Ghi chú vào file pdf

Trước đây đã có bài giới thiệu một số phần mềm liên quan đến file pdf trong Linux. Trong đó có phần mềm Okular có khả năng ghi chú, highlight text, khoanh vùng, vẽ hình vào file pdf. Tuy nhiên Okular có hai nhược điểm:

  1. Okular chạy trên nền KDE. Do đó khi cài vào GNOME phải cài thêm khá nhiều file hỗ trợ KDE.
  2. Các ghi chú, highlight text, hình vẽ, …. trên chỉ đọc được bằng Okular. Nếu dùng các phần mềm đọc file pdf khác (Document Viewer, Foxit Reader, Adobe Reader, …) thì các ghi chú, highlight, …. đó không xuất hiện.

Xournal là một phần mềm đọc và ghi chú được vào file pdf khắc phục được nhược điểm trên. Phần mềm này có sẵn trong các kho của Ubuntu, Mandriva. Sau khi cài, nó xuất hiện trong menu Office và có giao diện như sau:

Hàng menu dưới cùng là các công cụ ghi chú: vẽ hình đơn giản dùng pen, highlight text, gõ thêm các ghi chú (comments, notes) bằng tiếng Việt, … như hình sau:

Cần lưu ý hai điều:

  1. Để mở một file pdf, vào menu File -> Annotate PDF hoặc nhấn nút Open rồi chọn All file thì file pdf mới hiển thị trong danh sách để chọn.
  2. Khi ghi chú xong, để lưu vào file pdf, vào menu File -> Export to PDF. Lệnh Save chỉ cho phép lưu file theo định dạng riêng của Xournal.

Đã thử mở bằng các chương trình đọc file PDF vẫn đọc được các thứ mới thêm vào.

Nhược điểm là các comment, note thêm vào dưới dạng text không có ô kiểu notepad riêng nên phải chèn vào các chỗ còn trống trong văn bản

Voice và video chat trong Linux

Trước đây tôi đã có vài post về các chương trình voice và video chat trong Linux. Hôm nay tổng hợp lại vài thông tin mới nhất.

1- Google voice và video chat

Google mới đây đã cho phép video chat trong Linux. Cách cài đặt và kiểm tra:

  1. Đăng nhập vào account GMail rồi vào tiếp Settings -> Chat -> Voice and Video Chat -> Learn more. Một màn hình mới xuất hiện cho tải về file google-talkplugin… để cài. Có file deb cho Ubuntu và rpm cho RedHat, Mandriva, PCLinuxOS.
  2. Sau khi cài xong, khởi động lại Firefox, đăng nhập vào GMail rồi nhấn chuột vào Settings -> Chat -> Voice and Video Chat -> Verify your settings. để kiểm tra các thiết bị. Màn hình bây giờ như sau:
  3. Nếu trong khung hình nhỏ bên phải không thấy hình từ webcam, chọn lại webcam trong mục Camera bên dưới. Di động webcam, hình trong khung hình cũng phải thay đổi.
  4. Thổi hoặc nói vào micro, thanh trạng thái bên phải mục số 2 phải hoạt động, tức là micro tốt. Nếu không, chọn lại micro trong mục Microphone bên dưới.
  5. Nhấn vào link play the test sound, loa hoặc tai nghe phải phát ra tiếng. Nếu không chọn lại trong mục Speakers bên dưới.

Tính năng kiểm tra được cả ba thiết bị: webcam, micro và speaker như trên là ưu điểm lớn nhất so với các dịch vụ chat khác trong Linux.Đối với Linux, khả năng tương thích với các thiết bị phần cứng còn kém thì đây là một tính năng rất cần.

Một trong những ưu điểm nữa là chat trong màn hình GMail, qua giao thức https nên các tín hiệu gửi đi và nhận về được mã hóa, tránh bị nghe, xem trộm.

Như vậy, trong Linux dùng được dịch vụ chat này dưới dạng web chat. Phần mềm Google Talk như của bên Windows thì chưa có.

Tuy nhiên, tính năng trên màn hình sử dụng hơi ít, kém các dịch vụ chat khác. Về chất lượng hình và tiếng tôi mới thử qua thấy cũng ổn, không hiểu dùng lâu thì thế nào.

2- Skype

Skype đã giới thiệu ở đây. Cách cài mới so với bài viết đó: trong Mandriva, add kho phần mềm MIB theo cách ở đây rồi cài từ Menu -> Install & Remove Software; trong Ubuntu 10.10, cài Skype bằng Ubuntu Software Center. Bản Skype for Linux có một nhược điểm so với bản for Windows và so với Google Talk đã nói ở trên là có kiểm tra được webcam và loa nhưng không có mục kiểm tra micro. Thực tế sử dụng thì tiếng hơi bị chậm (nói một lúc mới nghe thấy người bên kia trả lời) và có tiếng vọng (Google Talk có mục triệt tiêu tiếng vọng này).

3- Yahoo Messenger

Phần mềm Yahoo Messenger for Linux là Gyachi đã được giới thiệu ở đây. Cài cho Ubuntu 10.10 dùng ba lệnh này:

sudo add-apt-repository ppa:adilson/experimental
sudo apt-get update
sudo apt-get install gyachi

Trong Mandriva, Gyachi có trong kho phần mềm MIB đã nói ở phần Skype trên.

Gyachi hỗ trợ voice và video chat nhưng hoàn toàn không có công cụ kiểm tra thiết bị như các bản ở trên.

4- Các phần mềm khác

Trong Linux có ba phần mềm chat tương dối phổ biến là Empathy, Pidgin và Kopete.Mỗi phần mềm này đều có khả năng dùng nhiều dịch vụ chat khác nhau tùy theo account được khai báo (Yahoo Chat, Google Talk, v.v…)

Empathy được cài mặc định trong Ubuntu 10.10 nhưng tính năng cũng còn đơn giản. Empathy hỗ trợ cả voice và video chat nhưng không có công cụ kiểm tra thiết bị. Khai account Yahoo thì login được, nhưng account Gmail thì không. Empathy cũng hỗ trợ Skype nhưng nó chỉ gọi chạy Skype cài ngoài chứ không tích hợp vào trong phần mềm.

Pidgin hiện không hỗ trợ voice và video chat.

Kopete được cài sẵn trong các bản Linux KDE, nhưng cũng cài chạy được trên Ubuntu (GNOME). Kopete hỗ trợ video, voice chat nhưng cũng không có công cụ kiểm tra.

Học nhanh gõ 10 ngón trên Linux.

Học nhanh gõ 10 ngón trên Linux.

Gõ được 10 ngón, không cần nhìn bàn phím là kỹ năng tối thiểu nên học, sau này đỡ khổ. Trẻ con tầm 10 tuổi trở lên và cả người có tuổi đều có thể học được sau một vài ngày không có khó khăn gì theo kinh nghiệm của tôi. Nhất là trẻ con học rất nhanh.

Trên Linux có nhiều phần mềm để tập gõ bàn phím, kể cả các site tập gõ online (search “linux typing”). Cách học dưới đây dùng phần mềm KTouch, tập gõ ở mức tối thiểu (các hàng phím chữ và một số phím liên quan). Sau thời gian ngắn (tùy theo thời gian tập, nhanh thì chỉ hai ba ngày) có thể gõ được văn bản tiếng Việt theo kiểu Telex 10 ngón không cần nhìn bàn phím. Nếu gõ kiểu VNI thì phải mất thêm thời gian học các phím dấu ở hàng phím số trên cùng.

Cách học dưới đây cũng là cách học tắt theo kinh nghiệm tôi đã dạy một số người. Không cần theo đúng bài bản của phần mềm dành cho người học gõ chuyên nghiệp với tốc độ cao.

KTouch là phần mềm viết cho KDE nhưng có thể cài vào môi trường GNOME chạy vẫn tốt. Trong Ubuntu, mở Synaptic Package Manager tìm ktouch rồi chọn cài (nó sẽ cài thêm một số phần mềm KDE cần thiết).

Sau khi cài xong, chạy từ menu Applications → Education → KTouch hoặc nhấn Alt + F2 rồi gõ ktouch và Enter. Màn hình xuất hiện như sau:


Trong màn hình trên có các mục:

Level: mức bài tập gõ.

Speed: tốc độ gõ của người tập (ký tự/phút).

Correctness: tỷ lệ phần trăm gõ đúng.

New Characters in This Level: những ký tự mới trong bài này.

Hàng trắng bên dưới hiện các ký tự mẫu để tập gõ (kể cả khoảng trắng gõ bằng phím Space). Các ký tự này chạy dần sang bên trái.

Hàng trắng tiếp theo hiện các ký tự mà người tập gõ vào. Nếu gõ sai, toàn bộ hàng đó bị tô màu đỏ, có thể dùng phím xóa lùi để xóa ký tự sai và gõ lại.

Khi gõ hết một hàng đến mút bên phải, nhấn phím Enter để chuyển sang hàng tiếp theo của bài tập đó.

Dưới cùng là hình bàn phím để người tập nhìn vị trí phím. Phím nào có mặt trong bài tập hiện tại sẽ có màu sáng lên.

1-Thiết lập các settings

Nhấn vào menu Training → Default Lectures rồi chọn English (auto-generated)

Nhấn tiếp vào menu Settings → Configure KTouch, màn hình sau xuất hiện:

Chọn General Options ở cột bên trái, bên phải có mục Sliding speed là tốc độ chạy chữ mẫu để gõ theo. Có thể để nguyên, hoặc nhấn chuột vào con chạy ở giữa rồi rê sang trái (chậm đi) hoặc sang phải (nhanh lên) tùy theo khả năng của người tập gõ.

Nhấn tiếp vảo Training Options rồi bỏ không chọn mục Automatic level adjustement.

Trong General Options và Keyboard Settings có hai mục Override … có thể dùng để thay đổi chữ trên hàng bài tập và trên keyboard cho rõ hơn nếu cần.

2- Cách tập gõ

Tất cả các bài dưới đây, gõ chậm để nhớ phím, không cần gõ nhanh.

a/ Cách đặt tay lên bàn phím: Hai ngón trỏ đặt lên các phím F và J (hai phím này có một cái mấu để nhận diện), các ngón khác lần lượt đặt sang hai bên, hai ngón cái đặt lên phím Space.

Trong quá trình gõ, hai ngón út luôn đè nhẹ lên hai phím A và ; để giữ mốc.

b/ Cách tập từng bài:

Trên màn hình mục Level có 15 mức (15 bài tập). Đầu tiên để ở level 1 tập ba phím: hai phím F, J và phím cách (space bar).

Khi gõ đến cuối hàng, dùng ngón út gõ phím Enter để sang hàng tiếp theo (có tất cả 5 hàng).

Khi đã nhớ phím (bất kể gõ được mấy hàng), nhấn vào menu Settings → Configure KTouch → Keyboard settings rồi bỏ chọn mục Show keyboard.

Bàn phím trên màn hình sẽ mất. Tập lại bài vừa rồi không cần nhìn bàn phím trên màn hình.

Khi đã thuộc phím, nhấn mũi tên bên phải Level để lên mức tiếp theo. Lại vào Settings, cho hiện bàn phím để lặp lại các bước trên.

Trong quá trình gõ, hai ngón út luôn đè nhẹ lên hai phím A và ; để giữ mốc.

c/ Cách luyện:

Nhắc lại là trong mỗi bài trên, gõ thật chậm, chỉ cốt nhớ được phím, không cần gõ nhanh.

Khi đã hết 15 bài, nhớ được phím ở mức tương đối, mở OpenOffice Writer, tập gõ các bài thơ đã thuộc.

Vài thứ lặt vặt

Vài thứ lặt vặt.

1. Cài máy in Canon dùng driver CAPT trong Mandriva 2010 và PCLinuxOS 2010

Trong các phiên bản từ 2009 trở về trước, cài driver CAPT vào Mandriva và PCLinuxOS đơn giản hơn cài vào Ubuntu/Kubuntu.

Gần đây, khi xuất hiện chương trình script này, việc cài CAPT vào Ubuntu/Kubuntu đơn giản đi rất nhiều và làm việc tốt.

Tuy nhiên, tôi đã thử nhiều cách vẫn chưa cài được CAPT vào Mandriva 2010.0, 2010.1 và PCLinuxOS 2010.

2. Các chương trình chiếm nhiều CPU

Trong Mandriva 2010.1 KDE, nhấn Ctrl+Esc để mở System Activity, thấy có hai chương trình chiếm khá nhiều CPU: captmon của CAPT và nepomuk.

Vì vậy nếu không cài được máy in dùng CAPT, tốt nhất là gỡ bỏ cndrvcups-common. Nếu chưa dùng được nepomuk thì cũng đừng kích hoạt nó.

Trong Ubuntu 10.04 không thấy có captmon nên không bị lỗi trên.

3. Gõ tiếng Việt trong Mandriva 2010.1

Scim-unikey dùng được trong Mandriva 2010.1. Nhưng trong OpenOffice vẫn phải có phím kết thúc từ (bản 2010.0 không bị như vậy).

Hơn nữa, khi gõ tiếng Việt trong các ô nhập liệu (ví dụ gõ tên file khi save, gõ Subject của mail), phải nhấn dấu cách thì từ đã gõ mới xuất hiện, chậm và rất khó chịu.

Và lỗi vốn có của scim là khi gõ địa chỉ mail trong Gmail chẳng hạn, danh sách popup không xuất hiện được, tắt tiếng Việt đi thì được.

Ibus-unikey mởi bổ xung tính năng “Capture mouse event” nên không phải gõ phím kết thúc từ: khi gõ xong một từ, nếu chạm vào chuột là từ đó tự kết thúc, di chuột đi chỗ khác không bị mất các từ đã gõ.

Khi gõ tiếng Việt trong các ô nhập liệu cũng không bị lỗi như trên.

Ibus-unikey trong Mandriva tôi cài gói ibus-unikey-0.5-1.fc13.i386.rpm dùng cho Fedora 13, không bị lỗi và chạy được.

Tuy nhiên các điều trên chỉ đúng với máy để bàn. Trên notebook vẫn phải kết thúc từ. Có thể do ibus-unikey làm việc với chuột touchpad không nhạy?

Gói ibus-unikey có sẵn trong kho Ubuntu là phiên bản cũ không có tính năng “Capture mouse event” nói trên. Phải tải gói ibus-unikey_0.5-1~uvn2~lucid_i386.deb về cài. Thank Mr. Lê Quốc Tuấn.

4. Copy & Paste từ web vào các file config

Có một lỗi trước đây tôi cũng đã bị nhưng lâu ngày quên mất, được bạn HeeJun nhắc trong comment cho post này.

Nếu mở một file config bằng các trình soạn thảo text trong môi trường đồ họa (ví dụ gedit trong GNOME hoặc Kwrite trong KDE), khi copy một dòng option (settings) từ một trang web rồi paste vào trình soạn thảo đó, một số mã ẩn của trang web cũng bị copy theo và cũng ẩn trong các trình soạn text nên ta không biết.

Khi một phần mềm đọc file config đó, gặp các mã nói trên, nó không hiểu và không thực hiện các settings quy định.

Vì vậy, tốt nhất là mở các file config trong terminal bằng các trình soạn thảo chạy trong môi trường text: nano hoặc vi (vi hơi khó dùng với người chưa quen) hoặc mc. Khi copy & paste như trên, chỉ các phần text được paste vào file sẽ không bị các lỗi trên.

Nano có thể không được cài sẵn, phải tự cài. MC là trình duyệt file, xem và edit file trong môi trường text khá hay (giống Norton Commander – NC trong DOS).


Thêm một bộ công cụ tùy biến Linux: Ailurus.

Thêm một bộ công cụ tùy biến Linux: Ailurus.

Ailurus là một bộ công cụ để tùy biến Linux (có bản cài đặt cho Ubuntu, Fedora, chưa thử chạy trên openSUSE, convert từ bản deb sang rpm cài được trên Mandriva nhưng chưa chạy được).

Tải bản cài đặt về từ đây. Sau khi cài lên Ubuntu, chạy nó từ Applications → System Tools → Ailurus.


Về cơ bản, Ailurus cũng từa tựa như Ubuntu Tweak nhưng có vẻ nhiều tính năng hơn. Đặc biệt có mấy tính năng hay là Computer Doctor, Recover APT, Study Linux, …

Trong System Settings có mục Memory. Nếu có đủ RAM (1GB), nên chỉnh cho mức độ swap memory to disk=0 thì cải thiện được tốc độ.

Nhân tiện nói thêm về một lỗi của Ubuntu 10.04. Nếu OpenOffice dùng tính năng Quickstarter để khởi động cho nhanh thì sẽ không Shutdown, Restart bằng nút lệnh được. Có ba cách khắc phục:

  1. Trước khi shutdown, restart, nhấn phím phải chuột vào biểu tượng của QuickStarter trên system tray ở panel rồi chọn Exit QuickStarter. Sau đó mới shutdown hoặc restart.
  2. Để shutdown, restart, mở terminal rồi chạy lệnh sudo shutdown now, sudo reboot.
  3. Bỏ QuickStarter: mở OpenOffice -> Tools -> Options -> Memory, bỏ chọn mục Enable systray Quickstarter.

Mandriva 2010.1 RC1 thỉnh thoảng cũng bị lỗi này nhưng không phải do QuickStarter, chưa biết nguyên nhân tại đâu nên phải dùng cách thứ hai ở trên.


Site này hay: alternativeto.net

Thế giới không phải chỉ có Windows, còn Unix, Mac, Linux và cả cái ReactOS không biết giờ ra sao. Lại còn cả dự án này nữa. Nền đồ họa cũng vậy: ngoài Gnome còn có KDE, LXDE, Xfce và hơn một chục cái khác. Phần mềm ứng dụng cũng thế. Dropbox dùng rất hay nhưng còn những cái nào khác tương tự như vậy không? Biết đâu có cái hay hơn và có tính năng bạn cần thì tìm ở đâu?

Trước đây tôi có giới thiệu hai site Osalt.com (Open Source as Alternative) và Linuxalt.com (Linux Alternative Project) chuyên để tìm các phần mềm nguồn mở có tính năng tương tự như phần mềm Windows. Nay mới phát hiện được site Alternativeto.net có vẻ đầy đủ, phong phú hơn xin chia sẻ với mọi người.

Như phần trên màn hình của nó cho thấy, site này cho tìm cả phần mềm trên máy tính (desktop) và trên mobile. Ngoài ba hệ điều hành là Windows, Mac và Linux, nó còn cho tìm cả các dịch vụ Online.

Nhấn vào All ở thanh menu rồi tìm đến mục Dropbox, nhấn tiếp vào Find Alternatives to Dropbox (Tìm các phần mềm thay thế cho Dropbox) ta được một danh sách ngắn. Nhấn tiếp vào Show all applications ở dưới, cả một danh sách dài xuất hiện (54 mục!). Cạnh mỗi phần mềm có số người thích (likes) bạn có thể sắp xếp theo số đó (Filter by likes) hoặc theo licences (Filter by licenses) hoặc theo hệ điều hành (Filter by platforms).

Bên dưới mỗi phần mềm có các comments. Đây là nguồn thông tin có ích giúp ta chọn phần mềm theo ý kiến của những người đã dùng nó. Nhấn vào từng phần mềm để xem chi tiết hơn hoặc tìm đến website của nó như ví dụ với SpiderOak dưới đây:

Màn hình trên cho biết SpiderOak giống Dropbox ở online storage, sharing và sync. Điểm khác của nó là bảo mật (zero-knowledge privacy policy) và không chạy được trên Iphone như Dropbox. Muốn xem chi tiết nhấn vào Visite website.

Muốn tìm phần mềm Linux thay thế Photoshop, nhấn vào menu Linux rồi gõ từ Photoshop vào ô tìm kiếm. Danh sách tìm được có 5 phần mềm.

Cần lưu ý là site này cũng như hai site đã nêu ở trên không phải đã đầy đủ. Ngoài 5 phần mềm liệt kê, có thể còn những phần mềm Linux khác có tính năng sửa ảnh không có ở đây.

Thử chạy phần mềm Hỗ trợ kê khai thuế trên Ubuntu 10.04

Thử chạy phần mềm Hỗ trợ kê khai thuế trên Ubuntu 10.04

(Không thành công. Nhưng cũng chia sẻ ở đây cho những người làm tiếp).

Bạn tutroc77 đề nghị tôi thử chạy phần mềm Hỗ trợ Kê khai thuế trên Linux. Tôi đã làm như sau:
Trong Ubuntu 10.04, cài gói wine 1.2. Sau đó tải file HTKK 2.5.1.rar từ link này trên site của bộ Tài chính về (site của Tổng cục Thuế luôn bị nghẽn vì nhiều người vào quá, mà link trên đó cũng sai).
Kiểm tra xem gói unrar đã được cài trong Ubuntu chưa. Nếu đã cài thì nhấn phím phải chuột vào file rar nói trên, chọn Extract Here để giải nén file trên thành thư mục rồi nhấn đúp chuột vào setup.exe để bắt đầu cài. Các màn hình cài đặt giống như trong Windows.
Cài gần xong thì bị báo lỗi thế này:

Lỗi này nói rằng file fpSpru70.ocx không tự đăng ký được. File này đã có trong /home/zxc/.wine/drive_c/Program Files/HTKK130/References, chỉ có chưa đăng ký được thôi. Hỏi cụ Gúc “register ocx” thì tìm được một cái link “How to register an ActiveX control (.ocx) manually”, trong đó bảo có thể đăng ký bằng tay dùng lệnh regsvr32.exe.
Mở terminal, chạy lệnh cmd để vào màn hình lệnh của DOS. Sau đó chạy tiếp lệnh regsvr32.exe fpSpru70.ocx thì bị báo lỗi thiếu file mfc40u.dll. Trong thư mục /home/zxc/.wine/drive_c/windows/system32 chỉ có file mfc40.dll. Copy file mfc40u.dll từ Windows rồi paste vào thư mục trên. Sau đó cài lại HTKK không bị báo lỗi.
Giờ có thể chạy HTKK từ Applications → Wine → Programs → Tong cuc Thue. Trong màn hình xuất hiện, nhập mã số thuế rồi nhấn Đồng ý thì màn hình thay đổi nhưng sau đó đứng nguyên không chạy tiếp nữa mà cũng không thông báo lỗi.
Trong Linux nói chung, khi nhấn vào một menu chạy phần mềm bị thất bại mà không có thông báo lỗi thì tốt nhất là chạy nó từ Terminal để xem các thông báo lỗi trong terminal. Để biết lệnh chạy HTKK, nhấn phím phải chuột vào logo của Ubuntu ở bên trái menu bar, chọn Edit Menu. Trong màn hình xuất hiện tìm đến menu HTKK rồi nhấn nút Propeties ta có màn hình sau:
Bôi đen toàn bộ lệnh ở mục Command rồi paste nó vào màn hình Terminal và Enter. Màn hình khởi động của HTKK xuất hiện, nhập tiếp mã số thuế rồi Enter, màn hình lại đứng yên.
Nhìn trên Terminal thấy một loạt thông báo nhưng chẳng hiểu nó nói gì (phần in đậm là lệnh chạy HTKK):
zxc@Ubuntu1004:~$ env WINEPREFIX=”/home/zxc/.wine” wine “C:\Program Files\HTKK130\Project\HTKK.exe”
fixme:ole:OleLoadPictureEx (0xa61404,5702,0,{7bf80980-bf32-101a-8bbb-00aa00300cab},x=0,y=0,f=0,0x32f954), partially implemented.
fixme:ole:OLEPictureImpl_SaveAsFile (0x12e770)->(0x137180, 0, (nil)), hacked stub.
fixme:msxml:domdoc_QueryInterface interface {7fd52380-4e07-101b-ae2d-08002b2ec713} not implemented
Đại khái chỉ đoán là liên quan đến giao diện không chạy được (QueryInterface not implemented).
Các file ActiveX control (ocx) thường xuất hiện trong các ứng dụng MS Access hoặc Visual Foxpro. Mở site của wine http://www.winehq.org ra tra thì MS Access 2002/XP và Foxpro 7 chạy tốt (gold) trong Wine, nhưng Access 2003, 2007 và Foxpro 9 hầu như không chạy được. Không rõ HTKK viết bằng cái nào.
Tôi mới tìm hiểu đến đây và không thạo lập trình Windows nên chưa biết đi tiếp thế nào.
Chạy phần mềm Windows trong Linux bằng wine không phải bao giờ cũng thành công như ví dụ ở đây. Nhưng tôi cài cả bản progeCAD Smart for Windows thì lại trơn tru.

Briscad V10 for Linux

Bricscad V10 for Linux.

Trước đây đã có một post giới thiệu progeCAD của công ty Progesoft, phần mềm có khả năng thay thế AutoCAD.

Ngày 12/5/2010, công ty Bricsys, một công ty chuyên về phần mềm CAD khác, vừa công bố bản beta Bricscad V10 for Linux. Vài đặc điểm chính:

  • progeCAD là bản viết cho Windows, cài chạy được trên Linux dựa vào wine. Briscad for Linux là bản viết cho Linux, cài chạy trực tiếp trên Linux.

  • Hỗ trợ định dạng dwg của AutoDesk (chắc là phải mua bản quyền).

  • Hỗ trợ ngôn ngữ lập trình LISP và DCL của AutoCAD. Do đó các ứng dụng viết bằng các ngôn ngữ trên cho AutoCAD chạy trên Windows cũng sẽ chạy trên Bricscad không cần sửa đổi.

  • Bricscad for Windows là một bản CAD khá nổi tiếng, có giá từ khoảng 500 – 2000USD. So sánh với AutoCADcũng khá ấn tượng.

  • Bản beta có cả dạng deb và rpm (hạn dùng tới 31/5/2010). Cài thử trên Mandriva và Ubuntu đều được nhưng chạy thì còn trục trặc. Điểm đặc biệt là lúc download cho chọn tiếng Việt. Sau đó thì nhận được email tiếng Việt chào mừng và giới thiệu địa chỉ Bricsys Việt nam. Giao diện phần mềm thì vẫn là tiếng Anh, nhưng có một site tiếng Việt tại đây.

Màn hình chính như thế này:

Bricscad chắc là không có bản miễn phí như progeCAD. Nhưng việc công bố bản for Linux cũng là một bước tiến của CAD trong Linux và là một phương án lựa chọn thay cho bản AutoCAD 4000-5000USD. Ngoải ra còn rất nhiều phần mềm để thay AutoCAD (xem tại đây). Ví dụ một sản phẩm trong nhóm IntelliCAD xem tại đây.

Thế giới ngoài Windows còn Linux và nhiều thứ khác. Ngoài AutoCAD còn cả một chân trời.

Ghi chép về mã hóa 1

Ghi chép về mã hóa 1

(Mọi bản ghi chép công bố trên blog này đều là ghi chép cá nhân nhặt nhạnh trên Internet để tìm hiểu sâu hơn đôi chút một vấn đề. Thông tin trong đó có thể sai theo hiểu biết hạn chế của tác giả.)

1-Mã hóa là gì

Xét ví dụ một bảng mã hóa (mật mã) đơn giản, các chữ cái chuyển thành một cặp số (cột,hàng):

1

2

3

4

5

1

A

B

C

D

E

2

F

G

H

I/J

K

3

L

M

N

O

P

4

Q

R

S

T

U

5

V

W

X

Y

Z

Theo bảng này, từ “TAN CONG” sẽ được mã hóa (encryption) là: 44 11 33 31 43 33 22

Người không có bảng mã trên, đọc hàng số đó sẽ không hiểu gì. Người có bảng mã sẽ giải mã (decryption) được hàng số đó thành từ “tan cong”. Bảng mã nói trên là một dạng thuật toán mã hóa.

Mã hóa là việc dùng một thuật toán mã hóa và một hoặc nhiều khóa mã biến đổi thông tin có nghĩa (plaintext) thành chuỗi ký tự vô nghĩa (ciphertext – mật mã). Chỉ những người biết thuật toán và có khóa mã mới giải mã thông tin đã mã hóa thành thông tin có nghĩa.

Hệ thống mã hóa: gồm thuật toán (hàm toán học) để mã hóa, các khóa mã và các thủ tục (protocol) để thực hiện quá trình mã hóa.

Mã hóa “mạnh” và “yếu”: mã hóa được chia thành 2 loại. Mã hóa yếu chỉ có mục đích hạn chế người bình thường không đọc được nội dung, mã hóa mạnh thì ngay cả các siêu máy tính có thể phải mất hàng chục năm hay lâu hơn mới phá mã được nếu không có khóa mã.

2-Mã hóa dùng một khóa mã bí mật (symmetric key techniques)

Trong kỹ thuật mã hóa này, người gửi và người nhận thông tin có cùng một khóa mã duy nhất. Người gửi dùng khóa mã, mã hóa thông tin rồi gửi đi. Người nhận dùng cũng khóa mã đó để giải mã thông tin và đọc.

Vì chỉ có một khóa mã và dùng chung nên kỹ thuật mã này còn có nhiều tên khác nhau như : symmetric-key, secret-key, single-key, shared-key, one-key, và private-key

Hình 2.1: Mã hóa dùng một khóa mã bí mật

Loại khóa này tương tự như những khóa thông thường chỉ có một chìa. Chỉ có thể đóng, mở khóa bằng những chìa giống hệt nhau.

Chuẩn mã hóa quốc gia đầu tiên của Mỹ (và cũng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới) là DES (Data Encryption Standard) dùng khóa mã đối xứng dài 56 bit. Sau khi được công bố năm 1976, đến năm 1999 mật mã này bị phá trong 22 giờ 15 phút, dùng cách vét cạn (brute force): dò thử tất cả 70,000,000,000,000,000 tổ hợp ký tự của khóa 56 bit.

Về nguyên tắc để dò một số lượng lớn khóa mã như vậy phải có một siêu máy tính cực nhanh. Tuy nhiên năm 1997, dự án DESCHALL Project dùng thời gian rỗi của hàng nghìn máy tính trên Internet đã phá được DES, dành giải thưởng $10,000 của RSA Security .

Hiện nay, DES được coi là không đủ an toàn và thay bằng AES (Advanced Encryption Standard) công bố năm 2002 với khóa mã dài 128, 192 hoặc 256 bit. Ngoài ra còn các chuẩn mã hóa một khóa khác như Twofish, Serpent, AES (Rijndael), Blowfish, CAST5, RC4, TDES, IDEA.

