Cho hiện icon của bộ gõ ibus trong K/Ubuntu 12.04

Trong Kubuntu, Ubuntu 12.04, sau khi cài bộ gõ tiếng Việt ibus-unikey, icon của ibus không hiện lên trên System Tray của panel trong những trường hợp sau:

  • Với Kubuntu: ngay lần cài đầu tiên.
  • Với Ubuntu: sau môt lần update nào đó

Đây chỉ là lỗi hiển thị icon, bộ gõ vẫn hoạt động, nhấn Ctrl+Space vẫn bật tắt bộ gõ và gõ tiếng Việt được. Nhưng không có icon, không biết tiếng Việt hiện đang bật hay tắt.

Để cho hiển thị lại icon, mở terminal chạy lệnh sau:

sudo apt-get install --reinstall ibus ibus-unikey gnome-icon-theme gnome-icon-theme-full

LinuxMint 12 (Lisa)

LinuxMint 12 (Lisa)

 LinuxMint 12 vừa xuất xưởng ngày hôm qua. Theo bảng xếp hạng về mức độ được quan tâm (căn cứ vào số hits của site) của Distrowatch, trong 12 tháng gần đây LinuxMint leo lên hàng số 1, đẩy Ubuntu xuống hàng số 2. Không biết có phải do giao diện Unity của Ubuntu không?

Bản Mint 12 cũng bắt đầu bỏ Gnome2, chuyển sang Gnome3 nhưng cách tiếp cận từ từ hơn bằng cách đưa ra hai công cụ:

  • MGSE (Mint Gnome Shell Extensions) là một lớp giao diện nằm trên Gnome3, có những thành phần gần giống Gnome2: một thanh panel ở đáy màn hình, có nút Menu và Windows List, …
  • MATE: là một nhánh (fork) Gnome2 nhưng tương thích với Gnome3. Giao diện gần giống LinuxMint 11 dùng Gnome2.

Cả hai công cụ này có thể cài vào Ubuntu 11.10 ( xem). Tôi cài thử bản LinuxMint 12 DVD (1GB) và thấy có mấy nhược điểm:

  • Bản thân Gnome3 còn quá mới, chưa đủ độ chín, do đó còn nhiều nhược điểm (khả năng tùy biến thấp, ít công cụ, …). Do đó, MGSE cũng chỉ cấp vài nét giao diện quen thuộc hơn nhưng không khắc phục được các nhược điểm đó.
  • MATE mới phát triển cũng chưa ổn định, thậm chí còn bị treo. Hình thức giống Gnome2 nhưng nhiều công cụ cùa Gnome2 lại không có (vd: power manager).
  • Một trong những ưu điểm của Gnome2 so với KDE là nhanh, nhạy. Nhưng Gnome3 chạy chậm và không nhạy. Nhấn vào đâu, đợi một lúc mới thấy đáp ứng.
  • Bộ gõ ibus-unikey cài từ kho phần mềm hoạt động rất trục trặc trong cả hai môi trường Gnome3 và MATE.

(Update: thử cài x-unikey theo cách đã nói ở đây thì thấy cũng gõ được, nhưng chưa thử nhiều không biết có lỗi gì không)

Tóm lại là chưa dùng được, phải đợi thêm vài đời Gnome3 nữa. Nếu như có cách nào gỡ bỏ hoàn toàn Gnome3, cài Gnome2 thì tốt nhất, tôi chưa tìm hiểu (vẫn dùng được kernel, các phần mềm ứng dụng mới nhất của Ubuntu 11.10 và giao diện Gnome2 quen thuộc của Mint mà không bị những cái lẩm cẩm của Gnome3).

Điều này cũng bình thường thôi. KDE3 chuyển lên KDE4 lúc đầu cũng lủng củng như thế. Hiện tại, tôi dùng bản OpenSUSE 12.1 KDE 4.7 thấy rất ổn, hơn cả Kubuntu 11.10.

Thay đổi “giao diện” cho Ubuntu 11.10

Gần đây, Ubuntu chuyển từ Gnome sang Unity. Giao diện mới hay hay dở thì cũng tùy người. Người mới học Ubuntu, tiếng Anh không rành lắm có lẽ sẽ thấy Unity thuận tiện hơn. Những người đã quen với Gnome 2 thì phản đối kịch liệt.

Ngoài thói quen, còn một một vấn đề nữa cũng làm các guru khó chịu: hiện tại Unity còn thiếu nhiều công cụ, khả năng tùy biến rất kém và chạy cũng chưa thật ổn định.

Điều đó không có gì là lạ. KDE4 hồi mới ra đời thay thế cho KDE3 cũng không thể chấp nhận được. Có lẽ phải từ KDE 4.3 trở đi, KDE4 mới thực sự sử dụng được và càng ngày càng hoàn thiện (hiện tại là KDE 4.7)

Vì vậy, trong giai đoạn này bạn chưa nên dùng Unity cũng như Gnome3 vội. Cả hai đều còn quá mới, chưa đủ chín. Nhưng nếu bạn vẫn muốn tận dụng những cái hay ho khác của Ubuntu (kernel, các phần mềm ứng dụng, các kho phần mềm, thói quen cũ, v.v…) thì còn có một vài cách.

A- Thay Unity bằng Gnome Shell

Gnome shell cung cấp các tính năng cơ bản của Gnome3. Từ kho phần mềm, chọn cài gói gnome-shell, sau đó log out ra rồi trước khi log in chọn trên màn hình như hình sau (kích chuột vào hình bánh xe răng cưa):

Nếu chọn GNOME thì giao diện sẽ là Gnome3, chọn Gnome Classic, giao diện sẽ gần giống Gnome2 (nhưng vẫn là Gnome3). Còn hai option cuối: Ubuntu và Ubuntu 2D sẽ cho giao diện Unity (có và không có hiệu ứng 3D).

Như trên đã nói, Gnome3 vẫn còn mới nên không dễ chịu gì hơn Unity.

B- Thay Unity bằng Xfce

Xfce là một giao diện đồ họa nhẹ, nhanh được dùng cho phiên bản Xubuntu. Mở kho phần mềm chọn cài gói xubuntu-desktop (ngoài giao diện, một số ứng dụng riêng của Xfce cũng sẽ được cài). Sau đó log out ra rồi chọn Xubuntu trước khi log in tương tự như trên.

C- Thay Unity bằng KDE4

KDE4 là giao diện dùng trong Kubuntu. Tương tự như trên, cài gói kde-plasma-desktop (riêng giao diện kde) hoặc nặng hơn là kubuntu-desktop (có cả các ứng dụng cho kde), thậm chí kubuntu-full.

KDE4 hiện đã là phiên bản 4.7 dùng rất tốt và là giao diện ưa thích của tôi. Nhưng nếu bạn thích KDE thì nên tải hẳn bản Kubuntu 11.10 về cài.

D- Thay Unity bằng Gnome2

LinuxMint phiên bản 12 sắp ra có một cách tiếp cận hay. Nó sẽ dùng Gnome3 nhưng cho phép cài một nhánh của Gnome2 tương thích với Gnome3 gọi là MATE. Để cài MATE vào Ubuntu mở terminal lần lượt chạy các lệnh:

sudo gedit /etc/apt/sources.list

Sau đó thêm vào cuối file sources.list hàng sau đây để add kho phần mềm của Mint:

deb http://packages.linuxmint.com/ lisa main upstream import

Chạy lệnh sau để nhập key của kho vừa add:

sudo apt-get install linuxmint-keyring

Cuối cùng chạy hai lệnh:

sudo apt-get update

sudo apt-get install mint-meta-mate

Log out ra rồi trước khi log in chọn MATE  tương tự như cách làm ở trên, ta sẽ có giao diện Gnome2 quen thuộc.

E- Thay Unity bằng Gnome3 của LinuxMint

Gnome3 trong LinuxMint 12 được bổ xung, cải tiến thêm một số  nét quen thuộc của Gnome2 (ví dụ có một panel ở đáy màn hình) và được gọi tên là “MGSE” (Mint Gnome Shell Extensions). Sau khi đã add kho phần mềm của Mint vào Ubuntu như phần trên, chọn cài gói mint-meta-mgse.

Vào Ubuntu sau khi cài lại Windows XP

Cách này đơn giản hơn các cách đã nêu trong blog này.

  1. Boot máy bằng một đĩa CD Ubuntu, vào chế độ LiveCD.

  2. Mở Terminal rồi chạy lệnh: sudo fdisk -l

Giả sử màn hình có kết quả cuả lệnh fdisk như sau:

Các partition sda1 và sda5 là partition Linux, sda2 là extended partition có chứa sda3, sda4 là partition Windows (ntfs).

Chạy lệnh fdisk chỉ để đọc các partition có trên ổ cứng. Nếu trước đó đã nhớ là Ubuntu cài trên partition nào thì không cần chạy lệnh này.

Giả sử trước đó ta cài Ubuntu lên sda5 thì lệnh tiếp theo như sau:

sudo mount /dev/sda5 /mnt

Lệnh này mount sda5 vào thư mục /mnt

Chạy tiếp lệnh:

sudo grub-install --root-directory=/mnt/ /dev/sda

Chú ý trong lệnh trên, cụm ký tự cuối là /dev/sda, không phải /dev/sda5.

Lệnh này cài phần mềm quản lý boot grub2 lên ổ cứng sda và trỏ đến thư mục gốc là sda5 đã được mount vào /mnt. để tiếp tục quá trình boot.

  1. Khởi động lại máy từ ổ cứng. Boot menu của Ubuntu sẽ xuất hiện nhưng chưa có Windows. Cho khởi động tiếp vào Ubuntu.

  2. Trong Ubuntu, mở terminal rồi chạy lệnh:

sudo update-grub

Lệnh này bảo grub dò tìm trên ổ cứng các hệ điều hành khác đã cài và cập nhật nó vào boot menu. Khởi động lại máy sẽ thấy Windows xuất hiện trong boot menu của Ubuntu.

K/Ubuntu 11.10 beta 2

Tôi cài thử cả hai bản Ubuntu và Kubuntu 11.10 beta 2 lên netbook. Có vài nhận xét sơ  bộ.

Có hai ưu điểm nhận thấy ngay:

  1. Card wifi Broadcom BCM4313 được nhận ngay, không phải rắc rối như nói ở đây. Điều đó chứng tỏ card này đã có driver nguồn mở. Tuy nhiên sau đó nếu muốn có thể cài driver nguồn đóng của chính hãng qua Additional Drivers.
  2. Boot menu đã nhận đúng các bản Linux khác vẫn còn dùng Grub1 (Mandriva, Mageia, PCLinuxOS).

Giao diện menu Unity của Ubuntu còn khá nhiều nhược điểm và lỗi, thậm chí kém cả các giao diện menu toàn màn hình của KDE, Gnome3. Tuy nhiên điều này cũng bình thường với mọi sản phẩm mới ra đời, không riêng gì giao diện. KDE4 thời kỳ đầu cũng rất khó chịu. Dùng PMNM phải tập thói quen chờ đợi cho sản phẩm đủ chín.

Cả Ubuntu và Kubuntu đều bỏ trình quản lý gói phần mềm Synaptic, thay bằng trình khác thân thiện với người dùng bình thường hơn, nhưng cũng thiếu vài tính năng. Khi bạn chọn cài một gói nào đó, bạn không được thông báo phải cài thêm bao nhiêu gói phụ trợ (cái này cũng không cần lắm), không biết dung lượng cần tải về là bao nhiêu, tốc độ tải như thế nào.

Ubuntu 11.04 cho phép cài thêm giao diện Gnome 2 đầy đủ để nếu không thích Unity, bạn có thể dùng giao diện quen thuộc. Nhưng bản Gnome 2 của Ubuntu 11.10 lại “tàn khuyết”, dùng hơi khó chịu. Gnome 3 cũng chưa đủ chín. Đây là chiêu của Canonical bắt dùng Unity chăng?

Thậm chí trình Power Management không có cả trong repo. Muốn đặt các chế độ power cho netbook đành chịu.

Gnome 2 chạy nhanh và nhạy trên các máy cấu hình thấp. Nhưng Unity, kê cả Unity 2D chạy ậm ạch có lẽ còn kém cả KDE 4. Lệnh search phần mềm của Unity cũng không chính xác: phần mềm cài rồi nó lại bảo chưa.

Trên Ubuntu 11.10 cài được x-unikey, sơ bộ thấy gõ được trong Firefox và LibreOffice. Kubuntu cài được ibus-unikey, gõ được nhưng không làm sao cho hiển thị bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ ibus đang chạy.

Vì là bản beta nên nhiều lỗi hy vọng sẽ hết sau khi có bản chính thức.

Gõ tiếng Việt bằng x-unikey trên Ubuntu 11.04 và LinuxMint 11

Tôi cài x-unikey trên Ubuntu 11.04 và Linux Mint 11 thấy khá ổn. Chia sẻ với mọi người.

Update (17/8/2011): dùng lâu mới thấy x-unikey 1.0.4 có hai lỗi: a/thỉnh thoảng bị mất tiếng Việt (lỗi này đã nói trước đây, lâu không dùng quên mất), b/Không nhấn vào tên file văn bản dài có dấu cách để mở file bằng OpenOffice được. Phải mở OpenOffice trước rồi mở file từ trong OpenOffice.

Update (8/11/2011): xem cách khắc phục lỗi thứ hai ở đây.

1- Cài đặt

Tải gói   x-unikey – 1.0.4-1~uvn3~natty về cài.

Vào Administration -> Language Support đặt Input Method là unikey . Nhấn Alt + F2 rồi chạy lệnh unikey.

Trong thư mục Home, vào View -> Show Hidden Files để cho hiện các file ẩn rồi mở file .profile và thêm vào hai dòng:

export GTK_IM_MODULE=unikey
export QT_IM_MODULE=unikey

Lưu ý là không cần sửa file options trong thư mục ẩn .unikey. Để nguyên Commit Method = Send và Xim Flow = Static.

Sau đó khởi động lại máy.

2- Thử gõ trên các ứng dụng

Đã thử gõ tiếng Việt unicode theo kiểu gõ Telex trên Firefox 5.0, LibreOffice 3.3.2, Skype 2.2.0.25, GIMP 2.6.11, Inkscape 0.48 đều ổn. Tất nhiên là mới thử gõ ít, không rõ gõ nhiều thì có lỗi gì không.

Soạn mail trong Gmail và Zoho Mail trên Firefox đều tốt. Nhưng soạn văn bản bằng Google Docs và Zoho Writer trên Firefox trong LinuxMint thì lỗi, trong Ubuntu 11.04 soạn Google Docs được, Zoho Writer lỗi.

Trong Ubuntu 11.04, biểu tượng của x-unikey xuất hiện khi khởi động vào Ubuntu Classic rồi biến mất. Nhưng khi mở một trình nào có vùng nhập liệu (Firefox, LibreOffice, …) nhấn Ctrl+Shift thì biểu tượng xuất hiện lại và không bị mất nữa.

3- Dùng Google Docs và Zoho Writer trên Chromium

Mở Google Docs và Zoho Writer trong trình duyệt Chromium thì gõ tốt tiếng Việt. Chromium có tính năng Tools -> Create Application Shortcut. Dùng tính năng này tạo được shortcut trong menu và trên Desktop, lần sau chạy nhấn vào đó để mở thẳng vào Google Docs hoặc Zoho Docs.

Tóm lại với nhu cầu của tôi thì ổn. X-unikey không gây treo bàn phím, không gạch chân từ, không cần kết thúc từ bằng chuột hay bàn phím.

4- Font Droid trong KDE và Firefox 5.0

Tiếng Việt unicode hiển thị chuẩn nhất vẫn là các font Arial, Time New Romans của Microsoft. Một số font nguồn mở như Liberation, Freefonts, … đôi khi có lỗi, nhất là trên Firefox 4.01 trở đi trong KDE 4. Freefonts (Free Sans, Free Serif) trước đây vẫn là font ưa thích của tôi trên Firefox vì nét font đậm, không bị mảnh và gai như Arial, Liberation, … Từ Firefox 4.01 trở đi trong KDE, FreeFonts bị lỗi chập ký tự khi hiển thị tiếng Việt.

Khi chạy Firefox trong KDE có thể cài thêm họ font Droid (Droid Sans, Droid Serif). Những font này hiển thị tốt tiếng Việt và nét font cũng đậm. Đây là font chuyên dùng cho các thiết bị handheld.

Riêng OpenSUSE 11.4 KDE thì Firefox 5.0 vẫn hiển thị tốt bằng Freefonts.

4- Kết luận

Với nhu cầu bình thường, dùng x-unikey chưa thấy có lỗi gì và có cảm giác rất dễ chịu so với khi dùng ibus hoặc scim.

Cài máy in Canon LBP trong Ubuntu 11.04 và LinuxMint 11

Trong các phiên bản Ubuntu và LinuxMint trước đây, máy in Canon LBP cài dễ dàng bằng cách chạy script của Radu Cotescu như đã nói ở đây.

Với Ubuntu 11.04 và LinuxMint 11, khi chạy script nói trên bị báo lỗi thiếu gói gs-esp và mặc dù script vẫn chạy đến hết nhưng không in được. Cách khắc phục như sau:

  1. Nếu đã chạy script của Radu Cotescu thì mở Synaptic Package Manager rồi nhấn vào menu Edit -> Fix Broken Packages để gỡ hai gói cndrvcups-common và cndrvcups-capt ra.
  2. Vào trang này, tải gói gs-esp_8.71.dfsg.2-0ubuntu7_all.deb  về và cài nó.
  3. Sau đó chạy lại script của Radu Cotescu.

Thay apt-get bằng các phần mềm nhanh hơn

Ubuntu, PCLinuxOS dùng hệ thống quản lý gói phần mềm APT, lệnh cài đặt của nó là apt-get install, các giao diện đồ họa như Synaptic cũng dùng lệnh này để cài.  (Xem thêm tại đây)

Nhược điểm của apt-get là nó chỉ tải gói phần mềm từ một server bằng một kết nối nên tốc độ chậm và nếu kết nối với server đó bị đứt giữa chừng là không tải về được. Có ba shell script dưới đây nhằm khắc phục các nhược điểm đó. Các script này dùng các phần mềm tăng tốc download khác nhau, chia file cần tải về thành nhiều phần, tải về từ nhiều nguồn khác nhau.

(Các script là các chương trình tập hợp nhiều lệnh lần lượt thực hiện, tương tự như chương trình bat trong DOS).

apt-fast: apt-fast dùng phần mềm tăng tốc download Axel. Tác giả nói rằng nó nhanh hơn apt-get 26 lần. Cài apt-fast bằng ba lệnh sau:

sudo add-apt-repository ppa:tldm217/tahutek.net

sudo apt-get update

sudo apt-get install apt-fast

Sau đó nếu muốn cài gói phần mềm xyz thì dùng lệnh

sudo apt-fast install xyz

thay cho lệnh sudo apt-get install xyz.

apt-proz: apt-proz dùng phần mềm tăng tốc download ProZilla. Tác giả nói rằng apt-proz nhanh hơn apt-fast. Cài apt-proz bằng ba lệnh như với apt-fast đã nói ở trên, riêng lệnh cuối cùng thay apt-fast bằng apt-proz. Cách dùng cũng tương tự:

sudo apt-proz install xyz

apt-metalink: apt-metalink dùng phần mềm tăng tốc download Aria2. Aria2 là phần mềm đã được dùng trong Mandriva hình như từ bản 2009 và có thể dùng thẳng trong giao diện đồ họa. Aria2 có ưu điểm hơn hai phần mềm Axel và ProZilla là có thể tự kiểm tra trị số hash của file.

Để dùng apt-metalink trước tiên phải cài gói aria2:

sudo apt-get install aria2

Sau đó dùng quyền root mở file /etc/apt/sources.list rồi bổ xung vài địa chỉ kho mirror vào, ví dụ:

deb http://ftp.jaist.ac.jp/pub/Linux/ubuntu/ maverick universe

Sau đó chạy lệnh sudo apt-get update để cập nhật danh sách các gói phần mềm

Download gói apt-metalink-0.1.0.tar.gz , giải nén ra, trong thư mục sẽ có file apt-metalink. Để cài gói xyz, chạy lệnh sudo apt-metalink install xyz từ thư mục chứa file apt-metalink.

Cả ba script trên ngoài lệnh install cũng có thể dùng để upgrade (vd: sudo apt-fast upgrade)

Chú ý:

Các phần mềm download nói trên đều có thể:

  • Nếu chỉ có một server được chọn (như Ubuntu thông thường vẫn làm) thì chúng thiết lập đồng thời nhiều kết nối (connection) vào server đó, chia file cần tải về thành nhiều phần để tải đồng thời. Do đó tăng tốc được quá trình download.

Trong ví dụ ở hình trên, tốc độ download đạt 1528 KB/s

  • Nếu có nhiều mirror server được chọn (bằng cách bổ xung vào file sources.list trong Ubuntu hoặc chọn nhiều server trong PCLinuxOS) thì chúng kết nối với nhiều server đồng thời, cũng chia file thành nhiều phần nhưng tải về từ các server khác nhau. Ưu điểm của cách này là khi kết nối với một server bị ngắt giữa chừng, quá trình download vẫn tiếp tục được cho đến hết. Nhược điểm là nếu các server có tốc độ tải về chênh lệch nhau thì server chậm sẽ làm chậm quá trình chung.

Các script trên chỉ dùng được dưới dạng dòng lệnh, chưa tích hợp được vào Synaptic, do đó hơi khó dùng. Riêng mặt này thì Ubuntu kém Mandriva. Bộ quản lý gói phần mềm Rpmdrake của Mandriva đã tích hợp sẵn Aria2 nên có thể dùng giao diện đồ họa được. Các mirror server của Mandriva lại được tổ chức sẵn dưới dạng mirror list nên không bao giờ phải quan tâm chọn server nhanh nhất như Ubuntu.

Tôi mới thử apt-fast thì có cảm giác nhanh hơn apt-get. Chưa thử các script khác và chưa thử với PCLinuxOS.

Ubuntu 10.04 và 10.10: Sửa màn hình khởi động sau khi cài driver card màn hình NVIDIA và ATI

(Soạn lại dựa vào link này)

Nếu máy có card màn hình NVIDIA hoặc ATI, khi cài lần đầu Ubuntu sẽ tự cài cảc driver nguồn mở. Khi cài xong, vào menu System -> Administration -> Additional Drivers, sẽ được hướng dẫn cài driver nguồn đóng của chính hãng. Những driver này tương thích tốt hơn và hỗ trợ nhiều tính năng hơn của card màn hình nhưng có một lỗi là làm cho màn hình khởi động (boot screen) của Ubuntu có chữ rất to và xấu. Cách chữa như sau:

1- Nhấn phím phải chuột vào link này rồi chọn Save Link As trong menu con. Màn hình sau xuất hiện:

Để nguyên tên file như trên hình rồi nhấn nút Save. File script fixplymouth sẽ được tải về.

2- Mở thư mục chứa file vừa tải về, nhấn phím phải chuột vào tên file, chọn tiếp Propeties, màn hình sau xuất hiện:

Trong màn hình trên, đánh dấu chọn mục Allow executing file as program. rồi nhấn nút Close.

3- Nhấn chuột trái vào file fixplymouth để chạy nó. Màn hình sau xuất hiện:

Nhấn vào nút Run in Terminal, màn hình Terminal sẽ mở ra và hỏi password để chạy lệnh sudo. Nhập password rồi nhấn Enter. Đầu tiên, gói phần mềm hwinfo sẽ được tải về cài. Sau đó, trên màn hình sẽ liệt kê một loạt độ phân giải màn hình để chọn.

Nhập độ phân giải và chiều sâu màu màn hình của bạn vào dòng cuối cùng trong Terminal, ví dụ 1280×1024-24, rồi Enter.

Sau đó khởi động lại máy tính.

CHÚ Ý:

  1. Không có gì đảm bảo script này sẽ chạy tốt trên mọi máy. Bạn dùng nó phải chấp nhận rủi ro.
  2. Chỉ được chạy script một lần. Không được chạy lại lần thứ hai.
  3. Nếu sau khi chạy script, kết quả không tốt, muốn khôi phục lại tình trạng ban đầu thì tải script này plymouth-resolution-fix-revert-back.sh.zip về và chạy nó giống như trên để undo lại các thay đổi đã làm.

 

 

Hai kho phần mềm bổ xung của Ubuntu và Mandriva

Hai kho phần mềm bổ xung cho Ubuntu và Mandriva.

1- Ubuntu:

Super OS là một bản Linux biến thể của Ubuntu, bổ xung nhiều phần mềm ứng dụng hơn, dễ dùng hơn nhưng vẫn hoàn toàn tương thích với Ubuntu.

Phiên bản Super OS 10.04 dựa trên Ubuntu 10.04 hiện chưa có, nhưng vẫn có thể dùng kho phần mềm (repository) của Super OS để cài thêm các phần mềm vào Ubuntu 10.04 được.

Để add kho này vào Ubuntu, mở terminal chạy hai lệnh sau (lệnh trên dài, viết thành một dòng liên tục, không xuống dòng):

echo "deb http://hacktolive.org/repo/lucid lucid main restricted 
multiverse universe partner #Super OS repository"
 | sudo tee -a /etc/apt/sources.list
sudo apt-get update

Sau khi add xong, dùng Synaptic tìm và cài các phần mềm cần thiết.

Danh sách đầy đủ các phần mềm có trong kho xem tại đây. Ví dụ trong đó có Adobe Reader, Adobe Air, Skype, win32 codecs,….

2- Mandriva

Mandriva có một cộng đồng người dùng mạnh tại Italia. Cộng đồng này thiết lập kho phần mềm MIB (Mandriva International Backport) bổ xung nhiều phần mềm mà kho chính thức không có. Danh sách các phần mềm trong MIB xem tại đây .

Để add kho này vào Mandriva, mở trang http://urpmi.mandriva.ru/ cuốn xuống dưới rồi nhấn vào nút Add MiB Medias.

Khi màn hình sau xuất hiện:

đánh dấu chọn mục Open with Add urpmi media. rồi nhấn OK.

3- Chú ý:

Cả hai kho nói trên của Ubuntu và Mandriva đều không phải kho chính thức của công ty. Vì vậy khi cài các phần mềm trong các kho đó, bạn buộc phải tin là nó an toàn dưới sự quản lý, soi xét của cộng đồng.

Bàn trang điểm của Ubuntu

Epidermis theme manager là phần mềm dùng cài đặt, thay đổi, tạo mới một số thứ cho giao diện của Ubuntu (và các bản Linux GNOME khác).

Tải file deb về từ đây. Sau đó nhấn đúp chuột vào file để cài. Phần mềm cài đặt GDebi sẽ tự động tải và cài 4 gói phần mềm phụ thuộc cần thiết.

Sau khi cài xong, chạy từ menu Applications -> System Tools -> Epidermis. Màn hình chính như sau:

Nhấn vào Find more ở cột bên trái, Epidermis sẽ tải từ kho của nó về danh sách các thứ có thể cài được (gọi là pigment), gồm có:

  • Skins: một số desktop theme, thay đổi toàn bộ giao diện. Trong đó đáng chú ý có Mac4Lin đổi sang giao diện Mac.
  • Wallpaper: một số ảnh nền màn hình
  • Metacity: một số kiểu đường viền các cửa sổ màn hình (windows).
  • GTK: một số kiểu nút điều khiển trên các cửa sổ.
  • Icons: một số kiểu icons
  • Splash:  một số màn hình khởi động
  • Cursors: một số kiểu con trỏ chuột.
  • Grub: một số màn hình grub
  • GDM: một số màn hình login
  • Xsplash: một số màn hình khởi động

Đánh dấu chọn vào ô vuông bên trái rồi nhấn nút Apply. Chương trình sẽ hỏi password rồi tải file cài đặt về cài. Ví dụ sau khi chọn cài skin Mac4Lin, nhấn vào Installed ở cột bên trái, màn hình như sau:

Nhấn vào chữ Mac4Lin ở bên trái rồi nhấn Apply.

Nếu đổi theme Mac4Lin này thủ công thì khá mất công.

Các linh vật của Ubuntu từ trước đến nay

(Nguồn: http://www.webupd8.org/2010/08/ubuntu-mascots-in-pictures-updated.html)

Ubuntu Warty WARTHOG (4.10):

ubuntu warthy warthog 4.10


Ubuntu Hoary HEDGEHOG (5.04):

ubuntu hoary hedgehog 5.04

Ubuntu Breezy BADGER (5.10):

ubuntu breezy badger 5.10

Ubuntu Dapper DRAKE (6.06):

ubuntu drapper drake 6.06

Ubuntu Edgy EFT (6.10):

ubuntu edgy eft 6.10

Ubuntu Feisty FAWN (7.04):

ubuntu fetsy fawn 7.04


Ubuntu Gutsy GIBBON (7.10):

ubuntu gutsy gibbon 7.10

Ubuntu Hardy HERON (8.04):

ubuntu hardy heron 8.04

Ubuntu Intrepid IBEX (8.10):

ubuntu intrepid ibex 8.10

Ubuntu Jaunty JACKALOPE (9.04):

ubuntu jaunty jackalope 9.04

Ubuntu Karmic KOALA (9.10):

ubuntu karmic koala 9.10

Ubuntu Lucid LYNX (10.04):

ubuntu lucid lynx 10.04

Ubuntu Maverick MEERKAT (10.10):

ubuntu maverick meerkat 10.10

Ubuntu Natty NARWHAL (11.04):

ubuntu natty narwhal 11.04

Natty Narwhal – linh vật của Ubuntu 11.04

Natty Narwhal – linh vật của Ubuntu 11.04

Phiên bản Ubuntu tiếp theo của năm sau sẽ ra đời vào tháng 4/2011.

Ngày hôm qua, Mark Shuttleworth, chủ nhân của Ubuntu vừa tuyên bố trên trang web cá nhân của ông, linh vật (mascot), còn gọi là code name – tên mã, cho Ubuntu 11.04 là con “Kỳ lân biển xinh đẹp – Natty Narwhal”.

Narwhal là một loài cá voi bắc cực có một cái sừng dài phía trước giống con kỳ lân trong truyền thuyết vì vậy được dịch tên là “Kỳ lân biển”.

Một số hình ảnh về nó dưới đây:

Không hiểu Shuttleworth nghĩ thế nào mà gán cho con này cái tính từ natty – đẹp, duyên dáng?

Còn con kỳ lân thần thoại (Unicorn) của châu Âu thì như thế này:

Kỳ lân châu Á trông hung dữ hơn và có hai sừng:

Lý do chọn Narwhal theo Mark Shuttleworth giải thích (lược dịch) là:

“ Narwhal, một động vật Bắc cực, là một sự nhắc nhở thích hợp rằng chúng ta chỉ có một con tàu không gian duy nhất chở được toàn bộ nhân loại. Và Ubuntu đang đưa sự đóng góp cao thượng của tất cả những người đã làm nên mã nguồn chung của nó tới đông đảo người dùng nhất có thể, nó thể hiện sự đối xử với nhau một cách tôn trọng, nó nhận thức được sự phức tạp và đa dạng của sinh quyển chúng ta đang sống, nuôi chúng ta ăn, cho chúng ta quần áo mặc và giữ cho chúng ta mạnh khỏe.

Thế giới phần mềm tự do là nền tảng để xây dựng tương lai. Vì thế Narwhal, một con vật sống gần gũi nhất với kỳ lân, được chọn làm một biểu tượng may mắn để chúng ta dệt nên những ước mơ. Ước mơ có chiếc PC đầu tiên, ước mơ là triệu máy chủ đầu tiên trong đám mây điện toán. Dù bạn hướng đến tương lai như thế nào, chúng tôi hy vọng là Natty Narwhal sẽ mang lại cho bạn một điều gì đó.”

Review và test Ubuntu 10.04 của Tom’s Hardware

Test và review toàn diện Ubuntu 10.04

Site phần cứng nổi tiếng Tom’s Hardware vừa đăng bài test và review toàn diện Ubuntu 10.04.

Phần test so sánh với bản LTS trước là 8.04, chủ yếu để đánh giá tiến bộ kỹ thuật sau 2 năm. Nội dung khá dài, dưới đây là tóm tắt:

1-Các máy và thiết bị dùng để test

Khá quy mô: gồm máy để bàn 64 và 32bit (processor AMD Athlon và Pentium 4, graphic card Nvidia và Asus), notebook HP Pavilion dv6700, netbook Dell Inspiron Mini 10v và một USB Kingston DataTraveler 128GB cài Ubuntu để thử chế độ boot từ USB.

2-Về một số phần mềm

Ubuntu Software Center mặc dù được coi là một hướng phát triển đúng nhưng bị chê là mới là những bước đi chập chững của trẻ con, chưa phải là một Software Center thay thế hoàn toàn cho các phần mềm quản lý package cũ.

F-Spot thay cho GIMP được coi là đúng vì GIMP quá phức tạp với người dùng trung bình. F-Spot có chức năng chính là quản lý ảnh, nhưng các công cụ sửa ảnh cũng đủ dùng, thiếu một cái cơ bản là khả năng undo.

