Tình hình kinh doanh Phần mềm nguồn mở trong thời suy thoái kinh tế.

Tình hình kinh doanh Phần mềm nguồn mở trong thời suy thoái kinh tế.

Trong một post trước về những khó khăn tài chính của Mandriva, tôi có viết “Nhưng có lẽ những người kinh doanh nó chưa tìm ra con đường đúng”.

Nhận định đó đúng căn cứ vào những thông tin mới nhất dưới đây.

Khi toàn thế giới bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế vừa qua (và bây giờ vẫn đang tiếp tục, chưa biết có chắc thoát ra được không), đã có nhiều nhận định đó là cơ hội của PMNM. Khi mà các tổ chức bị thu hẹp vốn ngân sách, các công ty vật lộn cắt giảm chi phí để sống còn, việc tìm đến PMNM như một phương án rẻ tiền hơn là điều không thể tránh, dù có thích hay không.

Tình hình khó khăn đến mức mà Chính phủ Anh phải đóng cửa 600 website của các cơ quan chính phủ để tiết kiệm tiền (theo tin ở đây) là một ví dụ.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường phần mềm của công ty tư vấn Accenture được trình bày tại đây, hai phần ba số tổ chức được hỏi sẽ tăng đầu tư vào PMNM trong năm nay, 40% tổ chức nói sẽ chuyển các phần mềm quan trọng (mission-critical software) của họ sang dùng PMNM trong khoảng thời gian 12 tháng tới.

Accenture điều tra hơn 300 công ty blue-chip, một nửa trong số đó nói rằng họ cam kết sẽ dùng PMNM.

Trong đồ thị trên, có 4 câu hỏi đặt theo trục tung, trục hoành là số % tổ chức:

  • Nhóm trên cùng “Bạn đã xem qua PMNM, không thử và quyết định không dùng” – 11%.

  • Nhóm thứ hai “Bạn đã xem, đã thử và quyết định không dùng” – 13%.

  • Nhóm thứ ba “Bạn đang thử và có quan điểm thoáng về tương lai của PMNM cũng như về các ứng dụng PMNM trong công việc” – tức là không chống, nếu phù hợp sẽ dùng 28%.

  • Nhóm dưới cùng “Bạn hoàn toàn ủng hộ và đang dùng PMNM trong công việc” – 50%.

Ở Mỹ và Anh, các công ty nói rằng họ cho rằng PMNM có hai ưu điểm then chốt là chất lượng và độ tin cậy. 70% trong số đó ghi nhận độ tin cậy và 69% nói họ thấy PMNM có độ an toàn và khắc phục lỗi tốt hơn PMNĐ.

Chi phí thấp của PMNM cũng là nguồn động lực lớn. 71% nói họ tin rằng sẽ tiết kiệm được chi phí bảo trì phần mềm, cũng như tổng chi phí sở hữu và chi phí phát triển.

Nhưng các công ty không muốn chia sẻ các dự án PMNM của riêng họ, chỉ 1/3 số công ty đồng ý làm điều đó. Đây là một điều đáng quan tâm nhất nếu như PMNM bị đóng kín trong nội bộ công ty. Chia sẻ cho cộng đồng là sức mạnh của PMNM.

Một bài báo gần đây trên NetworkWorld cũng cho biết các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) đang tiếp tục rót vốn vào các công ty PMNM. Tại sao vậy? Bài báo viết:

“Có thể do tình hình kinh tế đã khá lên hoặc cộng đồng các nhà đầu tư thấy mê mô hình kinh doanh nguồn mở. Hoặc có thể là cả hai. Nhiều công ty kinh doanh PMNM đã thoát ra khỏi suy thoái, trở nên mạnh hơn và cạnh tranh tốt hơn. Các quỹ đầu tư nhận ra điều đó như cá mập đánh hơi thấy máu trong nước.

Một kết luận khác rút ra từ việc đầu tư của các quỹ vừa qua là mô hình “nhân nguồn mở” đang được ủng hộ. Phần lớn những công ty được đầu tư không kiếm tiền từ dịch vụ hoặc hỗ trợ. Họ cung cấp phần nhân của phần mềm nguồn mở miễn phí và bán các module tính năng bổ xung hoặc các add ons.”

Như vậy, hiện đang có mấy cách kinh doanh PMNM:

  1. Nguồn mở toàn bộ (và do đó miễn phí). Bán dịch vụ hỗ trợ. Đó là điều hiện công ty Canonical đang làm với Ubuntu.

  2. Có bản miễn phí, bản nâng cao thì thu phí như Mandriva.

  3. Thu phí tất, nhưng có bản open cho cộng đồng như Red Hat và SUSE.

  4. Bản cơ bản với tính năng hạn chế thì miễn phí. Các phần bổ xung (dưới dạng module hoặc add ons) thì thu phí như các công ty nói trong bài báo trên.

Trong hai công ty hàng đầu về PMNM, Red Hat báo cáo kết quả quý hai doanh số tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận cũng tăng và dự báo kết quả quý sau cũng tăng.

Tuy nhiên, Novell, công ty đứng thứ hai sau Red Hat, doanh thu quý hai giảm 5,4%.

Update: trang wiki của Mandriva vưà cho biết Mandriva 2010.1 sẽ phát hành vào ngày 5/7/2010


4 thoughts on “Tình hình kinh doanh Phần mềm nguồn mở trong thời suy thoái kinh tế.

  1. Tui có một giấc mơ như thế này: Nếu tự dưng có một núi tiền bằng chừng 1/4 Bill Gates thì món tiêu xài đầu tiên của tui là ký cái séc 1 tỷ đô cho Debian.
    (còn lại mấy chục tỷ để rủ zxc232 đi cafe)

  2. Nếu là em thì ký séc 1 tỷ $ cho Canonical, vài triệu $ cho các dự án nguồn mở khác, còn lại gửi ngân hàng và lấy lãi hàng tháng đi uống cafe với anh zxc32 😀

Bình luận về bài viết này