Ưu nhược điểm: nhanh, rất phù hợp nếu thông tin mã hóa không phải chuyển đi đâu (chỉ dùng cho một người).

Nếu thông tin mã hóa phải chuyển qua mạng cho một người thứ hai đọc, nhất là trên khoảng cách xa, khó khăn chính là phải chuyển được khóa mã cho người nhận một cách bí mật (phân phối khóa). Nếu trong quá trình chuyển khóa mã, một bên thứ ba có thể sao chép được khóa mã đó thì họ cũng có thể chặn bắt thông tin đã mã hóa và dùng khóa mã giải mã dễ dàng.

3-Mã hóa dùng hai khóa mã: khóa mã công khai và khóa mã bí mật. (asymmetric key techniques)

Để tránh được nhược điểm về phân phối khóa nói trên người ta dùng phương thức mã hóa có hai khóa mã (còn gọi là mã hóa không đối xứng) mới xuất hiện năm 1975.

Loại mã hóa này có hai khóa mã: một khóa mã công khai (public key) dùng để mã hóa và một khóa bí mật (private key) dùng giải mã.

Xét ví dụ tương tự: A định gửi một bức thư mật cho B. Các bước tiến hành như sau:

  • A yêu cầu B gửi chìa khóa công khai của B đến cho A. Vì là chìa công khai nên B có thể gửi qua bưu điện, nhờ người khác, thậm chí treo ở một nơi công cộng v.v… mà không cần giữ bí mật.

  • A viết thư, bỏ vào một cái hòm có hai chìa khóa khác nhau. Chìa công khai của B được dùng để khóa hòm đó lại rồi hòm được gửi qua bưu điện.

  • Chìa công khai của B, ai cũng có thể có một bản sao nhưng chìa công khai chỉ dùng để khóa, không dùng mở được. Do đó trên đường vận chuyển, người thứ ba không mở được.

  • B nhận được hòm, dùng chìa khóa bí mật của B để mở hòm. Khi đã khóa bằng chìa công khai của B thì chỉ có thể mở được bằng chìa bí mật của B, người khác không có chìa bí mật này không thể mở được.

Hình 3.1: Mã hóa dùng khóa công khai và khóa bí mật

Điểm hay của cách làm này là cái khóa mã công khai không cần dấu diếm. Cách làm tương tự khi muốn nhận email bí mật như sau:

  • B dùng phần mềm tạo ra một bộ khóa mã riêng cho mình gồm một khóa công khai (public key) và một khóa bí mật (private key). Bộ khóa mã này gắn liền với một địa chỉ email của B.

  • Khóa bí mật được cất giữ cẩn thận trên máy tính của B. Khóa công khai có thể gửi kèm theo email cho A hoặc gửi vào một máy chủ công cộng trên Internet kèm theo địa chỉ email, bất kỳ ai muốn gửi mật thư cho B đều có thể vào máy chủ đó tải bản sao khóa công khai của B về.

  • Người gửi (A) soạn thư, dùng khóa mã công khai của B để mã hóa bức thư đó rồi gửi cho B. Trên đường truyền dù có ai chặn xem thư cũng không thể đọc được vì thư đã bị mã hóa, không có khóa bí mật không giải mã được.

  • Khi thư đến máy tính của người nhận (B), người nhận dùng khóa mã bí mật và phần mềm giải mã để giải mã bức thư.

Cách mã hóa này có hai ưu điểm:

  • Hai người trao đổi thông tin mật cho nhau không cần có thỏa thuận trước. Nếu một người có địa chỉ email kèm một khóa công khai gửi trên một máy chủ Internet, bất kỳ người nào nếu cần đều có thể tải khóa công khai đó về tạo một mật thư gửi cho địa chỉ email đó, không cần quen biết, thỏa thuận gì trước.

  • Không cần có một phương thức phân phối khóa mã tin cậy và bí mật. Để đàm bảo bí mật, khóa mã kiểu gì cũng phải định kỳ thay đổi. Trước đây, dùng hệ thống mã hóa một khóa, các ngân hàng, bộ ngoại giao phải cử người đi khắp thế giới để giao khóa mã mới rất mất thì giờ và tốn kém.

4-Hàm băm mật mã (Cryptographic Hash function – CHF)

Khái niệm hàm băm (hash function) khác với khái niệm hàm băm mật mã (cryptographic hash function). Dưới đây ta chỉ xét khái niệm thứ hai và gọi tắt là hàm băm.

Định nghĩa: CHF là một thuật toán xác định, áp dụng vào một khối dữ liệu có chiều dài bất kỳ để tính ra được một một chuỗi bit có chiều dài cố định (128 bits,256 bits, …) gọi là trị số băm (hash value) sao cho khi dữ liệu thay đổi dù chỉ một bit thì khi tính lại trị số băm sẽ thay đổi và do đó, mỗi khối dữ liệu sẽ có một trị số băm duy nhất.

Hiểu nôm na, một khối dữ liệu có một trị số băm duy nhất tương tự như số chứng minh với một người. Điểm khác biệt là khi người đó chỉ rụng một sợi tóc thì khi tính lại trị số băm cũng thay đổi.

Tại sao lại dùng từ “băm”: để tính trị số băm, thường dữ liệu được chia nhỏ (băm) ra thành nhiều phần rồi áp dụng một thuật toán tính nào đó.

Một hàm băm lý tưởng sẽ có các tính chất sau:

  • Dễ dàng tính trị số băm với bất kỳ khối dữ liệu nào.

  • Từ trị số băm không thể tính ngược ra khối dữ liệu (hàm một chiều).

  • Không thể thay đổi khối dữ liệu (dù chỉ một bit) mà không làm thay đổi trị số băm.

  • Không thể có hai khối dữ liệu khác nhau mà có cùng một trị số băm.

Dùng làm gì:

  • Xác nhận tính toàn vẹn của dữ liệu sau khi truyền qua mạng: các file cài đặt một bản Linux (iso) được đặt trên Internet kèm theo trị số băm md5. Sau khi tải file về, tính lại md5 của file đã tải, nếu giống với trị số đã cho trước tức là file tải về nguyên vẹn, giống hoàn toàn như file đặt trên Internet, không bị lỗi (thiếu, sai) khi download. Một email, một file được gửi qua mạng cùng với trị số băm ban đầu của nó để người nhận kiểm tra tương tự.

  • Dùng trong chữ ký số (xem phần dưới)

  • Kiểm tra password: một phần mềm tạo ra password rồi lưu giữ không phải dưới dạng nguyên bản đọc được mà dưới dạng trị số băm của password đó (để tránh bị hacker xâm nhập lấy cắp). Khi user khai password, password đó được tính trị số băm và so sánh với trị số đã lưu.

  • ….

5-Chữ ký số (digital signatures)

Một chữ ký số đặt vào một văn bản điện tử cũng có công dụng tương tự như một chữ ký tay vào văn bản giấy:

  • Nó xác nhận rằng văn bản đúng là do người ký phát hành.

  • Người đã ký cũng không thể phủ nhận là mình không phát hành văn bản đó vì chỉ người đó mới có chữ ký số đó. Chữ ký tay có thể bắt chước giả mạo được, nhưng chữ ký số thì không. Cũng không thể tách chữ ký số ra khỏi một văn bản và gán nó vào văn bản khác.

  • Chữ ký số còn một công dụng nữa mà chữ ký tay không có là nó xác thực văn bản gốc vẫn nguyên vẹn không bị sửa đổi trên đường truyền. Văn bản giấy mà bị cạo sửa tinh vi thì chắc phải dùng máy móc chuyên dụng mới phát hiện được.

Hình 5.1: Chữ ký số

Quá trình tạo và kiểm tra chữ ký số cũng dùng kỹ thuật mã hóa hai khóa nhưng ngược với cách mã hóa đã nói ở trên, gồm 3 thuật toán:

  • Một thuật toán tạo khóa tạo ra một cặp khóa bí mật và công khai theo các số ngẫu nhiên như đã mô tả ở trên.

  • Một thuật toán tạo chữ ký số: từ một văn bản và một khóa bí mật tạo ra một chữ ký số và chèn nó vào văn bản. Văn bản trở thành văn bản đã ký.
    Trong hình bên trái của Hình 5.1, trị số băm của văn bản được tính sau đó mã hóa bằng khóa bí mật của người ký tạo thành chữ ký số của người đó. Nếu dùng dịch vụ chữ ký số của một nhà cung cấp thì có kèm theo một giấy chứng nhận (certificate) của nhà cung cấp đó. Tất cả được chèn vào văn bản tạo thành văn bản đã ký (Digital signed data)

  • Một thuật toán kiểm tra dùng văn bản đã ký, khóa công khai của người ký để xác thực chữ ký đúng là của người ký. Trong hình bên phải của Hình 5.1, từ văn bản đã ký tách riêng phần văn bản và chữ ký. Sau đó tính trị số băm của văn bản, dùng khóa công khai của người ký để giải mã chữ ký số và tách ra trị số băm gốc đã kèm trong chữ ký đó ở bước trên. Nếu hai trị số băm trùng nhau thì chữ ký đúng. (và văn bản đúng nguyên bản gốc không bị thay đổi trên đường truyền).

Hai hệ thống chữ ký số phổ biến hiện nay là RSA DSA.


6-PGP – một hệ thống mã hóa hỗn hợp.

PGP (Pretty Good Privacy) là một hệ thống mã hóa hỗn hợp, kết hợp những ưu điểm của hai hệ thống mã hóa một khóa và hai khóa nêu trên, do Phillip Zimmermann sáng tạo ra năm 1991.

Các bước phần mềm PGP thực hiện:

  • Nén dữ liệu chưa mã hóa lại. Việc nén này làm giảm thời gian truyền qua mạng và tiết kiệm ổ cứng nhưng tác dụng chính là tăng cường an ninh. Phần lớn các kỹ thuật phá mã (cryptanalysis) tìm kiếm các mẫu ký tự giống nhau trong dữ liệu đã mã hóa để dò ra khóa mã. Khi nén, số các mẫu giống nhau đó giảm xuống tối thiểu, sẽ khó dò hơn rất nhiều.

  • Tạo khóa mã bí mật dùng một lần (session key). Khóa mã này là một số ngẫu nhiên được tạo ra dựa trên chuyển động ngẫu nhiên của chuột và các phím ngẫu nhiên đã gõ. (TrueCryp dùng cách tạo khóa này, nhưng không phải dùng một lần, xem ở đây).

  • Mã hóa dữ liệu đã nén: Dùng khóa mã vừa tạo và một thuật toán mã hóa một khóa nhanh và tin cậy để mã hóa dữ liệu đã nén. Kết quả là dữ liệu được mã hóa (từ plaintext thành cyphertext). Để giải mã cũng vẫn dùng session key. Hai bước 2,3 dữ liệu được mã hóa bằng kỹ thuật mã hóa một khóa bí mật đã nói ở trên.

  • Mã hóa khóa mã session key: dùng khóa công khai của người nhận (public key) để mã hóa khóa bí mật dùng một lần (session key). Kết quả có được session key đã mã hóa.

  • Gửi dữ liệu đến người nhận: Gửi đồng thời cả dữ liệu đã mã hóa (cyphertext) và session key đã mã hóa cho người nhận.

  • Người nhận giải mã theo ba bước: dùng private key của mình để giải mã session key. Khi đã có session key, dùng nó để giải mã dữ liệu. Sau đó dữ liệu được giải nén để có thể đọc được. Ba bước đó phần mềm PGP tự làm. Như vậy trong các bước 4,5,6 session key được mã hóa dùng kỹ thuật mã hóa hai khóa.

Hình 6.1: PGP mã hóa và gửi đi ở máy tính người gửi

Hình 6.2: PGP giải mã trên máy tính người nhận

Trên đường truyền, người thứ ba có thể chặn, sao chép được dữ liệu đã mã hóa và session key đã mã hóa. Muốn giải mã được dữ liệu phải giải mã được session key, mà session key chỉ giải mã được bằng private key lưu ở máy tính người nhận. Session key lại là số ngẫu nhiên và quá lớn nên không thể dò bằng cách vét cạn các tổ hợp ký tự được.

Năm 1997, PGP trở thành chuẩn gọi là OpenPGP. Hầu hết các chương trình email hiện nay đều hỗ trợ chuẩn này.

Tổ chức Phần mềm Tự do (Free Software Foundation) đã xây dựng một phần mềm tự do, nguồn mở tương thích với OpenGPG gọi là GNU Privacy Guard (viết tắt GnuPG hoặc GPG) và một số giao diện đồ họa dùng thư viện GnuGPG để mã hóa, giải mã và ký số ( KGPG, Seahorse, MacGPG)

(còn tiếp)

Đăng ký ứng dụng để chat trong Firefox

Đăng ký ứng dụng để chat trong Firefox.

Trong màn hình Firefox, nhấn vào menu Edit → Preferences rồi nhấn tiếp vào Applications trong màn hình Preferences ta thấy như sau:

Cột bên trái gồm các kiểu nội dung (thường là multimedia) trên web hoặc một số hành động (mailto,…). Cột bên phải là các ứng dụng đã được đăng ký để thực hiện nội dung, hành động đó.

Ví dụ khi nhấn vào một link trên trang web có nội dung gửi mail (mailto) ta có thể chọn một trong các options sau:

  • Always ask: khi nhấn vào link mailto, một màn hình con xuất hiện để chọn phần mềm gửi thư.
  • Use xdg-email: dùng phần mềm thư điện tử mặc định. Với GNOME là evolution, với KDE là Kmail. Khi nhấn vào link mailto, phần mềm sẽ xuất hiện ở màn hình viết thư với địa chỉ người nhận cho trong link mailto điền sẵn.
  • Use Gmail, Yahoo! Mail: tương tự như trên.
  • Use other: cho đăng ký một phần mềm khác tùy chọn

Tuy nhiên nếu một nội dung không được đăng ký sẵn trong màn hình trên, ví dụ khi nhấn vào một link chat bằng Yahoo! Messenger (nội dung của link là ymsgr:sendIM?<nickname>), sẽ xuất hiện màn hình thông báo lỗi sau:

Firefox cho biết không biết xử lý nội dung link nói trên (bắt đầu bằng ymsgr) như thế nào vì không có ứng dụng nào được đăng ký sẵn cho chat bằng Yahoo.

Để đăng ký thêm ứng dụng cho những trường hợp trên làm như sau:

Trong thanh địa chỉ của Firefox, gõ vào about:config rồi Enter.

Màn hình cảnh báo xuất hiện,

    Thông báo trên cho biết sửa các settings của Firefox có thể ảnh hưởng đến an toàn, ổn định, tốc độ. Nhấn vào nút “I’ll be carefull…” bên dưới để đi tiếp.

    Trong màn hình config, nhấn phím phải chuột rồi chọn New → Boolean như hình sau:

    Trong màn hình dưới, gõ vào network.protocol-handler.expose.ymsgr rồi nhấn OK.

    Khi nhấn OK, màn hình sau xuất hiện:

    Chọn false rồi OK. Trong màn hình about:config, gõ vào thanh Filter mấy từ network.protocol ta sẽ thấy entry vừa tạo in chữ đậm như sau:

    Từ bây giờ khi nhấn vào link chat Yahoo, màn hình sau xuất hiện:

Nhấn vào nút Choose rồi tìm đến thư mục /usr/bin để chọn ứng dụng chat (ví dụ gyachi nếu đã cài hoặc với KDE là Kopete, với GNOME là Pidgin, v.v….). Phần mềm đã chọn sẽ chạy để chat.

Tuy nhiên khi thử với Kopete trong Mandriva KDE có một nhược điểm là chương trình chat mở ra nhưng không tự động add được nick chat đã cho ở trong link chat. Di chuột vào link thì trên thanh status của Firefox ở đáy màn hình sẽ cho biết nội dung link : ymsgr:sendIM?<nick Yahoo> . Tạm add nick bằng tay vậy. Tôi chưa thử với Empathy hoặc Pidgin trong Ubuntu nên không rõ có bị như vậy không.

Còn một cách nữa có thể khắc phục lỗi trên là thay cho entry trên, add hai entry sau:

network.protocol-handler.external.ymsgr = true
network.protocol-handler.app.ymsgr = "gaim-remote uri %s"

Gaim là tên cũ của Pidgin (nếu không được thử thay gaim bằng pidgin). Nhìn dòng thứ hai thấy có thể chuyển được nick chat nhưng tôi chưa thử.

Cách làm trên cũng dùng được cho các kiểu link với protocol khác, ví dụ rtsp: (chạy file Real media), mms: (chạy file Windows media), v.v Với các file media (audio, video) có thể chọn phần mềm SMPlayer, Totem, VLC, …

Xóa entry viết nhầm trong about:config

Khi add một entry vào about:config như cách làm ở trên, nếu viết nhầm không xóa được trong màn hình đó. Làm như sau:

Mở thư mục Home của user đang login ở chế độ xem được các file ẩn. Tìm đến file pref.js ở thư mục sau: /home/zxc/.mozilla/firefox/1sq7rnxz.default/prefs.js

Mở file đó bằng một trình soạn text (gedit, kwrite) rồi tìm xóa dòng cần xóa.

Những “quả trứng Phục sinh” trong OpenOffice

Những “quả trứng Phục sinh” trong OpenOffice.

Trong mỗi phần mềm, nhóm phát triển thường dấu một vài điều bất ngờ vui vui gọi là những quả trứng Phục sinh. Dưới đây là những quả trứng Phục sinh trong bộ OpenOffice.

1. Danh sách nhóm phát triển OpenOffice.org.

Nhấn vào menu Help → About OpenOffice.org. Sau đó nhấn và giữ phím Ctrl rồi gõ lần lượt S, D, T (Star Division Team). Trên màn hình About sẽ lần lượt hiện tên các người tham gia nhóm phát triển OpenOffice (khá dài)

2. Tên và ảnh nhóm phát triển Writer.

Mở chương trình Writer, gõ từ “ Star Writer Team” (không có dấu ngoặc kép) rồi nhấn F3. Tên và ảnh các thành viên của nhóm sẽ xuất hiện.

Gõ từ “ GoOOTeam” rồi nhấn F3. Tên và ảnh thành viên sẽ xuất hiện. Go-oo là một biến thể của OpenOffice, có một số tính năng mà OpenOffice không có (xem tại đây).

3. Tên và ảnh nhóm phát triển Calc

Mở Calc rồi gõ vào một ô bất kỳ =STARCALCTEAM() rồi nhấn phím Enter. Tên và ảnh thành viên nhóm viết Calc xuất hiện.

4. Trò chơi trong Calc

Gõ vào một ô bất kỳ =GAME(“StarWars”) rồi nhấn Enter. Trò chơi Space Invaders sẽ xuất hiện. Dùng phím Space để bắn và phím mũi tên trái phải để di chuyển.

Nhập công thức =GAME(A2:C4;”TicTacToe”) vào ô A1 rồi nhấn Enter. Trò chơi Tic Tac Toe sẽ xuất hiện.

Mã hoá bảo vệ dữ liệu bằng TrueCrypt

Mã hoá bảo vệ dữ liệu bằng TrueCrypt.

Trong thời buổi mà phần mềm gián điệp (spyware) tung hoành khắp nơi, chả có gì đảm bảo là những file dữ liệu quý báu của bạn không bị nó sao ra một bản gửi về đâu chẳng biết.

Vì vậy cũng giống như sắm một cái két sắt để trong nhà, trên máy tính của bạn cũng nên có một cái két như thế. Khác với két sắt, két dữ liệu có hai lớp bảo vệ: phải mở két bằng mật khẩu mới truy cập được các file ở bên trong, nội dung các file đó lại được mã hoá bằng mật khẩu, phải qua quá trình giải mã mới đọc được.

I. Giới thiệu chung TrueCrypt

Một trong những phần mềm tốt nhất để tạo một két dữ liệu như thế là TrueCrypt với các tính năng chính:

1- Tạo một vùng ổ cứng mã hoá tự động. Có mấy cách tạo:

  • Tạo một ổ cứng ảo bên trong một file rồi mount nó như một ổ cứng thật.

  • Tạo ổ mã hoá trên toàn bộ một partition hoặc trên toàn bộ một ổ cứng trong, ổ cứng ngoài, ổ USB,….

  • Tạo ổ mã hoá trên partition hoặc ổ cứng có cài một hệ điều hành (hiện tại mới hỗ trợ Windows). Trước khi khởi động vào hệ điều hành phải nhập mật khẩu hoặc khoá mã. Tức là mã hóa toàn bộ một hệ điều hành.

2- Dữ liệu được mã/giải mã tự động: được mã hoá rồi mới ghi vào ổ, được giải mã khi đọc từ ổ ra ngoài, hoàn toàn tự động không cần user làm gì. Các quá trình mã/giải mã được thực hiện trong RAM, không một dữ liệu chưa mã hoá nào được ghi vào ổ. Tốc độ mã/giải mã rất nhanh không ảnh hưởng đến hoạt động trên máy. Cách mã/giải mã là cần đến đâu làm đến đấy trong RAM (on-the-fly) nên nhanh và không cần nhiều RAM.

3- Vùng ổ này xuất hiện trong Windows như một ổ D, E, F, …., còn trong Linux được mount vào thư mục /media/truecrypt như các partition khác. Để bảo vệ một file chỉ cần move/copy nó vào ổ hoặc thư mục nói trên, file sẽ tự động được mã hóa trước khi ghi. Khi mở file, nó sẽ được tự động giải mã để đọc được. Trong ổ hoặc thư mục mã hóa đó, có thể làm các thao tác bình thường như với các thư mục thông thường: xóa, tạo thư mục/file mới, đổi tên,…

4- Dữ liệu đã lưu chỉ có thể giải mã nếu có password và/hoặc file khoá mã đúng. Nếu không sẽ không đọc được nội dung file dù có dùng quyền root (toàn các ký tự loằng ngoằng không có nghĩa). Toàn bộ hệ thống file đã lưu vào ổ mã hoá đều được mã hoá (tên file, tên thư mục, nội dung file, các metadata của file và cả các vùng trống, chưa có dữ liệu cũng được mã hoá).

5- Đặc biệt, trong trường hợp bị lộ hoặc bị ép phải khai một mật khẩu, vẫn có thể dấu được dữ liệu bằng nhiều cách: ổ mã hoá bí mật, hệ điều hành bí mật, …(xem chi tiết ở dưới).

6- Chạy được trên Windows 7, Mac OS 10.6 và Linux. Dùng các thuật toán mã hoá mạnh nhất hiện nay AES-256, Serpent, và Twofish. Kiểu hoạt động: XTS.

II. Cài đặt:

Trong các kho phần mềm của PCLinuxOS có sẵn TrueCrypt, Ubuntu và Mandriva thì không có vì cho rằng TrueCrypt không phải PMNM. Bản mới nhất tải về từ đây.(có bản cài cho Windows XP/Vista/7, Mac OS, OpenSUSE, Ubuntu).

Với Ubuntu và Linux Mint, sau khi tải về file truecrypt-6.3a-ubuntu-x86.tar.gz, giải nén thành file truecrypt-6.3a-ubuntu-x86. Mở terminal tại thư mục chứa file đã giải nén rồi chạy lệnh sau để cài:

sudo ./truecrypt-6.3a-ubuntu-x86

Update 5/2/2011: Mandriva và PCLinuxOS hiện cũng cài được như Ubuntu nói trên. Không cần convert phức tạp như dưới đây nữa.

Với Mandriva và PCLinuxOS: phức tạp hơn.

 

Tìm cài từ kho phần mềm các gói sudo, alien, rpm-build .

Cũng tải về file cài đặt dành cho Ubuntu truecrypt-6.3a-ubuntu-x86.tar.gz, giải nén thành file script truecrypt-6.3a-ubuntu-x86. Mở terminal tại thư mục có file giải nén, chạy lần lượt các lệnh:

su

./truecrypt-6.3a-ubuntu-x86

Khi chạy lệnh thứ hai, màn hình cho chọn 2 Installation options, nhập số 2 rồi Enter để giải nén tiếp file script thành file /root/tmp/truecrypt-6.3a-0_i386.deb.

Chạy tiếp lệnh alien -r /root/tmp/truecrypt-6.3a-0_i386.deb

để convert thành file /root/tmp/truecrypt-6.3a-0_i386.rpm

 

Nhấn vào file đó để cài TrueCrypt.

Nhấn menu Install and Remove software, nếu gói sudo chưa cài thì cài.

Nhấn Alt+F2 rồi chạy lệnh kdesu kwrite /etc/sudoers (hoặc gksu gedit /etc/sudoers nếu dùng Gnome)

Khi màn hình kwrite mở file sudoers, tìm đến dòng root ALL=(ALL) ALL thêm vào bên dưới một dòng username ALL=(ALL) ALL, trong đó username là username đang dùng để đăng nhập vào Mandriva.

Đồng thời đánh thêm dấu # ở đầu dòng Default  requiretty để disable nó đi.

Save file rồi đóng kwrite lại.

III. Các bước thiết lập ổ mã hoá:

1- Chạy TrueCrypt (với các bản GNOME từ System → Preferences → TrueCrypt, với Ubuntu chạy từ Applications → Accessories → TrueCrypt, với Mandriva chạy từ Tools → TrueCrypt).

Màn hình chính xuất hiện:


2- Nhấn vào nút Create Volume. Màn hình sau xuất hiện:

3- Trong màn hình trên có hai phương án tạo ổ cứng mã hoá tuỳ chọn:

  • Tạo ổ cứng ảo bên trong một file. File đó sẽ có kích thước tuỳ chọn. Phương án này đơn giản dễ làm dành cho các user bình thường.

  • Tạo ổ cứng mã hoá trên toàn bộ một partition, một ổ cứng thứ hai không cài hệ điều hành, một ổ USB, ….

Giả sử ta chọn phương án 1 rồi nhấn nút Next . Màn hình sau xuất hiện.


4- Màn hình trên cho hai phương án tạo ổ mã hoá trong một file: Ổ mã hoá tiêu chuẩn (Standard) và ổ mã hoá bí mật (Hidden). Ổ bí mật là ổ mã hoá nằm bên trong một ổ mã hoá tiêu chuẩn và có password khác. Nếu buộc phải tiết lộ mật khẩu của ổ mã hoá tiêu chuẩn thì khi mở ổ đó ra cũng không thể phát hiện được ổ bí mật . Dưới đây ta gọi ổ tiêu chuẩn là ổ mã hóa ngoài.

Giả sử ta chọn phương án tạo ổ bí mật rồi nhấn nút Next .


5- Màn hình trên yêu cầu chọn thư mục và file chứa ổ mã hoá. File này có thể nằm trên ổ cứng trong máy, trên ổ cứng ngoài, trên USB,…tùy ý.Nhấn vào nút Select File .


6- Trong màn hình trên, mặc định file nằm ở thư mục Home của user (vdu: /home/zxc). Nếu muốn chuyển sang thư mục khác, nhấn vào hình tam giác nhỏ bên trái chữ Browse for other folders để chọn. Ví dụ nếu trên máy cài nhiều hệ điều hành thì nên để file này vào thư mục trên partition dùng chung.

Nhập tên file (tuỳ ý, muốn bí mật thì đặt một tên file vô nghĩa) chứa ổ mã hoá vào ô Name rồi nhấn nút Save .

(Chú ý: có thể chọn một file có sẵn làm file chứa ổ mã hoá. Nhưng khi đó nội dung file đã có sẽ bị xoá hết.)

Màn hình sẽ quay trở lại màn hình trên với đường dẫn và tên file đã chọn như sau (tên file do ta đặt là TrueCrypt File, thư mục /home/zxc/DATA):


Nhấn tiếp nút Next ta đi tới màn hình sau:

7- Màn hình trên cho chọn thuật toán mã hoá (Encryption Algorithm) và thuật toán băm (Hash Algorithm).

Trong phần mã hóa, nếu muốn có thể chọn các thuật toán mã hóa khác hoặc mã hóa hai, ba lần, mỗi lần bằng một thuật toán (tốc độ mã/giải mã sẽ chậm nhưng độ bảo mật tăng).

Nếu chưa am hiểu nhiều về mã hoá, cứ để nguyên hai thuật toán đã chọn sẵn rồi nhấn nút Next để đi tới màn hình sau:


8- Màn hình trên yêu cầu nhập vào dung lượng ổ mã hoá ngoài (Outer Volume size). Ví dụ nhập 500 MB như trong hình rồi nhấn nút Next .


9- Màn hình trên yêu cầu nhập hai lần password cho ổ mã hoá bên ngoài (Outer Volume Password). Chú ý:

  • Password này là password có thể tiết lộ nếu bị bắt buộc.

  • Password cho ổ bên ngoài nên khác hẳn password cho ổ bí mật bên trong.

  • Chiều dài tối đa của password là 64 ký tự. Tối thiểu nên là 20 ký tự, nếu ngắn hơn sẽ có màn hình cảnh báo, nhấn Yes để chấp nhận.

  • Khi nhập, nếu muốn kiểm tra password đã nhập, đánh dấu mục Display password để password hiển thị dưới dạng đọc được không phải dưới dạng dấu *

  • Nếu muốn chắc chắn nữa thì dùng password phối hợp với keyfile. Xem thêm tại đây.

CHÚ Ý: các password của ổ ngoài và ổ trong nên càng dài, càng phức tạp, càng ngẫu nhiên càng tốt để tránh các chương trình dò tìm password.

Sau khi nhập xong, nhấn nút Next đi tới màn hình sau:


Màn hình này cho chọn định dạng ổ. Nếu chỉ dùng trong Windows thì chọn FAT hoặc NTFS. Nếu chỉ dùng trong Linux thì chọn ext3, ext4, … Nếu trên máy có cả Windows và Linux và định dùng chung ổ mã hóa thì nên chọn NTFS. Chọn xong nhấn Next để tới màn hình:

10- Di chuột lung tung trong màn hình một lúc (càng lâu càng tốt để tăng độ mạnh cho khoá mã). Sau đó nhấn nút Format , quá trình tạo ổ mã hoá bắt đầu. Khi format xong màn hình sau xuất hiện:


Nhập password của Linux user vào đây rồi nhấn OK để đi tới màn hình tiếp như dưới đây.


11- Màn hình trên thông báo cho biết ổ mã hóa bên ngoài đã được tạo xong và sẽ được mount vào thư mục /media/truecrypt1. Trong thư mục này nên lưu các file mật nhưng chưa phải tối mật đề phòng trường hợp phải giao mật khẩu.

