Ghi chép về giao diện đồ họa và card màn hình (phần 2)

3. Nhân Linux và driver card màn hình

(tiếp theo phần 1)

3.3-Ảnh phẳng hai chiều (2D computer graphics, 2D acceleration)

Trong những máy tính đầu tiên, việc tạo ảnh trên màn hình do bộ xử lý trung tâm (CPU – Central Processing Unit) dùng bộ nhớ RAM của máy thực hiện song song với việc chạy các phần mềm, do đó chậm. Các card màn hình ra đời với bộ xử lý đồ họa riêng (GPU – Graphic Processing Unit) và RAM đồ họa riêng đã làm tăng tốc (acceleration) việc tạo và hiển thị ảnh trên màn hình. Do đó mới có từ Graphics accelerators (bộ gia tốc đồ họa), hardware acceleration, 3D acceleration và 2D acceleration.

Kiến trúc driver tạo ảnh phẳng đầu tiên trong Linux là XFree86 Acceleration Architecture ( XAA) và vẫn được dùng trong một số version Xserver sau này.

Đến đời Xserver 6.9/7, một kiến trúc mới là EXA được dùng thay thế cho XAA. Điều đặc biệt là cái tên tắt EXA được chính X.Org Foundation định nghĩa là “ acceleration architecture with no well-defined acronym.”, tức là không có định nghĩa rõ ràng EXA là viết tắt của những từ nào.

Sau khi GEM ra đời, Intel cũng xây dựng một kiến trúc driver mới là UXA để các driver màn hình hỗ trợ GEM. Hiện tại, driver card màn hình Intel xf86 -video-intel dùng UXA thay cho EXA.

3.4-Ảnh khối ba chiều (3D computer graphics, 3D acceleration)

OpenGL ( Open G raphics L ibrary) là chuẩn giao diện lập trình ứng dụng (API) cho các phần mềm tạo ảnh phằng và khối, chủ yếu là khối (tương tự Direct3D của Microsoft). Giao diện này gồm hơn 250 lời gọi hàm để tạo các ảnh 3D phức tạp từ các phác thảo hình học.

Mesa3D là bộ phần mềm nguồn mở thực hiện chuẩn OpenGL, được dùng làm lõi (core) cho các driver của X.org.

Direct Rendering Infrastructure ( DRI ) – Hạ tầng tạo ảnh trực tiếp , là giao diện và phần mềm nguồn mở dùng trong X Window System cho phép các phần mềm ứng dụng truy cập trực tiếp đến card màn hình không cần truyền dữ liệu qua X server . Nó được dùng chủ yếu trong Mesa . Các phiên bản cũ còn được gọi là DRI1 để phân biệt với phiên bản mới DRI2 bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2008. Trong thành phần DRI có module Direct Rendering Manager (DRM) và một số thứ khác nữa.

4. Sơ lược về tình hình hiện tại

Như vậy, để thay thế cho các công nghệ cũ của X.org có từ thời XFree86, chỉ từ năm 2008 đến nay, một loạt công nghệ đồ họa mới ra đời và được đưa vào ứng dụng theo hướng chuyển các chức năng đồ họa từ Xserver vào kernel:

  • Đầu tiên là nhân Linux có bộ quản lý bộ nhớ card màn hình GEM.

  • Do có GEM nên việc đặt độ phân giải và chiều sâu màu màn hình giao cho nhân (kernel modesetting).

  • Kiến trúc driver màn hình cũng thay đổi liên tục từ XAA → EXA → UXA.

  • Hạ tầng tạo ảnh DRI cũng chuyển từ DRI1 sang DRI2.

Tuy nhiên, trong giai đoạn giao thời, cái mới và cũ đan xen nhau lẫn lộn, phần do cái mới còn có lỗi, chưa hoàn chỉnh, phần khác các driver cho các card màn hình cũ chưa thể viết lại để áp dụng công nghệ mới.

Đan xen ở đây có nghĩa:

  • Một bản Linux có thể quyết định dùng một phần hay toàn bộ, dùng cả hai công nghệ mới và cũ cho từng trường hợp cụ thể. Ví dụ Ubuntu 10.04 tắt kernel modesetting với driver i915, nhưng trong thực tế một số card cũ lại phải bật nó lên. Mandriva 2010.1 Beta2 không rõ dùng công nghệ nào nhưng cài lên máy có card Intel cũ vẫn trơn tru không phải tác động gì.

