Về chủ trương xây dựng hệ điều hành nguồn mở Việt nam.

Về chủ trương xây dựng hệ điều hành nguồn mở Việt nam.

Vừa qua, báo điện tử ICTNews có đăng bài “Việt nam khó xây dựng hệ điều hành nguồn mở” viết về cuộc họp góp ý cho Dự thảo Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo) ngày 21/12/2011.

Các ý kiến dưới đây căn cứ vào nội dung bài báo trên với giả thiết báo đưa tin đúng, các đoạn trích dùng chữ nghiêng, những chữ nghiêng, đậm là tôi nhấn mạnh.

Đây là chiến lược quốc gia dài hạn về Khoa học Công nghệ (cả Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội). Có 5 nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực Công nghệ và Kỹ thuật, nhiệm vụ thứ 3 là:

Nghiên cứu, xây dựng hệ điều hành cho máy tính và các thiết bị di động trên nền tảng phần mềm nguồn mở;”

Chủ trương này có lẽ bắt nguồn từ nhiệm vụ thứ 2:

Đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT, …

Không rõ bản thuyết trình cho chiến lược nói gì để dẫn đến ý kiến tiêu cực của thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng như nêu trong báo, nhưng trước hết phải xác định lý do, mục tiêu xây dựng hệ điều hành để làm gì? Tại sao không dùng các hệ điều hành (cả nguồn đóng và nguồn mở) có sẵn? Có thể nêu mấy lý do sau:

  1. Hệ điều hành là một phần tử rất quan trọng trong các hệ thống thông tin, điều khiển, quản lý, an ninh, quốc phòng,… vĩ mô (ví dụ hệ thống vận hành, điều độ mạng lưới điện quốc gia). Vì vậy việc làm chủ được nó ở mức độ nhất định và tiến tới làm chủ hoàn toàn là rất cần thiết và khả thi.
  2. Việc sử dụng và làm chủ được hệ điều hành nói riêng và phần mềm nguồn mở (PMNM) nói chung giúp tự chủ về công nghệ, không phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là vấn đề độc lập, tự chủ của một đất nước về một thành phần tối quan trọng trong thời đại Internet hiện nay. Nói một cách thô thiển, các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài không thể dựa vào thế độc quyền của họ để gây áp lực, thậm chí bắt bí chính phủ như thực tế đã từng xảy ra (xem).
  3. Có hệ điều hành riêng (và phần mềm nguồn mở nói chung) giúp đảm bảo an ninh, bảo mật cho các hệ thống quan trọng và nhạy cảm. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Như nhiều bài viết trong chuyên mục An ninh, bảo mật của blog này đã giới thiệu, dùng phần mềm nguồn đóng không có cách nào kiểm tra được trong phần mềm (kể cả các phần mềm nguồn mở đã dịch ra mã thực thi) có các quả bom hẹn giờ, các cổng hậu (backdoor) cài sẵn hay không? Các cường quốc có ý thức về việc này. Họ có thể đàm phán bí mật với các nhà cung cấp phần mềm để đặt cổng hậu (xem), thậm chí thuê người viết mã độc cài vào Unix (xem).
  4. Thực tế, các chính phủ nước ngoài (ví dụ xem), thậm chí các bộ (ví dụ xem) đã tiến hành xây dựng hệ điều hành riêng của họ.

Tóm lại chỉ cần hai lý do chung: làm chủ về công nghệđảm bảo an ninh bảo mật cho các hệ thống quan trọng thì việc xây dựng hệ điều hành riêng không những cần thiết mà còn cấp bách.

Tôi đã từng nghe có ý kiến ngày xưa, Mỹ muốn phá các nhà máy điện phải đưa máy bay sang tận nơi ném bom. Còn bây giờ thì chỉ cần một cú Enter từ xa có thể làm sập cả hệ thống điện, không biết có đúng như vậy không? Nhưng việc xuất hiện của sâu Stutnex gần đây cho thấy nguy hiểm đó là có thật.

Từ đó, mục tiêu và phạm vi ứng dụng đầu tiên của hệ điều hành riêng là các hệ thống quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng, sau đó mới là hệ điều hành nói chung dùng cho đại chúng.

