Hậu cung của nhà vua

(Nghỉ cuối tuần mà trời nóng quá, ngại ra đường nên ngồi nhà nổi máu văn chương)

Sau khi đã lập xong hậu cung và trở thành một cao thủ trong tình trường Linux, đức Hoàng thượng rùng mình nghĩ lại thời mình còn lẽo đẽo đi theo bà Hoàng hậu già Windows khó tính, bệnh tật virus đầy người, hơi một tý lại lăn ra ngất. Nói cho công bằng, không có bà dìu dắt, Người cũng chẳng có ngày hôm nay. Bây giờ, Người ngạc nhiên nhìn lũ trai trẻ trong vương quốc cam tâm cúc cung tận tụy với Windows mà không biết rằng cả một chân trời mới đang ở ngay bên cạnh. Bởi vậy, Người mới quyết định giới thiệu hậu cung của mình để làm gương.

Và cũng bởi Người bắt đầu thấy nhàm rồi, đang tiến quân đi chinh phục những vùng đất mới.

Nước nhỏ và nghèo nên hậu cung xây trên một miếng đất khá chật: notebook Dell INSPIRON 700m với CPU Pentium M 1.6MHz, 1.256 GB RAM, 40 GB HDD, 82852/855GM Intel Integrated Graphics Device.

Đất hẹp nên mỗi quý phi chỉ được có khoảng 4-5 GB ext3 partition và có một phòng sinh hoạt chung My Documents (ntfs partition, 10 GB) thừa hưởng lại của hoàng hậu Windows XP đã quá cố (xóa sạch rồi chỉ còn lại có My Documents) và cái sảnh swap partition 500 MB cũng dùng chung nốt. Menu list là cái danh sách quyết định cô nào được ân sủng vua vời sẽ nói sau.

Mandriva 2009.1 KDE

snapshot1

Cô này vốn xuất thân từ một dòng họ quý tộc lâu đời (Mandrake 1.0, 7/1998). Cái tính quý tộc thể hiện từ hình thức đến nội dung. Mọi sinh hoạt đều tuân thủ theo nề nếp gia phong của Control Center và System Settings rất đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, có lớp có lang từng bước một (wizard). Riêng cái nề nếp đó chưa có cô nào theo kịp, kể cả openSUSE. Bảo cô làm việc gì cũng dễ dàng và ngoan ngoãn.

Bộ áo KDE 4.2 cô đang diện vốn là một bộ áo thời thượng nhất, đẹp nhất hiện nay nhưng cũng khó mặc nhất. Nhiều cô khác cũng cố khoác nó lên người nhưng rồi phải bỏ hoặc lụng thụng trông chẳng ra sao (Kubuntu chẳng hạn). Mandriva hòa nhập với KDE4 nhuần nhuyễn và có bản sắc riêng từ cái màn hình khởi động (splash) đến screensaver và nhiều tiểu tiết khác được may cắt riêng chứ không dùng cái có sẵn của KDE.

Nhìn sâu hơn thì cô thuộc loại quý tộc không nghèo nhưng cũng không phải là giầu. Các kho của hồi môn (repositories) khá lớn nhưng chưa bằng được một số cô khác. Và bố trí bên trong cũng hơi lộn xộn.

Tuy dòng dõi cao sang nhưng Mandriva nổi tiếng bình dân. Đặt vào đâu cô cũng hòa nhập rất tốt, không kén cá chọn canh gì (tương thích phần cứng tốt). Chỉ có đến đời 2009.1 này là thấy có chuyện. Cô sống rất thoải mái, nhanh nhạy với cái card màn hình Intel 82852/855GM, nhưng đưa sang chỗ khác có card  82G33/G31 cũng của Intel là chậm chạp hẳn. Đời trước 2009.0 thì lại không sao. Nguyên nhân có lẽ do cái driver Intel mới nhất hiện còn chưa ổn như đã nói trong một post trước.

Mandriva còn có một cô em diện áo GNOME, không xinh bằng chị nhưng nhìn thoáng hơn, nhanh nhẹn hơn vì bớt cầu kỳ. Hoa thơm đánh cả cụm nhưng đất chật đành cho hai cô ở chung một phòng (Install & Remove sofware -> Meta package -> GNOME -> task-gnome-minimal thế là xong). Thích ngắm cô nào thì ở cửa ra vào (màn hình Log in), nhấn vào hình quyển sổ bút chì đăng ký gặp cô đó. Hình cô em đây:

snapshot

Nếu để ý trên hình sẽ thấy, mặc dù cô em khoác áo GNOME nhưng vẫn dùng được đồ KDE của chị (Kontact) và ngược lại. Như thế hay hơn là chỉ có một thứ.