  • Các driver màn hình đời mới nhất có thể không dùng được nếu không khớp với các công nghệ được chọn trong bản Linux (ví dụ driver chính hãng NVIDIA với Ubuntu 10.04). Khi đó phải dùng driver cũ hơn.

4.1-Card màn hình Intel.

Intel là hãng hăng hái đi đầu trong phần mềm nguồn mở. Các driver do hãng phát triển đều là PMNM nằm trong dự án X.org. Theo thông tin ở đây :

  • Tháng 11/2007, driver Intel 2.2.0 chính thức bỏ XAA thay bằng EXA.

  • Tháng 10/2008, driver Intel 2.5.0 bắt đầu hỗ trợ GEM và kernel modesetting nhưng vẫn dùng EXA.

  • Tháng 7/2009, driver Intel 2.8.0 chính thức bỏ XAA/EXA chỉ hỗ trợ UXA.

  • Tháng 1/2010, driver Intel 2.10.0 bỏ user modesetting chỉ dùng kernel modesetting.

  • Tháng 4/2010, driver Intel ra bản mới nhất là xf86-video-intel 2.11.0

Chỉ cần nhìn các mốc thời gian cũng thấy giai đoạn gần đây driver thay đổi nhanh đến thế nào. Và vì vậy các trục trặc là không tránh khỏi.

Trong Mandriva 2010.1, driver Intel có tên là x11-driver-video-intel. Trong Ubuntu 10.04 là xserver-xorg-video-intel 2.9.1 đều cùng từ xf86-video-intel.

Intel đi tiên phong nên cũng gặp nhiều rắc rối như đã nói ở đây.

4.2-Card màn hình AMD/ATI

Từ năm 2004, ATI thuê chuyên gia Linux viết driver fglrx vừa nguồn mở vừa nguồn đóng. Driver này chất lượng không tốt, còn nhiều lỗi. Hiện nay, ATI Linux driver có tên là ATI Catalyst như Windows.

Driver nguồn mở của ATI hiện có:

  • Radeon (xf86-video-ati) dành cho các card Radeon 7000 đến Radeon HD 4890, FireGL, FireMV, FirePro and FireStream. Trong Ubuntu, driver này có tên là xserver-xorg-video-radeon. Hỗ trợ EXA, KMS, DRI2.

  • Radeonhd do Novell viết dành cho các card r5xx và mới hơn. Trong kho Ubuntu, driver này có tên xserver-xorg-video-radeonhd và danh sách các card hỗ trợ đi kèm. Mandriva có x11-driver-video-radeonhd.

  • R128 driver cổ từ thời XFree86 dành cho các card Rage 128.

  • Mach64 dành cho các card March64.

Trong kho Ubuntu có gói xserver-xorg-video-ati. Khi cài gói này, tùy theo card hiện có nó sẽ cài một trong các driver nguồn mở nói trên.

4.3-Card màn hình NVIDIA.

Nvidia cung cấp hồ sơ kỹ thuật về card cho X.org phát triển driver nguồn mở nv (xserver-xorg-video-nv trong Ubuntu). Driver này chỉ có 2D, không 3D. Nhưng từ 3/2010, Nvidia tuyên bố ngừng hỗ trợ nv.

Nouveau là driver nguồn mở dành cho card Nvidia (Riva, TNT, GeForce, and Quadro) có hỗ trợ 3D nhưng viết dựa trên kỹ thuật “dò ngược – reverse engineering”, không phải dựa trên hồ sơ do Nvidia cung cấp. Dự án này còn mới, chưa hoàn thiện, được Fedora 11, Mandriva 2010.1 (x11-driver-video-nouveau) và Ubuntu 10.04 (xserver-xorg-video-nouveau có ghi chú là experimental) dùng làm driver mặc định .

