Viettel bỏ túi 24 tỷ đồng nhờ phần mềm nguồn mở

Viettel bỏ túi 24 tỷ đồng nhờ phần mềm nguồn mở

ICTnews – Từ tháng 7/2009 đến nay, Viettel đã chuyển sang dùng phần mềm nguồn mở (PMNM) cho hơn 2.200 máy tính và nhờ đó đã tiết kiệm được gần 24 tỷ đồng chi phí mua bản quyền phần mềm nguồn đóng.

Cụ thể, hơn 2.200 máy tính đã được cài đặt hệ điều hành và phần mềm nguồn mở là những máy tính của gần 700 cửa hàng đa dịch vụ Viettel và trên 100 bưu cục của Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) trên toàn quốc. Các máy tính được cài đặt hệ điều hành nguồn mở Ubuntu để thay thế hệ điều hành Windows và phần mềm ứng dụng văn phòng Open Offfice thay cho ứng dụng văn phòng Microsoft Office, bộ gõ tiếng Việt Scim-Unikey và X-Unikey thay thế bộ gõ Vietkey và Unikey, phần mềm nhận thư điện tử Mozzila ThunderBird thay thế Outlook Express và MS Outlook…

Theo tính toán của Viettel, thông qua triển khai ứng dụng PMNM cho trên 2.200 máy tính, tập đoàn này đã tiết kiệm được gần 24 tỷ đồng so với việc mua hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office với giá khoảng 600 USD/máy. Dự kiến, trong thời gian tới Viettel sẽ tiếp tục triển khai cài đặt hệ điều hành và PMNM thêm cho máy tính lắp đặt mới trong toàn tập đoàn.

Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, triển khai ứng dụng nguồn mở thành công tại Viettel không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu cách cài đặt và sử dụng ứng dụng, mà các kỹ sư CNTT của Viettel đã nghiên cứu chỉnh sửa, tuỳ biến nhằm đưa việc sử dụng phần mềm trở nên đơn giản hoá, tối ưu hoá, cũng như tạo sự ổn định và tương thích với các phần mềm nội bộ của Viettel.

“Triển khai hệ điều hành và phần mềm nguồn mở là một chiến lược quan trọng của tập đoàn Viettel trước hết nhằm tiết kiệm chi phí và tránh được các vi phạm bản quyền thương mại. Không những thế, sử dụng các ứng dụng nguồn mở mang lại môi trường làm việc có tính ổn định, an toàn và thuận tiện trong việc quản lý công việc, nâng cao năng suất lao động. Sử dụng hệ điều hành và phần mềm nguồn mở thay thế cho hệ điều hành và phần mềm thương mại đang là một xu thế ngày càng phổ biến trên thế giới”, đại diện Viettel nhấn mạnh.

M.T (nguồn ICTnews)

Lời bình: Sau khi Viettlel ra đời được một thời gian, tôi đã rất ấn tượng với cách kinh doanh của họ. Cùng xuất phát với Viễn thông Điện lực, lợi thế hạ tầng và vốn có lẽ cũng xấp xỉ như nhau, hoàn cảnh thị trường như nhau, nhưng Viettel đã nhanh chóng vươn lên, ép được VNPT hạ giá và người dùng được lợi rất nhiều. Dùng ADSL của Viettel, tôi rất ngạc nhiên với phong cách support chuyên nghiệp mỗi lần báo lỗi.

Số tiền tiết kiệm 24 tỷ có lẽ không phải nhiều so với doanh thu và lợi nhuận khổng lồ của Viettel. Nhưng đặt PMNM thành một chiến lược quan trọng và cách triển khai từng bước hợp lý như trên không phải đơn vị lớn nào cũng làm được. Nó cũng chứng tỏ thêm là Viettel đang được lãnh đạo tốt, có tầm nhìn xa và thực tiễn, kinh doanh thực chứ không làm chính trị bằng kinh doanh.

Ngay bộ Thông tin – Truyền thông và bộ Giáo dục đào tạo, hai đơn vị đang đi đầu về ứng dụng PMNM hiện nay, ngoài một số chỉ thị thông tư chưa cho thấy cách tổ chức và bước đi hợp lý là điều đáng ngại.

Triển khai trước cho Bưu chính là hợp lý vì đấy là nơi dễ chuyển đổi nhất, bưu chính các nước cũng dùng PMNM nhiều (xem ở đây). Chỉnh sửa, tùy biến phần mềm, nhất là có một hệ Linux đầy đủ (2 đĩa CD là tốt nhất), cài nhanh, hỗ trợ tiếng Việt tốt là điều tôi rất mong mỏi (xem ở đâyở đây).

Tuy nhiên gần đây Viettel công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh sang khá nhiều nước. Đấy lại là điều đáng lo ngại. Chân móng chưa thật vững và đủ tầm vươn xa (nhất là về đội ngũ quản lý) mà mở rộng quá đà rất nguy hiểm như tôi đã từng chứng kiến.

Cập nhật 18/4: Thêm thông tin nữa tại đây.

5 thoughts on “Viettel bỏ túi 24 tỷ đồng nhờ phần mềm nguồn mở

  1. Mở rộng kinh doanh sang khá nhiều nước là đúng đài rồi. Dù gì thì gì, đồng tiền nó cũng phải bò qua bò lại, bò ngang bò dọc . . .
    Có vậy mới gọi là tiền TỆ.
    Nhưng họ bò kệ họ. Cứ nói chuyện PMNM thôi là zui rồi.

  2. Em thấy lạ tại sao Viettel quyết định sử dụng PMNM vào thời điểm này, lại còn sử dụng Ubuntu nữa chứ: U mới nhất là 9.10 lỗi lung tung, phiên LTS rất ổn định thì cuối tháng này mới có => nếu để ổn định thì chả lẽ các máy tính đc cài là U 8.04.4 LTS ???? Em đoán cái này là do sợ bị thanh tra rờ tới vụ bản quyền. Thêm 1 điều nữa để củng cố giả thiết: Vì sao 1 doanh nghiệp phải thay sang PMNM nếu như đống PMNĐ của mình đã đc mua bản quyền và còn dùng tốt ?
    Tuy nhiên thì em cũng rất ủng hộ hành động của viettel khi quyết định hướng theo PMNM

    • Những con khủng long kiểu Viettel này chưa sợ thanh tra đâu (nhất là Viettel lại thuộc quân đội nữa). Qua vài thông tin trên (nếu đúng) tôi cảm thấy họ có chiến lược nghiêm chỉnh thật.
      U 8.04 có sao, gần đây IBM còn chào nó vào thị trường Mỹ mà (http://wp.me/p2VXH-pS)

  3. Ubuntu 9.10 dùng tốt quá đấy chứ, tôi dùng hơn 2 tháng rồi thấy rất ổn định và phù hợp với tôi. Khi bạn muốn dùng Linux bạn thấy Ubuntu đang được sử dụng và hỗ trợ nhiều nhất ở Việt Nam thì bạn cài Ubuntu. Do hiện nó chỉ mới có bản 9.10 nên cài nó cũng tốt thôi, đến khi có 10.04 thì nâng cấp lên và nếu thấy ổn thì giữ yên cho đến khi có bản 12.04 thì nâng cấp tiếp. Viettel dùng PMNM vào thời điểm nào thì có quan trọng gì, quan trọng là họ có chiến lược về triển khai PMNM là rất tốt rồi. Cách làm này giống như trong kinh doanh của họ, luôn tìm cách để nâng cao chất lượng và giảm giá thành để đem lại lợi ích cho người dùng.

Bình luận về bài viết này