Nhấn Open Outer Volume để mở thư mục /media/truecrypt1 hiện còn trống. Nhấn phím phải chuột trong thư mục đó chọn Create Document → Empty File tạo một file bất kỳ rồi quay lại màn hình trên nhấn nút Next. Màn hình sau xuất hiện:


12- Thông báo trên cho biết chương trình đã tính ra dung lượng lớn nhất có thể của ổ mã hóa bí mật (= dung lượng ổ mã hóa ngoài trừ đi dung lượng các file đã có trong ổ mã hóa ngoài).

Nhấn nút Next để tới màn hình chọn thuật toán mã hóa cho ổ bí mật (tương tự như ở bước 6). Để nguyên các lựa chọn mặc định, nhấn Next tiếp để tới màn hình chọn dung lượng ổ bí mật:


13- Màn hình trên cho biết dung lượng tối đa của ổ bí mật do chương trình tính ra là 496MB (trên 500MB dung lượng ổ mã hóa tiêu chuẩn). Ta có thể gõ vào ô trắng ở trên dung lượng lựa chọn rồi nhấn nút Next.

( Mặc dù trong ổ ngoài ta mới chỉ tạo một file có dung lượng =0, nhưng ở đây dung lượng ổ bí mật chỉ cho phép tối đa là 496MB trong khi đáng lẽ phải là 500MB. Đây là do giới hạn của hệ điều hành, không phải lỗi của TrueCrypt)


14- Màn hình trên cho nhập password của ổ bí mật. Password này phải khác password của ổ mã hóa ngoài. Nhập xong thì nhấn Next. đi tới màn hình chọn định dạng cho ổ bí mật


rồi format ổ đó tương tự bước 9 ở trên. Khi format xong, màn hình sau xuất hiện:

15- Màn hình trên thông báo cho biết đã tạo xong ổ bí mật. Ổ này cần phải được bảo vệ (sẽ nói ở phần sau). Khi nhấn OK sẽ xuất hiện màn hình kết thúc. Nếu muốn tạo một ổ mã hóa nữa thì nhấn Next (có thể tạo tối đa 64 ổ mã hóa), nếu không nhấn Exit.

IV. Sử dụng ổ mã hóa

Nếu dùng trình duyệt file (Nautilus, Dolphin,…) mở thư mục đã chọn ở bước 6, ta sẽ thấy file đã tạo với dung lượng đã chọn ở bước 7. File đó chứa ổ mã hóa ngoài và bên trong ổ mã hóa ngoài là ổ mã hóa bí mật.

Để dùng được ổ ngoài hoặc ổ bí mật, trước tiên ta phải mở ổ ngoài bằng password và gắn nó ( mount) vào thư mục /media/truecrypt1. Cách làm như sau:

Chạy lại chương trình TrueCrypt như đã nói ở bước 1. Màn hình sau xuất hiện:

Nhấn nút Select File. Trong màn hình mới, tìm đến thư mục có file mã hóa đã tạo ở trên, chọn file đó rồi nhấn nút Open. Màn hình trên sẽ như sau:

Trong phần trên màn hình, chọn một slot còn trống (các cột còn trắng) rồi nhấn nút Mount. Màn hình nhập password xuất hiện:


Đến đây có ba tình huống:

A- Nếu định dùng ổ ngoài: nhập mật khẩu của ổ ngoài rồi OK. (ổ bí mật sẽ không được mở)

B- Nếu định dùng ổ bí mật: nhập mật khẩu của ổ bí mật rồi OK. (ổ ngoài không mở)

C- Nếu định dùng ổ ngoài, bảo vệ ổ bí mật: nhấn nút Options để có màn hình sau:


Đánh dấu chọn mục Protect hidden volume … (Bảo vệ ổ bí mật khi mount ổ ngoài) như trong hình trên. Mục đích để khi ghi file vào ổ ngoài nếu hết dung lượng, không ghi đè lên ổ bí mật làm hỏng ổ đó.

Nhập password của ổ mã hóa ngoài vào ô trên cùng, password của ổ bí mật vào ô Password to hidden volume rồi nhấn OK.

Trong cả ba tình huồng trên, khi mount xong, slot đã chọn sẽ có thông tin như sau:


Trong hình trên, file mã hóa nằm ở thư mục /home/zxc/DATA, thư mục được mount vào ổ mã hóa ngoài là /media/truecrypt1.

Nhấn nút Exit để thoát màn hình chương trình TrueCrypt. Chương trình vẫn chạy ngầm và có một biểu tượng trên panel.

Mở chương trình duyệt file Nautilus, tìm đến thư mục /media sẽ thấy thư mục truecrypt1 như hình dưới đây:


Thư mục truecrypt1:

  • Sử dụng bình thường như mọi thư mục khác

  • Khi ghi các file vào thư mục đó, file sẽ được mã hóa, khi mở các file trong thư mục đó, file sẽ được giải mã trước khi hiển thị.

  • Dung lượng, nội dung của truecrypt1 chính là dung lượng, nội dung ổ mã hóa ngoài hoặc trong.

  • Nếu trước đó, không làm động tác mount như đã nói ở trên, thư mục truecrypt1 không xuất hiện trong /media. Nếu không mount, sẽ không truy cập được các file đã mã hóa, khi đọc nội dung file mã hóa đã tạo ở bước 6, ví dụ bằng mc sẽ thấy như thế này:

Đó là nội dung ổ đã mã hóa. Không có mật khẩu để giải mã thì nội dung đó là vô nghĩa.

Phần trên là động tác mở két để lấy/cất dữ liệu. Khi dùng xong, muốn đóng két lại thì nhấn đúp vào biểu tượng TrueCrypt trên panel để mở màn hình chính ra rồi nhấn nút Dismount hoặc Dismount All

V. Tại sao lại gọi là ổ mã hóa bí mật

Chỉ có người tạo ra nó, biết nó nằm ở đâu và biết mật khẩu để mở, còn thì không có dấu vết nào trên ổ cứng, không có cách nào để chứng minh là có ổ bí mật và đọc được nội dung của nó kể cả khi biết mật khẩu ổ mã hóa ngoài. Vì vậy nếu quên mật khẩu và/hoặc keyfile là mất dữ liệu.

VI. Kết luận

Các bản Linux lớn hiện nay đều có công cụ để mã hóa thư mục hoặc hệ thống file, thậm chí ngay từ khi cài đặt. Tuy nhiên so với TrueCrypt có một số nhược điểm (dùng giao diện dòng lệnh, tốc độ chậm hơn, không có ổ bí mật, không chọn được thuật toán mã hóa, không tạo ổ dùng chung nhiều hệ điều hành được v.v…).

Bài viết này cũng chỉ giới thiệu cách tạo ổ mã hóa đơn giản nhất dùng file. TrueCrypt còn có thể mã hóa cả một partition hoặc ổ cứng ngoài, sau đó mount tự động hoặc có thể mã hóa cả một hệ điều hành.

Hướng dẫn sử dụng chi tiết tại đây.

// // // //

Game trên Linux

Game trên Linux.

Tôi không phải người mê chơi game. Tuy nhiên, đôi khi việc cài được game lên Linux cũng là một việc cần làm nếu muốn phổ biến Linux cho những người thích game. Dưới dây là một vài thứ sưu tầm được.

I. Cài hơn 120 Linux game

Djl là một phần mềm quản lý game nguồn mở. Nó cho phép xem mô tả, hình ảnh và cài đặt, gỡ bỏ hơn 120 Linux game (tính đến thời điểm này) từ các kho phần mềm.

Danh sách các game xem tại đây.

Để cài Djl lên Ubuntu, trước hết phải cài hai gói pythonpython-qt4 (có trong kho phần mềm của Ubuntu).

Tải về từ đây gói cài đặt djl-1.2.20.tar.gz

Giải nén gói trên thành thư mục djl. Mở terminal tại thư mục djl rồi chạy lệnh:

./djl.sh . Màn hình sau xuất hiện:

Đánh dấu chọn mục cuối cùng: Enable dependencies downloading if needed để chương trình tải về các file phụ cần thiết khi cài game. Nhấn nút Save, đợi một lúc để tải tiếp djl về cài, màn hình sau xuất hiện:

Tab News cho biết thông tin về các phiên bản game mới cập nhật. Tab Repository cho chọn, xem trước thông tin về từng game và nếu muốn cài thì nhấn nút Install.

Lần sau muốn chạy djl chỉ cần nhấn chuột vào file djl.sh nói trên rồi nhấn tiếp nút Run.

II. Cài Windows game bằng wine

Như đã biết, wine là phần mềm tạo lập môi trường Windows trong Linux để chạy các phần mềm Windows trên Linux, vì vậy cũng có thể cài một số game Windows được.

Trước tiên phải cài wine có trong kho phần mềm Ubuntu. Sau khi cài wine, trong thư mục Home sẽ xuất hiện thư mục ẩn, ví dụ /home/zxc/.wine/drive_c. Trong thư mục drive_c có hai thư mục Programe Files và Windows. Các Windows game sẽ được cài vào thư mục Programe Files.

Bây giờ chỉ cần bỏ đĩa CD cài game vào ổ CD rồi nhấn vào file setup.exe cài như với Windows.

Không phải Windows game nào cũng cài lên wine được. Danh sách các game cài được xem ở đây. Trong đó, Platinum List là các game chạy tốt (Warcrap III, Half-Life 2,…), Gold List cần phải có động tác cấu hình riêng (Final Fantasy XI, World of Warcrap 3.2,…), v.v….

III. PlayOnLinux

PlayOnLinux là phần mềm nguồn mở hỗ trợ việc cài Windows game lên wine đơn giản hơn. Trước tiên phải cài gói playonlinux có trong kho phần mềm của Ubuntu. Sau khi cài xong, chạy từ menu Applications → Games → PlayOnLinux. Màn hình chính xuất hiện, nhấn vào nút Install đi tới màn hình sau:

PlayOnLinux không chỉ để cài game mà còn cài nhiều phần mềm Windows nữa vào Linux như hình trên cho thấy.

IV. Các phần mềm thương mại

CrossOver games và Cedega là hai phần mềm chuyên để cài các Windows game lên Linux. Tuy nhiên chúng là các phần mềm thương mại, phải trả tiền.

Phần mềm nguồn mở “Hệ thống thông tin địa lý” GIS (Geographic Information System)

Phần mềm “Hệ thống thông tin địa lý” GIS (Geographic Information System) nguồn mở

( Tôi không thạo về cái này. Giới thiệu để thấy khả năng ứng dụng của Linux. Chắc là so với MapInfo chẳng hạn thì có thể chưa bằng nhưng “giết gà không dùng dao mổ trâu” có thể lại là đủ).

Quantum GIS (QGIS) là bộ phần mềm hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS) nguồn mở chạy trên Linux, Unix, Mac OS và Windows. QGIS hỗ trợ các định dạng file ảnh raster, ảnh vector và lưu thông tin trong một cơ sở dữ liệu. Phiên bản hiện tại là 1.3.0. Giấy phép sử dụng GNU Public License.

Một số tính năng chính:

  • Xem và chồng lớp các dữ liệu ảnh vector và raster theo các format khác nhau, dưới các góc nhìn khác nhau mà không cần chuyển đổi về một format chung. Các format được hỗ trợ gồm:

    • một phần bảng cơ sở dữ liệu PostgreSQL dùng công nghệ PostGIS và SpatiaLite,

    • phần lớn các định dạng ảnh vector trong thư viện OGR library*, gồm: ESRI shapefiles, MapInfo, SDTS và GML.

    • các định dạng ảnh raster trong thư viện GDAL library*, như các mô hình ảnh số hóa (digital elevation models), không ảnh (aerial photography) hoặc ảnh vệ tinh landsat,

    • định vị bản đồ GRASS

    • dữ liệu vệ tinh OGC-compliant WMS hoặc WFS;

  • Tạo bản đồ và khai thác dữ liệu vệ tinh qua một giao diện đồ họa. Có nhiều công cụ đi kèm.

  • Tạo, biên soạn và xuất dữ liệu vệ tinh bằng:

    • các công cụ số hóa GRASS ,

    • plugin tham chiếu địa lý,

    • các công cụ GPS để xuất nhập định dạng GPX, chuyển đổi các định dạng GPS thành GPX, hoặc download/upload trực tiếp dữ liệu với một thiết bị định vị vệ tinh GPS.

Cài đặt Quantum GIS trong Ubuntu Karmic

Mở terminal và chạy lệnh sau để add kho phần mềm chứa Quantum GIS:

sudo add-apt-repository ppa:ubuntugis/ubuntugis-unstable/

Cập nhật kho phần mềm bằng lệnh:

sudo apt-get update

Cài đặt bằng lệnh:

sudo apt-get install qgis

Tăng tốc duyệt web bằng cách chọn máy chủ DNS nhanh nhất.

Tăng tốc duyệt web bằng cách chọn máy chủ DNS nhanh nhất.

Khi ta gọi một số điện thoại theo tên (vd: Nguyễn Văn Hùng), máy điện thoại sẽ tra danh bạ để tìm số điện thoại tương ứng rồi quay số. Tương tự, khi gõ một địa chỉ web (vd: www.abc.com) vào trình duyệt, địa chỉ đó được gửi đến một máy chủ tên miền DNS (Domain Name System) để tìm địa chỉ IP tương ứng (ví dụ: 209.162.32.58), gửi trả lại cho trình duyệt, rồi sau đó lệnh kết nối mới được gửi đến máy chủ có IP đó (hiểu đơn giản thì như vậy, thực tế còn phức tạp hơn). Động tác tìm địa chỉ IP của một địa chỉ web gọi là phân giải tên miền.

Như vậy máy chủ DNS là danh bạ Internet. Trên Internet có vô số những máy chủ DNS (Google Public DNS, OpenDNS, UltraDNS, v.v…). Thông thường, thường dùng máy chủ DNS của nhà cung cấp dịch vụ Internet. Nhưng cũng có thể chọn các máy chủ DNS nhanh hơn để tăng tốc duyệt web. Tốc độ phân giải tên miền phụ thuộc:

  • Máy chủ DNS có ở gần máy trạm đang duyệt web không.

  • Tốc độ tra cứu tìm địa chỉ IP có nhanh không.

Phần mềm namebench là bộ công cụ nguồn mở để tìm máy chủ DNS nhanh nhất. Website của nó tại đây.

1- Cài đặt:

Ubuntu cần cài thêm gói python-tk, Windows XP, Vista cài thêm gói Visual C++ từ đây, Mandriva cài thêm gói tkinter.

Với Linux, tải gói namebench-1.1.tgz từ đây. Giải nén nó thành thư mục namebench-1.1. Có hai cách dùng:

  • Nhấn đúp vào file namebench.py để chạy trực tiếp.

  • Cài đặt bằng cách mở terminal tại thư mục namebench-1.1 rồi chạy lệnh sudo python setup.py install (với Ubuntu). Mandriva cài bị báo lỗi.

2- Sử dụng:

Màn hình namebench như sau:

Trong ô Nameservers có địa chỉ IP của hai máy chủ DNS hiện đang dùng. Nhấn nút Start Benchmark, chương trình bắt đầu chạy. Kết quả sẽ xuất hiện trong trình duyệt như sau:

Ô bên trái cho biết, dùng Google Public DNS-2 nhanh hơn DNS của FPT là 36%. Ô bên phải cho danh sách các máy chủ DNS nên dùng: máy chủ chính (nhanh nhất) là Google Public DNS-2, máy chủ thứ hai (gần nhất) là FPT, … Khai địa chỉ IP các máy đó vào cấu hình kết nối Internet.

Cuốn xuống bên dưới màn hình trên còn khá nhiều thông tin về kết quả test. Chi tiết hơn về cách dùng xem tại đây .

Vài thủ thuật OpenOffice Writer

Vài thủ thuật cho OpenOffice Writer.

I- Tiêu đề (Heading)

Heading là các tiêu đề phân theo từng cấp và được đánh số tự động. Ví dụ:

Chương I: Tiêu đề cấp 1

I.1 Tiêu đề cấp 2

I.1.1 Tiêu đề cấp 3

Heading là công cụ rất tiện khi viết và đọc các văn bản dài có cấu trúc.

I.1-Tạo Heading:

Heading đã có sẵn trong danh sách các Style trên Format Toolbar:

Định đặt dòng nào làm Heading thì trước hoặc sau khi gõ xong, để con trỏ chuột ở dòng đó (không cần bôi đen cả dòng) rồi nhấn vào mũi tên trỏ xuống ở ô Style hình trên (bên trái ô Font), chọn Heading trong danh sách xổ xuống.

Heading có sẵn không đánh số ở đầu như trong ví dụ trên. Muốn đánh số tự động, nhấn vào menu Tools > Outline Numbering, màn hình sau xuất hiện:

Trong màn hình trên, chọn từng cấp Heading rồi chọn Number ở dưới. Mục Separator để chọn ký tự phân cách số và text của Heading. Trong ví dụ trên, trước số là từ “Chương”, sau số của Heading 1 là dấu hai chấm và dấu cách như hiển thị trong cột bên phải.

Số đã chọn ở trên sẽ được đánh tự động, người dùng không phải gõ. Khi xóa một heading hoặc di chuyển nó sang vị trí khác, số cũng tự động thay đổi.

Để định dạng Heading theo ý muốn, nhấn vào menu Format > Styles and Formatting. Trong màn hình tiếp, nhấn phím phải chuột vào Heading muốn định dạng lại. Màn hình sau xuất hiện:


Trong màn hình trên có thể thay đổi rất nhiều thứ theo ý muốn.

I.2-Nâng cấp, hạ cấp, di chuyển Heading

Khi con trỏ ở trong vùng một heading nào đó, toolbar sau xuất hiện:

Nhóm bốn nút có mũi tên chỉ sang trái, phải dùng để nâng hoặc hạ cấp heading (ví dụ từ heading 1 xuống heading 2). Nếu một heading định nâng/hạ cấp có các heading cấp thấp hơn ở bên dưới thì dùng nút có hai mũi tên. Khi đó, ví dụ heading 1 xuống thành heading 2 và các heading 2, 3 bên dưới nó sẽ xuống thành heading 3,4.

Nhóm bốn nút có mũi tên chỉ lên, xuống cho phép di chuyển một heading và tất cả phần văn bản bên dưới nó đến vị trí khác. Chỉ cần nhấn chuột vào heading (không cần bôi đen) rồi nhấn nút thích hợp.

I.3-Đọc, di chuyển trong văn bản theo heading:

Khi văn bản đã có heading, nhấn vào menu View > Navigator, cửa sổ sau xuất hiện:

Nhấn chuột vào mép trên cửa sổ, rê nó xuống dưới ô Style đến khi thấy xuất hiện một vạch đen thẳng đứng thì nhả chuột ra. Cửa sổ Navigator sẽ có vị trí mới ở bên trái màn hình. Nhấn vào các dấu + bên trái Heading sẽ thấy như sau:

Muốn di chuyển đến tiêu đề nào thì nhấn chuột vào nó ở cột bên trái. Bật tắt cửa sổ Navigator này bằng nút trên toolbar.

II-Tạo mục lục tự động.

Khi đã thiết lập các tiêu đề bằng Heading như trên thì có thể tạo mục lục tự động. Để con trỏ chuột vào vị trí định tạo mục lục rồi nhấn menu Insert > Index and Tables > Index and Tables. Màn hình sau xuất hiện:

Trong màn hình trên:

  • Title: gõ vào từ “Mục lục” thay cho “Table of Contents”.

  • Type: chọn Table of Contents như hình trên.

  • Protected … được đánh dấu chọn sẵn để không cho thay đổi mục lục bằng tay.

  • Evaluate up to level: mặc định mục lục được lập chi tiết đến heading 10 (nếu có).

  • Outline: đã chọn sẵn, quy định mục lục sẽ lập dựa vào heading.

  • Tab Styles: định dạng cho mục lục. Mỗi cấp mục lục (level) ứng với một style là Contents 1, 2, 3,… Muốn thay đổi Style nào nhấn vào đó rồi nhấn nút Edit ở bên dưới.

Sau khi nhấn OK, mục lục sẽ xuất hiện như thế này:

Mục lục

I- Tiêu đề (Heading) ……………………………………1

I.1-Tạo Heading: …………………………………….1

I.2-Nâng cấp, hạ cấp, di chuyển Heading………. 3

I.3-Đọc, di chuyển trong văn bản theo heading: ..3

II-Tạo mục lục tự động. ………………………………..4

III-Bản mẫu (Template) …………………………………5

IV- Bổ xung tính năng (Extensions) …………………..8

Sau khi đã tạo mục lục, nếu thay đổi các heading (sửa nội dung, chuyển chỗ, xóa hoặc thêm heading, …) mục lục sẽ tự động cập nhật các thay đổi đó khi đóng rồi mở lại file văn bản. Cũng có thể cập nhật mục lục bằng cách nhấn phím phải chuột vào vùng mục lục rồi chọn Update Index/Table.

III-Bản mẫu (Template)

Để soạn một văn bản:

  • Nhanh

  • Thống nhất như nhau cho cùng một loại văn bản

nên dùng các template. Ví dụ tạo một template thông dụng như sau:

Trong màn hình Writer, mở một văn bản mới chưa có tên. Nhấn vào menu Format > Page, rồi chuyển đến tab Page trong màn hình sau:

  • Format: chọn khổ giấy là A4

  • Margins: chọn kích thước các lề giấy theo nhu cầu.

  • Chuyển sang các tab khác (Background, Header, …) để thiết lập nếu cần. Làm xong nhấn OK đóng màn hình lại.

Nhấn tiếp vào menu Format > Styles and Formatting. Trong màn hình Styles, nhấn phím phải chuột vào Default, chọn Modify rồi quy định kiểu font, cỡ font, màu font, khoảng cách dòng, … mặc định (ví dụ Times New Roman, cỡ 14,..). Các thiết lập ở đây sẽ áp dụng cho những đoạn văn bản bình thường.

Nhấn tiếp phím phải chuột vào các style khác như Heading 1, … rồi thiết lập các mục tương tự như trên theo ý người dùng.

Nhấn tiếp vào menu Tools > Outline Numbering rồi quy định kiểu đánh số các heading như đã nói ở phần trên.

Nhấn vào mũi tên bên phải ô Zoom ( ), chọn Optimal để quy định tỷ lệ phóng to văn bản trên màn hình.

Nhấn vào menu File > Printer Settings để thiết lập các thông số in ấn.

Nhấn chuột vào phần Footer ở cuối trang. Chèn vào đó các mã sau:

  • Gõ từ “Page” (hoặc Trang) rồi nhấn menu Insert > Fields > Page Number để chèn số thứ tự của trang. Gõ tiếp từ “of” (hoặc “của” hay “/”) rồi nhấn Insert > Fields > Page Count để chèn tổng số trang của văn bản.

  • Chuyển con trỏ sang bên trái cụm từ trên, nhấn Insert > Fields > Other. Trong màn hình xuất hiện, ở cột Type chọn File name, cột Format chọn Path/File name để chèn tên file kèm đường dẫn.

Cuối cùng nhấn vào menu File > Save as. Trong màn hình xuất hiện, đặt tên file, ví dụ “Bản mẫu văn bản”, mục File type chọn “ODF Text Document template (.ott)” rồi lưu file Bản mẫu văn bản.ott vào một thư mục nào đó.

Nhấn vào menu File > Template > Organize, màn hình sau xuất hiện:


Nhấn chuột vào My Templates ở cột bên trái, nhấn tiếp vào nút Commands > Import Templates rồi tìm mở file “Bản mẫu văn bản.ott” vừa tạo. Tên file sẽ xuất hiện ở cột trái như hình trên.

Nhấn chuột vào tên file “Bản mẫu văn bản.ott” ở cột trái, nhấn tiếp vào nút Commands > Set as Default Template để quy định bản mẫu đó là mặc định cho các văn bản mới sau này.

Template đã nhập được lưu vào /home/<username>/.ooo3/user/template.

Đóng Writer lại rồi mở ra, văn bản mới Untitled 1 (chưa có tên) sẽ mặc nhiên có tất cả những settings đã thiết lập ở trên cho template, không phải làm lại cho các lần sau.

Ví dụ, sau khi đã lưu file, phần Footer sẽ có dạng như sau:

Writer có rất nhiều template cho đủ loại văn bản, tải tự do từ Internet về dùng và sửa theo ý muốn. Ví dụ xem tại đây.

IV- Bổ xung tính năng (Extensions)

Cũng như Firefox, OpenOffice là phần mềm nguồn mở cho mọi người có thể viết các đoạn chương trình nhỏ bổ xung tính năng theo ý mình (extensions). Một số extensions nên dùng đã giới thiệu ở đâyở đây.

NEPOMUK – một cách tổ chức, chia sẻ dữ liệu mới.

NEPOMUK – một cách tổ chức, chia sẻ dữ liệu mới.

I. Hai vấn đề hiện tại

I.1-Tổ chức, quản lý và tìm kiếm dữ liệu cá nhân

Giả sử bạn đang thực hiện một công việc (task A) nào đó trên máy tính. Các dữ liệu liên quan đến công việc đó gồm có:

  • Các file văn bản, hình vẽ, ảnh, … được tập hợp trong một thư mục task A mở trong phần mềm Dolphin.

  • Các cá nhân có liên quan được tập hợp trong một Distribution List cũng có tên là task A trong sổ địa chỉ Contacts của phần mềm Kontact.

  • Các email trao đổi về công việc đó được tập hợp trong một thư mục task A của Inbox hoặc trong một thread có chung subject là task A của phần mềm KMail.

  • Các trang web liên quan được tập hợp trong một thư mục task A của Bookmarks của phần mềm Firefox.

  • v.v… và v.v…

Dữ liệu liên quan đến một công việc nằm rải rác trong nhiều format, nhiều ứng dụng và được tập hợp trong nhiều chỗ khác nhau.

Như vậy khó tìm kiếm, mất thì giờ và dữ liệu không có liên kết với nhau.

I.2-Tìm dữ liệu cho mình hoặc chia sẻ dữ liệu cho người khác

Những dữ liệu nói trên, ngoài tên file, subject của email hoặc địa chỉ trang web, có rất ít thông tin hiển thị ra ngoài. Ngay cả người tạo ra dữ liệu đó, nếu lâu ngày cũng không nhớ nội dung nó nói gì.

Vì vậy khi tìm kiếm mất rất nhiều thì giờ. Một trong những điển hình là khi Google Search theo các từ khóa nào đó mất nhiều công mở từng trang web trong kết quả tìm kiếm mới phát hiện được trang cần thiết.

Một trong những cách để khắc phục là có các công cụ để người tạo ra dữ liệu hoặc người đã dùng nó:

  • Ghi chú thêm thông tin (annotate – chú giải) về dữ liệu dưới dạng gán từ khóa (tag), comment hoặc note và các dạng thông tin khác nữa đi kèm với file.

  • Những thông tin thêm đó phải có nghĩa (semantic), đọc được và tìm kiếm được (queryable) bằng các công cụ tìm kiếm.

Ví dụ: một bức ảnh về Hồ Hoàn kiếm, khi chia sẻ lên mạng nếu được gán các tag “phong cảnh”, “Hà nội”, “Việt nam” v.v…, một người nước ngoài tìm ảnh theo các từ khóa trên sẽ nhận thấy ngay đây là cái mình cần trước khi mở ảnh ra xem. Nếu có người đã xem, cho một comment “ảnh đẹp” thì lại càng đáng mở ảnh. Rõ ràng như vậy tiện hơn nhiều khi chỉ có mỗi tên file “Hoan Kiem lake.jpg”.

Văn bản giấy khi xếp trong các cặp hồ sơ là tổ chức giống kiểu thư mục máy tính. Nhưng phần trích yếu V/v và các mẩu giấy notepad dán vào chính là một dạng ghi chú thêm như trên, có điều công cụ tìm kiếm là bằng mắt.

Việc ghi chú như trên tạo thuận lợi cho chính người lập ra dữ liệu và người được chia sẻ nhưng đòi hỏi phải thay đổi thói quen, mất thêm thì giờ khi lưu dữ liệu. Bản thân tôi khi viết blog cũng rất ngại phần tag.

II. Dự án NEPOMUK.

Một trong những tính năng mới được giới thiệu trong Mandriva 2010.0 là Smart Desktop mà theo lời hãng giới thiệu một cách ngắn gọn thì:

Máy tính của bạn sẽ thông minh hơn, hỗ trợ bạn trong công việc hàng ngày. Bạn có nhiều tài liệu, thư từ, dữ liệu, ảnh, video. Giờ bạn có thể tổ chức chúng theo các dự án (task) . Có thể ghi chú, bình luận, gán từ khóa chỉ bằng vài lần kích chuột.

Nhờ thế, dữ liệu sẽ luôn tìm được dễ hơn nhiều khi bạn cần đến chúng

Smart Desktop xây dựng trên nền tảng của NEPOMUK tên viết tắt của “ Networked Environment for Personalized, Ontology-based Management of Unified Knowledge” tạm dịch là “ Môi trường kết nối mạng quản lý kiến thức thống nhất trên cơ sở bản thể luận cá biệt hóa”. Nghe hơi triết và ù tai!

NEPOMUK là một dự án phần mềm nguồn mở hiện thời trị giá $17 triệu, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ $11,5 triệu. Như thế cũng đủ biết nó là một dự án lớn và quan trọng.


Hình 1: Logo của NEPOMUK

Mục tiêu của dự án là NEPOMUK xây dựng và triển khai một giải pháp toàn diện (gồm các phương pháp, các cấu trúc dữ liệu và một bộ công cụ) để hòa nhập máy tính cá nhân vào môi trường cộng tác, cải tiến việc cộng tác qua mạng, cải tiến việc quản lý dữ liệu cá nhân và tăng cường hiểu biết của con người bằng cách cung cấp và tổ chức thông tin do cá nhân và tập thể tạo ra.

Đại khái thì Nepomuk giúp cho việc quản lý và tìm kiếm dữ liệu cá nhân dễ hơn, đầy đủ hơn (khác cách quản lý theo file hiện thời) và dễ chia sẻ hơn qua mạng .