Về trình quản lý file Nautilus, tác giả đánh giá cao Dolphin của KDE4 ( tôi thì thấy Konqueror hay hơn Dolphin) và so sánh Nautilus với nó. Đến giờ, Nautilus đã có tính năng split-panel để kéo thả file từ thư mục nọ sang thư mục kia và đã có thể customize toolbar là hai tính năng mà Dolphin đã có từ trước.

Gwibber, trình quản lý các mạng xã hội, được khen vì đơn giản, dễ dùng và trực quan, tích hợp các mạng xã hội như Facebook, Twitter, … vào hệ điều hành.

Ubuntu One Music Store được đánh giá là mở. Tuy hiện tại nó được tích hợp vào Rythmbox nhưng Rythmbox vẫn là một phần mềm riêng. Và có thể tích hợp nó vào Banshee bằng một plug-in, mở ra khả năng tồn tại độc lập với hệ điều hành. ( Ubuntu One File Store thua xa Dropbox chẳng hạn về mặt này: nó chỉ chạy trên Ubuntu).

Trình biên tập video PiTiVi được đánh giá cao. Nó là trình biên tập video dễ dùng nhất và đủ mạnh, tương đương với Windows Movie Maker. Ubuntu hiện là bản Linux đầu tiên có cài sẵn trình này.

3- Nhận xét chung về các hệ thống test

Máy 64-bit: để cài được các phần mềm test phải phối hợp cả các kho phần mềm chính thức, kho phần mềm cá nhân (PPA) và tải các gói deb từ nhiều nơi về. Thậm chí phải dịch từ mã nguồn. Nhưng nói chung đều ổn, không mất thời giờ nhiều.

Đối với bản 8.04 cũ (Hardy) trên cùng máy thì việc cài đặt trên phức tạp hơn nhiều.

Nhìn chung, Ubuntu Lucid chạy nhanh, ổn định và không bị lỗi trên máy test, chứng tỏ có tiến bộ hơn nhiều so với bản Hardy.

Máy 32-bit: máy 32-bit trước đây đã cài Kubuntu 9.10. Việc cài Ubuntu 10.04 lên đó trơn tru, tự nhiên không phải làm thủ công gì. Tốc độ boot và thời gian đáp ứng nhanh hơn rõ rệt ( So sánh tốc độ Kubuntu với Ubuntu, tức là giữa KDE4 với Gnome thì hiển nhiên là Gnome nhanh hơn rồi).

Notebook: cài Lucid lên notebook dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên. Tất cả đều làm việc tốt (wifi, trackpad). Tốc độ rất dễ chịu so với bản Vista trên cùng máy. Menu mở nhanh, cuộn màn hình nhanh, nhạy.

Netbook: trên máy này cài Ubuntu Netbook Edition.

Menu có vẻ không nhạy như các bản desktop và không đẹp như Vista. Phải cắm máy vào dây mạng để làm cho wifi hoạt động. Trackpad trên Dell Mini 10v là một ác mộng.

Lucid hình như có cải tiến lớn trong chức năng tap-to-click. Tuy nhiên tác giả vẫn thích cài bản desktop lên netbook hơn. ( Điều này hiển nhiên. Thay đổi thói quen là khó ngay cả với một Linux guru)

Ổ USB : Trên ổ USB dùng để test đã có cài một bản Ubuntu 9.04 Jaunty. Lucid chạy từ USB nhanh hơn và thời gian boot cũng nhanh hơn Jaunty.

4-Thời gian khởi động (boot), tắt máy (shutdown), ngủ đông (hibernate) và thức dậy (wake).

Thời gian boot mà các hệ điều hành quảng cáo thường tính từ lúc bootloader kết thúc đến lúc xuất hiện màn hình desktop. Trong các test ở đây, thời gian này được tính từ lúc nhấn nút Power bật máy đến lúc máy tính bắt đầu sử dụng được.

5-Thời gian copy file

Copy hơn 800MB từ USB sang ổ cứng và từ một thư mục này sang thư mục khác trên cùng ổ cứng.

6-Nén và giải nén

Dùng một thư mục 334MB chứa các loại file khác nhau để test. Zip nén xuống được 332MB, 7z nén xuống còn 313MB

Thời gian nén và giải nén giữa Lucid và Jaunty chênh nhau không đáng kể.

7-Multimedia

Dùng các phần mềm sau để test:

Handbrake: chuyển đổi video MPEG thành MPEG4

LAME: convert một file wav 542MB thành MP3

POV-Ray: phần mềm dò tia, kết xuất ra ảnh.

v.v…

Các kết quả test của Lucid đều nhanh hơn Jaunty đáng kể. Ví dụ với Handbrake:

8-Game 3D

Trong một loạt các phép thử game 3D, Lucid nhanh hơn Jaunty không đáng kể. Ví dụ:

9-Kết luận:

Tổng quan:

Dựa trên các thay đổi mới, các quan sát cá nhân và kinh nghiệm sử dụng của mình, tác giả cho rằng nên nâng cấp từ các phiên bản trước lên Ubuntu 10.04. Phiên bản này tốt hơn cả phiên bản ưa thích của tác giả là 9.04.

Các kết quả test:

Ubuntu Lucid nhanh hơn Jaunty trong 16/25 phép thử.

Kết luận:

Hệ điều hành này cài trơn tru trên cả 5 hệ thống test, chạy rất tốt và có cải tiến đáng kể trong phần lớn các lĩnh vực so với bản LTS trước. Tác giả đánh giá nó là vua của các bản Linux desktop.


Ubuntu Control Center

Ubuntu Control Center.

Đây không phải là Gnome Control Center đã nói trong một post trước. Ubuntu Control Center (UCC) là một phần mềm lấy cảm hứng từ Mandriva Control Center nhằm tập trung và tổ chức lại các công cụ cấu hình của Ubuntu. Ngoài các công cụ có sẵn, còn có thêm một số công cụ khác.

Trước tiên phải cài thêm Font Manager. Tải file về từ đây . Sau đó cài Ubuntu Control Center với file tải về từ đây.

Sau khi cài, chạy từ Applications → System Tools → UCC. Màn hình chính như sau:

Về chất lượng và số lượng công cụ thì còn thua Mandriva (xem so sánh ở đây), hoặc OpenSUSE, kém cả so với Gnome Control Center. Nhưng đây là một dự án mới nên nếu tiếp tục phát triển được thì còn nhiều triển vọng.

Bảo mật tối đa: Ubuntu Privacy Remix

Bảo mật tối đa: Ubuntu Privacy Remix

( Tình cờ lọ mọ vào site Ubuntu Derivatives phát hiện ra cái này. Có lẽ ít người cần đến nó, nhưng xem để biết dữ liệu của mình mong manh như thế nào cũng hay. Và nếu chỉ dựa vào Microsoft, làm sao có được một công cụ như thế này)

Dữ liệu để trong máy tính có khi còn dễ mất hơn hàng hóa bầy ngoài chợ. Hàng bầy ngoài chợ, kẻ qua người lại lấy cũng khó, chủ quầy ngồi canh, mất là biết ngay. Dữ liệu trong máy tính:

  • Có nhiều cửa sơ hở để vào, vào được rồi lục lung tung chủ nhân cũng không biết. Lấy đồ đi chủ nhân cũng không biết là mất vì những dấu vết ăn trộm người bình thường khó mà phát hiện được.

  • Nếu máy bạn nối mạng (nhiều loại mạng), thì các phần mềm độc hại – malware (trojan, rootkit, keylogger, …) từ mạng đột nhập vào thỏa sức hoành hành, sao chép mật khẩu và file gửi đi đâu không rõ. Thậm chí hacker có thể ngồi từ xa, chạy máy tính của bạn và tha hồ lục lọi.

  • Nếu máy của bạn không nối mạng, vẫn còn nhiều cách để người khác xem dữ liệu như đã nói ở đây.

Một trong những trường hợp nguy hiểm nhất là giao dịch ngân hàng online (xem thêm tại đâytại đây)

Ubuntu Privacy Remix (UPR) là một bản Linux dựa trên Ubuntu 9.04 có mục đích tạo một môi trường máy tính làm việc cô lập (Nội bất xuất, ngoại bất nhập) để bảo vệ dữ liệu cá nhân trước những truy cập trái phép.

Các tính năng chính như sau (website tại đây):

1. UPR là một hệ điều hành chỉ đọc (read-only)

Các site lưu trữ online, các file tải về từ Internet, các email, các website bị nhiễm độc, …. đó là những nguồn có chứa các phần mềm độc hại (malware) sẽ theo mạng về cài lên máy của bạn, lục lọi dữ liệu của bạn khi bạn truy cập vào đó. Ngoài ra, malware còn có thể do một người khác cố tình cài lên máy của bạn để lấy trộm thông tin (mật khẩu, file) và gửi về nơi được chỉ định trước.

Nhưng tôi đã cài phần mềm anti-virut

Nếu xét về mặt mất dữ liệu thì phần mềm anti-virut chẳng ăn thua gì. Thứ nhất nó không phát hiện được hết malware. Chỉ cần một con lọt lưới là dữ liệu ra đi. Thứ hai, với những con mới, trong khi chờ công ty sản xuất phần mềm anti-virut phát hiện được và tìm ra cách diệt nó, nó đã kịp lục tung máy tính của bạn rồi.

Nhưng tôi chỉ làm việc với account user thường, có quyền giới hạn, không thay đổi được hệ thống.

Quyền đó là đủ để malware chui vào két dữ liệu Truecrypt của bạn hoặc lấy cắp khóa mã hóa bí mật GPG của bạn rồi.

Mặt khác, hệ thống của bạn luôn có các lỗ hổng an ninh. Khi chưa bị phát hiện hoặc chưa kịp vá thì hacker đã chui được vào.

Vậy thì làm thế nào

Để làm những việc nói trên, malware phải được cài vào hệ điều hành, hacker có chui vào theo các lỗ hổng an ninh cũng phải sửa đổi một cái gì đó mới hoạt động được. Vì vậy cách bảo vệ tốt nhất là có một hệ điều hành sạch và không thay đổi được sau mỗi lần khởi động.

UPR là hệ điều hành sạch theo nghĩa nó là phần mềm nguồn mở. Vì vậy có thể “soi” mã nguồn của nó để tin chắc là không có malware nào hoặc cái cổng hậu (backdoor) nào được cố tình cài cắm trong đó. Thực ra để làm được việc đó khá khó và mất nhiều công. Phải tải mã nguồn về, có một đội chuyên gia lập trình giỏi ngồi duyệt mã rồi tự dịch phần mềm từ mã nguồn đã duyệt sang mã máy để dùng, không tải mã dịch sẵn từ Internet xuống.

UPR được ghi trên một đĩa CD chỉ đọc (read-only). Vì vậy không thay đổi được nó. Nó chỉ làm việc trong chế độ live CD: khởi động và chạy từ CD, không cài đặt lên máy. Khác với các bản live CD Linux khác dùng để thử trước tính năng rồi mới cài lên máy, UPR được tối ưu hóa cho chế độ live CD vì đấy là chế độ làm việc duy nhất của nó.

Như vậy, malware không thể cài được vào UPR, hacker cũng không thể sửa đổi gì trong UPR để hoạt động.

Chạy một bản Linux từ đĩa CD read-only để bảo vệ tài khoản khi giao dịch ngân hàng online là một phương pháp được chính thức khuyên dùng (xem thêm tại đâytại đây). Nhưng UPR còn nhiều hơn thế.

2. Mã hóa

Tôi đã mã hóa các dữ liệu cá nhân của tôi…

Mã hóa tốt là một trong những biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên:

a/dựa vào riêng phần mềm mã hóa là không đủ an toàn,

Ví dụ, các phần mềm như Microsoft Office hoặc Google Desktop khi mở một file đã mã hóa chứa trong két dữ liệu TrueCrypt thì cũng tạo một bản copy không mã hóa của file đó trên ổ cứng.

b/ các phần mềm malware có thể làm giảm độ an toàn, thậm chí đánh lừa được các phần mềm mã hóa.

Phần mềm trojan có thể chờ lúc bạn mở két dữ liệu TrueCrypt mới chui vào lấy file gửi đi. Phần mềm keyloggers có thể ghi các phím bạn đã gõ, trong đó có cả mật khẩu của khóa mã bí mật GPG của bạn rồi gửi nó đi cùng với khóa mã đó. Người nhận được mật khẩu và khóa mã bí mật sẽ tha hồ đọc các dữ liệu đã mã hóa của bạn.

Tóm lại là mã hóa cũng chưa thật sự an toàn nếu có mặt malware. UPR vừa thực hiện mã hóa mạnh, vừa cách ly để malware không có mặt trong hệ thống.

Trong UPR đã cài sẵn hai phần mềm mã hóa nguồn mở tốt nhất hiện nay là TrueCrypt (xem thêm tại đây) và GnPG (xem thêm tại đây).

Để phù hợp với chế độ live CD, trong UPR còn có tính năng extended Truecrypt volumes để tiện sử dụng hơn.

3. Không kết nối mạng

Các đường kết nối mạng là nơi: a/ malware từ ngoài thâm nhập vào máy tính và b/ malware từ trong máy tính gửi dữ liệu lấy cắp được ra ngoài.

Tất nhiên để tránh điều đó, bạn có thể rút dây mạng ra khi làm việc. Nhưng còn các kiểu kết nối mạng khác có thể bị tự động kích hoạt mà user không biết và tắt nó đi không phải việc dễ dàng với user bình thường.

Vì vậy, UPR đã sửa nhân Linux để tắt tất cả các kết nối mạng: LAN (mạng cục bộ), WLAN (Wireless Local Area Network, mạng cục bộ wifi), Bluetooth, IR (kết nối hồng ngoại) và PPP (Point to Point Protocol, giao thức kết nối điểm – điểm).

Tất nhiên không có mạng thì … Nhưng UPR không phải hệ điều hành dùng cho các công việc bình thường. Nó chỉ được dùng khi bạn có nhu cầu bảo vệ các dữ liệu cá nhân quan trọng và không có mạng là cái giá phải trả.

Nếu bạn muốn có một hệ điều hành tương đối an toàn mà vẫn vào Internet được, xin chờ Google Chrome OS.

4. Không ổ cứng.

Giống như kết nối mạng, các ổ cứng trên máy tính mà bạn chạy bản UPR ở chế độ live CD có thể là: a/ nguồn chứa các malware sẽ xâm nhập vào bộ nhớ RAM của UPR và khi đã hoạt động, b/ nó có thể ghi các dữ liệu lấy cắp được ra các ổ cứng đó.

Khi chạy một hệ Linux thường từ đĩa CD, các ổ cứng có thể bị mount ngẫu nhiên hoặc do user vụng về không biết, nhấn chuột nhầm chẳng hạn. Nếu trên ổ cứng có các swap partition sẵn thì nó luôn được tự động mount và dữ liệu riêng tư có thể bị lưu lên đó.

Vì vậy, nhân Linux của UPR được sửa để khi boot nó hoàn toàn không nhận được các ổ cứng SATA và ATA do đó không mount được các ổ trên dù cố tình.

Riêng ổ cứng SCSI thì vẫn có thể mount được vì cần để mount các ổ USB. Nhưng trong các máy tính cá nhân hiện nay hầu như không có ổ cứng SCSI.

5. Những vấn đề mà UPR không thể bảo vệ bạn được.

Chẳng có cái gì đảm bảo an ninh tuyệt đối. Dưới đây là những tình huống tấn công mà UPR không thể bảo vệ bạn được:

1. Các kiểu tấn công dưới mức hệ điều hành.

Ví dụ có một thiết bị do thám chuyên dụng được lắp vào trong máy tính để ghi lại các phím đã gõ (hardware keyloggers).

2. Các kiểu tấn công không phải tin học.

Ví dụ trong phòng có một camera soi màn hình, bàn phím và ghi lại toàn bộ hình ảnh, hoạt động. Hoặc bạn dùng một mật khẩu mã hóa tồi có thể đoán được (ngày sinh, biển số xe, …).

3. Phân tích các bức xạ máy tính.

Các thiết bị điện tử, đặc biệt là màn hình máy tính, đều phát ra các sóng điện từ. Dùng một thiết bị thu thích hợp có thể thu được các sóng đó ngay cả từ khoảng cách trên 100m. Có thể thu ảnh màn hình máy tính và cho hiện lên ở một màn hình thứ hai ở xa. Gần đây, viện nghiên cứu công nghệ Thụy sỹ đã chứng minh rằng ngay cả sóng điện từ yếu của bàn phím có dây cũng có thể thu được từ một khoảng cách thích hợp và từ đó biết được nội dung đã gõ. Các loại bàn phím không dây, mã hóa yếu thì rõ ràng không thích hợp để gõ các dữ liệu nhạy cảm.

4. Tấn công kiểu “Khởi động nguội”

Khởi động nguội ( Cold Boot Attack) là kiểu tấn công khi một máy tính đang chạy một hệ điều hành nhỏ (minimal OS) thì bị cắt điện rồi lại bật lại (không clean shutdown hay restart bằng phần mềm). Vì hệ điều hành nhỏ nên nó không dùng hết bộ nhớ RAM, phần RAM còn lại có thể chứa các dữ liệu riêng tư của bạn như khóa mã TrueCrypt hoặc GPG. Thực nghiệm chứng tỏ các dữ liệu đó vẫn đọc được từ RAM sau 2-3 phút không có điện.

Nếu trong khoảng thời gian đó, một hệ điều hành khác có malware được khởi động, thì rất có thể nó sẽ đọc được khóa mã còn lưu trong RAM nếu RAM không bị ghi đè.

Từ phiên bản UPR 8.04 release 3, trong quá trình shutdown, bộ nhớ còn trống sẽ bị ghi đè trước khi ổ CD mở.

6. Dùng thế nào

Website không hướng dẫn cụ thể cách dùng. Nhưng có lẽ phải dùng kết hợp với một ổ USB để ghi dữ liệu. Khi đã khởi động xong UPR, cắm ổ USB vào rồi dùng TrueCrypt để tạo nên một ổ mã hóa kiểu extended Truecrypt volumes trong một file để vừa lưu các settings của các phần mềm, vừa lưu dữ liệu. Tất nhiên là cái ổ USB đó phải giữ gìn, không cắm linh tinh vào các máy khác.

Chỉnh sửa, cài đặt thêm phần mềm cho Ubuntu 10.04

Chỉnh sửa, cải đặt thêm phần mềm cho Ubuntu 10.04

I. Ubuntu Start

Ubuntu Start là một trình script (tập hợp các lệnh lần lượt chạy tự động giống các trình bat trong Windows) làm các việc sau:

a- Chỉnh sửa một số thứ:

  • Đổi các nút điều khiển màn hình từ trái sang phải (Karmic style)

  • Đổi hành vi Update sang kiểu của Jaunty (chưa rõ cái này là gì)

  • Bỏ biểu tượng các partition đã mount trên desktop.

  • Tắt nhạc khi login.

  • Bật các biểu tượng (icon) trong menu và nút lệnh.

  • Tắt danh sách các user trên màn hình login.

  • Gỡ bỏ gói ubuntu-docs (giải phóng được 252MB)

  • Đổi ngày đầu tiên của lịch tuần từ Chủ nhật sang thứ Hai.

  • Downloads, cài và cấu hình một số font của Windows. Site download font ở đây có tốc độ nhanh nên việc cài font nhanh hơn nhiều so với cài bằng ubuntu-restricted-extra.

  • Sửa lỗi bị trễ của lệnh ‘apt-get update’ đối với các kho phần mềm Google.

  • Tự động mount các partition NTFS khi khởi động.

b- Cài đặt thêm các phần mềm

  • Bổ xung thêm các kho phần mềm (repositories): Ubuntu restricted, extras, Medibuntu, Getdeb, Dropbox (nếu chọn cài Dropbox)

  • Cài thêm các phần mềm sau từ kho: GIMP, Pidgin, WINE, Chromium browser, Gnome Do, Guake, VLC media player, Mplayer, SMplayer, Thunderbird, Dropbox, Codecs (multimedia, java, flash), nén và giải nén một số định dạng khác, DVD support and fonts, Ubuntu Tweak, Deluge Torrent, CompizConfig Settings Manager (CCSM), các công cụ phát triển phần mềm (build-essential, Subversion, GIT, v.v…. ).
    Trong đó: GIMP bị bỏ khỏi Ubuntu 10.04 vì cho rằng quá phức tạp với người dùng bình thường, Pidgin bị bỏ thay bằng Empathy. VLC và Mplayer là hai trình xem phim, nghe nhạc hỗ trợ nhiều codecs nhất hiện nay. CCSM là trình quản lý các hiệu ứng màn hình Compiz. Các phần mềm trên có màn hình cho chọn cài.

  • Tải từ ngoài kho và cài: Google Chrome browser (sẽ tải bản 32 hoặc 64 bit tùy theo bản Ubuntu), các theme chính thức có smiley của Pidgin, Flash Player for 64bit mới nhất từ website của Adobe, Skype (32 hoặc 64bit, theo bản Ubuntu), một số theme cho Ubuntu từ bộ theme bisigi đã nói ở đây.

c- Cách dùng:

Mở Synaptic Package Manager xem đã cài gói zenity chưa. Nếu chưa thì chọn cài. Zenity cung cấp giao diện đồ họa cho các lệnh chạy trong terminal như sẽ thấy dưới đây.

Tải gói ubuntu-10.04-start.tar.gz từ đây về. Sau khi tải xong, nhấn phím phải chuột vào file đó, chọn Extract Here để giải nén nó ra thành thư mục ubuntu-10.04-start.

Mở terminal, chuyển đến thư mục trên (ví dụ: cd  /home/zxc/ubuntu-10.04-start ) rồi chạy lệnh:

sudo ./ubuntu-10.04-script

Khi màn hình sau xuất hiện:

Chọn các mục muốn thay đổi trong màn hình trên rồi OK. Màn hình tiếp theo xuất hiện:

Chọn hoặc bỏ chọn các phần mềm rồi OK. Quay lại màn hình terminal để theo dõi quá trình thực hiện các lệnh. Một lúc sau thì có màn hình này:

Chọn một vài kiểu docbar muốn dùng rồi OK. Lại quay lại màn hình terminal để theo dõi. Lâu nhất là quá trình tải và cài các theme Bisigi (10 theme). Khi cài xong xuất hiện màn hình sau:
Chọn độ phân giải màn hình cho theme Bisigi rồi OK. Theo dõi tiếp màn hình terminal. Khi kết thúc sẽ có màn hình sau:
Trên màn hình Terminal, dấu nhắc lệnh xuất hiện. Đóng màn hình lại. Xong.
Nếu bạn thạo scripts có thể mở file ubuntu-10.04-script trong thư mục nói trên bằng một trình soạn văn bản (gedit chẳng hạn) rồi sửa lại theo ý mình.

II. Perfectbuntu 5

Perfectbuntu (đã giới thiệu tại đây) cũng là dạng script như Ubuntu Start với các mục đích tương tự, nhưng chỉ có cài thêm phần mềm, không có phần chỉnh sửa như Ubuntu Start (trừ việc chuyển nút điều khiển màn hình sang bên phải). Phiên bản dành cho Ubuntu 10.04 xem tại đây. Tôi xem qua thì nội dung có vẻ không đầy đủ bằng Ubuntu Start.

P/S: Sorry, tôi post bài này lên xong mới biết trên diễn đàn Ubuntu Việt đã có rồi.

Cài máy in Canon dùng driver CAPT trong Ubuntu từ 9.04 đến 10.04 (32 và 64bit)

Một số máy in Canon sau đây: LBP-1120, 1210, 2900, 3000, 3200, 3210, 3300, 3500, 5000, 5100, 5300. dùng chung một driver CAPT của chính hãng. Driver này miễn phí nhưng nguồn đóng nên thường không được cài sẵn trong các bản Linux.

CHÚ Ý: driver CAPT chỉ dùng được khi máy in nối với máy tính qua cổng USB. Hướng dẫn đưới đây dùng được cả cho hai bản Ubuntu 32 và 64bit từ 9.04 đến 10.04

Một số máy in Canon khác (LBP1000, …) đã có sẵn driver trong Linux thì không cần theo hướng dẫn này.

Tải file raducotescu-CanonCAPTdriver-8a9e415.tar.gz từ đây .

Giải nén file trên thành thư mục raducotescu-CanonCAPTdriver-8a9e415, mở terminal tại thư mục đó rồi chạy lệnh sau:

sudo   ./canonLBP_install.sh LBP2900

CHÚ Ý: lệnh trên viết ví dụ cho máy in LBP2900, khi cài cho các máy khác phải thay ký hiệu tương ứng. Với hai loại máy 1120 và 1210, có dấu gạch ngang ở giữa: LBP-1120, LBP-1210, các máy khác viết liền: LBP2900, LBP3300, v.v….

Khi lệnh kết thúc, bật máy in lên rồi khởi động lại máy tính. Nhấn vào menu Systems -> Administration -> Printing ta sẽ thấy có hai máy in LBP2900 và LBP2900-2. Máy thứ hai LBP2900-2 do Ubuntu tự cài không dùng được, nhấn phím phải chuột vào nó rồi bỏ chọn Enabled. để Disabled nó đi.

Nhấn tiếp phím phải vào máy LBP2900, chọn hai mục là EnabledSet as Default. Nhấn phím phải chuột lần nữa, chọn Propeties, đặt các options cần thiết rồi nhấn nút Print a test page.

Một số chi tiết khác xem thêm ở đây. Thực chất file sh mà ta vừa chạy ở trên là một chương trình scripts tự động thực hiện các bước trước đây vẫn làm thủ công (xem tại đây). Nhanh và tiện hơn rất nhiều!

Tôi đã cài thử cho hai máy tính khác nhau với: LinuxMint 9 + LBP2900 và Ubuntu 10.04 + LBP-1210 đều tốt.

Update 18/10/2010: tin buồn là script này không dùng được cho Ubuntu 10.10, đang chờ tác giả fix lỗi. Xem thêm tại đây.

Update 16/11/2010: cách này đã dùng được với Ubuntu 10.10

Ubuntu 10.04 và các lỗi đã được xác nhận (tiếp theo)

Known Ubuntu 10.04(Lucid Lynx) issues/bugs with workarounds

Ngoài lỗi bản thân tôi đã gặp nêu ở đây, còn một số vấn đề hoặc lỗi khác nêu trong bài này. Tôi dịch và sửa lại đôi chút cho dễ làm hơn.

1-Đổi kiểu thanh địa chỉ của Nautilus

Thanh địa chỉ của Nautilus có hai dạng như hình trên. Dạng trên là kiểu “mẩu bánh mỳ” – breadcrumbs, dạng dưới là text. Trong các bản Ubuntu trước, chuyển đổi hai dạng này đơn giản bằng một cú kích chuột. Đến Ubuntu 10.04 để mặc định là dạng breadcrumbs và không kích chuột chuyển đổi được.

Muốn đổi từ dạng breadcrumbs sang text, nhấn cặp phím Ctrl+L. Từ text chuyển về breadcrumbs nhấn phím Esc.

Để đổi hẳn sang dạng text, nhấn Alt +F2 rồi chạy lệnh gconf-editor. Trong màn hình xuất hiện, ở cột bên trái tìm đến apps>nautilus> preferences rồi đánh dấu chọn mục always_use_location_entry ở cột bên phải.

2-Chuyển các nút điều khiển cửa sổ từ trái sang phải

Trong Ubuntu 10.04, các theme Ambiance (mặc định), Radiance và Dust có ba nút điều khiển cửa sổ đặt ở bên trái (giống MacOS). Các theme cũ vẫn để ba nút đó ở bên phải. Người sáng lập ra Ubuntu, Mark Shuttleworth, nói là để dành chỗ bên phải để tương lai sẽ đặt một cái gì đó vào đấy.

Có hai cách đổi các nút đó về bên phải. Cách 1 dùng gconf-editor như đã nói ở đây. Cách 2 làm như sau (giả sử ta định dùng theme Radiance):

1. System > Preferences > Appearance

2. Trong tab Theme chọn “New Wave” hoặc một theme cũ nào đó.

3. Nhấn vào nút “Customize..”

4. Chọn tab “Controls” rồi chọn “Radiance”

5. Chọn tab “Window border” rồi chọn “Radiance”

6. Chọn tab “Icons” rồi cuốn xuống dưới chọn “Ubuntu-mono-dark” rồi nhấn Close.

7. Chọn “Save as” rồi đặt tên theme mới nếu muốn.

Cách 2 không ảnh hưởng đến các theme sau này.

3-Một số touchpad không cuốn được màn hình

Mở terminal , chạy lệnh sudo nano /etc/modprobe.d/options rồi thêm dòng sau vào file options:

options psmouse proto=imps

Reboot lại máy.

4-Logo Ubuntu bị xấu khi khởi động

Sau khi cài các driver nguồn đóng chính hãng của các card màn hình Nvidia hoặc ATI (System>Administration>Hardware Drivers), logo Ubuntu lúc khởi động máy vừa to vừa xấu. Có hai cách khắc phục: chỉnh lại logo cho đẹp hoặc bỏ hẳn nó đi. Dưới đây là cách chỉnh logo.

1- Mở terminal (Applications>Accessories>Terminal)

2- Chạy lệnh sudo apt-get install v86d để cài gói v86d

3- Chạy tiếp lệnh sudo nano /etc/default/grub. (nếu chưa có nano thì sudo apt-get install nano). Trong màn hình trình soạn thảo gedit, dùng chuột bôi đen dòng sau đây (dòng 9):

GRUB_CMDLINE_LINUX_DEFAULT=”quiet splash”

Copy dòng dưới đây:

GRUB_CMDLINE_LINUX_DEFAULT=”quiet splash nomodeset video=uvesafb:mode_option=1280×1024-24,mtrr=3,scroll=ywrap”

rồi quay lại màn hình nano, vào menu Edit>Paste dán dòng vừa copy đè lên dòng đã bôi đen.

4- Vẫn trong màn hình nano, tìm đến dòng thứ 18:

#GRUB_GFXMODE=640×480

Xóa dấu # ở đầu và sửa hai số sau thành như sau:

GRUB_GFXMODE=1280×1024

5- Nhấn nút Save của gedit để lưu các sửa đổi trên lại rồi đóng màn hình.

6- Trong màn hình terminal chạy lệnh sau:

sudo nano /etc/initramfs-tools/modules

Trong màn hình nano, thêm dòng sau vào cuối file modules đang mở:

uvesafb mode_option=1280×1024-24 mtrr=3 scroll=ywrap

rồi Save và đóng màn hình lại.

7- Quay lại màn hình terminal, copy lệnh dưới đây dán vào terminal rồi Enter:

echo FRAMEBUFFER=y | sudo tee /etc/initramfs-tools/conf.d/splash

8- Vẫn trong màn hình terminal, chạy lần lượt hai lệnh:

sudo update-grub2

sudo update-initramfs -u

9- Reboot máy tính. Logo bây giờ sẽ gọn và đẹp.

Chú ý: các lệnh trên chỉ đúng với bootloader của Ubuntu 10.04 là grub2. Nếu đã thay grub2 bằng một bootloader khác thì trước khi thực hiện các bước trên phải cài lại grub2 bằng các lệnh sau trong terminal:

sudo apt-get remove grub

sudo apt-get install grub-pc

sudo grub-install /dev/sda

sudo update-grub2

5-Một số lỗi về card màn hình đã nêu trong Release Note

Để biết card màn hình đang dùng là loại nào, mở terminal (Applications>Accessories>Terminal) rồi chạy lệnh:

$ lspci -nn | grep VGA

Ví dụ kết quả của lệnh là:

00:02.0 VGA compatible controller [0300]: Intel Corporation 82852/855GM Integrated Graphics Device [8086:3582] (rev 02)

như vậy card màn hình là Intel 82852/855GM

Ngoài lỗi màn hình đen đã nói ở đây, trong Release Note còn nêu một số lỗi khác và cách khắc phục như sau:

a- Các cửa sổ bị lỗi khi dùng card ATI cũ (dưới 32MB RAM).

1- Mở terminal (Applications>Accessories>Terminal)

2- Chạy lệnh sudo service gdm stop

3- Chạy tiếp lệnh sudo Xorg -configure để cấu hình lại card màn hình.

4- Chạy lệnh sudo nano /etc/X11/xorg.conf để mở file xorg.conf. Trong màn hình gedit, thêm dòng Option “RenderAccel” “off” vào như sau:

Section “Device”

Driver “radeon”

Option “RenderAccel” “off”

EndSection

Save file và đóng màn hình gedit.

5- Trong màn hình terminal chạy tiếp lệnh sudo service gdm start

6- Khởi động lại máy.

b- Lỗi với card NVIDIA khi dùng driver của hãng.

Các driver card NVIDIA tải về từ site của hãng không dùng được. Người dùng nên cài driver qua System>Administration>Hardware Drivers.

c- Lỗi màn hình đen với card Intel i8xx

Các card màn hình Intel i845, i855 và một số loại i8xx khác bị lỗi màn hình đen. Ngoài cách đã nói ở đây, còn một số cách khắc phục lỗi khác .

