên với giả thiết báo đưa tin đúng, các đoạn trích dùng chữ nghiêng, những chữ nghiêng, đậm là tôi nhấn mạnh.

Đây là chiến lược quốc gia dài hạn về Khoa học Công nghệ (cả Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội). Có 5 nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực Công nghệ và Kỹ thuật, nhiệm vụ thứ 3 là:

Nghiên cứu, xây dựng hệ điều hành cho máy tính và các thiết bị di động trên nền tảng phần mềm nguồn mở;”

Chủ trương này có lẽ bắt nguồn từ nhiệm vụ thứ 2:

Đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT, …

Không rõ bản thuyết trình cho chiến lược nói gì để dẫn đến ý kiến tiêu cực của thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng như nêu trong báo, nhưng trước hết phải xác định lý do, mục tiêu xây dựng hệ điều hành để làm gì? Tại sao không dùng các hệ điều hành (cả nguồn đóng và nguồn mở) có sẵn? Có thể nêu mấy lý do sau:

  1. Hệ điều hành là một phần tử rất quan trọng trong các hệ thống thông tin, điều khiển, quản lý, an ninh, quốc phòng,… vĩ mô (ví dụ hệ thống vận hành, điều độ mạng lưới điện quốc gia). Vì vậy việc làm chủ được nó ở mức độ nhất định và tiến tới làm chủ hoàn toàn là rất cần thiết và khả thi.
  2. Việc sử dụng và làm chủ được hệ điều hành nói riêng và phần mềm nguồn mở (PMNM) nói chung giúp tự chủ về công nghệ, không phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là vấn đề độc lập, tự chủ của một đất nước về một thành phần tối quan trọng trong thời đại Internet hiện nay. Nói một cách thô thiển, các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài không thể dựa vào thế độc quyền của họ để gây áp lực, thậm chí bắt bí chính phủ như thực tế đã từng xảy ra (xem).
  3. Có hệ điều hành riêng (và phần mềm nguồn mở nói chung) giúp đảm bảo an ninh, bảo mật cho các hệ thống quan trọng và nhạy cảm. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Như nhiều bài viết trong chuyên mục An ninh, bảo mật của blog này đã giới thiệu, dùng phần mềm nguồn đóng không có cách nào kiểm tra được trong phần mềm (kể cả các phần mềm nguồn mở đã dịch ra mã thực thi) có các quả bom hẹn giờ, các cổng hậu (backdoor) cài sẵn hay không? Các cường quốc có ý thức về việc này. Họ có thể đàm phán bí mật với các nhà cung cấp phần mềm để đặt cổng hậu (xem), thậm chí thuê người viết mã độc cài vào Unix (xem).
  4. Thực tế, các chính phủ nước ngoài (ví dụ xem), thậm chí các bộ (ví dụ xem) đã tiến hành xây dựng hệ điều hành riêng của họ.

Tóm lại chỉ cần hai lý do chung: làm chủ về công nghệđảm bảo an ninh bảo mật cho các hệ thống quan trọng thì việc xây dựng hệ điều hành riêng không những cần thiết mà còn cấp bách.

Tôi đã từng nghe có ý kiến ngày xưa, Mỹ muốn phá các nhà máy điện phải đưa máy bay sang tận nơi ném bom. Còn bây giờ thì chỉ cần một cú Enter từ xa có thể làm sập cả hệ thống điện, không biết có đúng như vậy không? Nhưng việc xuất hiện của sâu Stutnex gần đây cho thấy nguy hiểm đó là có thật.

Từ đó, mục tiêu và phạm vi ứng dụng đầu tiên của hệ điều hành riêng là các hệ thống quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng, sau đó mới là hệ điều hành nói chung dùng cho đại chúng.

Vì vậy, ý kiến của thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng:

  • mặc dù thừa nhậnTrên thế giới, đã có nhiều nước nghiên cứu và chứng minh rằng hệ điều hành nguồn mở cho máy tính có thể đáp ứng được yêu cầu.
  • nhưng nêu lý doTuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ người sử dụng vẫn còn thấp do vẫn còn tâm lý e ngại.,
  • từ đó đề nghịNên cân nhắc khi đưa việc xây dựng hệ điều hành máy tính trên nền nguồn mở thành nhiệm vụ trọng tâm của khoa học công nghệ quốc giaViệt Nam nên tập trung vào việc nghiên cứu xây dựng hệ điều hành cho các thiết bị di động thì sẽ hiệu quả, khả thi hơn.

là không ổn về nhiều mặt.

  1. Nói người dùng e ngại về tâm lý nên ít sử dụng PMNM là không chính xác. PMNM đại chúng mới trưởng thành trong ít năm gần đây và các chính phủ, các bộ nước ngoài đang có những bước tiến rất mạnh để áp dụng như chuyên mục Vấn đề phần mềm nguồn mở trên blog này đã giới thiệu. Lực cản không chỉ do thói quen, tâm lý người dùng mà còn do các hoạt động lobby hậu trường dựa trên các khoản tiền đóng góp rất lớn của các đại công ty nguồn đóng (xem12). PMNM trên các máy chủ đã được dùng từ rất lâu (trước khi Microsoft viết các loại server) và chiếm tỷ trọng lớn trong các máy chủ Internet, siêu máy tính. (ví dụ xem xem, chọn Stats type = Operating System Family). Chủ nhân các máy chủ không hề e ngại PMNM.
  2. Nếu xác định rõ mục tiêu và phạm vi ứng dụng hệ điều hành riêng là từng bước làm chủ về công nghệ và đảm bảo an ninh, bảo mật cho các hệ thống quan trọng của quốc gia (không rõ chiến lược có xác định như vậy không hay chỉ nói hệ điều hành chung chung) thì những người tham gia vào các hệ thống đó bắt buộc phải sử dụng, vì sự an toàn và bảo mật của hệ thống, không có chuyện e ngại.
  3. Ý cuối cùng của ông Hồng đã trích ở trên còn gián tiếp cho rằng việc xây dựng hệ điều hành nguồn mở là kém hiệu quả và kém khả thi hơn việc xây dựng hệ điều hành cho các thiết bị di động. Nếu xác định đúng mục tiêu của hệ điều hành như nói ở trên thì hiệu quả là rõ ràng. Đây là hiệu quả ở tầm vĩ mô, an ninh quốc phòng, không phải hiệu quả kinh tế như hàm ý trong lời phát biểu. Về tính khả thi sẽ nói ở phần dưới.

Tóm lại, ông Hồng cho rằng không nên xây dựng hệ điều hành nguồn mở vì a/ tâm lý e ngại của người dùng, b/không khả thi và c/không hiệu quả kinh tế. Đây là những lý do khá lạ của một vị thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông.

Tính khả thi của việc xây dựng hệ điều hành phải căn cứ vào: a/Mục tiêu phải đạt, b/Các mức độ “riêng”, các giai đoạn “làm chủ về công nghệ” khi xây dựng hệ điều hành này và c/Cách xây dựng, phát triển một phần mềm nguồn mở.

Xây dựng một hệ điều hành nguồn mở nói riêng và phần mềm nguồn mở nói chung không có nghĩa là viết lệnh toàn bộ phần mềm từ A đến Z. Phần mềm nguồn mở tương tự như một kho đồ chơi Lego, gồm rất nhiều bộ phận chế tạo sẵn mà mỗi người có thể tự do tạo ra để góp vào kho chung và tự do lấy về lắp ghép theo ý mình.

Vì vậy, nói hệ điều hành Việt nam không có nghĩa là ta phải tự viết từ A đến Z. Các nước khác cũng vậy. Đây cũng là chuyện bình thường như các sản phẩm khác, made in Vietnam nhưng hầu như chỉ lắp ráp.

Các gói phần mềm bộ phận (thực hiện một vài tính năng nhất định) cũng như các phần mềm hoàn chỉnh nguồn mở bao giờ cũng được công bố công khai trên Internet theo hai dạng: mã nguồn và mã thực thi.

Đọc mã nguồn hiện rõ từng dòng lệnh, bạn sẽ hiểu được ý đồ, công nghệ mà tác giả sử dụng trong phần mềm. Đó là cơ sở để làm chủ, nhận chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ mà nhiệm vụ thứ 2 của chiến lược đã đặt ra. Phần mềm nguồn đóng không công bố mã nguồn để giữ bí mật thương mại, bạn chỉ có thể làm chủ việc sử dụng nó, không thể nắm rõ được công nghệ bên trong đến từng dòng lệnh như với PMNM.

Về an ninh, bảo mật, nếu bạn tin tưởng vào các tác giả, bạn có thể lấy các phần mềm đã dịch ra mã thực thi về dùng ngay. Còn nếu không tin, muốn đảm bảo chắc chắn là không có mã độc cài sẵn thì có hai cách:

  • Lấy mã nguồn đã công bố, tự dịch ra mã thực thi để dùng mà không cần (hoặc không đủ năng lực) kiểm soát mã nguồn. Niềm tin ở đây đặt vào việc mã nguồn đã để công khai trên Internet, bị hàng nghìn cặp mắt soi mói, kiểm tra thì tác giả không dám và không thể chèn mã độc vào trong đó.
  • Nếu có đủ khả năng và lực lượng, bạn có thể “soi’ từng dòng lệnh trong mã nguồn trước khi dịch ra mã thực thi. Cách này đảm bảo chắc chắn, tin cậy nhất.
  • Cao hơn nữa, nếu đủ trình độ, bạn có thể sửa mã nguồn theo ý mình để biến nó thành một pháo đài kiên cố.

Trên cơ sở những thông tin trên, việc xây dựng hệ điều hành nguồn mở Việt nam có thể thực hiện như sau để vừa đảm bảo mục tiêu vừa có tính khả thi:

1- Hệ điều hành an toàn, bảo mật dùng cho các hệ thống quan trọng:

Giai đoạn đầu, lấy mã nguồn của một hệ điều hành có sẵn được chọn, chỉ “soi” những phần có liên quan đến an ninh bảo mật và an toàn dữ liệu, sau đó dịch ra mã thực thi để dùng. Tùy theo năng lực đội ngũ tin học tập hợp được mà soi nhiều hay ít. Còn lại thì tin tưởng vào việc mã nguồn đó đã được cộng đồng nguồn mở toàn thế giới soi rồi.

Hệ điều hành làm theo kiểu nói trên chắc chắn là yên tâm hơn một hệ điều hành nguồn đóng hoặc hệ điều hành nguồn mở đã dịch sẵn.

Các giai đoạn sau thì tùy theo sự phát triển của đội ngũ mà nâng dần yêu cầu lên. Cao nhất có lẽ là xây dựng một hệ điều hành từ đầu theo hướng dẫn ở đây.

2- Hệ điều hành phổ thông

Như trên đã nói, việc đẩy mạnh ứng dụng PMNM không chỉ do các lợi ích kinh tế/kỹ thuật mà nó mang lại. Nó còn giúp đảm bảo tư thế độc lập tự chủ của đất nước trước những con khủng long phần mềm nước ngoài. Để phổ biến PMNM cần có một hệ điều hành chuẩn quốc gia cho đại chúng (giáo dục, y tế, hành chính, …) do nhà nước đứng ra xây dựng, phổ biến, hỗ trợ:

  • Hệ điều hành này không cần các tiêu chuẩn an ninh, bảo mật nghiêm ngặt như trên nhưng được Việt hóa tốt, có bộ gõ tiếng Việt tin cậy, dễ dùng cài sẵn, tập hợp các phần mềm ứng dụng chuẩn. Cài đặt đơn giản đến mức tối đa.
  • Ổn định, tin cậy và được hỗ trợ cập nhật trong vài năm, đủ thời gian cho người sử dụng làm quen và thành thạo. Đây là hệ để dùng, không chạy theo thử nghiệm những cái mới.
  • Có sự hỗ trợ ở tầm quốc gia: tài liệu hướng dẫn tiếng Việt, một đội ngũ phát triển, hỗ trợ người dùng ăn lương, một website chính thức với các thông tin và diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, v.v….

Điều này hoàn toàn khả thi (chọn một hệ có sẵn, Việt hóa, tích hợp thêm rồi tạo bản cài đặt) và có lẽ cũng không tốn nhiều tiền. Nhưng sự đóng góp của nó cho việc ứng dụng PMNM rất to lớn. Tránh tình trạng như hiện nay, mỗi nơi dùng một kiểu.

Tác dụng của một hệ điều hành quốc gia phổ thông, dùng thống nhất chung trong cả nước, được hỗ trợ đầy đủ và chính quy là rất to lớn về mặt kỹ thuật và phổ biến PMNM, tránh được “tâm lý e ngại”. Nhưng cái được lớn hơn: nó là chỗ dựa, đối trọng, thế đứng của Việt nam  trong những cuộc đàm phán mua bản quyền sử dụng với các công ty phần mềm nước ngoài.

3- Về kinh phí

Có những thông tin cho biết Nga định xây dựng một hệ điều hành của riêng mình với kinh phí 3,3 tỷ đô la trong 10 năm (xem). Ở tầm vóc một cường quốc, yêu cầu họ đặt ra chắc là rất cao, chi phí cũng cao nên mới đắt như vậy. Liệu cơm, gắp mắm, chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu, yêu cầu khiêm tốn hơn mà vẫn đạt mục đích.

Nếu muốn phân tích hiệu quả kinh tế/kỹ thuật của PMNM, chính phủ phải ban hành những bộ công cụ như thế này, dựa trên những kết quả nghiên cứu như ở đây, không thể nói khơi khơi được.

KẾT LUẬN:

Việc xây dựng một hệ điều hành Việt nam theo cách đã trình bày ở trên là rất cần thiết, cấp bách, khả thi và có hiệu quả cao về nhiều phương diện.

Ý kiến của thứ trưởng Hồng có thể là do: a/hiểu biết cá nhân chưa đủ, b/tham mưu chưa tốt, c/bản chiến lược nói không rõ ràng, giải trình không đủ.

Có ai dám chịu trách nhiệm nếu sau này một hệ thống quan trọng bị phá hủy vì một quả bom hẹn giờ cài sẵn trong một hệ điều hành nguồn đóng? Hoặc các đế chế phần mềm nước ngoài đột ngột gây áp lực về bản quyền gây xáo trộn về kinh tế như vừa mới xảy ra (xem)?

Dù sau này, chủ trương trên có được chấp nhận hay không, cũng phải ghi nhận PMNM có được chỗ đứng vững chắc trong nhận thức của một số cán bộ bộ Khoa học và Công nghệ. Và nếu nó được chấp nhận tức là đã có một “môi trường chính sách” tốt về PMNM (cùng với nhiều văn bản khác về PMNM đã ban hành).

Tất nhiên từ chủ trương đến thực hiện có một khoảng cách lớn. Không nên đặt quá nhiều hy vọng.

Là một người ủng hộ nhiệt tình PMNM, tôi cũng chỉ dừng ở mức sử dụng, chưa từng “xây dựng” một hệ điều hành bao giờ nhưng cũng có chút kinh nghiệm triển khai ứng dụng PMNM và phải trả giá không nhỏ. Những ý kiến nông cạn nói trên dựa trên những hiểu biết và thông tin hạn chế có được mong đóng góp vào sự nghiệp chung. Rất mong được lắng nghe, phê bình, chỉ giáo.

Tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ sử dụng phần mềm nguồn mở.

Vừa qua, tôi có tham dự hội thảo Phần mềm tự do nguồn mở tại Đại học Khoa học Tự nhiên Hà nội.

Cảm nhận chung đây là một buổi hội thảo tổ chức công phu, nội dung phong phú, có nhà tài trợ, v.v…. Trong bối cảnh hiện nay, tổ chức được như vậy là một cố gắng lớn, đáng khâm phục.

Ngồi nghe các báo cáo trong phòng và quan sát, lắng nghe các sinh viên tụ tập ngoài sảnh quanh các máy cài Linux, tôi có vài nhận xét và đề xuất dưới đây với tinh thần một “con nghiện nặng” PMNM muốn cho mọi việc được tốt hơn. (Trước đây bận rộn nên ít giao lưu, rất sorry!).

Sinh viên đúng là đối tượng có nhiều khả năng, hứng thú tiếp cận và làm chủ được PMNM nhất. Tuy nhiên, nghe các em trao đổi thì thấy thông tin rất thiếu, không có hướng dẫn và hoàn toàn tự phát.

Trừ một số ít người ưa khám phá, muốn cho mọi người hiểu và có hứng thú với PMNM, nên giới thiệu cho họ lần lượt các bước:

  1. PMNM đang được dùng ở những đâu trên thế giới, vào những việc gì?.
    Đây là bước quan trọng nhất. Bản thân tôi trước đây khi tìm hiểu được những việc này cũng cảm thấy ngạc nhiên và khi đã biết thì hứng thú, niềm tin vào tương lai của PMNM cũng tăng lên. Trên blog, những bài viết trả lời câu hỏi trên được tập hợp trong chuyên mục “Vấn đề PMNM”. Một người khác cũng say mê trong việc này là anh Lê Trung Nghĩa (blog.) Tuy nhiên, cần có tài liệu biên soạn cô đọng, dễ đọc hơn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức là việc quan trọng nhất, việc đầu tiên phải làm. Trước đây, tôi làm việc này bằng cách thỉnh thoảng gửi mail tin tức ngắn gọn đến allusers. (“Phủ tổng thống Mỹ đang dùng PMNM” là ấn tượng rồi). Tuyên truyền đi từ gây ấn tượng-> hứng thú -> thử. Tôi nhắc lại bước tuyên truyền này rất quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ hoặc làm không đúng cách. Mở cho người lạ xem một bản Ubuntu hiệu quả sẽ không cao.
  2. PMNM là gì? Những đặc điểm cơ bản của nó và của cộng đồng nguồn mở. Đây là nơi đưa ra những gì một người bình thường muốn thử dùng PMNM nên biết. Vì vậy nội dung phải đơn giản, dễ hiểu, không cần câu nệ những từ ngữ chính xác, khó hiểu không cần thiết.
  3. Demo một số bản Linux. Các bản Linux cài demo tại hội thảo vừa qua còn đơn điệu, sơ sài, không hấp dẫn được người mới. Cách cài các bản demo này không khó, nhưng phải chuẩn bị cẩn thận hơn. Ví dụ: có những bản đẹp, nhiều hiệu ứng 3D cài sẵn, có bản đơn giản nhưng thực dụng, có bản nhanh cho máy yếu, có khả năng thay đổi các loại desktop khi log in, có những văn bản, bảng tính, trình diễn đẹp, phức tạp mở sẵn, v.v…..
  4. Khuyến khích dùng thử. Phát động phong trào “Một hệ điều hành thứ 2, không virus”, cài song song với Windows, chỉ mất 5-10GB ổ cứng. Những việc gì hay dính virus thì khuyên làm trên Linux, có lẽ nhiều người sẽ chấp nhận được vì không phải học hành gì nhiều. Tuy nhiên về phía các fan của Linux thì điều này không đơn giản. Bản dùng thử nên là bản đã được remix trước, cài đặt đơn giản tối đa (ví dụ: có sẵn bộ gõ và các font unicode). Và đặc biệt phải có tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng thật dễ hiểu đi kèm, có sự hỗ trợ lâu dài một cách có tổ chức. (Trước đây, ở cơ quan, tôi còn khuyến khích bằng chiêu: dùng Linux thì cho đổi màn hình CRT sang LCD!).
  5. .. còn nhiều vấn đề nữa.

Sau khi chuẩn bị được những việc trên, một đợt “lưu diễn” về PMNM quanh các trường đại học chắc chắn sẽ có kết quả tốt.

Tổ chức đứng ra làm nhiệm vụ “bình dân học vụ”, “xóa mù chữ” về PMNM như trên tốt nhất là bộ phận nào đang chịu trách nhiệm về PMNM của bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với sự tham gia tự nguyện của cộng đồng nguồn mở trong cả nước.

Nếu bộ không chịu làm hoặc phải trình bẩm phức tạp, câu lạc bộ PMNM sắp thành lập có thể gánh vác nhiệm vụ này nhưng sẽ khó khăn hơn.

Và cũng không cần chờ đến các cấp vĩ mô, từng trường đại học, thậm chí từng khoa, tùy theo nhận thức và quyết tâm cũng có thể đứng ra tự làm. Tôi tin rằng cộng đồng nguồn mở sẽ sẵn sàng đóng góp theo đúng tinh thần của phong trào tức là chia sẻ vô tư, vì một niềm say mê chung.

Lãng mạn cách mạng nguồn mở

Data.gov goes open source, first step in government being afraid of the people.

By Ray Walters on December 6, 2011 at 5:32 pm (link gốc)

(Lời người dịch: Có lẽ do tiếp cận được nhiều thông tin, biết cách sử dụng các công cụ nên một trong những bệnh nghề nghiệp mà dân IT hiện nay hay mắc là nói nhiều, bản thân tôi cũng bị! Tích vào nhiều mà không phát ra được thì tẩu hỏa nhập ma như chơi. Mà nói dài, nói dai thì thành ra nói dại. Căn cứ theo bài viết này, ta có thể thấy 3 trường hợp tiêu biểu:

  • Nguyễn Anh Tuấn xuất thân từ IT tỉnh lẻ, thích nói đến mức xây dựng hẵn một tờ báo điện tử thuộc loại lớn nhất và đáng đọc nhất Việt nam để nói. Và nói quá đà đến mức bật bãi sang tận Mỹ.
  • Việt Hùng từ làm IT nói giỏi đến mức nhảy lên làm trưởng ban biên tập báo Tiền phong online, đè đầu dân nói chuyên nghiệp là các nhà báo. Vừa rồi chắc cũng hú vía với vụ Phan Hải Bình.
  • Hiệu Minh là dân IT nòi, nhà báo nghiệp dư kiêm blogger tên tuổi. Blog của anh là một trong những cái tôi thích đọc.Tay này khôn hơn, lại đang ở Mỹ nên chưa thấy bị làm sao.

Xa hơn nữa còn 3 anh IT: Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, nói nhiều đến mức ra tòa lĩnh án.

Mới đây, lại có 3 người nói đến mức “vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin’, bị phạt 260 triệu đồng!

Tóm lại IT là một nghề nguy hiểm, dễ trở thành “đối tượng cách mạng” như chơi! Điều này cũng bình thường thôi. Khi một công cụ khoa học kỹ thuật phát triển cực thịnh, nó được khai thác tối đa. Tôi có đọc ở đâu đó nói rằng khi nền công nghiệp ô tô ở Mỹ lên đỉnh cao, hình thành nền ‘văn hóa ô tô’, đã có điều tra xã hội học kết luận rằng đa số thiếu nữ Mỹ lần đầu tiên làm “chuyện ấy” trên ô tô!

Thành thạo một công cụ hiện đại, tiếp cận nhiều thông tin cũng làm cho dân IT có ít nhiều hoang tưởng, mơ mộng, “lãng mạn cách mạng” theo kiểu “Chí làm trai, gõ phím bình thiên hạ. Phận anh hùng, kích chuột định giang san”. Tác phẩm “Thế giới phẳng” của Friedman là tiêu biểu cho tinh thần lãng mạn đó.

Nhưng hiện nay, công cụ IT thực sự là đáng sợ. Vụ Wikileaks, sâu Stuxnet , vụ tấn công báo VietnamNet, … cho thấy cái mơ mộng, lãng mạn nói trên không phải không có cơ sở. Chính phủ Mỹ gần đây đã phải lập một thứ đại loại như “Bộ Tư lệnh chiến tranh trên không gian mạng” để đối phó với điều đó.

Trên blog này cũng đã có nhiều bài giới thiệu về tình hình ứng dụng phần mềm nguồn mở trong chính phủ Mỹ, quân đội Mỹ, thậm chí cả CIA (search những từ tương ứng). Nhưng lần đầu tiên tôi thấy có một người đẩy tinh thần “lãng mạn cách mạng nguồn mở” lên cao đến mức coi nó như một thứ vũ khí có thể kiểm soát được chính phủ Mỹ, chấm dứt tham nhũng và “bắt đầu một cuộc cách mạng thông tin mới”  như bài lược dịch xin giới thiệu cùng bạn đọc dưới đây.

Bỏ qua một bên cái tinh thần lãng mạn hơi quá đà ấy, có thể thấy chính phủ Mỹ tham gia vào phong trào PMNM bằng những bước đi rất cụ thể và thực tiễn, không phải chỉ trên đường lối, chỉ thị chung chung. Đó là một điều đáng mừng, hy vọng rằng các chính phủ khác cũng noi theo.).

Dù bạn có bỏ phiếu bầu cho Tổng thống Obama hay không, cũng không thể phủ nhận rằng ông đã có một bước đi thông minh khi đưa chính phủ Mỹ gia nhập hoàn toàn vào kỷ nguyên thông tin. Quyết định hành pháp đầu tiên mà ông ký là thành lập một cổng thông tin mới Data.gov trên Internet, cho phép cư dân mạng truy cập đến những thông tin mà luật Tự do Thông tin (the Freedom of Information act) quy định. Trước đó, truy cập đến những thông tin đó khó khăn vì người dân phải nhảy qua những hàng rào quan liêu để có được thông tin mà họ cần. Xuất hiện đầy đủ trên mạng vào năm 2009, Data.gov cho phép cư dân mạng biết hàng loạt thông tin kiểu như ai đã đến thăm Nhà Trắng, và có thể xem các số liệu dưới nhiều dạng đồ thị trực quan khác nhau. Bộ công cụ đó cho phép công dân Mỹ dễ dàng hơn nhiều trong việc buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính phủ.

Với thành công của Data.gov hỗ trợ, Obama có thể tiến lên thành lập Liên minh Chính phủ mở (the Open Government Partnership – OGP), một tổ hợp 46 nước đồng ý tạo nên những công cụ để các chính phủ trên toàn cầu tạo điều kiện thuận lợi cho 3 việc: minh bạch trong các công việc của chính phủ, mức độ cam kết với công dân cao hơn và mức độ quy trách nhiệm tốt hơn để chấm dứt tham nhũng. Một nhiệm vụ rất nặng nề yêu cầu nhiều thứ hơn là một cuộc họp báo và các cam kết bằng văn bản. Nói là làm, Obama đã ra lệnh công bố mã nguồn của Data.gov trở thành mã nguồn mở, cho phép mọi chính phủ, mọi tổ chức, mọi cá nhân có thể tải nó về sử dụng.

Đó là bước quan trọng đầu tiên để mọi công dân có thể kiểm soát chính phủ của họ. Trích từ tác phẩm V for Vendetta: “Công dân không nên sợ chính phủ cuả họ, chính phủ nên sợ dân”. Thông tin là một vũ khí hùng mạnh đang làm cho điều đó xảy ra, và là vũ khí tốt hơn là dùng quân sự để tấn công các pháo đài tư bản khi dân chúng đã chịu đủ sự bạo ngược trong đời. Thay vì giúp các nước ngoài bằng tiền và binh lính, <với những việc làm trên> Obama đã thể hiện cho thế giới thấy một chính sách khác hẳn những người tiền nhiệm. Hình như ông hiểu rằng để sự thay đổi thực sự diễn ra trên thế giới như các cuộc biểu tình kiểu Occupy yêu cầu, ném tiền vào nơi có vấn đề không phải là một giải pháp.

Mã nguồn hiện có trên site GitHub (công bố 1/11/2011, mới ở dạng alpha), cổng thông tin Data.gov cho phép mọi người tạo các đồ thị dữ liệu như hình trên. Nó cho biết số người đến thăm Nhà Trắng, nơi họ đến và số người tham gia các cuộc mít ting. Khả năng tìm kiếm và hiển thị là vô hạn vì bạn có thể thay đổi các biến để điều khiển việc hiển thị theo ý muốn. … Một điểm then chốt là Data.gov được xây dựng trên nền Drupal, một hệ phần mềm quản lý nội dung (Content Management System) nguồn mở. Điều đó cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo nên các phần mềm ứng dụng, tính năng bổ xung (plug-ins) riêng để khai thác các dữ liệu chứa trong Data.gov. Bằng cách tham gia phát triển phần mềm mà chính phủ đang dùng, các công dân có thể nắm chắc được điều gì đang xảy ra. (Cái cổng thông tin chinh phủ chinhphu.vn của chúng ta không biết dựa trên platform nào? Microsoft? – ND)

Việc mở mã nguồn của cổng thông tin này nên được xem như việc bắt đầu một cuộc cách mạng thông tin. Cuộc đấu tranh để dành quyền truy cập đã thắng, cuộc chiến tiếp theo là đảm bảo rằng thông tin đưa ra cho công chúng là chính xác, đầy đủ và không thiên lệch.