Giải pháp toàn diện nói ở trên được gọi là Social Semantic Desktop , khó mà dịch ra tiếng Việt một cách ngắn gọn dễ hiểu được. Nó gồm:

Về máy tính:

Mục tiêu của NEPOMUK là xây dựng các phương pháp, cấu trúc dữ liệu và các dịch vụ cần thiết để:

  • Ghi chú vào và link các thông tin bất kỳ, ở mọi loại file, trong mọi ứng dụng và trên mọi thiết bị lưu trữ trên máy tính

  • Biểu diễn rõ ràng và trực quan các suy nghĩ của người dùng và biến chúng thành thông tin có nghĩa. Sẽ dùng công nghệ wiki và tích hợp nó với cơ chế ghi chú.

  • Tích hợp việc tạo và xử lý nội dung với cách người dùng tổ chức công việc. Quan điểm chính là tích hợp phương pháp mô hình xử lý agile với việc tạo và tổ chức thông tin.

Ví dụ: một file ảnh thông thường chỉ có một thông tin có nghĩa và tìm kiếm được là tên file nhưng cũng rất không đầy đủ. Nepomuk sẽ cho phép người dùng bổ xung thêm (annotate) thông tin có nghĩa (semantic) và tìm kiếm được (queryable) vào ảnh đó.

Về mặt xã hội (social aspect)

Để đáp ứng việc kết nối và trao đổi với các máy tính khác, NEPOMUK sẽ xây dựng:

  • Các công cụ để xây dựng các quan hệ xã hội và trao đổi kiến thức hỗ trợ việc chia sẻ kiến thức trong một cộng đồng. Người dùng không chỉ trao đổi hồ sơ và các mẩu thông tin cô lập mà còn tất cả các thông tin liên hệ và sự đóng góp của cộng đồng vào đó.

  • Các kỹ thuật để tìm kiếm và lưu trữ thông tin nằm rải rác trên mạng, tập hợp thành kho lưu trữ thông tin chung cho cộng đồng.

Dự án này tương đối mới và còn đang trong giai đoạn phát triển. Mới có một phần các mục tiêu trên thực hiện được. Hiện nay, nó đã triển khai được bước đầu (tổ chức lại thông tin) trong KDE4 và trên Java.

GNOME cũng đang có một dự án kiểu này, dự kiến sẽ ra mắt trong GNOME3, trong đó có sự đóng góp ý tưởng của một bạn người Việt (Le Hoang Nhi), xem thêm ở đây .


III.Smart Desktop trong Mandriva 2010.0 KDE.

Mandriva 2010.0 KDE đã tích hợp NEPOMUK như một tính năng mới.

III.1-Cài đặt:

Mở Install & Remove Software, cài thêm soprano-plugin-redland, soprano-plugin-sesam2, gõ từ “ nepomuk” rồi chọn cài tất cả những gói chưa cài trong đó, trừ ba gói nepomuk-scribo-devel, libepomuk-contact4, libepomukpeopletag0 (hai gói sau bị lỗi không cài được nên phần contact chưa dùng được ở các mục dưới đây).

Mở Configure Your Desktop > Advanced > Desktop Search > Basic Settings rồi đánh dấu chọn hai mục Enable Nepomuk Semantic Desktop Enable Strigi Desktop File Indexer.

Chuyển sang tab Advanced Settings rồi thay đổi thư mục cần tìm kiếm (nếu cần). Mặc định là thư mục /home/<username> . Thư mục quy định ở đây là thư mục chứa dữ liệu hay tìm kiếm nhất (ví dụ My Documents) để trình tìm kiếm Strigi lập chỉ mục (index) trước, khi tìm sẽ nhanh.

Làm xong các bước trên, nhấn nút Apply, biểu tượng của Nepomuk sẽ xuất hiện trên panel và việc lập chỉ mục bắt đầu. Tùy theo dung lượng thư mục, thời gian lập chỉ mục có thể mất vài tiếng và máy sẽ hơi chậm.

Khi đã lập chỉ mục xong, mỗi lần có file mới hoặc file bị thay đổi, chỉ mục sẽ tự động cập nhật.

III.2-Siêu dữ liệu (metadata)

Mỗi dữ liệu (data: một file, một email, một trang web, v.v…) đều có thể có ba loại siêu dữ liệu (metadata) sau:

  • Metadata có sẵn đi kèm với file lưu trên ổ cứng: các thuộc tính (properties: tên file, đường dẫn, dung lượng, …), các từ khóa tag gán cho file audio, các mốc thời gian khởi tạo, truy cập và sửa, các đoạn text chỉ mục (index), … Các công cụ tìm kiếm như Beagle, Strigi có thể tách các metadata đó và lập chỉ mục được để tìm kiếm cho nhanh.

  • Metadata do người dùng tạo ra gán cho dữ liệu: comment hoặc note vào file hoặc email, gán từ khóa (tag), chấm điểm (Numeric rating) file.

  • Metadata không thuộc hai loại trên, ví dụ: đường link gốc của một file tải về từ Internet, kết nối của một file đính kèm theo email. Một khi những file trên đã lưu trên ổ cứng thì các kết nối trên bị mất, không thể biết file được tải về từ đâu hoặc nằm trong email nào.

NEPOMUK cung cấp các công cụ để tạo, quản lý, tìm kiếm các loại metadata đó.

Hiện nay một số chương trình cũng có công cụ để người dùng ghi chú (tag, note, comment) vào dữ liệu. Nhưng những ghi chú đó chỉ đọc và tìm kiếm được trong nội bộ một chương trình đó. Các ghi chú của Nepomuk có giá trị liên chương trình (cross-applications), có thể đọc và tìm kiếm được trên mọi phần mềm có tích hợp Nepomuk.

III.3-Tổ chức thông tin theo công việc (task):

Nhấn phím phải chuột vào Panel, chọn Panel Settings rồi chọn tiếp Add Widgets. Trong danh sách các widgets, chọn Task Management Widget rồi nhấn nút Add, các icon sau xuất hiện trên panel:

Nhấn vào icon bên trái để chạy chương trình Tasktop. Đây là bước đầu cho một cách tổ chức dữ liệu mới. Tasktop cho phép tập hợp tất cả các dữ liệu có liên quan với một Task về một mối.

Nhấn vào New Task để tạo Task. Sau đó nhấn vào các nút dấu cộng để gán các dữ liệu liên quan vào Task. Tuy nhiên, hiện chỉ có mỗi phần Files hoạt động được. Contact thì không do không cài được hai file đã nói ở trên. Email và Web Pages phải gán từ KMail và Konqueror (xem bên dưới).

Một Task có thể gồm nhiều Task con bên dưới.

Còn một cách tổ chức dữ liệu nữa là dựa trên Tag. Mọi dữ liệu được gán chung một Tag, khi dùng Nepomuk Search sẽ tập hợp chung lại một chỗ.

III.4-Tích hợp với trình duyệt file Dolphin:

III.4.1-Ghi chú thêm vào file:

Trong Dolphin, người dùng có thể thêm “ý kiến” của mình đối với mỗi file bằng ba loại metadata (xem hình bên, cột Infomation ở bên phải màn hình Dolphin):

  • Chấm điểm file (Numeric rating): nhấn vào các hình sao ở cột bên phải. Mỗi sao là 2 điểm. Kết quả hiện ở bên dưới, ví dụ ảnh trong hình có Numeric rating=9. Loại metadata này để người dùng đánh giá nội dung file.

  • Ghi chú (comments): file chưa có ghi chú thì bên dưới dãy sao có Add comment. Nhấn vào đó để thêm ghi chú tùy ý. Sau đó, nội dung ghi chú hiện lên bên dưới dãy sao như hình trên.

  • Gán từ khóa (tag) cho file: từ khóa ở đây là các từ khóa có liên quan đến file. Trong ví dụ trên, file được gán từ khóa “Ảnh màn hình” và “compiz”. Có thể nhấn vào Change Tags để thêm nhiều từ khóa nữa hoặc xóa bớt.

Khi nhấn chuột phải vào một file, chọn tiếp Actions trong menu con, sẽ có ba mục mới trong menu kế tiếp:


  • Associate to task:
    gán file vào một công việc. Chi tiết xem bên dưới.

  • Annotate: Ghi chú vào file. Đây là lệnh cao cấp có rất nhiều kiểu trường ghi chú ngoài comment và tag nói trên.

  • Run semantic analysis: tìm các thông tin có nghĩa bên ngoài nội dung file.

III.4.2-Tập hợp dữ liệu theo tag:


Nhấn Ctrl+L để chuyển thanh địa chỉ của Dolphin sang dạng edit được. Gõ vào đó lệnh tìm kiếm như trên hình. Kết quả bên dưới là hai file có tag compiz.

III.5-Tích hợp với Kontacts

Mỗi email trong KMail có thể gán tag, comment và liên kết với một task được. Mỗi địa chỉ trong Contacts cũng vậy (nhưng hiện chưa làm được vì các file tương ứng bị lỗi chưa cài được như nói ở trên).

III.6-Tích hợp với trình duyệt web Konqueror

Mỗi trang web mở trong Konqueror, khi nhấn chuột phải sẽ xuất hiện các menu sau:


Theo menu trên, với mỗi trang web có thể (cũng tương tự như với file):

  • Rate this page: chấm điểm (numeric rating) như với file đã nói ở trên.

  • Tag this page: gán từ khóa vào trang.

  • Associate to task: liên kết trang vào một công việc.

Ngay trên toolbar cũng có hai nút lệnh liên quan đến Nepomuk.

Trình duyệt Firefox và trình thư điện tử Thunderbird cũng có một extension là nepomuk-mozilla nhưng hiện chưa tương thích với Firefox 3.5

III.7-Tìm kiếm bằng Nepomuk + Strigi

Strigi là trình tìm kiếm mặc định trong KDE4 được tích hợp vào trình duyệt file Dolphin (không có lệnh chạy riêng). Hiện tại, strigi được tích hợp với Nepomuk, lập chỉ mục và tìm kiếm được trên:

  • Tên file và trong nội dung file (ODF hoặc Microsoft Office). Tìm được cả các từ tiếng Việt unicode bên trong file.

  • Các comment hoặc tag của file. Tìm được các từ tiếng Việt trong comment nhưng không tìm được các tag tiếng Việt.

  • Không tìm được trong Kmail.

  • Ví dụ một lệnh tìm trong nội dung file (xem hình dưới).


Gõ từ “thú chơi” vào ô Search ở bên phải toolbar như trong hình. Kết quả tìm được file “Cac dai cong ty va phan mem nguon mo.doc”.

Còn một phần mềm tìm kiếm nữa là KFind (trong Dolphin: Tools > Find Files). KFind có nhiều options tìm hơn Strigi (tìm theo ngày tháng, dung lượng file v.v..) và tìm được từ tiếng Việt bên trong các file ODF, nhưng không tìm được trong các file Microsoft Office. KFind không có liên hệ gì với Nepomuk.

III.8-Nepomuk Shell

Nepomuk Shell là một chương trình tổng hợp quản lý mọi thứ có trong Nepomuk. Chạy nó từ Run Command với lệnh nepomukshell.

IV. Kết luận

Nepomuk là một dự án lớn, đầy tham vọng hiện mới thực hiện được một phần. Mandriva có lẽ là bản Linux đầu tiên tích hợp nó vào ở mức độ đáng kể như trình bày ở trên (Các bản Linux KDE khác chắc cũng có thể cài bổ xung Nepomuk nếu chưa có). Tuy nhiên vì là bước đầu nên các tiện ích còn chưa hoàn thiện, giao diện chưa thân thiện, dễ dùng, nhiều khái niệm khá mới và phức tạp với người dùng bình thường.

Nhưng triển vọng thì rất sáng sủa. Chúng ta cùng chờ xem.

Cơ sở dữ liệu nguồn mở trong thực tế.

EnterpriseDB says open source database saves big bucks

zxc232 lược dịch

(Tôi giới thiệu bài này để thấy trong thực tế cơ sở dữ liệu nguồn mở đã và đang được ứng dụng trong kinh doanh. Các thông tin về tính năng trong bài là lời quảng cáo của hãng bán sản phẩm, bạn đọc tự đánh giá – ND)

Nhờ chuyển từ cơ sở dữ liệu nguồn đóng sang cơ sở dữ liệu nguồn mở, các công ty bán hoa online FTD và công ty Sony Online Entertainment đã tiết kiệm được một số tiền lớn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu kinh doanh.

Trong hội nghị Red Hat Summit, Tổng giám đốc của công ty cơ sở dữ liệu nguồn mở EnterpriseDB, Ed Boyajian, đã nhắc đến hai công ty nói trên như ví dụ chuyển đổi thành công từ phần mềm cơ sở dữ liệu Oracle sang phần mềm cơ sở dữ liệu Postgres của EnterpriseDB (các khách hàng khác xem ở đây). Postgres dựa trên PostgreSQL, một trong hai phần mềm cơ sở dữ liệu nguồn mở nổi tiếng nhất hiện nay. EnterpriseDB đã giúp hai khách hàng trên xây dựng hạ tấng IT với chi phí rất thấp.

Boyajian cho rằng “Cơ sở dữ liệu là lĩnh vực chuyển sang phần mềm nguồn mở rất hấp dẫn và có thể là công nghệ nguồn mở đột phá nhất trong 5 năm tới. Công nghệ Thông tin đang đối mặt với thách thức: nhu cầu xử lý càng ngày càng tăng nhưng ngân sách dành cho IT lại không tăng hoặc giảm. Đó là một vấn đề kinh tế cơ bản nhưng cũng là một động lực lớn cho việc đổi mới trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Ngược lại, cơ sở dữ liệu Oracle đang là một “con bò vắt tiền” của khách hàng, trói chặt khách hàng vì không thể tách các phần mềm ứng dụng khỏi cơ sở dữ liệu.”

Cơ hội của cơ sở dữ liệu nguồn mở.

Vẫn theo Boyajian, mặc dù MySQL vẫn là cơ sở dữ liệu nguồn mở phổ biến nhất, Postgres của EnterpriseDB mạnh hơn và nhanh hơn. Ví dụ hãng FTD đã dùng Postgres Plus để tạo một cơ sở dữ liệu riêng, tách khỏi Oracle và tiết kiệm được hàng trăm nghìn đôla, tốc độ tăng 400%, thời gian chuyển đổi mất sáu tuần.

Sony Online Entertainment, một khách hàng cũ của Oracle, đã tung ra trò chơi Free Realms chạy trên cơ sở dữ liệu Postgres Plus. Sau khi đã tiết kiệm được 80% chi phí cơ sở dữ liệu cho trò chơi mới, hãng quyết định từ nay sẽ dùng Postgres Plus cho các trò chơi trong tương lai.

Ngoài ra, một hãng viễn thông hàng đầu đang chuyển vài trăm hệ phần mềm từ Oracle sang Postgres, bắt đầu từ hệ quản lý nhân sự và bán hàng, tiếp theo là thanh toán và quản lý thiết bị trong hai ba năm tới. Hãng dự kiến sẽ tiết kiệm được 90 triệu đôla.

Các ví dụ nói trên đã gây ấn tượng cho Craig Bogovich, nhà kiến trúc hệ thống của công ty Pilgrim Health Care. Bogovich cho biết công ty bảo hiểm y tế của ông “đang tích cực tìm kiếm các giải pháp phần mềm nguồn mở để tiết kiệm chi phí” và có lẽ sẽ xem xét EnterpriseDB. “Chúng tôi đang rất hài lòng với hệ điều hành Linux Red Hat chạy trên các máy chủ thương mại và đã tích cực từ bỏ các máy chủ HP_UX với bộ xử lý RISC từ năm 2004. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là chọn các ứng dụng của bên thứ ba. Chúng tôi yêu cầu dứt khoát là các ứng dụng đó phải được xác nhận là chạy tốt trên cơ sở dữ liệu được chọn. ”

Boyajian nêu ra các con số để chứng minh số tiền tiết kiệm thực tế khi dùng PostgreSQL so với các phần mềm cơ sở dữ liệu nguồn đóng. Bản PostgreSQL Enterprise miễn phí, trong khi phần mềm cơ sở dữ liệu DB2 của IBM chi phí ban đầu là 582.400 USD cho giấy phép sử dụng 3 năm trên 8 máy chủ, còn cơ sở dữ liệu Oracle thì mất 760.000 USD. Chi phí bảo trì hàng năm của 8 máy chủ đó là 215.760 USD đối với EnterpriseDB, 349.440 USD đối với IBM và 501.600 đối với Oracle.

(Các hệ thống lớn trước đây thường dùng các máy chủ đặc chủng đắt tiền chạy hệ điều hành Unix. Các hệ điều hành Linux có thể chạy trên các máy chủ thương mại phổ thông – commodity server – với chi phí rẻ hơn nhiều mà vẫn đáp ứng được yêu cầu. Một hãng bảo hiểm y tế mà dùng tới máy chủ hàng khủng như HP_UX, 128 processor cores là một điều mới mẻ ở Việt nam, chứng tỏ nhu cầu IT thực sự phải như thế nào – ND)

“Mỗi công ty công nghệ lớn đều có những cái riêng làm cho khó mà tách ra khỏi họ” Boyajian nói ” Cái riêng của phần mềm nguồn mở là cho bạn sự tự do, trao lại quyền kiểm soát cho khách hàng”

Lấp khoảng cách về tính năng
Nhưng sự tự do cũng đi kèm với những thỏa hiệp về tính năng mà các cơ sở dữ liệu nguồn mở còn chưa vượt qua được. Craig Mullins, phó chủ tịch chiến lược dữ liệu của Neon Enterprise Software nói rằng các công ty cơ sở dữ liệu nguồn mở như EnterpriseDB đã lấp được các khoảng cách về các chức năng của cơ sở dữ liệu (database functionality) so với các phần mềm nguồn đóng nhưng còn thua về các công cụ quản trị, thay đổi cơ sở dữ liệu, công cụ sao lưu và khôi phục, những công cụ mà các hãng lớn phải mất nhiều năm mới xây dựng được.

EnterpriseDB đã làm được một việc rất hay là làm cho PostgreSQL có thể chạy các ứng dụng Oracle, do đó đơn giản hóa được quá trình phát triển và bảo trì phần mềm ứng dụng, nhưng việc thiếu các công cụ có thểlàm cơ sở dữ liệu và ứng dụng khó đáp ứng các yêu cầu về tính năng trong các hợp đồng dịch vụ, Mullins cho biết.

Boyajian cho rằng việc phát triển phần mềm nguồn mở PostgreSQL đã hơn 20 năm trong trường đại học Berkeley, có đội ngũ các nhà phát triển tích cực nên bảo đảm chất lượng tốt hơn là các phần mềm nguồn đóng . Do bản chất phát triển cộng đồng, Postgres hiện thiếu sự thúc đẩy thương mại  mà EnterpriseDB đang cố gắng làm điều đó. EnterpriseDB là một liên doanh giữa IBM và Sony mới thành lập được 5 năm, có được hàng trăm khách hàng và doanh số tăng gấp đôi hàng năm nhưng vẫn chưa có lãi.

Chăm sóc ổ cứng trong Linux

1- Xem thông tin ổ cứng:
Dùng quyền root chạy lệnh lshw trong terminal cho thông tin đầy đủ nhất: trong máy có bao nhiêu ổ, thông số từng cái, mỗi ổ có bao nhiêu patition (trong lệnh này, các partition được gọi là volume), … Tuy nhiên, giao diện dòng lệnh hơi khó xem.
Trong Mandriva Control Center có phần Hardware, nhưng thông tin về ổ cứng không chi tiết đến mức từng partition như lệnh lshw. Phải vào mục Local disk mới có thông tin chi tiết về các partition dưới dạng đồ họa, trực quan.
Trong Ubuntu có thể cài gparted ( chạy từ Administration → Partition Manager) để xem thông tin về các partition.(và làm các việc khác nữa xem phần dưới)

Ký hiệu hay dùng nhất của các partition thường là /dev/sda1, /dev/sda2, …. Nếu có một ổ cứng thứ hai thì các partition trên đó là /dev/sdb1, ….
2- Tạo mới, xóa, sửa dung lượng, di chuyển, format các partition:
Trong Mandriva có sẵn công cụ để làm các việc trên (Mandriva Control Center -> Local disk). Tuy nhiên, công cụ đầy đủ và mạnh nhất để làm các việc trên là gparted (cài được cả trong GNOME và KDE). Có những việc (format, move partition, …) Mandriva Control Center không làm được nhưng gparted làm được. Linux Mint có cài sẵn gparted, Ubuntu hình như là không, phải tự cài.
Trong Linux cũng có các lệnh fdisksfdisk như của DOS nhưng không thật thành thạo thì không nên dùng.
3- Mount và umount các partition:
Mandriva Control Center -> Local disk cho phép xem các partion đã mount vào thư mục nào, thay đổi thư mục mount, mount tạm thời để xem nội dung (không ghi vào file fstab), mount tự động khi khởi động máy tính (ghi thành lệnh vào file /etc/fstab). Tóm lại là đầy đủ cho việc mount, umount các partition.
Ubuntu không có công cụ tương tự. Gparted có thể umount nhưng không mount được. Tuy nhiên có thể cài phần mềm pysdm (có trong kho phần mềm) để quản lý việc mount và umount (ghi được vào file fstab) tuy không trực quan bằng Mandriva. Sau khi cài, phần mềm này xuất hiện trong nhóm menu Administration với tên là Storage Device Manager.
CHÚ Ý: các partition Windows (ntfs, fat?) khi chạy trong Windows không shutdown mềm (mất điện bất thình lình, tắt máy cưỡng bức bằng cách giữ nút Power) sẽ bị đánh dấu là “dirty”, Linux sẽ không mount các partition dirty đó. Vì vậy:

  • Nếu chạy chung Windows và Linux trên một máy, khi thấy hiện tượng Linux không mount được các partition Windows thì phải khởi động lại Windows, rồi shutdown mềm (bằng lệnh shutdown trong menu). Sau đó khởi động vào Linux mới mount được.
  • Nếu dùng ổ cứng ngoài format NTFS nối vào Windows cũng phải shutdown mềm rồi mới tháo ổ. Nếu không, cắm ổ đó sang Linux sẽ không mount được.

4- Kiểm tra và theo dõi sức khỏe ổ bằng SMART.
Công nghệ S.M.A.R.T (Self-Monitoring, Analysis, and Reporting Technology – tự theo dõi, phân tích và báo cáo) là công nghệ theo dõi khoảng vài chục chỉ số để dự đoán trước các hư hỏng vật lý có thể có của ổ cứng. Các ổ cứng hiện nay đều hỗ trợ công nghệ này và để sử dụng trước hết nó phải được kích hoạt từ BIOS Setup.
Phần mềm Linux hỗ trợ công nghệ này là GsmartControl cài từ kho phần mềm hoặc tải về từ đây. Trước đó cần cài các gói phần mềm smartmontools có trong kho phần mềm. Vì smartmontools gửi các cảnh báo đi bằng email nên khi cài, nó yêu cầu cài thêm một số phần mềm gửi email như mailx, postfix (chỉ một cũng đủ không hiểu sao lại yêu cầu cài cả ba).

smartcontrol

GsmartControl cho phép kích hoạt SMART, test ổ cứng theo hai chế độ: Short self-test và Extended self-test, đưa ra báo cáo chi tiết.
Muốn chạy trình thường trú (daemon) để theo dõi ổ xem ở đây.

5- Kiểm tra, sửa lỗi “phần mềm” của ổ cứng.

SMART nói ở trên theo dõi các lỗi vật lý của ổ cứng. Các lỗi thuộc về phần mềm (boot sector, master boot record, bảng partition, …) dùng các công cụ khác để kiểm tra và khắc phục.
Kiểm tra tính tương thích của hệ thống file:
Trong Windows có các lệnh scandiskchkdsk để kiểm tra lỗi không tương thích của hệ thống file trên ổ cứng. Lệnh tương tự trong Linux là fsck (file system check).
fsck được đặt lịch tự động chạy kiểm tra các partition sau 25-30 lần mount (thường là bằng với số lần khởi động máy tính). Vì vậy thỉnh thoảng ta thấy Linux khởi động lâu hơn thường lệ là do fsck đang làm việc.
Khi Linux khởi động, nếu nó nghi ngờ partition nào có vấn đề, fsck cũng được tự động chạy để kiểm tra.
Người dùng có thể chạy fsck để kiểm tra như sau:

  • Khởi động máy tính bằng một đĩa cài Linux có chế độ Live CD (bản Linux nào cũng được, không nhất thiết phải cùng với bản đang cài trên ổ cứng).
  • Trong chế độ chạy Linux Live CD, mở terminal rồi chạy lệnh
    fsck -y -p -c /dev/sda3
    trong đó /dev/sda3 là partition cần kiểm tra (hoặc sda2, sda5, … tùy theo tình hình cụ thể của ổ cứng), -y là đồng ý với mọi câu hỏi mà lệnh có thể hỏi, -p: tự động sửa lỗi, -c: kiểm tra và đánh dấu các bad blocks. Còn nhiều option khác, gõ lệnh man fsck để xem.

Cập nhật: cũng có thể kiểm tra bằng trình gparted. Mở gparted, nhấn phím phải chuột vào partition cần kiểm tra (nếu partition đang mount thì umount trước) rồi chọn Check. Nếu cần kiểm tra partition cài Linux (đã mount vào /) thì boot máy bằng đĩa Linux có gparted, chạy gparted rồi kiểm tra.

Chú ý: không được kiểm tra các partition đang mount, hỏng dữ liệu.

Kiểm tra, sửa chữa các thứ khác:

  • Chữa bảng partitions bị hỏng, khôi phục các partitions bị mất.
  • Khôi phục lại boot sector của FAT32/NTFS từ bản backup.
  • Tạo lại (rebuild) boot sector FAT12/FAT16/FAT32/NTFS.
  • Chữa bảng FAT bị hỏng.
  • Chữa Master File Table (MFT) từ bản mirror.
  • Tìm các SuperBlock backup của ext2/ext3.
  • Khôi phục các file bị xoá ở các partitions FAT, NTFS và ext2.
  • Copy file từ các partitions FAT, NTFS, ext2/ext3 đã bị xoá.

dùng công cụ teskdisk như đã giới thiệu ở đây.

Undelete file đã xóa trong ext3

Có người thì khẳng định là hệ thống file ext3 không undelete được, người thì lại nói được.

Có một dự án đang xây dựng một công cụ undelete cho hệ thống file ext3 là ext3grep nhưng cách làm khá phức tạp, xem chi tiết tại đây.

Một công cụ khác (R-Linux) để undelete các file ext2/ext3/ext4 nhưng chạy trên Windows xem tại đây.  là một phần mềm khác chạy trên Windows cũng khôi phục được các file ext2/ext3/ext4 bị xóa.

Các công cụ này tôi cũng chưa dùng bao giờ.

Khôi phục boot menu bị mất (ví dụ sau khi cài lại Windows) theo cách đã nêu ở đây.

Tự động đổi ảnh nền màn hình trong GNOME

Trong KDE đã có sẵn các chế độ ảnh nền màn hình (wallpaper): a/ Ảnh tĩnh (chỉ chọn một ảnh cố định), b/Ảnh động dưới dạng slideshow (tự động thay ảnh trong các thư mục chọn trước sau một khoảng thời gian nào đó). Nhấn phím phải chuột vào desktop, chọn Desktop Settings để đặt các chế độ trên. KDE 4.2 trở xuống có thời gian tối thiểu thay ảnh là 1 phút, KDE 4.3 cho phép chọn nhỏ hơn đến mức giây.

Trong GNOME, mặc định chỉ có chế độ ảnh tĩnh: nhấn phím phải chuột vào desktop, chọn Change Desktop Background rồi chọn ảnh. Tuy nhiên có thể cài thêm một trong hai phần mềm sau (có sẵn trong kho phần mềm) để chạy ảnh theo chế độ slideshow:

  • Drapes: sau khi cài, chạy từ dòng lệnh hoặc menu, một icon hình màn hình sẽ xuất hiện trên System Tray của panel. Nhấn phim phải chuột vào đó, rồi nhấn Preferences để đặt các settings: cho tự khởi động cùng máy tính, chọn khoảng thời gian thay ảnh (min là 5 phút), chọn thư mục có ảnh. Nhược điểm là thông số min=5 phút nói trên, hơi lâu. Nếu muốn chủ động đổi ảnh thì nhấn chuột vào biểu tượng nói trên.
  • Wallpaper-tray: sau khi cài, nhấn phím phải chuột vào panel, chọn add to panel rồi tìm wallpaper tray trong danh sách để add, biểu tượng sẽ xuất hiện trên panel. Công cụ này cho phép add các folder chứa ảnh nền tiện hơn cái trên và thời gian chuyển ảnh ngắn hơn (min=1phút, thậm chí có thể đặt min=0,5 phút chẳng hạn). Nhược điểm là sau khi đặt các settings rồi, nhiều khi không thể gọi lại màn hình để sửa và cũng không biết file cấu hình nằm đâu. Tôi chót đặt min=0,1 phút, ảnh thay rất nhanh nhưng tốn CPU mà không tim được cách nào để chỉnh lại.

Yahoo Messenger for Linux và các kiểu chat khác (udapted 12/9/09)

Yahoo Messenger có khá đông người dùng và phổ biến ở Việt nam. Khởi đầu chỉ có text chat, nay Yahoo Messenger đã có cả video\voice chat, tương tự như Skype.
Trên Linux có bản Yahoo Messenger for Linux 1.0.4 từ năm 2005 khá cũ và hình như đã ngừng phát triển. Tuy nhiên để dùng Yahoo Messenger trên Linux có nhiều cách.
Gyachi
Gyachi là bản Yahoo Messenger for Linux do cộng đồng nguồn mở phát triển. Nhánh hiện nay phát triển nhất của Gyachi là GYachE Improved (tên gói phần mềm vẫn là gyachi), phiên bản mới nhất là 1.2.2 ra ngày 22/7/2009.
Trong kho phần mềm của Linux Mint, phiên bản mới nhất là gyachi 1.2.1.. Trong kho của Ubuntu 9.04 không có phần mềm này. Bản cài đặt gyachi 1.2.2 tải về tại đây (cũng dùng cho Linux Mint). Mandriva có bản cũ hơn là 1.1.59.
Sau khi cài, tên phần mềm GYachE Improved xuất hiện trong menu ở mục Internet. Màn hình như sau:

GyachiTính năng khá đầy đủ, Options phong phú như trong hình. Hỗ trợ cả video/voice chat. Nhược điểm là giao diện không đẹp.