Nvidia tự phát triển riêng một driver nvidia nguồn đóng, tải về tại đây. Danh sách các card dùng driver đó có tại địa chỉ trên. Tài liệu hướng dẫn khá dài xem ở đây. Nhưng ngay tại trang download, Nvidia khuyến nghị rằng “ Nhiều bản Linux cung cấp driver NVIDIA theo dạng đóng gói riêng. Nó sẽ tương tác tốt hơn với bản Linux đó vì vậy nên dùng nó hơn là dùng gói phần mềm chính thức”

Ví dụ Ubuntu cài driver nguồn đóng này từ System → Administration → Hardware Drivers. Mandriva có trong kho  x11-driver-video-nvidia-current

Ghi chép về giao diện đồ họa và card màn hình (phần 1)

Ghi chép về giao diện đồ họa và card màn hình (phần 1).

(Gần đây thấy nhức đầu về card màn hình trong các bản Linux. Mời cụ Gúc một bữa nhậu, được cụ chỉ bảo cho những điều dưới đây).

1. Giao diện:

Con người là một cái máy tính sống do Đấng Tối cao (Chúa, Thượng đế, Tự nhiên,… tùy theo tôn giáo) chế tạo ra. Năm giác quan (với một số người có cả giác quan thứ sáu)của con người nhận tín hiệu (âm thanh, hình ảnh, mùi vị, …), dịch thành các xung thần kinh mà não hiểu được, não sẽ đưa các input đó vào các chương trình được cài sẵn (bản năng) hoặc do ta tự cài sau này (kinh nghiệm cuộc sống, học tập) phản ứng lại với các tín hiệu đó và trả kết quả với môi trường và xã hội.

Thế giới bên ngoài của máy tính chủ yếu là người sử dụng nó. Máy tính có hai giác quan chính là bàn phím và chuột, đôi khi có thêm mắt (webcam) và tai (microphone), cũng cần một phần mềm để tiếp nhận các lệnh của người dùng (một phím được gõ, một cú kích chuột, v.v…), dịch thành các lệnh mà bộ não của nó (processor) hiểu được, thực hiện lệnh đó và trả kết quả về cho người dùng (hiển thị kết quả lên màn hình, phát ra loa, v.v….)

Phần mềm giao diện đóng vai trò người phiên dịch giữa máy và người: tiếp nhận và dịch lệnh của người cho máy rồi lại nhận kết quả từ máy và dịch ra dưới dạng người hiểu được. Có mấy loại giao diện chính:

  • Giao diện dòng lệnh ( Command line interfaces ): phần mềm vỏ (shell, hiện phổ biến nhất là bash – Bourne Again Shell) thực hiện giao diện này. Khi ta mở terminal gõ một lệnh nào đó, bash dịch lệnh đó rồi chuyển cho hệ điều hành thực hiện và báo kết quả lên màn hình terminal (nếu có).

  • Giao diện đồ họa ( Graphical user interfaces GUI ): cái màn hình màu sắc với icons, menu, windows mà ta nhìn thấy hàng ngày. Đó là đối tượng chính của bài viết này.

  • Giao diện web ( web user interfaces – WUI): Gmail, Yahoo Mail chẳng hạn dùng giao diện này và tương lai khi điện toán đám mây phát triển nó sẽ là giao diện thống trị trên các máy tính cá nhân.

2. Giao diện đồ họa trong Linux, Unix

Giao diện (nói chung) trong Linux gồm 2 lớp. Lớp trên cùng mà người dùng nhìn thấy ( user graphic interfaces) là KDE, GNOME, Xfce, …Lớp này còn một số thứ linh tinh nữa nên thường được gọi là desktop environment mà tôi dịch là môi trường đồ họa. Lớp giữa, trung gian giữa user graphic interfaces với nhân Linux là X Windows System.

X Windows System (còn gọi là X hoặc X11) gồm một bộ phần mềm và các giao thức mạng cung cấp giao diện đồ họa cơ bản nhất (và do đó cũng sơ khai nhất) cho các máy tính (kể cả qua mạng). Phiên bản mới nhất là X11R75 (X11 Release 7.5).

X hoạt động theo mô hình client – server. Một máy chủ X server chạy trong máy tính, nhận lệnh và trả kết quả ra màn hình. Các chương trình khách quản lý (driver) bàn phím, chuột, màn hình cảm ứng của máy đó hoặc các chương trình truy cập từ xa của các máy khác trên mạng truyền lệnh cho X server.