Hãy nhớ, hãy nhớ ngày 20/9/2011 (ngày có lệnh công bố mã nguồn của Data.gov), ngày bắt đầu của một cuộc cách mạng thông tin mới.

Xã hội cộng sản nguồn mở

Chúng ta thường được dạy rằng xã hội cộng sản là nơi “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Nhiều người hoài nghi, coi đó là điều không tưởng.

Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn hiện thực trong xã hội phần mềm nguồn mở (PMNM). Là công dân của xã hội đó, bạn hoàn toàn có quyền hưởng theo nhu cầu mà chỉ phải đóng góp đúng theo năng lực của bạn.

Mức “làm theo năng lực” thấp nhất là bạn tải về dùng thử một PMNM nào đó, kể cả chạy trên Windows. Số lượng người dùng tăng lên, sự nhận thức mới mẻ của bạn về PMNM đã là một điều đóng góp rồi.

Cao hơn một chút, bạn có thể “tuyên truyền mồm” cho bạn bè, người quen về PMNM hoặc viết bài ủng hộ nó như tôi đang làm. Năng lực của tôi chỉ đến thế.

Các mức tiếp theo thì vô cùng tùy theo năng lực của bạn. Dịch tài liệu, bản địa hóa phần mềm, thông báo lỗi, tham gia các diễn đàn, tham gia các nhóm lập trình, tự sáng lập và đứng ra làm thủ lĩnh viết một gói phần mềm, một phần mềm hoàn chỉnh, kinh doanh phần mềm v.v…. Xã hội nguồn mở không có bất kỳ một hạn chế nào đối với năng lực của bạn và cũng không ràng buộc bạn. Một xã hội tự do tuyệt đối chỉ tuân theo các loại “hiến pháp” GPL.

Đóng góp không chỉ theo năng lực mà còn theo cả hứng thú nữa. Ngày mai, bạn chia tay với người yêu, chán đời cũng chán luôn cả PMNM.

Về mặt hưởng thụ thì đúng là theo nhu cầu. Bạn có thể tự do tải về cả đống phần mềm để cài cho một dàn máy chủ mà bình thường nếu mua bản quyền sử dụng phần mềm nguồn đóng có thể tới hàng trăm nghìn đô la. Bạn có thể “chôm” một hệ điều hành có sẵn, sửa sang chút ít, đặt tên khác rồi công bố lên Internet. Sẽ không có ai thắc mắc, kiện cáo bạn miễn là bạn đã tuân theo giấy phép sử dụng hệ điều hành đó. Thậm chí bạn có thể kinh doanh các phần mềm phần mở của người khác với một số điều kiện nhất định.

Xã hội nguồn mở là một xã hội kỳ lạ nơi mọi người ra sức làm rồi cho không thành quả, thậm chí còn chào mời càng nhiều người lấy không công sức của mình càng thích.

Như vậy, xã hội nguồn mở chính là một minh chứng cụ thể rằng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” không phải là điều không tưởng, một mô hình thu nhỏ đã thành hiện thực của xã hội cộng sản. Nhưng xã hội tương lai của loài người có đạt được đến điều đó không thì phải chờ, nếu may ra còn đủ trẻ.

Chính vì thế, những tín đồ của chủ nghĩa tư bản coi PMNM là một mối đe dọa thật sự, một kẻ thù của tư bản. Chỉ cần search cụm từ “open source vs. capitalism”, bạn sẽ thấy điều đó.

Ngược lại, đáng lẽ ra PMNM phải chiến thắng tuyệt đối từ lâu ở những nước như Trung quốc, Việt nam rồi mới phải. Hiện chỉ có Cu ba là có ý thức chính trị rõ ràng về PMNM, coi đó là một công cụ để không bị lệ thuộc vào các nước tư bản, nhất là Mỹ về mặt phần mềm.

Vậy nếu sếp của bạn, chắc chắn là đảng viên, chống PMNM, bạn hãy cho ông ta xem bài viết này. Nâng quan điểm lên, quy kết sếp “chấp nhận ăn cắp đồ của bọn tư bản dãy chết để nó coi khinh, không ủng hộ một xã hội cộng sản thu nhỏ tức là có vấn đề về tư tưởng, ý thức đảng viên”. Xem ông ta có sợ không?!

Một phần mềm của CIA được nguồn mở hóa

CIA Software Developer Goes Open Source, Instead

By Noah Shachtman August 4, 2010

(ZXC232 lược dịch)

Trong 3 năm, Matthew Burton, một nhà phân tích tình báo và nhà phát triển phần mềm, đã thử xây dựng một công cụ phần mềm đơn giản và có ích cho các nhà phân tích tình báo của CIA. Trong 3 năm đó, các cuộc tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ của mã nguồn đã giữ phần mềm đó chỉ loanh quanh trong trụ sở Langley của CIA. Giờ đây, Burton đã công bố nó cho công chúng theo một giấy phép sử dụng phần mềm nguồn mở.

Một số nhà phân tích tình báo của CIA dùng phần mềm “Phân tích các giả thuyết cạnh tranh – Analysis of Competing Hypotheses, ACH” để tìm ra những bằng chứng ủng hộ hoặc bác bỏ giả thuyết của họ về một vấn đề tình báo nào đó. Nhưng công cụ đó là một người dùng nên họ không thể chia sẻ quan điểm với nhau hoặc bổ xung các ý kiến phản đối. Burton đã giúp xây dựng mô tả kỹ thuật phiên bản nguồn mở cộng tác của ACH.

“Bộ Quốc phòng đã tiêu 10 tỷ đôla hàng năm để tạo nên những phần mềm ít khi dùng và khó thay đổi để thích ứng với các mối đe dọa mới. Nhiều phần mềm lại trở thành tài sản của các công ty quốc phòng, do đó bộ QP phải chi nhiều lần cho cùng một giải pháp hoặc tệ hơn là trả tiền cho cái đã làm trước đây,” John M. Scott, một nhà tư vấn quốc phòng và là người đứng đầu phong trào phần mềm nguồn mở quân sự viết. “Hãy thử tưởng tượng chỉ có một nhà sản xuất súng duy nhất được phép lau chùi, sửa chữa, thay đổi, nâng cấp súng. Đó chính là điều quân đội đang làm hiện nay: một nhà thầu độc quyền những kiến thức về hệ thống phần mềm quân sự”.

“Trong nhiều năm, quân đội Mỹ đã thua trong một trận chiến không cân sức không liên quan đến vũ khí đạn dược hay al-Qaida mà là thua một đám nhà thầu nắm được quyền kiểm soát các ý tưởng vì các chính sách luật lệ của chính phủ chỉ nhắm vào việc mua sắt thép mà không liên quan đến việc triển khai các kỹ thuật quân sự dựa trên phần mềm”

Read more http://www.wired.com/dangerroom/2010/08/cia-software-developer-goes-open-source-instead/#ixzz0wAit30f3

 

Nhà buôn chứng khoán châu Á – Thái bình dương thích phần mềm nguồn mở

Một số những sàn chứng khoán bận rộn nhất vùng châu Á – Thái bình dương tỏ ra ưa thích phần mềm nguồn mở, số bản cài đặt Red Hat Linux, một công ty cung cấp các giải pháp PMNM cho thấy điều đó.Red Hat nói 10 sàn chứng khoán trong vùng, trong đó có sàn chứng khoán Hồng công, sàn chứng khoán Tokyo, dùng Red Hat chạy các ứng dụng tối quan trọng (mission-crititcal applications) của họ để kết nối với hệ thống sàn chứng khoán NYSE Euronext và Deutsche Boerse.Các sàn chứng khoán khác cũng dùng Red Hat là sàn Singapore (SGX), sàn Philipine (PSE), sàn Lahore (LSE) Pakistan và sàn chứng khoán Ấn độ (NCDEX).

Red Hat tự cho rằng “trên 50% khối lượng giao dịch chứng khoán toàn cầu thực hiện trên Red Hat”.

“Các giải pháp tiên tiến và đổi mới của Red Hat đã trở thành nền tảng tin cậy cho các phần mềm giao dịch chứng khoán tối quan trọng. Các sàn chứng khoán tại 22 nước trên toàn thế giới, trong đó 10 nước thuộc vùng châu Á – Thái bình dương đang dùng Red Hat” phó chủ tịch Red Hat châu Á – Thái bình dương cho biết.

Các phần mềm ứng dụng tối quan trọng (Mission-critical)

Bản báo cáo khảo sát thị trường năm 2011 của công ty nghiên cứu thị trường Gartner dự báo đến năm 2016, 99% các doanh nghiệp hàng đầu Global 2000 sẽ dùng phần mềm nguồn mở vào các ứng dụng tối quan trọng. Năm 2010, tỷ lệ dự báo này là 75%. Gartner cũng dự báo rằng đến năm 2016 50% các công ty hàng đầu không phải IT sẽ dùng PMNM “như một chiến lược kinh doanh để dành lợi thế cạnh tranh”
Sàn chứng khoán Singapore (SGX) nói họ cần Red Hat Enterprise Linux (phần mềm máy chủ) để chạy phần mềm giao dịch SGX Reach có thể xử lý được một triệu giao dịch trong một giây, lớn hơn hệ thống hiện tại một trăm lần.

Sàn SGX hiện có 800 công ty niêm yết với khối lượng vốn hóa 738,8 tỷ USD, có khối lượng giao dịch 21,6 tỷ cổ phiếu.

Cải thiện tính năng

Tại Philipine, Red Hat đã giúp sàn chứng khoán Philipine (PSE) tăng gấp đôi khối lượng giao dịch.Sàn chứng khoán Tokyo (TSE) không phải mới dùng Red Hat. Trước đây hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh của TSE đã dùng Red Hat. Hiện nay, TSE dùng Red Hat vào hệ thống giao dịch thế hệ mới cho các loại giấy tờ có giá như cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi được.

Nguồn: http://news.idg.no/cw/art.cfm?id=7E309C2C-1A64-67EA-E444D00A1CDB597C

Tin ứng dụng Linux trên các sàn chứng khoán

TIN ỨNG DỤNG LINUX TRÊN CÁC SÀN CHỨNG KHOÁN.

Như tin đã đưa trước đây, từ năm 2009 sàn chứng khoán London (London Stock Exchange – LSE) bắt đầu bỏ nền tảng Windows và chuyển sang Linux. Các lý do để chuyển xem ở link nói trên.

Sau một thời gian phát triển phần mềm và thử nghiệm, 8 giờ sáng ngày 14/2/2011, LSE chính thức đưa hệ thống mới vào hoạt động.

Hệ phần mềm giao dịch chứng khoán mới có tên là Millenium Exchange, chạy trên nền hệ điều hành Novell SUSE Linux có tốc độ xử lý giao dịch (độ trễ khi thực hiện lệnh) là 0,126 milisecond (hệ thống TradElect cũ chạy trên nền Windows có tốc độ xử lý là 2,7 milisecond). Tốc độ này được xem là nhanh nhất thế giới hiện nay. Các sàn cạnh tranh BATS Europe và Chi-X có tốc độ tương ứng là 0,250 và 0,175 milisecond.

Tuy nhiên sàn NASDAQ (NewYork) chạy hệ phần mềm Genium INET trên nền Linux cũng có báo cáo cho biết hệ thống của họ có thể đạt tốc độ 0,097 milisecond, trung bình là 0,250 milisecond. Sàn chứng khoán Singapore, mua Genium INET của NASDAQ đạt được tốc độ 0,090 milisecond khi thử.

Cuộc đua tốc độ xử lý giữa các sàn chứng khoán đang diễn ra quyết liệt.

Trước đó, trong quá trình thử nghiệm, hệ thống mới cũng gặp sự cố nghi là do bị tấn công. LSE đã báo cáo sự cố này cho cảnh sát và cả chính phủ Anh để phối hợp giải quyết.

Đáng lẽ, hệ thống mới được đưa vào ứng dụng sớm hơn. Nhưng đầu tháng 2/2011, LSE quyết định sáp nhập với tập đoàn TMX hiện đang quản lý hai sàn chứng khoán Toronto và Montreal (Canada). Hai sàn này dùng máy chủ HP Proliant chạy các hệ điều hành Red Hat Linux và Unix.

Việc sáp nhập này dự kiến sẽ giúp tiết kiệm được 35 triệu bảng Anh trong vòng hai năm chi phí IT và điều hành, dùng chung một nền tảng hệ thống dựa trên Linux và Unix.

Ngày 15/2/2011, hai sàn chứng khoán lớn là NYSE Euronext và Deutsche Borse cũng tuyên bố sáp nhập tạo nên một tổ chức chứng khoán lớn thứ hai thế giới về tổng số vốn hóa, đứng sau sàn chứng khoán Hồng công. Việc sáp nhập này dự kiến sẽ tiết kiệm được 255 triệu bảng Anh chi phí IT và điều hành.

NYSE Euronext cũng đã chuyển sang dùng Red Hat Enterprise Linux từ năm 2009 (xem tại đây). Deutsche Borse cũng dùng hệ điều hành Red Hat Enterprise Linux.

Theo gương của LSE, sàn chứng khoán Johannesburg hiện nay đang dùng hệ phần mềm TradElect trên nền Microsoft.Net và SQL Server 2000 cũng đã quyết định chuyển sang dùng Millenium Exchange chạy trên Linux. vào nửa đầu năm 2012 khi chuyển địa điểm sàn từ London về Johannesburg.

Một trong những lý do chính để chuyển sang Linux là tốc độ xử lý lệnh giao dịch. Một lý do khác là chi phí vận hành.

Hệ thống phần mềm chứng khoán là một trong những hệ thống có yêu cầu khắt khe nhất về tốc độ, độ tin cậy và an ninh. Mọi lỗi dù nhỏ cũng có thể dẫn đến thiệt hại hàng triệu đôla cho các nhà đầu tư. Và Linux đã đáp ứng được các yêu cầu đó.

Đánh giá mức độ minh bạch và mở của chính phủ Mỹ

Đánh giá mức độ minh bạch và mở của chính phủ Mỹ.

Tháng 1/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành chỉ thị “Chính phủ minh bạch và mở” (Transparency and Open Government) trong đó xác định ba vấn đề then chốt mà chính phủ phải thực hiện:

  • Minh bạch (transparency): các cơ quan chính phủ phải sử dụng các công nghệ mới nhanh chóng công bố online các hoạt động và quyết định của mình dưới dạng sao cho công dân có thể dễ dàng tìm và sử dụng.
  • Tham gia (participatory): các cơ quan chính phủ phải tạo điều kiện, khuyến khích công dân tham gia vào quá trình làm chính sách để tăng tính hiệu quả và cải thiện chất lượng chính sách.
  • Hợp tác (collaboration): Các cơ quan chính phủ phải dùng các công cụ, phương pháp, hệ thống mới để hợp tác với nhau ở tất cả các cấp, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân.

Tháng 12/2009, cục Quản lý và Ngân sách thuộc văn phòng Tổng thống ban hành một chỉ thị và kế hoạch (Directive and Open Government Plans) quy định rõ thời hạn các công việc phải làm để triển khai chỉ thị trên

Năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện chỉ thỉ và kế hoạch đó. Mới đây, tổ chức “Nguồn mở cho nước Mỹ” (Open Source for America – OSFA) – là một tổ chức của các nhà lãnh đạo công nghệ, các hội phi chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học có mục đích thúc đẩy việc sử dụng công nghệ nguồn mở trong chính phủ Mỹ vừa công bố một bản báo cáo (The Federal Open Technology Report Card) đánh giá tính minh bạch và mở của chính phủ Mỹ.

Bản báo cáo này dựa trên 7 nhóm tiêu chuẩn đánh giá ba vấn đề nói trên do OSFA đưa ra:

  1. Có công bố ngân sách
  2. Có công bố số người truy cập website
  3. Có các công cụ để công dân phản hồi ý kiến (wiki, forum, email, …)
  4. Cung cấp thông tin cho dân theo luật Tự do thông tin (Freedom of Information Act)
  5. Công bố các mẫu biểu theo tiêu chuẩn định dạng mở (open format) và nhận nhiều dạng file của công dân gửi tới.
  6. Quy chế, chính sách mua sắm phần mềm có quy định phải tính Tổng chi phí sở hữu phần mềm (Total cost of ownership), quy định công nghệ nguồn mở là một phương án lựa chọn, cho phép công bố mã nguồn.
  7. Đã công bố mã nguồn phần mềm của cơ quan, có hướng dẫn, giải thích rõ phần mềm nguồn mở là một phương án lựa chọn.

Bốn nhóm tiêu chuẩn đầu liên quan đến tính công khai, minh bạch và khả năng tham gia làm chính sách của công dân. Ba nhóm tiêu chuẩn cuối liên quan đến khả năng hợp tác giữa các bộ qua việc dùng các tiêu chuẩn mở và phần mềm nguồn mở.

Tổng cộng có 25 câu hỏi, được đánh trọng số khác nhau. Trong đó các câu hỏi liên quan đến tiêu chuẩn mở và phần mềm nguồn mở được đánh trọng số cao nhất. Căn cứ vào các câu trả lời của các cơ quan chính phủ và điểm tính được, báo cáo xếp hạng tính mở của 15 bộ và cơ quan ngang bộ như sau:

  • Bộ Quốc phòng (82%)
  • Bộ Năng lượng (72%)
  • Bộ Y tế (55%)
  • Bộ An ninh nội địa (55%)
  • Bộ Giao thông (53%)

Các bộ tiếp theo: bộ Cựu chiến binh (49%), bộ Nông nghiệp (47%), bộ Nhà ở và Phát triển đô thị (45%), bộ Ngoại giao (44%), … và thấp nhất là bộ Nội vụ (37%).

Bộ Quốc phòng được xếp hạng đầu không có gì là lạ. Một số bài viết trên blog này đã cho thấy bộ Quốc phòng Mỹ là nơi đang tích cực dùng phần mềm nguồn mở nhất (nhấn vào thẻ Bộ QP Mỹ ở cột bên phải để xem)

Bảng tổng hợp các câu hỏi và điểm xem tại http://opensourceforamerica.com/photos/ReportCard-RawData.ods.

Các tài liệu tham khảo khác:

Nguyên bản tiếng Anh:

www.prweb.com/releases/prweb2011/01/prweb4969554.htm

Cisco phát triển điện toán đám mây trên nền phần mềm nguồn mở.

Cisco phát triển điện toán đám mây trên nền phần mềm nguồn mở.

http://www.serverwatch.com//article.php/3919236

January 4, 2011

Việc chuyển sang hạ tầng điện toán đám mây là một trong những vấn đề chi phối các cuộc thảo luận về mạng năm 2011. Một trong những công ty đi đầu trong việc chuyển sang điện toán đám mây là người khổng lồ về thiết bị mạng Cisco chuyên cung cấp các máy chủ, thiết bị chuyển mạch, dẫn đường cho hạ tầng điện toán đám mây.

Trong giai đoạn đang nghiên cứu phát triển và triển khai điện toán đám mây hiện nay, các chuẩn mới còn đang xuất hiện và đó là nơi mà phần mềm nguồn mở có thể đóng góp.

“Chúng tôi đang chú ý làm việc với nhiều các cộng đồng nguồn mở khác nhau vì đó là nơi có nhiều hoạt động về điện toán đám mây đang diễn ra”, Giám đốc công nghệ về điện toán đám mây của Cisco Lew Turker cho InternetNews.com biết. “Phần mềm nguồn mở đang đóng góp nhiều công nghệ vào lĩnh vực điện toán đám mây hiện nay.”

Tucker nói rằng Cisco chú ý đến nhiều sáng kiến đám mây nguồn mở khác nhau. Một trong những cái mà ông đang xem xét là các dự án Rackspace và OpenStack của NASA.

OpenStack là một dự án phát triển một nền tảng điện toán đám mây nguồn mở ra mắt vào tháng 7/2010. Phiên bản đầu tiên của OpenStack được công bố vào cuối tháng 10 sau khi có được sự ủng hộ của 35 công ty công nghệ.

Cho đến nay, Tucker nói rằng Cisco còn chưa đóng góp mã vào OpenStack mặc dù đã tham dự các phiên họp về phát triển OpenStack.

Liên kết với RedHat

Một trong những công ty phần mềm nguồn mở mà Cisco tích cực quan hệ là RedHat. Tucker nói rằng Cisco chạy hệ điều hành RedHat Enterprise Linux và phần mềm nguồn mở ảo hóa KVM trên Hệ thống máy tính thống nhất (Unified Computing System – UCS) của Cisco. RedHat là một trong những công ty đã liên kết với Cisco để tung ra UCS vào tháng 3/2009.

Ngoài việc liên kết kinh doanh với RedHat, Cisco hiện cũng đang đóng góp các mã nguồn mở.

“Chúng tôi đã đóng góp vào dự án Fedora các driver của các card mạng ảo mà chúng tôi dùng trong UCS, “ Tucker cho biết “Như vậy chúng tôi có thể vào mạng trực tiếp, tránh được việc không hiệu quả và chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với RedHat về việc đó”

Tucker cũng quan tâm đến các dự án nguồn mở khác mà Red Hat đang thực hiện ngoài dự án máy ảo KVM. Một trong những lĩnh vực mà Cisco đặc biệt quan tâm là dự án Deltacloud. Deltacloud là một cố gắng tạo ra một lớp trừu tượng để các ứng dụng có thể khai triển trên đó không phụ thuộc vào các công nghệ đám mây bên dưới và các nhà cung cấp công nghệ đó.

Theo hướng đó, dường như Cisco sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án nguồn mở hiện có mà không lập dự án riêng của mình.

 

Thủ tướng Putin lệnh cho chính quyền Nga dùng phần mềm tự do nguồn mở

Thủ tướng Putin lệnh cho chính quyền Nga dùng phần mềm tự do nguồn mở

By Grant Gross, IDG News

Ngày 17/12/2010, thủ tướng Nga Putin đã ký sắc lệnh số 2299-p yêu cầu các cấp chính quyền Nga và các cơ quan dùng ngân sách liên bang chuyển sang dùng phần mềm tự do nguồn mở theo một kế hoạch từ 2011 đến 2015. Bản dịch tiếng Anh của sắc lệnh này và kế hoạch kèm theo xem tại đây.

Sắc lệnh này được ký sau một bản tin hồi tháng 10 của báo Christian Science Monitor nói chính phủ Nga đã lập kế hoạch bỏ dùng phần mềm Microsoft để ủng hộ cho một hệ điều hành quốc gia nguồn mở dựa trên Linux. (Theo bản tin trên, chi phí dành cho việc phát triển hệ điều hành quốc gia đó là 5 triệu USD. Lý do phát triển hệ điều hành quốc gia là để: tiết kiệm tiền, tăng cường an ninh và giảm sự phụ thuộc vào những con khủng long phần mềm nước ngoài như Microsoft – ND)

Việc chuyển sang phần mềm tự do nguồn mở sẽ bắt đầu từ quý 2 năm 2011, bộ Truyền thông sẽ nghiên cứu xem các gói phần mềm nào là cần thiết cho các cơ quan chính phủ. Trong quý đó, bộ Truyền thông và các cơ quan liên quan sẽ xây dựng kế hoạch lập trung tâm hỗ trợ người dùng và cơ chế hỗ trợ các nhà phát triển phần mềm.

Chính quyền Nga cũng sẽ bắt đầu thiết lập kho các tài sản IT trong quý 2/2011. Các cơ quan thí điểm sẽ bắt đầu dùng phần mềm nguồn mở vào quý 2/2012.

Chính phủ Nga cũng dự kiến sẽ xây dựng kho phần mềm nguồn mở quốc gia.Sự ủng hộ của thủ tướng Putin đối với phần mềm nguồn mở là “cực kỳ quan trọng”, phóng viên chuyên viết về PMNM Glyn Moody viết trên the Open blog. Các cố gắng trước đây chuyển một phần chính quyền Nga sang dùng PMNM đã thất bại vì thiếu sự ủng hộ chính trị.

“Nhưng nếu Putin nói ‘làm đi’, tôi đoán rằng nhiều người sẽ lao vào để điều đó thành hiện thực. Và một khi điều đó xảy ra, các kế hoạch triển khai PMNM khác rất có thể sẽ trở nên hấp dẫn hơn”Liên minh các doanh nghiệp phần mềm (the Business Software Alliance), tổ chức tập hợp các công ty phát triển phần mềm lớn nhất của Mỹ đánh giá rằng 67% phần mềm hiện đang dùng tại Nga trong năm 2009 là phần mềm ăn cướp (pirated).

(Nguyên bản tiếng Anh trên PCWorld)

Lời người dịch:

Với sắc lệnh này, Nga là cường quốc đầu tiên trên thế giới chính thức chuyển hệ thống công nghệ thông tin chính phủ sang PMNM với sự ủng hộ chính thức từ cấp cao nhất.

Điều này cũng cho thấy về tính năng kỹ thuật, PMNM hoàn toàn có thể dùng được trong quản lý nhà nước.

Riêng về mặt chủ trương chính sách, nước Nga đi sau Việt nam. Chúng ta đã có Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg quy định phải ” Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở” từ năm 2006 và một loạt văn bản khác sau đó.

Tuy nhiên, cách triển khai của Nga bài bản, chính quy hơn với việc xây dựng hệ điều hành quốc gia nguồn mở, có trung tâm hỗ trợ người dùng, cơ chế hỗ trợ các nhà phát triển PMNM và kho PMNM quốc gia.

Thủ tướng Putin có quyền lực và uy tín rất lớn ở Nga. Sự ủng hộ của ông chắc sẽ mang lại nhiều thay đổi quan trọng.

Tại Việt nam hiện nay, quyết định mạnh nhất về việc này mới chỉ ở cấp bộ (xem tại đây). Cách triển khai theo tôi còn rất yếu và không khả thi. Vì vậy nó mới dẫn đến kết quả như nói tại đây. Cái ở Việt nam còn thiếu là sự ủng hộ chính trị, kỷ cương luật pháp và kỹ năng của các công chức có liên quan trong việc xây dựng và triển khai một kế hoạch khả thi.

Thắng lợi của Liên minh châu Âu và thất bại của Việt nam

Liên minh châu Âu vừa công bố các nguyên tắc mua sắm mới hỗ trợ rộng rãi các công nghệ nguồn mở.

Tài liệu “Khuôn khổ tương tác châu Âu – Eropean Interoperability Framework – EIF” gây nhiều tranh cãi vừa được công bố. Tài liệu khung này quy định các tiêu chuẩn tương tác mà các quốc gia thành viên liên minh châu Âu sẽ dùng khi trao đổi dữ liệu giữa các cấp  chính quyền.

Theo Wikipedia ” Khuôn khổ tương tác châu Âu là một bộ các khuyến nghị quy định cách thức các chính quyền, doanh nghiệp và công dân châu Âu thông tin với nhau bên trong liên minh và giữa các quốc gia. The European Interoperability Framework (EIF) is a set of recommendations which specify how Administrations, Businesses and Citizens communicate with each other within the EU and across Member States borders.”

Tuy nhiên, văn bản cuối cùng của EIF ủng hộ rộng rãi các chuẩn mở (open standards), là điều gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình soạn thảo. Trong EIF nói rõ “Do có hiệu quả tích cực đối với khả năng tương tác, việc sử dụng các chuẩn mở đã được thúc đẩy trong nhiều văn bản chính sách và được khuyến khích sử dụng trong các dịch vụ công của châu Âu. Hiệu quả tích cực của chuẩn mở cũng đã được chứng minh môi trường Internet.”

Các nhà sản xuất phần mềm nguồn đóng tập hợp trong tập hợp trong Business Software Alliance (BSA) và các nhóm lobby khác chống đối quyết liệt việc sử dụng các chuẩn mở này. Ngay cả khi văn bản trên đã được công bố, cuộc chiến vẫn tiếp tục (xem tại đây).

(Nguồn: http://www.pcworld.com/businesscenter/article/213896/controversial_european_interoperability_framework_announced.html?tk=mod_rel)

Trong khi đó, hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở” do bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm 14/12 vừa qua cho thấy một bức tranh như thế này:

Theo báo cáo của đại diện Vụ CNTT (Bộ TT&TT) trình bày tại hội thảo, sau một năm thực hiện Chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT về ứng dụng PMNM trong các cơ quan Bộ, ngang Bộ và các địa phương, việc ứng dụng PMNM vẫn còn ì ạch, đều ở mức thấp so với mục tiêu đề ra.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, tính đến tháng 2/2010 mới có 12 Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo tình hình ứng dụng. Tuy nhiên, với chỉ tiêu cài đặt 4 phần mềm trong danh mục cho tất cả các cơ quan Bộ gồm OpenOffice, Unikey, FireFox, Thunderbird thì thực tế còn rất thấp: chỉ có 3 Bộ cài 100% OpenOffice (chiếm tỷ lệ 25%), 4/12 Bộ cài Thunderbird (chiếm 33,3%)…

Đối với vấn đề cán bộ, nhân viên của cơ quan Bộ, ngang Bộ được tập huấn và sử dụng thành thạo PMNM, thì chỉ có duy nhất 1 Bộ đạt chỉ tiêu. Cùng đó, đối với 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã gửi báo cáo về Bộ TT&TT, thì với chỉ tiêu “100% cán bộ, nhân viên sở TT&TT được tập huấn sử dụng PMNM”, chỉ khiêm tốn với 2% đáp ứng được yêu cầu.