Vì vậy, ý kiến của thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng:

  • mặc dù thừa nhậnTrên thế giới, đã có nhiều nước nghiên cứu và chứng minh rằng hệ điều hành nguồn mở cho máy tính có thể đáp ứng được yêu cầu.
  • nhưng nêu lý doTuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ người sử dụng vẫn còn thấp do vẫn còn tâm lý e ngại.,
  • từ đó đề nghịNên cân nhắc khi đưa việc xây dựng hệ điều hành máy tính trên nền nguồn mở thành nhiệm vụ trọng tâm của khoa học công nghệ quốc giaViệt Nam nên tập trung vào việc nghiên cứu xây dựng hệ điều hành cho các thiết bị di động thì sẽ hiệu quả, khả thi hơn.

là không ổn về nhiều mặt.

  1. Nói người dùng e ngại về tâm lý nên ít sử dụng PMNM là không chính xác. PMNM đại chúng mới trưởng thành trong ít năm gần đây và các chính phủ, các bộ nước ngoài đang có những bước tiến rất mạnh để áp dụng như chuyên mục Vấn đề phần mềm nguồn mở trên blog này đã giới thiệu. Lực cản không chỉ do thói quen, tâm lý người dùng mà còn do các hoạt động lobby hậu trường dựa trên các khoản tiền đóng góp rất lớn của các đại công ty nguồn đóng (xem12). PMNM trên các máy chủ đã được dùng từ rất lâu (trước khi Microsoft viết các loại server) và chiếm tỷ trọng lớn trong các máy chủ Internet, siêu máy tính. (ví dụ xem xem, chọn Stats type = Operating System Family). Chủ nhân các máy chủ không hề e ngại PMNM.
  2. Nếu xác định rõ mục tiêu và phạm vi ứng dụng hệ điều hành riêng là từng bước làm chủ về công nghệ và đảm bảo an ninh, bảo mật cho các hệ thống quan trọng của quốc gia (không rõ chiến lược có xác định như vậy không hay chỉ nói hệ điều hành chung chung) thì những người tham gia vào các hệ thống đó bắt buộc phải sử dụng, vì sự an toàn và bảo mật của hệ thống, không có chuyện e ngại.
  3. Ý cuối cùng của ông Hồng đã trích ở trên còn gián tiếp cho rằng việc xây dựng hệ điều hành nguồn mở là kém hiệu quả và kém khả thi hơn việc xây dựng hệ điều hành cho các thiết bị di động. Nếu xác định đúng mục tiêu của hệ điều hành như nói ở trên thì hiệu quả là rõ ràng. Đây là hiệu quả ở tầm vĩ mô, an ninh quốc phòng, không phải hiệu quả kinh tế như hàm ý trong lời phát biểu. Về tính khả thi sẽ nói ở phần dưới.

Tóm lại, ông Hồng cho rằng không nên xây dựng hệ điều hành nguồn mở vì a/ tâm lý e ngại của người dùng, b/không khả thi và c/không hiệu quả kinh tế. Đây là những lý do khá lạ của một vị thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông.

Tính khả thi của việc xây dựng hệ điều hành phải căn cứ vào: a/Mục tiêu phải đạt, b/Các mức độ “riêng”, các giai đoạn “làm chủ về công nghệ” khi xây dựng hệ điều hành này và c/Cách xây dựng, phát triển một phần mềm nguồn mở.

Xây dựng một hệ điều hành nguồn mở nói riêng và phần mềm nguồn mở nói chung không có nghĩa là viết lệnh toàn bộ phần mềm từ A đến Z. Phần mềm nguồn mở tương tự như một kho đồ chơi Lego, gồm rất nhiều bộ phận chế tạo sẵn mà mỗi người có thể tự do tạo ra để góp vào kho chung và tự do lấy về lắp ghép theo ý mình.

Vì vậy, nói hệ điều hành Việt nam không có nghĩa là ta phải tự viết từ A đến Z. Các nước khác cũng vậy. Đây cũng là chuyện bình thường như các sản phẩm khác, made in Vietnam nhưng hầu như chỉ lắp ráp.

Các gói phần mềm bộ phận (thực hiện một vài tính năng nhất định) cũng như các phần mềm hoàn chỉnh nguồn mở bao giờ cũng được công bố công khai trên Internet theo hai dạng: mã nguồn và mã thực thi.