Kopete và Pidgin
Kopete và Pidgin là hai phần mềm instant messenger phổ biến trên Linux. Kopete viết cho KDE, Pidgin cho GNOME nhưng cài sang môi trường khác vẫn dùng được. Ngoài Yahoo Messenger, hai phần mềm này còn dùng chat được trên khoảng một tá dịch vụ khác (MSN, Google Talk, ICQ, IRC, v.v…).
Pidgin hiện tại chỉ hỗ trợ text chat, không có video/voice chat.
Kopete có video/voice chat, màn hình đẹp nhưng hiện tại bản Kopete 0.70.90 for KDE 4.3.1 cũng gặp lỗi không nhận biết được các nick Yahoo khác đang online, do đó không chat được. Theo các thông tin trên mạng, gần đây Yahoo có thay đổi gì đó trong protocol đăng nhập mà Kopete chưa kịp sửa.

CẬP NHẬT (12/9/09): Sửa lỗi nói trên của Kopete: máy chủ mặc định scs.msg.yahoo.com có lỗi kết nối. Sửa như sau: vào Settings > Configure > Accounts , nhấn chọn account Yahoo rồi nhấn nút Modify. Trong màn hình con, chọn tab Account Preferences, đánh dấu chọn mục Override default server information rồi khai lại địa chỉ máy chủ là một trong ba địa chỉ sau:

(1) cs101.msg.mud.yahoo.com
(2) cs102.msg.mud.yahoo.com
(3) cn.scs.msg.yahoo.com

Tôi dùng địa chỉ thứ ba thì kết nối tốt, các Friends đều nhận được.

Skype for Linux (cập nhật 29/9/09)

Skype là dịch vụ điện thoại Internet miễn phí phổ biến nhất hiện nay. Thường xuyên trên mạng này có khoảng 10 triệu người online
Skype có bản cài cho Linux, tải về tại đây. (cho Debian, Ubuntu, Fedora và OpenSUSE). Riêng bản cài cho Mandriva tải về tại đây hoặc tại đây, bản này được convert từ bản dành cho Ubuntu 8.10 và cài tốt trên Mandriva 2009. Theo kinh nghiệm của tôi, các phần mềm nhỏ dùng alien convert từ bản dùng cho Ubuntu (deb sang rpm) thường cài được trên Mandriva, trong khi các bản rpm dùng cho Red Hat lại không cài được.
Bản mới nhất là Skype 2.1 beta có một tính năng mới thuận tiện cho chạy trên Linux là hỗ trợ Pulse Audio, soud server hiện được dùng phổ biến trong các bản Linux, do đó phần âm thanh không phải cấu hình. Các phiên bản Skype trước 2.1 có thể hơi rắc rối khi cấu hình âm.

Dịch vụ cơ bản của Skype là gọi miễn phí điện thoại qua Internet + chat giữa hai máy tính và hai người có account đăng ký với Skype. Nếu có webcam, hai bên có thể nhìn thấy nhau.

snapshot1(Nhấn vào hình để xem bản lớn hơn)

Phần cấu hình và test sound, video nằm trong màn hình Options như trong hình trên. Không có wizard hướng dẫn test như bản Skype for Windows nhưng cũng không cần thiết. Webcam hiện được hỗ trợ khá tốt trong Linux nhưng cũng có thể gặp trục trặc. Tôi đã thử, webcam Tako 10 thì Skype nhận tốt, nhưng Tako 01 thì không. Kể cả webcam hàng hiệu Logitec, đôi khi cũng phải cắm đi cắm lại.
Chất lượng tiếng và hình phụ thuộc vào chất lượng đường truyền Internet. Nếu đường truyền tốt, tiếng và hình chấp nhận được tuy có hơi trễ và đôi lúc ngắt đoạn.
Các dịch vụ trả phí của Skype: gọi tới điện thoại di động, cố định và ngược lại, gửi tin nhắn SMS, voice mail, chuyển tiếp cuộc gọi, v.v…
Skype có cả bản cài trên các mobile phone nhưng tôi chưa thử. Hai mobile phone cài Skype có thể gọi quốc tế cho nhau (?) với cước Internet nội.
Với những tính năng trên, Skype hiện là kẻ thù của các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và di động.
Ngoài Skype, còn có EkigaLinphone cũng là phần mềm điện thoại trên Internet (VoIP) + chat có video.
Ekiga mặc dù viết cho GNOME nhưng được cài sẵn trên Mandriva KDE và các bản Linux khác. Tính năng tương tự Skype, chỉ có chất lượng chưa thử nên không rõ. Nhược điểm thấy ngay là Ekiga chỉ chạy được trên Linux, không có bản chạy trên Windows. Ekiga for Windows tải về tại đây. Cách cài đặt xem tại đây.
Linphone cũng như Ekiga, dựa trên giao thức SIP (Session Initiation Protocol ), một chuẩn mở về thoại trên Internet. Linphone chạy được trên Linux và Windows XP. Linphone có trong các kho phần mềm của Ubuntu, Mandriva, Linux Mint, … cài đặt dễ dàng.
Cũng như Skype, phần dịch vụ cơ bản (thoại + chat giữa hai máy tính) là miễn phí. Người sử dụng cần có một account SIP đăng ký (miễn phí) với một dịch vụ nào đó. Địa chỉ để gọi có dạng (ví dụ) sip:zxc232@ekiga.net.
Nếu hay gọi điện thoại qua Internet, ngoài Skype có thêm Ekiga hoặc Linphone để dự phòng cũng không phải là thừa.

Ảnh màn hình này có gì lạ?

Cái màn hình này hơi khác thường.Nếu bạn không nhận ra thì xem tiếp phần dưới

session-gimp-word

Thanh tiêu đề trên cùng cho biết đây là màn hình trình duyệt web Mozilla Firefox. Nhìn cái màu nâu là biết Firefox đang chạy trên Ubuntu.

Bên trong trình duyệt có hai cửa sổ: một cửa sổ của Microsoft Word và một của GIMP, trình xử lý ảnh nguồn mở chạy trên Linux (tương tự Photoshop). Một ứng dụng Windows và một ứng dụng Linux cùng chạy và lại chạy trong trình duyệt web!

Màn hình nền thì giống màn hình nền của một bản Linux nào đó. Nhưng cũng lại nằm trong trình duyệt web!

Đây là một công nghệ mới của hãng Ulteo (ulteo.com) gọi là Open Virtual Desktop (OVD) technology. Đại thể thì công nghệ đó thế này:

  • Trong mạng có các máy chủ ứng dụng (application server) Windows và Linux riêng biệt. Trên mỗi máy chủ đó chạy các ứng dụng cần thiết (MS Office và GIMP như trong ví dụ trên) trên nền Windows server hoặc Linux server.
  • Dùng một máy chủ Linux chạy OVD Session Manager kết nối với các máy chủ ứng dụng nói trên.
  • Các máy trạm dùng trình duyệt web truy cập vào máy OVD Session Manager để khởi tạo một phiên làm việc (session). Trên trình duyệt sẽ xuất hiện màn hình desktop của một máy trạm ảo (virtual desktop) có tất cả các ứng dụng Windows và Linux đang chạy trên các máy chủ ứng dụng. Khi chạy MS Word thì màn hình Word mở ra, Word thực tế chạy trên máy chủ, thông qua Terminal Service của Windows server để cấp giao diện Word đến trình duyệt. Máy chủ OVD Session Manager làm nhiệm vụ đầu mối trung gian để các máy trạm giao tiếp với các máy chủ ứng dụng.
  • Như vậy các máy trạm chỉ cần cài trình duyệt, không cần cài ứng dụng. Máy trạm có thể cài bất cứ hệ điều hành nào (Windows, Mac, Linux, …) miễn là có một trình duyệt web hỗ trợ java.
  • Tóm lại cũng tương tự khi dùng trình duyệt web để soạn văn bản bằng Google Docs hoặc Zoho Writer từ các máy chủ Internet. Điểm khác biệt là các máy chủ ở đây nằm trong mạng LAN (và cả WAN). Tức là một dạng điện toán đám mây, phần mềm như dịch vụ (SaaS) nhưng ở trong mạng LAN (WAN). Chắc cũng dùng được cả trên Internet.

ulteo-scheme-web

Nhận xét sơ bộ (chưa thử) thì công nghệ này có mấy ưu điểm:

  • Web-base hóa ứng dụng đã có nhưng thực tế lại không phải sửa ứng dụng. Điều này rất tiện cho các đơn vị đã có các ứng dụng Windows, nay muốn chuyển desktop sạng dùng Linux.
  • Không rõ chế độ bán giấy phép sử dụng các phần mềm bản quyền cho trường hợp này tính thế nào. Nếu vẫn tính là cài cho một máy (chủ) thì người dùng lợi to.
  • Các máy trạm chỉ cần chạy được trình duyệt có hỗ trợ Java. Máy cũ và yếu chắc là vẫn xử lý ảnh được vì GIMP (hoặc Photoshop) chạy trên máy chủ.
  • Sướng nhất là các phòng tin học. Khỏi lo cài cắm ứng dụng, quét virus, backup dữ liệu trên máy trạm, chỉ tập trung chăm sóc mấy cái máy chủ. Tuy nhiên như đã nói trong bài “Điện toán đám mây”,  điều này có thể dẫn đến thất nghiệp, giảm biên vô khối “cử nhân tin học” đang làm nhiệm vụ chăm sóc cả đống máy trạm.

Peazip – một trình nén và giải nén hay

Hay bởi vì peazip không chỉ nén và giải nén được vô số loại file mà còn có nhiều tính năng khác.

peazip1Nén và giải nén được các loại file:

Giải nén được các loại file:

ACE, ARJ, CAB, CHM, COMPOUND (MSI, DOC, XLS, PPT), CPIO, ISO, Java (JAR, EAR, WAR), Linux (DEB, PET/PUP, RPM, SLP), LHA/LZH, LZMA, Mac (DMG/HFS), NSIS, Open Office files, PAK/PK3/PK4, RAR, SMZIP, U3P, UDF, VHD, WIM, XAR, XPI, XZ, Z/TZ

Tổng cộng hỗ trợ 87 kiểu file nén khác nhau.

Tạo được file nén tự giải (self-extracting).

Tạo và giải nén nhiều file cùng một lúc.

Có các bản cài (installable) chạy được trên Windows 32, 64 bit và trên Linux. Có cả bản không cần cài (portable) để chạy trên usb, … Giao diện trong mọi trường hợp trên đều giống nhau.

Có một số tính năng xử lý file (hình dưới)

  • peazip2Chia một file lớn thành nhiều phần hoặc nối các phần đã chia thành một file (Splite/Join files).
  • So sánh các file với nhau (Compare files)
  • Tạo số kiểm tra file (Checksum/hash files)
  • Xóa vĩnh viễn file, không undelete, recovery được (Secure delete)

Bảo mật file nén bằng password, mã hóa nội dung file bằng password hoặc bằng cả password và key file (có chức năng tạo password ngẫu nhiên).

Trang chủ và download tại đây. Có tài liệu hướng dẫn sử dụng chi tiết (pdf).

Nhược điểm:

Khi cài xong, nhấn phím phải chuột vào một file nén, các menu cũ (Extract Here, Extract To…) bị mất, thay vào là các lệnh của Peazip. Khi nhấn phím phải chuột vào một file nén của Linux dạng tar.gz hoặc tar.bz rồi chọn Extract here (Peazip) thì không giải nén hết ngay: đầu tiên giải nén thành file tar, sau đó phải Extract here lần nữa mới thành các file gốc.

Lâu ngày không dùng Winzip, không nhớ các tính năng để so sánh. Tuy nhiên có một ưu điểm: Peazip là phần mềm nguồn mở nên cài vô tư lên Windows, không cần crack như Winzip.

Hai kiểu link giữa các file OpenOffice Calc

Giả sử ta có một file bảng tính gốc test2.odt với các ô từ B2-B5 có dữ liệu như sau:

test2Ta muốn copy các dữ liệu này sang một bảng tính khác test1.odt sao cho khi các dữ liệu trong hình trên ở file test2 thay đổi thì các dữ liệu tương ứng ở test1 cũng thay đổi.

Cũng giống như trong Excel, có hai cách làm:

Cách 1: Mở cả hai file, trong file test1, đánh dấu = vào ô đầu tiên muốn copy rồi chuyển sang file test2 nhấn vào ô B1 rồi Enter. Quay về test1, ô đầu tiên đã được copy, rê chuột kéo xuống các ô dưới, màn hình như sau:

test3Chú ý thanh công thức, công thức link ở đây là =’file:///home/zxc/test2.ods’#$Sheet1.B2

Cách 2: Mở cả hai file. Trong file test2, bôi đen các ô định copy rồi nhấn nút Copy trên toolbar. Chuyển sang file test1, nhấn chuột vào ô đầu tiên định copy rồi nhấn menu Edit -> Paste Special. Trong màn hình xuất hiện  đánh dấu chọn mục Link rồi OK. Màn hình như sau:

test4Chú ý thanh công thức, công thức khác với cách trên.

Đặc điểm:

Trong màn hình của file test1, nhấn vào menu Edit -> Links ta có:

test5Trong màn hình trên có hai link. Link thứ nhất có Type=Document và Status=Manual là link của cách 1. Link thứ hai có Type=soffice và Status=Automatic là link của cách 2.

Theo cách 1 thì dữ liệu ở test1 không tự động thay đổi khi dữ liệu ở test2 thay đổi. Khi thay đổi dữ liệu ở test2 xong, phải nhấn nút Save rồi sang test1 mở màn hình Edit Links trên nhấn nút Update, dữ liệu trong test1 mới được cập nhật. Có khi phải nhấn vài lần Update dữ liệu mới cập nhật.

Theo cách 2, dữ liệu tự động cập nhật. Chỉ cần sửa dữ liệu trong test2 là dữ liệu trong test1 tự động sửa theo ngay.

Ngoài ra, theo cách 2, khi nhấn vào nút Modify có thể sửa được một vài thứ của link. Theo cách 1, nhấn nút Modify chỉ sửa được mỗi đường dẫn của file.

Còn một chỗ nữa để điều khiển update link. Nhấn vào menu Tools -> Options -> OpenOffice Calc -> General. Trong mục Updating có thể chọn cho link tự động update khi mở file, hỏi trước khi updat hoặc không bao giờ update.

Còn hai vấn đề nữa về link tôi chưa thử được vì không còn Windows trên máy. Bạn đọc tự thử:

1- Khi mở file test1 có chứa hai kiểu link nói trên bằng MS Excel thì Excel hiểu hai link đó thế nào?

2- Trong Excel, hai kiểu link trên có các đặc điểm giống như trên không?

Viết công thức toán học trong OpenOffice Writer

Viết công thức toán học trong một văn bản là một điểm yếu của OpenOffice Writer so với WinWord. Mặc dù Writer có chức năng Insert -> Objects -> Formula gọi chương trình OpenOffice Math nhưng cách dựng công thức của Writer dùng ngôn ngữ lập trình của LaTex (trình soạn văn bản khoa học kỹ thuật dành cho sinh viên và nhà nghiên cứu) khá khó hiểu và phức tạp với người dùng bình thường.

Để dễ viết công thức hơn, có thể cài thêm extension Dmaths vào Writer (tải về tại đây). Giải nén file Dmaths32.zip thành thư mục Dmath32. Trong Writer, nhấn vào Tools -> Extension Manager -> Add rồi tìm đến file DmathsAddon.oxt trong thư mục Dmath32 để cài.

Khởi động lại Writer, thanh toolbar của Dmaths sẽ xuất hiện ở dạng floating. Tìm một ô nhỏ hình vuông có chữ D trên nền màu vàng, nhấn vào đó để tắt toolbar đi. Sau đó dùng chuột rê ô chữ D vào một vị trí trên toolbar chính của Writer. Nhấn lại vào chữ D, toolbar của Dmaths lại xuất hiện. Dùng chuột rê nó vào vị trí cố định bên dưới Format toolbar rồi nhấn nút D để tắt nó đi. Ngoài ra menu Dmaths cũng xuất hiện trên hàng menu.

Screenshot-1

Về bản chất, Dmaths cũng dựa trên ngôn ngữ dựng công thức sẵn có của Writer, chỉ đưa thêm vào các màn hình và hướng dẫn cho dễ làm hơn. Nhưng mức độ dễ dùng thì vẫn thua WinWord. Đây sẽ là một cản trở trong việc áp dụng OpenOffice vào ngành giáo dục. Các thầy cô dạy toán tiểu học hoặc trung học mà dùng được Writer để soạn bài hoặc ra bài tập cho học sinh sẽ vất vả hơn nhiều so với dùng WinWord.

Ví dụ: Viết công thức sau:

Screenshot

Nguyên tắc: viết từ ngoài vào trong. Trong ví dụ trên: đầu tiên viết hai dấu ngoặc nhọn, tiếp đến ký hiệu tổng, hai dấu ngoặc lớn, dấu phân số, hai dấu ngoặc của tử số, biểu thức trong tử số, hai dấu ngoặc mẫu số, biểu thức mẫu số. Xong.

Cụ thể:

Nhấn vào nút để bật Dmaths toolbar.
Trên thanh Dmath toolbar, nhấn vào nút  ta có màn hình sau:

Hai dấu ngoặc nhọn: Nhấn vào nút để nhập ngoặc nhọn ngòai cùng của biểu thức. Trên thanh nhập liệu sẽ xuất hiện các mã sau (không cần quan tâm):

Dấu tổng: nhấn chuột vào hàng Intergral/Sum/Product (Tích phân/Tổng/Tích) rồi nhấn vào nút Validate the selection, màn hình sau xuất hiện:

Đánh dấu chọn Enter a sum. Trong ô Variable, gõ vào i (mặc định là x), ô from nhập 10, ô to nhập 100, nhấn chuột chọn mục Enter a sum rồi nhấn nút Enter. Màn hình quay về như sau:

Hai dấu ngoặc lớn: trong màn hình trên, nhấn vào nút để mở hai dấu ngoặc lớn.
Phân số: nhấn chuột vào hàng chữ A fraction (phân số) ta có màn hình sau:

Ở ô tử số (Numerator) gõ vào (a+b+c) và mẫu số (Denominator), (d+e+f) như hình trên rồi nhấn Enter.
Trong màn hình tiếp theo nhấn nút Finish để kết thúc.

private:stream Page 1 of 1

Ổ cứng online Dropbox

Bạn đang soạn dở một văn bản ở nhà trên Ubuntu, nhấn nút Save của chương trình soạn văn bản, tắt máy rồi đi làm. Đến cơ quan, mở máy để bàn của cơ quan, vào Windows, đã có sẵn văn bản đang soạn dở để làm việc tiếp.

Giữa chừng, Windows treo, khởi động lại máy vào Mandriva đã cài sẵn lại vẫn có văn bản đó với nội dung vừa save trên Windows!

Buổi chiều, mang notebook Mac đến chỗ khách hàng, mở nguyên văn bản đã soạn buổi sáng trên máy để bàn của cơ quan ra cho khách xem!

Không cần ổ USB cóp đi cóp lại, không cần upload, download mất thì giờ, với bất kỳ hệ điều hành nào, máy nào cũng có văn bản vừa save vài phút trước miễn là có Internet. Đó là Dropbox.

Cách cài:

1- Vào trang http://www.getdropbox.com, tải một phần mềm nhỏ về cài. Trên trang đó có sẵn phần mềm cho Mac, Windows, Fedora và Ubuntu. Phần mềm dành cho Mandriva (nautilus-dropbox-0.6.1-2.i386.rpm) tải về tại đây. Với openSUSE, trong ô tìm kiếm của Firefox, chọn openSUSE Softwares rồi gõ từ “dropbox” để tìm.

2- Khi cài xong, nhấn cặp phím Alt+F2 mở màn hình Run command. Gõ từ “dropbox” vào đó rồi Enter. Phần mềm dropbox bắt đầu được tải về máy. Quá trình cài đặt sẽ hỏi bạn có account Dropbox chưa, nếu chưa thì tạo account mới, nếu đã có thì khai username và password vào. Màn hình cuối quá trình cài cho chọn nơi để thư mục Dropbox theo ý muốn, mặc định là thư mục Home của bạn. Khi tạo account mới, Dropbox cấp cho bạn 2GB miễn phí trên máy chủ Internet của nó.

3- Mở thư mục Home ra ta sẽ thấy thư mục con Dropbox. Thư mục này luôn luôn được tự động đồng bộ với thư mục trên máy chủ Internet của Dropbox. Ví dụ: ở nhà tạo một file mới trong trình soạn văn bản, save nó vào thư mục Dropbox, lập tức file đó sẽ được tự động tải lên Internet. Khi đến cơ quan, file đó lại tự động được tải từ Internet xuống thư mục Dropbox ở máy cơ quan. Tóm lại các thư mục Dropbox của bạn đã cài với cùng một account dù trên máy nào, hệ điều hành nào cũng luôn luôn giống nhau (sau thời gian tự đồng bộ xong).

4-Dùng được thư mục Dropbox như mọi thư mục khác ở ổ cứng trên máy. Mặc dù phần mềm viết cho Gnome với trình duyệt file Nautilus nhưng cũng cài và dùng được trên các bản Linux KDE4 với trình duyệt file Dolphin. Điểm khác biệt là trong Nautilus thì biểu tượng thư mục Dropbox có thêm hình tròn với dấu chữ v cho biết quá trình đồng bộ đã xong, trong Dolphin thì không có dấu hiệu đó. Dropbox tự khởi động và có biểu tượng trên System Tray.

5- Nếu trên máy chưa cài Dropbox, vẫn có thể vào site http://www.getdropbox.com, nhập username và password để tải file về. Trên site Dropbox có thể tạo thư mục share với những người khác.

Cần chú ý là dự án này đang ở dạng beta nên có thể có lỗi. Xem thêm forum của nó xem có ai nói gì không. Trước đây cũng đã có dự án gmailfs định làm như kiểu này, dùng hộp thư của Gmail để lưu file nhưng cài đặt khó khăn, lâu nay không hiểu có phát triển tiếp được không. Bước đầu dùng Dropbox thấy cài đặt đơn giản, sử dụng đơn giản và rất tiện lợi.

Hai chương trình ngốn CPU

Khi chạy Firefox trong Linux, thỉnh thoảng thấy bị đơ. Khi mở System Monitor thì thấy npviewer.bin ngốn đến 80-90%CPU. npviewer.bin là Adobe Flash Player plugin của Firefox để chạy các hoạt hình Flash. Đơn giản nhất là nhấn nút Kill, tắt nó đi (chương trình này do Firefox gọi nên có thể tắt không cần quyền root).

Khi bật Mandriva vào sáng sớm (5-6 giờ sáng) cũng thấy máy bị đơ. Xem trong System Monitor sẽ thấy rmpv cũng đang ngốn đến 80-90%CPU. Đây là trình kiểm tra các gói phần mềm đã cài trên máy chạy định kỳ theo cấp độ Security do chương trình Mandriva Security (msec) điều khiển (sẽ có bài riêng viết về chương trình rất hay này).

Nếu cần tắt rpmv, nhấn phím phải chuột vào hàng tên cột trong System Monitor, chọn Show column PID, đọc số PID của rpmv rồi mở terminal. Trong terminal lần lượt chạy 2 lệnh:

su (để chuyển sang user root)

kill <PID của rpmv>

Sửa, khôi phục ổ cứng, hệ thống file, file bị xoá bằng TestDisk và PhotoRec.

TestDisk và PhotoRec là các công cụ mạnh chạy trên nhiều hệ điều hành (Windows, DOS, Vista, Linux, MacOS,…) để:

  • Sửa một ổ cứng không boot được:
    • Khôi phục lại boot sector của FAT32/NTFS từ bản backup.
    • Tạo lại (rebuild) boot sector FAT12/FAT16/FAT32/NTFS.
  • Chữa bảng FAT bị hỏng.
  • Chữa Master File Table (MFT) từ bản mirror.
  • Tìm các SuperBlock backup của ext2/ext3.
  • Khôi phục các file bị xoá ở các partitions FAT, NTFS và ext2/ext3.
  • Copy file từ các partitions FAT, NTFS, ext2/ext3 đã bị xoá.
  • Chữa bảng partitions bị hỏng, khôi phục các partitions bị mất.

PhotoRec nằm trong bộ TestDisk dùng undelete hơn 180 loại file, đặc biệt là các file video, ảnh trên thẻ nhớ, ổ USB, …

Người bình thường và các chuyên gia đều có thể dùng.

So với một số công cụ khác tương tự (Foremost, Scalpel,…), TestDisk và PhotoRec dễ dùng hơn vì có màn hình hướng dẫn qua từng bước.

Hướng dẫn chi tiết (tiếng Việt) tải về tại đây (file TestDisk va PhotoRec.pdf)

Làm việc với các file Microsoft Office lớn trong OpenOffice

Định dạng gốc của OpenOffice tuân theo chuẩn quốc tế ODF (Open Document Format). File văn bản có đuôi là odt (Open Document Text), bảng tính – ods (Open Document Spreadsheet), trình diễn – odp (Open Document Presentation).

Định dạng gốc của bộ Microsoft Office từ bản MS Office XP về trước không theo một chuẩn quốc tế nào mà là chuẩn riêng của Microsoft. Nhưng vì MS Office quá phổ biến nên nó thành chuẩn mặc định của các file văn phòng. Gần đây, Microsoft có đề xuất một chuẩn định dạng văn bản mới mở rộng từ chuẩn cũ của hãng gọi là Office Open XML (viết tắt OOXML hoặc Open XML, đã được chấp nhận là chuẩn quốc tế sau một cuộc chiến đấu căng thẳng). Bản Microsoft Office 2007 theo chuẩn này và các phần mở rộng của tên file có thêm chữ x (docx, xlsx, pptx…). OpenOffice 3.0 có thể mở được các file này nhưng không save được theo định dạng đó.

Khi mở các file Microsoft Office bằng OpenOffice, vì định dạng MS Office không phải định dạng gốc nên OpenOffice sẽ thực hiện việc import và convert các object của file. Vì vậy:

  • Nếu file lớn, quá trình mở file và save file sẽ lâu.
  • Chạy các file PowerPoint lớn bằng Impress chậm hơn chạy trên PowerPoint.

Các cách giải quyết:

1- Nếu file đó không dùng để gửi sang các máy có MS Office:

Tốt nhất là save as sang các định dạng ODF (file văn bản là odt, bảng tính ods, trình diễn odp). Khi đó mở file, save file nhanh, chạy file trình diễn cũng nhanh và tận dụng được mọi tính năng của OpenOffice.

2- Nếu file đó trong quá trình soạn sửa phải gửi sang các máy có MS Office để người khác xem, sửa, ghi chú, v.v…Các bộ MS Office không đọc được định dạng ODF nên phải gửi file theo định dạng của Microsoft. Vấn đề đặt ra là ta muốn đồng thời:

  1. Khi mở file, soạn, sửa bằng OpenOffice thì dùng các file ODF để mở nhanh, sử dụng được đầy đủ các tính năng của OpenOffice.
  2. Trong quá trình soạn, sửa vẫn gửi được file theo định dạng MS Office cho những người khác đang dùng MS Office.
  3. Cả hai loại file trên luôn luôn có nội dung giống nhau trong mỗi lần thay đổi.

Trong OpenOffice có hai extension để giải quyết vấn đề này. Trong OpenOffice đang mở, nhấn vào menu Tools Extensions Manager Get more extensions here. Site Extensions được mở ra trong trình duyệt.

Search lần lượt các extensions MultiDiffMultiSave, nhấn vào nút Get It để tải về các file extension có đuôi là oxt.

Màn hình trên xuất hiện. Hoặc chọn cài ngay (Open With), hoặc tải file về (Save file).

Quay lại OpenOffice, nhấn vào Tools → Extensions Manager → Add tìm đến thư mục chứa hai file oxt cài nó vào OpenOffice.

Khởi động lại OpenOffice. Hai extensions vừa cài sẽ xuất hiện thành hai ô cửa sổ nhỏ. Nhấn chuột vào đó, di nó vào vị trí toolbar còn trống bên phải như hình sau:

MultiDiff:

Nhấn chuột vào biểu tượng MultiDiff, màn hình sau xuất hiện:

Màn hình trên là cấu hình mặc định của MultiDiff:

  • File Name: tên file đang mở hoặc đặt tên file mới
  • Read Only (PDF): ghi file thành file PDF chỉ đọc.
  • Read and Write: Ghi file đang mở thành hai file OpenOffice và Microsoft Office cùng tên.
  • Activate recording of changes: chọn mục này để lưu lại các thay đổi trong file (tương đương với nhấn vào menu Edit → Changes → Record trong OpenOffice).
  • Send: gửi file qua email.
  • Save as: chọn thư mục và thay đổi tên file nếu cần. Nếu đã ghi lần đầu thành hai file, lần sau nhấn Save as màn hình sẽ như sau:
  • Chú ý dòng File type: OpenOffice.org – MS Office nghĩa là file sẽ được ghi thành hai file với hai định dạng khác nhau nhưng nội dung giống hệt nhau.

Muốn thay đổi cấu hình mặc định trên, chọn mục Read and Write rồi nhấn vào More options để có màn hình sau rồi nhấn nút Configure:

Ví dụ có thể chọn luôn luôn lưu thành ba file: PDF, OpenOffice, MS Office.

MultiSave:

MultiSave không có các tính năng SendActivate recording changes nhưng sử dụng đơn giản và trực quan hơn. Nhấn vào icon trên toolbar, màn hình sau xuất hiện:

Chọn thư mục lưu file, tên file và các loại file muốn ghi rồi nhấn nút Save.

Sau khi đã lựa chọn, trong hai extensions trên chỉ cần giữ lại một cái. Nhấn vào menu Tools – Extensions Manager rồi chọn extensions muốn bỏ đi rồi nhấn nút Remove.

Update (24/3/2011): Khi mở các file của Microsoft Office, mặc định OpenOffice sẽ convert các object (công thức, hình vẽ, v.v…) sang định dạng của OpenOffice.

Việc convert đó làm quá trình mở file lâu và có thể các object bị sai lệch do hai định dạng không hoàn toàn tương thích nhau.

Để tránh convert, vào menu Tools -> Options -> Load/Save -> Microsoft Office bỏ chọn tất cả các mục trong đó.