Như vậy, với cả hai yêu cầu mà Chỉ thị số 07 đặt ra là chậm nhất đến ngày 30/6/2009 (đảm bảo 100% máy trạm của đơn vị chuyên trách về CNTT, Sở TT&TT được cài đặt PMNM; 100% cán bộ, nhân viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng PMNM) và đến mốc thời gian 31/12/2009 (70% máy trạm trong các cơ quan được cài đặt PMNM, 70% cán bộ nhân viên được tập huấn, sử dụng PMNM) đều không thực hiện được trong thực tế.”

(Nguồn http://www.baomoi.com/Home/CNTT/ictnews.vn/Nguon-mo-van-noi-suong-o-Viet-Nam/5377639.epi )

Trong post “Đòn quyết định của Chính phủ về phần mềm nguồn mở” trước đây viết về chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT, tôi đã đặt câu hỏi:

“Bắt dân đội mũ bảo hiểm thì dễ, bắt chính đội ngũ công chức của mình tuân theo một chủ trương thống nhất, thay đổi thói quen thì ??? Liệu bộ TT-TT có thể “chỉ thị” cho các bộ, ngành, tỉnh, thành phố khác không?”

Nếu căn cứ vào bài báo trên và các số liệu đã nêu thì đây là một thất bại của chính phủ về kỷ cương và cách tổ chức, không phải thất bại về phần mềm nguồn mở:

  • ” đến tháng 2/2010 mới có 12 bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo tình hình ứng dụng” trong tổng số 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Điều này cho thấy rõ kỷ cương về báo cáo công tác.
  • Chỉ tiêu cài đặt 4 phần mềm đạt rất thấp khoảng 25-30%. Đây cũng là vấn đề kỷ cương. Cài đặt (chưa nói đến sử dụng) 4 phần mềm đó lên Windows rất dễ dàng và nhanh, như mọi phần mềm Windows khác, không phải đào tạo học hành gì. Không cài tức là do không chịu cài, không thể đổ lỗi cho cái gì khác.
  • Chỉ có 2% trong số 48 tỉnh thành phố tập huấn sử dụng PMNM. Tổ chức tập huấn dùng OpenOffice, Firefox, Thunderbird (chưa nói chất lượng tập huấn) mà như thế này cũng có nghĩa là không làm chứ không phải khó không làm được.

Tóm lại cái chỉ thị của bộ 4T chẳng có xu trọng lượng nào với các nơi nhận nó. Đây là vấn đề kỷ cương công tác của chính phủ, không phải do phần mềm nguồn mở khó hay không phù hợp với yêu cầu công tác.

Điều này cũng tương tự với đề án 112 trước đây. Thất bại của đề án 112 là thất bại của cải cách hành chính, không phải thất bại của công nghệ thông tin.

Brazin triển khai 1,5 triệu máy tính dùng Mandriva

Ngày 6/12/2010, công ty Mandriva ra thông cáo báo chí cho biết:

Bộ Giáo dục Brazin vừa quyết định chọn máy tính PC dạng classmate chạy Mandriva để trang bị cho hệ thống giáo dục toàn quốc. Đây là một trong những vụ triển khai dùng Linux có tổ chức lớn nhất thế giới , có thể đạt tới 1,5 triệu máy. Điều này cũng khẳng định vai trò của Linux như một lựa chọn về hệ điều hành máy tính cá nhân có hiệu quả về chi phí. Trị giá máy cho một học sinh kể cả phần cứng và phần mềm khoảng 200USD.

Bản Mandriva chạy trên máy này là bản dùng cho mini notebook có sửa đổi cho phù hợp với phần cứng.

Toàn văn thông cáo xem tại đây.

Đua ngựa cũng dùng Linux!

Ngày 8/11/2010, công ty Novell thông báo câu lạc bộ đua ngựa Hồng công (The Hong Kong Jockey Club – HKJC), một trong những câu lạc bộ đua ngựa lớn nhất thế giới đã chọn hệ điều hành máy chủ nguồn mở SUSE Linux Enterprise Server làm hệ điều hành tiêu chuẩn cho hệ thống máy tính của mình.

HKJC là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất Hồng công, sử dụng 25.000 nhân viên và là đơn vị đóng thuế lớn thứ sáu Hồng công.

Một câu lạc bộ đua ngựa dùng nhiều nhân viên như vậy thật đáng ngạc nhiên. Căn cứ vào số thuế thì doanh thu của nó cũng phải rất lớn. Đứng thứ sáu về đóng thuế ở một trung tâm tài chính quốc tế lớn với nhiều ngân hàng khủng như ở Hồng công cũng là một điều ngạc nhiên khác.

Trước đây HKJC dùng hỗn hợp các máy chủ Windows và OpenVMS. SUSE Linux được chọn vì thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn lựa chọn về tính ổn định (stability), tính sẵn sàng (availability), tính an toàn bảo mật (security), tốc độ (performance), tính tương tác (interoperability) và được xác nhận là tương thích tốt với các ứng dụng phần mềm của các nhà cung cấp khác. Trong giai đoạn 1 đã cài 16 máy chủ, mỗi máy mất khoảng 30 phút.

Hệ thống máy tính của câu lạc bộ đua ngựa không chỉ dùng quản lý nội bộ mà quan trọng là cung cấp các dịch vụ cho khách hàng. Không hiểu đó là những dịch vụ gì?

(Nguồn: infoTech)

Các doanh nghiệp lớn đang tăng cường dùng Linux

PCWorld Business Center October 11, 2010 9:00 PM

Linux Is on the Rise For Business

 

By Katherine Noyes, PCWorld

(PCWorld, một tạp chí máy tính nổi tiếng và cũng khá quen thuộc ở Việt nam gần đây có một loạt bài ủng hộ Linux – xem danh sách và link ở cuối bài này. Ngay bản thân việc đó cũng nói lên xu hướng chuyển dịch sang Linux đã đến tầm mức buộc PCWorld phải chú ý đến. Bản dịch dưới đây là lược dịch, link gốc ở tên đầu bài – ND)

Các công ty lớn đang có kế hoạch tăng sự tin cậy của họ vào Linux trong 5 năm tới: tăng cả về số lượng máy chủ chạy Linux cũng như các phần mềm nghiệp vụ quan trọng.

Đó là kết luận được rút ra từ một bản báo cáo điều tra thị trường công bố gần đây của tổ chức Linux Foundation và công ty tư vấn đầu tư Yeoman Technology Group. Trong số hơn 1900 người trả lời, 76% các tổ chức lớn nhất thế giới dự định bổ xung máy chủ Linux trong 12 tháng tới, 41% dự định bổ xung máy chủ Windows và 44% sẽ giảm hoặc giữ nguyên số máy chủ Windows trong năm tới.

Trong 5 năm tới thì sự chênh lệch còn rõ nét hơn: 79% dự kiến sẽ bổ xung máy chủ Linux, chỉ có 21% sẽ bổ xung máy chủ Windows.

Để hiểu rõ khuynh hướng Linux của các công ty và tổ chức chính phủ lớn nhất trên thế giới, Yeoman và Linux Foundation tập trung chú ý vào nhóm 400 đại diện các công ty, tổ chức có doanh thu trên 500 triệu USD hoặc có trên 500 nhân viên ( tức là doanh nghiệp lớn theo tiêu chuẩn của Mỹ – ND). 66% các phần mềm ứng dụng hoặc dịch vụ Linux sẽ khai triển là mới, 37% là chuyển từ Windows sang.

60% những người được hỏi nói họ định dùng Linux vào nhiều ứng dụng quan trọng (mission-critical workloads) hơn trước đây. Mặc dù lý do phổ biến nhất để chấp nhận dùng phần mềm nguồn mở là chi phí, nhưng cuộc điều tra này cho thấy các lý do để chọn PMNM theo thứ tự là:

  1. ưu thế về kỹ thuật (technical superiority),

  2. tổng chi phí sở hữu (total cost of ownership – tức là tổng chi phí trong toàn bộ quá trình sử dụng)

  3. an ninh.

  4. không bị ràng buộc với nhà cung cấp (50%), mã nguồn mở (50%)

  5. nền tảng tồn tại được lâu (46%)

  6. dễ lựa chọn phần cứng (36%) và phần mềm (38%)

Về điện toán đám mây, Linux dẫn đầu xa: 70% chọn Linux như nền tảng cơ bản, 18% chọn Windows và 11% chọn Unix.

36% đang dùng Linux trên máy để bàn.

87% nói Linux đang liên tục được cải thiện và 58% nói Linux đang có vai trò chiến lược hơn đối với tổ chức của họ.

Tóm lại là gì? Dù vẫn có lời phản đối, không còn nghi ngờ gì nữa Linux đang ngày càng là sự lựa chọn tốt nhất với doanh nghiệp.

Trong số các công ty, tổ chức nhà nước tham gia cuộc điều tra này có: Morgan Stanley, Goldman Sachs, Bank of America, Bristol-Myers Squibb, NTT, Deutsche Bank, Dreamworks, ADP, McKinsey and Company, Bank of New York, Barclays Capital, AIG, bộ quốc phòng Mỹ, MetLife, CME Group, NASDAQ QMX, New York Stock Exchange, Goodrich, ….

Toàn văn báo cáo tải về tại đây.

Các bài báo khác gần đây của PCWorld về Linux:

 

Microsoft yêu phần mềm nguồn mở

Trong môi trường làm việc chung, thường xảy ra những trường hợp hai người ban đầu rất ghét nhau rồi sau lại yêu và lấy nhau lúc nào không biết. Điều đó cũng có vẻ đang diễn ra giữa Microsoft và Phần mềm nguồn mở !!!.

Như trong một số post trước đã viết, năm 2001 tổng giám đốc Microsoft còn coi PMNM như một căn bệnh ung thư. Nhưng như đã nêu ở [1], [2][3], tình cảm giữa hai bên ngày càng nảy nở và phát triển tốt đẹp.

Mới đây, một quan chức cao cấp của Microsoft, Jean Paoli,  trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi yêu phần mềm nguồn mở. Chúng tôi đã làm việc với PMNM lâu rồi – We love open source. We have worked with open source for a long time now.”

Jean Paoli là người đứng đầu nhóm chiến lược tương tác thực hiện một sáng kiến mới của Microsoft thúc đẩy tính tương tác giữa các thành phần then chốt của điện toán đám mây. Bản thân sáng kiến này không phải là một dự án nguồn mở đúng nghĩa nhưng nó minh họa cho sự phát triển quan hệ của Microsoft với các công nghệ nguồn mở.

Paoli cũng công nhận rằng: “Ngày nay, thế giới là một môi trường IT hỗn hợp. Nhiều khách hàng mà tôi đã nói chuyện dùng đồng thời cả Oracle, RedHat, Microsoft, IBM, VMware và Google, v.v… Trong nhiều, nhiều trường hợp, họ dùng cả phần mềm thương mại và phần mềm nguồn mở cùng với nhau”.

Tháng 7/2009, trong một bước đi lịch sử, Microsoft nguồn mở hóa hơn 22.000 dòng lệnh của bốn driver để tích hợp vào nhân Linux.

Trên website của Microsoft hiện có riêng một mục về PMNM (http://www.microsoft.com/opensource/) liệt kê các dự án nguồn mở của Microsoft. Nếu bạn muốn biết chi tiết về quan điểm, công việc, các dự án  của Microsoft với PMNM thì xem tại đây.

Bài báo này giới thiệu 20 dự án Windows nguồn mở lớn nhất.

Mới đây nhất, ngày 27/9/2010, Microsoft chuyển 30 triệu người dùng sang phần mềm nguồn mở!!! Các khách hàng hiện đang viết blog tại Windows Live Spaces sẽ có thể dễ dàng chuyển blog của họ sang WordPress.com. Các blog trên WordPress.com cũng có thể share blog qua Windows Messenger. Phần mềm nguồn mở blog WordPress được chọn làm nền tảng blog mới cho Windows Live Spaces. Chi tiết xem thêm tại đây.

WordPress là một phần mềm web nguồn mở dùng để tạo các website hoặc blog hiện đang được dùng tại 26 triệu site, chiếm 8,5% web, mỗi tháng có 250 triệu người xem.

Tuy nhiên, mối tình này cho đến nay vẫn có vẻ đơn phương. Microsoft thừa nhận, tán tỉnh PMNM vẫn nhằm thu lợi cho mình. Cộng đồng nguồn mở vẫn nhìn Microsoft với thái độ đầy cảnh giác. Chắc là phải khi nào Microsoft chịu trao trái tim Windows cho phần mềm nguồn mở thì hai bên mới ôm hôn nhau thắm thiết được.

Nhưng lúc đó thì quá muộn rồi. Thời của hệ điều hành đã kết thúc, cuộc chiến chuyển lên trên trời tới các đám mây.

500 triệu người đăng ký dùng phần mềm nguồn mở

500 triệu người đăng ký dùng phần mềm nguồn mở.

Đó là khi họ đăng ký dùng Facebook. Facebook vừa vượt ngưỡng 500 triệu user vào ngày 22/7 vừa rồi, trong khi cách đây khoảng 1 năm mới có 250 triệu người dùng. Tốc độ tăng trưởng thật đáng kinh ngạc.

Với số lượng người dùng như thế, Facebook quản lý một lượng dữ liệu khổng lồ:

  • Mỗi tháng có khoảng 630 tỉ lượt page views
  • Hơn 3 tỉ bức ảnh được tải lên Facebook hàng tháng, trung bình có 1,2 triệu bức ảnh mỗi giây
  • Hơn 25 tỉ dữ liệu về thông tin (status, comment…v.v) được chia sẻ mỗi tháng.
  • 30.000 máy chủ.

Các phần mềm xử lý lượng dữ liệu khổng lồ đó đều là phần mềm nguồn mở. Ngoài việc dùng các PMNM có sẵn được customize theo nhu cầu riêng, Facebook còn xây dựng và chia sẻ một số PMNM cho cộng đồng.

Nền tảng web của Facebook là LAMP (Linux, Apache, MySQL và PHP), nhưng đã được sửa đổi.

Ngôn ngữ lập trình dùng PHP được cải tiến qua dự án HipHop for PHP để tăng tốc, cải thiện hiệu quả và giảm mức độ sử dụng CPU.

PHP là ngôn ngữ kịch bản (scripting) được thông dịch khi chạy vì vậy hơi chậm. HipHop chuyển đổi PHP thành C++ rồi dịch ra mã thực thi nên chạy nhanh hơn. Nhóm phát triển HipHop ban đầu chỉ có 3 người, làm trong 18 tháng.

Facebook có ba lớp dữ liệu: lớp đầu tiên là cơ sở dữ liệu MySQL, bên trên MySQL là công nghệ cache Memcached và trên cùng là webserver Apache.

Memcached đã được Facebook tối ưu qua nhiều năm. Lớp cache này nhằm tăng tốc truy cập dữ liệu của webserver (tìm dữ liệu trực tiếp từ MySQL tương đối chậm). Hiện tại, Facebook có hàng nghìn máy chủ chạy Memcached với hàng chục terabyte dữ liệu cache tại mỗi thời điểm.

Haystack là hệ thống lưu trữ và tìm kiếm ảnh cao tốc của Facebook. Nó xử lý 20 tỷ ảnh được upload lên Facebook, mỗi ảnh lại được lưu thành 4 bản với độ phân giải khác nhau, tổng cộng hơn 80 tỷ ảnh. Với số lượng đó, tốc độ tìm kiếm là yếu tố sống còn.

Ngoài MySQL, Facebook còn phát triển một cặp cơ sở dữ liệu không dùng ngôn ngữ SQL là Cassandra và HBase.

Cassandra là một hệ thống lưu trữ và tìm kiếm phân tán với khoảng 150 terabyte dữ liệu thư từ trong Inbox của Facebook. Twitter cũng dùng Cassandra.

Hadoop là một dự án nguồn mở dùng xử lý các dữ liệu phân tán. Nó bao gồm một loạt dự án con: HBase – cơ sở dữ liệu phân tán, Chuckwa – hệ thống thu thập quản lý dữ liệu phân tán, v.v… Hệ thống Hadoop cluster của Facebook gồm 2.200 máy chủ với khoảng 23.000 CPU xử lý hơn 50 petabytes dữ liệu.

Các công ty Internet lớn đều dùng Hadoop: Facebook, Twitter, Google, Amazon, Yahoo, … Yahoo dùng Hadoop trong 36.000 máy chủ với 100.000 CPU để tìm kiếm trên web và lưu quảng cáo.

Còn nhiều nữa. Danh sách các dự án nguồn mở mà Facebook tham gia xem tại đây.

Đại thể bài này cho thấy khả năng PMNM quản lý những lượng dữ liệu cực lớn và điều quan trọng là chủ nhân có thể sửa đổi, tùy biến theo nhu cầu của mình qua kinh nghiệm vận hành. Nếu dùng phần mềm nguồn đóng thì chưa nói đến chi phí bản quyền, bảo trì, việc phụ thuộc vào nhà cung cấp để cải tiến dịch vụ của site cũng đủ điên đầu rồi.

Nguồn tham khảo:

Inside Facebook’s Open Source Infrastructure

Exploring the software behind Facebook, the world’s largest site

Facebook Built Walled Garden with Open Source Software

Hệ điều hành quốc gia tốn bao nhiêu tiền?

Hệ điều hành quốc gia tốn bao nhiêu tiền?

Theo tin của Thông tấn xã Việt nam:

Nga: 3,3 tỷ USD phát triển hệ điều hành máy tính

Theo hãng tin RBC (Nga), Chính phủ Liên bang Nga đã chi 100 tỷ rúp (khoảng 3,3 tỷ USD) cho dự án phát triển hệ điều hành máy tính quốc gia kéo dài 10 năm.

Thứ trưởng Bộ Truyền thông Nga, Ilia Massukh cho biết phiên bản đầu tiên hệ điều hành máy tính của Nga dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2011.
Hệ thống này không được thiết kế bằng cách tổng hợp từ các hệ điều hành khác mà dựa trên hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí Linux, chỉ chứa đựng 10% nội dung của Nga.

Trong năm 2011, Bộ Truyền thông Nga tuyên bố sẽ mở một cuộc thi nhằm chọn ra một hệ điều hành quốc gia hoàn chỉnh nhất và dự kiến tung ra thị trường vào năm 2013.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về công nghệ thông tin của Nga cho rằng việc tạo ra một hệ điều hành riêng biệt sẽ không mang lại bất cứ lợi ích về kinh tế nào cho nước này.

Hệ điều hành máy tính mới của Nga sẽ được sử dụng tại các cơ quan nhà nước, mặc dù Chính phủ nước này có thể lựa chọn giữa các hệ điều hành quốc gia và hệ điều hành hiện tại./.

Trong bối cảnh chiến tranh mạng đang thực sự diễn ra hiện nay, một hệ điều hành quốc gia là cấp bách và phải có, mang lại lợi ích về an ninh quốc phòng, mặc dù không kinh tế.

Các lợi ích:

  • Có một đội ngũ chuyên gia làm chủ hoàn toàn về hệ điều hành, phần cốt lõi cho các hệ thống an ninh sống còn của quốc gia như thông tin liên lạc, điều hành mạng lưới điện, các nhà máy điện, các mạng máy tính của chính phủ, quân đội, v.v….
  • Hệ điều hành tự xây dựng sẽ đảm bảo “sạch”, không có mã độc cài cắm trong đó, không có các loại bom nổ chậm tin học, các cổng hậu cho kẻ địch xâm nhập.

Nga là nước có đội ngũ chuyên gia tin học giỏi đông đảo, hacker Nga cũng nổi tiếng thế giới nên việc xây dựng hệ điều hành quốc gia là hoàn toàn khả thi. Việt nam thì tôi e rằng không có được đội ngũ như thế.

Nhưng thời gian 10 năm và số tiền 3 tỷ USD nghe hơi choáng. Về nguyên tắc, công việc cần làm là thiết kế mới (như Google Chrome OS hiện đang làm), chọn lựa các gói phần mềm nguồn mở có sẵn, rà soát mã nguồn để đảm bảo là sạch, lắp ráp lại theo thiết kế rồi dịch ra mã máy. Chi phí chủ yếu là lương chuyên gia.

Tối thiểu nhất thì lấy mã nguồn của Ubuntu chẳng hạn, rà soát rồi dịch. Phần rà soát đó là một khối lượng công việc khổng lồ và đòi hỏi trình độ rất cao.

Giả sử mức độ tham nhũng ở Nga cũng như ở … thì chỉ 1/3 số tiền trên (1,1 tỷ USD) tới tay các chuyên gia, chia cho 10 năm, mỗi năm mất khoảng 110 triệu USD. Lương chuyên gia giả thiết 3.000USD/tháng, một năm là 36.000USD. Như vậy đội ngũ chuyên gia đã huy động là 110 triệu : 36.000 = 3.055 người!

Cộng thêm khoảng 1000 người gián tiếp thì mất 4000 người làm trong 10 năm, tức là số công bằng 40.000 người-năm!

Trong khi đó, theo thông tin tại đây, bản Red Hat Linux 7.1 (năm 2001) có trên 30 triệu dòng lệnh, sẽ cần đến 8.000 người-năm, chi phí khoảng 1 tỷ USD. Bản Debian Linux 2.2 (năm 2000) có 55 triệu dòng lệnh, cần số công 14.000 người-năm, chi phí 1,9 tỷ USD. Windows XP có 35 triệu và Vista có 50 triệu dòng lệnh.

Số dòng lệnh tăng lên rất nhanh. Đến năm 2009, Debian 5.0 đã gồm hơn 323 triệu dòng lệnh. Trong site này có nhiều số liệu thống kê về Debian.

Cần chú ý là số công và chi phí nêu trên của các bản Linux tính với giả thiết là làm theo kiểu phần mềm nguồn đóng (thuê nhân công, trả lương, và viết lại từ đầu, chứ không dựa vào đóng góp vô tư các gói phần mềm có sẵn của cộng động nguồn mở). Nếu là công rà soát các mã nguồn đã có thì sẽ thấp hơn.

Một dự án phần mềm nguồn mở lớn của NASA.

Một dự án phần mềm nguồn mở lớn của NASA.

Cục Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia Mỹ (National Aeronautics and Space Administration – NASA) đang tiến hành dự án Nebula, nhằm xây dựng một hạ tầng điện toán đám mây (infrastructure cloud) dựa trên các phần mềm nguồn mở Ubuntu và Eucalytus (xem thêm về Ubuntu và Eucalytus tại đây).

Ban đầu, dự án này dự định chỉ để dùng riêng trong nội bộ NASA. Nhưng gần đây, theo site The Register, CIO liên bang Vivek Kundra đã lập một nhóm công tác xây dựng các mẫu website của chính quyền liên bang dựa trên nền Nebula và trong tương lai gần sẽ công bố các mẫu website đó.

Nếu như vậy thì tất cả các website của chính phủ sẽ chuyển sang chạy trên nền Nebula và dự án đó vượt ra ngoài tầm của NASA.

NASA đang tiến hành xây dựng một hạ tầng đám mây gồm 1 triệu máy chủ vật lý chạy 60 triệu máy chủ phần mềm. Các cơ quan chính phủ chỉ tập trung vào xây dựng và bảo trì các website của họ để chạy trên hạ tầng đó. Và không chỉ có website, các cơ quan chính phủ có thể thuê hạ tầng của NASA để chạy các phần mềm khác. Phần quản lý và bảo trì hạ tầng do NASA chịu trách nhiệm và thu tiền cho thuê. Ngoài ra, hạ tầng đó còn được dùng cho các nhu cầu riêng của NASA.

Lợi ích thấy ngay, cũng là ưu điểm chung của điện toán đám mây, là người dùng không phải lo xây dựng, bảo trì hạ tầng, chỉ tập trung vào các ứng dụng nghiệp vụ.

Mục tiêu đổi mới các website chính phủ không chỉ nhằm xây dựng một chính phủ minh bạch hơn (greater government transparency) thông qua IT mà còn thể hiện ý đồ ủng hộ phần mềm nguồn mở của chính phủ Obama. Gần đây, website của Nhà trắng đã chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở (xem thêm tại đâytại đây).

Nebula chạy Eucalyptus trong các máy ảo XEN và KVM nguồn mở. Một số công cụ nguồn mở khác như MySQL và RabbitMQ chạy trên Eucalyptus. Tất cả các phần mềm đó chạy trong các thùng chứa trung tâm dữ liệu dạng module (modular data center containers) xây dựng chung với Cisco.

Nebula là một hạ tầng điện toán đám mây mở rộng được tương tự như hạ tầng điện toán đám mây của Amazon (Amazon’s Elastic Compute Cloud – EC2). Nhưng Amazon EC2 là hạ tầng công cộng, còn Nebula là hạ tầng dành riêng cho chính phủ.

Tuy nhiên gần đây, NASA quyết định bỏ Eucalyptus. Lý do là vì Eucalyptus không phải phần mềm nguồn mở hoàn toàn, một số bộ phận của nó là phần mềm nguồn đóng. Khi các kỹ sư của NASA muốn viết các phần mềm bổ xung tính năng cho Eucalyptus, họ vấp phải các bộ phận nguồn đóng này nên không thể làm cho các tính năng bổ xung chạy tốt được.

Thay thế Eucalyptus, NASA xây dựng Nova, một phần mềm nguồn mở theo giấy phép Apache 2 và là một bộ phận của dự án nguồn mở OpenStack.

Lại chuyện chính trị và tiền đánh lén phần mềm nguồn mở.

OSS: Europe vs. The United States

Jul 13, 2010 By Doug.Roberts

(Trong một bài viết trước, có nói đến những lý do chính trị đằng sau việc chọn lựa phần mềm nguồn mở ở Mỹ. Bản dịch này cung cấp thêm một ý kiến bổ xung về vấn đề đó. -zxc232)

Neelie Kroes là người đứng đầu về IT của Cộng đồng châu Âu và là một người ủng hộ trung thành Phần mềm Nguồn mở. Trong một bài báo gần đây của Linux Journal có nhắc đến ý kiến của bà về vấn đề PMNM và PMNĐ:

Bà công kích phần mềm nguồn đóng, nói rằng nếu chọn nó thay cho PMNM có thể dẫn các quốc gia đến “vô tình trói buộc mình vào công nghệ nguồn đóng hàng thập kỷ” và lưu ý rằng ngay cả khi PMNM được chọn, nó vẫn có thể bị “quên lãng một cách có hệ thống”.

(xem thêm về bài báo này tại đây).

Bài báo trên làm tôi tự hỏi không biết tại Mỹ có quan chức cao cấp nào có đủ quyền lực để ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của chính phủ Mỹ về các giải pháp PMNM như thế không. Người gần nhất tôi thấy là Howard A. Schmidt, “ông vua về an ninh mạng” đương chức của bộ An ninh Nội địa Mỹ. Không cần tìm kiếm nhiều để hiểu rằng ưu tiên của Schmidt dường như là loại bỏ PMNM. Từ site WhoRunsGov.com, ta biết rằng từ năm 1997, Schmidt làm việc tại Microsoft như người đứng đầu bộ phận an ninh trong 5 năm. Năm 1999, ông ta đã quyên góp 250$ cho Ủy ban Hành động Chính trị của Microsoft.

Tôi không ngạc nhiên về việc cái túi đầy ắp tiền của Microsoft đã đảm bảo rằng người của họ có thể chui sâu vào bộ máy hành chính ra quyết định về phần mềm của chính phủ Mỹ. Nền công nghiệp phần mềm Mỹ đang đi theo con đường mà ba đại gia trước đây của ngành công nghiệp ô tô đã vạch ra: cố gắng thủ tiêu cạnh tranh bằng cách gây ảnh hưởng tới các quá trình lập chính sách có lợi cho nền công nghiệp của họ. Chính sách bảo hộ của chính phủ Mỹ, được cắt sửa để hỗ trợ Microsoft sẽ có cùng kết quả như chính sách bảo hộ nền công nghiệp ôtô Mỹ trước kia. Cuối cùng thì những sản phẩm kém, nhưng được bảo hộ của Mỹ sẽ bị đào thải khỏi thị trường toàn cầu bởi những sản phẩm tốt hơn. (Ý nhắc đến việc ôtô Mỹ bị ôtô Nhật đánh bại -zxc232). Trong thời gian đó, năng suất Mỹ sẽ bị tổn hại do việc chính phủ tiếp tục hỗ trợ việc nâng cấp đắt tiền các sản phẩm thiếu an toàn của Microsoft hiện đang được dùng trong toàn bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của chúng ta.