Tổ chức X.Org Foundation chịu trách nhiệm phát triển các phiên bản X Server. Vì vậy X Server thường được gọi là X.Org Server hoặc Xorg Server. Trong thành phần của Xorg Server có phần mềm X server và các driver của bàn phím, card màn hình, chuột. Tên các gói phần mềm liên quan thường có cụm xserver-xorg (Ubuntu). Ví dụ driver của chuột là xserver-xorg-input-mouse, driver card màn hình Intel i8xx và i9xx là xserver-xorg-video-intel.

Trước đây (trước 2004), X Server có tên là XFree86 Server, vì vậy một số gói phần mềm trong X Server hiện vẫn có cụm từ xf86.

Dưới đây ta gọi tắt là Xserver và quan tâm chính đến quan hệ của nó với bàn phím, chuột, màn hình, đặc biệt là màn hình và các card màn hình.

Trước đây, Xserver điều hành chuột, bàn phím, màn hình và cấu hình 3 thứ đó ghi trong file /etc/X11/xorg.conf (xem thêm tại đây ). Gần đây, chức năng đó chuyển cho nhân Linux (kernel) nên từ Ubuntu 9.10 không còn file xorg.conf nữa, Mandriva 2010.1 thì vẫn còn.

3. Nhân Linux và driver card màn hình

Trong thập niên vừa qua, card màn hình (rời hoặc onboard) ngày càng mạnh hơn, có thể chạy được các ứng dụng 3D như game và thiết kế. Nhưng các ứng dụng chủ yếu vẫn là 2D và dùng các card hiện đại đó vẫn như cách dùng các card đời cũ, nghĩa là không hiệu quả.

Đặc biệt với Linux thì hệ thống xử lý đồ họa còn nhiều khiếm khuyết, ngay cả với các card cũ.

Ví dụ: Mỗi driver Xorg quản lý bộ nhớ card màn hình theo cách riêng và khi cần đến 3D thì dùng DRI. DRI ( Direct Rendering Infrastructure) là phần mềm giao diện cho phép ứng dụng truy cập trực tiếp với card màn hình không qua X server để tạo gia tốc phần cứng cho các ứng dụng OpenGL. Driver cũng chịu trách nhiệm thiết lập độ phân giải và chiều sâu màu màn hình (gọi là modesetting ), việc đó là không tối ưu vì kernel đã thực hiện modesetting lúc khởi động rồi. Và còn nhiều bất cập khác.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều cố gắng hiện đại hóa việc xử lý đồ họa của Linux để có thể sử dụng được toàn bộ sức mạnh của các card màn hình hiện tại và tương lai. Một loạt vấn đề được xây dựng mới: gia tốc 2D, 3D, quản lý bộ nhớ, hạ tầng tô màu, v.v… vì vậy có nhiều đổi mới nhưng cũng nhiều trục trặc do mọi thứ đều còn quá mới.

Khuynh hướng chung là chuyển việc quản lý đồ họa từ Xserver sang nhân Linux (Linux kernel).

3.1-Bộ quản lý bộ nhớ card màn hình trong nhân Linux

Điều kiện tiên quyết để Linux kernel có thể quản lý đồ họa là nó phải quản lý được bộ nhớ của card màn hình.

Cuối năm 2008, phiên bản nhân Linux 2.6.28 bắt đầu đưa vào dùng một bộ phận quan trọng: bộ quản lý bộ nhớ card màn hình gọi là GEM (Graphic Execution Manager) làm tăng tốc độ xử lý đồ họa lên tới 50%.

Trước GEM, đã có một bộ quản lý bộ nhớ màn hình gọi là TTM do Tungsten Graphics viết, nhưng quá phức tạp. GEM, do Intel xây dựng, được coi là một phiên bản nhỏ hơn, đơn giản hơn của TTM nhưng chỉ phù hợp nhất với các card màn hình Intel. Vì vậy các card NVIDIA và ATI hiện nay dùng bộ quản lý GEM-ified TTM : bên trong là TTM, giao diện là GEM. Bản thân GEM cũng đang được mở rộng để hỗ trợ các card khác.

