Các góc nhìn Cơ chế – chính sách phát triển – ứng dụng phần mềm nguồn mở tại Việt nam

Đối với mọi sự vật, hiện tượng, mỗi con người tùy theo hoàn cảnh, đặc điểm cá nhân đều có các góc nhìn khác nhau. Đó là điều bình thường nếu nó không ảnh hưởng đến công việc chung. Bài viết này điểm qua vài nét về quá trình phát triển của cơ chế-chính sách cho phát triển-ứng dụng phần mềm nguồn mở tại Việt nam và một vài góc nhìn cơ chế chính sách đó.

1- Điểm nhanh vài nét về cơ chế-chính sách

Nếu lấy mốc từ 2004, khi dự án tổng thể về Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008 ra đời cho đến nay, đã có nhiều cơ chế-chính sách dành cho PMNM. Ví dụ:

  • Quyết định số 235/2004/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tổng thể về Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008,

  • Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg quy định phải ” Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở”,
  • Quyết định số 08/2007 của Bộ TT-TT ban hành ngày 24/12/2007, những cơ quan, tổ chức khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sẽ phải ưu tiên ứng dụng các sản phẩm phần mềm nguồn mở
  • Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT “Về đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước”
  • Thông tư 41/2009/TT-BTTTT ban hành danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước
  • TCVN 7978:2009 Công nghệ thông tin. Định dạng tài liệu mở cho các ứng dụng văn phòng.
  • Thông tư số 19/2011/TT-BTTTT quy định việc áp dụng tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở trong việc đăng tải, trao đổi, lưu trữ thông tin số của cơ quan nhà nước.
  • Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng phê duyệt đề án “Đưa Việt nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông” có đoạn “Nhiều sản phẩm, giải pháp phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin của Nhà nước và doanh nghiệp do Việt Nam nghiên cứu, phát triển hoặc bản địa hóa từ các phần mềm tự do mã nguồn mở.” và “xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung trên cả nước về …. phần mềm nguồn mở,…
  • Gần đây nhất, dự thảo “Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2020” xác định phần mềm nguồn mở là một trong 6 trụ cột chính để phát triển.
  • v.v….

Chỉ qua một số nét điểm nhanh nói trên, có thể thấy PMNM đã có chỗ đứng vững chắc trong “môi trường chính sách” về công nghệ thông tin Việt nam và vai trò của nó ngày càng tăng lên.

2- Các góc nhìn khác nhau

So sánh với thực tế phát triển, ứng dụng PMNM trong thời gian qua, các fan của PMNM có thể có vài góc nhìn khác nhau về môi trường chính sách cho PMNM nói trên và về thực tế triển khai:

a/ Trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống nhà nước:

Triển khai PMNM hiện nay là một loại công việc “đội đá, vá trời”, rủi ro rất lớn do khả năng thành công thấp, đối mặt với một đám con nghiện Windows đông đảo, với tâm lý ngại thay đổi, ngại phải học cái mới, mất cơ hội dùng máy tính cơ quan để làm việc cá nhân (chơi game, cài thêm phần mềm làm việc riêng,…tỷ lệ này không nhỏ trong các cơ quan nhà nước), sẵn sàng tim mọi lý do, kể cả vô lý nhất để bài xích.

Những người chủ trương, ủng hộ, trực tiếp soạn thảo, ban hành các chính sách đó phải đấu tranh rất khó khăn, chỉ có niềm tin dựa trên nhận thức và thực tiễn nước ngoài, chưa có các thành công trong nước ủng hộ. Trong môi trường quản lý nhà nước, để ủng hộ một cái mới còn tù mù như vậy, họ phải đối diện với nhiều lời ong, tiếng ve, áp lực lobby từ các công ty phần mềm nguồn đóng hùng mạnh và có thể nói thậm chí đã đánh cược sinh mệnh chính trị của mình vào đó.

Cho nên, mỗi bước tiến dù chỉ trên giấy cũng rất đáng trân trọng.

Những người chịu trách nhiệm triển khai PMNM và những người yêu thích PMNM sẽ thấy mỗi một chính sách mới là một nguồn động viên, một chỗ dựa pháp lý, một lý do hợp pháp để đẩy mạnh công việc của mình. Mặc dù vậy, những người chịu trách nhiệm triển khai cũng phải chịu một áp lực rất lớn. Cũng như việc soạn thảo ban hành chính sách, tích cực triển khai PMNM trong các cơ quan nhà nước là đánh cược con đường thăng tiến của mình trong một môi trường vô cùng phức tạp và đầy nguy hiểm. Trần tục, thực tế nhất là mất cả những khoản lại quả không nhỏ khi mua phần mềm nguồn đóng!