Tôi đã làm thử với một file WinWord 5MB có nhiều công thức toán học thấy mở nhanh hơn và công thức không bị lỗi.

Quản lý file audio/video trên Linux.

Hướng dẫn quản lý các file audio/video trên Linux

Posted by: Damien March 3rd, 2009.

Dịch: zxc232

Bạn đã bao giờ gặp tình huống muốn chuyển một file video từ format này sang format khác trên máy Linux mà không biết làm thế nào chưa? Chơi DVD trên Ubuntu hoặc rip đĩa VCD thành file mpeg?

Dưới đây liệt kê các phần mềm dùng xử lý các file video/audio trong Linux. Các phần mềm này chạy được với hầu hết các bản Linux. Cách cài đặt và ảnh màn hình dựa trên Ubuntu nhưng cũng áp dụng được tương tự cho các bản Linux khác.

Các chương trình nêu dưới đây đều có link dẫn đến site gốc của chương trình.

I.Xử lý VideoCD

I.1 Chơi VCD trên Linux.

Hầu hết các chương trình multimedia đều có thể chạy VCD. Cá nhân tôi khuyên nên dùng VLC vì đó là trình duy nhất có thể chơi mọi loại file audio/video.

(Mplayer và Totem cũng chơi được hầu hết file audio/video. SMplayer có nhiều tính năng hơn Totem dùng để chơi nhạc và xem video thì rất tốt nhưng không có các tính năng convert format như VLC nêu dưới đây – ND.)

I.2 Ghi đĩa VCD

Các chương trình ghi đĩa CD như Brasero K3b đều có thể ghi được đĩa VCD. Riêng K3b thì file nguồn phải là file mpeg.

I.3 Ghi video từ VCD

Cách dễ nhất để ghi VCD thành file mpeg là dùng K3b.

Mở K3b và nhấn vào Tools → Rip Video CD.

VLC cũng có thể dùng để chuyển VCD sang một format khác.

Mở VLC, nhấn vào Media → Convert/Save.

Hướng dẫn chi tiết về chuyển định dạng file media bằng VLC xem tại đây

I.4 Tách audio từ VCD

Dùng VLC có thể tách file audio khỏi VCD. Nhấn vào Media → Convert/Save để mở màn hình sau:

Nhấn tiếp vào tab Audio codec rồi đánh dấu chọn mục Audio. Ở ô Codec, chọn định dạng file audio sẽ ghi lại (ví dụ MP3). Gõ tên file có cả đuôi file (ví dụ: song.mp3) vào ô Filename rồi nhấn nút Save.

II.Xử lý DVD

II.1 Xem DVD trên Linux.

Ubuntu không cho phép chơi DVD do các vấn đề pháp lý và kỹ thuật. Phải cài thêm gói ubuntu-restricted-extra rồi chạy file script libdvdread3 bằng lệnh:

sudo /usr/share/doc/libdvdread3/install-css.sh

Khi đó, file libdvdcss2 sẽ được tải về và cài. Nếu vì lí do gì mà lệnh trên không chạy, tải file libdvdcss2 từ địa chỉ sau để cài.

http://download.videolan.org/pub/libdvdcss/1.2.9/deb/libdvdcss2_1.2.9-1_i386.deb

II.2 Rip DVD

Để rip DVD, cá nhân tôi dùng Handbrake. Chương trình này có một số profile định trước (Presets) kể cả convert DVD thành format mong muốn cho iPhone và PS3.

Để cài Handbrake trên Ubuntu, tải file cài tại đây. Màn hình như sau:

Còn một chương trình khác là AcidRip. Chương trình này có một số tính năng có ích nhưng sắp xếp hơi lộn xộn. Chương trình có trong kho phần mềm của Ubuntu nên cài đặt dễ dàng.

II.3 Tạo DVD (DVD authoring)

Bạn có thể tạo DVD riêng với menu, các chương, v.v.. Hai trong số những chương trình tốt nhất tôi đã thử là DeVeDeManDVD. Cá nhân tôi thích ManDVD hơn vì có nhiều tuỳ chọn và có hướng dẫn chi tiết từng bước suốt quá trình tạo DVD. Nhưng nếu bạn tìm một phần mềm dùng nhanh mà không cần cấu hình nhiều thì chọn DeVeDe.

Để cài ManDVD, tải file deb về tại đây GetDeb. DeVeDe có sẵn trong kho phần mềm của Ubuntu nên cài dễ dàng. DeVeDe cũng có thể dùng để tạo VCD.

III. Xử lý file Video.

III.1 Chuyển đổi file từ format này sang format khác.

Handbrake và VLC đều có thể chuyển đổi file video từ định dạng này sang định dạng khác. Nhưng cũng có một phần mềm nhỏ chuyên làm việc đó là Winff làm việc với phần lớn định dạng file video.

Hướng dẫn cài đặt xem ở đây.

III.2 Biên tập file video

Avidemux, KinoKDEnlive là ba chương trình biên tập video lớn vừa mạnh vừa dễ dùng. Avidemux chạy trên nền Gnome, còn Kino và KDEnlive chạy trên KDE.

III.3 Biên tập thuyết minh

Hai chương trình Gnome-subtitlesAegisub là hai chương trình đơn giản dùng biên tập thuyết minh. Gnome-subtitles đơn giản và nhẹ dùng soạn, sửa đơn giản các thuyết minh (có sẵn trong kho phần mềm Ubuntu). Aegisub có nhiều tính năng hơn như kéo thả, xoay, thu phóng thuyết minh và cả một bản mẫu (template) để làm karaoke.

III.4 Chèn thuyết minh vào file video.

Có hai cách chèn thuyết minh vào file video: Softsub và Hardsub. Softsub là các thuyết minh chứa trong một file riêng đánh dấu kèm theo mốc thời gian cần hiển thị khi chạy file video và thường được điều khiển bởi phần mềm chơi video. Hardsub là thuyết minh hòa vào khung hình video gốc nên không cần thiết bị hoặc phần mềm đặc biệt để hiển thị.

Khi file video có file thuyết minh riêng (Softsub), chương trình VLC có tính năng tải file thuyết minh để xem. Nhấn vào menu Tools → Preferences. Trong màn hình Preferences (xem hình dưới), mục Show Settings chọn All. Trong cột trái màn hình, kích vào Video → Subtitles/OSD. Trong cột bên phải, mục Use subtitle file, nhấn nút Browse để chọn file thuyết minh.

Để tạo thuyết minh dạng Hardsub, có thể dùng Avidemux để nhúng file thuyết minh vào video. Trên màn hình chính của Avidemux, chọn encoder của video. Mở file video rồi nhấn vào menu Video → Filters. Trong cột bên trái màn hình xuất hiện, chọn Subtitles. Chọn các option thích hợp của thuyết minh rồi add nó vào Active Filters.

IV. Xử lý file audio.

IV.1 Tách file audio CD.

Trong Gnome, chương trình SoundJuicer dùng để tách và chuyển file audio CD thành định dạng khác. Trong KDE, dùng K3b.

Muốn chuyển thành định dạng nào, trước đó codecs tương ứng phải được cài đặt.

IV.2 Tạo audio CD.

Brasero và K3b đều có thể dùng tạo audio CD. Chọn Create audio CD rồi kéo thả file nhạc vào đó. File sẽ được tự động convert thành audio CD format.

IV.3 Chuyển file audio từ định dạng này sang định dạng khác.

Chương trình Sound-converter hỗ trợ chuyển đổi phần lớn định dạng audio.

IV.4 Biên tập file audio.

Audacity là chương trình tốt nhất để biên tập file audio. Nó cũng dùng để chuyển đổi file audio từ dạng này sang dạng khác.

Một vài lỗi đọc file WinWord

1- Lỗi nhận font:

Thỉnh thoảng có file WinWord (ví dụ một vài file tải về từ website chinhphu.vn) khi mở trong OpenOffice bị lỗi nhận font. Ở nhiều nơi, cùng một từ hiển thị thành hai kiểu font khác nhau: Times New Roman và Times New Roman (Vietnamese). Đây là lỗi chứ không phải trên máy có font Times New Roman (Vietnamese) hay không vì trong cùng một từ không thể dùng hai font khác nhau được. Khi mở cũng file đó trong WinWord nhận thống nhất là font Times New Roman.

Dùng một chương trình đọc file text (KWrite) để mở file nói trên thì thấy trong mã file có khai báo font Times New Roman (Vietnamese). Như vậy là file đó hoặc template của nó có dùng font này nhưng đã xóa đi rồi. WinWord nhận đúng là trong các ký tự đã gõ không dùng font đó nên hiển thị đúng. OpenOffice có lẽ không hiểu đoạn mã đó nên hiển thị bị loạn.

Cách sửa cũng đơn giản: đổi tất cả về font Times New Roman. Tuy nhiên lỗi này cũng cảnh báo cho biết OpenOffice đọc file Microsoft cũng có lúc chưa thật chuẩn (mặc dù rất hiếm gặp).

2- Lỗi đánh số

Thực ra đây là lỗi người dùng thì đúng hơn. Trong WinWord cũng như Writer đều có sẵn định dạng các mức đề mục (Heading, Heading 1, Heading 2, …). Mỗi Heading đó đều có thể được đánh số tự động hoặc không đánh số tùy theo ý người dùng (1. Heading 1, 1.1 Heading 2, 1.1.1 Heading 3, v.v…).

Dùng Heading còn cho phép tạo mục lục tự động và tham chiếu chéo (cross-reference).

Tuy nhiên đã có trường hợp bị lỗi khi mở file WinWord có heading trong Writer: các số thứ tự của heading bị thay đổi loạn xạ không còn giống như khi mở trong WinWord. Nguyên nhân là do khi soạn trong WinWord, người soạn đã dùng heading không đánh số tự động, sau đó gõ số bằng tay tức là tự động hóa một nửa. WinWord hiểu được kiểu đánh số đó nên vẫn hiển thị đúng. Writer thì máy móc hơn: khi mở nó thấy có heading và số nên hiểu là tự động hoàn toàn và đánh số theo kiểu đó.

Nếu trong WinWord, dùng heading với số tự động thì mở trong Writer không gặp lỗi này.

Lỗi bộ gõ scim-unikey và lỗi đọc file pdf (update 12/2/09)

1- SCIM-UNIKEY:

Update 12/2/09: lỗi nặng, scim-unikey xung đột với OpenOffice 3.0 làm OpenOffice bị đóng bất thình lình khi đang gõ. Lỗi này xảy ra trên khá nhiều máy. Tóm lại không dùng được.

Bộ gõ scim-unikey có một lỗi khi gõ trong bảng tính OpenOffice Calc:

  • Nếu gõ từ đầu vào một ô trắng hoặc gõ tiếp vào cuối một dòng text đã có thì không sao.
  • Nếu trong ô đã có text, gõ chèn thêm từ vào đầu dòng text hoặc trong dòng text đó thì tiếng Việt không hiển thị được (ký tự nhảy lung tung).
  • Đã thử lỗi này có trong Mandriva 2009 (cả bản GNOME và KDE4), Linux Mint 6.
  • Lỗi này chứng tỏ cơ chế bỏ dấu của unikey (lùi con trỏ lại vài ký tự) là không ổn, dễ bị xung đột. Trong các bản Linux trước, x-unikey cũng có lỗi khi gõ trong Calc do cơ chế lùi con trỏ này.

Các cách khắc phục:

  1. Chịu khó học thói quen gõ phím kết thúc từ.Bỏ hẳn scim-unikey, chỉ dùng scim với file vi-telex-locdt.mim. Cơ chế đánh dấu từ để bỏ dấu của scim đã được dùng với hàng chục ngôn ngữ khác nhau nên chắc là khả năng xung đột với ứng dụng hầu như không có.
  2. Dùng kết hợp cả hai cách gõ scim-unikey và scim-locdt. Khi nào gõ trong Calc thì nhấn Ctrl+Shift để chuyển cách gõ, sang các ứng dụng khác lại Ctrl+Shift để đổi lại.

Yêu cầu gõ phím kết thúc từ có vài điểm cần lưu ý sau:

  1. Khi gõ trong OpenOffice, yêu cầu này không quá khó. Chỉ khi chèn chữ thì hoặc dùng phím mũi tên hoặc dùng phím Space rồi xoá space thừa.
  2. Cần chú ý khi gõ trong các trường là nơi không có thói quen gõ phím kết thúc từ (địa chỉ mail, subject, …). Đặc biệt trong các trường của KMail, khi không gõ phím kết thúc từ mà chuyển con trỏ sang trường khác, các ký tự không bị mất ngay (ví dụ ba ký tự cuối của địa chỉ mail). Chỉ khi nhấn nút Send, sau đó xem lại trong Sent Item mới biết địa chỉ bị sai.
  3. Khi đặt tên, đổi tên thư mục hoặc file, chỉ được kết thúc từ bằng phím mũi tên, không được dùng phím Space.

2- Lỗi đọc file PDF tiếng Việt.

Thỉnh thoảng có file PDF tiếng Việt unicode (ví dụ có file tải từ cơ sở dữ liệu Luật Việt nam http://www.luatvietnam.vn) khi mở bằng Okular, Adobe Reader for Linux font tiếng Việt bị lỗi.

Mở trong Windows bằng Adobe Reader for Windows thì đọc được, nhưng mở bằng Infix cũng bị lỗi như trong Linux.

Cách khắc phục: mở file PDF đó bằng OpenOffice Writer sẽ đọc được tiếng Việt không bị lỗi nói trên. Tuy nhiên, mở file PDF bằng OpenOffice hơi chậm.

Sau khi mở, nếu dùng tính năng Export to PDF của Writer để xuất thành file khác hoặc ghi đè lên file cũ thì sau đó mở lại bằng Okular hoặc Adobe Reader for Linux không bị lỗi nữa.

Trộn Windows vào nhân Linux!

Trước đây, tôi đã có một post giới thiệu ReactOS, một hệ điều hành:

  • Tự do, nguồn mở, viết từ đầu, không dựa vào Linux, cũng không dùng thiết kế của Unix.
  • Theo thiết kế của Windows NT từ mức phần cứng đến mức ứng dụng (thiết kế Windows NT là thiết kế bắt đầu từ Windows NT,  2000, qua XP, 2003 và đến nay là Vista vẫn dùng, với các phiên bản nâng cấp, dĩ nhiên).
  • Chạy được các ứng dụng và driver của Windows, nhằm cung cấp một giải pháp thay thế Windows cả trên máy trạm và máy chủ (tham vọng hơi lớn!).

Tóm lại đó là một bản Windows nguồn mở, không phải của Microsoft, dùng lại được các driver và ứng dụng Windows hiện có. Nghe rất hấp dẫn!

Dự án này bắt đầu năm 1996, hiện nay vẫn đang phát triển mạnh nhưng cũng mới đến version 0.3.7 và đang là bản alpha (khoảng 30MB) chỉ dùng thử chưa dùng thật được. Trên các ảnh màn hình thấy cũng khá đẹp, chạy được OpenOffice, trò chơi Quake, Firefox, Thunderbird, Visual Basic, …

Ngoài ra, người dùng Linux đều biết đến wine, một phần mềm dùng để chạy các chương trình Windows trên Linux. Wine không tiêu tốn thêm cpu hay bộ nhớ như máy ảo. Dự án này bắt đầu năm 1993, đến nay vừa chính thức ra đời phiên bản 1.0.1, đã chạy được khá nhiều phần mềm Windows (danh sách), nhưng chưa phải tất cả. Ví dụ: MS Office 2007, Photoshop CS3, World of Warcraft 3.0, … Cũng còn một vài phần mềm nữa tương tự wine, nhưng thu phí (CrossOver, Cedega,…)

Kết hợp hai dự án trên (có dùng mã nguồn của hai dự án đó) nhưng phát triển theo một hướng khác là dự án Linux Unified Kernel – LUK ( Nhân Linux thống nhất- hiện nay tên gọi chính thức là dự án Longene), website. Mục tiêu: xây dựng một nhân hệ điều hành máy tính chạy được các phần mềm ứng dụng và driver phần cứng của cả Windows và Linux. Cách làm: bổ xung các tính năng cơ bản của nhân Windows (lấy từ ReactOS) vào nhân Linux. Sản phẩm cụ thể là các bản patch vào nhân Linux hiện có của một bản Linux.

Các phần mềm Windows chạy trên LUK sẽ nhanh bằng chạy trên Windows và nhanh hơn là chạy bằng wine (thay cơ chế truy cập file kiểu client-server của wine bằng hệ thống file tích hợp).

Dự án bắt đầu năm 2006 và đến tháng 2/2009 sẽ ra đời phiên bản 0.2.3. Nếu căn cứ theo ảnh chụp màn hình thì có thể chạy được Starcraft, Photoshop, IE, … Dự án này sử dụng rất nhiều mã nguồn của hai dự án trước vì vậy tiến triển của nó phụ thuộc vào hai dự án đó. Tuy nhiên có thể thấy đây là một hướng rất hay.

Cả ba dự án trên đều thuộc loại dự án khó (có lẽ do Microsoft giữ kín nguồn), tiến triển khá chậm.

Các kho phần mềm nguồn mở tại Việt nam

Một số công ty, tổ chức tại Việt nam hiện đã cung cấp các server lưu trữ phần mềm nguồn mở. Tìm kiếm, tải về và cập nhật từ các kho này đương nhiên là nhanh hơn nhiều so với các kho ở nước ngoài.

1- FPT

Địa chỉ server của FPT là http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/

Tại đây có các bản Linux Fedora, Ubuntu, CentOS, Mandriva, Debian, OpenSUSE, Slackware và một số phần mềm: OpenOffice, KDE, GNOME, Apache, ….

Trong các bản Linux, Ubuntu có vẻ đầy đủ hơn cả gồm các file iso cho desktop và server từ 6.04 đến bản mới nhất là 8.10. Ngoài ra còn có các kho phần mềm (repository) để cài đặt và cập nhật. Thay cho các repo của Ubuntu có thể add các địa chỉ sau:

deb http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/ubuntu/ intrepid main restricted universe multiverse
deb http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/ubuntu/ intrepid-security main restricted universe multiverse
deb http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/ubuntu/ intrepid-updates main restricted universe multiverse
deb http://mirror-fpt-telecom.fpt.net/ubuntu/ intrepid-proposed main restricted universe multiverse

(Bỏ chọn các kho tương ứng của Ubuntu).

OpenSUSE cũng có chất lượng kho tương đương Ubuntu (gồm cả bản iso 11.1 và các repo). CentOS có bản mới nhất là 5.2.

Mandriva trên server này quá cũ (chỉ có bản 2009.1 alpha và không cập nhật, chắc là không được đăng ký trong mirror list của Mandriva). Các phần mềm khá hơn: KDE có bản mới nhất 4.2, OpenOffice có bản 3.0 hoàn toàn Việt hóa, Firefox có bản 3.1 beta2.

Nhìn chung, server của FPT có nhiều PMNM, tốc độ khá nhanh (khoảng 250 – 300KB/s) xứng đáng là cty Tin học số 1 Việt nam. Việt nam thôi vì cách quản lý còn tùy hứng, cái nào không quan tâm thì bỏ. Hy vọng là FPT sẽ cải tiến.

2- OpenLAB:

Tên thì hoành tráng nhưng kho phần mềm có mỗi Ubuntu 8.10 và Moblin. Với Ubuntu 8.10 có thể add các repository này:

deb http://www.oss-hcm.gov.vn/ubuntu/ intrepid main restricted universe multiverse
deb http://www.oss-hcm.gov.vn/ubuntu/ intrepid-security main restricted universe multiverse
deb http://www.oss-hcm.gov.vn/ubuntu/ intrepid-updates main restricted universe multiverse
deb http://www.oss-hcm.gov.vn/ubuntu/ intrepid-proposed main restricted universe multiverse
deb http://www.oss-hcm.gov.vn/ubuntu/ intrepid-backports main restricted universe multiverse

Tôi không dùng cái này bao giờ nên không rõ chất lượng ra sao.

SCIM-UNIKEY trên Mandriva 2009 và Linux Mint 6

UDATE: tin buồn. scim-unikey-0.1.2a có hai lỗi nặng:

  • Xung đột với OpenOffice, đang gõ thì OpenOffice bị đóng bất thình lình (crash).
  • Trong OpenOffice Calc, trong một ô khi đặt con trỏ gõ chen vào giữa hoặc đầu một hàng ký tự đã có thì tiếng Việt nhảy lung tung (gõ chen ở trên thanh nhập liệu thì được).

Bản scim-unikey-0.2 đang sửa khắc phục được lỗi thứ nhất nhưng chưa khắc phục được lỗi thứ hai. Vẫn bị thỉnh thoảng đang gõ thì mất tiếng Việt (lỗi này nguyên bản của x-unikey-1.0.4).

Một món quà mừng Tết tuyệt vời đối với cá nhân tôi: cuối cùng đã có thể gõ tiếng Việt trên Mandriva ở mọi chỗ bằng scim-unikey! Cám ơn các tác giả!

Cách đây ít lâu, tôi đã thử scim-unikey cài bằng tay trên Mandriva 2009 KDE thấy gõ tốt trong các ứng dụng nhưng hoàn toàn không gõ được trên web.

Nay thử lại theo bản cài đặt mới nhất scim-unikey-0.1.2a-1.i386.rpm tải về tại đây với cách làm như sau:

1- Mở Control Center – System – Manage localization for your system. Khi đến bước chọn bộ gõ thì chọn SCIM-BRIDGE.

2- Tải file scim-unikey-0.1.2a-1.i386.rpm nói trên về cài.

3-  Nhấn vào Menu – Run Command rồi chạy scim lần đầu. Nhấn chuột phải vào biểu tượng scim trên panel, chọn SCIM Setup. Trong mục IMEngine – Global Setup – Vietnamese chỉ chọn riêng cách gõ Telex – Unicode.

4- Khởi động lại máy. Xong.

Đã thử gõ trong Mandriva 2009 cả KDE lẫn GNOME: OpenOffice, KMail, Evolution, Google Desktop Search, các ứng dụng web như Gmail, GDocs, Zoho Mail, Zoho Writer, … đều tốt.

Vẫn còn hai lỗi nhỏ: 1/ thỉnh thoảng mất tiếng Việt phải Ctrl+Space hai lần bật tắt tiếng Việt mới gõ tiếp được (lỗi của bản x-unikey-1.0.4), 2/ phải tắt Word Completion trong AutoCorrect.

Trước đây vẫn cố gắng dùng scim với vi-telex-locdt.mim, nhưng cái phím kết thúc từ khá khó chịu. Nay thì thoát.

Đã thử scim-unikey trên Linux Mint 6. Gõ tốt ( nhớ chọn Menu-Administration-Language support-Enable support to enter complex characters).

Những ai yêu Ubuntu nên thử Linux Mint. Linux Mint dựng trên nền Ubuntu, có Control Center gần sánh được với Control Center của Mandriva (thiếu các wizards) và một số thứ bổ xung khá hay. Không trách nó luôn nằm trong TOP 10 của DistroWatch.

CAD trong Mandriva 2009 (update 14/2/09)

Trên blog này đã có hai post nói về các phần mềm vẽ thiết kế CAD trong Kubuntu 7.10 (nhấn vào tag cad để xem). Về cơ bản, các nhận xét trong hai post đó cũng đúng cho Mandriva 2009:

1- Xem bản vẽ CAD (dạng file dwg, dxf,…): có thể dùng VariCAD Viewer miễn phí tải về từ đây. Chương trình này xem file CAD cũng giống như dùng Adobe Reader xem file pdf: chỉ xem, không sửa được. Các chức năng zoom dùng phím Ctrl kết hợp với chuột thì tiện hơn. Nhược điểm: chưa xem được các file 3D phức tạp. Thời gian mở file lâu.

2- Vẽ bản vẽ CAD 2D đơn giản: dùng Qcad nguồn mở miễn phí có sẵn trong kho phần mềm của Mandriva. Nhược điểm: chỉ tương thích với dạng file dxf.

3- Các phần mềm CAD khác: có khá nhiều công ty với nhiều sản phẩm CAD tập hợp trong tổ chức IntelliCAD. Tổ chức IntellịCAD chịu trách nhiệm nghiên cứu xây dựng phần mềm nền tương thích với định dạng file DWG của AutoCAD, các công ty thành viên tự xây dựng và bán sản phẩm của mình trên nền đó.

Tôi đã thử progeCAD 2008 của progeSOFT trên Mandriva 2009. Đây là bản CAD chạy trên Windows, vì vậy trước tiên phải cài wine từ kho phần mềm của Mandriva. Tải file exe của progeCAD tại đây. Sau khi tải về nhấn vào file, quá trình cài đặt sẽ diễn ra hệt như trong Windows. Có vài báo lỗi nhỏ nhưng cứ bỏ qua, chương trình vẫn chạy.

Nhìn sơ bộ, progeCAD có giao diện khá giống AutoCAD. Mở các file DWG 2D và 3D phức tạp khá nhanh và hiển thị tốt. Hỗ trợ các phiên bản DWG từ 2.5 đến 2008. Bản so sánh tính năng xem tại đây, theo bảng này thì xấp xỉ AutoCAD và có cả những tính năng mà AutoCAD không có (ví dụ convert file pdf thành dwg). Đánh giá sâu hơn về tính năng xin dành cho các nhà thiết kế chuyên nghiệp.

Còn một phương án nữa để chạy progeCAD (và các phần mềm Windows nói chung) trên Linux là dùng phần mềm máy ảo. Trước tiên cài phần mềm máy ảo, tiếp theo cài Windows lên máy ảo và cuối cùng cài progeCAD lên Windows. Chi tiết xem thêm tại đây.

Bản progeCAD Professional 2009 trên mạng có giá 400USD (so với AutoCAD 2009 4000USD!). Bản progeCAD Professional 2008 có một công ty Việt nam chào bán với giá 375USD tại đây. Bản 2009 chưa thử cài lên Mandriva.

Đặc biệt, progeSOFT có bản progeCAD 2008 Smart miễn phí dành cho mục đích cá nhân, không thương mại là một công việc từ thiện ủng hộ tổ chức “Bác sỹ không biên giới” để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh tại Dafur, Sudan.

UPDATE (14/2/09): progeCAD chạy khá tốt trên Mandriva, có thể dùng thay AutoCAD cho những bản vẽ thông thường được. Nhược điểm: chưa hiển thị được một số font Windows.

Nén và giải nén trong Mandriva 2009

Trong Linux, nhiều file được đóng gói thành một file sẽ có đuôi file là tar, hai dạng file nén phổ biến nhất là gzbz2. Đóng gói nhiều file rồi nén thì file đó có đuôi là tar.gz, tar.bz2 hoặc tgz, tbz2.

Ngoài ra các dạng file nén khác như 7z, ace, rar, zip cũng được hỗ trợ mặc dù trừ 7z là nguồn mở, các dạng file khác nguồn đóng. Riêng rar chỉ giải nén được mà không nén được.

Muốn biết dạng nào đã được cài, mở Package Manager, kiểm tra xem các file sau đã cài chưa: gzip, bzip2, p7zip, zip, unzip, unrar.Sau khi đã cài các file đó thì chương trình nén và giải nén như Ark (KDE) hoặc File Roller (GNOME) sẽ nén và giải nén được các file tương ứng.

Để tiện hơn, trong Mandriva KDE có thể bổ xung các menu vào service menu của Dolphin như sau (service menu là menu xuất hiện khi nhấn phím phải chuột vào thư mục hoặc file):

  • Vào site này, tải file ExtractAndCompress_v1.4.3.tar.gz về. Giải nén file đó thành thư mục ExtractAndCompress_v1.4.3.
  • Mở Install & Remove Software  xem kdialog đã được cài chưa. Nếu chưa thì chọn cài.
  • Trong Dolphin, mở thư mục trên, nhấn chuột vào file install.sh. Một màn hình xuất hiện cho chọn hoặc là install kiểu local (chỉ cho user hiện tại) hoặc kiểu system wide (cho mọi user, cần có password của root). Tuỳ chọn rồi OK.
  • Đóng Dolphin lại rồi mở ra. Nhấn phím phải chuột vào một thư mục hoặc file định nén, trong menu Compress sẽ có các menu con mới để chọn.

Trên site http://www.kde-apps.org, search từ “service menu” còn rất nhiều thứ khác có thể cài tương tự như trên.

Biên tập file pdf trong Linux.

Từ năm 2006 đến nay, Linux đã có bước tiến dài về biên tập file pdf.

1- Tạo file pdf: ở các version trước, OpenOffice đã có khả năng xuất các file đang soạn thành file pdf. Nhưng đến OpenOffice 3.0, khi Export as PDF ta có cả một màn hình với nhiều options để lựa chọn.

2- Sửa file pdf: OpenOffice Draw 3.0 mở được file pdf. Sau đó có thể sửa ảnh, sửa text trong file, thêm thắt nhiều thứ và xuất ra khá nhiều định dạng khác nhau. KWord, trình soạn văn bản trong bộ KOffice, có thể import file pdf để sửa rồi save as lại thành file doc hoặc odt.

3- Xem file pdf: Okular là chương trình xem nhiều loại file (PDF, Postscript, DjVu, CHM,…). Đặc biệt, Okular có chức năng Review, cho phép chèn hai dạng note, khoang vùng, tô màu các đoạn text và thêm được ghi chú vào các đường khoanh vùng, tô màu đó.

okular

Tuy nhiên chỉ có chương trình Okular mới xem được các đánh dấu và ghi chú đó. Các chương trình xem file pdf khác như KPDF, Adobe Reader không xem được.

Ngoài ra, Okular có thể tách các text trong file pdf, xuất ra thành file text (không có định dạng). Điều này rất tiện nếu ta muốn tận dụng text đã có.

Tất nhiên Adobe Reader for Linux cũng dùng xem file pdf, nhưng không có các tính năng Review như Okular.

Một số extension có ích của OpenOffice.

Một trong những tính năng hay nhất của Firefox là các add-ons của nó. Add-ons của Firefox gồm ba loại: extensions – tính năng mở rộng, theme- các chủ đề trang trí màn hình và plugin – các cầu nối để Firefox dùng được các phần mềm bên ngoài.

Một số phần mềm nguồn đóng cũng có add-ons nhưng số lượng ít và thường là phải mua. Ngược lại, kho add-ons của Firefox rất lớn và miễn phí. Do tính chất nguồn mở, nếu bạn thấy cần một tính năng nào đó mà hiện Firefox không có, bạn có thể tự tìm hiểu và viết thêm tính năng đó, gửi lên site của Firefox cho mọi người thử, góp ý và sử dụng.

