Niềm hy vọng đầu năm mới 2012

Niềm hy vọng đầu năm mới 2012.

(Đầu năm mới luôn là lúc dành cho hy vọng. Khai phím năm 2012 bằng một niềm hy vọng cho phần mềm tự do, nguồn mở, mặc dù có thể là ngây thơ, viển vông nhưng có hy vọng cũng còn hơn không)

Đầu năm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có bài viết trình bày các quan điểm chỉ đạo vĩ mô về kinh tế (xem tóm tắt). Bài viết này có mấy điểm đáng chú ý (giả thiết VTV tóm tắt đúng.)

Về tổng thể, bài viết này lần đầu tiên nêu rõ các quan điểm vĩ mô về kinh tế khá ‘đột phá’, “đổi mới”, rõ ràng và có lý.Các giải pháp cũng rất “trúng”, chỉ còn chờ xem biện pháp triển khai cụ thể thế nào. Nghe như Thủ tướng quyết tâm cài Linux vào đầu đám công chức đang quen chạy Windows!

Tất nhiên ở Việt nam từ chủ trương đến thực hiện là một khoảng cách dài, nhưng dù sao về nhận thức có bước đột phá như thế là điều đáng mừng và tạo nên hy vọng.

Phần đầu nêu định nghĩa thế nào là “thể chế kinh tế thị trường hiện đại” gồm 5 đặc trưng cơ bản. Trong đó đáng chủ ý là đặc trưng thứ ba:

Thứ ba, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình về các chính sách quản lý, các đề án phát triển cũng như trong hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Công khai minh bạch không những tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin, mà quan trọng hơn, sẽ tạo điều kiện cho người dân giám sát các quyết định của các cơ quan quản lý, là biện pháp cơ bản để ngăn ngừa tham nhũng và sự tác động của các “nhóm lợi ích” vào quá trình ra quyết định.

Một quan điểm khá mới và khá lạ, “đột phá” trong môi trường nước ta hiện nay. Trong đó:

  • Chủ trương công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình không những của chính phủ (về các chính sách quản lý, đề án phát triển) mà còn cả doanh nghiệp (các chủ thể kinh doanh).
  • Do đó tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho người dân giám sát ….
  • Và coi công khai, minh bạch là biện pháp cơ bản ngăn ngừa tham nhũng và ngăn ngừa tác động của các nhóm lợi ích vào quá trình ra quyết định (của chính phủ).

Trong một bài viết trước “Đánh giá mức độ minh bạch và mở của chính phủ Mỹ” có nhắc đến một trong những chỉ thị đầu tiên của tổng thống Mỹ Obama khi mới nhậm chức về “Chính phủ minh bạch và mở”. Trên website Nhà Trắng, đó là “Sáng kiến Chính phủ mở – Open Government Initiative”, trong đó Obama cam kết:

“Chính phủ của tôi cam kết tạo nên một mức độ mở chưa từng có của chính phủ. Chúng tôi sẽ cùng làm việc để đảm bảo sự tin tưởng của công chúng, thiết lập một hệ thống minh bạch, có sự tham gia của công chúng và sự hợp tác. Tính mở sẽ củng cố nền dân chủ của chúng ta, thúc đẩy hiệu lực và hiệu quả của chính phủ”.

Thế nào là minh bạch, sự tham gia và hợp tác xem giải thích trong bài viết đã dẫn ở trên:

  • Minh bạch (transparency): các cơ quan chính phủ phải sử dụng các công nghệ mới nhanh chóng công bố online các hoạt động và quyết định của mình dưới dạng sao cho công dân có thể dễ dàng tìm và sử dụng.
  • Tham gia (participatory): các cơ quan chính phủ phải tạo điều kiện, khuyến khích công dân tham gia vào quá trình làm chính sách để tăng tính hiệu quả và cải thiện chất lượng chính sách.
  • Hợp tác (collaboration): Các cơ quan chính phủ phải dùng các công cụ, phương pháp, hệ thống mới để hợp tác với nhau ở tất cả các cấp, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân.

Như vậy, có sự tương đồng khá lớn về mặt chủ trương giữa hai chính phủ. Chính phủ Mỹ đã đi vào hành động cụ thể được 3 năm và coi phần mềm nguồn mở như một trong những “công nghệ mới, công cụ, phương pháp, hệ thống mới” để thực hiện sáng kiến nói trên. Cụ thể (xem):

  • Chính phủ Mỹ đã dùng nền tảng nguồn mở để xây dựng website chính thức của phủ Tổng thống whitehouse.gov và Cổng thông tin điện tử data.gov với các công cụ để thực hiện tính minh bạch, tham gia và hợp tác nói trên
  • Bộ phận tin học của Phủ Tổng thống tham gia viết phần mềm nguồn mở và công bố công khai cho cộng đồng sử dụng.i
  • Các bộ ngành của chính phủ cũng tích cực sử dụng phần mềm nguồn mở trong hoạt động của mình (ví dụ: bộ Quốc phòng là bộ tích cực nhất, xem)
  • Đang có một dự án lớn do NASA chủ trì nhằm xây dựng một hạ tầng điện toán đám mây nguồn mở chung cho toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước (xem)

Tất nhiên, để thực hiện các chủ trương vĩ mô nói trên cần rất nhiều biện pháp, công cụ, cách triển khai cụ thể mà trong đó phần mềm nguồn mở chỉ là một công cụ kỹ thuật. Chính phủ Mỹ đã dùng công cụ này và chúng ta cũng có quyền hy vọng.

Mặt khác, việc huy động quần chúng tham gia giám sát, hợp tác xây dựng chính sách về bản chất cũng là áp dụng mô hình nguồn mở như đã nói ở đây.

Mà anh Ba quyết tâm cài Linux vào đầu đám công chức đang quen chạy Windows thiệt ha?

(Còn có một điểm lạ nữa: dùng khái niệm “thể chế kinh tế thị trường hiện đại” mà không phải là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và cũng không nói rõ cái định hướng ấy là gì. Có lẽ phải chờ xem bản gốc).

4 thoughts on “Niềm hy vọng đầu năm mới 2012

  1. Lộ trình cho nền CNTT VN cho tới năm 2020 hình như chưa được thủ tướng ký, mặc dù đã sang năm 2012. Vấn đề tài chính là yếu tổ ảnh hưởng chính.
    Hy vọng trong quý 1 năm nay sẽ ra lộ trình CNTT VN cho tới năm 2020. Hơn nữa, trong lộ trình đó, có chỉ thị rõ ràng về định hướng FOSS trong khối công của chính phủ.

  2. tôi chẳng tin vào mấy đề án đó cho lắm, về ý tưởng thị mọi đề án dù lớn hay bé, dù nhỏ hay to đề thiết thực, em chỉ sợ công tác triển khai thực hiện như thế nào thôi. Đừng có đầu voi đuôi chuột thì nguy(giống như đề án ….về CNTT). Còn về việc Thủ tướng quyết tâm cài Linux vào đầu đám công chức đang quen chạy Windows! thì hơi bị khó đó. vì sao tôi lại nói thế chỉ vì có một sở TTTT của tỉnh nọ đề nghị Lãnh đạo tỉnh chứng nhận chiến sỹ thi đua cho 1 nhân viên vì thành tích dùng excel 2003 để quản lý các đơn vị viễn thông trong địa bàn tỉnh. Còn thi đánh giá Linux đưa vào sử dụng thử nghiệm thì trưởng phòng khoa học phán 1 câu Linux khó dùng hơn windows.

    Hahaha thế thì làm sao Linux có cựa vào

Gửi phản hồi cho Nguyễn Vũ Hưng Hủy trả lời