Cho nên, những bước đi nhiều khi lắt léo, ngập ngừng của họ là điều dễ hiểu và thông cảm được. Và mỗi bước tiến, dù chỉ trên lời nói, cũng đáng trân trọng.

Ở đây chỉ muốn nói đến nhứng người thực tâm tin tưởng, ủng hộ PMNM. Còn các đối tượng “làm” PMNM vì các mục đích, động cơ khác thì ở đâu cũng có và không cần bàn đến họ.

Hô hào, ủng hộ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đỡ mạo hiểm hơn ủng hộ PMNM rất nhiều!

b/ Trong các cá nhân, tổ chức ủng hộ PMNM ngoài hệ thống nhà nước:

Do thực tế từ chủ trương đến thực hiện chậm, tâm lý chung của các đối tượng này là sốt ruột, hoài nghi, bi quan, chê bai. Thậm chí không ủng hộ, không tham gia từng bước tiến nhỏ trong cơ quan nhà nước, đợi xem có làm thật không mới tham gia!

Điều này thực ra cũng không có gì đáng trách. Xuất phát điểm khác nhau, môi trường khác nhau sẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động khác nhau trong mọi lĩnh vực không riêng gì PMNM. Tấm gương bộ trưởng Thăng đang từ môi trường làm vua một cõi, tiền tiêu như nước, quân cán răm rắp nghe lời sang môi trường làm quan trong triều, va vấp đủ thứ không đáng có là một ví dụ.

Nhà nước hiện vẫn là động lực chính, thị trường chính cho PMNM. Hiểu được cả cái hay cái dở của họ, phê bình những cái khả thi sửa được, ủng hộ mọi bước tiến nhỏ thì sự nghiệp chung mới tiến lên được.

Đứng ở ngoài, họ làm được thì mình có lợi, không làm được hầu như mình chẳng mất gì. Nhưng người trong cuộc thì phải trả giá nhiều khi không nhỏ.

Trước đây tôi có một thời gian làm B, tự cho rằng mình rất hiểu tâm lý bên A. Đến khi làm A mới ngộ ra rằng còn rất nhiều điều chưa hiểu. Thậm chí có những người tưởng như tội phạm, ở trong cuộc mới biết họ là nạn nhân.

Cũng chỉ là lời nói, nhưng một lời ủng hộ từ bên ngoài, nhất là có trọng lượng và phát biểu một cách khôn ngoan cũng hỗ trợ những người trong cuộc rất nhiều. Và nếu có phê phán, chỉ nên nói cái khả thi, sửa được, đừng nói những cái “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Và giả sử bây giờ có một việc làm thật thì sản phẩm yếu, người thiếu, tổ chức lỏng lẻo, kỹ năng, kinh nghiệm triển khai non. Những người ra quyết định, ký hợp đồng dựa vào lực lượng như thế sẽ lao đao như tôi đã từng bị khi dựa vào một công ty tin học hàng đầu trong nước!

Phải nói những điều này vì đã từng là người trong hệ thống nhà nước, đã triển khai được đôi chút về PMNM và chịu trả giá không nhỏ, cá nhân tôi thấy môi trường chính sách về PMNM (và cả những cố gắng triển khai) thời gian qua có những bước tiến liên tục mạnh dạn rất đáng ghi nhận. Nhưng trên báo chí, hội thảo phần lớn là kêu ca, chê trách, đòi hỏi và ít có những đóng góp thiết thực, những ghi nhận về những gì đã làm được.

Triển khai ứng dụng PMNM ngay cả ở hệ thống quản lý nhà nước Anh, Đức cũng không hề đơn giản. Giá như có người nào (mr. LT Nghĩa?) chịu tìm kiếm tài liệu, so sánh con đường đã qua của nước ngoài và chúng ta để đánh giá một cách khách quan và có cơ sở hơn thì hay quá.

Lớp trẻ bây giờ chắc không thể nào hình dung nổi cuối những năm 80 đầu 90 việc khó khăn nhất khi “làm tin học” là thuyết trình cho các cấp lãnh đạo hiểu tin học là cái gì, lợi ích ra sao, sau đó mới mua bán máy tính, phần mềm được!

Bây giờ PMNM đang ở giai đoạn tương tự. Giải thích Ubuntu cũng làm được như Windows, nhưng không thể bắt chúng giống hệt nhau được còn khó hơn lên trời. Hy vọng là sau đây chưa đến 10 năm tình hình sẽ khác hẳn.

Bình luận về bài viết này