Việc quản lý tốt bộ nhớ card màn hình bởi GEM cho phép đưa vào hàng loạt cải tiến khác về xử lý đồ họa: Kernel Modesettings, DRI2, UXA . Hệ thống xử lý đồ họa trong Linux bắt đầu được thống nhất và ăn khớp với nhau một cách tối ưu.

3.2-Độ phân giải màn hình và chiều sâu màu màn hình

Việc đặt độ phân giải (screen resolution) và chiều sâu màu (color depth) màn hình, được gọi là mode settings , là rất quan trọng để các màn hình đồ họa hiển thị đúng.

Nếu modesetting chỉ sai nhẹ, hình và chữ bị phóng to, không sắc nét, màu nhợt nhạt. Nếu sai nặng, màn hình đồ họa sẽ không xuất hiện và chỉ có “màn hình xanh tang tóc – blue screen of death” đối với Windows và “màn hình đen tang tóc – black screen of death” đối với Linux.

Với Linux, trước 2008, modesetting do Xserver thực hiện. Từ khi có GEM, việc này mới bắt đầu chuyển cho kernel đảm nhận ( kernel mode setting – KMS ) .

Điều rắc rối với Linux hiện tại là không phải tất cả các driver card màn hình đã kịp hỗ trợ tốt tính năng mới này.

Từ kernel 2.6.29 (3/2009), KMS hỗ trợ các card Intel đời mới GMA. Nhưng các card GM đời cũ thì cái có cái không. Vì vậy Ubuntu 10.04 tắt KMS đối với các card Intel dùng driver i915, nhưng có trường hợp lại phải bật nó lên (xem thêm ở đâyở đây).

Card ATI Radeon trước R600 được KMS hỗ trợ từ kernel 2.6.31, card R600, R700 từ kernel 2.6.32.

NVIDIA không chịu công bố các tính năng kỹ thuật của card để giữ bí mật thương mại và tự viết driver cho Linux, miễn phí nhưng nguồn đóng. Driver này lại trục trặc với Ubuntu 10.04. Các nhà lập trình nguồn mở dùng kỹ thuật “ dò ngược – reverse engineering” để viết driver nguồn mở Nouveau cho card NVIDIA và đưa vào kernel 2.6.33.

Như vậy hiện nay có hai hệ thống mode settings có thể kích hoạt tùy theo từng loại card màn hình cụ thể: hệ thống cũ dùng Xserver và hệ thống mới dùng kernel.

Tủ áo của Linux

8 Great Alternative Desktop Managers For Linux

Nov. 17th, 2008 By Damien Oh
Lược dịch Zxc232 (chữ nghiêng là lời người dịch)

Trong một post trước đã giới thiệu hai bộ áo thông dụng nhất của Linux: KDE và GNOME. KDE4 (bản mới nhất là 4.3 vừa ra đời) là bộ áo dạ hội, lộng lẫy, màu sắc và cũng lỉnh kỉnh nhiều phụ tùng. Một trong những tính năng hay của KDE4, nhất là ở bản 4.3, là notification (thông báo): di chuột vào đâu cũng có màn hình thông báo xuất hiện, mạng bị đứt hay nối lại đều có thông báo nhanh với đầy đủ thông tin. KDE3 và GNOME là bộ áo đi làm, đủ tính năng và chạy nhanh trên các máy tính thông dụng hiện thời.

Nhưng nếu máy cấu hình yếu hoặc muốn nhanh hơn thì hãy thử một trong các bộ áo dưới đây.

1. XFCE

xfce- desktop manager linux

Xfce là môi trường đồ họa nhẹ cho các hệ điều hành kiểu unix. Nó nhằm vào mục tiêu nhẹ và nhanh nhưng vẫn đủ trực quan và dễ sử dụng. Xfce viết bằng bộ công cụ GTK2+ cũng như GNOME, vì vậy ai quen GNOME sẽ thấy Xfce thân thuộc.