(Một lần nữa ta thấy rằng, PMNM không chỉ đánh nhau với Microsoft về tính năng mà còn bị tấn công bằng tiền nữa. Mà nếu thế thì thua là cái chắc. Không biết ở các nước khác, Microsoft có dùng đến chiêu này không? – zxc232)

Một trong những ngân hàng lớn nhất Việt nam chọn Linux

Một trong những ngân hàng lớn nhất Việt nam chọn Linux.

Ngày 7/7/2010, IBM ra thông cáo báo chí cho biết:

Ngân hàng cổ phần Công Thương Việt nam (VietinBank), một trong những ngân hàng lớn nhất Việt nam, đã chọn dùng máy chủ mainframe System z của IBM để hỗ trợ mở rộng các hoạt động kinh doanh. VietinBank dùng mainframe để chạy một giải pháp quản lý rủi ro tác nghiệp mới ….

Tuyên bố hôm nay cũng đánh dấu VietinBank là khách hàng đầu tiên ở Việt nam dùng Linux trên mainframe, cho phép ngân hàng khai thác được các lợi thế của hơn 3150 ứng dụng nguồn mở tương thích với System z”.

System z là một trong những dòng máy chủ lực của IBM. Dưới đây là một vài thông số để hình dung (không rõ VietinBank mua loại nào):

IBM System z10 Enterprise Class:

  • Bộ nhớ: từ 16GB đến 1520GB
  • Trọng lượng: 1248 – 2271kg
  • Chiều cao: 2,01m
  • Diện tích chân đế: 2,83m 2
  • Công suất tiêu thụ: 9,7 – 27,5kW

Linux trên System z:

IBM đã có 10 năm kinh nghiệm phát triển Linux trên mainframe. Trên System z có thể chạy các hệ điều hành Linux sau:

  • IBM Enterprise Linux Server

  • Red Hat Enterprise Linux

  • SUSE Linux Enterprise Consolidation Suite

Phần mềm ứng dụng như đã nói ở trên có 3150 phần mềm nguồn mở chạy được trên IBM System z.

Có điều là trên chính site của VietinBank lại không có thông tin gì.


Tình hình kinh doanh Phần mềm nguồn mở trong thời suy thoái kinh tế.

Tình hình kinh doanh Phần mềm nguồn mở trong thời suy thoái kinh tế.

Trong một post trước về những khó khăn tài chính của Mandriva, tôi có viết “Nhưng có lẽ những người kinh doanh nó chưa tìm ra con đường đúng”.

Nhận định đó đúng căn cứ vào những thông tin mới nhất dưới đây.

Khi toàn thế giới bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế vừa qua (và bây giờ vẫn đang tiếp tục, chưa biết có chắc thoát ra được không), đã có nhiều nhận định đó là cơ hội của PMNM. Khi mà các tổ chức bị thu hẹp vốn ngân sách, các công ty vật lộn cắt giảm chi phí để sống còn, việc tìm đến PMNM như một phương án rẻ tiền hơn là điều không thể tránh, dù có thích hay không.

Tình hình khó khăn đến mức mà Chính phủ Anh phải đóng cửa 600 website của các cơ quan chính phủ để tiết kiệm tiền (theo tin ở đây) là một ví dụ.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường phần mềm của công ty tư vấn Accenture được trình bày tại đây, hai phần ba số tổ chức được hỏi sẽ tăng đầu tư vào PMNM trong năm nay, 40% tổ chức nói sẽ chuyển các phần mềm quan trọng (mission-critical software) của họ sang dùng PMNM trong khoảng thời gian 12 tháng tới.

Accenture điều tra hơn 300 công ty blue-chip, một nửa trong số đó nói rằng họ cam kết sẽ dùng PMNM.

Trong đồ thị trên, có 4 câu hỏi đặt theo trục tung, trục hoành là số % tổ chức:

  • Nhóm trên cùng “Bạn đã xem qua PMNM, không thử và quyết định không dùng” – 11%.

  • Nhóm thứ hai “Bạn đã xem, đã thử và quyết định không dùng” – 13%.

  • Nhóm thứ ba “Bạn đang thử và có quan điểm thoáng về tương lai của PMNM cũng như về các ứng dụng PMNM trong công việc” – tức là không chống, nếu phù hợp sẽ dùng 28%.

  • Nhóm dưới cùng “Bạn hoàn toàn ủng hộ và đang dùng PMNM trong công việc” – 50%.

Ở Mỹ và Anh, các công ty nói rằng họ cho rằng PMNM có hai ưu điểm then chốt là chất lượng và độ tin cậy. 70% trong số đó ghi nhận độ tin cậy và 69% nói họ thấy PMNM có độ an toàn và khắc phục lỗi tốt hơn PMNĐ.

Chi phí thấp của PMNM cũng là nguồn động lực lớn. 71% nói họ tin rằng sẽ tiết kiệm được chi phí bảo trì phần mềm, cũng như tổng chi phí sở hữu và chi phí phát triển.

Nhưng các công ty không muốn chia sẻ các dự án PMNM của riêng họ, chỉ 1/3 số công ty đồng ý làm điều đó. Đây là một điều đáng quan tâm nhất nếu như PMNM bị đóng kín trong nội bộ công ty. Chia sẻ cho cộng đồng là sức mạnh của PMNM.

Một bài báo gần đây trên NetworkWorld cũng cho biết các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) đang tiếp tục rót vốn vào các công ty PMNM. Tại sao vậy? Bài báo viết:

“Có thể do tình hình kinh tế đã khá lên hoặc cộng đồng các nhà đầu tư thấy mê mô hình kinh doanh nguồn mở. Hoặc có thể là cả hai. Nhiều công ty kinh doanh PMNM đã thoát ra khỏi suy thoái, trở nên mạnh hơn và cạnh tranh tốt hơn. Các quỹ đầu tư nhận ra điều đó như cá mập đánh hơi thấy máu trong nước.

Một kết luận khác rút ra từ việc đầu tư của các quỹ vừa qua là mô hình “nhân nguồn mở” đang được ủng hộ. Phần lớn những công ty được đầu tư không kiếm tiền từ dịch vụ hoặc hỗ trợ. Họ cung cấp phần nhân của phần mềm nguồn mở miễn phí và bán các module tính năng bổ xung hoặc các add ons.”

Như vậy, hiện đang có mấy cách kinh doanh PMNM:

  1. Nguồn mở toàn bộ (và do đó miễn phí). Bán dịch vụ hỗ trợ. Đó là điều hiện công ty Canonical đang làm với Ubuntu.

  2. Có bản miễn phí, bản nâng cao thì thu phí như Mandriva.

  3. Thu phí tất, nhưng có bản open cho cộng đồng như Red Hat và SUSE.

  4. Bản cơ bản với tính năng hạn chế thì miễn phí. Các phần bổ xung (dưới dạng module hoặc add ons) thì thu phí như các công ty nói trong bài báo trên.

Trong hai công ty hàng đầu về PMNM, Red Hat báo cáo kết quả quý hai doanh số tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận cũng tăng và dự báo kết quả quý sau cũng tăng.

Tuy nhiên, Novell, công ty đứng thứ hai sau Red Hat, doanh thu quý hai giảm 5,4%.

Update: trang wiki của Mandriva vưà cho biết Mandriva 2010.1 sẽ phát hành vào ngày 5/7/2010


Lãnh đạo tin học Liên minh châu Âu đả kích phần mềm nguồn đóng

European IT Chief Slams Proprietary Software

( Trong một bài viết trước là ý kiến của một quan chức hàng đầu của Mỹ. Dưới đây là ý kiến của một quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu về phần mềm nguồn đóng và mở. Xin giới thiệu để mọi người tham khảo)

Neelie Kroes không phải người thấp bé nhẹ cân trong những việc liên quan đến phần mềm nguồn mở và nguồn đóng. Bà đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Liên minh châu Âu trong 6 năm và đã thu hồi được hàng tỷ từ các công ty phần mềm nguồn đóng muốn dồn thị trường vào chân tường bằng các phần mềm của họ ( trong đó có những vụ phạt kỷ lục dành cho Microsoft). Khi bà nói, các đại gia phần mềm và mọi người đều phải lắng nghe.

Tháng hai vừa qua, bà Kroes chuyển từ việc săn đuổi các nhà độc quyền sang vị trí Ủy viên châu Âu về Chương trình Số hóa (European Commissioner for Digital Agenda), chỉ đạo EU về mọi vấn đề liên quan đến Công nghệ Thông tin. Các phát biểu gần đây của bà cho thấy là bà tiếp tục theo đuổi sự chống đối kiên định đối với phần mềm nguồn đóng trong vị trí mới của bà.

Kroes chưa bao giờ là người nói năng mềm mỏng và trong bài phát biểu tại Diễn đàn Mở do châu Âu tài trợ hôm 8/6/2010 vừa rồi cũng vậy. Bà công kích phần mềm nguồn đóng, nói rằng việc chọn chúng thay cho phần mềm nguồn mở có thể dẫn các quốc gia tới “ bị trói buộc một cách vô tình vào các công nghệ độc quyền trong hàng chục năm” và ghi nhận rằng ngay cả nếu phần mềm nguồn mở có được chấp nhận sau này, chúng vẫn “có rủi ro bị lãng quên một cách có hệ thống.”

Kroes nói với những người tham dự diễn đàn rằng bà có ý định ban hành các hướng dẫn chỉ đạo (guidelines) để đẩy mạnh việc đưa phương án phần mềm nguồn mở vào xem xét (trong các hồ sơ gọi thầu) và rằng bất kỳ một chính phủ nào định chọn phần mềm nguồn đóng nên có “ giải thích rõ ràng” tại sao làm như vậy. Bà mô tả việc lựa chọn giữa phần mềm nguồn đóng và nguồn mở như giữa:

“một cái bạn có thể tải về từ website và có thể dùng không hạn chế với một cái bạn phải mua, bị hạn chế trong một số lĩnh vực và phải trả phí cho những quyền sở hữu trí tuệ có trong đó – và câu trả lời là rõ ràng”

Bà không dừng lại ở đấy. Việc bị trói buộc vào những phần mềm nguồn đóng theo bà là nguyên nhân “lãng phí tiền công quỹ mà phần lớn các cơ quan công quyền không thể chịu đựng lâu được nữa.” Theo tất cả các chỉ dấu, thời kỳ Kroes đứng đầu ngành Tin học và Truyền thông sẽ là một thời kỳ sóng gió, ít nhất là đối với các nhà sản xuất phần mềm nguồn đóng.

Lời bình:

Những phát ngôn, hành động, văn bản của các quan chức cao cấp thậm chí của các bộ, ngành, chính phủ như đã giới thiệu rải rác trong nhiều post trước là rất đáng chú ý về độ tin cậytầm cỡ của chúng:

  1. Những người phát ngôn, hành động đều ở cương vị cao, có đầy đủ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về điều họ nói. Trong những xã hội mà họ đang sống, một bước đi sai dễ dàng bị phía đối địch tấn công đến thân bại, danh liệt. Vì vậy mỗi phát ngôn, hành động của họ đều phải cân nhắc cẩn thận, có đủ cơ sở và độ tin cậy cao, không dựa vào cảm tính. Không như chúng ta, những fan của Linux, có thể “yêu nhau, yêu cả đường đi” mà không sợ hậu quả gì.

  2. Cũng không thể nói họ bị mua bằng tiền. Vì phe mà họ ủng hộ có rất ít tiền so với phe đối địch.

Những thông tin có độ tin cậy cao, được triển khai ở tầm cỡ cũng cao (Mỹ và Liên minh châu Âu) như vậy là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào điều chúng ta đang theo đuổi ở tầm “cá nhân nhỏ bé”. Ngoài lũy tre làng Windows, thực sự có cả một chân trời mới rộng mở, phong phú và đẹp đẽ. Không dám bước chân đi thật “ phí cả đời người”.


Microsoft là một khâu yếu trong an ninh quốc gia.

Cyber War : Microsoft a weak link in national security

(Đây là bài điểm cuốn sách mới của một cựu cố vấn Nhà Trắng. Tôi tóm tắt một số đoạn đáng chú ý. -zxc232)

Cựu cố vấn Nhà Trắng Richard A. Clarke vừa công bố cuốn sách mới “ Chiến tranh mạng: mối đe dọa tiếp theo của An ninh Quốc gia và điều cần làm”

Clark chính là người đã nhiều lần cảnh báo Nhà Trắng về Al Qaeda trước khi xảy ra vụ tấn công 11/9/2001. Do đó ông trở thành người được công chúng biết đến nhiều nhất về chủ đề An ninh Quốc gia.

Richard A. Clarke

Xem thêm về tiểu sử của Clarke tại đâytại đây. Ông là chuyên gia quốc tế về an ninh nói chung trong đó có an ninh mạng, là cố vấn an ninh cao cấp qua 3 đời tổng thống Mỹ. Các chức vụ từng giữ:

– Trợ lý đặc biệt của Tổng thống về các công việc toàn cầu (Special Assistant to the President for Global Affairs)
– Nhà điều phối quốc gia về an ninh và chống khủng bố (National Coordinator for Security and Counterterrorism)
– Cố vấn đặc biệt cho Tổng thống về an ninh mạng (Special Advisor to the President for Cyber Security)

Trong cuốn sách trên, Clarke viết: “ Trong khi có vẻ như nước Mỹ có một ưu thế nào đó về chiến tranh mạng, thực tế loại chiến tranh đó đặt Mỹ vào hoàn cảnh hiểm nghèo hơn các nước khác. Sự phụ thuộc rất lớn của hệ thống tài chính và năng lượng của Mỹ vào không gian mạng phơi bày chúng ta trước những cuộc tấn công trên mạng có sức tàn phá lớn. “Điều ai cũng biết là dân chúng Mỹ và các công ty cổ phần đang điều hành các hệ thống then chốt của đất nước là những đối tượng chắc sẽ bị tổn thương trong một cuộc chiến trên mạng”

Từ trang 64 của sách, tác giả giả thiết bạn là trợ lý của Tổng thống về An ninh Quốc nội và dẫn dắt bạn đi qua một kịch bản sụp đổ. Cục An ninh Quốc gia vừa gửi đến điện thoại BlackBerry của bạn một cảnh báo nguy hiểm:” Một số chương trình mã độc đang chuyển động với quy mô lớn trên mạng Internet về phía nước Mỹ, tác động tới các hệ thống hạ tầng tối quan trọng”.

Nhưng trong thời gian bạn còn đang đi tới văn phòng làm việc, một trong những mạng chính đã sụp đổ vì bị tấn công từ chối dịch vụ. Hệ thống máy tính hỏng dẫn đến các nhà máy lọc dầu khổng lồ trong cả nước bốc cháy. Trung tâm kiểm soát không lưu của cục Hàng không Liên bang ở Virginia cũng bị sập mạng và các đòn đánh vẫn còn đang tiếp tục.

Cục trưởng cục Kho bạc báo cáo với bạn “Thống đốc Ngân hàng trung ương vừa gọi. Trung tâm dữ liệu của Ngân hàng và các bản sao lưu đã bị tàn phá lớn. Tất cả dữ liệu bị mất”. Điện bị mất trên toàn quốc.Hàng nghìn người đã chết và còn nhiều nữa. Nhưng những người cần phải báo cáo với bạn không liên lạc được.

Clarke giận dữ viết “Vào thời điểm bắt đầu kỷ nguyên chiến tranh mạng, chính phủ Mỹ bảo dân chúng và ngành công nghiệp là hãy tự bảo vệ chính họ”

Tại sao nhà nước đối phó với vấn đề đó chậm như vậy. Clarke cho rằng đó là do thiếu đồng thuận về những việc phải làm và sợ những thủ tục hành chính trì trệ.

Trong danh sách những nguyên nhân đối phó kém. Microsoft là nguyên nhân thứ 5.

Microsoft là một trong những công ty nổi tiếng về tài trợ cho các nhà hoạt động chính trị. Người khổng lồ phần mềm hào phóng này đã chuyển từ việc hậu thuẫn cho đảng Cộng hòa trong nhiệm kỳ của tổng thống Clinton sang tiếp tục ủng hộ Obama, nhưng chương trình vẫn luôn luôn rõ ràng: “ Đừng quy định gì về an ninh trong công nghiệp phần mềm, đừng để Lầu Năm góc ngừng dùng phần mềm của chúng tôi dù nó có bao nhiêu khe hở an ninh đi nữa và đừng có nói gì về sản xuất phần mềm ở nước ngoài hoặc đàm phán với Trung quốc”

Clark ghi nhận rằng, ban đầu Microsoft không có ý định làm phần mềm cho những mạng quan trọng. Mục đích của công ty chỉ là “bán được phần mềm với chi phí sản xuất thấp. Khởi đầu không có khoản đầu tư nào cho việc bảo đảm chất lượng một cách kỹ lưỡng và kiểm soát chất lượng như NASA yêu cầu đối với các phần mềm dùng trong các chuyến bay vũ trụ có người lái.”

Tuy thế mọi người vẫn mua phần mềm Microsoft để dùng cho những hệ thống quan trọng. “Chúng rẻ hơn các phần mềm tự viết”. Và khi chính phủ tung ra chương trình Phần mềm bán sẵn (Commercial Off-the-Shelf) để cắt giảm chi phí, phần mềm Microsoft bắt đầu thâm nhập vào mạng quân sự. Những loại cải cách cắt giảm chi phí như thế “mang vào Lầu Năm góc nguyên xi những lỗi và khe hở an ninh như trên máy tính riêng của bạn.”

Sự cố trên tàu sân bay USS Yorktown năm 1997 là hậu quả của điều đó. Toàn bộ mạng điều hành con tàu này dùng Windows NT. “Khi Windows NT bị treo như Windows thường bị, cả con tàu trở thành một cục gạch nổi chết dí trên mặt nước.

Phản ứng lại với sự cố đó và “cả đống những sự cố khác – a legion of other failures”, chính phủ bắt đầu nhìn sang hệ điều hành Linux. Bộ Quốc phòng đã có thể “đổi tay và chuyển hướng” sang phần mềm nguồn mở, chọn những thành phần họ cần và khắc phục các lỗi dễ dàng hơn nhiều.

Đối phó lại điều đó, Clark viết: “Microsoft, kể cả đích thân Bill Gates, bắt đầu chiến đấu để làm chậm quá trình chấp nhận phần mềm nguồn mở của các ủy ban chính phủ. Tuy thế, vì các cơ quan chính phủ vẫn dùng Linux nên tôi đã yêu cầu cục An ninh quốc gia (NSA) tiến hành đánh giá Linux. Trong một động thái làm cộng đồng nguồn mở giật mình, NSA đã tham gia cộng đồng nguồn mở bằng cách công bố các sửa chữa để tăng cường an ninh cho Linux ( SELinux là do NSA phát triển và nguồn mở hóa năm 2000). Microsoft cho tôi một ấn tượng rất rõ ràng là nếu chính phủ Mỹ ủng hộ Linux, Microsoft sẽ ngừng hợp tác với chính phủ ( nghĩa là ngừng đóng góp các loại quỹ). Điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến tôi nhưng có tác động đến các người khác. Phần lớn các cơ quan chính phủ vẫn tiếp tục mua phần mềm Microsoft, mặc dù Linux là miễn phí.”

Microsoft cũng giữ quan điểm cứng rắn đó với ngành công nghiệp ngân hàng và tài chính, dứt khoát từ chối yêu cầu của các chuyên gia an ninh đòi truy cập mã nguồn. Khi các ngân hàng đe dọa dùng Linux, Microsoft đề nghị họ chờ đến phiên bản hệ điều hành mới – Vista.

Clarke tâm sự: “Người của Microsoft công nhận với tôi rằng công ty thực sự không chú ý nghiêm chỉnh đến an ninh, ngay cả khi họ lúng túng vì những lỗi an ninh bị khai thác công khai và thường xuyên”. Khi Apple và Linux bắt đầu tạo nên sự cạnh tranh thật sự ( về an ninh), Microsoft mới nâng cấp chất lượng trong vài năm gần đây. Nhưng điều mà Microsoft làm đầu tiên là lobby để chống lại việc đưa ra các tiêu chuẩn an ninh cao hơn của chính phủ.

Clarke kết luận: “Microsoft có thể mua được nhiều người phát ngôn và những nhà hoạt động hậu trường với chi phí chỉ bằng phần nhỏ của chi phí để tạo ra một hệ điều hành an toàn hơn. Công ty đó là một trong vài công ty thống trị công nghiệp mạng mà với họ hiện tại như thế này là tốt, thay đổi có thể sẽ xấu.”

Lời bình của người dịch:

Clarke kết án Microsoft khá nặng và đó là quan điểm riêng của ông. Tuy nhiên, quan điểm này rất có trọng lượng dựa trên chức vụ mà ông từng đảm nhiệm và những thông tin mà ông có. Hơn nữa, ông không thể đặt điều vu cáo Microsoft về một vấn đề nghiêm trọng đến thế mà không có cơ sở nếu không muốn bị kiện ngược ra tòa.

Thái độ thù địch của Clarke có lẽ bắt nguồn từ những va chạm và áp lực mà ông gặp trong quá trình làm việc với Microsoft về an ninh phần mềm. Thái độ cứng rắn của Microsoft xuất phát từ địa vị bá chủ thế giới về phần mềm của họ và cũng không có gì là lạ. Tay xe ôm ở đầu ngõ nhà tôi kể rằng hồi Bill Gate sang Việt nam, chúng ta cũng có thương lượng về các điều kiện mua phần mềm, đại loại như “nếu chúng tôi mua phần mềm, ông hãy để tiền đó đầu tư vào việc phát triển phần mềm ở Việt nam” v.v và v.v.. Một trong những người tham gia đàm phán sau đó có kết một câu “Nhục lắm!” Và tay xe ôm vừa mân mê cái mũ bảo hiểm dành cho khách nói: “Có lẽ cảm giác đó là một trong những nguyên nhân cho một loạt chủ trương, chỉ thị thúc đẩy dùng phần mềm nguồn mở tại Việt nam sau đó.”

Qua lời Clarke ta có thể thấy rằng cuộc đấu tranh giữa phần mềm nguồn mở và nguồn đóng không đơn giản chỉ là trên phương diện kỹ thuật, cái nào hay hơn, tốt hơn. Nó còn là cuộc đấu tranh để bảo vệ lợi nhuận, bất chấp cả an ninh quốc gia và dùng đến một vũ khí mạnh nhất thế giới là tiền. Như có lần tôi đã nói ở đây, hoạt động vận động hậu trường (lobby) là hoạt động hợp pháp trong chính trường Mỹ. Cả hai phe đều có các tổ chức để làm việc này, nhưng chắc là về tiền thì phe ủng hộ phần mềm nguồn mở kém hơn rất nhiều.

Với chúng ta, những người ủng hộ PMNM, từ nay biết thêm một điều: PMNM chưa được dùng ở những nơi đáng lẽ có thể dùng được không phải vì nó kém mà còn vì nhiều lý do “tế nhị” khác.

Ngay cả ở Việt nam cũng thế. Tôi được quyền mua phần mềm cho cơ quan mà lại đi dùng PMNM không mất tiền đúng là có hơi “điên”.

Các quan chức có trách nhiệm về an ninh suy nghĩ thế nào về cuốn sách này?

Vũ khí bí mật của Brazil

Vũ khí bí mật của Brazil

Brazil, Ấn độ và hình như còn vài nước khác là những cường quốc mới nổi đang tìm chỗ đứng xứng đáng của mình.

Trong lĩnh vực dầu mỏ, Brazil sẽ đầu tư 7 tỷ USD khai thác ba mỏ mới có trữ lượng khổng lồ 55 tỷ tấn để vươn lên đứng thứ 10 thế giới về xuất khẩu dầu. Trong lĩnh vực ngoại giao, mới đây Brazil cùng với Thổ nhĩ kỳ chủ động ký kết với Iran một hiệp ước trao đổi uranium làm giàu để tháo gỡ một điểm nóng về vũ khí hạt nhân (mặc dù bị Mỹ phá).

Trong lĩnh vực phát triển phần mềm, Brazil muốn tiếp bước Ấn độ, trở thành một cường quốc gia công phần mềm (outsourcing). Tuy nhiên về mặt này, lợi thế so sánh của Brazil so với Ấn độ hoặc Trung quốc không có:

  1. Lương giờ trung bình ở Brazil cao hơn ở Ấn độ, Trung quốc.

  2. Các kỹ sư tin học Brazil không thạo tiếng Anh.

  3. Phong cách làm việc của người Brazil không chịu khó làm nhiều giờ như người Ấn, Tàu.

Tuy nhiên, Brazil tin rằng họ có lợi thế về phần mềm nguồn mở. Từ năm 2004, Brazil đã quyết định chuyển 40% máy tính sang dùng PMNM. PMNM được sự ủng hộ từ cấp cao nhất (tổng thống Lula da Silva), chính quyền trung ương, các bang và các quận huyện. Cho tới năm 2009, số dự án PMNM ở Brazil được đánh giá là “ nhiều không đếm xuể” và được dùng ở khắp nơi từ chính quyền đến doanh nghiệp, giáo dục.

Ngoài các dự án đã nêu trong link trên, Brazil có một bản BrOffice dựa trên OpenOffice và DreamLinux dựa trên Debian. DreamLinux dùng XFCE, đẹp, nhanh và có đủ codecs cũng đáng thử.

Công ty quốc doanh Serpro trong giai đoạn 2003-2009 đã giúp tiết kiệm được 137 triệu bảng Anh nhờ hệ thống khai báo thuế thu nhập online dùng PMNM. (Đề nghị Ms. Trương Hải Đường lưu ý vụ này, Brazil có diện tích lớn hơn Mỹ và dân số 200 triệu lớn hơn Việt nam. Bỏ cái phần mềm HTKT đi, làm web based hay hơn nhiều).

Tổng thống Lula da Silva mới đây còn được một giải thưởng của Tổ chức Viễn thông quốc tế (ITU) về thành tích “ bảo vệ trẻ em online”.

Do đó, Brazil có một đội ngũ chuyên gia đông đảo về PMNM. Chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng đội ngũ đó sẽ rất có giá đối với các khách hàng tiềm năng muốn có một giải pháp phần mềm xây dựng nhanh, hiệu quả và an toàn. Và nhờ thế Brazil có thể cạnh tranh được với các hãng gia công phần mềm lớn của Ấn độ, Trung quốc.

Việt nam từng có những “cao vọng” 500 triệu USD phần mềm, nhưng hình như chỉ mới có FPTSoft thành công căn cứ vào lời Mr. Trương Gia Bình nói với cổ đông rằng FPTSoft đóng góp phần lớn nhất trong tổng lợi nhuận của tập đoàn.

Gần đây lại thấy chính phủ định hướng đưa Việt nam thành cường quốc về Công nghệ Thông tin, có “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin” được bộ 4T chỉ đạo bằng những lời có cánh. Báo Lao động dội luôn một gáo nước lạnh bảo “ Cả bốn cột trụ đều yếu”.

Bộ 4T có truyền thống …bí mật. Sau con “ Rồng thông minh” lại là cái này.

Chúng ta cùng chờ xem.

Các ưu điểm của phần mềm nguồn mở theo bộ Quốc phòng Mỹ.

Các ưu điểm của phần mềm nguồn mở theo bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong một post trước “ BỘ QUỐC PHÒNG MỸ ĐẨY MẠNH VIỆC DÙNG PHẦN MỀM NGUỒN MỞ có nhắc đến một công văn của bộ QP Mỹ giải thích, làm rõ một số vấn đề nhằm thúc đẩy việc ứng dụng PMNM trong bộ. Dưới đây là chi tiết trong công văn đó, theo quan điểm của bộ thì PMNM có những ưu điểm gì nên xem xét khi lựa chọn phần mềm (phụ lục 2, điều 2, mục b, (1)).