CHÚ Ý: vì chưa biết nguyên nhân chính xác, nên không có một cách duy nhất. Các cách dưới đây có thể đúng cho từng trường hợp cụ thể.

Cách A: Kích hoạt lại KMS

Trong Ubuntu 10.04, KMS (Kernel Mode Settings) được disable đối với các card màn hình i8xx. Nếu các phiên bản Ubuntu trước, bạn không gặp lỗi màn hình đen thì có thể việc disable đó là nguyên nhân.

Để kích hoạt (enable) KMS, chạy lần lượt hai lệnh sau rồi khởi động lại máy:

echo options i915 modeset=1 | sudo tee /etc/modprobe.d/i915-kms.conf

sudo update-initramfs -u

Cách B: Chuyển sang dùng driver vesa

1- Mở terminal rồi chạy lệnh sudo nano  /etc/X11/xorg.conf

2- Copy rồi paste đoạn dưới đây vào file đang mở:

Section “Device”

Identifier “Configured Video Device”

Driver “vesa”

EndSection

Section “Monitor”

Identifier “Configured Monitor”

EndSection

Section “Screen”

Identifier “Default Screen”

Monitor “Configured Monitor”

Device “Configured Video Device”

EndSection

Chuyển sang dùng vesa khắc phục được 100% lỗi treo màn hình nhưng làm mất các tính năng 3D accelerated, video accelerated, HD resolution, …

Cách C: hạ cấp xuống dùng driver 2.8.0 -intel DDX driver

Driver 2.8.0 có tại x-retro PPA:

https://edge.launchpad.net/~ubuntu-x-swat/+archive/x-retro

Một số người thấy driver này tốt hơn bản 2.9 nhưng cũng có một số ảnh hưởng. Xem thêm tại ubuntugeek

Cách D: dùng kernel đời cũ

Bản kernel hiện tại là 2.6.32.21. Dùng lùi xuống một vài bản cũ hơn (chọn trên menu khởi động) có thể khắc phục lỗi hoàn toàn.

Cách E: Disable DRI

1- Nhấn Alt+F2 rồi chạy lệnh sau gksu gedit /etc/X11/xorg.conf:

2- Copy rồi paste đoạn dưới đây vào file đang mở:

Section “Device”

Identifier “Configured Video Device”

Driver “intel”

Option “DRI” “off”

EndSection

Cách này tắt mất 3D acceleration và đồ họa chậm hơn.

Cách F: dùng UXA Rendering

Tôi kích hoạt KMS, theo Cách A ở trên rồi theo cách “The Solution” “Method 2” tại địa chỉ này:

http://www.ubuntugeek.com/intel-graphics-performance-guide-for-ubuntu-904-jaunty-users.html

có kết quả tốt.

Card intel VGA của tôi là:

$ lspci -nn | grep VGA

00:02.0 VGA compatible controller [0300]: Intel Corporation 82852/855GM Integrated Graphics Device [8086:3582] (rev 02)

Ubuntu 10.04 và các lỗi đã được xác nhận.

Ubuntu 10.04 và các lỗi đã được xác nhận.

Ubuntu 10.04 vừa ra đời bản chính thức. Về nguyên tắc, đây là bản hỗ trợ dài hạn (LTS) nên các tính năng, phần mềm chọn trên cơ sở tin cậy, ổn định, đã thử suốt từ bản 8.04 đến nay chứ không thiên về các tính năng mới (tuy vẫn có).

Tuy vậy, mới cài thử đã gặp một số lỗi giật mình (nhiều hơn cả bản Beta 2). Vì vậy cần phải đọc trước Release Notes để xem các lỗi đã được Ubuntu chính thức xác nhận. Dưới đây điểm vài lỗi cần quan tâm.

1. Boot options không xuất hiện khi boot từ CD

Muốn cho nó xuất hiện (ví dụ để chữa lỗi 2. hoặc lỗi 3. dưới đây), khi tới màn hình Splash có hình bàn phím ở đáy màn hình, nhấn một phím bất kỳ, các options sẽ xuất hiện.

2. Lỗi phần mềm cài đặt (Installer)

Khi boot từ đĩa CD, gặp thông báo lỗi “ The installer encountered an unrecoverable error. A desktop session will now be run so that you may investigate the problem or try installing again”. Tức là đáng lẽ khởi động ngay vào chế độ cài đặt, nhưng bị lỗi nên sẽ khởi động vào Live session. Cứ để yên, Ubuntu sẽ khởi động tiếp vào Live session và sau đó có thể nhấn vào icon Install Ubuntu để cài tiếp.

Release Notes nói lỗi này chỉ “sometimes”, xảy ra trên một số máy và khuyên nên khởi động lại, khi tới màn hình Splash có hình bàn phím ở dưới đáy màn hình, nhấn phím bất kỳ rồi chọn “Try Ubuntu without installing” để khởi động vào Live session.

3. Lỗi “màn hình đen” với card màn hình Intel

Trên máy Dell 700m cổ kính của tôi (card màn hình Intel 82852/855 GM), boot bằng đĩa CD dẫn đến “ màn hình đen” rồi đứng im luôn. Bản Ubuntu 10.04 RC sau khi upgrade lên kernel mới nhất (2.6.32.21) cũng bị tương tự, phải khởi động lùi lại kernel cũ hơn một đời. Trên máy để bàn mới hơn (cũng card màn hình Intel onboard) thì không bị các lỗi trên.

Release Notes thông báo rằng “Ubuntu 10.04 dùng công nghệ mới ‘ kernel-mode-settings – KMS’ tức là kernel sẽ cấu hình card màn hình (về KMS xem thêm tại đây). Đây được coi là một bước tiến lớn trong kiến trúc đồ họa nhưng trong những trường hợp hiếm hoi có thể hình không tốt hoặc không có hình. Cách chữa:

  • Khi boot, cho hiện boot option như đã nói ở mục 1. , thêm option nomodeset.

  • Khi cài xong, mở file /etc/default/grub thêm từ nomodeset vào GRUB_CMDLINE_LINUX , rồi chạy lệnh sudo update-grub”

Hướng dẫn nói trên nghĩa là không cho kernel cấu hình card màn hình nữa. Tôi làm đúng như vậy nhưng vẫn không tài nào boot được vào đến Desktop. Dùng cả driver vesa theo hướng dẫn ở đây cũng không xong. Luôn là “màn hình đen” chết chóc. Sau một hồi lọ mọ thì ra chiêu này:

  • Khi khởi động vào đến màn hình splash (có hai biểu tượng chữ nhật và tròn ở đáy màn hình) thì nhấn phím bất kỳ để làm xuất hiện boot menu (lỗi 1 đã nói ở trên). Nếu có màn hình chọn ngôn ngữ thì chọn English rồi Enter để quay về màn hình có boot menu.

  • Nhấn F6 để edit options. Nhấn tiếp phím Esc để thoát menu. Trong hàng thứ hai từ dưới lên, sau hai dấu gạch ngang ( quiet splash - - ), cách một dấu cách thêm i915.modeset=1 vào rồi Enter.

  • Ubuntu sẽ khởi động vào được đến màn hình Desktop để có thể nhấn vào Install Ubuntu mà cài. Khi cài xong, đừng khởi động lại vội. Dùng cách đã nói ở đây (mục 3. Sửa file /boot/grub/grub.cfg) để thêm i915.modeset=1 vào vị trí sau hai từ quiet splash của menu entry đầu tiên (Ubuntu, with Linux 2.6.32-21-generic) như sau:

  • menuentry ‘Ubuntu, with Linux 2.6.32-21-generic‘ –class ubuntu –class gnu-linux –class gnu –class os {
    recordfail
    insmod ext2
    set root='(hd0,9)’
    search –no-floppy –fs-uuid –set 4946c6ac-e16a-4ccf-b050-42ae00b60de0
    linux    /boot/vmlinuz-2.6.32-21-generic root=UUID=4946c6ac-e16a-4ccf-b050-42ae00b60de0 ro   quiet splash  i915.modeset=1
    initrd    /boot/initrd.img-2.6.32-21-generic
    }
  • Sau khi thêm trong màn hình nano, nhấn Ctrl+o để save, Ctrl+x để thoát. Khởi động lại máy.

Như vậy lỗi ở đây ngược với lỗi thông báo trong Release Notes. Các loại card màn hình Intel dùng driver i915 (xserver-xorg-video-intel) mặc định đã không được cấu hình bằng kernel, do vậy bị lỗi. Muốn sửa phải đặt lại cho kernel cấu hình nó (i915.modeset=1)! Và lỗi này là của kernel 2.6.32.21 generic chứ không phải lỗi hệ điều hành. (xem thêm tại đây )

Còn một số lỗi nữa với card ATI , nVidia trong Release Note và các loại lỗi khác nữa nhưng hiếm gặp hơn.

Lướt qua các diễn đàn và các site báo lỗi của Fedora, Ubuntu, ... thấy lỗi card màn hình rất sôi nổi. Có lẽ phải làm bữa nhậu với cụ Gúc để tìm hiểu kỹ hơn vụ này.

4. Lỗi lúc cài xong, restart lại máy

Khi cài xong, restart lại máy đến lúc ổ đĩa CD mở ra thì trên màn hình xuất hiện một loạt thông báo lỗi “I/O error”. Lỗi này do ổ đĩa CD đã mở rồi nhưng phần mềm còn cố đọc trên đĩa, không tìm thấy mới la lên như thế. Cứ Enter là xong.

Ubuntu XP

Một công ty Trung quốc, YLMF Computer Technology Co., Ltd, vừa cho ra đời một phiên bản Ubuntu 9.10 đặt tên là Ylmf OS có giao diện giống hệt Windows XP.

Giao diện quen thuộc như trên sẽ rất thuận tiện nếu bạn muốn phổ biến Linux cho những người dùng bình thường, đỡ những bỡ ngỡ ban đầu phải tìm hiểu và làm quen,

Chỉ đỡ thôi, vì các ứng dụng vẫn là nguồn mở: Ubuntu, OpenOffice, Firefox, Pidgin v.v…. với giao diện vốn có của chúng. Ví dụ OpenOffice

Chi tiết xem thêm và download về tại đây.

Ubuntu 10.04 Beta 1

Ubuntu 10.04 Beta 1

Bản Ubuntu 10.04 Beta 1 vừa công bố hôm 19/3/2010. Theo lịch thì đến 29/4/2010 sẽ có bản chính thức. Tôi cài thử và điểm nhanh vài nét mới dưới đây.

Đây là bản hỗ trợ dài hạn

Cứ hai năm một lần, Ubuntu có một bản hỗ trợ dài hạn (LTS – Long Term Support). Một bản LTS sẽ có 3 năm hỗ trợ cho máy để bàn và 5 năm hỗ trợ cho máy chủ (tất cả đều miễn phí). Các bản không phải LTS chỉ được hỗ trợ 18 tháng. Trong thời hạn hỗ trợ, các gói phần mềm nâng cấp cần thiết, nhất là về an ninh, sẽ có trong các kho phần mềm để người dùng tự update.

Vì là bản LTS nên các tính năng được chọn sẽ thiên về ổn định chứ không phải mới. Bản LTS trước của Ubuntu là 8.04.

LTS là những bản rất phù hợp cho các tổ chức sử dụng trong công việc, tránh phải nâng cấp lên phiên bản mới 6 tháng một lần.

Giao diện

GNOME 3 đến cuối năm mới có nên hiện tại vẫn là GNOME 2.29. Nhưng Kubuntu thì đã dùng KDE SC 4.4 với nhiều tính năng mới, nhất là Nepomuk. Tất nhiên là nếu muốn, cài KDE lên Ubuntu được. (KDE mới đổi tên thành KDE Software Compilation – KDE SC).

Bản GNOME (Ubuntu) dùng một theme mới (Ambiance), màu đen, đẹp hay không thì tùy mắt từng người, nhưng hơi tối. Ngoài ra còn một theme mới nữa là Radiance sáng sủa hơn. Cả hai theme này đều khá hơn các theme cũ. Xem trước các màn hình Ubuntu tại đây.

Các cửa sổ màn hình có một thay đổi mà chắc nhiều người không thích: ba nút phóng to, thu nhỏ và đóng màn hình chuyển sang bên trái. Để sửa lại như cũ (chuyển về bên phải) làm như sau:

  • Nhấn Alt+F2 rồi chạy lệnh gconf-editor

  • Trong màn hình mới, tìm đến đến apps → metacity → general rồi sửa hàng button_layout thành menu:minimize,maximize,close . Chú ý gõ đúng như vậy, sau từ “close” không có dấu cách. Gõ xong, nhấn phím Tab. Nếu gõ đúng, các nút sẽ lập tức chuyển sang bên phải.

  • Sửa xong, nhấn phím Tab để con trỏ chuyển xuống hàng dưới rồi đóng màn hình lại (không phải save)

Tiếng Việt

Cả scim-unikey và ibus-unikey đã có sẵn trong kho phần mềm! Chỉ cần chọn một trong hai gói đó cài, các gói liên quan sẽ cài theo.

Mới thử sơ qua thì cài đặt trơn tru và gõ được tiếng Việt trong Firefox, OpenOffice. Tôi dùng scim-unikey vì ibus-unikey vẫn chưa bỏ được phím kết thúc từ, sơ ý là mất từ đã gõ.

Dù sao gõ được cũng là may rồi. Mỗi lần có phiên bản Linux mới là nơm nớp lo về bộ gõ.

Các phần mềm ứng dụng mới nhất

Nhiều phần mềm dùng phiên bản mới nhất: kernel 2.6.32, Firefox 3.6, OpenOffice 3.2 (các phiên bản tương ứng của Ubuntu 9.10 đều cũ hơn.)

Có tài liệu hướng dẫn chính thức (manual)

Tải về tại đây, nhưng mới là bản alpha.

Khởi động nhanh hơn

Quá trình khởi động bỏ hoàn toàn HAL ( hardware abstraction layer – lớp trừu tượng phần cứng, trung gian giữa nhân Linux và các phần cứng). Do đó sẽ khởi động nhanh hơn.

Thực tế tắt thì nhanh, khởi động thì không rõ lắm.

Hỗ trợ đăng nhập mạng Windows Active Directory bằng các phiên bản likewise-open mới nhất.

Likewise-open là gói phần mềm cho phép các máy Linux đăng nhập được vào một mạng Windows Active Directory. Phiên bản dùng trong Ubuntu 10.04 là 5.4 (trong Ubuntu 9.10 là 4.1).

Tích hợp các mạng xã hội

Trong menu Applications → Internet có trình Gwibber, dùng xem và post lên các mạng xã hội như Twitter, Facebook, indenti.ca, v.v… không phải mở trình duyệt web.

Ubuntu One thêm vài tính năng mới.

Có thể đồng bộ và share một thư mục bất kỳ trong Home, không nhất thiết phải là thư mục Ubuntu One (nhấn phím phải chuột vào thư mục đó, chọn Synchronize on Ubuntu One). Trong tương lai, sẽ đồng bộ được Bookmarks và Contacts.

Sẽ có một kho nhạc online kiểu iTunes. Khi mua bài nào, bài đó sẽ được tự động chuyển vào kho Ubuntu One của người mua và do đó sẽ có trên mọi máy của người đó. Các bài hát đó cũng sẽ xuất hiện trong Rhythmbox.

Tải về

Kho của FPT ( http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/) đã có bản beta này, tải về khá nhanh.

Để upgrade từ 8.04 hoặc 9.10, nhấn Alt+F2 để chạy lệnh update-manager  -d , rồi nhấn Upgrade trong màn hình xuất hiện.

MacOS-X Aqua theme – một theme đẹp cho Ubuntu (và các bản Linux GNOME)

MacOS-X Aqua theme – một theme đẹp cho Ubuntu (và các bản Linux GNOME).

Giao diện của MacOS vốn nổi tiếng là đẹp. Trên site gnome-look.org có MacOS-X Aqua Theme mô phỏng theme của MacOS dành cho các bản Linux dùng GNOME. Theme này được công bố từ năm 2004, đến nay đã là phiên bản 1.2.1, có hơn 1,6 triệu lần download, không thấy kêu ca gì chắc là không có virus.

Cách cài như sau:

  1. Tải từ Mediamax hoặc Skydrive (link ở góc trên bên phải màn hình blog) về ba file: Gnome_MacOS-X_Aqua_Theme_20040730.tar.gz, Gnome_MacOS-X_Aqua_Wallpapers.zip, Gnome_MacOS-X_Icon_Theme_20040730.tar.gz.

  2. Giải nén file Gnome_MacOS-X_Aqua_Theme_20040730.tar.gz thành thư mục MacOS-X . Cut rồi Paste toàn bộ thư mục đó vào trong thư mục ẩn /home/ <username> /.themes (vd: /home/zxc/.theme/MacOS-X).

  3. Giải nén file Gnome_MacOS-X_Icon_Theme_20040730.tar.gz thành thư mục MacOS-X. Cut rồi Paste toàn bộ thư mục đó vào thư mục ẩn /home/ <username> /.icons .

  4. Giải nén file Gnome_MacOS-X_Aqua_Wallpapers.zip thành thư mục Wallpapers_Gnome_MacOS-X_Aqua . Thư mục này có thể đặt ở đâu tùy ý.

  5. Vào menu System → Preferences → Appearance → Theme rồi chọn theme MacOS-X.

  6. Cũng trong màn hình Appearance, vào tab Background rồi Add thêm các wallpapers trong thư mục Wallpapers_Gnome_MacOS-X_Aqua

Theme này khá đẹp và sang trọng, giống kiểu theme của KDE4, không “ chân quê” như theme mặc định của Ubuntu nhưng chạy có vẻ hơi chậm hơn (tất nhiên rồi!).

Tôi chưa dùng nhiều nên không biết có lỗi gì không.

Dọn dẹp Ubuntu (và các bản Linux khác)

Dọn dẹp Ubuntu (và các bản Linux khác)

(Dưới đây lấy ví dụ cho Ubuntu và cũng có  thể áp dụng cho các bản Linux khác)

Sau một hồi cài thêm, gỡ bỏ, cập nhật phần mềm và cả trong quá trình sử dụng bình thường, trong Ubuntu xuất hiện nhiều rác.

I. Bleachbit

Bleachbit là một chương trình dọn dẹp được khá nhiều loại rác. Sau khi cài đặt từ kho phần mềm của Ubuntu, nó xuất hiện trong menu Applications → System Tools dưới hai tên: Bleachbit và Bleachbit (as root).

Nếu chạy Bleachbit theo quyền của một user thường, sẽ chỉ xóa được những dữ liệu cá nhân của user đó: các dữ liệu của Firefox, OpenOffice, GIMP, Flash, Adobe Reader,…. Một số mục trong phần System nhưng nằm ở thư mục Home của user cũng xóa được.

Đặc biệt trong phần Firefox có mục Vacuum dùng để giảm phân mảnh cơ sở dữ liệu của Firefox, làm cho trình duyệt chạy nhanh hơn sau một thời gian sử dụng. Firefox có đến 10 cơ sở dữ liệu SQLite chứa các loại dữ liệu khác nhau. Ngoài cách dùng Bleachbit, còn có thể dùng add-ons SpeedyFox để dọn (xem thêm tại đây).

Để dọn các phần thuộc về hệ thống, phải chạy Bleachbit (as root). Sau khi nhập password, màn hình Bleachbit cũng tương tự như trên (không có các mục liên quan đến user như Firefox, OpenOffice, KDE, …), trong đó:

APT: gồm các mục con:

  • clean để xóa tất cả các file cài đặt, cập nhật đã tải về từ Internet còn lưu trong thư mục /var/cache/apt/archives. Lệnh thực hiện là sudo apt-get clean. Những file này khá lớn, giải phóng được nhiều dung lượng ổ cứng.

  • autoremove để xóa các file “mồ côi – orphan” không có phần mềm nào cần đến nó. Lệnh thực hiện là sudo apt-get autoremove.

  • Autoclean: như clean nhưng chỉ xóa những file có version cũ, để lại file mới nhất.

System: có mấy mục đáng chú ý:

  • Cache: xóa dữ liệu trong thư mục ẩn /root/.cache

  • Broken desktop files: xóa các menu của các chương trình đã xóa và liên kết đến các loại file của chương trình đó.

  • Free disk space: ghi đè dữ liệu rỗng lên vùng các file đã xóa.

  • Localizations: xóa tất cả các loại file ngôn ngữ không cần thiết, chỉ để lại các file ngôn ngữ đã chọn trong Edit → Preferences → Languages.

  • Temporary Files: các file tạm lưu trong /tmp.

Sau khi đánh dấu chọn các mục cần thiết, nhấn nút Preview để xem trước danh sách các file sẽ xóa (xem hình trên) rồi nhấn nút Delete để xóa.

Bleachbit dùng được cả cho Windows, Mandriva, Fedora, OpenSUSE, …, tải về tại đây.

II. Wajig

Wajig là chương trình không chỉ để dọn dẹp các file thừa khi cài đặt, gỡ bỏ mà còn để cài đặt, chữa lỗi cài đặt, cập nhật, xem danh sách file, v.v… khá nhiều việc xung quanh việc cài và gỡ phần mềm.

Wajig có trong kho phần mềm của Ubuntu. Sau khi cài, nhấn Alt+F2 rồi chạy lệnh gjig. Màn hình như sau:

Mỗi nút trên màn hình ứng với một lệnh, khi nhấn sẽ có một cửa sổ terminal hiện lên thực hiện lệnh đó. Di con trỏ vào từng nút sẽ có mô tả lệnh xuất hiện.

III. Gỡ bỏ các Linux kernel cũ

Ubuntu 9.10 khi mới cài có nhân Linux version 2.6.31-14, trên boot menu dòng lệnh tương ứng là Ubuntu, Linux 2.6.31-14 generic.

Sau nhiều lần cập nhật, cho đến nay phiên bản nhân là 2.6.31-20, mỗi lần cập nhật, nhân cũ không bị xóa, vẫn có một giòng lệnh trên boot menu. Nếu nhân mới có gì trục trặc, vẫn có thể chọn khởi động vào một trong các nhân cũ đã hoạt động tốt.

Nếu phiên bản nhân mới nhất hoạt động tốt trên máy của bạn, có thể xóa các nhân cũ đi như sau:

  • Vào menu System → Adminstration → Synaptic Package Manager

  • Trong màn hình của Synaptic, gõ vào ô Quick Search từ “kernel”, nhấn tiếp vào từ Package ở cột Package để xếp thứ tự gói theo abc rồi tìm và đánh dấu Mark for Complete removal tất cả các gói linux-headers-2.6.31.x, linux-headers-2.6.31.x-generic, linux-image-2.6.31-x, linux-image-2.6.31-x-generic với x=14-19 đã cài, chỉ để lại các gói mới nhất 2.6.31-20. Gỡ bỏ các gói này giải phóng được khoảng 600-900MB ổ cứng.

  • Sau đó khởi động lại, trên boot menu sẽ chỉ còn hai hàng ứng với phiên bản nhân mới nhất.

Năm bản Linux hay dựa trên Ubuntu

Năm bản Linux hay dựa trên Ubuntu.

Christopher Smart

Wednesday, February 10th, 2010

( Linux có cái hay là có thể dựa trên một bản có sẵn, sửa đổi thành một bản mới. Ubuntu dựa trên nền Debian. Hiện có hàng chục bản Linux khác dựa trên nền Ubuntu, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là Linux Mint. Dưới đây là một vài bản độc đáo và mới).

I. DEFT (Digital Evidence & Forensic Toolkit)

DEFT là bản Linux 32bit dùng điều tra các bằng chứng pháp lý số hóa ( tương tự như CAINE đã giới thiệu ở đây)

DEFT là bản live CD, có môi trường đồ họa dựa trên LXDE (Lightweight X11 Desktop Environment) và bộ công cụ các phần mềm nguồn mở để tìm kiếm, phân tích các bằng chứng số như DHash, Sleuthkits’s Autopsy, ophcrack, ClamAV, Wireshark, Gigolo, Nessus v.v….

DEFT desktop
DEFT desktop

II. Element

Element là bản Linux 32 bit dành cho các máy tính PC chuyên chơi các file multimedia (home theatre PC) trên màn hình TV. ( Tức là thay cho đầu đĩa CD/DVD, dùng máy tính làm đầu chơi file multimedia có trên ổ cứng, hiển thị ra màn hình TV).

Element được thiết kế để chạy trên các máy PC đặt trong phòng khách, kết nối với màn hình TV độ phân giải cao, điều khiển bằng bộ điều khiển từ xa của TV. Điểm đặc biệt của Element là nó hỗ trợ giao diện 10 feet, ( một loại giao diện đồ họa đặc biệt trong đó font, các nút bấm, các menu hiển thị trên các màn hình TV cỡ lớn phải đủ lớn sao cho đứng cách xa 10 feet (3 mét) cũng nhìn rõ). Môi trường đồ họa của Element là Xfce4.

Element's ten foot user interface
Element’s ten foot user interface

Chức năng chính là chơi nhạc, xem video, xem ảnh, xem video từ Internet, nhưng Element cũng có các phần mềm cơ bản của máy tính như trình duyệt Firefox, trình ghi đĩa CD/DVD Brasero.

Element được cài sẵn XBMC Media Center, một phần mềm ứng dụng rất phổ biến để quản lý các file multimedia. Vì dựa trên Ubuntu nên có thể kết nối vào các kho phần mềm của Ubuntu để cài thêm các phần mềm cần thiết. Element cũng tự quảng cáo là có thể dùng như một đầu chơi game với hàng trăm game 3D và các loại game khác có sẵn.

Element with XBMC running
Element với XBMC đang chạy

III. Jolicloud

Jolicloud là một phiên bản Linux được tối ưu hóa cho netbook, tương thích với một số lớn netbook.

Giao diện của nó nằm trung gian giữa MoblinNetbook Remix.

Jolicloud netbook desktop
Jolicloud netbook desktop

Ngoài một số phần mềm ứng dụng thông thường cho máy để bàn, điểm mạnh của Jolicloud là có cài sẵn một dịch vụ điện toán đám mây: người dùng có thể backup hoặc lưu trữ dữ liệu online. Như vậy, Jolicloud cân bằng giữa hai môi trường: máy để bàn và điện toán đám mây.

Jolicloud cloud service
Dịch vụ điện toán đám mây của Jolicloud

Trình cài đặt của Jolicloud chạy trong Windows ( file exe, tức là trên netbook phải có Windows đã cài). Nó sẽ tạo thêm partition và cài Jolicloud có thể boot vào Windows hay Jolicloud tùy chọn. Một trong những mục tiêu của Jolicloud là đơn giản tối đa vì vậy trình cài đặt của nó chỉ gồm 3 bước và cài xong trong 15 phút. Cũng có một option cài đặt cao cấp dành cho những người thạo Linux.

Dù còn đang ở phiên bản beta, Jolicloud hoạt động trơn tru. Nếu bạn chưa hài lòng với bản Linux netbook hiện có, hãy thử Jolicloud.

IV. moonOS

Nếu bạn cho rằng Linux chỉ có hai môi trường đồ họa là Gnome và KDE thì cũng có thể tha thứ được, mặc dù thực ra có đến hơn chục cái như thế ( xem thêm tại đây). Trong số ít những cái nổi bật, một trong những cái rất đặc biệt đã được phát triển trên chục năm nay là Enlightenment.

Enlightenment là một môi trường đồ họa đầy đủ, có thể dùng chung hoặc dùng độc lập. Phiên bản hiện tại (E17) là phiên bản được viết lại mới hoàn toàn của phiên bản ổn định E16 từ tháng 12/2000. Mặc dù còn chưa xong hẳn nhưng E17 hoàn toàn có thể dùng được và có nhiều bản Linux đã dùng nó.

Một trong những bản Linux đó là moonOS , hệ điều hành có nguồn gốc Campuchia do nghệ sỹ Chanrithy Thim thực hiện ( may mà Việt nam còn có Hacao Linux). Bản này có nhiều trang trí nghệ thuật (atwork) độc đáo. E17 không có trong các kho phần mềm chính thức của Ubuntu, vì vậy moonOS là bản duy nhất dựa trên Ubuntu dùng E17 (và cả Xfce4). MoonOS chạy các ứng dụng GTK và có các ứng dụng cài sẵn được chọn cẩn thận như Firefox, OpenOffice.org, trình chơi nhạc Exaile, vẽ đồ họa GIMP và trình chat Pidgin.

moonOS E17 desktop and artwork
moonOS E17 desktop and artwork

V. wattOS

Nền công nghiệp máy tính đang thay đổi. Tiêu điểm đang chuyển từ các máy tính công suất lớn sang những máy tính công suất thấp, sử dụng năng lượng có hiệu quả. Trong khi nhân Linux có khả năng quản lý năng lượng rất tốt và có những trình quản lý năng lượng tuyệt vời như PowerTop, có bản Linux nào dành riêng hoàn toàn cho hiệu quả sử dụng năng lượng không?

wattOS, một hệ điều hành Linux nhẹ, chạy rất nhanh và sử dụng năng lượng tiết kiệm. Nó dùng môi trường đồ họa Openbox, một môi trường rất nhẹ, có khả năng tùy biến cao, rất thích hợp cho các máy tính yếu và do đó tiêu thụ ít điện năng.

WattOS có những phần mềm mới nhất của Ubuntu nhưng cũng có những công cụ quản lý năng lượng khác nhau để theo dõi và chỉnh tiêu hao công suất hệ thống. Giao diện đơn giản và có thể tùy biến theo khẩu vị.

wattOS LXDE desktop
wattOS LXDE desktop

WattOS là một phương án lựa chọn cùng với các bản Linux tối thiểu khác như Damn Small Linux và Tiny Core, đặc biệt thích hợp cho các máy tính cũ tân trang lại. Nó dùng ít bộ nhớ nên có thể chạy trơn tru trong khi vẫn có thể dùng các phần mềm Ubuntu chuẩn.

Làm gì sau khi cài Ubuntu 9.10 (tiếp theo)

Vài thủ thuật dùng Ubuntu.

ZXC232 biên soạn, dựa trên bản gốc có link ở trên.

Cài codecs để chạy các file media và hỗ trợ DVD

1- Bổ xung kho phần mềm Mediabuntu.

Medibuntu (Multimedia, Entertainment & Distractions In Ubuntu) là một kho các gói phần mềm không có trong Ubuntu vì các lý do pháp lý (bản quyền, bằng phát minh, giấy phép, …). Bản Ubuntu gốc chỉ gồm các phần mềm tự do (free software).

Danh sách các phần mềm trong Medibuntu xem tại đây.

Mở Terminal, chạy các lệnh sau (copy rồi paste vào terminal) để bổ xung kho Medibuntu vào Ubuntu:

sudo wget http://www.medibuntu.org/sources.list.d/$(lsb_release -cs).list –output-document=/etc/apt/sources.list.d/medibuntu.list &&

sudo apt-get -q update &&

sudo apt-get –yes -q –allow-unauthenticated install medibuntu-keyring &&

sudo apt-get -q update

2- Cài gói non-free-codecs

Sau khi add kho Medibuntu, mở Synaptic và tìm cài gói non-free-codecs. Đây là gói tổng hợp (meta-package) gồm cả ubuntu-restricted-extras và một số thứ khác. Dưới đây là danh sách chi tiết:

cabextract freepats gsfonts-x11 gstreamer0.10-ffmpeg gstreamer0.10-plugins-bad gstreamer0.10-plugins-bad-multiverse gstreamer0.10-plugins-ugly gstreamer0.10-plugins-ugly-multiverse java-common liba52-0.7.4 libamrnb3 libamrwb3 libass3 libavcodec52 libavformat52 libavutil49 libcdaudio1 libcelt0 libdc1394-22 libdca0 libdirac0c2a libdvdnav4 libdvdread4 libenca0 libfaac0 libfaad0 libffado1 libfftw3-3 libfreebob0 libgsm1 libid3tag0 libiptcdata0 libjack0 libkate1 libmad0 libmimic0 libmjpegtools-1.9 libmms0 libmodplug0c2 libmp3lame0 libmp4v2-0 libmpcdec3 libmpeg2-4 libofa0 libpostproc51 libquicktime1 libschroedinger-1.0-0 libsidplay1 libsoundtouch1c2 libswscale0 libtwolame0 libwildmidi0 libx264-67 libxml++2.6-2 libxvidcore4 non-free-codecs odbcinst1debian1 sun-java6-bin sun-java6-jre sun-java6-plugin ttf-liberation ttf-mscorefonts-installer ubuntu-restricted-extras unixodbc unrar w64codecs (Total about 170 MB)

CHÚ Ý: hai mục trên cũng đã có trong perfectbuntu, chỉ thiếu libamrnb3 và libamrwb3. Do đó nếu đã chạy perfectbuntu rồi thì không cần làm như trên nữa.