Xfce có điểm hay là tùy biến được toàn bộ như KDE và GNOME. Toàn bộ gói Xfce được chia thành nhiều dự án cho từng phần khác nhau của màn hình desktop. Vì vậy có thể cài đặt toàn bộ hoặc chỉ cài những phần tùy chọn và tùy biến theo ý thích.

Các bản Linux phổ biến hầu như đều có một phiên bản riêng dùng Xfce, ví dụ Xubuntu. Bản Xubuntu 9.04 chạy nhanh và cũng khá đẹp.

2. Enlightenment

enlightenment linux

Enlightenment là bản đồ họa desktop nhẹ mà tôi thích nhất. Nó có tính cách mạng, nhìn hấp dẫn và cực dễ dùng. Trong khi hầu hết các bản đồ họa desktop khác bỏ các hiệu ứng đồ họa để giảm yêu cầu về phần cứng, Enlightenment làm ngược lại. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy nó có thể chạy trơn tru, đẹp đẽ ngay cả trên các máy cấu hình thấp.

Khi lần đầu log in vào, bạn sẽ ngạc nhiên vì không thấy menubar, panel hoặc icon trên màn hình, tất cả chỉ có một màn hình màu đen và một pager ở đáy màn hình. Kích vào chỗ bất kỳ trên màn hình sẽ có menu xuất hiện. Di chuyển chuột hoặc cuộn bánh xe sẽ thấy các cửa sổ đã thu nhỏ trong pager hiện lên với hiệu ứng đồ họa. Lúc đầu giao diện kiểu này hơi khó dùng nhưng nếu bạn đã quen thì sẽ không muốn dùng các loại đồ họa desktop khác nữa.

3. FVWM-Crystal

fvwm-crystal

Nếu bạn thích các eye-candy, bạn sẽ thích FVWM-Crystal. FVWM-Crystal dựa trên trình quản lý cửa sổ FVWM. Nó giữ nguyên tính linh hoạt và khả năng tùy biến cao của FVWM, bổ xung nhiều cải tiến vào giao diện. Kết quả là có một giao diện đẹp, các cửa sổ nửa trong suốt và nhiều eye-candy.

Trong số các bản đồ họa desktop, FVWM-Crystal có tốc độ nhanh nhất khi khởi động hoặc mở ứng dụng. Nó tích hợp tốt với XMMS, XMMS2, MPD, Quod Libet và cdcd. Nếu bạn tìm một bản đồ họa desktop đẹp có thể link với music server dễ dàng thì FVWM-Crystal đúng là cái bạn cần.

4. LXDE

LXDE

Là một người đã có kinh nghiệm với GNOME và KDE, tôi thấy LXDE rất dễ dùng. Lý do là vì LXDE là phiên bản nhẹ của GNOME và KDE tổ hợp với nhau. Đáy màn hình có panel giống KDE và giao diện thì theo kiểu GNOME nên không có gì mới phải học. Nếu bạn có máy tính cấu hình yếu và không muốn xa rời KDE hoặc GNOME thì LXDE là lựa chọn tốt.

Ai muốn xem LXDE có các hiệu ứng Compiz, cửa sổ bay tá lả có thể thử bản Linux Knoppix.

5. IceWM

icewm

IceWM đơn giản và có khả năng tùy biến cao (mới nhìn thì xấu). Tất cả các thiết lập lưu trong một file text đặt trong thư mục home của user nên dễ cấu hình và sửa.

Nếu thích một giao diện giống Windows 95, có thể tạo nó trên IceWM. Cũng có thể dùng các theme khác để làm nó giống Windows Vista, Mac OS hoặc bất kỳ thứ gì bạn muốn.

6. Fluxbox

fluxbox

Fluxbox là môi trường đồ họa cực tiểu vì nó hỗ trợ tối thiểu đồ họa và chỉ có một taskbar. Muốn cho hiện menu thì kích phím phải chuột. Giao diện có thể thay bằng các theme khác được, phần lớn settings đặt trong các file text có thể sửa dễ dàng.

7. Window Maker

windowmaker

Window Maker là một trong số ít bản đồ họa desktop có công cụ đồ họa để cấu hình các thiết lập hệ thống. Công cụ đó (Wprefs) dễ dùng, tránh việc sửa file cấu hình và giúp cho user (dù là người mới hay đã có kinh nghiệm) dễ dàng cấu hình và chỉnh sửa được các thiết lập hệ thống.