Đọc mã nguồn hiện rõ từng dòng lệnh, bạn sẽ hiểu được ý đồ, công nghệ mà tác giả sử dụng trong phần mềm. Đó là cơ sở để làm chủ, nhận chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ mà nhiệm vụ thứ 2 của chiến lược đã đặt ra. Phần mềm nguồn đóng không công bố mã nguồn để giữ bí mật thương mại, bạn chỉ có thể làm chủ việc sử dụng nó, không thể nắm rõ được công nghệ bên trong đến từng dòng lệnh như với PMNM.

Về an ninh, bảo mật, nếu bạn tin tưởng vào các tác giả, bạn có thể lấy các phần mềm đã dịch ra mã thực thi về dùng ngay. Còn nếu không tin, muốn đảm bảo chắc chắn là không có mã độc cài sẵn thì có hai cách:

  • Lấy mã nguồn đã công bố, tự dịch ra mã thực thi để dùng mà không cần (hoặc không đủ năng lực) kiểm soát mã nguồn. Niềm tin ở đây đặt vào việc mã nguồn đã để công khai trên Internet, bị hàng nghìn cặp mắt soi mói, kiểm tra thì tác giả không dám và không thể chèn mã độc vào trong đó.
  • Nếu có đủ khả năng và lực lượng, bạn có thể “soi’ từng dòng lệnh trong mã nguồn trước khi dịch ra mã thực thi. Cách này đảm bảo chắc chắn, tin cậy nhất.
  • Cao hơn nữa, nếu đủ trình độ, bạn có thể sửa mã nguồn theo ý mình để biến nó thành một pháo đài kiên cố.

Trên cơ sở những thông tin trên, việc xây dựng hệ điều hành nguồn mở Việt nam có thể thực hiện như sau để vừa đảm bảo mục tiêu vừa có tính khả thi:

1- Hệ điều hành an toàn, bảo mật dùng cho các hệ thống quan trọng:

Giai đoạn đầu, lấy mã nguồn của một hệ điều hành có sẵn được chọn, chỉ “soi” những phần có liên quan đến an ninh bảo mật và an toàn dữ liệu, sau đó dịch ra mã thực thi để dùng. Tùy theo năng lực đội ngũ tin học tập hợp được mà soi nhiều hay ít. Còn lại thì tin tưởng vào việc mã nguồn đó đã được cộng đồng nguồn mở toàn thế giới soi rồi.

Hệ điều hành làm theo kiểu nói trên chắc chắn là yên tâm hơn một hệ điều hành nguồn đóng hoặc hệ điều hành nguồn mở đã dịch sẵn.

Các giai đoạn sau thì tùy theo sự phát triển của đội ngũ mà nâng dần yêu cầu lên. Cao nhất có lẽ là xây dựng một hệ điều hành từ đầu theo hướng dẫn ở đây.

2- Hệ điều hành phổ thông

Như trên đã nói, việc đẩy mạnh ứng dụng PMNM không chỉ do các lợi ích kinh tế/kỹ thuật mà nó mang lại. Nó còn giúp đảm bảo tư thế độc lập tự chủ của đất nước trước những con khủng long phần mềm nước ngoài. Để phổ biến PMNM cần có một hệ điều hành chuẩn quốc gia cho đại chúng (giáo dục, y tế, hành chính, …) do nhà nước đứng ra xây dựng, phổ biến, hỗ trợ:

  • Hệ điều hành này không cần các tiêu chuẩn an ninh, bảo mật nghiêm ngặt như trên nhưng được Việt hóa tốt, có bộ gõ tiếng Việt tin cậy, dễ dùng cài sẵn, tập hợp các phần mềm ứng dụng chuẩn. Cài đặt đơn giản đến mức tối đa.
  • Ổn định, tin cậy và được hỗ trợ cập nhật trong vài năm, đủ thời gian cho người sử dụng làm quen và thành thạo. Đây là hệ để dùng, không chạy theo thử nghiệm những cái mới.
  • Có sự hỗ trợ ở tầm quốc gia: tài liệu hướng dẫn tiếng Việt, một đội ngũ phát triển, hỗ trợ người dùng ăn lương, một website chính thức với các thông tin và diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, v.v….

Điều này hoàn toàn khả thi (chọn một hệ có sẵn, Việt hóa, tích hợp thêm rồi tạo bản cài đặt) và có lẽ cũng không tốn nhiều tiền. Nhưng sự đóng góp của nó cho việc ứng dụng PMNM rất to lớn. Tránh tình trạng như hiện nay, mỗi nơi dùng một kiểu.