3-  Thêm một số codecs, DVD và trình mediaplayer VLC và Mplayer

Để chơi DVD mã hóa, phải có libdvdcss2. Trình VLC và Mplayer là hai trong số những trình chơi media tốt nhất hiện nay. Cài bằng Synaptic hoặc bằng dòng lệnh các gói sau:

sudo apt-get install libdvdcss2 gxine libxine1-ffmpeg vlc mplayer mencoder (khoảng 80MB).

Dùng Gnome Control Center

Gnome Control Center tập hợp các mục trong System vào một màn hình. Dùng nó đỡ phải dò tìm trong các menu Preferences và Administration. Mặc định nó bị tắt. Để bật lên, nhấn vào System > Preferences > Main menu. Trong màn hình Main Menu, chọn System ở cột bên trái rồi đánh dấu chọn Control Center ở cột bên phải. Sau đó, Control Center sẽ xuất hiện ở menu System.

Thiết lập profile chung của Firefox và Thunderbird

Mọi thiết lập của Firefox hoặc Thunderbird đều nằm trong một thư mục ẩn. Ví dụ với Firefox là /home//.mozilla/firefox/ckwzugd4.default. (tên của thư mục cuối có thể khác). Trong đó có bookmarks, histories, các extensions, cache, email, v.v… Các nội dung trong các thư mục đó tạo nên profile của Firefox hoặc Thunderbird.

Nếu trên máy cài từ hai hệ điều hành trở lên (Windows, Linux) và đều dùng Firefox, Thunderbird, có thể tạo một profile chung để dù chạy hệ điều hành nào thì Firefox và Thunderbird cũng vẫn giống nhau về mọi thứ. Cách làm như sau:

Mở terminal, chạy lệnh:

firefox   -P     hoặc

thunderbird    -P

Màn hình sau xuất hiện:

Trong lần chạy đầu, chỉ có một profile default trong danh sách. Đó chính là profile mặc định nằm trong thư mục ẩn nói trên.

Nhấn vào Create Profile, tạo một profile khác ở thư mục dùng chung cho các hệ điều hành, My Documents chẳng hạn.

Sau đó, dù đang ở hệ điều hành nào, Firefox cũng dùng một profile chung. Với Thunderbird, trong profile có các thư mục email, nên ở hệ điều hành nào email cũng như nhau.

Quản lý hệ thống

1- StartUp Manager

Chương trình này dùng quản lý, thay đổi màn hình khởi động và boot menu, tìm cài từ Ubuntu Software Center (gõ từ Boot vào ô tìm kiếm). Sau khi cài, chạy từ System > Administration > StartUp-Manager.

2- BootUp-Manager:

Chương trình này cũng tìm cài từ Ubuntu Software Center như trên. Sau khi cài, chạy từ System > Administration > BootUp-Manager.

Trong màn hình trên, các dịch vụ tự động chạy khi boot máy được đánh dấu chọn ở cột Activate. Có thể bỏ bớt một số không cần thiết để tiết kiệm bộ nhớ và giảm tải cho CPU:

Common Interface to speech synthesizers: bộ tổng hợp tiếng nói.

Samba nameservice …. : nếu không nối mạng Windows.

Bluetooth services: nếu không dùng thiết bị bluetooth.

Fast remote file …: nếu không cần đồng bộ file với máy khác.

Scanner services: nếu không dùng scanner.

v.v…..

3-Bỏ khởi động các chương trình không cần thiết

Vào System > Preferences > Startup Applications. Một số chương trình trong đó có thể không cần khởi động (Bluetooth Manager, Visual Assistances,…).

4- Thiết lập tường lửa

Ubuntu có tường lửa (ufw – Uncomplicated Firewall) cài sẵn nhưng không kích hoạt. Mở Ubuntu Software Center, search từ “gufw” rồi cài Firewall Configuration là giao diện của ufw. Chạy từ System > Administration > Firewall Configuration.

Đánh dấu mục Enabled để kích hoạt tường lửa. Nhấn nút Add để lập các quy tắc.

5- Cài chương trình chống virus

Nếu hay giao dịch file với các máy Windows thì nên cài một chương trình antivirus để quét virus hộ các máy đó. Mở Ubuntu Software Center, search từ “virus” rồi chọn cài, ví dụ Virus Scanner. Cài xong chạy từ Applications > System Tools > Virus Scanner.

6- Vài thứ khác:

Nautilus-scripts và Ubuntu Tweak xem ở đây.

7- Gỡ các gói phần mềm mồ côi.

Khi cài một phần mềm mới, các phần mềm phụ thuộc (dependency) cần thiết để chạy phần mềm đó cũng được cài theo. Nhưng khi gỡ bỏ (remove) phần mềm chính, các phần mềm phụ thuộc lại không được gỡ và trở thành phần mềm thừa, “mồ côi”, không liên quan đến phần mềm nào cả.

Dùng lệnh: sudo apt-get autoremove

Hoặc cài phần mềm gtkorphan (từ Synaptic Package Manager).

Trong các bản Ubuntu trước, các phần mềm tải về từ Internet để cài hoặc update được lưu trong thư mục /var/cache/apt. Khi cài xong, các gói cài đặt đó cũng không cần nữa. Xóa nó đi bằng lệnh:

sudo apt-get clean

Ubuntu 9.10 hình như cài xong là xóa luôn nên có thể không cần đến lệnh trên.

8- Bổ xung font

Khi chạy perfectbuntu hoặc ubuntu-restricted-extra hoặc non-free-codecs đã nói ở trên, một số font Windows như Arial, Time New Romans, … cũng được cài.

Nếu muốn bổ xung thêm các font khác cho hệ thống (user nào đăng nhập vào máy cũng dùng được):

Nhấn Alt+F2 để mở hộp thoại Run Command.

Chạy lệnh gksu nautilus để mở Nautilus bằng quyền root.

Copy các file font thêm (hoặc thư mục font thêm) vào /usr/share/fonts.

Để bổ xung font cho riêng user đang đăng nhập:

Nhấn vào menu Places > Home Folder, trong màn hình Nautilus nhấn vào menu View > Show Hidden Files.

Nhấn tiếp menu File > Create Folder . Đặt tên folder mới là .fonts (có dấu chấm đằng trước để chỉ đó là folder ẩn).

Copy các font thêm vào thư mục đó.

9- Chỉnh sửa menu và phím tắt để mở menu

Menu mặc định của Ubuntu là dạng menu bar gồm ba mục: Applications, Places và System. Có thể làm cho gọn hơn và quen thuộc hơn như sau:

Nhấn phím phải chuột vào menu bar nói trên, chọn Remove from panel.

Nhấn tiếp phím phải chuột vào panel, chọn Add to Panel.

Trong danh sách hiện lên, chọn Main Menu rồi nhấn nút Add. Menu bây giờ xuất hiện trên panel chỉ còn một icon . Nhấn vào đó menu hiện lên giống kiểu Windows.

Trong Windows, phím Start trên bàn phím là phím tắt để bật menu chính Start. Trong Ubuntu, mở terminal chạy lệnh sau:

gconftool-2 –set /apps/metacity/global_keybindings/panel_main_menu –type string “Super_L”

Từ nay, nhấn phím Start, menu chính sẽ hiện lên. Nếu vẫn dùng menu bar mặc định thì menu Applications sẽ xuất hiện.

Khôi phục khởi động vào Ubuntu 9.10 sau khi cài lại Windows

0- Đôi điều về GRUB2

Bắt đầu từ Ubuntu 9.10, chương trình GRUB2 được dùng thay cho GRUB1 phổ biến xưa nay. GRUB2 được viết lại từ đầu, không phải bản nâng cấp của GRUB1 do đó có nhiều điểm khác so với GRUB1. Vì vậy tìm hiểu để làm chủ được nó là cần thiết.

GRUB (viết tắt của GRand Unified Bootloader) là chương trình khởi động hệ điều hành (bootloader) dùng phổ biến ở các hệ điều hành kiểu Unix: Linux, Solaris. Windows dùng bootloader là NTLDR. Nhiệm vụ của bootloader là tải hệ điều hành vào RAM sau đó trao quyền điều khiển máy tính cho hệ điều hành.

Khi máy tính khởi động, đầu tiên nó đọc ROM BIOS để tìm xem khởi động từ thiết bị nào (CDROM, ổ cứng, ổ mềm, ổ USB hay mạng). Tiếp theo, nó tải chương trình GRUB stage 1 từ Master Boot Record (MBR) của thiết bị đó vào RAM, sau đó GRUB stage 1 chỉ làm mỗi một việc là tìm GRUB stage 2 trên thiết bị khởi động, tải tiếp nó vào RAM và chuyển quyền điều khiển cho GRUB stage 2.

GRUB stage 2 sẽ cho hiện boot menu để người dùng chọn khởi động hệ điều hành nào đang có trên ổ cứng.

Lệnh cài GRUB stage 1 là “grub-install”. File cấu hình của GRUB stage 2 với Ubuntu (trước 9.10), Debian, openSUSE là /boot/grub/menu.lst; với Fedora là /boot/grub/grub.conf; với Ubuntu 9.10 là /boot/grub/grub.cfg/etc/default/grub.

Đặc biệt, người dùng không được phép chỉnh sửa /boot/grub/grub.cfg như với menu.lst.

1- Khôi phục GRUB2 sau khi cài lại Windows:

Khi cài chung Ubuntu 9.10 và Windows trên cùng một máy, có khi sau đó phải cài lại Windows vì virus, hỏng file, v.v… Windows sẽ ghi đè lên MBR, do đó khi khởi động máy chỉ vào thẳng Windows mà không có boot menu để chọn, do đó không khởi động được Ubuntu nữa.

Để khôi phục lại boot menu, theo một trong hai cách sau:

Cách 1: dùng đĩa CD của Ubuntu 9.10.

Boot máy bằng đĩa CD Ubuntu 9.10. Khi khởi động xong, mở Terminal ( Applications > Accessories > Terminal) rồi chạy lần lượt các lệnh sau:

(Giả sử Ubuntu cài trên partition sda3 của ổ cứng sda)

sudo -i(để chuyển sang user root).

mount /dev/sda3 /mnt

grub-install --root-directory=/mnt/ /dev/sda

mount --bind /proc /mnt/proc

mount --bind /dev /mnt/dev

mount --bind /sys /mnt/sys

chroot /mnt update-grub

umount /mnt/sys

umount /mnt/dev

umount /mnt/proc

exit

(Update 8/10/2011: cách này có thể làm đơn giản hơn một chút, xem tại đây)

Cách 2: Dùng chương trình grub4dos

Tải file zip mới nhất của grub4dos từ đây. Giải nén ra.

Với Windows XP:

Copy file grldr trong gói grub4dos vào C:\. Mở file ẩn boot.ini và thêm dòng sau vào file:

c:\grldr=”grub4dos”

Với Windows Vista và Windows 7:

Copy hai file grldr,grldr.mbr vào C:\. Tạo file boot.ini tại C:\ rồi copy và paste đoạn mã sau vào trong file:

[boot loader]
timeout=0
default=c:\grldr.mbr
[operating systems]
C:\grldr.mbr=”Grub4Dos”

Tạo file menu.lst trong C:\ , copy và paste đoạn mã sau vào trong file:

timeout 0
default 0
title grub2
find
--set-root /boot/grub/core.img
kernel /boot/grub/core.img
boot

Khởi động lại máy, chọn boot từ Grub4Dos. rồi chọn tiếp boot vào Ubuntu từ boot menu. Sau khi đã login vào Ubuntu, chạy lệnh sau trong Terminal để cài lại grub vào MBR:

sudo grub-install /dev/sda

2- Sửa một vài thông số khởi động.

Trong Ubuntu 9.10, nhấn Alt+F2 rồi chạy lệnh sau để mở file:

gksu gedit /etc/default/grub

Trong file này có một số thông số thay đổi được:

GRUB_DEFAULT=0 Trị số 0 quy định hệ điều hành tự động khởi động là ở hàng đầu tiên của boot menu , tức là Ubuntu 9.10. Muốn Windows khởi động tự động, xem nó ở hàng thứ mấy (đếm từ 0) trong boot menu rồi thay giá trị đó vào đây.

GRUB_TIMEOUT=”10″ 10 giây là thời gian boot menu chờ người dùng chọn hệ điều hành, nếu không chọn, hệ điều hành quy định ở GRUB_DEFAULT sẽ được khởi động. Muốn nhanh hơn có thể thay giá trị thấp hơn, ví dụ 5.

Sau khi sửa file nói trên, cần mở terminal chạy lại lệnh sudo update-grub.

3- Sửa file /boot/grub/grub.cfg

Mặc dù file này được bảo vệ rất kỹ, nhưng vẫn có thể sửa được với các lệnh sau:

sudo chmod +w /boot/grub/grub.cfg

sudo nano /boot/grub/grub.cfg

Ví dụ: khi trên máy đã cài Mandriva, sau khi cài Ubuntu 9.10 mặc dù trong boot menu có dòng dành cho Mandriva nhưng khi chọn nó thì Mandriva không khởi động được.

Nếu mở file grub.cfg như trên thì thấy đoạn dành cho Mandriva như sau:

menuentry “linux (on /dev/sda6)” {

insmod ext2

set root=(hd0,6)

search –no-floppy –fs-uuid –set 4c7b246a-654d-447d-8e6d-1b0b39f66eb1

linux /boot/vmlinuz BOOT_IMAGE=linux root=UUID=4c7b246a-654d-447d-8e6d-1b0b39f66eb1 splash=silent vga=788

initrd (hd0,5)/boot/initrd.img

}

Sửa lại dòng initrd (hd0,5) thành initrd (hd0,6) giống như dòng set root = (hd0,6) ở trên là boot vào Mandriva được.

Sửa tiếp dòng linux (on /dev/sda6) thành Mandriva (on /dev/sda6) để hiện tên Mandriva trên boot menu.

Chi tiết hơn về GRUB2 xem tại đây. và tại đây.

Làm gì sau khi cài xong UBUNTU 9.10 (và các bản Linux khác)

LÀM GÌ SAU KHI CÀI XONG UBUNTU 9.10 (và các bản Linux khác)

Ubuntu 9.10 bản chính thức đã khắc phục được các lỗi 1,2,3 của bản beta nêu ở đây. Sau khi cài xong, nếu muốn chung sống với các bản Linux khác đã cài dùng grub1, xem hướng dẫn ở đây.

Sau khi cài xong Ubuntu từ đĩa CD, khởi động lại máy, tôi làm các việc sau đây (một số cái áp dụng được cho cả các bản Linux khác):

1- Cài đặt kết nối mạng:

Nếu mạng không cần cài (tự cấp IP), tự kết nối thì biểu tượng của Network Manager trên panel như thế này . Nếu chưa kết nối, biểu tượng sẽ như thế này (hơi khó nhìn).

Với bản Ubuntu chính thức, Network Manager đã làm việc tốt kể cả khi cài đặt mạng với IP tĩnh. Nhấn phím phải chuột vào biểu tượng trên, chọn Connection Information để xem các thông số về mạng.

2- Chọn lại kho phần mềm:

Khi cài, Ubuntu đã chọn kho phần mềm mặc định là Server for Vietnam (vn.archives.ubuntu.com) nhưng kho này không nhanh. Nhấn chuột vào System > Administration > Software Sources > Download from > Other rồi cuốn xuống cuối danh sách, mục Vietnam để chọn kho của FPT.

3- Cài đặt thêm một số phần mềm:

Nhấn vào menu System > Administration > Synaptic Package Manager rồi chọn cài các gói phần mềm sau:

  • ubuntu-restricted-extra: để bổ xung một số phần mềm “có vấn đề” theo định nghĩa nguồn mở : flash plugin, một số font của Microsoft, một số codecs để chơi file multimedia, trình giải nén unrar, …
  • scim-bridge-client-gtk: để cài bộ gõ tiếng Việt scim-unikey. Bộ gõ ibus cài sẵn trong Ubuntu 9.10 có nhược điểm phải có phím kết thúc từ, chưa nên dùng.
  • Stardict-gnome: chương trình từ điển Stardict.
  • openoffice.org: chọn cài riêng gói này để bổ xung một số gói còn thiếu của OpenOffice.org
  • catdoc và wv: cài hai gói này để chuẩn bị cài Google Desktop Search.
  • pysdm: chương trình dùng mount tự động các partition khác trên ổ cứng vào thư mục do người dùng chọn.
  • Multimedia: Ubuntu có cài sẵn trình mediaplayer là Totem (Applications > Sound & Video > Movie Player). Nếu dùng Totem thì kiểm tra xem các gói gstreamer-plugins-good, bad và ugly (kể cả bad-multiverse và ugly-multiverse) đã cài chưa. Nhưng nên cài một trong những trình mediaplayer hay nhất hiện nay là Smplayer (và cả gecko-mediaplayer là plugin để chơi media trong Firefox).
  • sun-java6-plugin: chọn cài gói này để cải toàn bộ môi trường Java cần thiết cho các tính năng cao cấp của Openoffice.org và Firefox.
  • Peazip: đây là một trình nén và giải nén hay đã nói ở đây. Gói cài đặt không có trong kho của Ubuntu, tải về cài từ đây. Sau khi cài xong, chạy từ Applications > System Tools > peazip.desktop.
  • UDATE: tôi quên Perfectbuntu. Chạy nó để cài cả ubuntu-restricted-extra và nhiều cái khác nữa, đầy đủ hơn. Tải về tại đây. Nhấn phím phải chuột vào “Download Current Version“, chọn Save Link As rồi ghi nó thành file perfectbuntu. Mở thư mục có file, nhấn phím phải chuột vào file, chọn Propeties > Permissions rồi đánh dấu chọn mục Allow executing file as program. Mỏ terminal, chuyển đến thư mục có file rồi chạy lệnh sudo ./perfectbuntu và trả lời các câu hỏi trên màn hình.

4- Cài đặt và cấu hình tiếp

a- Bộ gõ tiếng Việt scim-unikey: tải về từ đây hoặc add kho phần mềm của Ubuntu-VN theo hướng dẫn cũng tại link đó rồi cài bằng Synaptic. Cài từ kho thì có lợi là khi có bản cập nhật sẽ được tự động báo.

Sau khi cài, nhấn vào System > Administration > Language Support rồi trong mục Keyboard input method system chọn scim-bridge xong đóng màn hình lại.

Vào tiếp menu System > Preferences > SCIM Input Method Setup đặt các thiết lập sau:

  • FrontEnd > Global Setup: chọn Share the same input method
  • IMEngine > Global Setup: chọn UnikeyEnglish\European, các mục khác bỏ.
  • Panel > GTK: chọn các mục Show on Demand, Auto snap, Show stick icon, Show tray icon và Stick Windows.

Scim-unikey trong Ubuntu 9.10 có một lỗi nhỏ là tray icon (hình vuông màu da cam) không hiện được trên panel như ở các bản Ubuntu trước. Do đó phải cho hiện GTK panel (mục show on demand ở trên) để có thể điều khiển và biết tình trạng bộ gõ. Trong các bản trước, có thể tắt GTK panel (Show Never) chỉ cần dựa vào tray icon là đủ.

b-Cài các file từ điển tiếng Việt: có trong kho của Ubuntu-VN đã nói ở trên.

c- Cài các add-on của OpenOffice: tùy theo nhu cầu. Xem một số post về add-on trong blog này.

d- Mount các partition: nếu trên ổ cứng có một partition NTFS chứa thư mục MyDocuments của Windows thì vào System > Administration > Storage Device Manager mount cố định nó vào thư mục /home/<username>/DATA. Sau đó, mở thư mục DATA bằng Nautilus rồi mở tiếp MyDocument và Add Bookmark để MyDocument xuất hiện ở cột bên trái, mở cho nhanh. Lệnh mount trên chỉ cần làm một lần và được ghi vào file /etc/fstab. Lần sau khởi động sẽ tự mount.

e- Cài trình tìm kiếm Google Desktop Search: trình tìm kiếm có sẵn (Applications > Accessories > Search for file) chậm và không tìm được từ tiếng Việt unicode bên trong file. Google Desktop Search lập index sẵn nên tìm rất nhanh, tìm được cả tiếng Việt unicode bên trong file (VNI và ABC chưa thử), đồng thời tìm được trong Gmail.

Tải về cài từ đây. Sau khi cài, vào Applications > Google Desktop > Google Desktop Preferences để cấu hình. Mở màn hình tìm kiếm bằng cách nhấn hai lần phím Ctrl.

f- Cấu hình OpenOffice:

Trong Writer, nhấn vào Tools > Options để mở màn hình Options và thiết lập các mục sau:

  • Memory: thiết lập như hình sau. Nhớ chọn Enable systray Quickstarter để khởi động OpenOffice cho nhanh.

Trong mục Paths bên dưới Memory, chọn tiếp My Documents ở ô bên phải rồi nhấn nút Edit để chỉnh đường dẫn mặc định về thư mục của mình, ví dụ /home/zxc/DATA/My Documents.

  • Java: nếu dùng đến các tính năng cần Java (Mail merge,…) thì đánh dấu chọn mục Use a Java. Nếu không thì bỏ chọn để OpenOffice chạy nhanh hơn.
  • Load/Save > General: chọn Always Create backup copy và chỉnh thời gian AutoRecovery xuống 5 phút cho khỏi mất dữ liệu. Mục Document Type nên để nguyên các định dạng file ODF nếu không hay giao lưu file với các máy khác dùng Windows, định dạng ODF có dung lượng file nhỏ hơn và điều quan trọng là nó là format mặc định của OpenOffice, do đó khi save không bị mất các format đã làm, mở cũng nhanh hơn.
  • Thay style của toolbar: toolbar của OpenOffice trong Ubuntu có style mặc định là human. Nếu thích có thể cài thêm các style khác trong kho phần mềm: openoffice-style-crystal, openoffice-style-industrial, v.v… Sau khi cài xong, mở Options > OpenOffice.org > View > Icon size and style rồi chọn trong danh sách thả xuống bên phải.

Còn nhiều thứ nữa, có lẽ nên dành cho một post riêng.

g- Cài Dropbox và Ubuntu One: hai dịch vụ này có cùng một tính năng: tự động sao lưu dữ liệu của một thư mục lên Internet và tự động đồng bộ thư mục đó trên nhiều máy khác nhau và cùng một dung lượng free 2GB. Điểm khác là Ubuntu chỉ chạy được trên Ubuntu 9.10, Dropbox chạy được trên mọi hệ Linux, Windows và Mac. Dropbox đã trình bày ở đây, khi cài nên chọn đưa thư mục Dropbox vào Home/DATA/My Documents để dùng chung với Windows và các hệ Linux khác trên cùng ổ cứng.

h- Firefox: cài thêm một số extension sau:

  • Xmarks hoặc Weave Sync: hai extension này làm việc giống như Dropbox, nhưng đối tượng lưu và đồng bộ của chúng là bookmarks, password, hystory, preferences (Xmarks chỉ đồng bộ bookmarks và password). Với các extension này, dù cài đi cài lại Linux hoặc trên nhiều máy thì các dữ liệu trên vẫn giống nhau. Weave nhiều tính năng hơn nhưng hiện tại có vẻ không tốt bằng Xmarks.

  • DownThemAll : trình quản lý, tăng tốc download dưới dạng extension. Tôi dùng trình này nhiều và thấy không cần cài hoặc dùng các trình ngoài như Kget, …

  • Tab Mix Plus : quản lý các tab; nhấn vào link, bookmark tự động mở tab mới.

  • Zoho Notebook Helper : sau khi Google Notebook ngừng phát triển thì Zoho Notebook thay thế. Extension này cho phép rê chuột bôi đen một đoạn quan tâm trên trang web rồi add nó vào Zoho Notebook kèm theo cả link. Như vậy hay hơn là bookmarks.

  • VnDict : dùng tra từ điển Anh Việt khi đọc web.

  • Email This! : bôi đen một đoạn văn bản rồi gửi mail (kèm cả link). Có thể dùng cái này để ghi nhớ các đoạn văn bản quan tâm trên web thay cho Zoho Notebook Helper bằng cách gửi mail cho chính mình.

5- Thay đổi hình thức màn hình

Nhấn vào System > Preferences > Appearance. Trong màn hình Appearance Preferences, nhấn vào tab Fonts, đổi các font màn hình từ Sans sang Free Sans, cỡ font tăng lên 12. Với tôi, font Free Sans đẹp và rõ hơn Sans.

Trang trí màn hình theo hướng dẫn ở đây.

Thay theme mặc định bằng theme khác theo hướng dẫn ở đây.

Tự động thay wallpaper theo hướng dẫn ở đây.

6- Cài thêm Desktop Environment

Môi trường đồ họa (Desktop Environment) mặc định của Ubuntu là Gnome. Mở Synaptic, cài thêm hai môi trường khác là KDE và Xfce (kèm theo cả một số ứng dụng cơ bản như email, trình duyệt file, v.v..) từ hai gói: kubuntu-desktop xubuntu-desktop.

Để làm việc bình thường có thể dùng KDE hoặc Gnome tùy thói quen và sở thích. Khi cần nhanh thì log in vào Xfce. Cách log in và chọn môi trường đồ họa hơi khác các bản Ubuntu cũ: trước tiên phải nhập username và password, khi đó ở đáy màn hình xuất hiện một panel, trong đó có mục cho chọn Gnome, KDE hay Xfce.

Xem tiếp tại đây.

Còn một số thứ khác, tham khảo thêm ở đây.

IBM và Canonical tuyên chiến với Windows 7

IBM VÀ CANONICAL TUYÊN CHIẾN VỚI WINDOWS 7

Ngày 20/10/2009 vừa qua, IBM và Canonical tuyên bố tung ra thị trường Mỹ bộ phần mềm IBM Client for Smart Work (ICSW) cạnh tranh trực tiếp với Windows 7.

Bộ phần mềm này dành cho một dải rộng cấu hình máy (máy để bàn, laptop và netbook), gồm có:

  • Hệ điều hành Linux Ubuntu 8.04.1. Bản này là bản hỗ trợ dài hạn (LTS) đến tháng 4/2011

  • Bộ phần mềm văn phòng Lotus Symphony của IBM dựa trên nền OpenOffice.

  • Bộ phần mềm cộng tác (mail, calendar, task,…) Lotus Note/Domino, Domino Web Access, iNotes của IBM. (mail của đám mây điện toán LotusLive iNotes có giá $3/user/tháng).

  • Dịch vụ cộng tác online Lotus Online Collaboration Services dùng dịch vụ đám mây điện toán LotusLive.com ($10/user/tháng)

  • Tích hợp sẵn một loạt chức năng: chia sẻ file, quản lý văn bản, chat, web conferencing, điện thoại IP, blog, wikis,…

  • Có thể chọn nhiều dạng client từ nặng đến nhẹ tùy cấu hình máy. Đây là ưu điểm của Ubuntu.

Đây là một cuộc đấu hay. Lần đầu tiên, Microsoft bị thách thức bởi một đại gia trong làng tin học tại ngay thị trường Mỹ. Bộ sản phẩm Lotus Notes/Domino của IBM cũng là sản phẩm nổi tiếng lâu đời ngang ngửa với Microsoft Exchange/Outlook, kết hợp với Ubuntu là bộ Linux đang lên như diều và phổ biến nhất hiện nay.

Điểm mạnh của giải pháp này là: kết hợp các công nghệ mới nhất (Ubuntu, nguồn mở, đám mây điện toán) với các công nghệ lâu năm, ổn định (Lotus Notes/Domino), có support từ các hãng lớn, giá rẻ, dùng được máy hiện có không phải nâng cấp phần cứng.

Riêng Lotus Symphony thì hơi nghi ngờ: giao diện mới, hiện đại nhưng phần lõi lại dựa trên những phiên bản OpenOffice cũ (xem thêm tại đây).

Thị trường Mỹ là thị trường tuân thủ nghiêm ngặt luật bản quyền. Vì vậy các tổ chức hiện đang dùng Windows XP đứng trước những lựa chọn khó khăn khi Windows 7 ra đời và Windows XP không còn được hỗ trợ nữa. Nếu tiếp tục dùng Windows, họ buộc phải nâng cấp phần mềm và cả phần cứng để chạy được phần mềm đó. Theo IBM, các nhà nghiên cứu thị trường độc lập đã ước tính để chuyển sang Windows 7, mỗi user phải mất tới 2000 USD ?!

Theo IBM, tổng chi phí sở hữu ICSW (tính cả phần máy chủ cho các phần mềm cộng tác) chỉ bằng một nửa phần mềm Microsoft và không phải nâng cấp máy. IBM có đưa ra một bảng tính chi tiết tổng chi phí sở hữu (phải đăng ký mới đọc được), sau 5 năm, số tiền tiết kiệm được lên tới hơn 2 triệu USD! (cách tính chưa tìm hiểu được).

File cài đặt (Ubuntu 8.04 + các phần mềm của IBM nói trên) có thể tải về từ đây. File này lớn tới 1,08GB nên phải burn vào đĩa DVD.

Tôi sẽ cài thử và review sau. (xem thêm ở đây)

Ubuntu 9.10 beta (tiếp theo)

Cuối cùng cũng bắt được cô nàng Ubuntu 9.10 vào khuôn vào phép.
Bootloader:
Ubuntu 9.10 dùng trình bootloader Grub2, được xem là tiên tiến hơn Grub1 hiện vẫn đang phổ biến. Nhưng khi cài trên một ổ cứng có nhiều bản Linux, Grub2 chỉ nhận tốt các đồng hương cùng làng như Linux Mint, gOS, …(cùng họ Ubuntu) và chọn boot được các bản Linux đó từ bootmenu của Grub2. Còn Mandriva, PCLinuxOS, … có xuất hiện trong bootmenu nhưng không boot được. Tôi dùng cách sau:
Sau khi cài xong Ubuntu 9.10, boot lại máy từ một đĩa CD Mandriva. Mở terminal, lần lượt chạy các lệnh (để khôi phục bootloader của Mandriva đã cài trước đó):

  • su (để chuyển sang user root)
  • grub (vào trình grub)
  • find /boot/grub/stage1 (tìm các bootmenu)
  • root (hd0,x) (trong đó hd0 là ổ cứng cài Mandriva, x là partition cài Man, nếu cài trên partition 5 -/dev/sda5 thì x=4)
  • setup (hd0) (cài lại bootloader)
  • quit (ra khỏi grub)
  • cũng có thể làm nhanh hơn bằng một lệnh grub-install /dev/sda nhưng tôi chưa thử.

Khởi động lại máy vào Mandriva. Trong màn hình Run command, chạy lệnh kdesu kwrite /dev/sda5/boot/grub/menu.lst để mở file menu.lst của Mandriva. Thêm vào file đó ba dòng sau:
title Ubuntu 9.10
root        (hd0,x)
kernel    /boot/grub/core.img

(trong đó (hd0,x) là partition cài Ubuntu 9.10)
Save file lại rồi boot lại máy từ ổ cứng. Khi bootmenu của Man xuất hiện, chọn dòng Ubuntu 9.10 rồi Enter để vào Ubuntu. Mandriva nhận tốt các bản Linux khác nên dùng bootmenu của nó boot được các bản đó. Chưa thử trường hợp cài Ubuntu 9.10 trước rồi mới cài Mandriva xem có nhận được Ubuntu 9.10 không.
Bộ gõ tiếng Việt:
Ubuntu 9.10 cài sẵn bộ gõ ibus, được xem là đời sau của scim chắc là có nhiều cải tiến hơn. Kích hoạt ibus bằng cách vào System -> Administration -> Language Support rồi trong màn hình đó chọn ibus ở mục Keyboard input method system. Sau đó đóng màn hình lại.
Tác giả Lê Quốc Tuấn và cộng đồng ubuntu Vietnam đã phát triển được bộ gõ tiếng Việt ibus-unikey 0.3 (Thank you very much). Theo hướng dẫn ở đây để cài (add kho launchpad theo hướng dẫn ở đây, rồi cài bằng Synaptic. Tôi tải file deb về cài bằng GDebi bị báo lỗi dpkg: unable to read filedescriptor flag).
UPDATE:Thử sơ qua, bộ gõ này hoạt động tốt. Bộ gõ ibus-unikey có một nhược điểm chung của scim và ibus là phải có phím kết thúc từ. Nếu không đang gõ dở, chuyển con trỏ đi nơi khác bị mất một số ký tự đã gõ.