Cũng như Fluxbox, Window Maker là bản đồ họa desktop tối thiểu. Trên cả màn hình chỉ có 4 icons trong đó một cái để mở terminal, một cái để chạy Wprefs. Nhấn phím phải chuột, menu chính sẽ xuất hiện.

8. AfterStep

afterstep

Ban đầu dựa trên giao diện NeXTStep, AfterStep là một bản đồ họa desktop nhất quán, thoáng và đẹp có thể chạy trên các máy cấu hình thấp. Cũng như các bản đồ họa desktop nhẹ khác, nó nhanh, ổn định, dễ dùng và dễ cấu hình.

Ngoài những cái nêu trên, còn nhiều nữa. Xem thêm tại đây.

Cài đặt:

Để dễ phổ biến (lưu được trong một đĩa CD), các bản Linux gốc chỉ có một môi trường đồ họa (Ubuntu dùng GNOME, Kubuntu dùng KDE, Xubuntu dùng Xfce, v.v…..). Có thể cài thêm các bản đồ họa desktop khác mà không ảnh hưởng gì đến bản gốc cả, trừ việc menu có thể nhiều chương trình hơn. Nếu có sẵn trong kho phần mềm (thường là dưới dạng meta package) thì cài dễ nhất. Kho của Mandriva có nhiều graphical desktop nhất. Còn nếu không phải hỏi cụ Gúc tìm đến site gốc tải về cài.

KDE 4.3 có thể cài lên Ubuntu theo các hướng dẫn ở đây. hoặc ở đây.

Sau khi cài xong, log out ra rồi chọn theo hướng dẫn ở đây.

KDE hay GNOME?

KDE và GNOME là hai môi trường đồ họa (graphic desktop environnent) phổ biến nhất của Linux nhưng cũng không phải là duy nhất. Ngoài ra còn có Xfce, Lxde, e17, … khoảng một tá nữa. Thời mới làm quen với Linux, KDE gây được cảm tình hơn GNOME vì dạng giao diện gần Windows, có System Settings giống với Control Panel và màu xanh tươi mát của nó (hồi đó chưa biết cách tùy biến màn hình, cũng chưa biết bật Control Center của GNOME). Nhìn cái giao diện của Ubuntu 6.10 xấu tệ.

Vì vậy để tránh những phức tạp chưa cần thiết, nếu mới làm quen với Linux nên chọn KDE.

Sau này khi công lực thâm hậu rồi thì KDE hay GNOME chỉ còn là sở thích. Vì nói chung các phần mềm ứng dụng viết cho KDE vẫn cài chạy được trên GNOME và ngược lại.

Ví dụ đang dùng Ubuntu nhưng hay ghi đĩa CD thì nên cài k3b (viết cho KDE) có nhiều tính năng hay hơn là trình ghi đĩa brasero mặc định của GNOME. Ngược lại, trình System Monitor cùa GNOME nhiều thông tin hơn System Monitor của KDE v.v…

Cái hay của thế giới nguồn mở là khả năng tự do lựa chọn chỉ sau vài cú nhấp chuột. Những phần mềm cài sẵn theo một hệ Linux chưa chắc đã phải là cái hay nhất đối với từng người. Để chơi nhạc, Amarok, Songbird, SMplayer, VLC, …. ? thử cũng đủ mê mải rồi.

Đến hiện nay, GNOME (ví dụ Ubuntu) nên dùng để làm việc vì chạy nhanh, nhạy hơn so với KDE4, giao diện nguyên thủy tương đối chân phương giống như một anh công chức nghiêm chỉnh vậy. KDE nhất là KDE4 màu sắc điệu đà, rực rỡ nhưng chậm hơn, kém nhạy hơn, đòi hỏi cấu hình máy cao hơn. Tính năng thì cũng một chín một mười, KDE4 mới sinh nên còn chưa đủ độ chín.

Trước đây cứ phải tải về Ubuntu, Kubuntu, Mandriva KDE, Mandriva GNOME, … rồi chia nhiều partition cài lần lượt từng bộ. Thực ra thì không cần phải thế.