(Cần chú ý đây là những đánh giá của bộ QP Mỹ trong chỉ đạo chọn lựa phần mềm dùng cho chính bộ đó, tức là dùng trong quân đội Mỹ. Vì vậy nó phải đúng, chắc chắn, không phải như các phân tích, nhận xét của một cá nhân hay một fan Linux . Nếu sai, sự nghiệp của người ký công văn này cũng đi đời. Mặt khác, hướng dẫn này cũng chỉ để đưa PMNM vào xem xét, cân nhắc ngang bằng với PMNĐ khi mua sắm, không có nghĩa là bộ QP Mỹ chủ trương dùng hoàn toàn PMNM)

Để dễ hiểu, tôi diễn dịch thoát lấy ý và có giải thích thêm. Nguyên bản xem ở đây :

Phụ lục 2, điều 2, mục b, (1): Khi tiến hành tìm hiểu thị trường phần mềm cho bộ, nên xem xét các khía cạnh tích cực (positive aspects) dưới đây của PMNM:

  1. Về độ tin cậy và tính an ninh của phần mềm:

    1. PMNM có mã nguồn để công khai trên Internet nên được rà soát liên tục bởi nhiều người. Còn phần mềm nguồn đóng (PMNĐ), việc rà soát mã nguồn chỉ do nhóm phát triển phần mềm với biên chế có hạn thực hiện. Vì vậy khả năng phát hiện lỗi và các lỗ hổng an ninh của PMNM cao hơn.

    2. Khi đã phát hiện lỗi và lỗ hổng an ninh, PMNM có đông đảo các nhà lập trình tham gia sửa, nên sẽ sửa nhanh hơn.

    3. Từ hai lý do trên, độ tin cậy và tính an ninh của PMNM cao hơn PMNĐ.

Đáng chú ý là Phủ Tổng thống Mỹ khi dùng PMNM cũng nêu ưu điểm này (xem tại đây ).

  1. Về khả năng thay đổi để thích ứng nhanh với yêu cầu sử dụng: bộ QP là cơ quan luôn luôn phải đáp ứng nhanh hơn với những tình huống, nhiệm vụ thay đổi, với những mối đe dọa mới trong tương lai. Khi đó, phần mềm cũng phải thay đổi theo và phải thay đổi nhanh. PMNM có mã nguồn có thể thay đổi không hạn chế cho phép bộ làm được điều đó. Nếu là PMNĐ thì phải thương lượng với nhà cung cấp.

  2. Về khả năng độc lập với nhà cung cấp: do mã nguồn công khai, nhiều nhà cung cấp có thể tìm hiểu để làm chủ phần mềm. Do đó PMNM có thể được vận hành và bảo trì bởi nhiều nhà cung cấp. Ngược lại với PMNĐ, chỉ người viết ra nó mới hiểu rõ. Vì vậy khả năng lựa chọn nhà cung cấp PMNM rộng hơn. Khi cần, bỏ nhà cung cấp này, chọn nhà cung cấp khác cho cũng phần mềm đó dễ dàng hơn. Việc phụ thuộc vào vài nhà cung cấp PMNĐ có phần mềm phù hợp giảm đi nhiều.

  3. Về phạm vi áp dụng: Giấy phép sử dụng PMNM không hạn chế người sử dụng cũng như lĩnh vực sử dụng. Do đó khi cần, có thể cung cấp nhanh phần mềm đó cho những người sử dụng mới. Ngược lại, giấy phép sử dụng PMNĐ có những quy định chặt chẽ, ví dụ, là giấy phép cấp cho cơ quan A dùng vào mục đích đào tạo chẳng hạn. Khi cần mở rộng phải mua giấy phép khác.

  4. Về chi phí sử dụng: Phí sử dụng PMNĐ thường tính theo đầu máy tính. Phí sử dụng PMNM (nếu có) không tính theo kiểu đó. Ví dụ bản Red Hat Desktop tính phí hỗ trợ 80$/năm, không hạn chế số lượng máy cài. Vì vậy, khi số người dùng không dự kiến trước được thì dùng PMNM lợi hơn vì cài thêm cho nhiều máy mà không bị tăng phí. Những phần mềm có thể dùng cho nhiều bộ, trách nhiệm bảo trì có thể được chia sẻ giữa các bộ và do đó bộ QP giảm bớt được chi phí sở hữu. Đặc biệt khi so với những phần mềm mà chỉ mình bộ QP phải chịu trách nhiệm bảo trì.

  5. Thử nghiệm nhanh: PMNM đặc biệt thích hợp để tạo mẫu (prototyping) và thử nghiệm nhanh. Vì vậy, những trường hợp cần có bản chạy thử (test drive) với chi phí nhỏ nhất và thời gian nhanh nhất thì PMNM là rất phù hợp.

Các quan chức Việt nam nên tham khảo những lập luận này.

Google cấm dùng Windows vì lý do an ninh

Không phải cấm người dùng mà là cấm nhân viên của hãng.
Tờ “Thời báo Tài chính – Financial Times” vừa đưa tin hôm nay rằng theo các nguồn tin nội bộ ” từ đầu tháng 1, sau vụ tấn công của hacker Trung quốc vào các máy chủ của Google, Google đã ra một chỉ thị nội bộ chuyển sang hệ điều hành khác, Mac hoặc Linux, không dùng Windows nữa vì các lý do an ninh.

Nhân viên nào vẫn muốn dùng Windows phải được phép của một cấp lãnh đạo rất cao. Mua một máy Windows mới phải được phép của Tổng giám đốc Thông tin (CIO).”

Windows vốn nổi tiếng là một hệ điều hành có nhiều lỗ hổng an ninh và là đích ngắm cho hacker toàn thế giới. Trong cuộc tấn công gần đây có nguồn gốc từ Trung quốc, các hacker đã dùng malware trong những máy PC chạy Windows và Internet Explorer 6.

Site Business Insider nói rằng Google hiện có hơn 20.000 giấy phép sử dụng Windows (cho hơn 10.000 nhân viên trên toàn cầu) sẽ không được thay mới hoặc nâng cấp nữa.

Ngoải ra, Google có khoảng 450.000 máy chủ (2006) chạy Linux và các phần mềm ứng dụng tự viết.

Có 2 vấn đề đặt ra:

1- Các công ty khác có theo gương Google không? Một công ty hàng đầu thế giới với hơn 10.000 nhân viên có thể bỏ được Windows thì điều đó chắc phải khả thi và buộc phải bỏ Windows vì lý do an ninh thì điều đó đáng để người khác suy nghĩ.

2- Từ nay, hacker sẽ bắt đầu tập trung chú ý vào các hệ điều hành Mac và Linux. Điều này không vui gì.

Robot nguồn mở

Robot nguồn mở .

By Rachel Kremen

Công ty chuyên chế tạo robot Willow Garage đã bắt đầu một dự án 2 năm làm việc với mọi tổ chức trên thế giới về phần mềm ứng dụng mới cho robot PR2. Mười một đội công tác sẽ làm dự án riêng của mình nhưng chia sẻ mã nguồn cho nhau và cho tất cả mọi người. Mọi thứ tạo ra sẽ được nguồn mở hóa, người khác có thể dùng mã nguồn cho mục đích riêng của họ. PR2 chạy trên một nền tảng phần mềm gọi là Robot nguồn mở ( Robot Open Source) cũng do Willow Garage phát triển.

Mô phỏng theo robot Johnny 5 trong phim hoạt hình “Short Circuit”, robot PR2 có hai cánh tay khỏe nhưng làm được những việc khéo léo như lật các trang sách chẳng hạn. Tay robot thu nhận các dữ liệu về lực tác dụng vào nó, từ đó có phản ứng phù hợp. Robot được trang bị camera hình nổi, máy quét laser, các sensor đo quán tính và một loạt các công cụ khác giúp nó thu nhận dữ liệu về môi trường xung quanh để thực hiện một dải rộng các công việc từ đi lại trong phòng, mở cửa có khóa lò so.

Mỗi đội hướng tới mở rộng một kỹ năng của robot. Đội của trường đại học Stanford xây dựng phần mềm để robot lau bàn và dọn kho. Đội phòng thí nghiệm CSAIL của học viện MIT tập trung vào nhận dạng đồ vật và xếp dọn đồ tạp phẩm. Đội của công ty Bosch phát triển các kỹ năng cảm nhận môi trường. Đội của phòng thí nghiệm Pieter Abbeel, trường đại học California phát triển một phần mềm để robot biết gấp và xếp khăn gọn gàng.

Hình trên là cuộc họp báo video-conferencing. Eric Berger, đồng giám đốc của chương trình Robot cá nhân của Willow Garage đang giới thiệu robot PR2 đứng trên sàn bên cạnh.

Bản thân thiết bị video-conferencing này cũng là một loại robot.

Phần mềm sạch.

Phần mềm sạch

(Nhân đọc ICTNews có tin “Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Microsoft, ông Steve Ballmer sẽ đến Hà Nội ngày 24/5 tới đây để dự lễ ra mắt phần mềm Office 2010”. Bài viết này là để chào mừng ông)
Hôm qua, khi viết bài về Ubuntu Privacy Remix, có một đoạn nhắc đến hệ điều hành sạch. Tôi nhớ lại trước đây có nghe nói về một cái “cổng hậu – backdoor” gì đó trong Windows liền chạy sang thỉnh giáo cụ Gúc về “windows backdoor”. Dưới đây là vài điều cụ dạy.
“Cổng hậu – backdoor” là cái mà Wikipedia viết “một phương pháp bỏ qua quá trình xác thực người dùng thông thường để truy cập từ xa vào máy tính, … mà vẫn không bị phát hiện. Backdoor có thể là một chương trình được cài lên máy (vd: Back Orifice) hoặc thay đổi một chương trình đã có hay một thiết bị phần cứng”.
Tóm lại là một cái cổng bí mật để lẻn vào nhà mà chủ nhà không biết.
Sau đây là trích dịch bản tin BBC ngày 3/9/1999:

Cảnh báo an ninh về cổng hậu của Windows

Trên Internet hiện đang xôn xao về tin một chuyên gia an ninh máy tính đã phát hiện ra rằng trong mỗi bản Windows 95,98, NT4 và 2000 có thể có một cổng hậu dành riêng cho Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA – America’s National Security Agency).

Hình 1: Những chỗ đánh dấu là khóa mã mới tìm thấy trong Windows

Microsoft tuyên bố kiên quyết phủ nhận việc lạm dụng khóa mã thứ hai trong Windows: Điều đó chỉ dùng để đảm bảo rằng chúng tôi tuân thủ quy định xuất khẩu (mật mã) của chính phủ Mỹ. Chúng tôi không chia sẻ các khóa mã bí mật (cho NSA)”
Nhà khoa học trưởng Andrew Fernandes của công ty chuyên về mật mã Cryptonym, Ohio là người đã phát hiện ra khóa mã thứ hai của Windows dùng cho mã hóa.
Điều đáng chú ý là khóa mã thứ hai đó có thẻ “NSAKEY” (xem hình 1, chỗ mũi tên thứ hai) làm rộ lên tin đồn là NSA đã thuyết phục Microsoft dành cho họ một cổng bí mật vào Windows.
Microsoft giải thích rằng họ gọi đó là “NSA key” vì liên quan đến việc xem xét xuất khẩu phần mềm.
Chính quyền Clinton đưa ra những hạn chế xuất khẩu các phần mềm mã hóa mạnh vì sợ bọn khủng bố và tội phạm có thể dùng nó để chống lại Mỹ.”
Mười năm sau, trích dịch bài báo của ComputerWorld ngày 19/11/2009:

Microsoft phủ nhận việc tạo backdoor trong Windows 7

Microsoft hôm nay phủ nhận họ đã tạo một cổng hậu trong Windows 7, vấn đề này đã xuất hiện ngày hôm qua khi một viên chức cao cấp của cục An ninh Quốc gia Mỹ xác nhận trước quốc hội rằng cục đã làm việc về hệ điều hành đó.
Microsoft đã và sẽ không tạo cổng hậu trong Windows”, Người phát ngôn của công ty nói, phản bác lại bài báo trước đó trên ComputerWorld.
Bài báo trước đó ngày 18/11/2009 của ComputerWorld có nhan đề “Cục An ninh Quốc gia Mỹ giúp đỡ phát triển Windows 7” trong đó nhắc đến lời khai của viên chức cao cấp NSA trước quốc hội Mỹ đã nêu ở trên. Bài báo còn nói rằng năm 2007, NSA cũng đã khẳng định rằng đã thò tay vào Windows Vista.
Nếu bạn chịu khó xem những gì Gúc được từ cặp từ khóa “Windows backdoor” thì còn nhiều tin nữa, các báo chí lớn trên thế giới như CNN cũng tham gia.
Tất nhiên, phía Microsoft và NSA thì khẳng định rằng đây chỉ là những thủ tục kiểm tra an ninh thông thường để đảm bảo là kỹ thuật mã hóa không bị bọn khủng bố và tội phạm lợi dụng, là sự hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo các tiêu chuẩn an ninh. Phía đối nghịch thì cho rằng đây là việc vi phạm quyền riêng tư cho phép NSA có thể chui vào bất kỳ máy tính nào cài Windows mà chủ nhân nó không hề hay biết. NSA là tổ chức có khá nhiều tai tiếng về xem trộm, nghe lén (xem thêm)
Ở đây ta không bàn đến chuyện bên nào đúng, sai. Có điều không có cách nào để kiểm tra được là thực sự có cổng hậu trong Windows hay không ngoài việc tin vào tuyên bố của Microsoft vì mã nguồn của Windows không công bố. Cho nên từ năm 1999 đến giờ, nghi ngờ vẫn không nguôi.
Đối với người dùng cá nhân thì không quan trọng lắm. Nhưng đối với các chính phủ, quân đội, tình báo, công an thì đây là vấn đề nghiêm trọng. Kể cả khi máy không nối mạng, nếu một người biết cổng hậu đó có cơ hội tiếp cận được máy tính cũng có thể khai thác thông tin đã mã hóa trong máy, vượt qua các hàng rào bảo vệ đã có.
Và cổng hậu không chỉ có ở hệ điều hành. Nó có thể có trong bất kỳ phần mềm nào cài trên máy.
Vì vậy mà tại sao Trung quốc có bản Linux Hồng kỳ, Bắc Hàn có bản Linux Sao đỏ, Cuba có bản Linux gì đó không nhớ tên, v.v… và chính các cơ quan tình báo Mỹ cũng dùng Linux để đảm bảo an ninh.
Về nguyên tắc, theo suy luận của tôi, có thể đảm bảo một bản phần mềm nguồn mở là sạch, không có mã độc, cổng hậu gì cài cắm trong đó bằng một trong những cách sau:

  1. Không dùng phần mềm đã dịch sẵn ra mã thực thi. Tải mã nguồn của phần mềm về tự dịch ra mã thực thi để chạy. Mã nguồn đã để công khai trên Internet, ai cũng có thể xem được thì chắc là (không đảm bảo 100%) không có gì độc hại cài cắm trong đó.
  2. Nếu muốn đảm bảo 100% phải có một đội chuyên gia giỏi, rà soát từng dòng mã nguồn để tin chắc là không có mã độc, sửa đổi để tăng cường an ninh theo ý mình rồi mới dịch ra mã thực thi để dùng. Điều này khó khả thi trong thực tế ở cái “đội chuyên gia giỏi” đó. Tầm cỡ quốc gia mới thực hiện được.

Việc công khai mã nguồn là ưu thế nổi trội nhất của phần mềm nguồn mở dưới góc độ an ninh, bảo mật.
Trước đây, để đánh phá hệ thống điện, Mỹ phải cho máy bay ném bom trực tiếp các nhà máy điện. Nay thì một kẻ thù giấu mặt ngồi ở châu Phi, luồn qua các máy chủ ở Anh có thể đánh sập hệ thống điều khiển điện trung tâm của ta trong nháy mắt. Điều này vừa xảy ra với các website chính phủ của Hàn quốc và Mỹ gần đây.
Tất nhiên để đảm bảo an ninh mạng có nhiều vấn đề, ngay cả phần mềm nguồn mở cũng không phải miễn nhiễm. Nhưng trong đó, vấn đề có cổng hậu hay không là một điểm yếu cốt tử.
Vậy mà các cơ quan chính phủ, các tập đoàn quốc doanh lớn vẫn đua nhau mua phần mềm nguồn đóng! Đợi mất bò mới lo rào chuồng chăng?

Linux làm … kem và các hệ thống nhúng

Linux làm …. kem và các hệ thống nhúng.

Mùa hè nóng bức, kem là món giải khát ai cũng thích. Nhưng kem (và các loại thức ăn sẵn khác) cũng mang đầy đủ các đặc điểm của một sản phẩm nguồn đóng, độc quyền y như Windows vậy. Bạn chỉ được ăn các loại kem cố định do các hãng sản xuất: đậu xanh, vani, sô cô la, … với liều lượng hương vị cũng cố định nốt.

Hãng MooBella quyết định “nguồn mở hóa” việc làm kem. Máy làm kem của MooBella với 12 loại hương vị, 3 phương thức pha trộn và 2 kiểu kem tạo nên 96 loại kem khác nhau.

Điều đặc biệt nữa là máy được điều hành bởi hệ điều hành Red Hat Linux, có một màn hình cảm ứng 15 inch. Khách hàng dùng tay chỉ trỏ trên các menu của màn hình để tự pha chế loại kem mình thích, sau 40 giây, cốc kem đã sẵn sàng. Xem đoạn video dưới đây.

Nhân chuyện cái máy làm kem này để nói tới một loại máy tính khác, rất phổ biến nhưng lại ít người để ý: các hệ thống nhúng (embedded systems).

Hệ thống nhúng là một loại máy tính chuyên dụng cho những nhu cầu đặc biệt được “nhúng” vào trong một hệ thống máy móc cơ khí nào đó. Ngược lại các máy tính PC, notebook, server là các máy tính đa dụng và có thể hoạt động độc lập. Trong một hệ thống nhúng cũng có mainboard, RAM, proccessor, phần mềm điều khiển và thậm chí cả hệ điều hành.

Hệ thống nhúng tồn tại khắp nơi: trong lò vi sóng, máy giặt, điện thoại di động, xe hơi cho đến những hệ thống lớn phức tạp điều khiển vũ khí (ví dụ xem tại đây), robot, xe tự hành thám hiểm mặt trăng, sao Hỏa, nói chung là các loại máy móc tự động.

Quy mô của thị trường này rất lớn. Hàng năm có hơn 6 tỷ bộ vi xử lý (processor) mới được đưa vào sử dụng. Trong đó phần dành cho các máy tính đa dụng chưa tới 2%.

Hệ thống nhúng nhỏ (đồ chơi, lò vi sóng, …) thì không cần hệ điều hành nhưng phải có lập trình điều khiển. Hệ thống nhúng lớn thì có hệ điều hành và phần mềm chuyên dụng chạy trên đó. Dưới đây là biểu đồ phát triển các loại hệ điều hành trong hệ thống nhúng.

http://www.linuxfordevices.com/c/a/News/Embedded-Linuxs-growth-slows-study-finds/

Trong một cuộc điều tra thị trường gần đây, hệ điều hành nguồn mở chiếm khoảng 23-25% thị trường.

http://www.linuxfordevices.com/c/a/News/Linux-still-top-embedded-OS/

Với sự phát triển khoa học kỹ thuật, thị trường hệ thống nhúng càng ngày càng phát triển. Vì vậy những ai chuyên tin, lo sợ cho tương lai bị đám mây điện toán làm cho u ám nên quan tâm đến chuyên ngành lập trình hệ thống nhúng. (nếu có đủ khả năng). Ví dụ một cuốn sách về hệ thống nhúng xem tại đây

Phủ Tổng thống Mỹ viết phần mềm nguồn mở

Phủ Tổng thống Mỹ viết phần mềm nguồn mở.

Trong một post trước có đưa tin tháng 10/2009 website của phủ Tổng thống Mỹ (whitehouse.gov) đã chuyển sang xây dựng trên nền PMNM. Website này vừa là công cụ đưa tin vừa là phương tiện giao tiếp với dân vì vậy hai lý do chính để chuyển sang PMNM là:

  1. An toàn hơn: thông tin trên website không có gì là bí mật, nhưng nếu hacker xâm nhập được, thay ảnh Obama bằng ảnh Bin Laden hoặc đưa một lời kêu gọi thánh chiến lên đó thì ngang đặt bom nổ tung Nhà trắng. Nhà Trắng cho rằng dùng PMNM thì an toàn hơn.

  2. Giao tiếp được nhiều hơn với dân: hàng nghìn người có thể đồng thời truy cập vào site, nêu ý kiến và trao đổi với các quan chức. Khả năng này có được dựa vào phần mềm quản lý nội dung nguồn mở Drupal.

Nhưng không chỉ sử dụng PMNM, bộ phận tin học của Nhà trắng còn viết bổ xung một số tính năng và công bố mã nguồn cho công chúng. Ngày 21/4/2010, trên blog chính thức của Nhà Trắng, cố vấn trưởng cho Giám đốc thông tin của văn phòng Tổng thống Dave Cole viết:

“Nhờ công bố mã nguồn, chúng tôi thu được lợi ích là có nhiều người xem xét và cải tiến nó. …Các mã công bố bổ xung tính năng cho Drupal trong ba hướng then chốt:

1. Mở rộng (Scalability): gồm hai module ” Context HTTP Headers,”để bổ xung metadata vào dữ liệu và ” Akamai” để tích hợp website với mạng phân phối tin Akamai.

2. Truyền thông (Communication): Tích hợp dịch vụ gửi thư thông báo với hệ quản trị nội dung trong module ” GovDelivery

3. Khả năng truy cập (Accessibility): chương trình đọc màn hình (dành cho người khiếm thị) đọc được các metadata của các ảnh trên site bằng module ” Node Embed.”

Trước đó, bộ Quốc phòng Mỹ cũng không chỉ sử dụng PMNM mà còn tham gia viết và công bố mã nguồn của 50 phần mềm dùng trong bộ như đã đưa tin ở đây.

Page 1 of 1

Viettel bỏ túi 24 tỷ đồng nhờ phần mềm nguồn mở

Viettel bỏ túi 24 tỷ đồng nhờ phần mềm nguồn mở

ICTnews – Từ tháng 7/2009 đến nay, Viettel đã chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở (PMNM) cho hơn 2.200 máy tính và nhờ đó đã tiết kiệm được gần 24 tỷ đồng chi phí mua bản quyền phần mềm nguồn đóng.

Cụ thể, hơn 2.200 máy tính đã được cài đặt hệ điều hành và phần mềm nguồn mở là những máy tính của gần 700 cửa hàng đa dịch vụ Viettel và trên 100 bưu cục của Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) trên toàn quốc. Các máy tính được cài đặt hệ điều hành nguồn mở Ubuntu để thay thế hệ điều hành Windows và phần mềm ứng dụng văn phòng Open Offfice thay cho ứng dụng văn phòng Microsoft Office, bộ gõ tiếng Việt Scim-Unikey và X-Unikey thay thế bộ gõ Vietkey và Unikey, phần mềm nhận thư điện tử Mozzila ThunderBird thay thế Outlook Express và MS Outlook…

Theo tính toán của Viettel, thông qua triển khai ứng dụng PMNM cho trên 2.200 máy tính, tập đoàn này đã tiết kiệm được gần 24 tỷ đồng so với việc mua hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office với giá khoảng 600 USD/máy. Dự kiến, trong thời gian tới Viettel sẽ tiếp tục triển khai cài đặt hệ điều hành và PMNM thêm cho máy tính lắp đặt mới trong toàn tập đoàn.

Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, triển khai ứng dụng nguồn mở thành công tại Viettel không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu cách cài đặt và sử dụng ứng dụng, mà các kỹ sư CNTT của Viettel đã nghiên cứu chỉnh sửa, tuỳ biến nhằm đưa việc sử dụng phần mềm trở nên đơn giản hoá, tối ưu hoá, cũng như tạo sự ổn định và tương thích với các phần mềm nội bộ của Viettel.

“Triển khai hệ điều hành và phần mềm nguồn mở là một chiến lược quan trọng của tập đoàn Viettel trước hết nhằm tiết kiệm chi phí và tránh được các vi phạm bản quyền thương mại. Không những thế, sử dụng các ứng dụng nguồn mở mang lại môi trường làm việc có tính ổn định, an toàn và thuận tiện trong việc quản lý công việc, nâng cao năng suất lao động. Sử dụng hệ điều hành và phần mềm nguồn mở thay thế cho hệ điều hành và phần mềm thương mại đang là một xu thế ngày càng phổ biến trên thế giới”, đại diện Viettel nhấn mạnh.

M.T (nguồn ICTnews)

Lời bình: Sau khi Viettlel ra đời được một thời gian, tôi đã rất ấn tượng với cách kinh doanh của họ. Cùng xuất phát với Viễn thông Điện lực, lợi thế hạ tầng và vốn có lẽ cũng xấp xỉ như nhau, hoàn cảnh thị trường như nhau, nhưng Viettel đã nhanh chóng vươn lên, ép được VNPT hạ giá và người dùng được lợi rất nhiều. Dùng ADSL của Viettel, tôi rất ngạc nhiên với phong cách support chuyên nghiệp mỗi lần báo lỗi.

Số tiền tiết kiệm 24 tỷ có lẽ không phải nhiều so với doanh thu và lợi nhuận khổng lồ của Viettel. Nhưng đặt PMNM thành một chiến lược quan trọng và cách triển khai từng bước hợp lý như trên không phải đơn vị lớn nào cũng làm được. Nó cũng chứng tỏ thêm là Viettel đang được lãnh đạo tốt, có tầm nhìn xa và thực tiễn, kinh doanh thực chứ không làm chính trị bằng kinh doanh.

Ngay bộ Thông tin – Truyền thông và bộ Giáo dục đào tạo, hai đơn vị đang đi đầu về ứng dụng PMNM hiện nay, ngoài một số chỉ thị thông tư chưa cho thấy cách tổ chức và bước đi hợp lý là điều đáng ngại.

Triển khai trước cho Bưu chính là hợp lý vì đấy là nơi dễ chuyển đổi nhất, bưu chính các nước cũng dùng PMNM nhiều (xem ở đây). Chỉnh sửa, tùy biến phần mềm, nhất là có một hệ Linux đầy đủ (2 đĩa CD là tốt nhất), cài nhanh, hỗ trợ tiếng Việt tốt là điều tôi rất mong mỏi (xem ở đâyở đây).

Tuy nhiên gần đây Viettel công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh sang khá nhiều nước. Đấy lại là điều đáng lo ngại. Chân móng chưa thật vững và đủ tầm vươn xa (nhất là về đội ngũ quản lý) mà mở rộng quá đà rất nguy hiểm như tôi đã từng chứng kiến.

Cập nhật 18/4: Thêm thông tin nữa tại đây.

Sàn chứng khoán Tokyo dùng Linux cho hệ thống phần mềm mới

Sàn chứng khoán Tokyo dùng Linux cho hệ thống phần mềm mới.

Ngày 22/3/2010, công ty phần mềm nguồn mở Red Hat ra thông cáo cho biết sàn chứng khoán Tokyo (Tokyo Stock Exchange – TSE) đã quyết định chọn hệ điều hành máy chủ Red Hat Enterprise Linux (RHEL) làm hệ điều hành chuẩn cho hệ thống phần mềm giao dịch chứng khoán mới “Arrowhead”.

Sàn chứng khoán Tokyo thành lập năm 1949, hiện đứng thứ hai thế giới về tổng lượng vốn hóa và đứng thứ tư về khối lượng giao dịch hàng năm.

Hệ thống phần mềm giao dịch chứng khoán thế hệ mới Arrowread nhằm vào hai mục tiêu: độ tin cậy cao và tốc độ giao dịch nhanh. Thời gian nhận lệnh (order response time) là 2 miligiây, thời gian trả lại thông tin (information distribution time) là 3 miligiây, nhanh hơn 10 lần so với hệ thống cũ (không có thông tin chạy trên hệ điều hành nào). Giám đốc thông tin (CIO) của TSE Yoshinori Suzuki đánh giá rằng hệ thống mới với tốc độ như vậy đã đưa TSE lên một mức mới về đổi mới công nghệ.

Ngoài ra, hệ thống mới cũng dễ chỉnh sửa khi có các quy tắc giao dịch mới phát sinh, dễ mở rộng khi khối lượng giao dịch tăng, có độ tin cậy và an toàn cao.

Hệ thống máy chủ của TSE do Fujitsu chế tạo gồm hai máy chủ PRIMEQUEST dùng chip Itanium dual-core 64 bit và một số máy chủ PRIMERGY cũng dùng chip Intel.

Cùng với việc chuyển đổi sang Linux ở các sàn chứng khoán NewYork, London, Thượng hải, v.v… (xem các post trước), hệ điều hành Linux đã khẳng định vị trí vững chắc trong lĩnh vực phần mềm chứng khoán, đồng thời cũng khẳng định ưu thế về tốc độ, độ tin cậy và độ an toàn cho các hệ thống phần mềm tối quan trọng.

Đám mây…đen nguồn mở đang lan đến Việt nam!

Đám mây … đen nguồn mở đang lan đến Việt nam.