Tác dụng của một hệ điều hành quốc gia phổ thông, dùng thống nhất chung trong cả nước, được hỗ trợ đầy đủ và chính quy là rất to lớn về mặt kỹ thuật và phổ biến PMNM, tránh được “tâm lý e ngại”. Nhưng cái được lớn hơn: nó là chỗ dựa, đối trọng, thế đứng của Việt nam  trong những cuộc đàm phán mua bản quyền sử dụng với các công ty phần mềm nước ngoài.

3- Về kinh phí

Có những thông tin cho biết Nga định xây dựng một hệ điều hành của riêng mình với kinh phí 3,3 tỷ đô la trong 10 năm (xem). Ở tầm vóc một cường quốc, yêu cầu họ đặt ra chắc là rất cao, chi phí cũng cao nên mới đắt như vậy. Liệu cơm, gắp mắm, chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu, yêu cầu khiêm tốn hơn mà vẫn đạt mục đích.

Nếu muốn phân tích hiệu quả kinh tế/kỹ thuật của PMNM, chính phủ phải ban hành những bộ công cụ như thế này, dựa trên những kết quả nghiên cứu như ở đây, không thể nói khơi khơi được.

KẾT LUẬN:

Việc xây dựng một hệ điều hành Việt nam theo cách đã trình bày ở trên là rất cần thiết, cấp bách, khả thi và có hiệu quả cao về nhiều phương diện.

Ý kiến của thứ trưởng Hồng có thể là do: a/hiểu biết cá nhân chưa đủ, b/tham mưu chưa tốt, c/bản chiến lược nói không rõ ràng, giải trình không đủ.

Có ai dám chịu trách nhiệm nếu sau này một hệ thống quan trọng bị phá hủy vì một quả bom hẹn giờ cài sẵn trong một hệ điều hành nguồn đóng? Hoặc các đế chế phần mềm nước ngoài đột ngột gây áp lực về bản quyền gây xáo trộn về kinh tế như vừa mới xảy ra (xem)?

Dù sau này, chủ trương trên có được chấp nhận hay không, cũng phải ghi nhận PMNM có được chỗ đứng vững chắc trong nhận thức của một số cán bộ bộ Khoa học và Công nghệ. Và nếu nó được chấp nhận tức là đã có một “môi trường chính sách” tốt về PMNM (cùng với nhiều văn bản khác về PMNM đã ban hành).

Tất nhiên từ chủ trương đến thực hiện có một khoảng cách lớn. Không nên đặt quá nhiều hy vọng.

Là một người ủng hộ nhiệt tình PMNM, tôi cũng chỉ dừng ở mức sử dụng, chưa từng “xây dựng” một hệ điều hành bao giờ nhưng cũng có chút kinh nghiệm triển khai ứng dụng PMNM và phải trả giá không nhỏ. Những ý kiến nông cạn nói trên dựa trên những hiểu biết và thông tin hạn chế có được mong đóng góp vào sự nghiệp chung. Rất mong được lắng nghe, phê bình, chỉ giáo.

3 thoughts on “Về chủ trương xây dựng hệ điều hành nguồn mở Việt nam.

  1. Bài viết rất hay, từ khi bắt đầu biết về nguồn mở thì tôi dường nhử đã nhìn ra một con đường rồi nhưng mà còn chưa diễn đạt được thôi.
    Cám ơn ZXC232 đã khơi thông suy nghĩ của tôi !

  2. em thấy là cần thiết phải xây hệ điều hành mới, nhưng ko cần phải xây lại hoàn toàn trước hết là tận dụng sức mạnh của bản phân phối nào đó chẳn hạn ubuntu rồi sau đó tính tiếp

  3. Lâu rồi có nghe cụ Wangji kể là cô con gái của cụ, làm việc trong ngành gì mà phải mua cái xốp-oe giá trên năm chục ngàn đô, mỗi lần xài phải điền tới 2 lần mật khẩu. Chắc là ý kiến ngại dùng PMNM là để dọn bãi cho cái thú chơi đồ xịn như trên kia chăng? Càng mắc tiền thì càng được tiêu tiền, càng được khoái tỉ.

Bình luận về bài viết này