Tôi cài lại scim và scim-unikey nhưng hơi phức tạp hơn Ubuntu 9.04. Sẽ trình bày cách cài trong một post riêng.
Đặt IP tĩnh cho card mạng:
Dùng Network Manager Applet trên panel không đặt được. Phải mở file /etc/network/interfaces.
Mount các partition khác:
Ubuntu 9.10 có một phần mềm Palimpsets (Administration -> Disk Utility) nhưng không mount vĩnh viễn (sửa file fstab được). Tốt nhất là cài thêm pysdm (rồi chạy từ Administration -> Storage Device Manager) để mount một lần cho xong.
Ổ cứng online:
Lần này, Ubuntu có thêm một dịch vụ mới là Ubuntu One (Applications -> Internet -> Ubuntu One) cung cấp 2GB ổ cứng online miễn phí theo kiểu Dropbox đã giới thiệu ở đây. Cái dở là chỉ có cho Ubuntu, trong khi Dropbox dùng được cho cả Windows và các hệ Linux khác. Tuy nhiên, cài Dropbox không phải bao giờ cũng trơn tru ngay, nhiều khi phải cài đi cài lại, khởi động lại máy. Nhưng khi đã chạy, Dropbox hoạt động rất tốt: tốc độ download và upload khá nhanh, rất nhạy với mọi thay đổi của file mà nó quản (đang mở file để sửa, chỉ cần nhấn nút Save, chưa đóng file đã thấy Dropbox hoạt động rồi).
Linh tinh:
Thời gian khởi động nhanh nhưng thời gian load grub2 lại lâu hơn grub1
Có một phần mềm chat mới là Empathy, chat được trên nhiều hệ thống chat khác nhau, nhưng chỉ thuần túy text chat, không có voice và video.

Thay cho Add Remove Programs, có Ubuntu Software Center (Applications -> Ubuntu Software Center). Phần mềm này giống mintInstall đã giới thiệu ở đây: tập hợp một số phần mềm ứng dụng, giới thiệu trước về công dụng tính năng và xem trước được nhiều thông tin nữa trước khi quyết định cài.

Menu hơi tiết kiệm, ví dụ một số phần mềm như Image Viewer(Eye for Gnome) và Document Viewer (Evince) không có trong menu Applications nhưng lại có trong menu con khi nhấn phím phải chuột vào một file ảnh.
Sơ bộ thế đã. Để 20 ngày nữa xem bản chính thức.

Trục trặc với Ubuntu 9.10 Beta

Vừa thử cài Ubuntu 9.10 Beta, gặp một số trục trặc:

  1. Trình cài đặt đã được viết lại một phần, trong quá trình cài có màn hình giới thiệu các tính năng chính (giống Windows) xem đỡ sốt ruột khi chờ đợi. Tuy nhiên, màn hình hiển thị các partition vẫn bị lỗi tràn ra ngoài màn hình do đó không nhìn thấy phím Next, phải dùng phím Tab để chuyển focus rồi Enter mò, không dùng chuột được (giống lỗi trong Ubuntu 9.04).
  2. Trình Network Manager không cài đặt được card mạng theo kiểu manual (đặt IP tĩnh bằng tay). Phải mở file /etc/network/interfaces để cài đặt card mạng. Lỗi này trong Ubuntu 9.04 và openSUSE cũng bị.
  3. Kết nối được Internet xong, cài được phần mềm từ repositories nhưng Firefox lại không vào các trang web được.
  4. Điểm dở nhất (đối với tôi) là Ubuntu 9.10 dùng trình bootloader Grub version 2 (Grub 2) thay cho Grub 1 mà các bản Linux hiện đang dùng (kể cả Ubuntu 9.04). Trình này nhận biết các bản Linux khác ngoài dòng Ubuntu (như Mandriva, PCLinuxOS, …) rất kém, do đó boot menu do nó tạo ra không boot được các bản Linux nói trên. Thay cho file /boot/grub/menu.lst sửa rất dễ của Grub 1, Grub 2 dùng file /boot/grub/grub.cfg khá phức tạp, không cho sửa kể cả với quyền root.
  5. Khi khởi động, Grub 2 tải lâu hơn hẳn Grub 1, mặc dù sau đó quá trình khởi động của Ubuntu khá nhanh.

Vì đây chỉ là bản beta nên hy vọng là khoảng 20 ngày nữa sẽ khá hơn. Tôi thường cài vài bản Linux trên máy nên lỗi trên là khá khó chịu vì sau khi cài Ubuntu không boot được vào các bản khác.

Cài máy in Canon trong Madriva 2009.1 và Ubuntu 9.04

Khi cài máy in Canon LBP 2900 trong Mandriva 2009.1 và Ubuntu 9.04 theo các hướng dẫn tại đâytại đây thì có vài trục trặc nhỏ:

  1. Với Mandriva 2009.1: Phải bật máy in trước khi bật máy tính mới in được.
  2. Với Ubuntu 9.04: trước khi in, mở terminal chạy lệnh sudo /etc/init.d/ccpd restart mới in được.

Không rõ các máy in Canon khác dùng CAPT driver có bị như vậy không? Các hướng dẫn nói trên viết cho trường hợp máy in LBP 1210 (cũng dùng CAPT driver) với các phiên bản trước của Mandriva và Ubuntu không thấy có lỗi này.

Lại card màn hình Intel

Trong một post trước có nói về vấn đề mà card màn hình Intel (một số, không phải tất cả) đang gặp với các công nghệ đồ họa mới mà driver chưa tìm được giải pháp tối ưu.

Điều này xảy ra với các hệ Linux đời mới nói chung, không riêng gì Ubuntu. Ví dụ Mandriva 2009.1 khi cài trên máy có card màn hình onboard Intel 82G33/G31 sẽ gặp lỗi “rendering”: khi nhấn vào các menu, cửa sổ, màn hình của menu hoặc cửa sổ đó thoạt đầu hiện lên vạch ngang lằng nhằng, một lúc mới hiện lên đầy đủ.

Mỗi bản Linux đều có trang liệt kê các lỗi đã gặp mà tới lúc phát hành vẫn chưa sửa được và nêu cách sửa tạm. Ubuntu nêu các lỗi đó trong trang Release Note, Mandriva thì đặt ở trang Errata.

Hai trang đó đều nêu cách chữa lỗi nói trên như sau (nhưng không đảm bảo là mọi trường hợp đều chữa được):

Mở file /etc/X11/xorg.conf với quyền root rồi thêm vào bên dưới dòng “Device Intel” một dòng sau:

Option "AccelMethod" "UXA"

Với Mandriva 2009.1, sau khi sửa như trên, khởi động lại máy thì hết lỗi nhòe cửa sổ. Ngoài ra để tăng tốc đồ họa có thể thêm các dòng sau:

Option "MigrationHeuristic" "greedy"

Option "DRI" "off"

(tắt DRI sẽ tắt các hiệu ứng màn hình).

Trước vẫn biết là có các trang báo lỗi như trên nhưng quên không xem. Có lỗi gì, xem trang đó trước tiên là hay nhất.

Hậu cung của nhà vua

(Nghỉ cuối tuần mà trời nóng quá, ngại ra đường nên ngồi nhà nổi máu văn chương)

Sau khi đã lập xong hậu cung và trở thành một cao thủ trong tình trường Linux, đức Hoàng thượng rùng mình nghĩ lại thời mình còn lẽo đẽo đi theo bà Hoàng hậu già Windows khó tính, bệnh tật virus đầy người, hơi một tý lại lăn ra ngất. Nói cho công bằng, không có bà dìu dắt, Người cũng chẳng có ngày hôm nay. Bây giờ, Người ngạc nhiên nhìn lũ trai trẻ trong vương quốc cam tâm cúc cung tận tụy với Windows mà không biết rằng cả một chân trời mới đang ở ngay bên cạnh. Bởi vậy, Người mới quyết định giới thiệu hậu cung của mình để làm gương.

Và cũng bởi Người bắt đầu thấy nhàm rồi, đang tiến quân đi chinh phục những vùng đất mới.

Nước nhỏ và nghèo nên hậu cung xây trên một miếng đất khá chật: notebook Dell INSPIRON 700m với CPU Pentium M 1.6MHz, 1.256 GB RAM, 40 GB HDD, 82852/855GM Intel Integrated Graphics Device.

Đất hẹp nên mỗi quý phi chỉ được có khoảng 4-5 GB ext3 partition và có một phòng sinh hoạt chung My Documents (ntfs partition, 10 GB) thừa hưởng lại của hoàng hậu Windows XP đã quá cố (xóa sạch rồi chỉ còn lại có My Documents) và cái sảnh swap partition 500 MB cũng dùng chung nốt. Menu list là cái danh sách quyết định cô nào được ân sủng vua vời sẽ nói sau.

Mandriva 2009.1 KDE

snapshot1

Cô này vốn xuất thân từ một dòng họ quý tộc lâu đời (Mandrake 1.0, 7/1998). Cái tính quý tộc thể hiện từ hình thức đến nội dung. Mọi sinh hoạt đều tuân thủ theo nề nếp gia phong của Control Center và System Settings rất đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, có lớp có lang từng bước một (wizard). Riêng cái nề nếp đó chưa có cô nào theo kịp, kể cả openSUSE. Bảo cô làm việc gì cũng dễ dàng và ngoan ngoãn.

Bộ áo KDE 4.2 cô đang diện vốn là một bộ áo thời thượng nhất, đẹp nhất hiện nay nhưng cũng khó mặc nhất. Nhiều cô khác cũng cố khoác nó lên người nhưng rồi phải bỏ hoặc lụng thụng trông chẳng ra sao (Kubuntu chẳng hạn). Mandriva hòa nhập với KDE4 nhuần nhuyễn và có bản sắc riêng từ cái màn hình khởi động (splash) đến screensaver và nhiều tiểu tiết khác được may cắt riêng chứ không dùng cái có sẵn của KDE.

Nhìn sâu hơn thì cô thuộc loại quý tộc không nghèo nhưng cũng không phải là giầu. Các kho của hồi môn (repositories) khá lớn nhưng chưa bằng được một số cô khác. Và bố trí bên trong cũng hơi lộn xộn.

Tuy dòng dõi cao sang nhưng Mandriva nổi tiếng bình dân. Đặt vào đâu cô cũng hòa nhập rất tốt, không kén cá chọn canh gì (tương thích phần cứng tốt). Chỉ có đến đời 2009.1 này là thấy có chuyện. Cô sống rất thoải mái, nhanh nhạy với cái card màn hình Intel 82852/855GM, nhưng đưa sang chỗ khác có card  82G33/G31 cũng của Intel là chậm chạp hẳn. Đời trước 2009.0 thì lại không sao. Nguyên nhân có lẽ do cái driver Intel mới nhất hiện còn chưa ổn như đã nói trong một post trước.

Mandriva còn có một cô em diện áo GNOME, không xinh bằng chị nhưng nhìn thoáng hơn, nhanh nhẹn hơn vì bớt cầu kỳ. Hoa thơm đánh cả cụm nhưng đất chật đành cho hai cô ở chung một phòng (Install & Remove sofware -> Meta package -> GNOME -> task-gnome-minimal thế là xong). Thích ngắm cô nào thì ở cửa ra vào (màn hình Log in), nhấn vào hình quyển sổ bút chì đăng ký gặp cô đó. Hình cô em đây:

snapshot

Nếu để ý trên hình sẽ thấy, mặc dù cô em khoác áo GNOME nhưng vẫn dùng được đồ KDE của chị (Kontact) và ngược lại. Như thế hay hơn là chỉ có một thứ.

Đức vua hiện nay sủng ái cô chị Mandriva nhất. Hồi mới lập hậu cung, nghe thiên hạ đồn thổi người vời Ubuntu đầu tiên nhưng rồi chê vì hình thức màu mè xấu quá (hồi đó bản lĩnh người còn thấp chưa biết mua sắm trang điểm cho quý phi). Tiếp sau, có thời người sủng ái Kubuntu vì có nhiều nét hao hao giống hoàng hậu Windows. Bây giờ Mandriva với nền nếp gia phong dễ bảo lại xinh đẹp thì vượt lên không có gì là lạ.

Còn sau này thì chưa biết.

Ubuntu 9.04

snapshot1

Ubuntu là con gái nhà giàu mới nổi. Bố cô sau khi quăng một đống tiền đi du lịch vũ trụ về mới sinh ra cô. Tài kinh doanh, tổ chức của bố, tiền của bố và một chiến dịch lăng xê ngoạn mục đã làm cho Ubuntu nhanh chóng nổi như cồn. Chính nhà vua khi mới lập hậu cung cũng nghe đến tên Ubuntu đầu tiên. Đến bây giờ những kẻ chết mê chết mệt cô đông vô kể và đó chính là sức mạnh vô địch của cô. KDE 4.3 mới ra đời có mấy hôm đã có kẻ dâng lên cô rồi là một ví dụ. Đội ngũ fan người Việt cũng khá đông đảo và có một diễn đàn riêng (www.ubuntu-vn.org), cần gì lên đấy mà hỏi. Đó cũng là thế mạnh của Ubuntu ở cái xứ sở còn sơ khai về opensource này.

Kho của hồi môn (repositories) của Ubuntu thừa kế từ cụ bà Debian và bổ xung liên tục đứng vào hàng nhất nhì thiên hạ. Ngay kho Việt nam cũng được chăm sóc cẩn thận hơn các cô khác. Khi đức vua nổi máu phiêu lưu muốn thử cái mới, bao giờ người cũng dùng Ubuntu. Gia đình giàu có, đội ngũ fan đông đảo, thông tin tràn lan trên Internet, Ubuntu dễ dàng giải quyết được những việc mới đề ra.

Con gái nhà giàu mới lớn nên hơi khó bảo so với Mandriva. Có nhiều việc tề gia nội trợ bình thường, Mandriva có sẵn công cụ làm êm ru thì Ubuntu phải tìm kiếm cách làm, cài thêm công cụ,… hết hơi. Mặt khác vì là tầng lớp thượng lưu nên hay sợ điều tiếng, những cái gì không phải opensource là không dùng, báo hại người dùng phải tự bổ xung hơi bị mệt. Nhưng về lâu dài, tiềm năng của Ubuntu là vô địch và tương lai chắc còn sáng lạn.

Cô em Kubuntu khoác bộ cánh KDE4 lộng lẫy cũng được cho ở chung với chị (System -> Administration -> Synaptic Package Manage rồi tìm cài kubuntu-desktop). Nếu muốn diện bộ áo mới nhất KDE 4.3 (vừa may xong hôm 4/8/2009) thì theo hướng dẫn ở đây. hoặc ở đây. Mặc áo xong, ra khỏi phòng (log out) rồi trước khi vào lại, ở màn hình Log in nhấn vào Options -> Sessions để chọn. Kubuntu mặc áo KDE4 không được nhuyễn như Mandriva. Dung nhan Kubuntu 9.04 với KDE 4.3 như thế này:

snapshot2

Sống chung nên hai cô có thể dùng lẫn đồ của nhau. Ubuntu có thể dùng Kontact viết cho KDE và ngược lại Kubuntu cũng dùng được Brasero vốn viết cho GNOME. Thực ra cái đó không phải là mới. Thời các cụ tổ Red Hat (còn miễn phí) và Mandrake, bộ CD cài có 5-6 đĩa, cài xong là có cả KDE và GNOME cùng một đống phần mềm hỗn hợp. Bắt đầu từ Ubuntu nhằm mục đích phổ biến cho nhanh, mọi thứ được co gọn lại về bộ cài một đĩa CD mới có sự phân biệt như ngày nay.

Linux Mint 7

Screenshot

Trong 12 tháng qua (và kể cả trước đây), Linux Mint luôn đứng trong TOP 5 Người đẹp Linux Hoàn vũ. Về cô này đã có bài chi tiết trước đây. Khi cần giới thiệu người đẹp Linux với một người mới (bạn bè, người thân) đưa cô này ra là tiện nhất vì các lý do sau:

  • Mất độ 20 phút cài vào ổ cứng là xong. Hầu như không phải cài thêm gì (trừ bộ gõ tiếng Việt). Ubuntu và Mandriva phải cài bổ xung nhiều. Linux Mint con nhà bình dân không thượng lưu như Mandriva và Ubuntu nên không câu nệ tiểu tiết hay nói đúng hơn là không sợ điều tiếng. Cái gì cần là có không phân biệt cái đó có thuộc đẳng cấp mình (opensource) hay đẳng cấp khác (proprietary).
  • Giao diện nhẹ (GNOME) phù hợp với mọi cấu hình máy, thoáng, đẹp và menu dễ dùng.
  • Linux Mint cũng họ nhà Ubuntu. Do đó thừa hưởng được mọi ưu thế (và cả nhược điểm) của Ubuntu như đã nêu ở trên, nhất là phần hướng dẫn tiếng Việt cho người mới học. Mặt khác vì sinh sau nên Linux Mint có những phần bổ xung mà Ubuntu không có.

PCLinuxOS 2009.2

PCLinuxOS năm ngoái liên tục đứng trong TOP 5 Người đẹp Linux Hoàn vũ. Năm nay thì tụt hạng còn có thứ 7 nhưng vẫn còn có hạng. Con nhà nghèo (nhóm phát triển hoàn toàn là tình nguyện), bố mẹ lại lục đục nên cô chịu nhiều thiệt thòi. PCLinuxOS thuộc họ nhà Mandriva nên cũng thừa hưởng được nền nếp gia phong vốn có (Administration Center).

snapshot1

PCLinuxOS 2009.2 vẫn giữ nguyên bộ áo KDE3. KDE3 nhẹ hơn KDE4 dù không lộng lẫy bằng nhưng phát triển lâu nên khá chín, nhiều công cụ tiện ích bổ xung và chạy cũng nhanh hơn. PCLinuxOS cũng như Linux Mint có tính thực dụng cao nên cái gì cần là có và có khá nhiều tiện ích.

PCLinuxOS có một bộ cánh GNOME khá độc đáo như thế này (cái theme này chắc cài được lên các bản GNOME khác):

Screenshot

Tuy nhiên hai cô này hơi khó ghép ở chung với nhau.

Một trong những điểm chơi trội gần đây của PCLinuxOS là bản Firefox 3.5 vừa ra đời chỉ ít lâu sau đã được chính thức đươưa vào kho và tự động upgrade được. Các cô khác còn đang ngắm nghía, thử nên nếu muốn phải tự cài riêng từ ngoài vào.

Thực tình trước đây openSUSE, Fedora, Debian, Mepis, DreamLinux, Knopix,… và thậm chí cả openSolaris cũng đã lần luợt đi qua hậu cung này. openSUSE dung nhan không có gì đặc biệt, nề nếp gia phong rất bài bản nhưng lại quá rắc rối khắt khe, Fedora và Debian dòng dõi lâu đời nhưng không có gì nổi bật đối với người dùng bình thường, Solaris là một nhánh trực hệ của cụ cố Unix, khó tính khó nết không chịu sống chung với các cô khác nên đều bị loại. Bởi vì mục đích lập hậu cung là thực dụng, không phải nghiên cứu.

Những lúc vui đùa với đám mỹ nữ này, coi khinh các loại virus, nghĩ đến những kẻ đang mê muội bám đuôi bà lão Window mà thấy thương và ái ngại.

(còn tiếp, nếu trời còn nóng).

Chín bộ themes đẹp của Ubuntu

Chín bộ themes đẹp dưới đây dành cho Ubuntu Intrepid và Jaunty được giới thiệu tại Zgegblog . Cách cài như sau:
(cách cài dưới đây dùng lệnh chạy trong Terminal. Copy các lệnh ở đây rồi paste vào terminal cho nhanh và đỡ nhầm. Cũng có thể cài bằng Synaptic Package Manager).

Thử cài lên Linux Mint không được vì phải gỡ một số phần cơ bản của Mint.

Đầu tiên add repo chứa themes bằng cách sửa file /etc/apt/sources.list

sudo gedit /etc/apt/sources.list

thêm hai dòng sau vào cuối file:

Với Ubuntu Jaunty:

deb http://ppa.launchpad.net/bisigi/ppa/ubuntu jaunty main
deb-src http://ppa.launchpad.net/bisigi/ppa/ubuntu jaunty main

Với Ubuntu Intrepid cũng hai dòng trên thay từ “jaunty” bằng “intrepid”

Save rồi đóng màn hình gedit.

Add khóa GPG của kho phần mềm trên bằng lệnh sau:

sudo apt-key adv --recv-keys --keyserver keyserver.ubuntu.com 0x1781bd45c4c3275a34bb6aec6e871c4a881574de

(nếu lệnh này bị lỗi cũng không sao vì quá trình cài tiếp theo vẫn thực hiện được)

Cập nhật danh sách phần mềm bằng lệnh:

sudo aptitude update

Cài toàn bộ các themes bằng lệnh:

sudo aptitude install zgegblog-themes

Chú ý là dung lượng tải về khoảng 180MB và tốc độ tải từ kho launchpad khá chậm.

Khi cài xong, nhấn vào menu System -> Preferences -> Appearance rồi chọn trong tab Themes.

Ảnh mẫu các themes như sau:

Showtime for Gnome

1

Balanzan

balanzan_pres

Infinity

infinity-pres

Wild shine

wild-pres

Exotic

exotic

Tropical

tropical-prsentation

Bamboo Zen

bamboo-prs

Ubuntu sunrise

ubuntu_presentation

Aqua Dreams

expose

Có thể cài riêng từng themes bằng các lệnh:

sudo aptitude install showtime-theme

sudo aptitude install balanzan-theme

sudo aptitude install infinity-theme

sudo aptitude install wild-shine-theme

sudo aptitude install exotic-theme

sudo aptitude install tropical-theme

sudo aptitude install bamboo-zen-theme

sudo aptitude install ubuntu-sunrise-theme

sudo aptitude install  aquadreams-theme

Gỡ bỏ các Themes

Gỡ bỏ toàn bộ các themes trên bằng lệnh:

sudo aptitude remove zgegblog-themes

Hoặc gỡ bỏ từng themes bằng lệnh:

sudo aptitude remove themename

trong đó themename là tên themes đã nêu ở trên.

Linux Mint 7 Gloria

Ngày 26/5/09, bản Linux Mint 7 tên mã Gloria ra đời. Có thể đánh giá vắn tắt đây là một bản Linux thành công, luôn đứng trong top đầu xếp hạng về mức độ quan tâm của site Distrowatch (căn cứ theo page hit). Dưới đây điểm qua các đặc điểm chính.

Trước hết, thành công của Linux Mint dựa trên thành công của Ubuntu. Linux Mint là một bản linux cộng đồng dựa trên nền Ubuntu 9.04, bổ xung thêm các tính năng hướng người dùng, thuận tiện hơn trong sử dụng. Ubuntu có hàng chục “con” với nhiều hướng phát triển khác nhau, nhưng Linux Mint là nổi nhất.

PCLinuxOS dựa trên nền Mandriva cũng là một bản linux “con” của Mandriva đi theo hướng tương tự, nhưng bản PCLinuxOS 2009.1 vừa rồi không thành công được như vậy dù số trình tiện ích có vẻ nhiều hơn.

Linux Mint 7 hiện là bản Linux có thể dùng cài nhanh cho bạn bè, người quen chưa dùng Linux. Sau khi cài chỉ cần cài thêm bộ gõ tiếng Việt scim-unikey, add một số font Windows, cài máy in là dùng ngay được và tương đối dầy đủ.

Linux Mint 7 “Gloria”

Phần mềm

Linux Mint dùng lại toàn bộ các kho phần mềm (repositories) của Ubuntu và bổ xung thêm một số kho riêng. Các phần mềm không phải nguồn mở nhưng cần thiết đều được cài sẵn (multimedia codecs, java, flash, zip, unrar, …). Trong Ubuntu, những phần mềm này chỉ có sau khi cài ubuntu-restricted-extra hoặc perfectbuntu.
Các phần mềm ứng dụng cũng được chọn lọc tương đối đủ. Một ví dụ: một trong những phần mềm hay là Okular dùng xem và ghi chú file PDF (đã giới thiệu trong một post trước) mặc dù viết cho KDE4 nhưng cũng đã được cài sẵn trong Linux Mint.  Vì vậy cài xong chỉ cần bổ xung bộ gõ tiếng việt scim-unikey (cách cài giống như với Ubuntu 9.04) là dùng được ngay cho các nhu cầu văn phòng thông thường.
Trên site của FPT (http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/ ), Linux Mint chỉ mới có vỏ (tên thư mục) mà không có ruột.

Menu chính

Menu chính (nhấn vào nút Menu ở góc trái bên dưới màn hình) là cải tiến lớn nhất trong phiên bản này. Hiện có hai dạng menu phổ biến: menu kiểu cổ điển của GNOME và KDE3, di chuột đến đâu hiện lên menu con đến đấy và menu kiểu “kick-off” mà một số bản Linux KDE4 hiện đang dùng (Mandriva, openSUSE), có thể phải kích đến ba lần chuột mới đến được chỗ cần (vì chỉ có một màn hình với một cột). Mỗi kiểu đều có cái hay cái dở riêng. Menu chính của Linux Mint tổ hợp được những cái hay của hai kiểu menu trên và bổ xung thêm một số tính năng.
Khi nhấn lần đầu vào nút Menu, menu chính hiện ra như hình dưới gồm hai cột. Cột bên trái có các thư mục hay truy cập và một số phần mềm, lệnh hệ thống. Cột bên phải là Favorites, các phần mềm hay dùng. Danh sách Favorites có thể thêm bớt tùy ý. Cũng có thể thêm cột thứ ba bên phải là Recent Documents để mở các tài liệu gần đây cho nhanh (nhấn chuột phải vào menu, chọn Preferences rồi chọn Show recent documents trong tab Options).

Nếu cần tìm các phần mềm khác thì nhấn All applications, cột bên phải sẽ chia thành hai cột gồm các nhóm ứng dụng và danh sách ứng dụng trong nhóm, di chuột đến tên nhóm nào hiện lên nhóm đóở cột bên phải theo kiểu menu cổ điển nhưng trực quan hơn. Bên dưới tên mỗi phần mềm có một dòng mô tả ngắn (xem hình dưới).

Dưới đáy màn hình là Filter. Nếu không muốn di chuột tìm thì gõ vào đó vài từ trong tên ứng dụng để tìm.
Nếu ứng dụng cần tìm không có trong menu, tức là chưa được cài, sẽ xuất hiện cột Suggestions (đề xuất) như hình dưới.

Search portal sẽ dẫn bạn đến site phần mềm (www.linuxmint.com/software) để tìm. Search repositories sẽ tìm trong các kho phần mềm của Ubuntu và Linux Mint (đã được enable). Show package cho hiện các thông tin chi tiết về gói phần mềm (nếu có). Install package sẽ cài gói phần mềm đó nếu có sẵn trong các kho. Nói tóm lại menu chính sẽ kiêm một số chức năng của trình Package Manager.

Menu chính mặc định có thể mở bằng cặp phím Ctrl+Start (phím Start có logo của Microsoft còn gọi là Windows key. Trong linux phím này gọi là Super_L) và đóng lại bằng phím Start hoặc Esc. Có thể đặt phím khác tùy ý.

Software Manager

Ngoài trình quản lý các gói phần mềm (package manager) Synaptic như Ubuntu, Linux Mint có trình quản lý phần mềm riêng mintInstall cho phép tìm kiếm, xem xét trước khi cài các phần mềm ứng dụng hoàn chỉnh (trên menu là Software Manager).
Điểm mới lần này so với phiên bản Linux Mint 6: danh mục một số phần mềm phổ biến, hiện chưa cài (Featured applications), tự động hiển thị các thông tin và màn hình xem trước của phần mềm (xem hai hình dưới đây).

Nhấn vào ảnh màn hình (screenshot), ảnh sẽ được phóng to để xem kỹ hơn. Khi nhấn nút More Info, màn hình sau xuất hiện cho biết khá chi tiết về phần mềm.

Tóm lại Software Manager giống như một cửa hàng, vừa giới thiệu các loại hàng bán chạy (featurred applications), vừa cho xem kỹ hàng cả về hình thức lẫn các thông tin chi tiết trước khi chọn mua (cài đặt lên máy).

Một vài cải tiến khác

Firefox được cài sẵn Moonlight plugin, phiên bản nguồn mở của Microsoft Silverlight. Tuy nhiên hiện Moonlight chỉ mới đến bản 1.0 do đó ví dụ chưa xem được site media của báo Thanh niên (dùng Silverlight 2.0). Hiện cũng đã có bản Moonlight 2.0 Preview nhưng chưa được tốt.

Các file multimedia nhúng trong Firefox xem bằng gecko-mediaplayer plugin (đã cài sẵn). Plugin này khá hơn mozila-mplayer là khung hình giữ nguyên vị trí trong trang web. Ví dụ khi xem trang media của báo Tuổi trẻ (media.tuoitre.com.vn), nhấn chuột phải vào thanh điều khiển, chọn Preferences rồi Video output chọn gl, Audio output chọn alsa sẽ xem được. Trước đây dùng mozilla-mplayer thì xuất hiện màn ảnh phụ, giao diện cũng kém hơn.

Bổ xung thêm lệnh inxi chạy trong terminal cho biết khá nhiều thông tin hệ thống (xem hình dưới)

Screenshot-Terminal

Tính năng power management chạy khá tốt. Để laptop chạy không một thời gian định trước, Linux Mint tự động suspend to ram (hoặc disk) và khi nhấn nút Power khôi phục lại trạng thái cũ trơn tru.
Sau một thời gian dùng thử, Linux Mint chạy khá ổn định.
Chỉ có bộ gõ tiếng Việt scim-unikey đôi khi bị đơ không gõ được trong Firefox. Khởi động lại Firefox thì lại gõ được.
Control Center cũng giống Ubuntu và thua xa Mandriva về khả năng cấu hình đơn giản, dễ dàng. Ví dụ cả Ubuntu và Mint đều cho phép người dùng bình thường mount các partition khác, nhưng mỗi lần khởi động phải nhấn nút vào biểu tượng partition trong Computer để mount lại. Muốn mount tự động (ví dụ với partition chứa My Documents của Windows) phải biết cách sửa file fstab. Mandriva có thể mount tạm thời hoặc vĩnh viễn bằng Local disk trong Control Center không cần dùng lệnh.
Nếu Ubuntu và Linux Mint kết hợp được Control Center của Mandriva thì hoàn chỉnh.

Vài thứ về Ubuntu, Kubuntu

1- Làm việc với hai màn hình

Trong Ubuntu đã có chương trình randr (giao diện dòng lệnh) để chỉnh độ phân giải màn hình khi kết nối máy tính vào thêm một màn hình ngoài. Cài thêm giao diện đồ họa (front end) của nó là grandr (có sẵn trong kho phần mềm, tìm và cài bằng Synaptic), chương trình này xuất hiện trong menu System -> Administration -> Multiple Screens.

Dùng chương trình này có thể cắm notebook đã bật sẵn vào màn hình ngoài, bật và chỉnh độ phân giải màn hình ngoài mà không cần khởi động lại hệ điều hành.

Cách làm trên cũng đúng cho mọi hệ Linux Gnome. Tuy nhiên có điều lạ là openSUSE Gnome không có sẵn phần mềm này trong kho phần mềm của nó.

Các hệ Linux KDE cũng có phần mềm tương tự là KRandR và thường được cài sẵn.

2- Perfectbuntu đầy đủ hơn ubuntu-restricted-extra.

Khi cài xong Ubuntu, phải cài thêm vài thứ tập hợp trong gói ubuntu-restricted-extra (multimedia codecs, font Windows, Java, Flash plugin, DVD playback). Theo hướng dẫn tại đây, còn có thể cài một lần cho xong ngoài những thứ vừa nêu, nhiều thứ cần thiết khác bằng một chương trình dưới dạng script là Perfectbuntu.

Tải file về theo cách hướng dẫn ở cuối trang nói trên hoặc tải file perfectbuntu tại đâytại đây. Mở Terminal tại thư mục có chứa file rồi chạy lệnh sudo perfectbuntu.

Chương trình sẽ nêu ra lần lượt các câu hỏi để bạn tự quyết định. Khi hỏi xong, nó sẽ add các kho phần mềm cần thiết, tải các gói phần mềm đã chọn về cài. Vì là mã script nên bạn có thể xem và sửa nội dung Perfectbuntu dễ dàng. Chương trình dùng cho Ubuntu từ 8.04 đến 9.04 cả 32 lẫn 64bit. Tôi chưa thử nhưng có lẽ cũng dùng được cho cả Kubuntu.

3- Tinh chỉnh Ubuntu bằng Ubuntu Tweak

Ubuntu Tweak là một bộ công cụ “điều khiển” Ubuntu rất có ích, bổ xung nhưng cái mà Ubuntu không có, gồm các mục:

Computer: một số thông tin hệ thống

Applications: cài đặt một số phần mềm chọn lọc, sửa danh mục các kho phần mềm, dọn dẹp làm sạch một số thứ liên quan đến các gói phần mềm đã cài.

Startup: quản lý các chương trình tự khởi động

Desktop: chỉnh trang màn hình Desktop.

Personal: chỉnh nhiều thứ theo ý người dùng.

System: chỉnh một số thứ thuộc về hệ thống.

Tải về và xem thêm thông tin tại đây.

4- Kho driver card màn hình cập nhật

Trong một post trước tôi có dịch một bài viết nói về tình trạng driver màn hình Intel hiện nay. Nếu bạn thật sự cần những driver màn hình mới nhất (Intel, NVIDIA, ATI, …) hãy xem dự án này (cho cả Ubuntu và Debian). Kho các driver màn hình dành cho Ubuntu, Kubuntu có tại đây.

