Về lựa chọn, ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở trong ngành giáo dục.

Về lựa chọn, ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở trong ngành giáo dục.

Phan Vĩnh Trị

(Viết theo đề nghị của anh Nguyễn Vũ Hưng, VietLUG theo yêu cầu của anh Quách Tuấn Ngọc).

I. Tình hình chung

Nói đến ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở (dưới đây viết tắt là PMNM) cần phải chia thành 2 lĩnh vực: các phần mềm máy chủ và các phần mềm trên máy để bàn.

Trong lĩnh vực phần mềm máy chủ, nhất là các máy chủ trên Internet, đã từ lâu PMNM giữ địa vị thống trị. Ví dụ: các webserver, mailserver trên Internet có khoảng 70% dùng PMNM (xem); các máy chủ Facebook (với khoảng 1 tỷ người dùng), máy chủ Google, Yahoo đều dùng PMNM (tài liệu đã dẫn ở trên). Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, nhất là thị trường chứng khoán, đang có xu hướng ồ ạt chuyển sang dùng Linux (xem).

Các máy chủ Internet, máy chủ dùng trong tài chính-ngân hàng có yêu cầu rất cao về tính năng, độ ổn định, khả năng chịu tải lớn, an ninh-bảo mật, v.v… Việc PMNM được dùng nhiều như vậy đủ chứng minh năng lực kỹ thuật của nó trong một môi trường khắc nghiệt nhất.

Trong lĩnh vực máy để bàn, PMNM có những bước trưởng thành vượt bậc trong khoảng 10 năm trở lại đây sau khi bản Linux Ubuntu ra đời. Trước đây 10 năm, cài được 1 bản Linux trên máy để bàn và gõ được tiếng Việt cực kỳ vất vả, các phần mềm ứng dụng phổ biến như OpenOffice cũng còn thua xa Microsoft Office. Nhưng đến hiện nay, có thể khẳng định trong phạm vi ứng dụng văn phòng, PMNM hoàn toàn có thể thay thế các loại phần mềm nguồn đóng.

Bằng chứng? Chỉ xin lấy vài ví dụ tiêu biểu:

  1. Thành phố Munich (Đức), quyết định chuyển hệ thống IT với 14.000 máy trạm sang PMNM. Đến năm 2011, đã có 9000 máy trạm được cài Linux. Thành phố quyết định bổ xung ngân sách, nâng số máy dùng Linux lên 15.000 máy vào năm 2013 (xem). Hệ thống IT của Munich rất phức tạp, ứng dụng đã đi vào chiều sâu với hơn 300 ứng dụng, chỉ riêng bộ Office có 21.000 macro, template và form nhưng vẫn chuyển đổi sang PMNM thành công. Điều đó đủ nói lên tính khả thi của việc ứng dụng PMNM trong quản lý nhà nước, nhất là khi dùng cho những nơi chỉ soạn văn bản, bảng tính, duyệt web là chính như ở nước ta hiện nay.
  2. Trong giáo dục cũng đã có những dự án lớn chuyển sang dùng PMNM. Năm 2009, 62.000 trường học tại Nga bắt đầu chuyển sang dùng Linux (xem). Cũng năm 2009, Brazin sẽ trang bị máy tính Linux tại 53.000 phòng máy tính phục vụ cho 52 triệu học sinh (xem). Hai ví dụ này cho thấy PMNM hoàn toàn có khả năng dùng được trong ngành giáo dục.

II. Chọn bản Linux nào dùng cho giáo dục?

Hiện nay, có khoảng hơn 300 bản Linux đang được phát triển (xem).

Để dùng trong giáo dục, ta chỉ xét đến các bản Linux phổ thông, dành cho quảng đại người dùng. Các bản Linux đó bao gồm hệ điều hành Linux và các phần mềm ứng dụng cơ bản (trình duyệt, thư điện tử, ứng dụng văn phòng, ….) được tích hợp sẵn.