Trong một post hồi tháng 1/2010, nhân một bài báo của VnExpress:

20% các công ty sẽ đóng cửa bộ phận IT

Trung bình cứ 5 doanh nghiệp sẽ có một quyết định xóa bỏ bộ phận CNTT do sự phổ biến của điện toán đám mây vào năm 2012 , theo dự đoán của hãng nghiên cứu Gartner.Nguồn: VnExpress .

Tôi có đặt câu hỏi:

“Đó là thông tin ở Tây. Còn ở Việt nam thì sao? và bao giờ?”

Theo tin của Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày hôm nay 19/3/2010:

Hai công ty của Nhật, Brain Child và NIC (Nippon Information and Commu-nication), mới đây đã công bố sẽ thiết lập một trung tâm thử nghiệm điện toán đám mây tại Việt Nam … và triển khai dịch vụ xử lý dữ liệu thương mại thông minh trên nền điện toán đám mây (Cloud Computing Business Intelligence).

Trung tâm sẽ sử dụng … phần mềm xử lý dữ liệu mã nguồn mở Pentaho của IBM. …Các ứng dụng từ phần mềm mã nguồn mở sẽ cung cấp cho người sử dụng nhiều tiện ích hơn với chi phí thấp hơn.

Cho đến nay hai phòng thí nghiệm “đám mây” (IBM Cloud Lab) đã được hãng này thiết lập tại Hà Nội và TP.HCM.

Gần đây, IBM và Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) cũng đã công bố hợp tác để xây dựng nền tảng đám mây phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử tại TP.HCM.”

Kể từ hồi tháng 5/2009, khi tôi mới nghe lõm bõm về điện toán đám mây và phán trong post này: “có nhanh chắc cũng phải 10-20 năm nữa” thì cái đám mây này lan hơi bị nhanh. Trước mắt, ai đang làm IT cho các công ty nước ngoài lo đi là vừa.

Nhưng “xử lý dữ liệu thương mại thông minh – Business Intelligence” là cái quái gì vậy?

Theo Wikipedia, một Business Intelligence System là một hệ hỗ trợ quyết định dành cho các cấp lãnh đạo. Nói nôm na, một hệ thống BI sẽ lưu trữ, phân tích đưa ra những thông tin báo cáo về những cái đã làm, đang làm và dự báo các xu hướng tương lai để lãnh đạo biết đường mà quyết.

Xu hướng tiến tới điện toán đám mây là tất yếu vì theo đúng quy luật phát triển xoáy trôn ốc “phủ định của phủ định”. Nó dẫn tới một cuộc cách mạng trong điện toán mà kể cả các bản Linux cồng kềnh hiện nay cũng sẽ chết. Vùng đất mới sẽ là các phần mềm máy chủ.

Vai trò của PMNM trong cuộc cách mạng này tôi sẽ lạm bàn trong một post sau.

Một bước tiến của phần mềm nguồn mở trong ngành giáo dục Việt nam

Một bước tiến của phần mềm nguồn mở trong ngành giáo dục Việt nam.

Ngày 1/3/2010, bộ Giáo dục Đào tạo vừa ban hành thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT, có hiệu lực áp dụng bắt đầu từ 15/4/2010, “ Quy định vê sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục ”.

(Toàn văn thông tư xem tại đây).

Như vậy sau các tổ chức Đảng, mà theo thông tin báo chí thì cũng đang ứng dụng rất mạnh PMNM, ngành GDĐT là ngành đầu tiên chính thức hưởng ứng chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyên thông về đẩy mạnh sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước .

Điều 4 “ Định dạng chuẩn tài liệu mở trong giao dịch điện tử” của thông tư quy định “ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7978:2009 về định dạng tài liệu mở ODF (Open Document Format) cho các ứng dụng văn phòng

Cách viết này không rõ ràng, có thể gây hiểu lầm tương tự như quy định trước kia về font unicode. Khái niệm “giao dịch điện tử” không được định nghĩa sẽ được hiểu là điều 4 chỉ được áp dụng cho các tài liệu có luân chuyển trên mạng, gửi kèm email, v.v… Còn nếu tài liệu không giao dịch, chỉ lưu trên máy cá nhân rồi in ra thì dùng chuẩn gì cũng được hoặc lúc cần chuyển đi thì convert thêm một bản theo chuẩn. Về lý thì không sao, nhưng thực tế sẽ dẫn đến tồn tại hai chuẩn, rất phức tạp, giống như ba loại font hiện thời.

Vì vậy trong tên điều 4, cụm từ “giao dịch điện tử” nên đổi thành “tài liệu điện tử” và quy định rõ chế độ xử lý với các tài liệu cũ không theo chuẩn này.

Mặc dù vậy, việc quy định chuẩn tài liệu Việt nam là ODF và việc ngành giáo dục áp dụng chuẩn này cũng là một quyết định mạnh bạo:

  • Trong hai chuẩn quốc tế ISO/IEC cạnh tranh là ODF (Open Document Format, được Sun, IBM, Google, … hậu thuẫn và là chuẩn mặc định trong OpenOffice) và OOXML (Open Office XML, do Microsoft đề xướng, tích hợp một phần từ Microsoft Office 2007 trở đi), Việt nam đã chọn ODF cùng với một loạt các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức khác (xem chi tiết tại đây). Một số nước khác lại chấp nhận chuẩn OOXML.

  • Toàn bộ các tài liệu cũ soạn bằng Microsoft Office là phi chuẩn VN. Các tài liệu mới soạn bằng các bộ Microsoft Office cũng là phi chuẩn VN (các loại file .doc, .xls, .ppt, docx, xlsx, pptx, …). Chỉ có các bộ Microsoft Office 2007 SP2 và Microsoft Office 2010 có thể save được tài liệu dưới dạng ODF.

Điều 5 của thông tư đưa ra danh sách các PMNM được “ yêu cầu sử dụng chính thức để dạy học và sử dụng trong công tác văn phòng của các cơ sở giáo dục ”. Danh sách đó gồm: bộ phần mềm văn phòng OpenOffice, bộ gõ tiếng Việt Unikey, trình duyệt web Firefox, trình thư điện tử máy trạm Thunderbird và hệ điều hành trên nền Linux. (tôi nhấn mạnh).

Đoạn “yêu cầu sử dụng chính thức” nói trên đã là một bước tiến mạnh hơn chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT của bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên thời hạn nói trong điều 17 lại chỉ nhắc đến OpenOffice, Unikey và Firefox?

Về OpenOffice thì có một băn khoăn nhỏ như tôi đã nói ở đây: cách viết công thức toán của OpenOffice hơi phức tạp đối với giáo viên tiểu học và phải cài extension hỗ trợ. Bộ KOffice 2.x có phần mềm KFormula viết công thức dễ hơn nhiều, nên tìm hiểu để tích hợp với OpenOffice (soạn công thức bằng KFormula rồi copy hoặc chèn vào OpenOffice, nếu được).

Về hệ điều hành Linux không nên để mơ hồ như vậy, khó cho các đơn vị triển khai và cũng khó cho hỗ trợ tập trung:

  • Hoặc là nên chỉ định hẳn Ubuntu (như trong thông tư số 41/2009/TT-BTTTT của bộ Thông tin và Truyền thông). Các biến thể của Ubuntu (Xubuntu cho máy cấu hình thấp, Edubuntu cho giáo dục, Ubuntu Netbook Remix cho netbook) hoàn toàn có thể thay được danh mục lộn xộn trong mục 2 phụ lục danh mục các PMNM khuyến khích.

  • Hoặc bộ đầu tư xây dựng hẳn một bản Vinalinux dành cho giáo dục dựa trên nền Ubuntu theo kiểu ở đây hoặc ở đây. và đây nữa. Nghe “xây dựng” thì hơi kinh nhưng chỉnh trang Ubuntu, bổ xung những cái cần, thêm giao diện tiếng Việt, cài sẵn bộ gõ, cấu hình sẵn các phần mềm,… rồi dùng Remastersys để tạo đĩa cài đặt, soạn đầy đủ tài liệu hướng dẫn tiếng Việt có lẽ không khó lắm.

Dù sao thì “môi trường chính sách” về PMNM của bộ GDĐT như vậy cũng là nhất trong các bộ ngành hiện nay rồi (và cũng do đặc thù, chuyển sang PMNM trong giáo dục ở các nước khác cũng đi đầu và dễ hơn). Nhưng từ môi trường chính sách sang đến kết quả thực hiện cụ thể còn cả một chặng đường dài.

Ngày xưa, bác Quách Tuấn Ngọc đã rất nhạy bén, kịp thời và thành công với phần mềm soạn văn bản BKED. Bây giờ tuy có tuổi nhưng những việc làm trên chứng tỏ bác vẫn còn nhạy bén với cái mới. Chúc bác và quý bộ thành công trên một con đường khá chông gai.

P/s: mấy cái link kho phần mềm của bộ, openDNS không nhận được cái nào.

Phần mềm nguồn mở là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản!?

Phần mềm nguồn mở là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản!

Trong một vài post trước đây ( [1], [2]) ta đã biết việc ứng dụng phần mềm nguồn mở hiện đang là một vũ khí chính trị để các đảng Anh, Ấn tấn công nhau về khả năng quản lý và sử dụng công quỹ: không biết dùng PMNM là kém và lãng phí công quỹ.

Ngược lại gần đây một nhóm vận động hành lang (lobby) Mỹ đã “nâng quan điểm” đẩy vấn đề lên một mức độ nghiêm trọng hơn: dùng phần mềm nguồn mở là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản (enemies of capitalism)!.

The Guardian, một trong những tờ báo nổi tiếng của Anh mới đây đã cho đăng một bài báo với tiêu đề giật mình “ Khi sử dụng phần mềm nguồn mở làm cho bạn trở thành kẻ thù của nhà nước”. Bài báo đó cho biết gần đây Liên minh quyền sở hữu trí tuệ quốc tế IIPA (International Intellectual Property Alliance), một tổ chức lobby gồm các tổ chức như RIAA ( Recording Industry Association of America- Hiệp hội công nghiệp ghi âm Mỹ), MPAA (Motion Picture Association of America- Hiệp hội các nhà sản xuất phim Mỹ) đã yêu cầu chính phủ Mỹ đưa các nước như Ấn độ, Bradin, Inđônêxia vào “ Danh sách theo dõi đặc biệt 301 – Special 301 watchlist” vì các nước đó sử dụng phần mềm nguồn mở! Danh sách 301 là một bản báo cáo về việc “thực hiện đầy đủ và hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ” trên toàn cầu. Việc bị đặt trong danh sách này có nghĩa là bị chính phủ Mỹ xem như “kẻ thù của chủ nghĩa tư bản” do không tôn trọng đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ và Mỹ sẽ gây các áp lực thương mại để buộc các chính phủ đó phải thay đổi hành vi.

Lý do để IIPA đưa ra yêu cầu nói trên là vì các nước đó đã dám sử dụng hoặc khuyến khích sử dụng phần mềm nguồn mở trong các cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước và như vậy đe dọa nền công nghiệp phần mềm và phá giá quyền sở hữu trí tuệ. Trong văn bản của IIPA gửi đại diện thương mại Mỹ có viết:

“ Chính sách của chính phủ Indonesia làm yếu nền công nghiệp phần mềm và phá hoại hiệu quả dài hạn của nền công nghiệp đó bằng cách tạo nên một sự ưa thích giả tạo đối với các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm nguồn mở, làm cho nhiều công ty ( phần mềm nguồn đóng) không thâm nhập được thị trường chính phủ.”

Tuy vậy, những người yêu PMNM không việc gì phải lo lắng. Vận động hành lang (lobby) là một hoạt động chính trị được chính thức công nhận ở Mỹ và châu Âu, có luật lệ hẳn hoi (ví dụ Lobbying Disclosure Act) . Các tổ chức lobby phải đăng ký, có báo cáo hàng năm và được dùng các phương tiện, hình thức hợp pháp để vận động chính giới thông qua những văn bản pháp lý có lợi cho mục tiêu của mình. Mới đây, các vụ kiện có liên quan đến Việt nam như vụ kiện bán phá giá cá basa hoặc vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam cũng bị phê phán là chúng ta đã không biết sử dụng hệ thống lobby của Mỹ. Báo Hà nội mới vừa rồi còn đặt vấn đề công nhận lobby tại Việt nam nữa!

Vì vậy, lobby không có nghĩa là đã thành công. Và có nhóm lobby theo chiều này thì cũng có nhóm lobby theo chiều ngược lại. Cuối năm 2009, hơn 70 công ty, viện nghiên cứu và cộng đồng PMNM đã thành lập một tổ chức lobby gọi là “Phần mềm nguồn mở cho nước Mỹ – Open Source for America – OSFA) để vận động cho việc dùng PMNM trong chính quyền Mỹ. Tổ chức này bao gồm các công ty lớn như Google, AMD, Oracle, Canonical, …, các trường đại học như trường đại học tổng hợp Bắc Carolina, đại học tổng hợp Oregon, …các cộng đồng như GNOME Foundation, Linux Foundation, … có mục đích:

  • Giúp thay đổi các chính sách và thực tiễn để chính phủ liên bang sử dụng PMNM tốt hơn.

  • Phối hợp các cộng đồng nguồn mở hợp tác với chính phủ về các yêu cầu công nghệ.

  • Nâng cao nhận thức và tạo nên sự hiểu biết của các lãnh đạo liên bang về giá trị và thực tế của PMNM.

Đáp lại các lý lẽ trên, McNealy, chủ tịch của Sun Microsystems nói: ” Nếu suy nghĩ như vậy thì phần mềm nguồn đóng tương đương với một nền kinh tế chỉ huy bởi những nhà độc tài ( Bill Gate chẳng hạn – zxc232), trong khi phần mềm nguồn mở có mọi sự lựa chọn là nền kinh tế thị trường với nhiều người chơi cạnh tranh nhau.”

Như đã đưa tin, không hiểu IIPA nói thế nào với việc gần đây website Nhà trắng chuyển sang dùng nguồn mở, quân đội Mỹ tăng cường dùng PMNMchính phủ Anh đưa ra hẳn các chính sách dùng PMNM trong chính phủ, v.v…? Có đưa các nước đó vào danh sách 301 không?

Cuộc đấu tranh còn chưa kết thúc nhưng cũng có thể thấy ngay là PMNM đã lớn mạnh đến thế nào thì mới xảy ra cuộc đấu tranh đó. Trước đây khoảng 10 năm, Microsoft còn cười khẩy coi PMNM chỉ như một căn bệnh ung thư thôi.

Bệnh viện Mắt Trung ương và phần mềm nguồn mở

Hôm vừa rồi, đưa người nhà đi khám ở bệnh viện Mắt Trung ương (phố Bà Triệu, Hà nội), tôi nhận thấy bệnh viện đã đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân bằng phần mềm nguồn mở.

Khi mua phiếu khám ở dưới nhà, tên tuổi bệnh nhân, số thứ tự khám, số hiệu phòng khám được nhập vào máy tính chuyển vào mạng. Khi lên tới phòng khám, bác sỹ vào mạng đã có sẵn các dữ liệu trên, khi khám xong chỉ việc kê đơn hoặc chỉ định điều trị tiếp cũng trên máy tính và in ra đơn thuốc cho bệnh nhân.

Điều đặc biệt ở đây là các máy tính trong phòng khám cài Ubuntu, có lẽ là Ubuntu 9.04 vì biểu tượng của scim-unikey vẫn hiện được trên panel. Phần mềm ứng dụng hình như chạy trên nền web (web based). Đây là một cố gắng rất đáng hoan nghênh của ngành y trong tin học hóa. Phần mềm ứng dụng chạy trên web là một hướng rất nên làm vì:

1- Xây dựng, cài đặt, quản lý, nâng cấp, sửa chữa và bảo trì làm tập trung trên máy chủ. Nhanh và thống nhất, đỡ rất nhiều công so với dùng kiểu client – server, cài phần mềm client cho từng máy.

2- Đặc biệt là với các môi trường hỗn hợp máy trạm Windows và Linux thì đây là giải pháp hợp lý. Bất kể máy cài hệ điều hành gì, chỉ cần có trình duyệt là dùng được phần mềm ứng dụng trên mạng. Một hệ thống email (ví dụ Zimbra), dùng webmail là Zimbra client vừa nhiều tính năng, vừa dễ phổ biến thống nhất hơn là đi cài POP hoặc IMAP cho Outlook, Outlook Express, Thunderbird, KMail, Evolution, … trên từng máy.

3- Hướng lập trình web based là một hướng hiện đại, phù hợp với việc nâng cấp-mở rộng, sử dụng môi trường điện toán đám mây sau này, truy cập được từ mọi nơi có Internet (kèm theo các giải pháp bảo mật phù hợp).

4- Với các phần mềm ứng dụng trên mạng dùng nền Windows đã có, khó chuyển sang web based, hướng này có lẽ là một giải pháp khả thi nên tham khảo.

Tuy nhiên quan sát bác sỹ làm việc một lúc thì thấy có hai lỗi:

1- Bộ gõ tiếng Việt scim-unikey hay bị mất tiếng Việt, nhất là khi chuyển cửa sổ. Vị bác sỹ lại loay hoay dùng chuột kích vào thanh menu của scim-unikey để bật tắt tiếng Việt mới gõ tiếp được. Lỗi này tôi có nói ở đây.

2- Một số trường nhập liệu có thể làm nhanh hơn, tránh phải gõ và không nhầm (ví dụ: nên có danh mục tên thuốc tự động xổ xuống để chọn).

Nhìn chung thì thời gian khám không lâu, nhưng thời gian loay hoay với máy tính khá nhiều. Với những môi trường công việc bận rộn, cần tốc độ nhanh như phòng khám, tốc độ và tiện nghi của phần mềm là điều nên cải tiến.

Dù sao thì việc mạnh dạn ứng dụng PMNM cũng rất đáng hoan nghênh rồi. Nhưng nếu không liên tục cải tiến, sửa lỗi thì rất dễ phản tác dụng.

Điều hay ho thấy ngay là bệnh nhân có được những đơn thuốc in ra rất rõ ràng, tránh phải đọc và luận cái thứ “chữ bác sỹ” khủng khiếp đã thành truyền thống.

Không hiểu ở các bệnh viện khác thì thế nào? Ai biết xin chia sẻ lên đây.

Hệ thống sân bay lớn thứ sáu thế giới quản lý hạ tầng mạng bằng phần mềm nguồn mở.

Hệ thống sân bay lớn thứ sáu thế giới quản lý hạ tầng mạng bằng phần mềm nguồn mở.

(Cái này mới biết. Tôi cũng không ngờ làm được như vậy. Mạng sân bay không cần nói cũng biết nó quan trọng và yêu cầu cao đến thế nào. Phần mềm quản lý mạng của Cisco đắt lắm)

AUSTIN, TX, February 14, 2010 /24-7PressRelease/ —

Zenoss, Inc. – một công ty hàng đầu về sản phẩm quản lý tin học nguồn mở thương mại tuyên bố rằng thành phố Houston (Mỹ) đã dùng sản phẩm của công ty để quản lý hạ tầng mạng chủ chốt (mission-critical) của hệ thống sân bay Houston (Houston Airport System – HAS), một hệ thống mạng sân bay lớn thứ sáu thế giới bằng bộ phần mềm nguồn mở Zenoss Enterprise.

Nhờ vậy, Houston có thể giảm đến 500% tổng chi phí hoạt động của mạng HAS lớn và phức tạp , đồng thời đáp ứng hiệu quả hơn các yêu cầu quản lý một mạng gồm hàng trăm Cisco routers, switches và firewall trên khắp ba sân bay của thành phố.

Trước đây, hệ thống mạng sân bay thường bị nghẽn do không kiểm soát được lưu thông trên mạng. Công cụ quản lý mạng cũ có những điểm mù lớn đối với việc sử dụng mạng và chi phí lại rất cao.

Zenoss Enterprise là thế hệ mới phần mềm quản lý các ứng dụng trên mạng và hỗ trợ hạ tầng trung tâm dữ liệu động. Nó cho phép các nhà quản trị mạng theo dõi các thiết bị phần cứng, thiết bị ảo và môi trường điện toán đám mây cỡ lớn.

Dựa trên mô hình kinh doanh sản phẩm nguồn mở có thu phí, các sản phẩm của Zenoss hiện đang theo dõi hàng ngày trên một triệu mạng và máy chủ, được sử dụng trong hơn 25,000 tổ chức ở 180 nước. Các khách hàng lớn có Carlson, Motorola và ngân hàng Deutsche Bank. Chi tiết xem tại http://www.zenoss.com

Tổng kết hơn ba năm trời làm Đông Ki sốt!

Đầu năm khai bàn phím, chia sẻ một chút hồi ức, hy vọng có ích cho những người cùng chí hướng.

Cách đây 5,6 năm, cái thời RedHat còn free, tôi đã loay hoay vọc. Đến bây giờ cái cảm giác lần đầu tiên cài xong, khởi động vào một hệ điều hành mới không phải Windows vừa ngỡ ngàng vừa cuốn hút vẫn còn đọng lại trong tôi.

Thời ấy, gõ được tiếng Việt thật là gian khổ và các trình ứng dụng như OpenOffice còn thua xa MS Office. Rõ ràng là không thể dùng phổ thông được. Tuy nhiên, một Red Hat File server dùng xen trong mạng Windows NT, nhận được các user của mạng, chạy ròng rã suốt mấy năm trời sau đó không phải đụng chạm gì đã gây được những ấn tượng ban đầu về một hệ điều hành máy chủ ổn định.

Khi Vietkey Linux (VL) ra đời, tôi đánh giá cao vì lý do đơn giản là những gì đã từng trầy trật mới cài được trên Red Hat để gõ tiếng Việt thì Vietkey Linux đã làm sẵn. VL ra đời dấy lên một cơn sốt, lôi kéo cả CMC tham gia. Rất tiếc là cả hai đều chết yểu. Tôi tạm thời chia tay với thế giới mới mà chưa tìm hiểu được gì nhiều.

Đến khoảng giữa năm 2006, tình cờ đọc được bài báo giới thiệu về Ubuntu. Lại lao vào một cuộc thử nghiệm mới. Ubuntu 6.04 ban đầu gây thất vọng vì giao diện xấu quá (hồi đó chưa biết chỉnh sửa giao diện và màn hình LCD còn là của hiếm). Kubuntu tạo được ấn tượng nhờ cái màu xanh tươi mát, KMenu giống Windows, System Settings tập trung và khả năng kết nối mạng có vẻ trơn tru hơn. Đi sâu vào mới thấy bước tiến của PMNM trong những năm qua thật là đáng nể. Niềm say mê cũ lại bùng lên.

Đáng lẽ chỉ tập trung tìm hiểu cho riêng mình hoặc đi sâu vào các PMNM chạy trên máy chủ, tôi lại chọn cho mình một con đường chông gai nhất: phổ biến Linux trong cơ quan! Và thế là một chàng Đông Ki sốt mới ra đời!

Đơn thương độc mã, không có cả Săng xô Păngxa và con ngựa què bên cạnh. Giữa lúc thiên hạ lao vào các dự án để kiếm tiền thì mình lại lao vào một cái hoàn toàn miễn phí và đánh mất luôn cả các khoản lại quả hậu hỹ khi mua phần mềm bản quyền. Mất thì giờ và công sức cả ngày lẫn đêm. Và điên rồ nhất là đánh nhau với cả một dàn cối xay gió khổng lồ, thực hiện một “điệp vụ bất khả thi” là “cai nghiện cho một đám con nghiện nặng Windows” với vũ khí duy nhất là cái đầu mình cộng với niềm tin sắt đá rằng “cái này hoàn toàn dùng được, vừa hay vừa lợi, tại sao không dùng?” Có đúng là Đông Ki Sốt hiện đại không?

Để phổ biến được Linux thì phải bình dân hóa nó. Đầu tiên là cách cài đặt, cấu hình phải thật rõ ràng dễ hiểu, tránh dùng lệnh đến mức tối đa. Rất nhiều công sức đổ vào một bản hướng dẫn cài đặt chi tiết cùng với hàng lô phần mềm phụ trợ tải về sẵn (thời 2006, bây giờ thì không cần) sao cho một cháu gái trình độ trung bình cũng tự cài đặt được.

Một chiến dịch thí điểm được triển khai, vừa ép buộc (đã có lúc quát tháo ầm ầm), vừa mua chuộc, dụ dỗ (ai tình nguyện dùng Kubuntu được ưu tiên thay màn hình LCD và được quyền vào Internet). Lúc đầu cũng gian truân, tiếng kêu la, bài xích lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Kinh nghiệm cho thấy rằng:

  • Những người năng lực trên trung bình không cứ già hay trẻ, nhưng nhất là trẻ thì khả năng chuyển đổi, tự học hỏi rất nhanh. Thực tế không cần phải đào tạo gì mọi việc vẫn diễn ra suông sẻ vì hiện nay Linux quá giống Windows.
  • Những người mà ngày xưa bắt buộc phải học Windows đã là cả một cố gắng quá sức, tiếng Anh còn khó nhọc và thậm chí đến giờ dùng Windows cũng chưa thạo (cũng không cứ già hay trẻ) thì nên chừa ra trong giai đoạn đầu.
  • Những người đáng sợ nhất là loại học vị, chức tước đầy người nhưng tư duy thì hẹp và lùn. Họ chống mà không cần biết cái mình chống là gì, lời lẽ đao to búa lớn và rỗng tuếch nhưng tiếng nói lại vô cùng có trọng lượng.

Tôi đánh giá cao và coi trọng một người như thế này:

– Tại sao mọi người xôn xao về Kubuntu thế hả anh?

– Thay vì nghe người khác nói, cậu hãy tự mình thử và đưa ra kết luận.

– OK, anh cài cho em.

Theo tôi đấy là một cách hành xử thông minh trước một vấn đề mà mình chưa hiểu rõ. Những người như thế có chống, mình cũng phải xem xét kỹ ý kiến của họ.

Gian nan cũng nhiều và có lúc tưởng như tuyệt vọng. Điều đáng lưu ý nhất là những khó khăn không phải vì năng lực của Linux không đáp ứng được nhu cầu công việc. Nó xuất hiện từ những góc bất ngờ nhất, vô lý nhất. Đã có lúc tôi bị cánh quạt cối xay hất tung lên rơi xuống tưởng chết và chán nản đã có ý định bỏ đi. Nhưng niềm tin vào PMNM và ý chí muốn đánh nhau với giáo chủ Bill Gate và đám tín đồ mù quáng của giáo phái MS thì vẫn không hề thay đổi.

Tuy nhiên tôi không phải kẻ cuồng tín.

Tư tưởng chủ đạo của các bậc tiền bối phong trào PMNM là “Tự do, phóng khoáng, cởi mở” – open minded. Họ không muốn bị ràng buộc vào một công cụ duy nhất, vào vô số những điều khoản của license, vào thế bị ban phát bởi đám ông chủ của Microsoft, Oracle, Autodesk. Với đám hậu bối chúng ta cũng vậy. Chỗ nào Windows hay, PMNM không bằng thì vẫn dùng Windows. Ngay trong PMNM, đối với tôi trước đây Kubuntu là tuyệt vời nhưng hiện nay Mandriva tiện hơn nhiều (và sau này thì chưa biết). Tự trói mình vào một sản phẩm là trái với tinh thần của phong trào.

Hai năm rưỡi đã trôi qua. Hơn 1/3 số máy trong cơ quan đã dùng Kubuntu và điều tiếng cũng dần dần lắng xuống. Máy chủ trong mạng hầu hết dùng PMNM chỉ có duy nhất một máy Windows. Một quyết định gần đây của lãnh đạo cho phép triển khai PMNM đại trà trong khắp cơ quan và đã triển khai xong chỉ còn lại một ít máy Windows. Trong thời gian đó, PMNM đã có những bước tiến vượt bậc. Cài đặt đơn giản, dễ dàng hơn nhiều và các phần mềm chủ chốt như OpenOffice, KMail hoàn toàn có thể ngang hàng với MS Office và Outlook, hỗ trợ phần cứng cũng đã khác xa hồi 2006.

Phong trào PMNM đã lan nhanh, mở rộng khắp nơi.Từ chỗ chỉ là ham thích cá nhân, tôi để ý tìm hiểu và vui mừng thấy “Tây nó dùng đầy ra rồi” (xem thêm tại đây). Điều này củng cố niềm tin vào cái mình theo đuổi.