Nhấn vàoSystem > Administration > Software Sources, nhấn tiếp vào tab”Third-party Software” rồi copy và paste hai kho sau:
deb http://ppa.launchpad.net/xorg-edgers/ppa/ubuntu jaunty main
deb-src http://ppa.launchpad.net/xorg-edgers/ppa/ubuntu jaunty main
Nhấn vào link này copy toàn bộ khối ký tự từ  BEGIN PGP PUBLIC KEY BLOCK đến hết, paste vào một file text. Nhấn vào tab Authentication, nhấn tiếp vào Import Key file rồi tìm đến file vừa tạo để nhập key vào.

Nhấn tiếp vào nút Reload để cập nhật danh sách phần mềm, đóng màn hình lại. Nhấn vào menuSystem > Administration > Synaptic Package Manager rồi nhấn nút Mark All Upgrade để cài driver màn hình mới nhất.

5- Nautilus scripts

Trình quản lý file Nautilus có nhiều script mở rộng các tính năng tập hợp tại đây. Có thể tải file này về, giải nén thành thư mục nautilus-scripts rồi copy toàn bộ thư mục đó vào thư mục ẩn /home/<username>/.gnome. Đóng Nautilus lại rồi mở ra, nhấn phím phải chuột vào một thư mục hay file, trong menu con (service menu) xuất hiện sẽ có rất nhiều lệnh có ích. Không thích lệnh nào có thể mở thư mục nói trên xóa bớt đi.

6- Service menu của Dolphin

Tải tại đây hai file:

kde4-servicemenu-extract-and-compress_1.4.4~jaunty~ppa1_all.deb

kubuntu-servicemenu-rootactions_2.4.3~jaunty~ppa1_all.deb

và cài để có các lệnh bổ xung vào service menu của Dolphin (trong Kubuntu 9.04)

Ubuntu 9.04 và card màn hình Intel

2 May 2009, 11:31

Ubuntu 9.04 and Intel graphics

by Dr. Oliver Diedrich

Lược dịch Zxc232

Đối với người dùng Linux không cần đến tốc độ 3D cực cao, card màn hình Intel là giải pháp ưu thế, ít nhất là vì công ty phát triển driver dưới dạng nguồn mở trong khuôn khổ dự án X.org. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển các driver card màn hình Intel đang ở tình trạng lộn xộn (do chưa theo kịp tiến bộ công nghệ -ND)

Trong release note của Ubuntu 9.04 công nhận rằng driver Intel bị giảm tốc độ (“performance regressions”) thậm chí một số loại chíp card màn hình Intel còn làm cho X Server bị treo. Cách khắc phục tạm (workaround) xem tại đây.

Vấn đề trên có nhiều triệu chứng khác nhau. Một số người dùng Ubuntu báo cáo rằng video Flash chạy ở chế độ toàn màn hình bị giật, game 3D chạy rất chậm, nếu kích hoạt các hiệu ứng 3D thì màn hình khó sử dụng và trong trường hợp xấu nhất, khi di chuyển cửa sổ chậm đến mức máy tính hầu như treo. Chúng tôi cũng quan sát thấy một số hiệu ứng đó khi test các card màn hình Intel.

Các driver đồ họa Intel hiện vẫn đang được phát triển. Trong nhân Linux version 2.6.28 (dùng trong Ubuntu), trình quản lý thực hiện đồ họa (Graphics Execution Manager – GEM) được chuyển vào trong nhân. Điều đó nghe có vẻ đơn giản và tăng hiệu quả quản lý bộ nhớ màn hình của X Server nhưng yêu cầu driver đồ họa phải thay đổi.

Trong phiên bản nhân Linux mới nhất version 2.6.29 (Mandriva 2009.1 dùng nhân này -ND), chức năng điều khiển card màn hình Intel được chuyển giao cho kernel (kernel-based mode setting – KMS). Thay cho X Server, nhân Linux sẽ thiết lập cấu hình đồ họa, tạo nên hiệu quả lớn với driver đồ họa. Theo nhà phát triển Keith Packard của Intel, khoảng một nửa mã driver đồ họa Intel chịu trách nhiệm thiết lập cấu hình.

Ngoài ra, X.org cũng đưa vào một hệ thống gia tốc 3D mới Direct Rendering Infrastructure 2 (DRI2)  thay cho các hệ thống gia tốc 3D cũ. Intel cũng đang phát triển một hệ thống gia tốc 2D mới có tên là UXA tận dụng các ưu điểm của GEM. UXA sẽ thay cho EXA và kiến trúc XFree86 cũ (XXA).

Như Packard đã tính toán một cách đầy hy vọng, GEM hay không GEM (điều khiển đồ họa bằng kernel hay bằng driver), bốn cách gia tốc 2D khác nhau (không gia tốc, XAA, EXA, UXA) và ba cách gia tốc 3D (không gia tốc, DRI, DRI2) tạo nên 48 tổ hợp lý thuyết mà driver cần đáp ứng. Ngoài ra còn một khó khăn khác: driver cần phải kiểm soát được một dải rộng các bộ xử lý đồ họa của Intel và các version khác nhau của cùng một bộ xử lý. Tất cả những điều đó làm cho việc test thử một cách có hệ thống gần như là điều không thể.

Mục đích cuối cùng của tất cả các phát triển trên là dùng GEM, kernel đặt cấu hình đồ hoạ, DRI2 và UXA để giảm nhẹ vai trò của driver và tăng tốc đồ hoạ. Các vấn đề nảy sinh là ở quá trình chuyển tiếp công nghệ: kernel trước đời 2.6.29 (không có KMS hoặc không có cả KMS và GEM), vẫn còn đang được dùng trong hầu hết các bản Linux hiện tại.

Ubuntu 9.04 rơi vào đúng giai đoạn chuyển tiếp sống còn đó. GEM có, KMS không, EXA và DRI bị disable, UXA và DRI2 vẫn còn đang loạng choạng và hình như không có ai biết rõ tổ hợp nào trong các công nghệ nói trên chạy nhanh nhất và ổn định nhất với bộ xử lý màn hình nào. Danh sách dài những kinh nghiệm mâu thuẫn nhau có trong Ubuntu’s UXA testing cho thấy không có nhiều hy vọng là sẽ có câu trả lời sớm. Vì vậy mà lời khuyên trong Ubuntu release notes khá mơ hồ: “Một số người dùng thấy có thể tăng tốc độ bằng cách…” hoặc “cải thiện được đáng kể tốc độ trong một số trường hợp…” hoặc “có thể không may gặp những vấn đề nghiêm trọng về ổn định hệ thống…”. Người dùng gặp những vấn đề đó không có cách nào khác ngoài cách thử các lời khuyên khác nhau và hy vọng sẽ tăng được tốc độ màn hình mà không có hiệu ứng phụ quá đáng nào. Cũng có cả một mục Hướng dẫn sửa lỗi đưa ra vài thủ thuật.

Điều đáng buồn là sự cố trên lại xảy ra với Intel. Trong nhiều năm ròng, người dùng Linux không cần tốc độ đồ họa 3D cao đã được khuyên dùng card màn hình Intel vì Intel là một công ty mẫu mực đã phát triển các driver màn hình nguồn mở cho Linux trong khuôn khổ dự án X.org. Hai nhà sản xuất card màn hình lớn khác là Nvidia và AMD chỉ cung cấp driver Linux nguồn đóng.

Thêm vào đó, từ khi giới thiệu nền tảng Centrino đầu năm 2003, Intel đã không ngừng tăng thị phần trong thị trường card màn hình laptop, gần một nửa số laptop hiện nay dùng card màn hình có bộ vi xử lý Intel. Với máy PC để bàn có card màn hình Intel onboard, trong trường hợp cần bạn có thể cắm thêm card màn hình rời AMD hoặc NVIDIA, nhưng với laptop thì bạn phải chung sống với card màn hình onboard.

Hy vọng duy nhất hiện nay là các nhà phát triển phần mềm nhanh chóng sửa được các vấn đề trên và Ubuntu sẽ được cập nhật khi đã sửa xong. Nếu không tiếng tăm của Ubuntu có thể bị ảnh hưởng.

Lời người dịch: đúng là gần đây khi thử K/Ubuntu 9.04, Mandriva 2009.1, có gặp một số trục trặc về màn hình. Té ra là do  driver màn hình Intel chưa theo kịp tiến bộ công nghệ. Vậy tốt nhất với laptop là cứ dùng các phiên bản Linux cũ, với PC thì tùy. Tôi dùng Ubuntu 9.04 cho các ứng dụng văn phòng (card onboard của Intel) thì không thấy có vấn đề gì.

Ubuntu 9.04 (Jaunty Jackalope)

Một vài nhận xét nhanh.

Download: vì đã có site của FPT (http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/ubuntu-releases/jaunty/) nên tải về tương đối nhanh (tải qua Wifi của Viettel khoảng 1 tiếng, thanks FPT). Tuy nhiên khi dùng Kubuntu 9.04 để tải bị lỗi 2 lần:

Lần 1: tải về bằng DownThemAll của Firefox, bỏ đi chơi, lúc quay lại thấy báo lỗi size mizmatch…)

Lần 2: tải lại vẫn trong Kubuntu 9.04, gần xong thì đèn ổ cứng đỏ liên tục, máy treo cứng. Ctrl+Esc để xem System Monitor không thấy có hiện tượng gì, không có process nào chiếm CPU hoặc RAM.

Lần 3: tải về từ Mandriva 2009.0. Xong. Hơi nghi ngờ độ ổn định của Kubuntu.

Các màn hình cài đặt của Ubuntu và Kubuntu giống nhau. Có 3 chế độ cài: xóa hết chỉ cài Ubuntu, cài chung với các hệ đã có và cài tự chọn partition. Trong chế độ thứ hai, Ubuntu rất phân biệt đối xử: nếu trên máy đã có Ubuntu 8.10 và PCLinuxOS chẳng hạn, nó để nguyên Ubuntu 8.10, dồn nhỏ PCLinuxOS lại để lấy chỗ cài vào đó. Màn hình partition hơi khó nhìn, phải soi kỹ mới hiểu được.

Repositories mặc định chọn sẵn là Server for Vietnam (nhưng ở tây). Chọn Other rồi cuốn xuống dưới cùng thì chọn được site của FPT. Mặc dù site này nhanh nhưng vẫn còn nghi ngờ về chất lượng cập nhật (rsync) vì khi mở site của Ubuntu đến phần này nó báo là status về sychronize là unknow (cũng là thứ băn khoăn về chất lượng dịch vụ của VN nói chung).

Trước đây hay dùng Kubuntu thấy tìm kiếm phần mềm bằng Adept Manager rất tốt. Trong Ubuntu có hai chỗ để tìm và cài phần mềm (hai giao diện của cùng apt): Synaptic (System -> Administration -> Synaptic Package Manager) và Add/Remove (Applications -> Add/Remove). Gặp hai lỗi về search:

1- Tìm codecs hỗ trợ mms của Microsoft. Trong Synaptic gõ mms vào cả Quick Search và Search đều không thấy. Trong Add/Remove gõ mms thì tìm được Gstreamer plugins for mms …

2- Sau khi đã add launchpad để cài scim-unikey như hướng dẫn trên http://forum.ubuntu-vn.org/index.php, tìm scim-unikey để cài thì không thấy dù đã Reload (ở cả Synaptic và Add/Remove). Khi tải scim-unikey từ http://code.google.com/p/scim-unikey/downloads/list về cài thì  bị báo là “trong kho có rồi sao không cài?”.

Khác với Kubuntu 9.04, gói ubuntu-restricted-extras cài được. Nên cài gói này ngay từ đầu. Tuy nhiên, gói này bảo có cài Java nhưng thực tế thì không, phải tìm cài riêng (các bản Ubuntu trước không bị thế).

Về cơ bản, Ubuntu 9.04 Desktop không  có thay đổi gì lớn so với trước ngoài việc cập nhật các phần mềm mới nhất (Kernel, Gnome, OpenOffice,…). Thời gian khởi động được quảng cáo là nhanh hơn nhưng thực tế cũng không thấy rõ.

Đã thử các cách gõ tiếng Việt sau:

  1. xvnkb: cài bản xvnkb_0.3-2ubuntu710_i386.deb, khởi động lại bị lỗi không vào màn hình đồ họa được.
  2. x-unikey-0.92 (bản ổn định nhất của x-unikey) bị lỗi dấu nặng (gõ chữ j không ra dấu nặng).
  3. x-unikey-1.04 gõ được trên Firefox, OpenOffice nhưng không gõ được trên Evolution.
  4. VIT (bộ gõ dùng engine unikey và giao diện xvnkb, xem tại đây): không tự khởi động, chạy file /etc/init.d/vit.sh cũng không gõ được. Bản này thấy tác giả nói là chạy tốt trên Ubuntu 8.04 và 8.10.
  5. scim: gõ được. Cách cài: System -> Adminstration -> Language Support -> Install/Remove Languages. Chọn tiếp Vietnamese để cài các gói scim. Trong màn hình Language nhớ chọn mục Use IME to enter complex characters. Sau đó tải file scim-unikey về cài như nói ở trên.

scim-unikey gõ được trong Firefox, OpenOffice, Evolution. Các lỗi gõ chèn trong Calc và gây crash OpenOffice hình như đã được tác giả khắc phục. Tuy nhiên vẫn còn lỗi của bản thân x-unikey-1.04: đang gõ bị mất tiếng Việt. Ổn định nhất có lẽ là copy thêm file vi-telex-locdt.mim vào /usr/share/m17n, nhưng cách gõ này luôn phải nhớ kết thúc từ. Bộ gõ có ổn định không phải thử nhiều mới biết được, trên đây chỉ thử sơ bộ.

Khi cài trên một máy để bàn có hai card LAN (card onboard Gigabyte RTL8111 và card rời Surecom RTL8139), Ubuntu cấu hình IP tĩnh được card onboard, không cấu hình được card rời. Kubuntu 9.04 cũng trên máy đó lại cấu hình được card rời, không cấu hình được card onboard (hơi lạ, vì về nguyên tắc phải lỗi như nhau). Mandriva cấu hình được cả hai card.

Khi cài trên notebook rồi nối với màn hình LCD ngoài, Ubuntu và Kubuntu đều chỉ đặt màn hình ngoài ở độ phân giải 1024×768 và màn hình notebook không đặt đúng, bị co ngang. Tuy nhiên, Kubuntu có trình KRand chỉnh được lên 1280×1024 (và giảm xuống) và chỉnh được màn hình notebook. Trong Ubuntu chưa biết chỉnh thế nào (Display không cho chỉnh quá 1024×786). Mandriva nhận đúng cả hai màn hình.

Update 28/4/09: trên một máy để bàn, khi cho đĩa CD vào ổ, trong Ubuntu 9.04 không thể mở Nautilus để xem thư mục Home, chưa nói đến xem nội dung đĩa CD. Chạy Nautilus từ terminal báo lỗi “Segmentation fault”, lỗi truy cập bộ nhớ không được phép. Khi bỏ đĩa CD ra thì lại mở được Nautilus bình thường. Cũng trên máy đó và đĩa CD đó, khi chạy các hệ khác như Mandriva, Kubuntu 9.04, Kubuntu 8.10, vẫn mở được các trình duyệt file và xem được nội dung đĩa. Không hiểu có phải do mấy bộ tiếng Việt cài vào dù đã gỡ ra còn sót không hay lỗi của Ubuntu?

Ubuntu cho phép user mount các partition khác trên ổ cứng đơn giản: chỉ cần nhấn chuột vào biểu tượng partition trong Nautilus. Tuy nhiên khi khởi động lại thì phải mount lại. Muốn mount cố định phải sửa file /etc/fstab. Kubuntu và Mandriva đều có trình cho phép dùng quyền root để mount, tự động sửa file fstab luôn nếu muốn. Trình này trong Mandriva đơn giản và trực quan hơn Kubuntu.

Ubuntu mới có trình Janitor để dọn dẹp hệ thống file, sửa chữa các file cấu hình. Chưa tìm hiểu kỹ nên chưa rõ tác dụng.

Ubuntu dùng Gnome nên nhẹ, chạy nhanh, giao diện chân phương phù hợp để làm việc và có lẽ sẽ ổn định hơn Kubuntu với KDE4 còn đang độ lớn. Nhìn chung các bản Gnome dù không đẹp như KDE nhưng nhẹ, nhanh hơn.

Tóm lại, Ubuntu lần này vẫn còn hơi lủng củng chưa xứng với tiếng tăm và mức độ phổ biến mà nó có. Ưu điểm lớn nhất là đội ngũ fan đông đảo kể cả ở Việt nam và số lượng phần mềm trong kho lớn, có sẵn. Trong giai đoạn này, dùng Mandriva vẫn hơn.

Kubuntu 9.04 (Jaunty Jackalope)

Kubuntu 9.04 (và các bản khác của dòng Ubuntu: Ubuntu, Xubuntu, …) vừa chính thức ra đời ngày 23/4/2009. Dưới đây là vài nét điểm nhanh.

Tên mã của phiên bản 9.04 là Jaunty Jackalope. Jackalope theo wikipedia là một con vật tưởng tượng giống một con thỏ có sừng nai, không dịch sang tiếng Việt được.

Tải về tại http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/ubuntu-releases/kubuntu/jaunty/

Cài đặt: cài đặt cũng thông thường như Kubuntu 8.10. Cách biểu diễn các partition màu mè nhưng khó nhìn so với trước đây và với một số hệ Linux khác. Hiện đã chính thức hỗ trợ hệ thống file ext4 (xem bài Các hệ thống file nhật ký của Linux trên blog này).

Kubuntu 9.04 dùng KDE 4.2 có cải tiến và nhuyễn hơn bản 4.0. Tuy nhiên, khởi động  khá chậm, kể cả trên máy cấu hình cao.  Bản Kubuntu 8.10 với KDE 4.0 bị kêu nhiều nên phải ra bản Kubuntu 8.04.2 dùng KDE 3.5. Trang download giới thiệu cả hai bản Kubuntu 9.04 và 8.04.2:

  • Kubuntu 9.04 – Featuring the cutting edge KDE 4 and maintained until 2010
  • Kubuntu 8.04 – Featuring the mature KDE 3 and maintained until October 2009

Trên máy notebook Dell Inspiron 700m, nhận biết và cài wifi tốt. Nhưng trên một máy để bản, không nhận được card LAN onboard, phải cài card rời.

Trong bản 9.04 này, kho phần mềm của FPT đã được chính thức đưa vào danh sách các kho của Ubuntu. Trong KPackageKit -> Settings -> Edit Software Sources -> Download from, chọn Other rồi cuốn xuống dưới cùng ở mục Vietnam chọn kho này. Tốc độ download khá nhanh.

KPackageKit được dùng thay cho Adept Manager để quản lý các gói phần mềm. Phần mềm này đẹp nhưng thiếu nhiều tính năng so với Adept Manager. Ví dụ: không cho biết tổng dung lượng tải về, không hiển thị chi tiết quá trình tải từng gói, không có dấu hiệu báo gói bị BREAK, v.v… Chắc phải đợi các phiên bản sau.

Kiểu quản lý kho phần mềm vẫn theo cũ: mỗi lần chỉ chọn một kho, nếu kho đó đứt phải chọn lại kho khác bằng tay. Cách quản lý kho theo mirror list của Mandriva có vẻ tốt và tin cậy hơn về lý thuyết, tuy thực tế thì không được như vậy.

Đặc biệt trong các bản K/Ubuntu trước có gói k/ubuntu-restricted-extras cài toàn bộ các gói không nguồn mở như flashplayer, java, msttcorefonts, multimedia codecs, unrar, …rất tiện. Trong bản 9.04 vẫn thấy có gói đó nhưng dung lượng có 4,9KB, cài xong chẳng thấy có tác dụng gì. Các gói trên phải cài riêng rẽ.

Gõ tiếng Việt vẫn dùng được x-unikey:

  1. Tải file x-unikey-0.92.i386.ubuntu.deb (844,1KB) tại đây.
  2. Nhấn vào file đó để cài.
  3. Mở thư mục Home của user đang login (/home/<username> ) bằng Dolphin. Nhấn vào menu View, chọn Show Hidden Files.
  4. Nhấn vào file ẩn .profile để mở file đó bằng Kate. Copy ba lệnh dưới đây rồi paste vào cuối file:
    • export LANG=en_US.UTF-8
      export XMODIFIERS=”@im=unikey”
      export GTK_IM_MODULE=xim
  5. Tạo shortcut cho unikey tự khởi động trong thư mục ẩn Home/.kde/Autostart.

Đã thử gõ được tiếng Việt trong Firefox, KMail, OpenOffice (trước khi gõ vào một ô của Calc vẫn phải nhấn F2 để tránh lỗi mất chữ).Chưa biết khi gõ nhiểu thì có gặp lỗi gì không.

Đã thử cài scim nhưng trục trặc chưa dùng được, cần tìm hiểu thêm.

OpenOffice hiện đã là bản 3.0.1, một tiến bộ muộn màng của Ubuntu.

System Settings khá hơn bản 8.10, bổ xung thêm một số mục dùng được nhưng vẫn kém System Settings của KDE3 (không có mục quản lý các partition, phần network cũng thiếu một số tính năng, …). Muốn mount tự động một partition phải sửa trực tiếp file /etc/fstab.

Giao diện KDE4 thì đương nhiên đẹp, font chữ hiển thị đẹp hơn OpenSUSE nhưng chưa bẳng Mandriva. Power Management tốt hơn Mandriva. Tuy nhiên để nguyên chế độ mặc định thì KDE4 chạy hơi chậm.

Khi mở trình chơi nhạc Amarok lần đầu, nó sẽ đề nghị cài thêm một số gói để hỗ trợ MP3, flash,… Tuy nhiên để chạy multimedia trên Firefox tốt nhất là cài thêm smplayer và mozilla-mplayer. Trình Media Player nên dùng là SMPlayer, hỗ trợ nhiều codecs và giao diện cũng khá.

Điểm qua vài hệ Linux gần đây

Kubuntu 8.04.2

Kubuntu 8.04.2 là bản cập nhật của 8.04 KDE3, với lời thừa nhận rằng:” bản Kubuntu 8.10 KDE4 hiện chưa thích hợp cho mọi người dùng”. Nhóm Kubuntu có vẻ trầy trật với KDE4, ngay bản Jaunty sắp tới cũng có một phiên bản remix dùng KDE3.

Bản này cập nhật hơn 200 mục, nhẹ, ổn định, gõ tiếng Việt được bằng x-unikey-0.9.2. Không có gì mới hay nổi bật so với 8.04.

Update 28/4/09: bộ gõ unikey có một nhược điểm là khi gõ trên web (blog, gmail, …) không gõ nhanh được.

PCLinuxOS 2009

Sau gần hai năm (PCLinuxOS 2007 ra tháng 5/2007) đến nay PCLinuxOS mới ra được phiên bản mới: PCLinuxOS 2009.1 KDE3 và GNOME. Một hiện tượng đáng ngạc nhiên là mặc dù cập nhật chậm như thế nhưng trong hai năm qua, PCLinuxOS luôn nằm trong TOP10 của site DistroWatch, chứng tỏ sự quan tâm đến nó không giảm.

Trong thời gian đó, nội bộ nhóm phát triển có nhiều mâu thuẫn. Một bộ phận bỏ nhóm đi nơi khác. Như đã nhận xét trong một post trước, mô hình kinh doanh yếu của PCLinuxOS đã thể hiện rõ trong thời gian vừa qua.

Hai bản PCLinuxOS KDE3 và GNOME 2009.1 vẫn giữ nguyên được các ưu điểm cũ: thừa kế tính năng dễ dùng của Mandriva, cài sẵn các gói non-free và các phần mềm ứng dụng tương đối đầy đủ (trừ bản GNOME không có OpenOffice!), giao diện độc đáo và đẹp. Gõ tiếng Việt trên bản KDE3 vẫn dùng được x-unikey-0.9.2 ổn định không lỗi như x-unikey-1.0.4. Gõ tiếng Việt trên bản GNOME dùng scim với file vi-telex-locdt.mim.

PCLinuxOS chú ý đến những tiểu tiết sử dụng của người dùng Windows. Ví dụ trong bản KDE, nhấn phím phải chuột vào một thư mục có lệnh zip thư mục đó.

Tóm lại nếu muốn có một bản Linux đẹp để dùng (không phải để nghịch), cài đặt đơn giản thì nên chọn PCLinuxOS.

Nhược điểm lớn nhất là hai bản này chạy không thoát và nhanh như phiên bản cũ, nhất là trên các máy cấu hình thấp. Mô hình kinh doanh yếu tạo cảm giác không yên tâm.

openSUSE 11.1 (GNOME)

SUSE là một cây đại thụ trong làng Linux (bắt đầu năm 1996). Công ty hiện đang kinh doanh SUSE là Novell, một trong hai công ty Linux thành công nhất cho đến nay (công ty kia là RedHat). Chỉ đến năm 2005, theo mô hình Fedora của RedHat, Novell mới lập dự án openSUSE cho cộng đồng nguồn mở rộng rãi tham gia. Bản openSUSE nguồn mở miễn phí, luôn tích hợp các công nghệ và phần mềm mới nhất để làm con chuột thí nghiệm cho Novell lấy ý kiến từ người dùng, rút kinh nghiệm xây dựng bản SUSE Enterprise Linux bán cho các khách hàng doanh nghiệp.

Quá trình cài đặt và cấu hình openSUSE phức tạp và hoành tráng hơn các bản Linux phổ biến khác nhiều. Trong mỗi bước thực hiện, có nhiều những options, những thông số, những khái niệm để lựa chọn. Thực ra, những cái đó trong các bản Linux khác cũng có nhưng thường được ẩn đi theo những lựa chọn mặc định.Vì vậy nếu định tìm hiểu hơi sâu về Linux dùng openSUSE rất có ích.

Toàn bộ quá trình cài đặt và cấu hình dựa trên một công cụ trung tâm là YaST (Yes another Setup Tool). YaST có cả hai loại giao diện: giao diện đồ hoạ trên nền KDE hoặc Gnome và giao diện đơn giản chạy trên nền terminal (kiểu như giao diện các chương trình chạy trên nền DOS).

Control Center của openSUSE có lẽ là phong phú đầy đủ nhất trong các bản Linux. Trong đó có cả những tính năng mà chỉ do quan hệ với Microsoft mới có như Windows Domain Member. Dễ dùng thì không bằng Mandriva vì các mục cấu hình không ở dạng wizard như Mandriva nhưng số lượng mục cấu hình nhiều hơn (Ví dụ có các mục /etc/sysconfig Editor, Kernel Settings chắc không mấy user thường dám thử) và chi tiết hơn (ví dụ các Network Services).

Trình quản lý phần mềm (Software Manager) có vẻ chặt chẽ bài bản nhưng cũng phức tạp, rắc rối hơn các bản Linux khác. Mỗi lần chạy, nó đều tự động kết nối và kiểm tra lại danh sách các gói phần mềm hiện có trong các kho, hơi lâu nhưng cẩn thận (các bản Linux khác, phần này thường không tự động). Khi có xung đột, nó đưa ra ba bốn lựa chọn chắc sẽ làm cho user thường hoa mắt. Đặc biệt nó kiểm tra rất kỹ chữ ký số của các gói phần mềm, thấy lạ là hỏi. Quá trình cài đặt hiện lên màn hình thành bốn năm bước, cho cảm giác rất cẩn thận.openSUSE dùng dạng đóng gói file cài đặt là rpm.

Khi update phần mềm, các file tải về đều có tên delta RPM. Theo suy đoán thì có lẽ đây là các bản vá (patch) vào các gói đã có. Nếu đúng vậy thì dung lượng tải về sẽ nhỏ hơn là tải toàn bộ gói mới như phần lớn các bản Linux hiện đang dùng.

Tuy thế cũng vẫn có những lỗi khó hiểu. Khi lần đầu tìm cài thêm FreeFont, ta phải cài thêm cả đống phần mềm khác mà không hiểu tại sao. Chắc là trong cách thiết lập dependencies có lỗi. Mandriva cũng có lỗi kiểu này: thỉnh thoảng sau khi gỡ một phần mềm nào đó, nó hiện lên thông báo một danh sách dài các phần mềm không cần nữa và bảo ta dùng urpme –auto-orphans gỡ đi, nhưng nếu nghe theo là đi luôn, phải cài lại từ đầu. Về quản lý phần mềm, đến nay có lẽ Kubuntu với trình Adept Manager vẫn là hay và tiện nhất.

Khi định chạy một file mp3 lần đầu tiên trong trình duyệt Firefox, openSUSE sẽ dẫn người dùng qua 5-6 màn hình với những lời giải thích rất kỹ lưỡng về codecs để cuối cùng yêu cầu cài gói codecs-gnome (tương tự như ubuntu-restricted-extras). Dân kỹ thuật ham hiểu biết sẽ thích nhưng người dùng thường thì choáng váng. Tuy vậy, chỉ có những công ty kinh doanh lớn, lâu đời mới làm tỷ mỷ được như vậy.

Tiếng Việt trong bản Gnome gõ được bằng scim (cài gói m17n rồi add thêm file vi-telex-locdt.mim vào thư mục /usr/share/m17n). Tuy nhiên thỉnh thoảng lại bị mất tiếng Việt phải Ctrl+Shift bật lại tiếng Việt mới gõ tiếp được.

Giao diện của openSUSE chân phương, không màu mè. Nhược điểm lớn nhất là menu chính (Computer). Menu này theo kiểu kick-off mới nếu không quen hơi khó dùng và phải nhấn chuột nhiều lần mới tới được chỗ cần. Một số bản Linux khác cho phép chuyển về kiểu menu cũ nhưng openSUSE thì không. Phải remove menu đó đi rồi chọn add  Traditional Main Menu vào panel.

Các phần mềm ứng dụng cũng tương tự như các bản Gnome khác. Riêng OpenOffice là bản riêng của Novell dựa theo bản OpenOffice nguồn mở của Sun, hình như hỗ trợ tốt VBA macro và các dịnh dạng file của MS Office 2007 hơn bản gốc.

Sau khi cài openSUSE lên một máy notebook Dell Inspiron 700m (cấu hình khá thấp) chạy vẫn tốt. Nhưng sau lần update đầu tiên, không khởi động được vào màn hình đồ hoạ nữa.

Cũng một lần dùng Boot Loader của Control Center để sửa Boot Menu, khi khởi động lại, máy báo “Error No Operating System” tức là MBR bị lỗi. May mà dùng cách trong post “Sửa một số lỗi Linux 1” cứu lại được.

Những nhận xét trên đều dựa trên kinh nghiệm mới dùng openSUSE lần đầu được hai ba ngày. Nếu đã tương đối thạo Linux thì cũng nên thử cho biết. Nếu mới làm quen thì không nên.

Control Center của Ubuntu

Hóa ra Ubuntu cũng có một Control Center, không hiểu vì sao lại bị dấu đi.

  1. Nhấn phím phải chuột vào vùng menu trên panel. Chọn tiếp Edit Menu trong menu con xuất hiện.
  2. Trong màn hình “Main Menu”, nhấn chuột vào System ở cột bên trái. Trong cột bên phải sẽ thấy ba menu con của System là Preferences, AdministrationControl Center. Hai cái đầu đã được chọn, kích chuột vào ô checkbox bên trái Control Center để chọn nó. Đóng màn hình Main Menu lại.
  3. Kích chuột vào menu System trên panel ta sẽ thấy xuất hiện Control Center. Màn hình của nó như sau:

screenshot-control-center4Cũng vẫn là những mục đã có rải rác trong các menu của Ubuntu nhưng tập trung lại một chỗ, quen thuộc và dễ dùng hơn.

Linux Mint là bản dựa trên Ubuntu cũng có Control Center này cộng thêm vài cái phát triển thêm.

Cài máy in Canon trong Ubuntu Intrepid (8.10)

Cách cài mới máy in Canon dùng driver CAPT cho Ubuntu từ 9.04 đến 10.04 xem ở đây

Một số máy in Canon sau đây: LBP-1120, 1210, 2900, 3000, 3200, 3210, 3300, 3500, 5000, 5100, 5300. dùng chung một driver CAPT của chính hãng. Driver này miễn phí nhưng nguồn đóng nên thường không được cài sẵn trong các bản Linux.

CHÚ Ý: driver CAPT chỉ dùng được khi máy in nối với máy tính qua cổng USB.

Một số máy in Canon khác (LBP1000, …) đã có sẵn driver trong Linux thì không cần theo hướng dẫn này.

Tuy nhiên cũng giống như Mandriva 2009.0, khi cắm và bật, ví dụ máy in Canon LBP-1210, Ubuntu sẽ nhận được máy và tự cài. Nhấn vào menu System Administration Printing ta sẽ có màn hình với máy in LBP-1210 đã cài, nhấn phím phải chuột vào đó, chọn Propeties, màn hình sau xuất hiện:

Phần Description đúng vì thông tin này do máy in cung cấp. Phần Make and Model sai vì hiện không có driver CAPT cài trên máy, Ubuntu sẽ chọn driver của LBP-1000 thay thế nhưng nếu in thì không in được.

Các hướng dẫn dưới đây về cơ bản theo hướng dẫn tại đây có sửa và bổ xung thêm chút ít.