II.1-Các đặc điểm cần lưu ý về ngành giáo dục:

  1. Đối tượng sử dụng: học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo từ trung học đến đại học với tuổi tác, trình độ, kỹ năng, nhu cầu trải ra trên một phổ rất rộng và phân bổ trên một phạm vi địa lý rộng nhất trong các ngành: từ tỉnh thành tới các vùng sâu, vùng xa.
  2. Tình trạng trang thiết bị tin học: máy tính, máy in và các thiết bị ngoại vi khác trong các trường đa dạng, nhiều cấu hình, mẫu mã và tuổi khác nhau.
  3. Giai đoạn áp dụng: giai đoạn đầu tiên khi chuyển từ dùng các phần mềm Windows sang PMNM. Đây là đặc điểm quan trọng vì sau này khi đã quen dùng thì việc chuyển từ bản Linux nọ sang bản Linux kia không còn quá phức tạp, cũng tương tự như việc chuyển giữa các phiên bản Windows, MS Office hiện nay.

II.2-Chọn bản Linux nào?

Các bản Linux phổ thông phổ biến nhất hiện nay và miễn phí gồm: Linux Mint, Ubuntu, Fedora, OpenSUSE, Debian (theo xếp hạng trên site Distrowatch.com cho 12 tháng gần đây). Mandriva cũng là một bản Linux tốt, thân thiện, được dùng trong hai dự án giáo dục lớn đã nói ở trên, nhưng hiện nay công ty Mandriva đang gặp khó khăn, phải tái cơ cấu lớn. Debian phổ biến trong giới chuyên môn, dùng làm nền để xây dựng một số bản Linux khác (trong đó có Ubuntu), rất ít dùng trực tiếp cho người dùng cuối mặc dù rất ổn định.

Dưới góc độ người dùng cuối, các bản Linux trên đều khá giống nhau về các tính năng cơ bản. Do đó tính năng không phải là lý do chính khi lựa chọn. Nên chọn Ubuntu vì các lý do sau đây:

  1. Ubuntu phổ biến nhất tại Việt nam (vd: Viettel hiện đã dùng nó trên khoảng 10.000 máy). Do đó, sự hỗ trợ của cộng đồng người dùng là thuận lợi nhất, tài liệu hướng dẫn tiếng Việt tương đối đủ so với các bản khác, diễn đàn người dùng Việt đông và năng động. Kinh nghiệm sử dụng (nói riêng: kinh nghiệm và kỹ năng kết nối với các thiết bị ngoại vi) phong phú. Đó là những yếu tố quyết định đóng góp vào thành công khi triển khai đại trà, trên phạm vi lớn và do đó cũng là yếu tố quyết định nên chọn Ubuntu (Windows hiện nay triển khai rất thuận lợi cũng là nhờ những yếu tố này).

  2. Ubuntu cũng là bản Linux phổ biến nhất trên thế giới hiện nay mặc dù tuổi đời trẻ nhất trong các bản Linux hàng đầu. Điều này khẳng định chất lượng về nhiều mặt của nó trong đó có tính dễ sử dụng.
    Hai điểm này phù hợp với các đặc điểm của ngành giáo dục đã nói ở trên.