OpenOffice theo gương Firefox hiện cũng đã có kho extension riêng. Dưới đây điểm qua một số extension hay và có ích.

Địa chỉ site extension là http://extensions.services.openoffice.org/ hoặc nhấn vào menu Tools – Extension Manager – Get more extensions here.

Extension Manager là trình cài đặt, gỡ bỏ, đặt cấu hình cho extension. Các tên extension dưới đây đều chứa các link của site tương ứng.

OvniConv

Chuyển mã font tiếng Việt TCVN3 (.VnTime, .VnArial, ….) và VNI sang font unicode rất đơn giản và giữ nguyên các format của văn bản. Dễ dùng hơn cả chức năng Chuyển mã nhanh (bằng clipboard) của Unikey for Windows:

Mở văn bản, nhấn vào menu Tools -> Add-Ons -> Convert to Unicode . Xong!

Đã thử văn bản có một đoạn font TCVN, một đoạn font VNI, một đoạn font Unicode. Sau khi làm như trên, tất cả đều là unicode.

Vietnamese SpellChecker

Kiểm tra chính tả tiếng Việt.

Điều đáng buồn và xấu hổ là hai extension trên và cả dự án Việt hóa OpenOffice đều do người nước ngoài thực hiện. Trong khi đó ngay thổ dân Maori cũng tự làm bộ kiểm tra chính tả cho ngôn ngữ của họ!

Professional Template Pack – English và Professional Template Pack II – English

Bộ 200 bản mẫu: thư tín công vụ và cá nhân, kế hoạch và dự toán, bản trình diễn, name card, ….

An OxygenOffice Extra – Gallery

Gồm rất nhiều thứ bổ xung: các thư viện hình ảnh trang trí, các template.

DataForm

Tạo form để nhập liệu cho bảng trong bảng tính Calc.

OpenOffice.org2GoogleDocs

Xuất, nhập các file văn bản và bảng tính từ OpenOffice với các bộ Office online Google Docs và Zoho.

OoGdocsIntegrator

Tương tự như extension OpenOffice.org2GoogleDocs

Sun Presentation Minimizer

Dùng giảm kích thước các file trình diễn.

CADOO.o

Dùng vẽ bản vẽ kỹ thuật đơn giản bằng OpenOffice Draw.

Dmaths

Dùng viết công thức toán học. OpenOffice có tính năng Insert Formula nhưng khó dùng. Đây là một extension hay.

MultiSave

Open Document hiện là chuẩn văn bản quốc tế, là định dạng gốc của OpenOffice, kích thước file nhỏ, mở nhanh và chạy trơn tru (các file trình diễn Impress). Tuy nhiên MS Office lại là chuẩn mặc định của đa số người dùng hiện tại. Extension này cho phép đồng thời save file thành hai file theo hai chuẩn trên và cả file pdf.

Khi sửa, mở file Open Document (odt, ods, …), sau đó dùng Multisave, các kết quả sửa sẽ đồng thời cập nhật vào cả ba file.

MultiDiff

Tương tự MultiSave.

Amortization Schedule

Lập bảng tính lịch trả lãi cho một khoản vay lãi suất cố định

Debt Reduction Calculator

Một bảng tính nữa cho các khoản vay.

Savings Calculator

Lập bảng tính các khoản gửi tiền tiết kiệm.

Mortgage Payment Calculator

Lập bảng tính các khoản vay thế chấp.

Auto Starter for Presentation documents

Các file trình diễn của Impress hiện không tự chạy và Impress cũng chưa hỗ trợ file tự chạy pps của MS Powerpoint. Extension này bổ xung tính năng đó.

DeltaXML ODT Compare

So sánh hai văn bản, tạo một văn bản mới hiển thị danh sách các thay đổi.

Alba

Chèn trang theo các hướng khác nhau Portrait/Landscape.

FastMailMerge

Chọn nhanh các cột dữ liệu trong bảng tính để tạo ra các văn bản, mail rồi in ra hoặc gửi mail hàng loạt. (bổ xung cho Tools – Mail Merge wizard).

eTOK – eTraining Operating Kit

Các công cụ để tạo các chương trình đào tạo eLearning, trình diễn, bán hàng, … qua Web.

Text Clipboard

Chọn vùng văn bản (text block) để cut, copy, paste.

Hiệu ứng màn hình 3D trong Linux, Compiz Fusion

Compiz Fusion

Trong các hệ Linux, việc quản lý các cửa sổ màn hình (windows) được thực hiện bởi các trình quản lý Metacity (trong GNOME) và KWin (trong KDE). Các thao tác với cửa sổ màn hình giới hạn ở mức đơn giản: mở, đóng, phóng to, thu nhỏ, di chuyển, v.v…

Năm 2006, Novell cho ra đời trình Compiz, làm việc với các card màn hình 3D để tạo ra các hiệu ứng màn hình động, 3D đẹp mắt. Một nhánh của Compiz là Beryl đến tháng 3/2007 tái hợp với cộng đồng phát triển Compiz tạo nên Compiz Fusion. Từ đó:

  • Compiz phát triển các chức năng lõi cơ bản về quản lý màn hình.
  • Compiz Fusion chuyên về cài đặt, cấu hình và phát triển các plugin bổ xung cho Compiz. Mỗi hiệu ứng sẽ là một plugin.

Các hệ Linux hàng đầu hiện nay đều có thể cài (hoặc được cài sẵn) Compiz Fusion. Đặc điểm:

  • Có rất nhiều hiệu ứng màn hình động đẹp, bao gồm cả các hiệu ứng có trong Vista và Mac OS.
  • Không yêu cầu cao về phần cứng, thậm chí các card màn hình onboard cũng dùng được.

Dưới đây trình bày cách kích hoạt và dùng Compiz Fusion trong Mandriva Linux 2008.1. Các hệ Linux khác, cách làm cũng tương tự.

  • Mở Mandriva Control Center. Kích vào Hardware ở cột bên trái rồi kích tiếp vào Configure 3D Desktop effects.
  • Trong màn hình hiện lên, chọn Compiz Fusion rồi nhấn OK.

  • Mở Install & Remove Software cài thêm hai gói plugin sau:
  • compiz-fusion-plugins-extra
  • compiz-fusion-plugins-unsupported
  • Sau khi log out ra rồi log in vào lại, nhấn vào menu Menu – Tools – CompizConfig Settings Manager để mở màn hình sau:
  • Trong đó có hàng chục hiệu ứng màn hình khác nhau tùy chọn. Nhấn vào tên hiệu ứng để xem các options và phím kích hoạt (mỗi hiệu ứng được kích hoạt bằng một tổ hợp phím nhất định). Ví dụ:

CHÚ Ý:

  1. Mỗi hiệu ứng đều có thể bật lên, tắt đi bằng cách kích vào ô vuông bên trái (màn hình trên. Nếu không biết tổ hợp phím kích hoạt thì nhấn vào tên hiệu ứng để xem ở màn hình dưới và có thể thay tổ hợp phím theo ý thích.
  2. Nếu card màn hình yếu thì không nên bật quá nhiều hiệu ứng, máy sẽ chậm thậm chí không hoạt động được. Lần đầu tìm hiểu nên tắt hết, bật lần lượt từng đợt một vài cái.

Dưới đây là một vài ví dụ:

Xoay khối lập phương các desktop (Desktop Cube): (Ctrl + Alt + nhấn và di chuột trái)


Hiển thị các desktop để chọn: (di chuột vào góc trên bên trái màn hình)

Hiển thị các cửa sổ đang mở trong một desktop (Windows Overview): (Alt + Tab)

Hiển thị các cửa sổ đang mở trong một desktop (Windows Overview): (di chuột vào góc trên bên phải màn hình rồi kích chuột vào cửa sổ để chọn)

Cửa sổ cao su (Wobbly Windows): (nhấn chuột vào mép trên và di)

Trên đây chỉ là vài ví dụ, còn rất nhiều hiệu ứng khác

Một bộ Office mới: IBM Lotus Symphony 1.0

Ngày 30/5/2008, IBM đã chính thức cho ra đời bộ IMB Lotus Symphony 1.0. Đây là bản Office dựa trên nền OpenOffice nhưng có giao diện mới hoàn toàn và tích hợp với bộ Lotus Notes của IBM.

Cũng giống như các hệ điều hành Linux, trên nền OpenOffice hiện có một vài phiên bản khác nhau:

  1. Bản OpenOffice chính gốc: http://www.openoffice.org
  2. Bản OxygenOffice tăng cường, bổ xung thêm các template, clipart, font, hỗ trợ VBA, …: http://sourceforge.net/projects/ooop
  3. Bản StarOffice, sản phẩm thương mại của Sun nhưng người dùng Windows có thể tải về dùng miễn phí qua Google Pack.
  4. Bản OpenOffice của Novell (Novell edition). Bản này có các sửa đổi bổ xung của Novell như hỗ trợ macro và tích hợp tốt hơn với các file MS Office, tích hợp với phần mềm mail Evolution của Novell, v.v…. http://www.novell.com/products/desktop9/features/ooo.html
  5. Bản IBM Symphony này http://symphony.lotus.com
  6. và một số bản khác.

Một vài nhận xét sơ bộ:

  1. Dung lượng file cài đặt khá lớn: 288 MB so với bản OpenOffice gốc 165 MB (có JRE).
  2. Sau khi tải file IBM_Lotus_Symphony_linux.bin xong, mở terminal và cài bằng lệnh:
    • Đối với K/Ubuntu: sudo ./IBM_Lotus_Symphony_linux.bin
    • Đối với Mandriva: trước tiên phải cài thêm gói phần mềm bc (dùng Install & Remove Software). Sau đó mở terminal: su (để chuyển sang user root) rồi ./IBM_Lotus_Symphony_linux.bin.
  3. Sau khi cài xong, khởi động lại máy, chạy từ Menu – Office – IBM Lotus Symphony, màn hình tổng hợp sau xuất hiện, nhấn vào một trong ba biểu tượng để mở phần mềm tương ứng.
  4. Giao diện đẹp hơn và khác hoàn toàn với OpenOffice và MS Office. Có một sidebar bên cạnh để hiển thị và thay đổi các tính năng của font, paragraph và page.
  5. IBM mới chỉ sửa được màn hình chính. Các màn hình con vẫn là của OpenOffice. Giao diện kiểu này có tốt hay không thì phải cần thời gian làm quen và dùng thử. Một trong những ưu điểm thấy ngay là nếu mở nhiều file thì mỗi file sẽ là một tab trong một màn hình chung, không cần phải mở nhiều phần mềm trong từng màn hình riêng biệt như các bộ Office hiện tại.
  6. Tốc độ khởi động chậm hơn hẳn và có cảm giác nặng nề hơn OpenOffice. Mặc dù OpenOffice hiện đã là 2.4 nhưng nền OpenOffice của Symphony vẫn chỉ là 1.1. Do đó về tính năng kém hẳn (không có equation editor, database, drawing program, …). Theo thông báo thì phiên bản 2.0 sẽ cập nhật nhiều thay đổi hơn. Hiện tại, Lotus Symphony chỉ được mỗi giao diện đẹp và lạ.

Phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (ERP) nguồn mở đang tăng trưởng

InfoWorld – Technology Information for Business Intelligence

Phần mềm Quản lý doanh nghiệp (ERP) nguồn mở đang tăng trưởng.

Phần mềm nguồn mở đang tạo nên một xung lực mới trong thị trường phần mềm Quản lý doanh nghiệp do tính linh hoạt và giá thành thấp.

By Robert Lemos, IDG News Service (Zxc232 lược dịch)

April 22, 2008

Phần mềm nguồn mở có thể tìm thấy chỗ đứng của mình trong những hệ thống ứng dụng tối quan trọng (mission-critical) không? Dựa trên xung lực của thị trường phần mềm Quản trị Doanh nghiệp nguồn mở (Open-source Enterprise Resource Planning – ERP), phần mềm nguồn mở bắt đầu nhìn ra con đường của mình, đặc biệt là các lãnh đạo IT của các tổ chức trung bình và nhỏ.

Trong khi các hệ ERP là trái tim và linh hồn của doanh nghiệp hiện đại, chúng cũng là nỗi kinh hoàng về IT trong thập kỷ vừa qua. Phần mềm ERP đòi hỏi một quá trình chỉnh sửa lâu dài và tốn kém để phù hợp với các quy trình nghiệp vụ đặc thù của từng ngành, từng công ty. Danh sách các hạng mục chậm trễ, các triển khai tốn kém luôn ám ảnh các lãnh đạo IT khi cố gắng nâng cấp các hoạt động của công ty. Mới đây, công ty vận chuyển hành lý khổng lổ Waste Management đã kiện ra tòa đòi hãng phần mềm SAP bồi thường 100 triệu USD do triển khai ERP thất bại.

Vấn đề bắt đầu từ thập kỷ 90: năm 1997, hãng Nestle USA bắt đầu một dự án ERP kéo dài 6 năm, tốn 200 triệu USD. Ban đầu công ty có ý định dùng số tiền đó để triển khai một hệ thống trên tất cả các văn phòng toàn cầu.

Khi triển khai xong, công ty mới thấy mình bị khóa chặt vào trong các hợp đồng giấy phép sử dụng và bảo trì tốn kém trong một thị trường hầu như không có cạnh tranh bị thống trị bởi hai hãng phần mềm ERP chính, Oracle và SAP.

Phần mềm nguồn mở bắt đầu vào cuộc. Được phổ biến do sự tăng trưởng của hệ điều hành Linux, phần mềm nguồn mở cho phép bất kỳ ai xem, kiểm tra mã nguồn và chỉnh sửa phần mềm theo ý mình. Các hệ ERP yêu cầu chỉnh sửa rất nhiều (lúc triển khai ban đầu và cả sau này khi doanh nghiệp thay đổi, phát triển – ND) do đó phần mềm nguồn mở có vẻ là phương án lý tưởng. Các công ty cũng đánh giá cao khả năng kiểm soát được mã nguồn của các phần mềm tối quan trọng đối với họ.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phí thấp của các hệ ERP nguồn mở cũng là một yếu tố quan trọng. Đó là trường hợp của công ty thực phẩm đông lạnh Cedarlane. Dùng phần mềm ERP nguồn mở của hãng xTuple đã tiết kiệm cho công ty “vài trăm nghìn đô la”, giám đốc IT Daniel Baroco cho biết.

………

Hiệu quả hiện nay là rõ ràng, Baroco nói. Công ty đã tăng trưởng từ 40 triệu lên 600 triệu USD doanh thu và khối lượng công việc giấy tờ cần thiết để thực hiện các hợp đồng giảm xuống đáng kể. Năm 2004, trung bình phải xuất 1000 hóa đơn một ngày, đôi khi một đơn hàng có đến 3 hóa đơn. Hiện nay, chỉ còn 400 hóa đơn và lại theo dõi được lượng hao hụt thực phẩm, một điều không có vào năm 2004.

“Tôi thực sự đã được đào tạo lại về nguồn mở thời kỳ đó,” Baroco nói. “Tôi trở thành người hâm mộ nguồn mở vì thế.”

Tổng giám đốc xTuple, Ned Lilly, nói rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Cedarlane là viễn cảnh tốt nhất cho áp dụng phần mềm ERP nguồn mở. “Triển vọng tốt nhất đối với chúng tôi là các công ty $20 triệu đến $50 triệu doanh thu đang còn dùng chỉ phần mềm kế toán QuickBooks”. Lilly nói.

Lilly không mong sẽ chuyển được các khách hàng truyền thống đang dùng Oracle hoặc SAP nhưng với các công ty nhỏ hơn, lo lắng về chi phí và quá trình triển khai cũ phức tạp thì giải pháp nguồn mở là một sự lựa chọn rõ ràng.

Tại thị trường châu Âu và châu Á, khách hàng hiểu biết hơn về phần mềm nguồn mở và theo đuổi những hệ thống kinh doanh không phụ thuộc vào một nhà cung cấp, Tổng giám đốc Don Klaiss của hãng phần mềm ERP nguồn mở Compiere cho biết.

“Có những vùng trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ Latinh, khuynh hướng ủng hộ nguồn mở là rất mạnh,” Klaiss nói. “Khách hàng rất mệt mỏi vì phải trả phí bản quyền và phí bảo trì cao.”

Một mặt phần mềm nguồn mở có những đặc điểm phù hợp với ERP, mặt khác các thất bại của các phần mềm ERP nguồn đóng quá ầm ỹ cũng làm tăng nhu cầu về ERP nguồn mở, Matt Aslett nhà phân tích phần mềm doanh nghiệp thuộc nhóm 451 cho biết.

Doanh số phần mềm ERP nguồn mở đang tăng vọt. Công ty Compiere năm 2007 tăng 300% và dự kiến cũng tăng như vậy năm 2008. xTuple dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Một hãng phần mềm ERP nguồn mở khác, Openbravo, dự kiến doanh số sẽ tăng gấp 3 năm nay và nhân sự sẽ phải tăng gấp đôi.

Cộng đồng nguồn mở tập hợp xung quanh một sản phẩm làm tăng khối lượng công việc thực hiện được lên nhiều lần. Ví dụ, các đối tác và khách hàng của Openbravo hiện đang bản địa hóa sản phẩm của hãng cho 50 nước khác nhau.

Những con số tăng trưởng đó cũng không phải toàn vẹn, nhà phân tích Aslett phát biểu: “ ERP là một trong những lĩnh vực cuối cùng của hạ tầng tin học doanh nghiệp mà phần mềm nguồn mở còn xâm nhập tương đối ít nên các hãng viết phần mềm ERP nguồn mở có thể hy vọng doanh số sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên cần nhớ rằng, các hãng đó xuất phát từ con số không trong khi doanh số của các hãng phần mềm nguồn đóng nổi tiếng đã lên tới hàng tỷ đô la”.

Tuy nhiên, giám đốc Mitja của Openbravo tin rằng các hãng phần mềm ERP nguồn mở đang bán một thứ mà các hãng ERP nguồn đóng không thể bán được: các khách hàng có thể tự do kiểm soát những hệ thống tối quan trọng của mình không phụ thuộc vào công ty tin học bên ngoài.

Giới thiệu chung về phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (ERP) nguồn mở.

Bộ phần mềm Quản lý Doanh nghiệp ERP là gì

Một doanh nghiệp thường bao gồm nhiều bộ phận khác nhau hoạt động cho một mục tiêu chung: chế tạo, bán hàng, marketing, mua sắm vật tư, kế hoạch, quản lý kho, vận chuyển, phân phối, bảo trì,…

Thay cho các phần mềm riêng lẻ của từng bộ phận, bộ phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning – ERP, cũng còn gọi là Enterprise Management System) tích hợp tất cả các hoạt động nghiệp vụ của các bộ phận trên trong một hệ thống phần mềm chung chạy trên mạng. Mỗi bộ phận có mođun phần mềm nghiệp vụ riêng của mình nhưng trao đổi được dữ liệu cho nhau, thực hiện các quy trình nghiệp vụ theo các dòng công việc chung từ bộ phận nọ sang bộ phận kia như một thể thống nhất trên mạng máy tính.

Các chức năng chính của bộ phần mềm ERP:

  • Quản lý Khách hàng và đơn đặt hàng (Customer and Order Management).
  • Quản lý Mua sắm (Purchasing Control).
  • Lập Kế hoạch sản xuất (Production Schedule).
  • Lập và quản lý danh mục thành phẩm, bán thành phẩm (Ingredient List)
  • Quản lý Kho (Inventory Management).
  • Giao tiếp với hệ thống bảo trì, bảo hành (Interface with CMMS system)
  • Báo cáo và Phân tích (Reporting and Analysis)
  • Tích hợp với hệ thống Kế toán (Integration with Accounting System)
  • Quản lý tiền lương (Payroll)
  • Quản lý Nhân sự (Human Resources)

ERP lớn và phức tạp như vậy nên cũng khó đưa vào ứng dụng nhất. Khi ứng dụng, yêu cầu lớn nhất và phức tạp nhất là customize phần mềm theo đặc thù hoạt động của doanh nghiệp. Tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp luôn luôn thay đổi và do đó hệ ERP cũng phải thay đổi theo liên tục. Nếu dùng các hệ ERP lớn, hiện đại và tinh vi như Oracle E-Business Suite hoặc SAP thì việc thay đổi đó phải do các công ty chuyên ngành đảm nhiệm, khách hàng không làm chủ, kiểm soát được phần mềm. Các phần mềm này cũng lớn và đắt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó với tới được.

Vì vậy, trong một bài báo gần đây, tạp chí CIO dành cho các giám đốc thông tin cho rằng trong 3-5 năm tới đây, công nghệ phần mềm ERP nguồn mở sẽ là một trong những công nghệ mới nổi đáng chú ý nhất. Một bài báo khác của tạp chí ComputerWorld cũng cho biết các doanh nghiệp vừa có xu hướng chuyển sang dùng các hệ ERP nguồn mở.

Lý do? Khách hàng có thể làm chủ công nghệ và chủ động tùy biến theo ý mình, phù hợp với các đặc thù của doanh nghiệp và đáp ứng được các thay đổi, phát triển liên tục của doanh nghiệp.

Danh sách các bộ ERP cả nguồn mở và nguồn đóng có thể tham khảo tại đây. Dưới đây, ta xem qua một vài phần mềm nguồn mở ERP (Google search “open source erp”) để có khái niệm. Những phần mềm giới thiệu dưới đây chỉ để tham khảo. Người dùng phải tự tìm hiểu, dùng thử, lựa chọn theo danh sách giới thiệu ở trên hoặc search trên Internet.

Openbravo

Openbravo là bộ phần mềm ERP nguồn mở dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có hai phiên bản: bản nguồn mở miễn phí (Community Edition) và bản thương mại (Network Edition, 10.000 ơrô một năm). Bản miễn phí có các công nghệ mới nhất nhưng không tin cậy, ổn định bằng bản thương mại và không có hỗ trợ chính thức của hãng.

Các chức năng chính như sau:

1- Quản lý dữ liệu tập trung (Master Data Management)

Dữ liệu sản phẩm, các bộ phận, danh mục vật tư, khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên, v.v…

Mọi dữ liệu của công ty được quản lý tập trung, đảm bảo không thừa, không thiếu, không trùng lắp và cung cấp cho đúng người, đúng lúc cần thiết.

2- Quản lý mua sắm (Procurement Management)

Đơn giá, đơn hàng, phiếu nhận, hóa đơn, kế hoạch mua sắm và thanh toán, v.v…..

Openbravo xử lý toàn bộ thông tin của quá trình mua sắm một cách tập trung, thống nhất. Mỗi hồ sơ trong quá trình đó chứa các dữ liệu của hồ sơ trước, tránh nhầm lẫn do nhập dữ liệu nhiều lần. Do đó có thể lần theo từng hồ sơ theo thứ tự thời gian của quy trình mua sắm (phiếu đặt mua, phiếu nhận hàng, hóa đơn, thanh toán) và biết được tình trạng hiện tại (chờ giao hàng, đã nhận, đã xuất hóa đơn, v.v…). Bộ phận kế toán sẽ luôn có số liệu cập nhật và tin cậy.

3- Quản lý kho (Warehouse Management)

Các kho và khu vực trong kho, các lô hàng, serial number, nhãn, phiếu nhập và xuất kho, lưu chuyển giữa các kho,….

4- Quản lý dự án và dịch vụ (Project and Service Management)

Các dự án, các giai đoạn của dự án, các công việc, nguồn tài nguyên, ngân sách, chi phí, …..

5- Quản lý sản xuất (Production Management)

Bố trí chung nhà máy, các kế hoạch sản xuất, danh mục vật tư, báo cáo tiến độ, chi phí sản xuất, sự cố, v.v….

6- Quản lý bán hàng và khách hàng (Sales Management and Customer Relationship Management – CRM)

Biểu giá, lãi suất, đơn hàng, khối lượng, chiết khấu, vận chuyển, xuất hóa đơn, hoa hồng, …..

7- Quản lý tài chính (Financial Management)

Các tài khoản, ngân sách, thuế, tài khoản phải thu, phải trả, bảng cân đối, tài sản cố định, …..

8- Quản lý tình hình doanh nghiệp (Business Intelligence)

Các báo cáo chi tiết và tổng hợp, phân tích tình hình chung, các thông tin hỗ trợ quyết định cho lãnh đạo…

Compiere

1- Quản lý tình hình doanh nghiệp (Performance Management & Reporting)

Compiere có 4 dạng báo cáo khác nhau: báo cáo truy vấn, báo cáo tiêu chuẩn (dạng in ấn), báo cáo tài chính và báo cáo tình hình tài khoản. Có thể thiết lập và lấy báo cáo từ nhiều sơ đồ kế toán khác nhau. Có thể thiết lập các giai đoạn báo cáo khác nhau. Các số liệu báo cáo đều dựa trên một kho dữ liệu chung.

2- Quản lý mua sắm (Purchasing)

Các công đoạn của quá trình mua sắm đều được quản lý và tự động hóa ở mức tối đa có thể.

3- Quản lý vật tư (Materials Management)

Quản lý sản phẩm, biểu giá, phiếu nhập kho, xuất kho, vận chuyển, chi phí vật tư cho sản xuất, ….

4- Quản lý sản xuất (Manufacturing)

Lập kế hoạch và theo dõi sản xuất

5- Quản lý đơn hàng (Order Management)

Quản lý các công đoạn lập bảng chào giá, quản lý các đơn đặt hàng, xuất hóa đơn và thu tiền. Môđun này tích hợp chặt chẽ với quản lý vật tư và quản lý khách hàng.

6- Quản lý tài chính (Financial Management)

Chương trình kế toán nội bộ doanh nghiệp

7- Quản lý dự án (Projects)

Quản lý các dự án sản xuất, kinh doanh và các công việc trong doanh nghiệp

Song song và tích hợp với chương trình ERP là chương trình Quản lý Khách hàng (Customer Relationship Management – CRM). Chương trình này có 3 môđun là Quản lý bán hàng (Sales), Quản lý dịch vụ (Service) và Thương mại điện tử (eCommerce).

Compiere gồm 3 phiên bản: Community Edition (miễn phí), Standard Edition (25USD/1user/1năm) và Professional Edition (50USD/1user/1năm).

Sự bất đồng giữa cộng đồng nguồn mở và ban lãnh đạo công ty Compiere dẫn đến hình thành dự án nguồn mở Adempiere năm 2006, một nhánh tách ra từ Compiere. Đây là một dự án bao gồm cả ba hệ phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning), Quản lý Khách hàng (Customer Relationship Management) và Quản lý Hệ thống Cung cấp ( Supply Chain Management). Chi tiết xem thêm tại đây.

Giới thiệu về phần mềm nguồn đóng mySAP xem tại đây.

Ba phiên bản phần mềm mới có tính đột phá sắp ra đời!

1- Ubuntu Hardy Heron 8.04: Ubuntu đã cam kết từ đầu là cứ 6 tháng lại có một phiên bản mới. Sau bản hiện nay 7.10 (tháng 10/2007), phiên bản tiếp theo là 8.04 tên mã là Hardy Heron (con diệc gan dạ) sẽ chào đời vào tháng sau 04/2008). Hiện đã có bản 8.04 beta. Đây là một phiên bản được chờ đón vì sẽ có nhiều thay đổi lớn:

  • Xorg 7.3 trình điều khiển màn hình, bàn phím, chuột đời mới sẽ có tính năng tự cấu hình cao hơn trước. Hỗ trợ cắm nóng và chỉnh cấu hình on-the-fly. Có thêm một số driver mới. Hỗ trợ màn hình cảm ứng. Hỗ trợ chỉnh màn hình thứ hai linh hoạt hơn. Cho đến nay, chỉnh các thông số màn hình vẫn là điểm yếu của Linux so với Windows. Hy vọng là lần này sẽ có nhiều cải tiến.
  • Môi trường đồ họa GNOME 2.22 (đối với Ubuntu) và KDE 4 (đối với Kubuntu). Riêng về giao diện đồ họa thì hiện Linux và Win ngang nhau: bóng bẩy, đẹp, có nhiều hiệu ứng 3D,… Nhưng ngược lại cũng đòi hỏi cấu hình máy cao. Kubuntu KDE4 chạy chậm hơn PCLinuxOS 2007 nhiều mà đồ họa cũng không đẹp hơn.
  • Nâng cấp, thay đổi một loạt các phần mềm ứng dụng.
  • Tích hợp tốt với môi trường mạng Active Directory của Windows nhờ phần mềm Likewise open.
  • Cài đặt và gỡ bỏ trực tiếp trong Windows (như cài một phần mềm Windows, vào một thư mục của Windows) bằng phần mềm Wubi. Loại bỏ được các sai lầm theo kiểu cài cũ (tạo partition mới) có thể làm mất Windows và gây khó khăn ngần ngại cho người mới học Linux. Tính năng này được xem là một bước quan trọng góp phần phổ biến Linux cho người mới dùng.
  • Chi tiết về Ubuntu xem thêm ở đây, Kubuntu: ở đây.

Tính từ hôm nay, còn 31 ngày nữa bản 8.04 sẽ chính thức ra đời.

2- Firefox 3: trình duyệt Firefox hiện đang là bản 2.0.0.12. Phiên bản tiếp theo Firefox 3 đã có đến bản beta 4 với nhiều thay đổi quan trọng:

  • Dùng cơ cấu hiển thị web (Web rendering platform) phiên bản mới Gecko 1.9 với hơn 12.000 mục nâng cấp, sửa chữa.
  • An toàn hơn khi duyệt web: kích vào một biểu tượng nhỏ trong thanh địa chỉ để xem thông tin về chủ nhân site và dạng bảo vệ an toàn của kết nối đến site đó. Các site đã biết như nguồn phát tán malware (virus,spyware, trojan,…) sẽ được cảnh báo khi bạn truy cập vào đó. Các site bị nghi là giả mạo (forgery) sẽ không cho hiện nội dung. Khi tải các file chạy sẽ thông báo cho chương trình antivirus để quét.
  • Dễ sử dụng hơn: quản lý các password tiện hơn, dễ cài các add-on hơn, chương trình Download Manager cải tiến, có thể tiếp tục download sau khi ngừng (resume), zoom toàn bộ trang hoặc chỉ text và nhớ các thiết lập zoom, quản lý các tab thuận tiện hơn, resize được thanh địa chỉ và thanh search, tích hợp giao diện với Vista, Mac và Linux.
  • Cá biệt hóa nhiều hơn: bookmark dễ hơn và quản lý tốt hơn, thanh địa chỉ cải tiến có chức năng auto-complete phong phú và dễ sử dụng hơn, tích hợp với các ứng dụng web,…
  • Tích hợp các công nghệ mới để hiển thị web nhanh hơn và tốn ít bộ nhớ hơn.

