Phần mềm ứng dụng Windows và Linux

Phần mềm ứng dụng Windows và Linux.

(Rỗi việc lan man một tý)

Khi bạn chuyển từ Windows sang Linux, bạn sẽ bị bỡ ngỡ ban đầu về cách cài đặt, các khái niệm mới (tên file, thư mục phân biệt chữ hoa chữ thường, thư mục gốc / thay cho C:\, cách cài thêm phần mềm, v.v….) – những điều này có trong các tài liệu hướng dẫn cài đặt và sử dụng (hơi cũ) tiếng Việt tải về từ các link ở góc trên bên phải màn hình blog này.

Bước tiếp theo sẽ là những lúng túng về cách sử dụng các phần mềm ứng dụng cài sẵn hoặc đi tìm những phần mềm Linux tương đương với phần mềm đã quen dùng bên Windows. Các trở ngại chính thường gặp là:

Sức ỳ của tâm lý và thói quen

Điều này chung cho mọi thứ trên đời, không cứ phần mềm. Hồi tôi mới chuyển từ xe số sang xe ga cũng bị vài cú phanh gấp bằng chân, đổ xe, suýt đâm người khác rồi mới quen dần hai cái phanh tay. Cái khác là mất tiền mua xe rồi không dám kêu, ra sức luyện lại thói quen, còn với phần mềm đa số kêu toáng lên “Linux không phanh được” hoặc “Phanh của Linux không tiện bằng Windows”.

Nếu một tính năng quen thuộc bên Windows mà chưa thấy ngay ở bên Linux thì:

  • Đọc tài liệu, hỏi han trên các forum, thậm chí mò mẫm xem nó ở đâu. Những tính năng thông thường đa phần là có nhưng không ở chỗ quen dùng, hoặc đặt tên khác. (Không có phanh chân không phải là không phanh được)
  • Tìm hiểu cách sử dụng nó. Có thể không giống cách làm bên Windows thì phải chịu khó học sử dụng. Thậm chí có thể phức tạp hơn Windows (ví dụ viết công thức toán trong OpenOffice) thì phải chấp nhận. (Dắt một cái xe ga cồng kềnh vào chỗ đỗ chật hẹp khó hơn một cái xe số gọn nhẹ, nhấc đuôi xe lên được, vậy mà chả thấy ai kêu).
  • Nếu hiện tại một tính năng nào đó không có hoặc sử dụng phức tạp thì không có nghĩa là mãi mãi nó sẽ như thế. Những phiên bản sau nó sẽ có hoặc được cải tiến. Trong những năm gần đây, phần mềm nguồn mở phát triển khá mạnh và nhanh.

Năng lực cá nhân, cách học và sự hỗ trợ

Đưa một cái xe tay ga cho thanh niên (bất kể nam hay nữ) thì dù chưa đi bao giờ chắc cũng lọ mọ tự tìm hiểu được. Nhưng nếu đưa cho một bà trung niên đang quen đi xe số thì không có người hướng dẫn không xong.

Với một người có khả năng tư duy khá, tiếng Anh đọc được thì tìm hiểu cách dùng một phần mềm mới không thành vấn đề. Nhưng với người mà học Windows cũng trầy trật thì chắc chắn phải cần hỗ trợ.

Nhưng tại sao học Windows lại dễ thế?

Vì xung quanh bạn rất nhiều người biết Windows, các khó khăn của bạn luôn có thể tìm được người hoặc sách vở tiếng Việt chỉ bảo. Còn Linux thì số người biết, nhất là xung quanh ta, ở cơ quan hay ở nhà, đếm được trên đầu ngón tay. Tài liệu tiếng Việt càng hiếm.

Linux và các phần mềm nguồn mở thông dụng học không khó hơn Windows nhưng cách học phải khác. Khi học Windows ta không cần biết cách học. Bài bản thì theo sách, theo lớp, mà nếu không thì nay hỏi một tý, mai hỏi một tý rồi cũng dùng tạm được. Có người dùng được Windows mà chưa đọc qua quyển sách nào, theo một lớp nào.