1- Google search cụm từ “CAPT Printer Driver” ta sẽ tìm được ví dụ trang này có chứa driver cần tìm. Mở trang đó, cuốn xuống dưới cùng, tìm đến chỗ dưới đây ứng với driver version 1.60 (version mới hơn 1.80 không làm việc được với Ubuntu 8.10):

2- Nhấn vào dòng Canon CAPT Printer Driver for Linux (1.60) sang trang tiếp, cuốn xuống dưới đến mục sau:

3- Nhấn vào dòng CAPTDRV160.tar.gz để tải file đó về. Nhấn phím phải chuột vào file, chọn Extract Here, file được giải nén thành thư mục CAPTDRV160.

4- Mở thư mục CAPTDRV160/Driver/debian. Nhấn vào file cndrvcups-common_1.60-1_i386.deb để cài trước, sau đó nhấn tiếp vào file cndrvcups-capt_1.60-1_i386.deb để cài tiếp.

5- Khởi động lại máy tính để Ubuntu nhận các driver mới cài.

6- Mở Terminal, chạy lần lượt hai lệnh sau (copy hai lệnh sau rồi paste vào terminal cho nhanh và đỡ nhầm):

sudo /usr/sbin/lpadmin -p LBP1210 -m CNCUPSLBP1210CAPTK.ppd -v ccp:/var/ccpd/fifo0 -E

(lệnh viết liên tục thành một hàng, không xuống dòng) rồi Enter.

sudo /usr/sbin/ccpdadmin -p LBP1210 -o /dev/usb/lp0 rồi Enter.

    Lệnh đầu đăng ký máy in với trình quản lý hàng đợi  (print spooler). Lệnh thứ hai đăng ký máy in với ccpd (Canon Printer daemon for CUPS, trình quản lý máy in Canon).
    CHÚ Ý: hai lệnh sau viết ví dụ cho máy in Canon LBP-1210. Nếu cài máy in Canon khác phải thay các cụm LBP1210 bằng cụm tương ứng (ví dụ: LBP2900)
    Khi lệnh thứ hai thực hiện thành công, màn hình có thông báo như sau:

7- Chạy tiếp lệnh sau để backup file ccpd:

    sudo mv /etc/init.d/ccpd ccpdold

8- Copy toàn bộ đoạn mã lệnh sau đây:

#
# ccpd          startup script for Canon Printer Daemon for CUPS
#
#               Modified for Debian GNU/Linux
#               by Raphael Doursenaud <rdoursenaud@free.fr>
#               and Markovtsev Vadim  <markhor@mail.ru>

DAEMON=/usr/sbin/ccpd
LOCKFILE=/var/lock/subsys/ccpd
PATH=/usr/local/sbin:/usr/local/bin:/sbin:/bin:/usr/sbin:/usr/bin
NAME=ccpd
DESC="Canon Printer Daemon for CUPS"

test -f $DAEMON || exit 0

. /lib/lsb/init-functions

case $1 in
  start)
        log_begin_msg "Starting $DESC: $NAME"
        start-stop-daemon --start --quiet --exec $DAEMON
        log_end_msg $?
        ;;
  stop)
        log_begin_msg "Stopping $DESC: $NAME"
        start-stop-daemon --stop --quiet --oknodo --exec $DAEMON
        log_end_msg $?
        ;;
  status)
        echo "$DESC: $NAME:" 'pidof $NAME'
        ;;
  restart)
        log_begin_msg "Restarting $DESC: $NAME"
        start-stop-daemon --stop --quiet --oknodo --exec $DAEMON
        sleep 1
        start-stop-daemon --start --quiet --exec $DAEMON
        log_end_msg $?
        ;;
  *)
        echo "Usage: ccpd {start|stop|restart|status}"
        exit 1
        ;;
esac

exit 0

9- Quay lại màn hình terminal trên, chạy lệnh:

    sudo nano /etc/init.d/ccpd 

(trong đó nano là trình soạn thảo đơn giản. Nếu bị báo lỗi chưa có nano thì nhấn vào System – Administration – Synaptic Package Manager tìm cài nó vào máy.)

Nhấn vào menu Edit – Paste của màn hình terminal để paste toàn bộ các mã lệnh trên vào file ccpd. Nhấn tiếp cặp phím Ctrl+o (chữ o không phải số 0) để save kết quả lại rồi nhấn Ctrl+x để thoát khỏi nano.

10- Chạy tiếp lệnh sau trong terminal để gán quyền truy cập file ccpd cho mọi người:

    sudo chmod a+x /etc/init.d/ccpd

11- Khởi động ccpd:

    sudo /etc/init.d/ccpd start

12- Cho ccpd tự khởi động mỗi lần khởi động máy:

    sudo update-rc.d ccpd defaults 20

13- Chạy tiếp lệnh sau để khai báo ccpd với trình quản lý an ninh AppArmor:

    sudo gedit /etc/apparmor.d/usr.sbin.cupsd

Trong màn hình gedit

Copy hai dòng sau rồi paste xuống dưới dòng /var/spool/cups/**rw, (như hình trên):

# needed for Canon CAPT driver ###insert 
/var/ccpd/** rw, ###insert

Nhấn nút Save rồi đóng màn hình gedit lại.

14- Khởi động lại máy tính. Sau khi khởi động xong, nhấn vào System – Administration – Printing ta có hình sau:

Trong màn hình trên có hai máy in. Máy LASER-SHOT-LBP-1210 do Ubuntu tự cài không dùng được, nhưng nếu xóa đi, lần sau khởi động máy tính nó lại xuất hiện nên cứ để vậy. Máy thứ hai LBP1210 tương ứng với các động tác cài vừa xong. Nhấn phím phải chuột vào đó rồi chọn Propeties ta có:

Quan sát hình trên, nếu Device URI ccp:/var/ccpd/fifo0Make and ModelCanon LBP1210 CAPT ver 1.5 như trên là được.

Chú ý là mỗi máy in thuộc CAPT có hai driver khác nhau ở cuối tên có chữ K và chữ J. Có nhận xét cho biết trong Ubuntu 7.10 những driver K chiếm nhiều RAM (Ubuntu 8.10 thì không rõ). Nếu cần đổi driver làm như sau:

  • Nhấn vào nút Change ở hàng Make and Model, màn hình sau xuất hiện:

  • Chọn mục Provide PPD file (file driver có đuôi là ppd) rồi nhấn nút có biểu tượng thư mục, tìm đến thư mục /usr/share/cups/model rồi chọn driver như hình sau:

Sau khi chọn xong driver, quay lại màn hình Propeties, nhấn nút Print Test Page để thử.

Nếu không in được, thường là do ccpd không khởi động được. Mở terminal kiểm tra bằng lệnh:

sudo ps ax | grep ccpd

Kết quả như sau là được:

zxc@zxc-desktop:~$ sudo ps ax | grep ccpd
[sudo] password for zxc:
4639 ?        Ss     0:00 /usr/sbin/ccpd
4733 ?        Sl     0:00 /usr/sbin/ccpd
5714 pts/0    R+     0:00 grep ccpd

Nếu kết quả không giống như trên, thử lệnh sau để khởi động ccpd

 sudo /etc/init.d/ccpd start

Kết quả của lệnh phải như sau:

 * Starting Canon Printer Daemon for CUPS: ccpd                          [ OK ]

Nếu kết quả trên không báo [OK] mà báo [fail] thì bật tắt lại máy in rồi chạy lại lệnh trên.

Quay lại in thử. Nếu được là lỗi không tự khởi động được ccpd, lặp lại các lệnh từ bước 8 xem có sai sót gì không.

CHÚ Ý: vì luôn luôn có hai máy in: một máy LBP1210 cài như trên và một máy LASER-SHOT-LBP-1210 do máy tính tự cài nên phải nhớ là chỉ có máy LBP1210 dùng được. Trong màn hình ở bước 14, nhấn phím phải chuột vào LBP1210 rồi chọn Set As Default để đặt máy in đó là mặc định.

Trang trí màn hình Gnome Desktop trên Ubuntu

Trang trí màn hình Gnome Desktop trên Ubuntu

February 25, 2009 at 08:02:48 AM, by Blair Mathis

Nếu có điều gì mà Linux hay hơn các hệ điều hành khác thì đó là nó cho phép bạn trang trí màn hình desktop. Dường như có hai loại người dùng khác nhau: thích và ghét các hiệu ứng đồ họa. Bài viết này dành cho những người thích ánh sáng lấp lánh, vẻ đẹp huyền ảo và các hiệu ứng đồ họa khác muốn trang điểm màn hình Gnome desktop của mình.

Kích hoạt Compiz

a2

Compiz là mẹ của tất cả các hiệu ứng màn hình. Nó cho phép ghép nhiều desktop vào một khối lập phương xoay tròn, làm mờ, co rút, bùng nổ các cửa sổ màn hình, tạo hiệu ứng trời mưa, ngọn lửa và vô số những thứ khác nữa.

Nếu máy tính của bạn đủ mạnh để chạy được các hiệu ứng đó, kích hoạt nó bằng cách cài Advanced Desktop Effects Settings (còn gọi là Compiz Config Settings Manager – CCSM) từ kho phần mềm rồi cấu hình nó trong System > Preferences.

Trên YouTube có rất nhiều video về các hiệu ứng của Compiz, ví dụ xem tại đây.

Themes

a3

Theme là sản phẩm của mỗi thiết kế tốt; nó cho phép bạn thay đổi toàn bộ thiết kế các cửa sổ màn hình, sơ đồ màu, font và nhiều thứ nữa. Bản cài đặt mặc định có ít theme và không có cái nào đẹp, kích động.

Gnome theme dễ tải và cài đặt. Có nhiều website để tìm các theme miễn phí nhưng không có cái nào tốt hơn Gnome-Look.org, tại đó có rất nhiều theme hài hước và các đồ hoạ khác cho bạn.

Có nhiều loại theme khác nhau. Một trong những chỗ tốt nhất nên bắt đầu là GTK2.x theme, dùng nó toàn bộ cảnh quan màn hình của bạn sẽ thay đổi. Ngoài ra cũng có các theme Compiz được nhiều người ưa thích.

Nếu muốn thử nhiều hơn, bạn có thể dùng theme Emerald; để cài nó mở terminal rồi gõ lệnh “sudo apt-get install emerald”, sau khi cài xong chạy lệnh “emerald  –replace”.

Icons

Tải và cài đặt các bộ icon mới cũng dễ như theme. Trên Internet có rất nhiều nơi có các bộ icon, nhưng chỗ đầu tiên nên tìm là Gnome-Look.org . Cũng có một số bộ icon đẹp tại Deviant Art

Widgets

a4

Trong Linux widget thường được gọi là gDesklets hoặc Screenlets. Đó là những trình nhỏ hiển thị trên màn hình các thông số hệ thống, thời tiết, lịch, đồng hồ và cả những con vật nhỏ nhảy nhót trên màn hình của bạn.

Cài đặt chúng từ kho phần mềm hoặc tải về từ site theo link ở trên.

Dock

a5

Dock là một kiểu toolbar đặt trên màn hình chứa một số nút lệnh mở các chương trình ứng dụng hay dùng nhất. Dock là một kiểu toolbar động, khi di chuột vào một nút lệnh, nó di chuyển, phóng to, … trước khi ta nhấn vào đó. Có vài kiểu dock: Cairo, Kiba, AWN (Avant Windows Navigator), Wbar, Sim, v.v…Dock cũng lưu lại các cửa sổ đang mở nên có thể xoá taskbar dưới đáy màn hình làm cho màn hình trông hiện đại và bóng bẩy hơn.

Cairo-dock là một trong những dock đẹp nhất, cho phép tuỳ biến nhiều và có rất nhiều theme/skin và các plugin bổ xung. Để cài nó, cần bổ xung kho phần mềm cairo-dock vào danh sách các kho phần mềm đã có. Xem chi tiết hướng dẫn tại đây.

Linux Mint 6 (Felicia)

Năm kia, nếu tôi nhớ không nhầm thì Linux Mint luôn đứng trong TOP 5 trên DistroWatch. Trong 12 tháng qua, luôn đứng thứ 3 chỉ sau có Ubuntu và OpenSUSE. Vì vậy cũng đáng để tìm hiểu.

Theo DistroWatch.com:

“Linux Mint… ban đầu được công bố như một phiên bản của Ubuntu với media codecs cài sẵn, nay nó đã phát triển thành một trong những bản Linux thân thiện nhất với người dùng… Điều quan trọng nhất là đây là một dự án mà các nhà phát triển và người dùng tương tác với nhau thường xuyên…”

Các nguyên nhân thành công theo chính Linux Mint:

  • Một trong những bản Linux hướng người dùng nhất. Bạn có thể post ý kiến lên diễn đàn và tuần sau đã thấy nó được thực hiện trong phiên bản hiện hành.
  • Mint dựa trên nền Debian, một bản Linux ổn định nhất và có kho phần mềm lớn nhất.
  • Tương thích và sử dụng được các kho phần mềm của Ubuntu. Do đó số lượng phần mềm có sẵn rất lớn.
  • Có nhiều cải tiến trong cấu hình nên user dễ thực hiện.
  • Tập trung làm sẵn mọi việc đến mức tối đa có thể nên dễ sử dụng.

Một vài nhận xét sơ bộ: (bản Mint 6 dựa trên Ubuntu 8.10)

  • Nhóm phát triển khoảng 20 người, có bán dịch vụ support (30USD/tháng với người dùng ở nhà) và dựa vào tiền quyên góp, quảng cáo trên site. Mô hình kinh doanh kiểu này yếu và dễ suy thoái như PCLinuxOS. Hiện tại thì cập nhật nhanh: chỉ ít lâu sau khi có Ubuntu 8.10 đã có Mint 6.
  • Tiếng Việt trong Mint dùng scim-unikey gõ tốt. Khi cài nhớ cài scim-brige và vào Language Support để enable support to enter complex characters.
  • Có Control Center tập trung giống PCLinuxOS. Trong đó, ngoài những cái của GNOME, có thêm một số cái riêng của Mint (mintInstall, mintBackup, mintNany, …). Tuy thua Mandriva và PCLinuxOS ở các wizard, nhưng khá hơn Ubuntu. Riêng mintInstall là một trình quản lý các phần mềm khá, có nhiều thông tin xem trước khi cài: ý kiến nhận xét, điểm số, trang chủ, ….
  • Các multimedia codecs như gstreamer được cài sẵn nên dùng được ngay (nghe nhạc, xem video với khá nhiều format).
  • Dùng được các kho phần mềm của Ubuntu là một ưu điểm lớn: số lượng phần mềm nhiều và có thể search trong Synaptic theo cả các keyword có trong Description. Riêng mặt này Mandriva thua.
  • Giao diện được, tất nhiên là không bằng Mandriva.
  • Thừa kế luôn cả những nhược điểm của Ubuntu: vẫn dùng OpenOffice 2.4.
  • Bản chính thức dùng GNOME. Chỉ có hai phiên bản: Main Edition và Universal Edition. Bản Universal giống bản Mandriva Free: chỉ gồm các gói phần mềm nguồn mở. Cũng có những bản gọi là Community Edition dùng KDE, Xfce, Fluxbox.

Thử khả năng tương thích phần cứng:

Trên máy notebook Dell Inspiron 700m có cài 4 hệ điều hành: WinXP, Mandriva 2009, PCLinuxOS GNOME 2007 và Linux Mint 6. Nối thêm một màn hình ngoài LCD LG FLATRON L1718S. Lần lượt khởi động từng hệ điều hành nói trên để xem khả năng nhận biết màn hình ngoài. Kết quả:

  • Mandriva 2009 tốt nhất: nhận đúng cả hai màn hình với độ phân giải 1280×800, 65,3Hz (màn hình của notebook) và 1280×1024, 60Hz (màn hình ngoài LG). Trong System Settings, mục Display (cũng chính là công cụ KRandR Tray trong Tools – System Tools) cho phép chỉnh độ phân giải, xoay hướng màn hình, bố trí vị trí từng màn hình được. Tóm lại là đầy đủ.
  • WinXP: màn hình ngoài hiển thị đầy đủ nhưng lại theo tỷ lệ của màn hình notebook do đó bị co chiều thẳng đứng. Lâu không dùng Windows nên cũng không nhớ chỉnh ở đâu và có chỉnh được như Mandriva không.
  • Linux Mint 6: màn hình ngoài bị đặt ở độ phân giải 1024×768, đã chỉnh lại thành 1280×1024 nhưng không nhận.
  • PCLinuxOS: màn hình ngoài bị phóng to mất các mép màn hình. Thử chỉnh lại không được.

Tóm lại như đã nhận xét trong một post trước đây khi so sánh vài hệ Linux, Mandriva có vẻ tương thích phần cứng khá nhất và có các công cụ cấu hình đầy đủ nhất. Để khi nào có dịp sẽ thử với Ubuntu xem sao.

Kết luận: Nếu thích Ubuntu thì nên dùng Mint vì dễ dùng hơn.

So sánh công cụ cấu hình của Mandriva và Ubuntu (update 7/1/09)

Một trong những điểm mạnh và hay nhất của Mandriva là các công cụ cấu hình hệ thống nằm trong Mandriva Control Center (MCC). Hầu hết các mục cấu hình trong MCC đều là dạng wizard (hướng dẫn từng bước qua các màn hình). Tối thiểu cũng là giao diện đồ họa, không phải dùng lệnh hoặc sửa trực tiếp vào các file cấu hình. Do đó dễ sửa, dễ làm và không bị nhầm lẫn.

Các mục dưới đây ghi Ubuntu “không có” không có nghĩa là nó không làm được. Nhưng để làm các mục đó trong Ubuntu đầu tiên phải đi tìm hiểu cách làm trên các diễn đàn, sau đó làm bằng tay và nhiều trường hợp phải dùng dòng lệnh, sửa file config khá phức tạp.

CÁC CÔNG CỤ CẤU HÌNH HỆ THỐNG CỦA MANDRIVA 2009 VÀ SO SÁNH VỚI UBUNTU (bản GNOME).

I.Bố trí tập trung

Tất cả các bản Mandriva GNOME, KDE, IceWm đều có hai nơi cấu hình giống nhau:

  • Mandriva Control Center (MCC, tên khác là Configure Your Computer) dùng để cấu hình chung cho hệ thống (chung cho mọi user). Nhập mật khẩu root một lần là vào được.

Trong MCC còn một option rất hay là Display Log. Khi cấu hình, trong màn hình Log sẽ cho biết phần mềm nào chạy, kết quả, lỗi.

  • Configure Your Desktop: thiết lập các cấu hình riêng theo ý thích của từng user.

Ubuntu tập hợp các công cụ cấu hình thành hai nhóm menu: Administration và Preferences.

Dưới đây là các công cụ nằm trong Mandriva Control Center.

II. Quản lý phần mềm (Software Management).

II.1 Quản lý các kho phần mềm (Configure media sources for install and update)

Lần đầu tiên có wizard hướng dẫn khai báo tự động các kho phần mềm trên Internet. Sau đó có màn hình quản lý để Enable, Disable, Add hoặc Remove các kho (kể cả đĩa CD, ổ cứng).

Có option chọn một trong ba chương trình download: curl, wget, aria2.

Các kho trên Internet được tổ chức dưới dạng Mirror list tập trung, không tách thành các địa chỉ kho riêng biệt như Mandriva 2008 hoặc Ubuntu. Chương trình aria2 có thể (trên lý thuyết): chia file thành nhiều phần, tải đồng thời từ nhiều kho; từ một kho, tải nhiều file đồng thời; khi một kho tắc, tự động chuyển sang kho khác; tiếp tục download khi kết nối bị ngắt sau đó nối lại. Tuy nhiên trên thực tế, hiện tại aria2 có vẻ làm việc không tốt bằng wget.

Trên máy chủ của FPT (http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/) cũng có thư mục Mandriva nhưng đã lâu không cập nhật, phiên bản trên đó quá cũ.

Ubuntu: khi cài lần đầu sẽ tự nhận các kho dành cho Việt nam. Tổ chức kho theo địa chỉ máy chủ, nhưng có công cụ test để tìm kho nhanh nhất. Không có khả năng chọn chương trình download, do đó không biết có các tính năng như aria2 không.

Ưu điểm lớn nhất là có kho đặt tại Việt nam (vd: của FPT). Do đó tốc độ tải phần mềm rất nhanh.

II.2 Cập nhật phần mềm

Tự tìm kiếm các bản cập nhật phần mềm và thông báo. Cho phép user bình thường được cập nhật phần mềm.

Ubuntu: cũng tự tìm và thông báo có cập nhật nhưng có option cho tự động tải các bản cập nhật về trước (đỡ mất thời gian hơn). Chỉ cho các user thuộc nhóm root có quyền cập nhật.

II.3 Cài và gỡ bỏ phần mềm

Trình quản lý là Rpmdrake. Nhược điểm lớn nhất là chỉ cho tìm phần mềm theo tên, không tìm được theo phần mô tả (Description). Do vậy phải biết tên phần mềm, không tìm được theo tính năng.

Ubuntu: trình quản lý Synaptic có thể tìm theo cả Description (rất hay). Ví dụ muốn tìm phần mềm liên quan đến điện thoại Nokia là sẽ tìm được.

II.4 Trạng thái sử dụng các gói phần mềm đã cài (Package Stats)

Cho biết số ngày không sử dụng đến của từng gói phần mềm đã cài. Do đó, về nguyên tắc có thể gỡ bỏ bớt các gói không dùng đến.

Ubuntu: không có.

III. Cấu hình phần cứng:

III.1 Liệt kê và cấu hình phần cứng (Browser and configure hardware)

Tương tự Device Manager của Windows (xem màn hình trên). Với mỗi phần cứng có hai chức năng: Thiết lập các option của driver (Set current driver options) và Chạy công cụ cấu hình (Run config tool).

Ubuntu: không có.

III.2 Đặt cấu hình âm thanh (Sound Configuration)

Màn hình này cho chọn driver của sound card, đặt các options.

Ubuntu: có ở Preferenes – Sound

III.3 Đặt các hiệu ứng 3D của màn hình (Configure 3D desktop effects)

Lần đầu nhấn vào, sẽ xuất hiện màn hình thông báo thiếu gói mesa-demos, có cài không? Nhấn OK, phần mềm sẽ tự tải về từ Internet và cài. Sau đó xuất hiện màn hình cho chọn các chế độ: không 3D, Metisse, Compiz Fusion.

Trong tất cả các phần cấu hình, nếu thiếu phần mềm nào, Mandriva sẽ tự tải về và cài. Cách cấu hình các hiệu ứng 3D đã trình bày trong post này.

Ubuntu: có compiz fusion cài sẵn nhưng không có một menu nào liên quan và nếu không tìm hướng dẫn ngoài thì không biết cách kích hoạt nó như thế nào.

III.4 Cấu hình card màn hình và màn hình (Setup the graphical server)

Mục này cho chọn loại card màn hình (nếu Mandriva tự chọn không đúng), loại màn hình (với màn hình có tên tuổi), độ phân giải và các option khác. Có chức năng Test thử cấu hình đã chọn.

Ubuntu: chỉ có phần đặt độ phân giải đơn giản trong Preferences (từng user)

III.5 Cấu hình bàn phím (Setup the keyboard layout)

Cho chọn lại loại bàn phím (keyboard type) và kiểu bố trí bàn phím (keyboard layout).

Ubuntu: có nhưng chỉ có một layout USA.

III.6 Cấu hình chuột (Setup the pointer device)

Cho chọn lại kiểu chuột và cấu hình touchpad của notebook.

Ubuntu: có trong Preferences, không thấy có touchpad.

III.7 Cấu hình máy in (Setup the printers)

Mandriva tự nhận và tự cấu hình được khá nhiều loại máy in trực tiếp và máy in trên mạng. Mục này cho phép cài đặt, đặt cấu hình, test máy in.

Ubuntu: có,

III.8 Cấu hình scanner

Cài đặt, cấu hình và test scanner.

Ubuntu: không có.

III.9 Cấu hình máy tính thành máy fax (Configure a fax server).

Nhấn vào đây lần đầu, phần mềm hylafax-server sẽ được tải về cài. Nếu có modem và đường điện thoại, máy tính sẽ thành máy fax.

Ubuntu: không có.

III.10 Cấu hình UPS (Setup a UPS for power monitoring)

Nếu UPS có cáp dữ liệu nối với máy tính, dùng mục này để cấu hình các chức năng theo dõi công suất.

Ubuntu: không có.

IV.Mạng LAN và Internet

IV.1 Cài đặt một kết nối mạng mới

Có hướng dẫn từng bước (wizard) để thiết lập kết nối với mạng LAN, vệ tinh, modem cable, DSL, IDSL, Wireless, GPRS/Edge/3G, mạng quay số qua bluetooth, mạng quay số qua modem cap điện thoại.

Ubuntu: quản lý kết nối bằng network-manager truy cập qua network manager applet. Không quản lý được nhiều loại kết nối như ở trên.

IV.2 Quản lý các kết nối (Network Center)

Theo dõi tình trạng tất cả các kết nối đang hoặc không hoạt động. Thiết lập cấu hình. Ngắt hoặc kết nối lại.

Ubuntu: không có.

IV.3 Cá biệt hóa và an toàn kết nối trong mạng LAN

Gồm các mục:

  • Khai báo proxy của mạng

  • Cho các máy khác dùng chung kết nối Internet của máy.

  • Quản lý các network profile khác nhau (ở cơ quan, ở nhà, ngoài quán,…)

  • Cấu hình kết nối mạng riêng ảo VPN

Ubuntu: không có.

V.Cấu hình hệ thống

V.1 Xác thực để đăng nhập mạng (Authentication)

Hướng dẫn từng bước (wizard) để cấu hình đăng nhập các loại mạng sau:

  • Mạng LDAP

  • Mạng Windows Active Directory

  • Mạng Windows NT

  • Mạng nhóm (NIS)

  • Đăng nhập cục bộ vào máy

Ubuntu: không có.

V.2 Quản lý font, cài, gỡ font và nhập font Windows

Với các hệ Linux khác, chỉ cần copy file font vào thư mục /usr/share/fonts là được. Riêng quá trình cài font của Mandriva có 4 bước, xử lý thế nào đó nên mọi font hiển thị trên màn hình đều đẹp.

Có thể tự tìm và nhập toàn bộ font Windows nếu trên máy có cài Windows.

Ubuntu: không có. Cài thêm font bằng cách copy vào /usr/share/fonts.

V.3 Quản lý các dịch vụ hệ thống

Cho phép enable, disable các dịch vụ hệ thống (system service).

Ubuntu: có.

V.4 Ngôn ngữ hệ thống

Chọn ngôn ngữ, nước và bộ gõ tiếng tương ứng. Với tiếng Việt, cài scim và x-unikey bằng công cụ này (có sẵn x-unikey trong kho phần mềm).

Ubuntu: có. Chỉ cài được scim để gõ tiếng Việt bằng công cụ này.

V.5 Nhập các văn bản và settings của Windows

Nếu trên máy có cài Windows, công cụ này cho phép import từ Windows vào Mandriva (cũng theo hướng dẫn từng bước): user của Windows thành user của Mandriva, các file văn bản, bảng tính, … từ Windows sang thư mục Home, bookmarks của trình duyệt web, màn hình nền.

Ubuntu: không có. Khi cài đặt có mục nhập user từ các hệ điều hành khác.

V.6 Backup

Có hướng dẫn từng bước backup cái gì, ở đâu, vào đâu, khi nào, … rất rõ ràng và dễ thực hiện.

Ubuntu: không có.

V.7 Backup toàn bộ hệ thống (Snapshot)

Công cụ này cho phép backup toàn bộ hệ thống (giống Ghost trong Windows).

Ubuntu: không có.

VI.Chia sẻ tài nguyên trong mạng LAN

VI.1 Truy cập các tài nguyên đã share của máy Windows

Công cụ này sẽ tự cài gói samba-client và các gói liên quan để Mandriva truy cập được các tài nguyên đã share của máy Windows (thư mục, file, máy in, …). Cũng theo hướng dẫn từng bước.

Ubuntu: không có.

VI.2 Chia sẻ các tài nguyên cho các máy khác

Công cụ này hướng dẫn từng bước cài samba-server, biến Mandriva thành máy chủ file, máy chủ in ấn để share các thư mục, file, máy in của Mandriva cho các máy khác trong mạng (Windows, Linux).

Ngoài cách share dùng samba, còn có các công cụ tương tự để truy cập và share theo hệ thống file NFS của Linux và WebDAV (chia sẻ file trên Internet).

Ubuntu: không có.

VII.Quản lý ổ cứng

VII.1 Quản lý các partition của ổ cứng

Công cụ này tương tự Partition Magic của Windows cho phép: resize, create, delete, format partition (kể cả các partition FAT và NTFS); mount, umount partition và đặt các option cho lệnh mount (read-only, read-write, …).

Ubuntu: không có.

VII.2 Share partition

Dùng share hoặc không share các partion đối với các user khác của cùng máy Mandriva.

Ubuntu: không có.

VII.3 CD/DVD burner

Dùng đặt các option cho việc mount ổ CD/DVD.

Ubuntu: không có.

VIII.Security

VIII.1 Thiết lập mức độ an ninh và kiểm soát của hệ thống

Thiết lập được 5 mức an ninh cho hệ thống tùy theo nhu cầu. Có cảnh báo khi có hiện tượng không và gửi cảnh báo cho địa chỉ email nào.

Có các option rất chi tiết và tương đối dễ hiểu cho an ninh hệ thống, an ninh mạng, chế độ kiểm soát an ninh định kỳ, quyền truy cập vào các thành phần hệ thống.

Kèm theo có công cụ kiểm soát quyền truy cập đến từng thư mục hệ thống.

Ubuntu: không có.

VIII.2 Thiết lập tường lửa cá nhân

Thiết lập tường lửa bằng giao diện đồ họa.

Ubuntu: không có.

VIII.3 Kiểm soát trẻ con truy cập Internet (Parental Control)

Thiết lập các chế độ truy cập Internet khác nhau cho các user khác nhau, quy định giờ được truy cập, lập danh sách các website được và không được truy cập.

Ubuntu: không có.

IX.Kiểm soát quá trình khởi động (Boot)

Sửa đổi boot menu (khi trên máy cài đồng thời nhiều hệ điều hành): thời gian chờ, đặt hệ nào là mặc định, thêm bớt các hệ có thể khởi động bằng boot menu. Thiết lập các dạng màn hình khởi động, chế độ tự động đăng nhập (autologin).

Ubuntu: không có.

So sánh nhanh (K)Ubuntu 8.04, Mandriva 2008.1, PCLOS 2008 Gnome

Các bộ Linux nói dưới đây đều nằm trong số những hệ Linux hàng đầu. Kubuntu và Ubuntu là hai phiên bản của cùng một hệ Linux dùng hai môi trường đồ họa khác nhau: KDE và GNOME. Mandriva kế thừa Mandrake, dùng KDE. PCLinuxOS (PCLOS) xây dựng trên nền Mandriva có cả bản KDE và GNOME. Những so sánh dưới đây:

  1. So sánh nhanh những đặc điểm chủ yếu nhất dưới góc độ của một người dùng bình thường, không có khả năng hoặc không muốn đi sâu vào những chi tiết kỹ thuật phức tạp.
  2. Mục đích sử dụng là máy tính văn phòng: soạn văn bản, bảng tính, trình diễn, lướt web, thư điện tử, xem và nghe các file hình, nhạc. Các yêu cầu cao hơn như kết nối với thiết bị cầm tay, bảo mật, … không xét ở đây.
  3. Chỉ đúng với các phiên bản được so sánh. Sang phiên bản sau tình hình có thể đã khác rồi.

Cài đặt:

Tất cả các hệ đều có chế độ chạy từ CD (LiveCD). Đây là chế độ nên thử nếu cài lần đầu (mặc dù chậm, mất thời gian) để kiểm tra xem có phần cứng nào không hoạt động được không (card mạng, wifi, sound card, video card,…). Tuy nhiên, nếu biết chắc, không cần kiểm tra thì (K)Ubuntu có menu cài thẳng, nhanh hơn là vào LiveCD rồi mới cài.

Các màn hình cài đặt tương tự nhau về nội dung. Màn hình Partition Manager của Mandriva và PCLOS có thêm một số nút lệnh nên trực quan và dễ dùng hơn. Điểm khác nhau chính nằm ở cuối: Mandriva và PCLOS có một số màn hình cho phép điều khiển quá trình tạo bootloader còn (K)Ubuntu thì không. Mandriva và PCLOS đều nhận được Windows đã cài trên ổ cứng nhưng không nhận lẫn nhau và phải add bằng tay. (K)Ubuntu nhận diện các hệ khác trên ổ cứng (cả Linux và Windows) khá tốt. Vì vậy nếu cài nhiều hệ điều hành trên máy thì nên cài (K)Ubuntu cuối cùng.