Đức vua hiện nay sủng ái cô chị Mandriva nhất. Hồi mới lập hậu cung, nghe thiên hạ đồn thổi người vời Ubuntu đầu tiên nhưng rồi chê vì hình thức màu mè xấu quá (hồi đó bản lĩnh người còn thấp chưa biết mua sắm trang điểm cho quý phi). Tiếp sau, có thời người sủng ái Kubuntu vì có nhiều nét hao hao giống hoàng hậu Windows. Bây giờ Mandriva với nền nếp gia phong dễ bảo lại xinh đẹp thì vượt lên không có gì là lạ.

Còn sau này thì chưa biết.

Ubuntu 9.04

snapshot1

Ubuntu là con gái nhà giàu mới nổi. Bố cô sau khi quăng một đống tiền đi du lịch vũ trụ về mới sinh ra cô. Tài kinh doanh, tổ chức của bố, tiền của bố và một chiến dịch lăng xê ngoạn mục đã làm cho Ubuntu nhanh chóng nổi như cồn. Chính nhà vua khi mới lập hậu cung cũng nghe đến tên Ubuntu đầu tiên. Đến bây giờ những kẻ chết mê chết mệt cô đông vô kể và đó chính là sức mạnh vô địch của cô. KDE 4.3 mới ra đời có mấy hôm đã có kẻ dâng lên cô rồi là một ví dụ. Đội ngũ fan người Việt cũng khá đông đảo và có một diễn đàn riêng (www.ubuntu-vn.org), cần gì lên đấy mà hỏi. Đó cũng là thế mạnh của Ubuntu ở cái xứ sở còn sơ khai về opensource này.

Kho của hồi môn (repositories) của Ubuntu thừa kế từ cụ bà Debian và bổ xung liên tục đứng vào hàng nhất nhì thiên hạ. Ngay kho Việt nam cũng được chăm sóc cẩn thận hơn các cô khác. Khi đức vua nổi máu phiêu lưu muốn thử cái mới, bao giờ người cũng dùng Ubuntu. Gia đình giàu có, đội ngũ fan đông đảo, thông tin tràn lan trên Internet, Ubuntu dễ dàng giải quyết được những việc mới đề ra.

Con gái nhà giàu mới lớn nên hơi khó bảo so với Mandriva. Có nhiều việc tề gia nội trợ bình thường, Mandriva có sẵn công cụ làm êm ru thì Ubuntu phải tìm kiếm cách làm, cài thêm công cụ,… hết hơi. Mặt khác vì là tầng lớp thượng lưu nên hay sợ điều tiếng, những cái gì không phải opensource là không dùng, báo hại người dùng phải tự bổ xung hơi bị mệt. Nhưng về lâu dài, tiềm năng của Ubuntu là vô địch và tương lai chắc còn sáng lạn.

Cô em Kubuntu khoác bộ cánh KDE4 lộng lẫy cũng được cho ở chung với chị (System -> Administration -> Synaptic Package Manage rồi tìm cài kubuntu-desktop). Nếu muốn diện bộ áo mới nhất KDE 4.3 (vừa may xong hôm 4/8/2009) thì theo hướng dẫn ở đây. hoặc ở đây. Mặc áo xong, ra khỏi phòng (log out) rồi trước khi vào lại, ở màn hình Log in nhấn vào Options -> Sessions để chọn. Kubuntu mặc áo KDE4 không được nhuyễn như Mandriva. Dung nhan Kubuntu 9.04 với KDE 4.3 như thế này:

snapshot2

Sống chung nên hai cô có thể dùng lẫn đồ của nhau. Ubuntu có thể dùng Kontact viết cho KDE và ngược lại Kubuntu cũng dùng được Brasero vốn viết cho GNOME. Thực ra cái đó không phải là mới. Thời các cụ tổ Red Hat (còn miễn phí) và Mandrake, bộ CD cài có 5-6 đĩa, cài xong là có cả KDE và GNOME cùng một đống phần mềm hỗn hợp. Bắt đầu từ Ubuntu nhằm mục đích phổ biến cho nhanh, mọi thứ được co gọn lại về bộ cài một đĩa CD mới có sự phân biệt như ngày nay.