Đối với những người dùng web như một môi trường làm việc, trình duyệt quan trọng không kém gì Office.
3- OpenOffice 3: bản OpenOffice hiện là 2.3, bản 2.4 sắp sửa phát hành và khoảng 160 ngày nữa là OpenOffice 3 sẽ ra đời. Ngay từ bây giờ có thể tải bản 3 đang hoàn thiện ví dụ tại đây về dùng thử. Một số tính năng mới:

  • Xem được nhiều trang đồng thời: xem được nhiều trang với độ phóng (zoom) khác nhau, xem hai trang như sách.
  • Hiển thị note (comment) ở bên lề. Tính năng này có trong MS Office nhưng chưa có trong OpenOffice 2.3.
  • Hỗ trợ từ gốc (native) định dạng OpenXML của MS Office 2007 (docx, xlsx, pptx). Các bản OpenOffice 2.3, 2.4 cũng có thể đọc được định dạng này nhờ odf-converter-intergrator . Ngược lại, MS Office đọc được các file OpenDocument (odt, ods, odp) bằng odf-converter.
  • Solver trong Calc để giải các bài toán quy hoạch tuyến tính. Bản OpenOffice 2.3 có thể cài thêm solver này như một extension tại đây.
  • Tô màu trong suốt trong Calc thay cho cách tô màu đặc hiện nay.
  • Tạo bảng trong Impress.
  • Tăng tốc độ mở (hiện OpenOffice 2.3 mở chậm hơn MS Office nhiều).
  • Insert cross-preference là các heading (như trong Word). Tính năng này hiện có trong OpenOffice 2.3 nhưng dùng cách kéo thả và phải insert toàn bộ heading.
  • Nhiều người cùng soạn một bảng tính.
  • Mở và edit được file PDF!

Nhưng có hai tính năng cũng cần lại chưa thấy có: tùy biến bullet, numberring và chia ngang màn hình (rất cần khi dịch văn bản).

Bản OpenOffice 2.4.0 với một số cải tiến có lẽ sẽ ra đời vào 27/3/2008!

Mobile phone và Linux

Một trong những điểm yếu của người mới dùng Linux là nếu cần dùng một tính năng gì, không thấy có phần mềm cài sẵn hoặc không biết tên phần mềm là vội kêu ầm lên: “Linux không làm được cái này”. Thực ra, tìm phần mềm nguồn mở dễ hơn và thoải mái hơn Windows nhiều vì:

1- Chỉ cần biết cách tìm là có vô số phần mềm các cỡ đáp ứng ít hay nhiều nhu cầu đề ra.

2- Khi đã tìm được thì thoải mái cài đặt, thử nghiệm vì tất cả đều miễn phí.

Đây là một ví dụ.

Giả sử ta có một cái mobile phone Nokia 6230i và muốn kết nối với máy tính qua cáp hoặc bluetooth. Trong Windows, cần phải có phần mềm Nokia Suite trong đĩa CD kèm theo. Còn trong Linux (Ubuntu, Kubuntu, PCLinuxOS,…), có thể làm như sau:

  1. Mở chương trình Package Manager (Synaptic, Adept Manager, .. tùy hệ Linux). Gõ vào ô Search từ khóa “mobile” sẽ tìm được danh sách các phần mềm liên quan (khoảng 4-5 phần mềm đối với Ubuntu, PCLinuxOS thì ít hơn). Có thể gõ tên từng phần mềm đó vào Google để mở trang chủ tương ứng và xem giới thiệu đại khái nó làm được gì. Sau đó chọn Wammu là phần mềm có nhiều tính năng hơn cả để cài lên máy. Wammu thực ra là giao diện đồ họa (front end) của chương trình Gammu (back end) – đây là cách tổ chức phần mềm thường thấy trong Linux. Cả Gammu và Wammu sẽ được cài lên máy.
  2. Cắm cáp vào điện thoại và cổng USB của máy tính. Khi trên màn hình điện thoại hỏi “Dùng điện thoại làm thiết bị lưu trữ?”, nhấn “Từ chối”. (Nếu nhấn “Chấp nhận” thì máy tính sẽ xem điện thoại như một ổ USB thông thường nhưng chỉ đọc được các file nhạc MP3 trong thẻ nhớ)
  3. Tìm xem Wammu nằm ở đâu trong menu chính. Trong PCLinuxOS, Wammu xuất hiện trong menu Office – Adressbook. Hoặc không cần tìm, nhấn Alt + F2 rồi chạy lệnh wammu. Màn hình sau xuất hiện:



Trong màn hình trên có 3 cách thiết lập kết nối. Cách đầu và cuối đòi hỏi phải có những hiểu biết kỹ thuật nhất định. Ta chọn cách giữa.

    Sau khi dò tìm, phần mềm sẽ nhận ra điện thoại là Nokia 6230i, kết nối vào thư mục /dev/ttyACM0, kiểu kết nối là at115200. Ghi lại các thông số này.
    (Cũng có thể nhấn vào liên kết ở màn hình trên, mở cơ sở dữ liệu của Gammu để xem kiểu kết nối. Tuy nhiên, thông tin trên đó do người dùng đóng góp có thể không chính xác. Ví dụ với Nokia 6230i, trong cơ sở dữ liệu đó không thấy có kiểu kết nối at115200).
    Nếu kết nối bằng Bluetooth, chọn /dev/rfcomm0, kết nối USB:    /dev/ttyACM0 hoặc /dev/ttyUSB0 , kết nối qua cổng nối tiếp: /dev/ttyS0 .
    Phần thiết lập kết nối trên có thể lặp lại bằng cách vào menu Wammu – Phone wizard).
    Vào tiếp menu Phone – Connect để kết nối với điện thoại.
    Vào menu Retrieve – Info để tìm các thông số của điện thoại: Firmware version, SIM IMSI, serial number (IMEI),…
    Vào menu Retrieve – Contacts (hoặc Calls, Messages, Todos, Callendar) để tải các dữ liệu tương ứng từ điện thoại về máy tính. Phần mềm nhận biết chữ tiếng Việt có dấu trên Nokia.
    Menu Create để tạo các mục mới trên máy tính, ghi vào điện thoại (tiếng Việt unicode). Ví dụ khi tạo một contact mới, contact đó sẽ được tự động ghi vào điện thoại.
    Menu Backup sẽ tạo nên một file lưu trữ các dữ liệu nói trên ghi vào máy tính, đuôi file là backup, ví dụ: Nokia6230i.backup. Khi bị mất sổ địa chỉ trên máy, có thể dùng file này và Wammu để khôi phục lại.

Ngoài Wammu, còn có một số phần mềm khác như KMobileTools , Phone Manager , KitchenSync , GMobileMedia , và ObexTool . Các loại smartphone và PDA dùng SynCE, riêng Motorola có Moto4Lin .

Khi thử dùng một đầu phát bluetooth “tàu” để kết nối với mobile phone, Windows không nhận được đầu phát này, còn Linux thì nhận được ngay và cũng kết nối được bằng Wammu tương tự như trên.

Trong kho phần mềm của (K)Ubuntu có hầu hết các phần mềm này. Còn trong kho của PCLinuxOS thiếu nhiều và có thể phải tìm từ chỗ khác hoặc tự dịch cài. Đây là một điểm phân biệt một hệ Linux “lớn” và “nhỏ” do mô hình kinh doanh của nó.

KẾT LUẬN: Trong thế giới Linux, không thấy hoặc không biết phần mềm không có nghĩa là không có hoặc “Linux không làm được việc này”. Kỹ năng đầu tiên cần biết khi học Linux là tìm phần mềm theo từ khóa (keyword). Có nhiều cách tìm khác nhau đã trình bầy trong blog .

//

ThinkFree – một bộ Office đáng chú ý.

Trong số các bộ Office online hiện có, ThinkFree là một bộ có tính năng tự động đồng bộ giữa Internet và máy tính. Tính năng này tạo ra nhiều phương thức làm việc độc đáo, đáng chú ý. Bài viết giới thiệu ThinkFree xem tại đây.

Tin ngắn về một số phần mềm nguồn mở, linux

1- Phần mềm nhận dạng ký tự (OCR – Optical Character Recognition) là phần mềm dùng chuyển các văn bản scan vào máy tính dưới dạng ảnh thành dạng văn bản soạn thảo được. Có khoảng 5-6 phần mềm nguồn mở OCR được giới thiệu và hướng dẫn cài đặt tại đây.

2- Đối với người mới học Linux, việc cài Linux lên máy chung với Windows, phân chia partition là phần đáng ngại nhất, mặc dù các chương trình cài đặt hiện nay đã cải tiến rất nhiều và khá đơn giản. Để khắc phục tâm lý đó, bộ Ubuntu 8.04 sắp ra đời vào tháng 4/2008 có bộ cài đặt mới Wubi cho phép:

a/ Cài Ubuntu từ trong Windows với màn hình giao diện như cài một ứng dụng Windows (cho đĩa CD vào ổ, màn hình cài đặt sẽ xuất hiện trong Windows).

b/ Ubuntu sẽ được cài lên một thư mục trong Windows, không phải tạo partition, không sợ nhầm lẫn làm hỏng Windows.

c/ Sau khi cài, khởi động lại máy sẽ có boot menu xuất hiện cho phép chọn khởi động vào Ubuntu hoặc Windows.

Cách làm này sẽ góp phần rất lớn trong việc phổ biến Linux. Xem thông tin chi tiết và màn hình cài đặt tại đây. Hiện Ubuntu 8.04 đã có bản alpha5 có thể tải về tại đây.

3- Công ty Willow Garage đang triển khai một dự án chế tạo robot dùng phần mềm nguồn mở. Sắp tới, dự án sẽ được công khai cho mọi người tham gia.

4- Cryptmount là phần mềm dùng mã hoá bảo mật toàn bộ hệ thống file kể cả file swap. TrueCrypt là phần mềm mã hoá file và thư mục, partition, tạo ổ mã hoá theo chế độ on-the-fly (tự động mã, giải mã khi copy file vào, ra thư mục), chạy được trên Windows, Mac và Linux. Giao diện đồ hoạ mới có cho Ubuntu tại đây.

5- Giảm thời gian khởi động của Ubuntu và các ứng dụng bằng Preload.

6- Mới xuất hiện một bộ phần mềm truyền thông hợp nhất Unison chạy trên nền máy chủ Linux, máy trạm Windows cạnh tranh với bộ Exchange – Outlook. Unison kết hợp các máy chủ dịch vụ thư mục, mail, tổng đài điện thoại, tin nhắn, lịch công tác, sổ địa chỉ vào một máy chủ duy nhất. Hiện đang ở dạng beta, cho tải về miễn phí.

Gõ tiếng Việt trong Kubuntu Gutsy 7.10 bằng SCIM

Cho đến nay, tôi vẫn dùng x-unikey 0.9.2a để gõ tiếng Việt trong Kubuntu Gutsy 7.10:

Ưu điểm: – cài đặt dễ dàng, chỉ cài một lần, không phải cấu hình gì thêm. Điều khiển bằng giao diện hoặc phím tắt dễ dàng.

– gõ tiếng Việt trơn tru, thuận tiện trong các ứng dụng và trên web bằng kiểu gõ Telex dùng font unicode. Đã thử gõ font VNI kiểu telex trong OpenOffice Writer cũng tốt. Chưa thử với cách gõ VNI.

Nhược điểm: – Trong OpenOffice Calc, nếu đang gõ mà nhấn SHIFT để gõ chữ hoa tiếng Việt (vd: Đ) thì con trỏ giật sang trái xoá hết các từ đã gõ trước đó. Khắc phục tạm: trước khi gõ vào một ô nào phải nhấn F2 rồi mới gõ.

– Không gõ nhanh trên web được cũng vì cơ chế giật con trỏ sang trái nói trên. Nếu gõ nhanh thì sẽ bị mất một số chữ do con trỏ di chuyển không kịp.

– Các bộ mới hơn 1.02, 1.0.4 thỉnh thoảng bị “đơ”: đang gõ tiếng Việt, đột nhiên không gõ được. Phải nhấn Ctrl+Shift hai lần để tắt tiếng Việt đi rồi bật lại thì mới gõ tiếp được. Chỉ có bộ 0.9.2a là không bị lỗi này.

Hiện đang thử dùng SCIM . SCIM (Smart Common Input Method) là bộ gõ đa năng có thể dùng gõ hàng chục loại ngôn ngữ khác nhau trên thế giới .

Cách cài đặt:

1- Vào KMenu – Adept Manager, tìm và cài scim.

2- Vào site này, tải bản scim-viettiti.deb về rồi cài.

3- Khởi động lại máy, biểu tượng của scim sẽ xuất hiện trong System Tray của panel bar (nếu không thấy, nhấn Ctrl+Space). Nhấn chuột mở SCIM Setup rồi thiết lập mấy mục sau:

Dưới mục IMEngine, chọn Global setup. Nhấn Disable All, sau đó trong mục Vietnamese, enable kiểu gõ vi-telex-locdt. Dưới mục FrontEnd, chọn Global setup rồi chọn Keyboard Layout là English (US). Dưới mục Panel, chọn GTK rồi chọn Show là Always.

Tổ hợp phím để chuyển giữa tiếng Anh và tiếng Việt là Ctrl+Space.

Nhận xét sơ bộ:

Gõ tốt tiếng Việt trong OpenOffice và trên web. Do không dùng cơ chế lùi con trỏ sang trái để đặt dấu nên gõ nhanh được và gõ tốt trong OpenOffice Calc, không bị lỗi như unikey. Nếu hay dùng các trình soạn thảo trên web (forum, email, Google Docs, …) và quen gõ nhanh thì đây là ưu điểm nổi bật.

Đang gõ tiếng Việt, nhận được các từ tiếng Anh như cách gõ của unikey (gõ đúp dấu). Tuy nhiên thỉnh thoảng bị lỗi sau đó không gõ tiếng Việt được, phải Ctrl+Space để bật lại tiếng Việt.

Cần phải thử thêm một thời gian nữa mới có thể kết luận được.

Một vài phần mềm đáng lưu ý

1- Các phần mềm bỏ túi (portable)

Với dung lượng ổ USB ngày càng lớn và giá ngày càng hạ, một khuynh hướng tiện lợi hiện nay là các phần mềm portable: cài sẵn phần mềm trên ổ USB, cắm nhờ vào một máy tính để chạy và lưu dữ liệu trên USB, không đụng gì tới ổ cứng của máy tính.

Một số hệ Linux hiện nay (Pendrivelinux, Ubuntu, PCLinuxOS,….) có thể cài sẵn trên một ổ USB với đầy đủ các ứng dụng cần thiết (trình duyệt, email, OpenOffice,…) và các dữ liệu cá nhân. Bạn chỉ cần bỏ túi ổ USB đó là đi đâu cũng có thể làm việc nếu “nhờ” một máy tính có cổng USB (thậm chí không cần reboot máy), không cần mang theo cả cái laptop cồng kềnh. Dữ liệu của phiên làm việc “nhờ” lưu lại trên USB (kể cả cache trình duyệt, các file tạm, …) do đó đảm bảo bí mật riêng tư của bạn. Các settings cũng lưu lại trên USB, không ảnh hưởng gì đến các phần mềm cùng tên trên máy dùng nhờ. Xem hướng dẫn chi tiết tại site www.pendrivelinux.com.

Nếu không cần đến cả một bộ Linux, bạn có thể chọn cài riêng một số ứng dụng cần thiết vào USB. Site portableapps.com sẽ hướng dẫn bạn. Ví dụ chỉ cần có Firefox portable để làm việc hoàn toàn trên Internet: mở Gmail, soạn văn bản, bảng tính bằng Google Docs and Spreadsheats, Zoho hoặc Thinkfree. Đầy đủ hơn là bộ PortableApps Suite (Standard Edition) for Windows gồm: ClamWin Portable (antivirus), Mozilla Firefox – Portable Edition (web browser), Gaim Portable (instant messaging), OpenOffice.org Portable (office suite), Sudoku Portable (puzzle game), Mozilla Sunbird – Portable Edition (calendar/task manager) and Mozilla Thunderbird – Portable Edition (email client), tổng dung lượng có 90MB, chạy tốt trên một ổ USB 512MB. Không một thông tin nào lưu lại trên máy dùng nhờ và không gây thay đổi gì tới máy đó.

2- Zero Touch Linux (ZTL)

Các phần mềm máy chủ Linux thực sự là thế mạnh của Linux trước Windows do lịch sử lâu đời, độ tin cậy và ổn định của chúng. Tuy nhiên, nhược điểm cơ bản là khó cài đặt và cấu hình (dùng giao diện dòng lệnh), có khá nhiều phương án khác nhau để lựa chọn. (Xem các hướng dẫn cài từng bước trên howtoforge.com).

Mới đây đã xuất hiện bộ Zero Touch Linux 1.0 của hãng Comodo dùng cài đặt và quản lý bằng giao diện Web các phần mềm máy chủ trên nền hệ điều hành Linux CentOS Enterprise-class. Các phần mềm máy chủ trong bộ này gồm: Web, Mail, DNS, Domain Controler, File Server, Printer Server, Database, DHCP, Proxy servers, Firewall servers. Theo quảng cáo trên site, bạn không cần có kiến thức gì đặc biệt để sử dụng. Đây là bộ phần mềm miễn phí nhưng không phải nguồn mở (các phần mềm thành phần trong đó thì là nguồn mở).

CentOS (the Community ENTerprise Operating System) là hệ điều hành nguồn mở dựa trên mã nguồn của RedHat và tương thích 100% với RedHat. Xem giới thiệu tại đây.

Photoshop CS/CS2 đã chạy được trên Linux – Cám ơn Google!

(Bài đăng trên Linux Magazine Online. Chú thích in nghiêng là của người dịch)

Feb 20, 2008
Google đã dùng Wine để chạy Picasa trên Linux; nay nhà tìm kiếm khổng lồ này đã thuê các kỹ sư của Codeweavers cải tiến Wine hỗ trợ cài Photoshop CS và CS2 trên Linux. (Codeweavers là công ty viết phần mềm CrossOver thương mại dùng làm nền chạy các ứng dụng Windows trên Mac và Linux, tương tự như Wine).
Phiên bản Wine 0.9.54 công bố cuối tháng 1/2008 đã hỗ trợ để Photoshop từ phiên bản 5 đến CS2, Photoshop Elements 4 và 5 chạy được trên Wine. Ngoài ra, các ứng dụng như Flash 8 hiện cũng chạy được trên Wine.
(Photoshop là một trong 3 ứng dụng mà người dùng Linux mong muốn có trên Linux nhất theo kết quả một cuộc điều tra năm 2007 của tổ chức Linux Foundation. Hai phần mềm kia là Dreamweaver và AutoCAD.

Nếu không cần đến các tính năng cao cấp của Photoshop, có thể thử các phần mềm sau:

  • Gimp, Gimpshop, Cinepaint, Krita
  • Phần mềm thương mại Pixel.

Cách cài Wine và cài phần mềm Windows trên Wine đã nêu trong tài liệu Hướng dẫn dùng Kubuntu.)

Giới thiệu một số danh sách phần mềm ứng dụng nguồn mở (1)

Lượm lặt linh tinh một số thông tin về phần mềm ứng dụng nguồn mở.

Trong Wikipedia có mục “List of open source softwares“. Trong đó liệt kê khá nhiều loại phần mềm: CAD, sinh học, điện tử, toán, tài chính, v.v… Tất nhiên cái tên của mục hơi quá tham vọng và sẽ không thể nào liệt kê đủ được, nhưng xem danh sách đó cũng có được khái niệm về phạm vi phần mềm nguồn mở và nếu chịu khó tìm cũng có nhiều thông tin có ích.

Ví dụ lần theo mục “Heathcare software” sẽ dẫn tới trang “List of Heathcare software” liệt kê 18 loại phần mềm y học với khoảng 120 phần mềm. Trong đó có từ phần mềm quản lý bệnh viện, xử lý ảnh xét nghiệm, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho đến các hệ điều hành nguồn mở chuyên dụng cho y học.

Phần bên dưới trang List of open source software có nhiều địa chỉ các nguồn thông tin khác trên Internet về danh sách các phần mềm nguồn mở. Một vài ví dụ:

“Thư mục phần mềm tự do – Free Software Directory” là một dự án chung của “Tổ chức phần mềm tự do- Free Software Foundation” và “Tổ chức khoa học, giáo dục, văn hóa Liên hợp quốc – UNESCO”.

Site “Bảng các phần mềm Linux tương đương/thay thế/tương tự với các phần mềm Windows – The table of equivalents / replacements / analogs of Windows software in Linux. là một site tương đối hay, có nhiều phần mềm và cập nhật (mới nhất 25/11/2007).

Hai site có nhiều phần mềm nguồn mở nhất là loại site quản lý các dự án nguồn mở (hosting to Open Source software development projects): SourceForge.net và Freshmeat.net. Site SourceForge.net hiện có khoảng 170.000 dự án với 1.700.000 user đăng ký. Site Freashmeat.net có 44.000 dự án với 400.000 user đăng ký. Tại các site này có thể tải mã nguồn, chương trình cài đặt, theo dõi tình hình phát triển của dự án, tiếp xúc với các tác giả,… Dự án ở đây có từ những dự án nguồn mở lớn nhất (hệ điều hành, nhân Linux,…) cho đến những dự án nhỏ nhất (thư viện, công cụ,…).

Tất cả các phần mềm nguồn mở theo nguyên tắc phải công bố công khai cả mã nguồn và chương trình cài đặt, chạy trên Internet và cho download tự do về dùng. Hầu hết các lĩnh vực ứng dụng đều có phần mềm nguồn mở. Do đó khi cần một phần mềm nào, việc đầu tiên là Search theo keyword, sau đó cài đặt thử để chọn ra cái phù hợp (cùng một mục đích ứng dụng thường có nhiều phần mềm khác nhau). Chi tiết cách tìm phần mềm và các cách cài đặt đã trình bày  trong tài liệu “Hướng dẫn sử dụng Kubuntu” công bố trên blog này.

OxygenOffice – phiên bản OpenOffice tăng cường

Bộ OxygenOffice Professional (trước kia gọi là OpenOffice Premium) là một phiên bản tăng cường (enhanced) của OpenOffice. Các phần tăng cường gồm:
1- Hơn 3.400 ảnh chụp và hình vẽ tổ chức thành gallery, dễ dàng chọn và chèn vào các file OxygenOffice.
2- Một số bản mẫu (template) và hồ sơ mẫu (sample document).
3- Trên 90 font.
4- OOoWikipedia : một công cụ search Wikipedia từ trong OxygenOffice.
5- Phần trợ giúp tăng cường: menu help nhiều hơn, sổ tay sử dụng (Use’s Manual), các thủ thuật sử dụng (tip) nhiều hơn OpenOffice.
6- Có thêm các gradient, màu và các phần tử trang trí có ích khác
7- Có thể chạy các macro VBA của Excel trong OxygenOffice Calc. Tính năng này (đang phát triển,chưa xong) rất có ích cho việc chuyển đổi từ Excel sang Calc.
8- Có thể mở các file của Microsoft Office 2007 (theo định dạng Open XML: docx, …), Works, WordPerfect.

Tải về tại đây. Lưu ý là kích thước file cài lớn gấp đôi OpenOffice. Có thể tải riêng một số phần tăng cường trên rồi cài vào OpenOffice.

Một số lỗi khi dùng GDebi cài phần mềm deb

GDebi là phần mềm dùng cài đặt các file deb không nằm trong các kho phần mềm của Kubuntu (Ví dụ: x-unikey). Đây là phiên bản đầu chuyển từ Gnome sang KDE nên có thể chưa hoàn chỉnh và gặp một số lỗi sau:
1- Sau khi nhấn nút Install Package, màn hình GDebi mờ đi, đèn ổ cứng sáng liên tục một lúc lâu rồi màn hình GDebi tắt, không kết thúc quá trình cài đặt như thông thường. Phần mềm không cài được. Khi đó nếu vào Adept Manager, search được tên phần mềm định cài với trạng thái (status) là BROKEN thì có thể nhấn phím phải chuột, chọn Request Install để cài lại. Nếu không search được tên phần mềm thì phải mở terminal, cài bằng lệnh sudo apt-get install <path/tên phần mềm> hoặc sudo dpkg -i <path/tên phần mềm> như đã nói trong một post trước.
2- Sau khi nhấn nút Install Package, trên màn hình GDebi báo lỗi: Couldn’t find package (không tìm thấy gói phần mềm). Khi đó, có trường hợp copy gói định cài ra Desktop thì lại cài được. Nếu vẫn tiếp tục báo lỗi như trên thì phải dùng lệnh sudo dpkg -i <path/tên phần mềm> .
Hy vọng lỗi này sẽ chóng được sửa.

Phần mềm quản lý dự án OpenProj 1.0

Ngày 10-1-2008, công ty Projity (www.projity.com) đã chính thức công bố phiên bản 1.0 của phần mềm nguồn mở quản lý dự án OpenProj. Tải về tại địa chỉ http://sourceforge.net/projects/openproj/files/ .

Trong một post trước đã giới thiệu sơ bộ về phần mềm này. Nhìn chung, với trình độ và nhu cầu quản lý dự án hiện tại, OpenProj có thể thay thế được cho MS Project. Trong trường hợp một dự án lớn, có một đội quản lý dự án làm việc chung, ở rải rác nhiều nơi thì công ty cung cấp dịch vụ Project-ON-Demand quản lý dự án qua Internet.

Phần mềm này chạy trên nền Java (platform-independent, không phụ thuộc hệ điều hành), do đó có thể tải bản openproj-1.0.zip về, giải nén ra một thư mục, không cần cài. Nếu chạy từ Windows thì nhấn vào file openproj.bat, chạy từ Linux thì chạy file openproj.sh (trước đó cần đổi thuộc tính file này thành executable). Khi chạy trên Windows thì hiển thị font tiếng Việt unicode tốt, trong Linux font tiếng Việt hơi xấu do không đúng font. Cần tìm hiểu thêm xem font dùng trong Windows là font gì rồi cài sang Linux thì chắc sẽ hiển thi tiếng Việt tốt.

Cũng có các bản cài cho các hệ điều hành (deb cho các hệ Linux Debian, rpm – hệ Linux RedHat, msi – Windows) nhưng vẫn là chạy trên nền Java. Sau khi cài vào Kubuntu, menu OpenProj sẽ xuất hiện trong KMenu – Office.

Phần mềm này là sản phẩm của một công ty nên phát triển tương đối nhanh, chứng tỏ có đầu tư thích đáng. Bản beta 2 ra đời tháng 8/2007 đến nay đã có bản chính thức 1.0. Như đã nói trong post trước, đã thử mở một file dự án rất lớn của MS Project có 3.200 task (3MB) thì file mở trơn tru, nhanh, đầy đủ thông tin (IPDesktop không mở được file này). Ngay trong tuần đầu công bố bản beta đã có 200.000 lần download.

Nhược điểm lớn hiện nay là mở được file mpp nhưng không lưu được thành file mpp. Với tất cả thông tin trên, rất có thể là trong những phiên bản sau sẽ có nhiều cải tiến.

Lựa chọn, đánh giá phần mềm

Lựa chọn, đánh giá phần mềm dùng trong một tổ chức (Enterprise software evaluations) là cả một dịch vụ chuyên nghiệp bài bản có các quy trình, tiêu chuẩn, công cụ đánh giá rất chặt chẽ.
Ví dụ về một công ty cung cấp dịch vụ đó có thể xem tại http://www.technologyevaluation.com/, trong đó:

  • Lý thuyết về cách chọn phần mềm: xem tại đây
  • Các bước tuần tự online để đánh giá và chọn phần mềm xem tại đây
  • Các mẫu tiêu chuẩn để đánh giá một bộ phần mềm tải về tại đây. Trong đó, bộ phần mềm ERP có hơn 3500 tiêu chuẩn, phần mềm quản lý nhân sự 856 tiêu chuẩn, phần mềm kế toán – tài chính 1388 tiêu chuẩn.
  • Chọn phần mềm nguồn mở tại đây

Nên xem qua để biết chúng ta “ngây ngô” đến mức độ nào.

Phần mềm xử lý ảnh GIMP và GIMPshop

GIMP (GNU Image Manipulation Program) là chương trình xử lý ảnh nguồn mở miễn phí nổi tiếng được coi là ngang ngửa với Photoshop đối với người dùng cá nhân (www.gimp.org ). GIMP có các bản chạy trên Windows, Linux, Unix và Mac OS X.
Khi xử lý ảnh thương mại, nhược điểm lớn nhất của GIMP là chưa hỗ trợ hệ màu CMYK và Pantone (hiện đang xây dựng phần hỗ trợ CMYK). Một nhược điểm nữa của GIMP là giao diện khác xa Photoshop.
Để khắc phục nhược điểm thứ hai, phần mềm GIMPshop dựa trên GIMP có giao diện giống Photoshop đến mức tối đa. GIMPshop cũng có các bản cho Windows, Mac OS X và Linux tải về tại http://plasticbugs.com/?page_id=294 . Một số hướng dẫn cài đặt có tại http://thegimpshop.net/pages/index.php
Để xem các ý kiến so sánh GIMP và Photoshop, search ” GIMP vs. Photoshop”. Tôi không có đủ khả năng trong lĩnh vực xử lý ảnh nên chỉ giới thiệu để mọi người tham khảo.

Phần mềm nguồn mở trên Windows

Phần mềm nguồn mở không phải chỉ có trên Linux. Điển hình là bộ OpenOffice có cả bản dành cho Windows, Linux, Solaris, Mac OS,…Dưới đây là danh sách 100 phần mềm nguồn mở chạy trên Windows (tất nhiên là không chỉ giới hạn ở con số 100):
http://itmanagement.earthweb.com/osrc/article.php/3718206