Tương thích phần cứng

Mandriva có vẻ tương thích phần cứng tốt hơn cả qua những trường hợp sau:

– Trên một máy có card mạng onboard, Mandriva nhận và cho card làm việc tốt. Các bản Kubuntu, Ubuntu và PCLOS 2007 đều nhận được card này nhưng card không hoạt động được.

– Trên máy Dell 700m, Mandriva và PCLOS nhận và kích hoạt được card wifi ở cả hai chế độ mã hóa WEP và WPA. Kubuntu và Ubuntu không kích hoạt được card ở chế độ WEP. Ngay cả sau khi kích hoạt được card ở chế độ WPA, (K)Ubuntu thiết lập kết nối rất chậm, thậm chi xuất hiện màn hình phụ, nhấn connect mới vào mạng.

– Trên một máy có hai card mạng (một ra modem ADSL và một ra mạng LAN), Mandriva cài dễ dàng và cho cả hai card làm việc song song tốt nhất. (K)Ubuntu cài đặt cho hai card cùng làm việc khá phức tạp và thỉnh thoảng vẫn bị mất một kết nối. OpenSUSE chỉ cho làm việc một card, kích hoạt cái nọ thì cái kia tắt.

-Mandriva và PCLOS kích hoạt card xong có thể kiểm tra xem có hoạt động không. Ubuntu không có công cụ kiểm tra trạng thái card (tất nhiên có thể cài thêm), thường phải chạy Firefox để kiểm tra.

– Cài máy in HP 1020, Mandriva và PCLOS sau khi cài driver xong báo thiếu firmware, tự tải về. (K)Ubuntu không báo gì.

– Nối màn hình ngoài vào notebook, Mandriva nhận tốt cả hai màn hình, PCLOS 2008 Gnome màn hình ngoài bị lệch. (K)Ubuntu chưa thử.

Phần mềm cài sẵn

Duy nhất có Mandriva cài xong là dùng được ngay. PCLOS 2008 Gnome phải cài thêm OpenOffice. (K)Ubuntu phải cài thêm bộ restricted. Kubuntu còn phải cài thêm cả Firefox.

Mandriva và PCLOS bằng một nút nhấn có thể nhập toàn bộ font Windows có sẵn sang. Mandriva còn có nút lệnh cho import cả documents và một số settings từ Windows sang.

PCLOS 2007 KDE có vẻ đầy đủ phần mềm phụ nhất. Tuy nhiên bản này hơi cũ, phải sau lần update đầu tiên mới dùng tốt được.

Kho phần mềm thì (K)Ubuntu vô địch kể cả về số lượng lẫn tốc độ download. Mandriva xếp thứ hai và PCLOS xếp cuối.

Tiếng Việt

Mandriva có sẵn bộ gõ x-unikey-1.0.4 trong kho phần mềm, cài đặt dễ dàng nhưng bản thân x-unikey-1.0.2 trở lên có lỗi (trong mọi bản Linux KDE): a/ đang gõ bị mất tiếng Việt, phải tắt bật lại để gõ tiếp, b/gõ trong các ô của bảng, con trỏ đột ngột nhảy sang ô khác. Cài bản 0.9.2 thì không bị hai lỗi đó nhưng icon cập nhật luôn đỏ báo có phần mềm cập nhật (nâng lên 1.0.4).

PCLOS 2008 Gnome gõ được tiếng Việt bằng scim. Cài từ Control Center – System – Manage localization for your system. Copy file vi-telex-locdt.mim vào /usr/share/m17n và chỉ enable cách gõ này. Chưa thử nhiều nên chưa biết có lỗi gì không.

Kubuntu 8.04 vẫn dùng x-unikey-0.9.2 được. Ubuntu 8.04 theo hướng dẫn ở đây. (chưa thử).

Control Center

Control Center của Mandriva và PCLOS (kể cả bản Gnome) hay nhất vì là dạng wizard hướng dẫn từng bước, thiếu phần mềm nào thì tự tải về cài. Đây là hướng xây dựng Control Center rất tốt, làm cho Linux thân thiện với người dùng. Kubuntu cũng có Control Center tập trung khá tốt tuy không bằng hai hệ nói trên. Ubuntu dở nhất về mặt này.

Giao diện

KDE hay GNOME là tùy sở thích. Cá nhân tôi thích KDE hơn. Mandriva và PCLOS có cơ chế convert font sao đó nên chọn font nào làm font màn hình cũng đẹp. (K)Ubuntu chỉ có font Free (FreeSerif, FreeSans,…) hiển thị tốt trên màn hình. Giao diện đẹp thì PCLOS là nhất, đặc biệt là giao diện PCLOS Minime.

Tốc độ

Hiện tại PCLOS 2008 GNOME nhanh nhất (và chắc bản PCLOS 2008 KDE sắp ra cũng vậy). Dùng bản này có cảm giác nhẹ nhõm, nhanh rất dễ chịu khác hẳn các bản còn lại. Mandriva xếp thứ hai còn (K)Ubuntu đứng hạng chót. So sánh ở đây đều ở chế độ tắt tất cả các hiệu ứng màn hình rồi.

Kết luận:

Ở giai đoạn này, nếu thích tốc độ thì nên dùng PCLOS 2008 GNOME. Mới học nên chọn Mandriva hoặc PCLOS 2008 KDE sắp ra (nhược điểm lớn nhất là hiện chưa có tài liệu hướng dẫn tiếng Việt). (K)Ubuntu dành cho người thích tự cài và tìm hiểu về phần mềm nguồn mở (vì kho phần mềm lớn).

Còn hai đại gia nữa tôi đã thử qua nhưng không có ấn tượng gì lắm: OpenSUSE và Fedora. OpenSUSE có lẽ phù hợp cho việc tìm hiểu sâu hơn một chút về linux (cho chọn rất nhiều các thông số kỹ thuật). Fedora không thấy có gì nổi bật ngoài tuổi đời lâu nên nhiều người biết, phần mềm nào cũng có bản build sẵn cho Fedora.

Cần phải nhắc lại là các ý kiến trên chỉ căn cứ vào việc dùng lướt qua các phần mềm trong một thời gian ngắn của một người dùng bình thường. Chắc là có nhiều điểm vừa sai vừa thiếu nhưng cũng chia sẻ để mọi người tham khảo.

Ba phiên bản phần mềm mới có tính đột phá sắp ra đời!

1- Ubuntu Hardy Heron 8.04: Ubuntu đã cam kết từ đầu là cứ 6 tháng lại có một phiên bản mới. Sau bản hiện nay 7.10 (tháng 10/2007), phiên bản tiếp theo là 8.04 tên mã là Hardy Heron (con diệc gan dạ) sẽ chào đời vào tháng sau 04/2008). Hiện đã có bản 8.04 beta. Đây là một phiên bản được chờ đón vì sẽ có nhiều thay đổi lớn:

  • Xorg 7.3 trình điều khiển màn hình, bàn phím, chuột đời mới sẽ có tính năng tự cấu hình cao hơn trước. Hỗ trợ cắm nóng và chỉnh cấu hình on-the-fly. Có thêm một số driver mới. Hỗ trợ màn hình cảm ứng. Hỗ trợ chỉnh màn hình thứ hai linh hoạt hơn. Cho đến nay, chỉnh các thông số màn hình vẫn là điểm yếu của Linux so với Windows. Hy vọng là lần này sẽ có nhiều cải tiến.
  • Môi trường đồ họa GNOME 2.22 (đối với Ubuntu) và KDE 4 (đối với Kubuntu). Riêng về giao diện đồ họa thì hiện Linux và Win ngang nhau: bóng bẩy, đẹp, có nhiều hiệu ứng 3D,… Nhưng ngược lại cũng đòi hỏi cấu hình máy cao. Kubuntu KDE4 chạy chậm hơn PCLinuxOS 2007 nhiều mà đồ họa cũng không đẹp hơn.
  • Nâng cấp, thay đổi một loạt các phần mềm ứng dụng.
  • Tích hợp tốt với môi trường mạng Active Directory của Windows nhờ phần mềm Likewise open.
  • Cài đặt và gỡ bỏ trực tiếp trong Windows (như cài một phần mềm Windows, vào một thư mục của Windows) bằng phần mềm Wubi. Loại bỏ được các sai lầm theo kiểu cài cũ (tạo partition mới) có thể làm mất Windows và gây khó khăn ngần ngại cho người mới học Linux. Tính năng này được xem là một bước quan trọng góp phần phổ biến Linux cho người mới dùng.
  • Chi tiết về Ubuntu xem thêm ở đây, Kubuntu: ở đây.

Tính từ hôm nay, còn 31 ngày nữa bản 8.04 sẽ chính thức ra đời.

2- Firefox 3: trình duyệt Firefox hiện đang là bản 2.0.0.12. Phiên bản tiếp theo Firefox 3 đã có đến bản beta 4 với nhiều thay đổi quan trọng:

  • Dùng cơ cấu hiển thị web (Web rendering platform) phiên bản mới Gecko 1.9 với hơn 12.000 mục nâng cấp, sửa chữa.
  • An toàn hơn khi duyệt web: kích vào một biểu tượng nhỏ trong thanh địa chỉ để xem thông tin về chủ nhân site và dạng bảo vệ an toàn của kết nối đến site đó. Các site đã biết như nguồn phát tán malware (virus,spyware, trojan,…) sẽ được cảnh báo khi bạn truy cập vào đó. Các site bị nghi là giả mạo (forgery) sẽ không cho hiện nội dung. Khi tải các file chạy sẽ thông báo cho chương trình antivirus để quét.
  • Dễ sử dụng hơn: quản lý các password tiện hơn, dễ cài các add-on hơn, chương trình Download Manager cải tiến, có thể tiếp tục download sau khi ngừng (resume), zoom toàn bộ trang hoặc chỉ text và nhớ các thiết lập zoom, quản lý các tab thuận tiện hơn, resize được thanh địa chỉ và thanh search, tích hợp giao diện với Vista, Mac và Linux.
  • Cá biệt hóa nhiều hơn: bookmark dễ hơn và quản lý tốt hơn, thanh địa chỉ cải tiến có chức năng auto-complete phong phú và dễ sử dụng hơn, tích hợp với các ứng dụng web,…
  • Tích hợp các công nghệ mới để hiển thị web nhanh hơn và tốn ít bộ nhớ hơn.

Đối với những người dùng web như một môi trường làm việc, trình duyệt quan trọng không kém gì Office.
3- OpenOffice 3: bản OpenOffice hiện là 2.3, bản 2.4 sắp sửa phát hành và khoảng 160 ngày nữa là OpenOffice 3 sẽ ra đời. Ngay từ bây giờ có thể tải bản 3 đang hoàn thiện ví dụ tại đây về dùng thử. Một số tính năng mới:

  • Xem được nhiều trang đồng thời: xem được nhiều trang với độ phóng (zoom) khác nhau, xem hai trang như sách.
  • Hiển thị note (comment) ở bên lề. Tính năng này có trong MS Office nhưng chưa có trong OpenOffice 2.3.
  • Hỗ trợ từ gốc (native) định dạng OpenXML của MS Office 2007 (docx, xlsx, pptx). Các bản OpenOffice 2.3, 2.4 cũng có thể đọc được định dạng này nhờ odf-converter-intergrator . Ngược lại, MS Office đọc được các file OpenDocument (odt, ods, odp) bằng odf-converter.
  • Solver trong Calc để giải các bài toán quy hoạch tuyến tính. Bản OpenOffice 2.3 có thể cài thêm solver này như một extension tại đây.
  • Tô màu trong suốt trong Calc thay cho cách tô màu đặc hiện nay.
  • Tạo bảng trong Impress.
  • Tăng tốc độ mở (hiện OpenOffice 2.3 mở chậm hơn MS Office nhiều).
  • Insert cross-preference là các heading (như trong Word). Tính năng này hiện có trong OpenOffice 2.3 nhưng dùng cách kéo thả và phải insert toàn bộ heading.
  • Nhiều người cùng soạn một bảng tính.
  • Mở và edit được file PDF!

Nhưng có hai tính năng cũng cần lại chưa thấy có: tùy biến bullet, numberring và chia ngang màn hình (rất cần khi dịch văn bản).

Bản OpenOffice 2.4.0 với một số cải tiến có lẽ sẽ ra đời vào 27/3/2008!

Kích hoạt các kho phần mềm Ubuntu, Kubuntu dành cho Việt nam

Hệ Linux Ubuntu (Kubuntu, Xubuntu, Edubuntu,…) có một hệ thống các kho phần mềm giống nhau rải rác khắp thế giới để tạo thuận lợi cho người dùng download nhanh từ kho gần nhất. Đây cũng là một ưu điểm chứng tỏ cách tổ chức bài bản của Ubuntu so với một số hệ Linux khác.

Trong quá trình cài Ubuntu, khi đạt khoảng 70%, chương trình cài bắt đầu tìm kiếm các kho để tải về bản cập nhật an ninh (security) mới nhất và sẽ thiết lập kho mặc định là kho gần nhất căn cứ vào địa chỉ IP của người cài. Vì vậy:

1- Ngay khi boot máy từ đĩa cài CD xong, hoặc là phải thiết lập kết nối Internet hoặc phải tắt hết kết nối đi (rút dây mạng LAN, tắt modem ADSL nếu máy có Wifi). Nếu không quá trình tìm kho sẽ diễn ra khá lâu mà cuối cùng vẫn xuất hiện thông báo là không tìm được, làm tăng thời gian cài. Khi đã tắt hết các kết nối, chương trình sẽ không tìm nữa.

2- Nếu tắt kết nối, khi cài xong thiết lập kết nối Internet rồi mở Adept Manager (với Kubuntu) hoặc Synaptic (với Ubuntu) ta sẽ thấy kho mặc định là Main Server.  Nhấn vào đó, chọn trong danh sách thả xuống mục Other sẽ xuất hiện cửa sổ có nút Find Best Server, nhưng thường nút này cũng không tìm được server for Vietnam.

3- Khi đó cần phải mở file sources.list bằng một trong các cách (dưới đây ví dụ làm với Kubuntu):

a/ Mở thư mục /etc/apt bằng Konqueror. Nhấn chuột phải vào file sources.list rồi chọn trong menu con Edit as Root. Sau khi nhập mật khẩu của admin, chương trình KWrite sẽ mở file source.list.

b/Vào KMenu –  Run Command, chạy lệnh kdesu    kwrite    /etc/apt/sources.list. Kết quả cũng như trên.

c/ Vào KMenu – System – Konsole. Trong terminal chạy lệnh   su  nano   /etc/apt/sources.list. Chương trình soạn thảo dạng text nano sẽ mở file sources.list.

Đọc file vừa mở, sẽ có những dòng như thế này:

 #Line commented out by installer because it failed to verify:
# deb http://vn.archive.ubuntu.com/ubuntu/ gutsy main restricted

Dòng thông báo bên trên cho biết kho bên dưới bị đánh dấu # (disable) vì chương trình cài không kiểm tra được. Dòng bên dưới là địa chỉ kho dành cho Việt nam (có chữ vn ở sau http). Xoá hết các dấu # để kích hoạt kho (enable). Chỉ cần kích hoạt một kho vn. Làm xong, save file lại rồi đóng chương trình. Với nano, save là Ctrl+o và đóng chương trình là Ctrl+x.

Quay lại Adept Manager, nhấn vào nút Fetch Updates để cập nhật lại danh sách phần mềm từ các kho. Khi cập nhật xong, vào Adept  – Manage Repositories mở màn hình Software Sources sẽ thấy mục Download from là Custom servers. Nhấn vào mũi tên bên phải, danh sách xổ xuống bây giờ có thêm mục Server for Vietnam, chọn mục đó. Nhấn lại nút Fetch Updates để cập nhật lại.

Ping thử thì kho này không đặt ở VN. Nhưng có lẽ vì số người truy cập ít nên tốc độ nhanh hơn là tải từ Main server.

Gõ tiếng Việt trong Kubuntu Gutsy 7.10 bằng SCIM

Cho đến nay, tôi vẫn dùng x-unikey 0.9.2a để gõ tiếng Việt trong Kubuntu Gutsy 7.10:

Ưu điểm: – cài đặt dễ dàng, chỉ cài một lần, không phải cấu hình gì thêm. Điều khiển bằng giao diện hoặc phím tắt dễ dàng.

– gõ tiếng Việt trơn tru, thuận tiện trong các ứng dụng và trên web bằng kiểu gõ Telex dùng font unicode. Đã thử gõ font VNI kiểu telex trong OpenOffice Writer cũng tốt. Chưa thử với cách gõ VNI.

Nhược điểm: – Trong OpenOffice Calc, nếu đang gõ mà nhấn SHIFT để gõ chữ hoa tiếng Việt (vd: Đ) thì con trỏ giật sang trái xoá hết các từ đã gõ trước đó. Khắc phục tạm: trước khi gõ vào một ô nào phải nhấn F2 rồi mới gõ.

– Không gõ nhanh trên web được cũng vì cơ chế giật con trỏ sang trái nói trên. Nếu gõ nhanh thì sẽ bị mất một số chữ do con trỏ di chuyển không kịp.

– Các bộ mới hơn 1.02, 1.0.4 thỉnh thoảng bị “đơ”: đang gõ tiếng Việt, đột nhiên không gõ được. Phải nhấn Ctrl+Shift hai lần để tắt tiếng Việt đi rồi bật lại thì mới gõ tiếp được. Chỉ có bộ 0.9.2a là không bị lỗi này.

Hiện đang thử dùng SCIM . SCIM (Smart Common Input Method) là bộ gõ đa năng có thể dùng gõ hàng chục loại ngôn ngữ khác nhau trên thế giới .

Cách cài đặt:

1- Vào KMenu – Adept Manager, tìm và cài scim.

2- Vào site này, tải bản scim-viettiti.deb về rồi cài.

3- Khởi động lại máy, biểu tượng của scim sẽ xuất hiện trong System Tray của panel bar (nếu không thấy, nhấn Ctrl+Space). Nhấn chuột mở SCIM Setup rồi thiết lập mấy mục sau:

Dưới mục IMEngine, chọn Global setup. Nhấn Disable All, sau đó trong mục Vietnamese, enable kiểu gõ vi-telex-locdt. Dưới mục FrontEnd, chọn Global setup rồi chọn Keyboard Layout là English (US). Dưới mục Panel, chọn GTK rồi chọn Show là Always.

Tổ hợp phím để chuyển giữa tiếng Anh và tiếng Việt là Ctrl+Space.

Nhận xét sơ bộ:

Gõ tốt tiếng Việt trong OpenOffice và trên web. Do không dùng cơ chế lùi con trỏ sang trái để đặt dấu nên gõ nhanh được và gõ tốt trong OpenOffice Calc, không bị lỗi như unikey. Nếu hay dùng các trình soạn thảo trên web (forum, email, Google Docs, …) và quen gõ nhanh thì đây là ưu điểm nổi bật.

Đang gõ tiếng Việt, nhận được các từ tiếng Anh như cách gõ của unikey (gõ đúp dấu). Tuy nhiên thỉnh thoảng bị lỗi sau đó không gõ tiếng Việt được, phải Ctrl+Space để bật lại tiếng Việt.

Cần phải thử thêm một thời gian nữa mới có thể kết luận được.

KUBUNTU GUTSY 7.10: Cài đặt máy in CANON LASER LBP5300, LBP3500, LBP3300, LBP5000, LBP3210, LBP3000, LBP2900, LBP3200, LBP1120/1210

Một số loại máy in Canon LBP dùng một driver riêng của Canon, Canon Advanced Printing Technology – CAPT driver, cách cài hơi khó hơn bình thường. Tôi chia sẻ cách cài trong file “Cai dat may in Canon LBP.pdf” tại kho dữ liệu Mediafire.

Mong nhận được ý kiến và góp ý sửa chữa của mọi người.

Kubuntu 7.10: Lỗi cài máy in HP 1020 và một số loại khác

Máy in HP 1020 có một lỗi: nếu tắt điện máy in thì sau đó bật điện lại không in được nữa.

Cách khắc phục:

1- Mở terminal (KMenu -> System -> Konsole). Chạy lệnh getweb 1020 . Lệnh này sẽ tải file sihp1020.img từ Internet về thư mục Home. Tìm file đó và Copy.

2- KMenu -> Run Command, chạy lệnh kdesu konqueror . Trong Konqueror, mở thư mục /usr/share/foo2zjs/firmware rồi Paste file sihp1020.img vào đó.

3- Nhấn nút chuột phải vào thư mục firmware, chọn Propeties -> Permissions. Đặt mục Others thành Can View & Modify Content. Kích chuột chọn mục Apply changes to all subfolders …. rồi OK.

4- Quay lại terminal, chạy lệnh sau (copy lệnh rồi paste vào terminal):
arm2hpdl /usr/share/foo2zjs/firmware/sihp1020.img > /usr/share/foo2zjs/firmware/sihp1020.dl
5- Tắt máy in rồi bật lại sẽ vẫn in được bình thường.

Cách làm trên có lẽ cũng đúng cho những máy in dùng driver foo2zjs: HP 1000, 1005, 1018, 1020, 1022; Samsung CLP-300, 600, CLX-3160, v.v….Danh sách máy in có trong thư mục /usr/share/ppd/foo2zj. Khi cài các máy in này, mở thư mục đó để tìm driver. Lệnh getweb ứng với từng loại xem tại http://foo2zjs.rkkda.com/

Theo dõi trạng thái kết nối mạng trong Kubuntu 7.10

Khi cài Kubuntu, biểu tượng của Network Manager sẽ hiện lên trên panel. Nhưng để theo dõi trạng thái kết nối mạng LAN hoặc Internet thì phải dùng Knetstats, KNemo (hoặc một vài phần mềm khác).
1- Mở Add/Remove Programs. Gõ vào ô Search cụm từ “network monitor”. Trên màn hình sẽ xuất hiện 5 phần mềm khác nhau. Chọn cài KNetStats hoặc KNemo

2- Mở thư mục /home/<username>/.kde/Autostart bằng Konqueror (trước đó phải vào View – Show Hidden Files để nhìn thấy thư mục ẩn .kde). Nhấn nút chuột phải, chọn Create New – Link to Application (mở thư mục bằng Dolphin không có lệnh này) rồi tạo link cho Knetstats tự khởi động. Nếu dùng KNemo thì không phải tạo link này

3- Khởi động lại máy. Các biểu tượng của các card mạng LAN, wifi (giống như trong Windows) sẽ xuất hiện trên panel. Nhấn nút phải chuột để cấu hình KNetStats, nhấn nút trái chuột vào từng biểu tượng để xem thông tin chi tiết (tốc độ download, upload, địa chỉ IP, MAC, biểu đồ tốc độ, v.v….). Card nào đang hoạt động sẽ nhấp nháy. Card nào không hoạt động sẽ có dấu chéo.

Các phần mềm trên chỉ theo dõi trạng thái mạng. Muốn cấu hình kết nối mạng phải vào System Settings – Network Settings. Có thể cài thêm các phần mềm khác về mạng: gõ từ “network” vào ô Search của Add/Remove Program. Ví dụ phần mềm Wifi-rada dùng tìm các mạng wifi và cấu hình kết nối.

Sửa lỗi không vào được màn hình đồ họa 2

Khi chỉnh độ phân giải màn hình, thay driver của card màn hình,… có thể gặp các lỗi sau:

1- Khi khởi động lại, không vào được màn hình đồ họa.

2- Màn hình có độ phân giải quá lớn hoặc quá bé.

Trong một post trước đã trình bày một vài cách sửa các lỗi nói trên. Nhưng cách này có lẽ hay hơn:

1- Khởi động ở chế độ Recovery Mode

2- Tại dấu nhắc lệnh, gõ dpkg-reconfigure xserver-xorg -phigh rồi Enter.

3- Gõ tiếp reboot rồi Enter.

Chú ý khi cài chung Windows và Kubuntu trên một máy

Khi cài Kubuntu 7.10 lên máy đã cài WinXP, Kubuntu sẽ:

1- Tự động nhận biết WinXP và tạo một boot menu để lựa chọn WinXP hay Kubuntu khi khởi động. File cấu hình của boot menu có đường dẫn /boot/grub/menu.lst . Nếu muốn có thể vào KMenu – Run Command chạy lệnh kdesu kate /boot/grub/menu.lst để điều chỉnh một số thông số cấu hình khởi động theo ý muốn.

2- Tự động nhận biết các phân vùng (partition) của Windows, kể cả NTFS hay FAT. Các phân vùng đó sẽ được tự động gắn kết (mount) vào các thư mục con trong thư mục /media của Kubuntu ở chế độ đọc – viết, dùng bình thường như thư mục HOME của Kubuntu. Do đó, nếu muốn có thể dùng chung thư mục My Documents của Windows như thư mục HOME của Kubuntu. Mọi văn bản, dữ liệu ghi vào My Documents sẽ dùng được khi khởi động vào bất kỳ hệ điều hành nào.

3- Tuy nhiên cần chú ý: khi khởi động vào WinXP làm việc xong phải shutdown hoặc restart đúng quy tắc (dùng các nút lệnh). Nếu bị mất điện đột ngột hoặc tắt máy cưỡng bức bằng cách dùng tay nhấn và giữ nút Power hoặc nút Restart trên vỏ máy (khi máy bị treo) thì phân vùng Windows sẽ bị đánh dấu là “unclean shutdown” và khi khởi động vào Kubuntu sẽ không mount được (vào /media/<tên phân vùng> sẽ không thấy có nội dung). Khi đó phải khởi động lại WinXP, rồi restart mềm (nhấn chuột vào nút Restart) lại để vào Kubuntu. Trong quá trình restart đó, khi shutdown WinXP bình thường, phân vùng Win sẽ được đánh dấu lại là “clean shutdown” , Kubuntu mới mount được nó.

4- Có thể cài lại Kubuntu nhiều lần và nếu làm đúng cách như đã hướng dẫn thì không bao giờ ảnh hưởng đến Windows. Tuy nhiên, nếu cài lại Windows thì sẽ bị mất boot menu không vào được Kubuntu nữa và phải cài lại Kubuntu. Có lẽ cũng có cách để sau khi cài lại Win, khôi phục lại boot menu nhưng tôi chưa biết.

Ngoài ra, từ Windows nếu muốn đọc-ghi phân vùng Linux thì cài phần mềm “Ext2 Installable File System for Windows”, download từ http://www.fs-driver.org/index.html

KDE4 chính thức phát hành

KDE (K Desktop Environment) một trong hai môi trường đồ họa nổi tiếng nhất cho các hệ điều hành Unix, Linux đã chính thức phát hành phiên bản 4 ngày hôm nay (11/1/2008). Đây là phiên bản được thế giới Linux háo hức chờ đón vì có nhiều tính năng mới, giao diện đẹp và bước tiến nhảy vọt so với các phiên bản 3.x.x trước đó.

KDE là môi trường chính của Kubuntu (K Ubuntu). KDE4 sẽ có trong phiên bản Kubuntu 8.04 ra đời vào tháng 4/2008 tới đây. Dùng Ubuntu có cái thú là định kỳ đều đặn 6 tháng một lần sẽ có một phiên bản mới (7.04, 7.10, 8.04, 8.10, … số đầu là năm, số sau là tháng).

Ngay từ bây giờ, người dùng Kubuntu 7.10 (KDE 3.5.8) có thể cài KDE4 (để xem trước) như sau;

1- Trong terminal, chạy lệnh sudo apt-get remove kdelibs5 kde4base-data kde4libs-data để gỡ các gói KDE4 cũ (nếu có).

2- Vào menu KMenu – Systems – Adept Manager mở chương trình Adept Manager. Trong đó vào tiếp menu Adept – Manage Repositories mở màn hình quản lý các kho phần mềm (Software Sources).

3- Trong màn hình Software Sources , chuyển đến tab Third-party Software rồi nhấn nút Add.

4- Copy dòng sau đây:

deb http://ppa.launchpad.net/kubuntu-members-kde4/ubuntu gutsy main

5- Quay lại màn hình Add APT Repositorry , nhấn chuột vào ô trắng rồi nhấn Ctrl + V để dán nội dung đã copy vào đó. Nhấn tiếp lần lượt các nút OK, Close, Reload trong các màn hình tiếp theo.

6- Trong Adept Manager, tìm và chọn cài (request install) kde4-core (tải về khoảng 100MB). Cũng có thể cài thêm kde4 (các phần mềm ứng dụng chính thức của KDE, 135MB).

7- Sau khi cài xong, khởi động lại máy. Tại màn hình nhập password, nhấn chuột vào hình chữ nhật trắng góc dưới bên phải, chọn Type of session – KDE4 rồi nhập pass, Enter để đăng nhập.

Nhận xét sơ bộ: giao diện đẹp và khác hẳn KDE 3.x.x. Tuy nhiên do giao diện mới nên cũng phải mất thì giờ đôi chút để làm quen và các máy cấu hình yếu chạy sẽ chậm (giống như chuyển từ WinXP sang Vista). Ngoài ra, một số ứng dụng chuẩn trên KDE cũng được cải tiến và có nhiều tính năng mới.

CHÚ Ý: cách cài đặt trên chỉ để tham khảo, tìm hiểu cho biết, không dùng làm việc được (vd: bộ gõ x-unikey không có tác dụng). Hãy chờ đến Kubuntu 8.04 tích hợp KDE4 một cách chính thức.

Chú ý khi cài Kubuntu 7.10

1- Khi boot máy bằng đĩa cài Kubuntu, trong menu xuất hiện nên chọn chế độ Check CD for defects (kiểm tra lỗi đĩa CD). Phải làm điều này trước khi cài vì:

a- Nếu đĩa bị lỗi ở những file thiết yếu, máy có thể không boot lên được tới màn hình đồ họa, ta lại tưởng là phần cứng có vấn đề tương thích với Kubuntu. (Nếu đĩa tốt 100% mà không boot được tới màn hình đồ họa mới là có vấn đề tương thích phần cứng).

b- Nếu đĩa bị lỗi ở những file khác, đặt đến lúc copy file đó vào máy sẽ bị báo lỗi. Kubuntu có cái dở là không thay được đĩa khác hoặc lau đĩa rồi thay vào cài tiếp như Windows mà phải cài lại từ đầu.

2- Trước khi cài nên rút hết dây mạng, dây modem ra khỏi máy. Nếu để dây, Kubuntu sẽ hiểu là có đường ra Internet, đến gần hết quá trình cài sẽ có một giai đoạn tìm các bản cập nhật về securities trên Internet rất lâu (vì thực tế lúc đó chưa nối ra Internet được). Quá trình cài khi đạt 78% là có thể yên tâm các file cần thiết đã được copy hết vào máy.

3- Thỉnh thoảng cũng gặp trường hợp không tương thích với màn hình ĐNA. Khi boot lần đầu, màn hình bị đặt ở độ phân giải thấp, chữ rất to, các nút lệnh bị khuất không cài được. Nếu boot lại chọn chế độ cài Safe graphic mà vẫn không được thì phải đổi màn hình khác.

Chú ý khi cài x-unikey vào Kubuntu 7.10

Các bước sau đây đã thực hiện trơn tru không gặp vấn đề gì:

1- Cài x-unikey ngay sau khi cài xong Kubuntu 7.10, chưa update hay cài phần mềm gì khác (không bắt buộc).

2- Tải bản x-unikey-0.92.i386.ubuntu.deb từ site http://www.unikey.org về (bản 1.0.4 có lỗi khi gõ đã nói trong một post trước. Bản 1.0.2 chưa thử). Bản 0.9.2 này đã dùng nhiều không bị lỗi (trừ lỗi trong OpenOffice Calc là lỗi chung của x-unikey cho đến thời điểm này).

3- Copy file nói trên ra Desktop (nếu để trong thư mục Home sẽ bị báo lỗi không tìm thấy file).

4- Nhấn đúp vào file, màn hình GDebi sẽ xuất hiện. Tiếp tục cài cho đến hết.

( Nếu vẫn bị báo lỗi không tìm thấy file, xem post “Một lỗi cài đặt hay gặp” ở dưới đây)

      Gỡ bỏ các gói phần mềm thừa

      Khi cài đặt phần mềm ứng dụng vào Kubuntu, các thư viện và gói phần mềm phụ trợ còn thiếu cũng được cài đặt theo. Nhưng khi gỡ bỏ phần mềm ứng dụng thì các thư viện và phần mềm phụ trợ vẫn còn lại trong hệ thống.
      Để dọn dẹp sạch hệ thống khỏi những gói phần mềm thừa, chỉ cần chạy lệnh
      sudo apt-get autoremove
      trong terminal.

      Hướng dẫn sử dụng và cài phần mềm vào Gutsy (tiếng Anh)

      Site http://kubuntuguide.org/Gutsy có rất nhiều hướng dẫn sử dụng và cài bổ xung các loại phần mềm vào Kubuntu Gutsy 7.10.
      Cần chú ý là cách cài phần mềm tại site này toàn dùng dòng lệnh (apt-get hoặc dpkg). Chỉ cần nhớ tên phần mềm, rồi tìm trong Adept Manager để cài thì trực quan hơn và đỡ gõ lệnh nhầm (trừ những phần mềm không có trong Adept Manager).