Linux Mint 7

Screenshot

Trong 12 tháng qua (và kể cả trước đây), Linux Mint luôn đứng trong TOP 5 Người đẹp Linux Hoàn vũ. Về cô này đã có bài chi tiết trước đây. Khi cần giới thiệu người đẹp Linux với một người mới (bạn bè, người thân) đưa cô này ra là tiện nhất vì các lý do sau:

  • Mất độ 20 phút cài vào ổ cứng là xong. Hầu như không phải cài thêm gì (trừ bộ gõ tiếng Việt). Ubuntu và Mandriva phải cài bổ xung nhiều. Linux Mint con nhà bình dân không thượng lưu như Mandriva và Ubuntu nên không câu nệ tiểu tiết hay nói đúng hơn là không sợ điều tiếng. Cái gì cần là có không phân biệt cái đó có thuộc đẳng cấp mình (opensource) hay đẳng cấp khác (proprietary).
  • Giao diện nhẹ (GNOME) phù hợp với mọi cấu hình máy, thoáng, đẹp và menu dễ dùng.
  • Linux Mint cũng họ nhà Ubuntu. Do đó thừa hưởng được mọi ưu thế (và cả nhược điểm) của Ubuntu như đã nêu ở trên, nhất là phần hướng dẫn tiếng Việt cho người mới học. Mặt khác vì sinh sau nên Linux Mint có những phần bổ xung mà Ubuntu không có.

PCLinuxOS 2009.2

PCLinuxOS năm ngoái liên tục đứng trong TOP 5 Người đẹp Linux Hoàn vũ. Năm nay thì tụt hạng còn có thứ 7 nhưng vẫn còn có hạng. Con nhà nghèo (nhóm phát triển hoàn toàn là tình nguyện), bố mẹ lại lục đục nên cô chịu nhiều thiệt thòi. PCLinuxOS thuộc họ nhà Mandriva nên cũng thừa hưởng được nền nếp gia phong vốn có (Administration Center).

snapshot1

PCLinuxOS 2009.2 vẫn giữ nguyên bộ áo KDE3. KDE3 nhẹ hơn KDE4 dù không lộng lẫy bằng nhưng phát triển lâu nên khá chín, nhiều công cụ tiện ích bổ xung và chạy cũng nhanh hơn. PCLinuxOS cũng như Linux Mint có tính thực dụng cao nên cái gì cần là có và có khá nhiều tiện ích.

PCLinuxOS có một bộ cánh GNOME khá độc đáo như thế này (cái theme này chắc cài được lên các bản GNOME khác):

Screenshot

Tuy nhiên hai cô này hơi khó ghép ở chung với nhau.

Một trong những điểm chơi trội gần đây của PCLinuxOS là bản Firefox 3.5 vừa ra đời chỉ ít lâu sau đã được chính thức đươưa vào kho và tự động upgrade được. Các cô khác còn đang ngắm nghía, thử nên nếu muốn phải tự cài riêng từ ngoài vào.

Thực tình trước đây openSUSE, Fedora, Debian, Mepis, DreamLinux, Knopix,… và thậm chí cả openSolaris cũng đã lần luợt đi qua hậu cung này. openSUSE dung nhan không có gì đặc biệt, nề nếp gia phong rất bài bản nhưng lại quá rắc rối khắt khe, Fedora và Debian dòng dõi lâu đời nhưng không có gì nổi bật đối với người dùng bình thường, Solaris là một nhánh trực hệ của cụ cố Unix, khó tính khó nết không chịu sống chung với các cô khác nên đều bị loại. Bởi vì mục đích lập hậu cung là thực dụng, không phải nghiên cứu.

Những lúc vui đùa với đám mỹ nữ này, coi khinh các loại virus, nghĩ đến những kẻ đang mê muội bám đuôi bà lão Window mà thấy thương và ái ngại.

(còn tiếp, nếu trời còn nóng).

3 thoughts on “Hậu cung của nhà vua

    • PCLinuxOS dựa trên Mandriva, bạn có thể tải hướng dẫn về Mandriva từ các kho dữ liệu ở góc trên bên phải màn hình blog. zxc232

Bình luận về bài viết này