Khi học PMNM bạn phải nhìn thẳng vào sự thật và xác định trước cách học. Nếu bạn tự cho là có chỉ số thông minh (IQ) khá, tiếng Anh đọc tốt, biết cách giao du với cụ Gúc, bạn có thể tự học được. Còn nếu không phải chọn bản Linux nào có nhiều tài liệu tiếng Việt, nhiều người biết, nhiều diễn đàn tiếng Việt và có người hướng dẫn thì càng tốt. Và hiện nay, Ubuntu đáp ứng được các yêu cầu đó (mặc dù cá nhân tôi thích Mandriva hơn).

Cách học lúc đó bắt buộc phải đọc tài liệu hướng dẫn, biết đọc và hỏi han trên các diễn đàn. Đặt một câu hỏi đúng không phải ai cũng làm được. Bạn chỉ cần đọc một số câu hỏi trong các comment trên blog này cũng thấy. Nhiều câu thật không biết trả lời thế nào.

Cái cần thiết nữa là sự kiên nhẫn, quyết tâm.

Khi học Windows, trong thâm tâm ai cũng hiểu là bắt buộc, không học được không xong và chẳng còn đường nào khác. Vì vậy ai cũng ngậm tăm mà học, chẳng dám kêu ca, than thở gì, từ cháu học sinh đến các bậc tiền bối sắp về hưu run rẩy di từng nét chuột.

Giả sử Chúa không tạo ra Bill Gate và thế giới chỉ toàn Linux thì thái độ mọi người học Linux cũng sẽ như thế.

Nhưng tuyệt đại đa số người đến với Linux, kể cả tôi hồi bắt đầu, đều biết rằng có một cái cửa thoát hiểm rất to ở ngay bên cạnh. Nếu cái gì không hiểu, không làm được, ngại hỏi han tìm hiểu thì tiện nhất là kêu lên “Linux chán quá, Linux không làm được”. Thậm chí cả khi máy in chưa bật cũng “Linux không in được”! Và lập tức quay về Windows cho nhanh.

Điều này là lẽ thường tình không phải chỉ diễn ra với Windows và Linux. Ngay cả các fan của Linux, khi đã quen một bản nào đó, cũng ứng xử với bản Linux mới y như trên: chỉ lăm lăm chê bai và nhanh chóng tìm về với cái quen thuộc.

Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng nếu không còn đường quay lại Windows (cơ quan bắt buộc dùng Linux chẳng hạn) thì sau một hồi kêu ca phàn nàn, đâu cũng vào đấy. Vì quen rồi, biết cách dùng rồi và công việc cũng vẫn tốt chẳng còn vì những “yếu kém” của Linux nữa.

Vì vậy nếu bạn quyết tâm tìm hiểu Linux, hãy cố gắng “dứt tình” với Windows, đóng sập cánh cửa thoát hiểm đó lại. Trừ một số trường hợp đặc biệt sẽ nói sau, những nhu cầu thông thường Linux đều làm được như tôi đã từng chứng kiến.

Tìm phần mềm ứng dụng chạy trên Linux

Nếu bạn đã quen một phần mềm Windows, muốn tìm một phần mềm Linux cùng tác dụng hãy vào một trong hai site: www.osalt.com hoặc www.linuxalt.com. Một vài ví dụ:

1- Matlab: vào osalt.com, gõ từ matlab vào ô search ta được danh sách sau: sage 4.1, Octave 3.0, Scilab 4.1.2.

2- Adobe Photoshop CS4: tương ứng là GIMP, Krita, Cinepaint.

3- Adobe Premiere Pro CS4: Cinelerra, Avidemux, Kino.

4- Game: xem bài này.

Tuy nhiên hai site này không phải là tất cả. Ví dụ các phần mềm biên tập video PiTiVi và OpenShot không có trong danh sách trên.