Đặc biệt là tại Việt nam, tôi đánh giá cao quyết định triển khai mạnh dạn PMNM trong hệ thống máy tính của Đảng và gần đây là của Chính phủ. Một quyết định dũng cảm khác của một lãnh đạo trong cơ quan cũng tiếp thêm cho tôi nguồn sức mạnh. Chúng ta có thể tự hào là riêng trong lĩnh vực này, đất nước ta thực sự đã có những chủ trương đi tắt đón đầu, nhanh hơn khá nhiều nước trên thế giới (tức là có “môi trường chính sách” tốt, nhưng còn thực hiện thì phải chờ xem). Tất cả những điều đó cộng với việc tăng cường an ninh máy tính, tôn trọng bản quyền làm cho PMNM hiện nay là một xu hướng không cưỡng lại được.

Về cơ bản, bây giờ mình không còn là Đông Ki sốt nữa.

Ứng dụng PMNM vào thời điểm hiện nay, khi mà trình độ, quy mô ứng dụng còn non kém, đa số máy tính còn dùng thay máy chữ là thuận lợi nhất, thích hợp nhất.

Khó khăn trước mắt cũng còn nhiều. Những cái cối xay gió tạm thời ngừng quay nhưng vẫn còn sừng sững, đám con nghiện vẫn còn một số sẵn sàng tái nghiện. Làm chủ và cài đặt lại những phần mềm máy chủ lởm khởm do công ty tin học số 1 VN cài là việc không dễ. Các phần mềm ứng dụng trên mạng (kế toán,…) bây giờ phải chuyển sang dạng web-based. Một dự án ERP lớn, hoành tráng nhưng kém khả thi liệu có thay bằng Openbravo hay Compiere được không? v.v và v.v.  PMNM như một chàng thanh niên mới lớn, vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiếu kiến thức, nhưng ý chí và sức khỏe thì có thừa đang hăm hở bước vào đời.

Điều đáng buồn là do những hoàn cảnh ngoài ý muốn có lẽ sẽ không còn đủ thời gian và điều  kiện thực hiện những dự định ban đầu nữa.

Nhưng niềm tin và niềm vui dành cho PMNM thì chỉ có càng ngày càng lớn!

Vài nhận xét về 8 phần mềm nguồn mở ưu tiên bổ xung của bộ Thông tin và Truyền thông.

Vài nhận xét về 8 phần mềm nguồn mở ưu tiên bổ xung của bộ Thông tin và Truyền thông.

Cuối năm 2007, bộ TT&TT đã công bố danh sách các phần mềm nguồn mở mà các cơ quan nhà nước phải ưu tiên mua sắm, sử dụng là phần mềm văn phòng OpenOffice, trình quản lý thư điện tử máy trạm Thunderbird, trình duyệt web Firefox và bộ gõ tiếng Việt Unikey. Các phần mềm này chạy được trên cả Windows và Linux.

Từ tháng 11/2009, bộ này đã xin ý kiến công khai về cập nhật danh mục các sản phẩm nguồn mở nói trên tại đây, và theo thông tin tại đây thì bộ đã ban hành danh sách cập nhật gồm: hệ điều hành máy trạm Ubuntu phiên bản 8.10 trở lên; hệ quản trị cơ sở dữ liệu PostgreSQL phiên bản 8.3 trở lên và MySQL phiên bản 5.1 trở lên; phần mềm thư điện tử máy chủ SendMail phiên bản 8.13 trở lên và Postfix phiên bản 2.5 trở lên; hệ quản trị nội dung Alfresco phiên bản 3.0 trở lên, Drupal phiên bản 6.10 trở lên hoặc Joomla bản 1.5.9 trở lên; và hệ thống cổng thông tin điện tử Liferay phiên bản 4.0 trở lên.

Đây là một cố gắng đáng hoan nghênh của bộ sau chỉ thị số 07 /2008/CT-BTTTT , chứng tỏ quyết tâm cao của Chính phủ trong việc ứng dụng PMNM. Tôi không biết lúc xin ý kiến vì vậy xin có vài góp ý muộn màng sau:

  1. Về hệ điều hành: chọn Ubuntu là đúng vì nó phổ biến nhất hiện nay, kể cả ở Việt nam. Vì vậy việc hỗ trợ người dùng sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu theo kinh nghiệm của New Zealand đã nói ở đây, bổ xung những phần Ubuntu còn thiếu, xây dựng thành một hệ điều hành chuẩn quốc gia, dùng Remastersys tạo đĩa cài đặt. Như thế sẽ thuận lợi hơn cho các cơ quan, địa phương mà đội ngũ kỹ thuật còn yếu về PMNM. Tất nhiên khi làm như vậy phải giải quyết một số vấn đề pháp lý về bản quyền của các phần bổ xung.

  2. Về phần mềm thư điện tử máy chủ: Sendmail và Postfix chỉ là một thành phần cơ bản trong bộ phần mềm thư điện tử máy chủ (xem thêm bài Máy chủ mail gồm những gì?) và khá khó dùng. Vì vậy tốt hơn là nên chọn một bộ phần mềm mail máy chủ hoàn chỉnh kiểu Zimbra, Open-Xchange, …. (trong đó đã có Postfix) việc ứng dụng sẽ dễ dàng và đầy đủ hơn nhiều.

  3. Một trong những hướng ứng dụng hay và thuận tiện nhất là dùng các bộ phần mềm máy chủ tổng hợp (ví dụ eBox, ClearOS, ….). Những bộ phần mềm đó: đã tích hợp sẵn các tính năng cần thiết, có giao diện quản lý đồ họa nên sẽ dễ cài đặt, cấu hình và quản lý.

  4. Khác với Windows, đội ngũ kỹ thuật về PMNM trong cả nước hiện rất mỏng. Vì vậy, bộ nên có sự chỉ đạo và hỗ trợ tập trung từ trên xuống. Mỗi phần mềm trong danh sách ưu tiên nên:

    • đầy đủ, dễ dùng như nói ở trên và

    • ngay ở bộ phải có một đội ngũ kỹ thuật giỏi, am hiểu kỹ, soạn tài liệu hướng dẫn cài đặt và sử dụng tiếng Việt chi tiết, có website, forum hỗ trợ tích cực.

Xây dựng một trung tâm tin học nguồn mở mạnh, tự hạch toán, trả lương theo cơ chế thị trường để làm những việc trên là điều phải làm và nên làm ngay. Chỉ công bố danh sách rồi khoán cho đơn vị thực hiện như hiện nay, tỷ lệ thành công sẽ rất thấp.

Vài ý kiến góp cho sự nghiệp chung rút từ kinh nghiệm bản thân. Rất mong quý bộ lưu ý.

Đôi điều tâm tình với người mới tìm hiểu Linux.

Đôi lời tâm tình với người mới tìm hiểu Linux.

( Tản mạn nhân dịp blog sắp đạt tới 250.000 hits và nhận được câu hỏi này:

Cho mình hỏi là làm gì sau khi cài Ubuntu 9.10 để trở thành một “ pờ-rồ” nhỉ? Mình mới cài U và rất muốn dẹp hẳn W,).

Tôi bắt đầu viết blog về phần mềm nguồn mở từ tháng 1/2007, ban đầu đặt tại http://my.opera.com/zxc232. Đến tháng 1/2008 thì chuyển sang https://zxc232.wordpress.com vì những tính năng vượt trội của WordPress.

Tính đến nay, blog WordPress đã được hai năm, sắp đạt tới 250.000 hits, page view hàng ngày khoảng 600-700. Đối với một blog chuyên về phần mềm nguồn mở (PMNM) như thế là cũng được.

Tôi đã theo dõi trong những khoảng thời gian khác nhau đều thấy kết quả: trên 70% những bạn đọc blog này vẫn còn đang dùng Windows!

Điều này khá bất ngờ. Trước đó tôi vẫn yên trí rằng những người đọc blog này đều đã dùng Linux. Có thể là:

  • Bạn đọc blog từ máy cơ quan, tối về hoặc ngày nghỉ mới “cầy cuốc” Linux trên máy ở nhà. Điều này là chung cho các fan của PMNM: đối với đa số, PMNM là một hobby ngoài những giờ kiếm sống. Ngay cả người chủ trì bản Linux Mint khá nổi tiếng cũng làm việc đó ngoài giờ, gần đây mới quyết định bỏ việc để chuyên tâm vào Mint.

  • Bạn cũng quan tâm, nhưng vì lý do nào đó vẫn còn chưa thử dùng Linux.

Nếu bạn thuộc nhóm người thứ hai và không thuộc loại người đã nhắc đến ở đây, tôi muốn nhại thơ Tố Hữu để khuyên bạn:

“Thử đi nào, can đảm bước chân lên.

Tuy chưa biết, không có gì đáng sợ”

Tôi cũng như bạn, cách đây khoảng 3 năm còn quẩn quanh trong lũy tre làng Windows từ “thời thơ ấu”. Tình cờ một hôm bước chân ra khỏi cổng làng mới biết còn cả một thế giới mới lạ, rất nhiều điều hay, tự do phóng khoáng, có những cảnh đẹp mê hồn và cả những con đường chông gai, khúc khuỷu. Nếu ta còn bé thì hãy về quấn quanh chân mẹ, còn lớn khôn rồi đâu có ngại đường xa!

Trước khi bước chân đi du lịch, bạn hãy nhấn vào đây đọc lướt qua một lượt để biết rằng cái thế giới sắp khám phá rộng lớn, đa dạng như thế nào; khác hẳn với những điều các cụ già trong làng Windows vẫn bĩu môi dè bỉu, khác hẳn những thành kiến mà những người chưa từng bước chân ra khỏi cổng làng bao giờ vẫn nghĩ.

Thay đổi nhận thức là điều rất quan trọng! Chỉ khi nào bạn hiểu rằng ngoài cái đình làng mình, còn nhiều đình làng khác cũng hoàng tráng và đẹp không kém, bạn mới có đủ hào hứng, quyết tâm lên đường. (tham khảo thêm ở đây).

Tôi biết hai người điển hình. Một người chỉ cần dùng máy tính làm văn phòng (soạn thảo, duyệt web, gửi thư, nghe nhạc, xem phim,..), tiếng Anh không biết, cũng chỉ một tuần chăm chỉ là tự dùng Linux được . Một người khác có IQ cao thì hiện đã quản trị được cả mạng Linux (mất khoảng 1 năm)! Tức là Linux không khó tùy theo nhu cầu và chỉ số IQ của mình .

Nếu bạn chỉ coi phần mềm như một công cụ làm việc, vẫn còn say đắm với Windows, thì tối thiểu cũng nên trích ra 5GB, cài thêm một bộ Linux dự phòng dùng chung My Documents với Windows. Khi nào Windows chết bất thình lình vì virus hoặc một lô thứ bệnh khác, chỉ cần khởi động lại để tiếp tục làm việc với các dữ liệu cũ đã lưu trong My Document.

Có thể tự cài hoặc nhờ người khác cài bộ Linux Mint là bộ dựa trên Ubuntu phổ biến nhất hiện nay, tương đối đầy đủ (phải cài thêm ít), nhanh, chạy tốt trên cả máy cấu hình yếu.

Tôi thường dùng “chiêu” này để dụ những người quen dùng Linux. Tuy nhiên có vài loại người đã nhắc đến trong bài này thì đừng mất công dụ họ làm gì.

Còn nếu bạn đã là “pờ rồ” về Windows, nghĩa là IQ vào loại tương đối khá, thì để “pờ rồ” về Linux không có gì khó khăn, thậm chí còn dễ hơn là khác vì mọi điều trong PMNM đều công khai và có đầy tài liệu trên Internet.

Để cho nhanh, trước tiên hãy search các tài liệu hướng dẫn tiếng Việt (ví dụ ở đây hoặc góc trên bên phải blog này) về đọc qua một lượt.

Sau đó là thử dùng, cái gì vấp thì đi hỏi cho nhanh. Diễn đàn Ubuntu Việt có nhiều người rất khá, hoặc bạn post câu hỏi lên đây, tôi sẽ cố gắng trả lời những gì có thể. Sau cùng là hỏi cụ Gúc.

Muốn học bài bản hơn thì ví dụ vào Linux Courses, có các chương trình học online cho từng cấp (và còn một số site khác nữa). Wikipedia cũng là nơi có nhiều bài viết về Linux rất hay.

Cao cấp, chuyên nghiệp hơn (và cũng để kiếm cơm nữa) thì nên đi sâu vào các loại phần mềm nguồn mở dành cho máy chủ, nếu bạn có đủ khả năng. Với sự phát triển của Internet và điện toán đám mây hiện nay, tôi nghĩ đó mới là tương lai cho phần mềm nguồn mở.

Có mấy điều cần nhớ là:

  • Đang đi xe số, chuyển sang xe ga, khi đạp phanh không thấy có cần phanh, đừng vội la lên “Xe ga không phanh được!”. Phanh của nó nằm ở chỗ khác. Khăng khăng đòi phanh xe ga cũng phải nằm ở dưới chân như vẫn quen dùng là một điều ngu xuẩn.

  • Xe ga đẹp hơn, cốp rộng nhưng nặng khó dắt, uống xăng như nước, phanh không khéo là đổ xe và ngược lại với xe số. Cái gì cũng có cái hay cái dở, khi đã dùng là phải chấp nhận.

  • Linux là tự do. Không thích phần mềm nghe nhạc có sẵn, có thể tìm cài và thử hàng chục phần mềm khác. Không thích bản Linux này có thể thử khoảng 400 bản Linux khác. Và cao thủ nhất thì có thể tự viết các tính năng, phần mềm mà mình thích, tự sửa đổi hoặc thậm chí xây dựng mới từ đầu một bản Linux theo ý muốn (có hướng dẫn tại đây).

  • Chỉ trong vài năm vừa qua, Linux lớn rất nhanh (nhớ lại cái thời cài Ubuntu 6.10 mà thấy kinh hoàng). Vì vậy những gì bây giờ Linux chưa có, chưa làm được hoặc làm rất phức tạp thì không phải mãi mãi sẽ như thế. Chỉ vài tháng sau, có thể đã khác rồi.

Phong trào phần mềm nguồn mở ra đời từ tinh thần yêu tự do, phóng khoáng, không muốn bị trói buộc vào những gì có sẵn. Với tôi, nó còn là lòng tự trọng. Tôi cũng như bạn đều “lớn lên” bằng cách móc ví của Bill Gate một cách vô ý thức. Nhưng nay thì tôi muốn hoàn lương.

Ngoài cái hay, cái đẹp, cái tự do phóng khoáng, cái đạo đức đã nói, đã 3 năm nay Linux hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu công việc khiêm tốn của tôi. Tôi không rủ rê bạn đi vào con đường cụt hay chỗ chết đâu!

Bạn còn chờ gì nữa?

Linux dành cho sinh viên và Linux dành cho … công an

I. Linux dành cho công an: CAINE.

CAINE là từ viết tắt của Computer Aided INvestigative Environment (Môi trường điều tra pháp lý hỗ trợ bằng máy tính). CAINE là bản Linux dựng trên nền Ubuntu 8.04, tích hợp các công cụ phần mềm nguồn mở hiện có để điều tra các bằng chứng pháp lý số hóa trong một giao diện đồ họa thân thiện. CAINE xử lý được các dữ liệu trên các ổ cứng Windows và Unix.

Thiết kế của CAINE có các mục tiêu sau:

  • Tạo một môi trường tương tác hỗ trợ các nhà điều tra các bằng chứng số hóa trong bốn giai đoạn điều tra (Thu thập dữ liệu – Collection, Nghiên cứu – Examination, Phân tích – Analysis, Báo cáo – Reporting)

  • Có giao diện đồ họa thân thiện.

  • Soạn báo cáo cuối cùng bán tự động.

Ngành điều tra bằng chứng số hóa (Digital Forensics hoặc Computer Forensics) là một phân ngành trong khoa học pháp lý (forensic science). Nó thu thập dữ liệu từ các vật chứng số – digital artifact: máy tính, thiết bị lưu trữ (ổ cứng, đĩa CD, …), tài liệu điện tử (file, email, ảnh jpeg,…) thậm chí một chuỗi các gói tin gửi đi trên mạng. Các dữ liệu sau đó phải được sao nguyên vẹn như trạng thái ban đầu, không thay đổi đến một bit sang một thiết bị lưu trữ của nhà điều tra. Việc nghiên cứu, phân tích nhằm tìm ra các thông tin (ví dụ lưu trong ảnh) hoặc các sự kiện đã diễn ra trước đó. Có nhiều bộ công cụ phần mềm khác nhau để hỗ trợ điều tra như Sleuth Kit hoặc SANS Investigative Forensic Toolkit (SIFT) .

Giao diện chính các công cụ của CAINE:

Mỗi tab trên hình chứa một bộ công cụ các PMNM khác nhau cho cùng một mục đích.

Ngành điều tra bằng chứng số trong các nước phát triển là một ngành khoa học chặt chẽ, có các quy tắc nghề nghiệp riêng, cán bộ điều tra phải có chứng chỉ chuyên môn (xem chi tiết tại đây). Một ví dụ: sao chép dữ liệu từ vật chứng sang thiết bị khác sao cho dữ liệu không bị thay đổi đến từng bit bằng lệnh dd để có độ tin cậy trình trước tòa đã là một vấn đề hay rồi. (Dùng lệnh copy là không có giá trị!).

II. Linux dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu ÜberStudent.

ÜberStudent là bản Linux dựa trên Ubuntu, mạnh nhưng dễ dùng, cài sẵn nhiều phần mềm hỗ trợ sinh viên và các nhà nghiên cứu. Các đặc điểm chính (theo giới thiệu trên site) :

  • Tương thích với hầu như mọi loại máy tính thương hiệu cũ và mới.

  • Hỗ trợ đầy đủ multimedia.

  • Hướng dẫn chi tiết, có ví dụ dùng các phần mềm và các bản mẫu (templates) cho việc học của sinh viên.

  • Nhanh: boot nhanh, khởi động chương trình nhanh, tìm kiếm nhanh,…

  • Giao diện đẹp, có các hiệu ứng động.

  • và nhiều thứ nữa.

Một số phần mềm:

  • Zotero một extension của Firefox dùng tìm kiếm, lưu các nguồn trích dẫn, được cấu hình để làm việc với OpenOffice Writer.

  • Google Plus Search, một extension nữa của Firefox bổ xung tính năng tìm kiếm catalog thư viện, tạp chí,…

  • NoteCase Notes Manager, sổ tay ghi chép, tổ chức được các ghi chép theo hệ thống phân cấp dạng cây thư mục.

  • AutoKey, chương trình thiết lập các phím tắt để tăng năng suất gõ từ.

  • Semantik, công cụ tổ chức và quản lý suy nghĩ đặc biệt dành cho sinh viên.

  • Parley, hỗ trợ việc nhớ các nội dung về một chủ đề.

  • … và nhiều phần mềm khác.

Đối với Việt nam, bản Linux này có hai nhược điểm:

  • Dung lượng lớn: 2,8GB nên thời gian tải về lâu và phải ghi vào DVD.

  • Xây dựng dành cho môi trường, phong cách học của sinh viên nước ngoài nên chưa chắc đã có ích cho sinh viên Việt nam!!!

BAE Systems dùng MontaVista Linux điều khiển các hệ thống súng.

BAE Systems dùng MontaVista Linux điều khiển các hệ thống súng.

By Colin Holland Embedded.com

(01/21/10, 04:26:00 AM EST)

(Trong một post trước có nói rằng “ Linux là vua trong lĩnh vực các thiết bị nhúng ”. Các thiết bị (hoặc hệ thống) nhúng – embedded devices – là những thiết bị điện tử điều khiển bằng phần mềm trong các phương tiện vận tải, đồ dùng gia dụng (máy giặt, tủ lạnh, đồ chơi, điều hòa nhiệt độ, …), khí tài quân sự, … Dưới đây là một ví dụ).

LONDON — Hãng sản xuất vũ khí BAE Systems Bofors (Karlskoga, Sweden) đã chọn MontaVista Linux để điều khiển các hệ thống pháo mặt đất và pháo trên tàu chiến mới nhất của hãng. Việc chọn bộ phần mềm Linux nhúng thương mại này nhằm mục đích lập trình nhanh và có sự hỗ trợ dài hạn mà các ứng dụng quân sự yêu cầu.

Theo công ty MontaVista, khi BAE bắt đầu lựa chọn nền tảng phần mềm cho các hệ thống mới pháo mặt đất và pháo trên tàu của họ, họ xem xét cả các hệ điều hành thời gian thực (Real-time Operating System – RTOS) truyền thống và các giải pháp phần mềm nguồn mở như Linux.

Vì các hệ thống pháo mới dùng các bộ vi xử lý tiêu chuẩn, các phần cứng thương mại có sẵn và một số phần cứng riêng của hãng nên có rất nhiều phương án hệ điều hành và môi trường phát triển ứng dụng để chọn lựa. ( Hiện có gần 100 hệ điều hành thời gian thực, xem tại đây). Do bản chất sản phẩm, BAE cần một nền tảng tin cậy và có chất lượng cao nhất.

Cuối cùng BAE quyết định chọn Linux làm môi trường phát triển và dùng hệ điều hành MontaVista Linux Professional Edition. MontaVista nói họ được chọn vì chất lượng thương mại, sự hỗ trợ dài hạn và số các nền tảng phần cứng mà MontaVista Linux hỗ trợ. Chọn MontaVista, BAE có thể nhanh chóng nâng cao kỹ năng và tài năng đội chuyên gia Linux của họ và có cộng đồng Linux rộng lớn.

“ Các khách hàng quân sự cần hệ thống có chất lượng tốt nhất, hỗ trợ dài hạn. Đồng thời, BAE cũng cần một môi trường phát triển cho phép xây dựng nhanh các hệ thống mới thỏa mãn nhu cầu khách hàng,” Mikael Alfredsson, giám đốc thiết kế điện & điện tử của BAE nói. “Bằng cách chọn MontaVista chúng tôi có thể thực hiện các mục tiêu đó với một hệ điều hành nguồn mở chất lượng cao nhất, phát triển phần mềm nhanh và có sự hỗ trợ dài hạn từ các chuyên gia Linux.”

Chính phủ New Zealand bắt đầu thử Linux trên máy để bàn trong tháng hai.

Chính phủ New Zealand bắt đầu thử Linux trên máy để bàn trong tháng hai.

By Angus Kidman, ZDNet.com.au

21 January 2010 11:05 AM

Trong tháng 2/2010, ba cơ quan chính phủ New Zealand (Văn phòng Chính phủ, hội đồng vùng Horizons và cơ quan Bưu chính) bắt đầu dùng thử Linux và các phần mềm nguồn mở khác trên máy tính để bàn thay cho các phần mềm Windows hiện tại.

Tại hội nghị Linux 2010 Australia, Chủ tịch hội phần mềm nguồn mở New Zealand, Don Christie, tiết lộ còn có các kế hoạch thử nghiệm của các cơ quan chính phủ khác.

Trong khi nhiều cơ quan chính phủ New Zealand đã dùng PMNM trên các máy chủ, việc chuyển máy trạm còn ít mặc dù đã có chính sách khuyến khích dùng PMNM của chính phủ từ năm 2003.

“ Vấn đề của chính sách 2003 là nó chưa thừa nhận một thực tế có sự độc quyền phần mềm bao trùm, hành xử một cách thiếu cạnh tranh và đánh bạt mọi phương án khác,” Christie cho biết.

Sau khi hợp đồng dài hạn giữa chính phủ New Zealand và Microsoft kết thúc, từ tháng 8/2009 hội PMNM New Zealand bắt đầu dự án “ Public Sector Remix” nhắm thay đổi tình hình nói trên. Dự án đang xây dựng một bộ PMNM cho máy trạm có thể dùng được trong bất kỳ cơ quan chính phủ nào bằng cách bổ xung các gói phần mềm cần thiết.

“ Té ra là việc xác định một bộ PMNM tiêu chuẩn cho các cơ quan chính phủ rất đơn giản,” Christie nói. Bộ phần mềm tiêu chuẩn đó gồm hệ điều hành Ubuntu, trình duyệt Firefox, phần mềm văn phòng OpenOffice và phần mềm quản lý nội dung (Content Management System) Alfresco.

15 triệu người dùng bộ phần mềm cộng tác nguồn mở Open-Xchange

15 Million Now Using Open-Xchange Open Source Collaboration

( Cùng với Zimbra đã nói ở đây, tôi giới thiệu thêm bài này để biết rằng bên ngoài lũy tre làng Microsoft còn có những chân trời khác).

NUREMBERG, Germany, December 17, 2009 – Open-Xchange, nhà cung cấp hàng đầu phần mềm nguồn mở cộng tác doanh nghiệp đã đạt tới hơn 15 triệu người dùng trên toàn cầu – một tỷ lệ tăng trưởng 80% trong năm 2009.

( Open-Xchange là bộ phần mềm cộng tác nguồn mở, tương tự như Zimbra, Microsoft Exchange + Outlook, có các dịch vụ: thư điện tử, sổ địa chỉ, lịch, quản lý công việc, quản lý và chia sẻ tài liệu. Phần mềm client cũng là dạng web-based dùng công nghệ Web 2.0 như Zimbra. Điểm đặc biệt là rất dễ mở rộng do đó thích hợp cho các nhà cung cấp dịch vụ. Có thể tải về cài từ đây)

Kết quả trên có được nhờ các hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ dùng phần mềm (Software-as-a-Service, SaaS): Versatel (công ty viễn thông lớn thứ ba của Đức có 1,3 triệu tài khoản thư điện tử), Dotster (một trong những nhà quản lý tên miền lớn nhất thế giới có hàng trăm nghìn khách hàng), NameCheap (một trong những công ty hàng đầu về quản lý tên miền và cung cấp dịch vụ web hosting có 1 triệu domain), Nexen-Alterway Hosting (công ty hàng đầu của Pháp về web hosting nguồn mở) và NTS (một nhà phân phối hàng đầu ở thị trường châu Á). Trừ NTS – nhà phân phối đầu tiên bước vào thị trường dịch vụ dùng phần mềm ở châu Á – các công ty khác đã thay hệ thống webmail cũ của họ bằng Open-Xchange và bán các dịch vụ cộng tác, kết nối với thiết bị di động có trong Open-Xchange .

Bộ phần mềm này cũng đang được 3500 công ty và tổ chức khác trên toàn cầu sử dụng trong nội bộ, trong đó năm 2009 có thêm một ngân hàng bán lẻ lớn của Nhật và trường đại học Hospital Cologne của Đức.

Trong năm 2009, công ty bổ xung thêm một tính năng làm việc nhóm mới gọi là “Social OX”: tổ hợp các thư điện tử từ Google, Yahoo và các nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử khác vào các thư mục trong Open-Xchange và tự động bổ xung các địa chỉ quan hệ từ các mạng xã hội Facebook, LindedIn, Xing vào sổ địa chỉ của Open-Xchange.

Với chức năng OXtender for Business Mobility được bổ xung năm 2009, người dùng có thể nhận được push e-mail và đồng bộ sổ địa chỉ, lịch, các thông tin khác từ tài khoản Open-Xchange với các smartphones: Iphone, BlackBerry, Nokia, Windows Mobile, …

Vài ý kiến về một dự thảo thông tư của bộ Giáo dục

Một vài ý kiến về dự thảo

THÔNG TƯ

Quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở

trong các cơ sở giáo dục”

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa dự thảo “Thông tư Quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục” lên trang web của bộ để xin ý kiến đóng góp. Là một fan của PMNM tôi cũng mạo muội có vài ý kiến như sau (qua những thành công và thất bại của bản thân):

1- Thiếu một đường lối chỉ đạo chiến lược về ứng dụng PMNM (hoặc nó ở văn bản khác?). Ví dụ:“Trong ứng dụng phần mềm, dùng phối hợp PMNM và PMNĐ một cách hợp lý”. Hai cái này không loại trừ lẫn nhau, có thể vẫn phải dùng PMNĐ nếu nó có những tính năng người dùng thật sự cần mà PMNM chưa có. Ví dụ: đối với lớp cán bộ già hoặc trẻ nhưng IQ thấp, trước đây học Windows đã vô cùng vất vả và đến nay vẫn chưa thạo Windows thì không nên bắt chuyển đổi. Để họ dùng Windows là hợp lý.

2- Điều 4: Về mục đích sử dụng PMNM trong ngành giáo dục: Khuyến khích tìm hiểu và làm quen với một loại phần mềm mới, trong nhiều trường hợp thay thế được các phần mềm nguồn đóng với nhiều ưu điểm hơn để mở rộng khả năng lựa chọn. (Thay cho mục Tạo sự thích nghi …)
3- Điều 5: Danh mục PMNM: nên đưa Ubuntu vào. Tôi không phải fan của Ubuntu nhưng riêng về mặt mức độ phổ biến, nhiều người Việt đã có kinh nghiệm sử dụng, nhiều tài liệu tiếng Việt thì nên dùng. Và cũng nên dùng hẳn một hệ điều hành, ngành Giáo dục mới đi trước một bước so với yêu cầu chỉ dùng PMNM trên Windows hiện nay. Qua kinh nghiệm, Ubuntu hoàn toàn có thể dùng được trong công tác văn phòng.
4- Điều 7: để triển khai toàn quốc PMNM thì không chỉ cần có kho. Cần có:

    • Tại Cục CNTT: một đội ngũ mạnh về PMNM , soạn các hướng dẫn cài đặt sử dụng tiếng Việt, có webiste riêng để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ. Website này phải thực sự hiệu quả đối với các tỉnh, các trường. Có kế hoạch đào tạo để tiến tới hình thành đội ngũ trên ở các trung tâm vùng, tỉnh rồi đến từng trường.