Với Ubuntu, cài xong mở Synaptic cài thêm kubuntu-desktop (khoảng hơn 300MB) thậm chí cả xubuntu-desktop. Hoặc ngược lại cài Kubuntu xong, cài thêm ubuntu-desktop, v.v… Khi cài như vậy, không chỉ KDE, GNOME mà cả một số phần mềm ứng dụng phổ biến của môi trường đó cũng được cài. Ví dụ khi cài ubuntu-desktop thì trình thư điện tử Evolution cũng kèm theo. Nếu muốn cài riêng GNOME có thể dùng lệnh sudo apt-get install --no-install-recommends ubuntu-desktop.

Với Mandriva cài xong mở Install & Remove Software, chọn Meta Packages ở danh sách góc trên, bên trái màn hình, chọn tiếp Graphic Desktop thì sẽ có cả KDE3, KDE4, GNOME, Xfce, Enlightenment, Lxde, Ede để chọn. Mỗi gói có chữ task đằng trước, ví dụ task-gnome. Trong đó nếu chọn task-gnome-minimal thì chỉ cài tối thiểu GNOME, chọn task-gnome là cài đầy đủ các phần mềm kèm theo.

Cài xong logout ra, trong màn hình Login, nhấn vào biểu tượng bút chì (Mandriva) hoặc Options -> Select Session (Ubuntu) chọn GNOME, KDE, … tùy ý. Sau đó nhập username, password là đăng nhập được vào môi trường đã chọn. Trong menu chương trình sẽ có thêm nhiều chương trình của các môi trường khác nhau. Ví dụ cài cả KDE và GNOME thì có cả KMail và Evolution. Nếu không thích, gỡ bỏ cả hai rồi cài Thunderbird (trình email chống spam tốt nhất hiện nay).

Cài như vậy, trên cùng một partition sẽ có cả ba bộ Ubuntu, Kubuntu và Xubuntu, thích login vào bộ nào cũng được.

Tóm lại cuối cùng ta sẽ có thế này:

  • Khi khởi động máy lên, xuất hiện boot menu có vài ba hệ Linux khác nhau để chọn (mỗi bộ mất khoảng 5GB, cách cài đã nói trong một post trước).
  • Chọn một hệ để khởi động vào, tới màn hình Login lại có vài ba lựa chọn môi trường đồ họa nữa. Thích chân phương đứng đắn thì chọn GNOME (nguyên bản), thích màu mè thì KDE4, thích nhanh, nhẹ (nhưng cũng không kém đẹp) hoặc máy cấu hình yếu thì chọn Xfce, Lxde, v.v…

Nhưng cái trò đó cũng chỉ để tìm hiểu khi còn đang khám phá, và cũng nên cẩn thận không dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”: cái nào cũng thích, cũng hay, loay hoay giữa đàn mỹ nữ không biết nên thiên vị cô nào. Nếu còn thích một bộ hơn bộ khác vì quen hơn, dễ dùng hơn là tu luyện chưa thành chính quả.

Khi công lực đã đạt đến hỏa hầu nhất định thì bộ Linux nào cũng không quan trọng nữa (nếu căn cứ trên nhu cầu sử dụng thông thường). Tất cả đều na ná giống nhau, có thể tùy biến, bổ xung cái mình thích. Vì về cơ bản các bộ phận để lắp ráp nên chúng đều là một: nhân Linux, môi trường đồ họa, các trình ứng dụng,…. Cài một bộ mới không khó khăn gì và mất thêm đôi chút thì giờ tìm hiểu những điểm khác biệt. Trong vài ba bộ phổ biến nhất, bộ nào cũng có cái hay, cái dở, xêm xêm như nhau.

Khi đã giang hồ hoa lá chán rồi thì sẽ dừng lại ở một nơi mà yên hưởng tuổi già. Lúc đó Linux chỉ còn là công cụ, không còn là đối tượng khám phá nữa. Tuy nhiên, nếu máu giang hồ chưa dứt thì vẫn còn cả thế giới nguồn mở mênh mông. Linux chỉ là một góc và là góc dễ khai phá nhất mà thôi.