Vì vậy nên hỏi thẳng cụ Gúc “linux open soure ….” . Ví dụ “linux open source video editor” cho ra cả đống link nữa. Đặc biệt Wikipedia thường có những bài rất hay giới thiệu và liệt kê danh sách các loại phần mềm.

Bước tiếp theo là tìm hiểu từng phần mềm xem có đáp ứng yêu cầu của mình không. Có nhiều cách tìm hiểu:

Tự tìm hiểu: nếu có khả năng thì tải phần mềm về cài và tự mò mẫm lấy. Phải nhớ những điều đã nói ở mục 1 bên trên.

Xem thiên hạ nói gì: hỏi cụ Gúc xem thiên hạ nói gì hoặc tự lên các diễn đàn hỏi. Một trong những từ khóa nên dùng là “pros and cons” (tạm dịch: ưu và khuyết) ví dụ “ Cinelerra pros and cons”.

Điều này rất quan trọng vì PMNM không chỉ cùng viết phần mềm mà còn cùng học. Ví dụ nếu tôi đang là tín đồ ngoan đạo của Photoshop và Premiere và không biết rằng một số tên tuổi lớn của Hollywood hậu thuẫn cho Cinepaint (xem ở đây) và nhiều xưởng phim lớn dùng Linux (xem ở đây), sau khi tìm hiểu qua loa tôi có thể đưa ra những “nhận định” rất “ngố” tôn Adobe lên mây và hạ đám Linux xuống bùn.

Đã có những quan chức “nhớn” của một tập đoàn kinh tế “cỡ thế giới” phán một câu xanh rờn “Linux không dùng để giao dịch quốc tế được” chỉ vì chưa đọc những cái này.

Trong thời buổi Internet, thay cho câu “Uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói” là câu “Gúc bẩy lần trước khi nói” nếu bạn không muốn trót “phán” ra những câu mà sau này phải đỏ mặt xấu hổ.

Một từ khóa nữa cũng nên dùng là “vs.” (có dấu chấm ở cuối, viết tắt của versus, tạm dịch là so sánh với). Ví dụ “GIMP vs.” sẽ cho bạn cả mớ những ý kiến so sánh GIMP và Photoshop. “Dropbox vs.” cho nhiều link so sánh dịch vụ Dropbox với các dịch vụ khác tương tự, từ đó có thể tìm ra dịch vụ phù hợp với yêu cầu của bạn hơn là Dropbox.

Nhu cầu thật sự của bạn là gì?

Thói quen “dùng chùa” mà nói thẳng ra là “ăn cắp” phần mềm lâu năm của cả xã hội khiến chúng ta luôn có xu hướng đòi cái tốt nhất, mới nhất. Tôi đã chứng kiến những người nước ngoài “mắt tròn, mắt dẹt” khi thấy ở Việt nam đang dùng những phần mềm đời mới nhất mà họ cũng chưa được dùng.

Tôi cũng đã dự những buổi bàn cách tiêu tiền chùa, có những quan chức cứ khăng khăng đòi mua những phần mềm “Mercedes” vì những phần mềm đó “hiện đại nhất, tốt nhất” trong khi nhu cầu thực tế và khả năng thực tế cũng chỉ để chở phân ra ruộng.

Cùng một mục đích, có đến cả tá PMNM khác nhau với đủ loại cấp độ từ đơn giản đến phức tạp và đặc biệt là cái nào cũng có thể tải về vô tư. Vì vậy nếu không xác định nhu cầu chính xác, bạn có thể mất công vô ích học GIMP rất phức tạp chỉ để sửa ảnh nghiệp dư, trong khi dùng Krita đơn giản và nhanh hơn nhiều.

Và khi thật sự PMNM không đáp ứng nhu cầu của bạn, thì dùng phần mềm Windows (xem ở đây). Đang bò lết theo Bill Gate mà quay ngoắt sang cun cút chạy theo Linus Torvalds cũng không phải là hay.

(Đến giờ đi ăn cơm rồi).

1 thoughts on “Phần mềm ứng dụng Windows và Linux

Bình luận về bài viết này