  3. Trong 3 sản phẩm thương mại nổi tiếng, có công ty chịu trách nhiệm (Ubuntu, Red Hat và SUSE), Ubuntu là bản duy nhất cho phép tải về dùng tự do (và cam kết luôn luôn tự do), chỉ mua dịch vụ nếu có yêu cầu.
  4. Ubuntu có một số biến thể (derivatives) với các giao diện đồ họa khác nhau (KDE, Xfce, Lxde) phù hợp với các loại cấu hình máy tính từ cao đến thấp (đáp ứng đặc điểm 2 nói trên) và có các biến thể dùng cho các mục đích sử dụng riêng biệt (Ubuntu Studio dành cho multimedia, Edubuntu dành cho giáo dục, có thể tham khảo).
  5. Các bản Linux hiện nay có chu kỳ ra phiên bản mới khoảng 6 tháng 1 lần. Riêng Ubuntu ngoài phiên bản 6 tháng, cứ 2 năm một lần có phiên bản hỗ trợ dài hạn (LTS – Long Term Support) trong 5 năm. Đây là một đặc điểm thuận lợi cho triển khai sử dụng lâu dài, sau 5 năm mới cần nâng cấp lên phiên bản mới.
  6. Fedora, OpenSUSE cũng có nhiều người dùng trên thế giới, nhưng mức độ phổ biến ở Việt nam thấp hơn Ubuntu. Ngoài ra, hai bản Linux đó do cộng đồng phát triển, hỗ trợ các bản Linux thương mại Red Hat và SUSE, không thật sự hướng người dùng cuối dùng ổn định trong công việc. Một trong những mục tiêu của Fedora là cập nhật những cái mới nhất, rất hấp dẫn với người say mê kỹ thuật nhưng lại làm cho nó có tính thử nghiệm, không ổn định. OpenSUSE có nhiều công cụ cấu hình tinh vi nhưng hơi khó dùng và không thân thiện như Ubuntu, nhất là với người mới dùng.
  7. Linux Mint là bản Linux xây dựng trên nền Ubuntu theo hướng thân thiện với người dùng hơn. Hai ưu điểm lớn làm cho Linux Mint đứng đầu bảng xếp hạng gần đây: a/Cài một lần dùng được ngay do đã bổ xung sẵn một số thứ mà Ubuntu còn thiếu, b/Menu chính thân thiện, dễ sử dụng, quen thuộc hơn Unity hoặc Gnome3 mới ra đời. Tuy nhiên hai điểm này cũng dễ dàng thực hiện trên một bản Ubuntu tùy biến (remix). Nhược điểm chính là mặc dù nó phổ biến hàng đầu ở nước ngoài nhưng lại không phổ biến ở Việt nam bằng Ubuntu.
  8. Kinh nghiệm thực tế triển khai Ubuntu tại Việt nam trước đây (các ban đảng, Vinashin,…) và hiện nay (Viettel, …) cho thấy Ubuntu hoàn toàn đáp ứng được các nhu cầu văn phòng thông thường. Kinh nghiệm thành công của Viettel trong đó ba yếu tố quyết định là quyết tâm của lãnh đạo, tính kỷ luật nội bộ cao và cách triển khai đúng là rất đáng tham khảo.

II.3-Một vài điểm lưu ý.

Không có cái gì là hoàn hảo. Nếu như trước đây nước ta toàn dùng Linux, nay chuyển sang dùng Windows cũng sẽ xuất hiện những vấn đề rất lớn (chống virus, tài liệu hướng dẫn tiếng Việt, kinh nghiệm sử dụng, đào tạo người dùng, v.v….).

Khi quyết định dùng Ubuntu (và phần mềm nguồn mở nói chung) trong giáo dục cũng còn nhiều việc phải làm, phải lưu ý:

  1. Khả năng đáp ứng của các phần mềm ứng dụng đối với giáo dục, nhất là cấp trung học cơ sở nơi trình độ sử dụng máy tính, tiếng Anh của các thầy cô và học sinh đều không cao. Một ví dụ: soạn một công thức toán học đơn lẻ trong OpenOffice tuy không trực quan bằng MS Office nhưng không khó lắm. Nhưng nếu soạn, dàn trang cả một tờ đề bài toán phổ thông gồm nhiều công thức bằng OpenOffice là cả một vấn đề với một cô giáo trung học cơ sở! Trước đây, bộ KOffice có cách soạn công thức khá trực quan. Bây giờ chuyển thành Calligra không rõ thế nào, cần tìm hiều thêm. Cũng cần quan tâm đến khả năng viết các công thức hóa học, vẽ các cấu tạo hợp chất, vẽ các mạch điện, sơ đồ vật lý v.v….
  2. Ngoài các phần mềm ứng dụng có sẵn trong Ubuntu, cần tìm thêm các phần mềm chuyên biệt cho các nhu cầu giáo dục (vd: soạn và chọn đề thi trắc nghiệm, v.v…). Thậm chí có thể cần đặt hàng các công ty phần mềm xây dựng, tích hợp: một số phần mềm nhỏ, các extension cho OpenOffice, các template, các form v.v… bổ xung các tính năng còn thiếu nhưng cần thiết và phù hợp với thực tiễn nước ta.
  3. Do tính đa dạng về cấu hình máy tính hiện có, nên có vài bản Linux với môi trường đồ họa khác nhau (KDE, GNOME, Unity, Xfce, Lxde) để cho các trường tự chọn như kinh nghiệm của Nga. Các bản Linux này cũng không phải lấy nguyên bản, cần remix lại, bỏ những cái không cần thiết, bổ xung những phần mềm còn thiếu, sửa đổi giao diện tiếng Việt, cài sẵn bộ gõ, font tiếng Việt, thậm chí cài sẵn các extension có ích vào trình duyệt, Office (tham khảo bản UberStudent), … chỉ cần cài một lần là xong. Nói cách khác là xây dựng bản Linux dành riêng cho giáo dục trên nền một bản Linux có sẵn như kinh nghiệm các nước đã nêu ở trên. Nên đặt hàng rồi đấu thầu sản phẩm của các công ty tin học trong nước.
  4. Đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ dưới ba hình thức. Thứ nhất: các tài liệu hướng dẫn sử dụng tiếng Việt (kể cả đã có sẵn) cần được biên tập lại thật đơn giản, dễ hiểu nhất là đối với cấp trung học cơ sở. Trong tài liệu này, không chỉ hướng dẫn cài đặt, sử dụng nói chung, cần tập hợp cách khắc phục một số lỗi, sự cố thường gặp, cách cài đặt một số thiết bị ngoại vi khó làm (máy in Canon, …). Thứ hai: một trung tâm hỗ trợ online mạnh, có website với mọi thông tin, dữ liệu cần thiết, một forum, công cụ chat và quan trọng nhất là một đội ngũ cán bộ kỹ thuật vững, trực gần như 24/24 trong thời gian đầu. Thứ ba: kết hợp chặt chẽ với cộng đồng PMNM Việt nam và nước ngoài. Nên có quan hệ chính thức dưới một hình thức nào đó với công ty Canonical đang quản lý và tài trợ cho Ubuntu.
  5. Phần mềm nguồn mở không thể tương thích 100% và thay thế hoàn toàn phần mềm nguồn đóng. Chủ trương hợp lý nhất là “Sử dụng cả phần mềm nguồn mở và nguồn đóng một cách hợp lý”. Cách phân loại đối tượng để cho sử dụng phần mềm nào như Viettel đã làm là một kinh nghiệm hay. Trong mỗi đơn vị, nên để lại một số ít máy Windows để xử lý các trường hợp không tương thích hoặc Ubuntu chưa đáp ứng được.
  6. Về lâu dài, để phù hợp với môi trường đa nền tàng (Windows, Mac, Linux và đủ loại OS trên các thiết bị cầm tay) các phần mềm ứng dụng chuyên ngành nên được chuyển sang dạng web-based. Đó là một hướng rất có lợi vì triển khai nhanh, sửa đổi nhanh, bảo trì dễ, thân thiện với người dùng và phù hợp với khuynh hướng điện toán đám mây trong một tương lai gần.

Tóm lại, có một khối lượng công việc khá lớn cần chuẩn bị. Tuy nhiên, nếu Linux đã có thể ứng dụng trong quản lý nhà nước và giáo dục với quy mô lớn ở các nước khác như đã nêu ở trên thì những trục trặc gặp phải là do cách triển khai của ta, không phải do bản thân Linux. Các kinh nghiệm nước ngoài đó cần được tìm hiểu kỹ, tổ chức sang tham quan, khảo sát tận nơi.

Còn một giải pháp nữa dùng PMNM trong giáo dục “siêu tiết kiệm” xem tại đây.

Trên đây là một vài ý kiến đóng góp. Do thời gian quá gấp, năng lực có hạn, kinh nghiệm cá nhân chỉ liên quan đến triển khai phần mềm nguồn mở trong doanh nghiệp nên chắc chắn còn nhiều sai sót. Một tư vấn nghiêm túc cho vấn đề này cần một thời gian dài hơn và sự đóng góp của nhiều người hơn.

Bình luận về bài viết này