    • Một kế hoạch hành động cụ thể , có các bước đi cân nhắc cẩn thận (tham khảo cái này). Ví dụ: việc dùng Ubuntu ban đầu các cán bộ chuyên trách về tin học phải dùng trước, sau đó mở rộng dần. .

    • Đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức . PMNM là gì, ai đang dùng nó, dùng vào những việc gì? ( tham khảo). Bác Q.T.Ngọc chắc chưa quên cái thời phải vất vả giải thích tin học là cái gì, dùng làm gì trước đây. Nhận thức về vai trò, tác dụng của PMNM hiện nay rất yếu, ngay cả trong đội ngũ fan của PMNM. Hình thức: qua website nói trên, qua các buổi nói chuyện (đặc biệt nên có các buổi nói chuyện riêng cho lãnh đạo các cấp), demo phần mềm tại các trường, qua báo chí của ngành, v.v…. Chỉ có nhận thức tốt mới có sự ủng hộ, niềm say mê, tin tưởng.

    5- Điều 11: do đội ngũ kỹ thuật về PMNM nói chung còn yếu và thiếu, việc tổ chức triển khai phải từ bộ, do bộ chỉ đạo cụ thể và chi tiết. (trừ những nơi có đội ngũ đủ mạnh). Phải có kinh phí triển khai: thuê ngoài (nếu có) hoặc cục CNTT làm dịch vụ có thu phí cho các cơ sở. Cục tổ chức được là tốt nhất (ít nhất là trong giai đoạn đầu). Chất lượng thuê ngoài rất phập phù và độ tin cậy thấp. Tối thiểu phải có một hướng dẫn chi tiết thì đơn vị mới triển khai được.
    6- Điều 15: không nên đặt tỷ lệ cứng cho chi triển khai. Chi phí dịch vụ này có thể kiểm soát được một cách tương đối.
    7- Điều 17: Tổ chức thực hiện: một số ý kiến về tổ chức thực hiện đã nêu ở trên. Đây là một cuộc cách mạng trong ứng dụng phần mềm. Vậy phải có:

      • Một “đảng” nòng cốt, có bộ tham mưu, có chân rết xuống từng “chi bộ”. (hệ thống các đội kỹ thuật từ bộ xuống cơ sở).

      • Có chiến lược, sách lược, kế hoạch hành động đúng. (nếu chỉ có thông tư này thì chưa đủ).

      • Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, “rải truyền đơn”.

      8- Vì thiếu đường lối chung như nói ở mục 1 nên phạm vi ứng dụng hơi rộng. Theo tinh thần thông tư thì ví dụ toàn bộ phải dùng OpenOffice. Nên để lại một vài bản Microsoft Office để giải quyết những trường hợp không tương thích.

      Cai nghiện nói chung (thuốc lá, rượu, ma túy, …) ai cũng biết là vô cùng khó khăn. Cai nghiện Windows số lượng lớn gần như là việc “đội đá vá trời” nhưng không phải là không làm được . Những người chủ trì công việc này phải nhận thức được điều đó.

      Vài ý kiến chân thành mong cho sự nghiệp chung phát triển. Vì chỉ được đọc Thông tư nên có thể một số điểm đã có trong các văn bản khác của bộ.

      Các tổ chức tài chính Autralia, New Zealand chuyển sang dùng Linux

      Aussie financial firms dump Unix, Windows for Linux on the mainframe

      By Pam Derringer, News Contributor

      10 Sep 2009 | SearchDataCenter.com

      CHICAGO — Tại cuộc họp thượng đỉnh của Red Hat mới đây ở Chicago, Kiến trúc sư trưởng các giải pháp Andrew Hardy đã giới thiệu ba trường hợp khách hàng là các tổ chức tài chính đã chuyển từ các hệ thống nhiều máy chủ Unix và Windows sang một vài máy chủ cỡ lớn (mainframe) IBM System Z chạy Red Hat Enterprise Linux.

      Năm 2007, công ty bảo hiểm lớn thứ tư của Úc Allianz Australia Insurance Ltd. đã dùng hết giới hạn 700 máy chủ Windows và thiết bị mạng của họ.

      Công ty quyết định bỏ các máy chủ Windows thay bằng hai máy mainframe IBM z10 chạy Red Hat Enterprise Linux 5.3 trên bộ xử lý Integrated Facility for Linux (IFL). IFL cho phép người dùng chạy Linux trên các máy tính lớn với chi phí thấp.

      Hệ thống mới đi vào hoạt động tháng 4/2007. Đội tin học của Allianz dùng mạng Red Hat Satellite và JBoss Operations để theo dõi và quản trị tập trung hệ điều hành và các ứng dụng, kể cả các máy ảo Java.

      Với hệ thống mới, Allianz chỉ cần 2 người quản lý thay cho 18 người quản lý các máy Windows. Kết quả: Allianz dự kiến mỗi năm tiết kiệm được 1 triệu USD chi phí phần cứng và hỗ trợ và giảm được 20% lượng khí thải carbon ( do giảm lượng tiêu thụ điện).

      Suncorp là một tổ chức tài chính khác của Úc chuyển đổi từ các phần mềm độc quyền (hệ điều hành IBM AIX và phần mềm BEA WebLogic) sang Red Hat Enterprise Linux và JBoss trên mainframe IBM z10. Suncorp cũng chuyển từ cơ sở dữ liệu Oracle sang cơ sở dữ liệu nguồn mở Postgres.

      “ Suncorp lo lắng vì Oracle đang trở thành một mối rủi ro. Ngoài ra họ cũng cần phải cắt giảm chi phí. Vì vậy họ chuyển toàn bộ sang nguồn mở” Hardy cho biết.

      Hệ thống hiện đã qua giai đoạn thử nghiệm và đang chuyển sang hoạt động thật.

      Ngân hàng New Zealand cũng đã thay 130 máy chủ phần lớn là máy Sun Sparc (chạy Unix) bằng hai máy mainframe IBM: một máy IBM z10 phục vụ hoạt động hàng ngày và một máy IBM z9 để dự phòng sự cố, dùng phần mềm ảo hóa zVM. Cả hai mainframe đều chạy hệ điều hành Red Hat Enterprise Linux trên các bộ xử lý IBM IFL.

      Theo Hardy, ngân hàng New Zealand hoàn thành việc chuyển đổi trong sáu tháng năm 2007, vượt trước kế hoạch. Hệ thống mới không chỉ đơn giản hơn, hiệu quả hơn mà còn giảm được 30% diện tích buồng máy, giảm lượng điện tiêu thụ 38%, giảm 39% khí thải carbon, tiến tới trung hòa về carbon (carbon neutral) vào năm tới ( không hiểu khái niệm này nghĩa là gì?)

      Các ví dụ chuyển sang mainframe thành công này có thể đủ hấp dẫn để các tổ chức IT khác xem xét đến phương án đó thay cho các hệ thống tính toán phân tán trên nhiều máy chủ hiện nay.

      Chuck Matern, một nhân viên IT của Home Depot nói các ví dụ trên “ đã thay đổi cách nhìn của tôi về giá trị của ảo hóa Linux trên các máy System z, đặc biệt là ý tưởng chạy file và print server trên mainframe. Tôi sẽ xem xét chúng”

      /home/zxc/DATA/Mydocuments/Dropbox/Bai viet blog/Các tổ chức tài chính Autstralia, New Zealand chuyển sang dùng Linux.odt Page2of2

      Quân đội Pháp về phe Mozilla trong cuộc chiến thư điện tử với Microsoft.

      Quân đội Pháp về phe Mozilla trong cuộc chiến thư điện tử với Microsoft.

      Hãng tin Reuters

      By Marie Mawad and David Lawsky Marie Mawad And David Lawsky

      Thu Dec 10, 4:57 am ET

      PARIS/SAN FRANCISCO (Reuters) – Một phần mềm thư điện tử cá nhân được Mozilla công bố tuần qua có chứa các mã từ một nguồn khác thường – quân đội Pháp – nơi cho rằng sản phẩm nguồn mở đó an toàn hơn sản phẩm cạnh tranh Outlook của Microsoft.

      Cách đây 6 năm, chính phủ Pháp bắt đầu tham dự vào phong trào phần mềm nguồn mở, một phong trào đã biến đổi nhiều phần mềm trên thế giới từ độc quyền thành phần mềm tự do.

      Quân đội Pháp đã chọn phần mềm nguồn mở sau một cuộc thảo luận nội bộ trong chính phủ bắt đầu từ năm 2003 và lên tới đỉnh điểm vào 6/11/2007 bằng một chỉ thị yêu cầu các cơ quan chính phủ “Tìm kiếm sự độc lập tối đa về công nghệ và thương mại” ( trong lĩnh vực phần mềm, tức là tránh không để bị trói buộc vào các phần mềm thương mại độc quyền)

      Các nhà quân sự thấy rằng thiết kế nguồn mở của Mozilla cho phép nước Pháp có thể bổ xung các tính năng an toàn (security extensions), trong khi phần mềm độc quyền, giữ kín mã nguồn của Microsoft không cho phép sửa đổi.

      “Chúng tôi bắt đầu bằng một dự án quân sự và nhanh chóng mở rộng nó,” trung tá Frederic Suel thuộc bộ Quốc phòng, một trong những người chịu trách nhiệm về dự án cho biết.

      Lực lượng Cảnh sát quốc gia, thời đó còn thuộc bộ Quốc phòng, đã thiết kế và công bố một số công trình của họ cho công chúng dưới tên “TrustedBird”, đứng chung tên Thunderbird với Mozilla.

      Quân đội Pháp đã sử dụng phần mềm thư điện tử Thunderbird của Mozilla (và trong một số trường hợp có bổ xung thêm phần bảo mật TrustedBird) trên 80,000 máy tính, mở rộng sang cả các bộ Tài chính, Nội vụ và Văn hóa.

      LINUX CŨNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN.

      Chính phủ Pháp đang bắt đầu chuyển sang các phần mềm nguồn mở khác: Linux thay cho Windows và OpenOffice thay cho Microsoft Office.

      Các nhóm lập trình phi lợi nhuận của các nhà lập trình tình nguyện đã làm phần lớn các chương trình nguồn mở như thế, bao gồm phần mềm máy chủ Samba, trình duyệt web Firefox nổi tiếng của Mozilla.

      Thunderbird 3 có dùng một số mã của dự án TrustedBird, đã được xây dựng bởi 1000 các nhà lập trình và người dùng khác trên toàn thế giới.

      “Thay đổi chính mà các nhà lập trình quân sự đã làm cho phép họ biết chắc chắn khi nào bức thư được đọc. Điều đó cực kỳ quan trọng trong các tổ chức chỉ huy và điều khiển,” David Ascher, giám đốc bộ phận thư điện tử của Mozilla cho biết.

      Nhờ thế, Thunderbird đủ tư cách tham gia vào hệ thống thư điện tử nội bộ của NATO và quân đội Pháp đã giới thiệu TrustedBird với NATO.

      Các nhà quân sự Pháp “đang giúp đỡ chúng tôi xây dựng một hệ thống các chuyên gia trên toàn cầu viết các phần mềm bổ xung (add-ons) chuyên biệt, nâng tầm nền tảng của chúng tôi thỏa mãn các yêu cầu của người dùng” Ascher cho biết.

      Kết quả là có một phần mềm thư điện tử tương thích với Yahoo Mail, GMail và các hệ thống thư điện tử khác và cạnh tranh được với Microsoft Outlook.

      Một số nhà quan sát cho rằng quyết định chuyển sang phần mềm nguồn mở góp phần cho công chúng Pháp thấy rằng chính phủ đang tìm cách tiết kiệm tiền ngân sách. Nhưng nhiều chuyên gia phần mềm nói phần mềm tự do cũng có chi phí của nó và nước Pháp biết điều đó.

      “Không bao giờ có sự miễn phí hoàn toàn,” đại tá Bruno Poirier-Countansais trong nhóm công nghệ thông tin của Cảnh sát Pháp nói.

      Phần mềm mới yêu cầu phải đào tạo lại các chuyên gia tin học và các công chức cũng phải học cách sử dụng.

      Poirier-Coutansais nói ban đầu có sự miễn cưỡng chấp nhận Thunderbird “vì cảm giác thiếu tin tưởng khi không có một công ty nổi tiếng hỗ trợ.”

      Microsoft có đội ngũ kỹ thuật viên hùng hậu ở Pháp trong một tòa nhà kính hiện đại gắn biểu tượng của công ty ở khu kinh doanh ngoại ô phía tây thủ đô, trong khi đó Mozilla chỉ có 10 nhân viên tại một tòa nhà chung cư xám xịt vô danh, cách xa khu doanh nghiệp của Pari.

      Tuy thế, chính phủ Pháp hiện nay đang hài lòng với kết quả thu được. Suel nói rằng họ có thể mở rộng ra ngoài phạm vi chính phủ vì tính năng an ninh của TrustedBird làm cho nó “có thể chuyển cho các công ty quốc tế lớn.”

      Nhưng có một chuyên gia ít tin tưởng hơn vào điều đó.

      “Thị trường phần mềm chuyên nghiệp đang tỏ ra kháng cự nhiều hơn với phần mềm nguồn mở,” Bernard-Louis Roques, giám đốc điều hành của Truffle Capital IT, một quỹ đầu tư chuyên vào phần mềm cho biết.

      Từ một bản chiến lược ICT bị lọt ra ngoài

      Từ một bản chiến lược ICT bị lọt ra ngoài.

      (Trên giấy tờ, Anh có vẻ là nước kiên quyết đưa PMNM vào ứng dụng nhất như đã nói ở đâyở đây. Tuy nhiên cuộc chiến vẫn đang tiếp tục).

      Chính phủ Anh (do đảng Lao động nắm giữ) đang chuẩn bị một bản chiến lược Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT – Information and Communication Technologies) cho hệ thống quản lý nhà nước trong thế kỷ 21. Bản dự thảo chưa được công bố nhưng đã lọt ra ngoài. Đảng Bảo thủ đối lập nắm ngay lấy cơ hội, thành lập website “ Make IT better” kể tội các chính phủ của đảng Lao động tiêu tốn tiền vào các dự án IT thất bại và công bố dự thảo chiến lược nói trên để mọi người góp ý, demo cho một cách làm chính sách mới.

      Trong website trên, đảng Bảo thủ cho rằng: “ Từ năm 1997, các bộ trưởng của đảng Lao động đã tiêu xấp xỉ 100 nghìn tỷ bảng Anh (nguyên văn £100 billion, 1 billion ở Mỹ là 10 9 – một tỷ, ở Anh là 10 12 – một nghìn tỷ, không hiểu ở đây dùng theo nghĩa nào?) vào các dự án tin học, nhiều hơn bất kỳ nước châu Âu nào khác. Một nghiên cứu gần đây kết luận rằng 70% các dự án tin học là thất bại – nghĩa là hàng chục nghìn tỷ bảng Anh lãng phí vào các hệ thống từ siêu máy tính NHS 20 nghìn tỷ tai họa cho đến hệ thống Home Office được quản lý rất tồi.

      Chúng tôi (đảng Bảo thủ) nghĩ có một cách tốt hơn. Không những có thể xây dựng một tầm nhìn về tin học quản lý nhà nước đổi mới hơn, nhiều tham vọng hơn và hiệu quả hơn, chúng tôi còn cho rằng có thể theo đuổi một cách làm chính sách hoàn toàn khác. Thay cho cách làm chính sách đóng kín (trong nội bộ chính phủ) mà bản báo cáo chiến lược này là một điển hình, chúng tôi muốn công khai hóa quá trình làm chính sách, cho phép mọi người đóng góp ý kiến chính sách nên như thế nào. Trong thời kỳ hậu-quan liêu hiện nay, chúng tôi tin rằng việc nhiều người tham gia hợp tác thiết kế sẽ giúp chúng tôi làm ra những chính sách tốt hơn – và điều đó nên được bắt đầu ngay từ bây giờ.

      Chính vì vậy mà trên website trên, đảng Bảo thủ công bố toàn văn dự thảo chiến lược ICT của đảng Lao động để “ chúng tôi muốn nghe ý kiến của các bạn và chúng tôi sẽ trả lời vài tuần sau đó”.

      Về mặt này (phương pháp làm chính sách mở), tư bản Anh già cỗi có vẻ chậm hơn “con rồng châu Á” Việt nam. Nghị quyết 71/2006/QH11 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 đều đã quy định phải đăng các dự thảo văn bản pháp luật lên website chính phủ để mọi người góp ý. Mặc dù có những chập chững khôi hài kiểu thế này, nhưng cũng có những cái như thế này đáng để xem.

      Đây chính là kiểu “chính trị nguồn mở” đã nói trong bài này.

      Dự thảo chiến lược nhận xét về tình hình hiện tại: “ Năm 2004, Chính phủ đã chính thức tuyên bố sẽ dùng phần mềm nguồn mở (PMNM) cho những dịch vụ hành chính công khi chúng có hiệu quả nhất (it gave the best value for money). Tuy nhiên có nhiều rào cản cho việc ứng dụng rộng rãi PMNM. PMNM và thị trường IT của nó còn chưa đủ độ chín, không có các sản phẩm đủ cạnh tranh để dễ dàng đưa vào các giải pháp tin học quản lý tổ chức.

      Các nhà cung cấp phần mềm thương mại (COTS – commercial of-the-shelf) thường không rõ ràng về hệ thống cung cấp và các điều khoản khi ký hợp đồng với Chính phủ và từ chối xem Chính phủ như một thực thể duy nhất (ví dụ: mỗi bộ là một khách hàng riêng biệt, giá tính như với một khách hàng mới và phần mềm không thể đưa từ bộ này sang bộ khác ). Điều đó làm cho việc so sánh với PMNM rất khó khăn. Ngoài ra, các cán bộ IT của Chính phủ có kỹ năng giới hạn (chỉ quen Windows chẳng hạn ) và thói quen tránh rủi ro (khi quyết định dùng PMNM lạ lẫm ) đã hạn chế việc chấp nhận PMNM và không tạo ra thách thức cho các nhà cung cấp về giải pháp công nghệ.”

      Để khắc phục những điều nói trên, chiến lược mới chủ trương: “ Chiến lược về Phần mềm Nguồn mở, Chuẩn mở và Tái sử dụng đã được công bố tháng 2/2009. Nó nói rằng Chính phủ sẽ tích cực và nghiêm chỉnh xem xét các giải pháp nguồn mở cùng với các giải pháp nguồn đóng khi quyết định trang bị phần mềm. Ngoài ra, trong những trường hợp có thể, Chính phủ sẽ tránh để bị trói buộc vào các phần mềm nguồn đóng. Đặc biệt, sẽ tính đến các chi phí từ bỏ phần mềm, mời thầu lại và xây dựng lại ứng dụng trong các quyết định mua phần mềm và sẽ yêu cầu các nhà thầu chào những phần mềm thương mại nêu rõ nếu đang dùng mà thôi không dùng nữa thì phải làm thế nào.

      Chiến lược bao gồm một kế hoạch hành động là một chương trình tích cực đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa PMNM và phần mềm thương mại. Nó cũng bao gồm những hành động đảm bảo là Chính phủ sẽ sử dụng các chuẩn mở trong các tiêu chuẩn kỹ thuật mua sắm và sẽ yêu cầu các giải pháp tuân theo chuẩn mở. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ dùng các chuẩn văn bản mở như ODF, PDF và OOXML. Trong đám mây điện toán Chính phủ (G-Cloud) sẽ có kho các ứng dụng quản lý nhà nước (Government Application Store, G-AS), kho này lưu các mã nguồn mở và các giải pháp đang dùng để có thể dùng lại cho toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước.

      Tất cả những điều nói trên mới chỉ trên lời nói. Có lẽ phải khoảng 5 năm nữa mới biết được thực tế như thế nào. Tuy nhiên nó cũng khẳng định một điều: xu thế dùng PMNM là không cưỡng lại được . Đối với nước ta, ứng dụng tin học còn thô sơ, năng suất lao động thấp, nhịp độ công việc chậm, đây là thời cơ ứng dụng PMNM càng sớm càng tốt. Nếu để chậm, cái giá phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều.

      Bộ Quốc phòng Mỹ đẩy mạnh việc dùng phần mềm nguồn mở

      BỘ QUỐC PHÒNG MỸ ĐẨY MẠNH VIỆC DÙNG PHẦN MỀM NGUỒN MỞ.

      Zxc232 tổng hợp từ Internet

      Ngày 16/10/2009, bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) phát hành công văn (official memo) “Giải thích làm rõ về Phần mềm Nguồn mở” . Với văn bản này, phần mềm nguồn mở có đủ điều kiện thực tế để được xem xét, mua sắm và sử dụng trong quân đội Mỹ bình đẳng như các phần mềm thương mại nguồn đóng khác.

      Năm 2003, bộ QP Mỹ đã có một công văn về “ Phần mềm Nguồn mở trong bộ Quốc phòng” hướng dẫn việc mua sắm, sử dụng và phát triển PMNM trong bộ. Tuy nhiên, như công văn mới nhận xét “ còn có những nhận thức sai, hiểu sai các luật lệ, chính sách, quy chế hiện hành về phần mềm và việc áp dụng vào PMNM do đó cản trở việc sử dụng và phát triển PMNM trong bộ”. Và công văn này sẽ giải thích rõ, chấm dứt các cản trở đó, như vậy PMNM mới có đủ điều kiện thực tế bước chân vào bộ QP. Từ nay trong quân đội Mỹ, PMNM phải được xem xét bình đẳng như các phần mềm nguồn đóng khác trong các vụ mua sắm, trang bị, xây dựng phần mềm.

      Điều này cũng giống như Việt nam, thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành không luật lệ nào áp dụng vào thực tế được.

      Một trong những điểm quan trọng là đánh giá về vai trò của PMNM trong bộ QP, công văn viết:” Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của mình, bộ QP phải phát triển và cập nhật khả năng phần mềm nhanh hơn bao giờ hết, dự kiến được các nguy cơ mới và đáp ứng được với các yêu cầu thay đổi liên tục. Việc sử dụng PMNM có thể tạo thuận lợi cho các vấn đề đó – To effectively achieve its missions, the Department of Defense must develop and update its software-based capabilities faster than ever, to anticipate new threats and respond to continuously changing requirements. The use of Open Source Software (OSS) can provide advantages in this regard…”

      Điểm (b) trong section 2, phụ lục 2 của công văn phân tích rõ các ưu điểm đã nói ở trên.

      Hiện nay, mặc dù còn những cản trở nói trên, bộ QP Mỹ đang dùng khá nhiều PMNM và cũng nguồn mở hóa hơn 1 triệu dòng lệnh phần mềm của mình cho công chúng (xem thêm tại đây , tại đây tại đây). Giám đốc một công ty tư vấn về PMNM cho chính phủ Mỹ đánh giá rằng khoảng từ 1/3 đến một nửa phần mềm của bộ QP hiện nay là PMNM.

      Việc quân đội Mỹ tích cực dùng PMNM như vậy chứng minh rằng về tính năng và bảo mật, PMNM có thể áp dụng trong bất cứ lĩnh vực nào.

      Không hiểu điều này đã đủ để thuyết phục các cấp lãnh đạo của Việt nam chưa?

      Website Nhà Trắng chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở

      Thoughts on the Whitehouse.gov switch to Drupal

      by Tim O’Reilly Zxc232 lược dịch

      Ngày hôm qua (24/10/09), bộ phận truyền thông mới của Nhà Trắng (phủ Tổng thống Mỹ) tuyên bố với hãng thông tấn AP rằng website whitehouse.gov giờ đã chuyển sang chạy trên nền Drupal, hệ quản trị nội dung nguồn mở. Drupal lại chạy trên nền bộ phần mềm nguồn mở LAMP gồm: hệ điều hành Red Hat Linux , phần mềm website Apache, hệ cơ sở dữ liệu MySQL và các ngôn ngữ lập trình Perl/PHP/Python. Công cụ tìm kiếm của website là Apache Solr.

      Đây là một chiến thắng lớn cho phần mềm nguồn mở ở cả hai mặt: Nhà Trắng chấp nhận dùng phần mềm nguồn mở và cũng chấp nhận cả phương thức phát triển phần mềm dựa trên cộng đồng ( các phần mềm nói trên sẽ tiếp tục được nâng cấp, phát triển bởi cộng đồng nguồn mở). Việc làm của Nhà Trắng sẽ là tấm gương cho các cơ quan chính phủ khác noi theo.

      Điều đáng để nói là lý do của việc chuyển đổi đó. Theo bài báo của AP thì:

      Các quan chức Nhà Trắng mô tả việc chuyển đổi này giống như xây lại móng nhà nhưng không thay đổi diện mạo mặt tiền. Nó sẽ làm cho website của Nhà Trắng an toàn hơn và điều đó cũng đúng cho các site khác của chính phủ trong tương lai ….

      Việc lập trình công cộng nghe thì có vẻ kém an toàn, nhưng thực ra là ngược lại, các chuyên gia trong và ngoài chính phủ khẳng định. Các nhà lập trình sẽ hợp tác cùng tìm lỗi và các lỗ hổng an ninh và do đó sản phẩm cuối cùng sẽ an toàn hơn.

      Macon Phillips, giám đốc truyền thông của Nhà Trắng nói với hãng AP rằng: “Chúng tôi bây giờ đã có một nền tảng công nghệ cho phép thu được nhiều ý kiến hơn trên site. Đó là một công nghệ tiên tiến nhất và chính phủ tham gia vào đó”.

      Một ví dụ: 60.000 người theo dõi bài phát biểu của Obama về chương trình bảo hiểm y tế trước lưỡng viện quốc hội. Một phần ba trong số đó đồng thời lên mạng để trao đổi với các quan chức chính phủ về bài phát biểu đó. Nhưng hồi đó công nghệ còn bị hạn chế (dùng công nghệ của Facebook).

      “ Chúng tôi muốn cải tiến các công cụ mà hàng nghìn người truy cập vào website Nhà Trắng dùng để nói chuyện với các quan chức” Phillips nói.

      Đây cũng là một khẳng định cho cam kết của Obama làm cho chính phủ cởi mở hơn và minh bạch hơn. Các trợ lý nói đùa rằng không còn gì minh bạch hơn là cho toàn thế giới biết mã nguồn của website

      Ngoài an ninh, Nhà Trắng cũng nhìn thấy cơ hội tăng tính linh hoạt của site. Drupal có một thư viện khổng lồ các module do người dùng đóng góp, nó sẽ giúp bổ xung các tính năng để site của Nhà Trắng có nhiều khả năng giao tiếp công cộng hơn từ việc chat online với số lượng lớn cho đến việc hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đó chính là việc thực hiện Công nghệ nền Chính phủ (Government as Platform) mà tôi đã nói. Khi ta xây dựng một nền móng linh hoạt, mở rộng được, những người khác sẽ bổ xung thêm các giá trị vào đó; khi sử dụng một nền móng như vậy, ta được lợi từ nhiều cái mà chính ta không làm.

      Tất nhiên không khó để hình dung việc dùng phần mềm nguồn mở sẽ tiết kiệm cho ngân sách IT của chính phủ. Tất cà những phần mềm nói trên đều có thể tải tự do về từ Internet. Nhưng tôi nghĩ là còn nhiều vấn đề hơn thế.

      Thứ nhất, chính phủ có rất nhiều yêu cầu đặc biệt (hãy nhớ lại sự ồn ào về cái điện thoại blackberry của Tổng thống Obama). Thứ hai, môi trường kinh doanh ở Washington rất phức tạp, chỉ có ít hãng phần mềm nguồn mở hiểu được nó. Thứ ba, một vụ khai triển IT lớn như thế yêu cầu phải phối hợp nhiều công ty. Theo trang techpresident.com, có không dưới năm công ty tham gia vào vụ chuyển đổi này: nhà thầu chính là General Dynamics Information Systems, hai công ty chuyên về Drupal là Phase 2Acquia, nhà cung cấp dịch vụ hosting Terremark, nhà cung cấp CDN ( Content Delivery Network) Akamai..